Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hy vọng trong sự thật

§ Lm Phêrô Trần Đình Lai

Hơn 100.000 con tim rạo rực khi đặt chân tới Sở Kiện và ra về với những niềm hi vọng khác nhau. Riêng tôi có 5 niềm vui và những điều hi vọng.

Niềm vui thứ nhất: Vui mừng vì sự “chiếu cố” cần thiết của chính quyền Việt Nam khi họ “chấp thuận” cho tổ chức đại lễ khai mạc Năm Thánh trên vùng “đất nóng” của lịch sử đức tin Công giáo Việt Nam - Sở Kiện - nơi mà gần 150 năm trước - Năm 1867, Đức cha Puginier đã khởi công xây dựng ngôi nhà thờ chính tòa đầu tiên của giáo phận Tây Đàng ngoài, đánh dấu một mốc son đức tin chân chính cho dân tộc Việt Nam nói chung và cách riêng cho miền bắc Việt Nam.

91124SoKienruoc01.jpg

Sở dĩ tôi nói “chiếu cố” vì vạn bất đắc dĩ họ mới đồng ý như vậy, mặc dẫu đó là quyền chính đáng mà đồng bào ta được hưởng, cách riêng là người Công giáo Việt Nam trước những nhu cầu thiết yếu của Đức Tin.

Niềm vui thứ 2: Vui mừng vì sức khỏe của Cha Giuse. (Tôi và con cái giáo xứ Yên Lý nhỏ bé tôi coi sóc thường gọi Đức Tổng Kiệt là Cha Giuse) sau nhiều thông tin thất thiệt về sức khỏe của Ngài trong biến cố Thái Hà, Khâm Sứ, Tam Tòa, Loan Lý… nay thấy Cha Giuse khỏe và linh hoạt điều hành cuộc lễ khai mạc thành công như vậy thì chúng tôi mừng. Điều này được tác giả Nguyễn Long Thao nói khá rõ trong bài viết Phân tích vấn đề Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt từ chức (trên VietCatholic).

Niềm vui thứ 3: Vui mừng về sự hiện diện của đại diện 12 đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam và các vị đại diện các các tôn giáo anh em. Nói gì thì nói nhưng thiếu tâm tình bên trong cũng như sự hiện diện bên ngoài của các vị ấy thì tinh thần hiệp thông cũng kém phần thiêng liêng. Điều mà Đức Tổng Giuse đã nói lên trong lời cảm ơn của ngài sau Thánh lễ : “Chúng tôi nhiệt liệt chào mừng đại diện của các tòa đại sứ: Anh, Áo, Ba Lan, Bỉ, Đan Mạch, Đức, Hoa kỳ, Pháp, Thụy sĩ, Úc, Ý và các tòa đại sứ khác trong thánh lễ này. Cám ơn quý vị đã đến để nói lên lòng trân trọng đối với các giá trị tâm linh và sự quan tâm đến tôn giáo là nhu cầu và quyền lợi của con người. Chúng tôi vô cùng cảm kích trước sự hiện diện của các vị chức sắc các tôn giáo bạn. Khác niềm tin nhưng chúng ta cùng một thao thức phát triển phần tâm linh cao quí để con người được sống hạnh phúc. Với sự hiện diện của quý vị, sự cộng tác giữa các tôn giáo chắc chắn sẽ ngày càng tốt đẹp”.

Niềm vui thứ 4: Vui mừng về những nghĩa cử của các đức Hồng y, Đức Giám mục Chủ tịch, Đức Tổng Giám mục Trưởng ban Tổ chức tại Hà Nội, các tổng giám mục và giám mục trong Hội đồng Giám mục Việt Nam và các đức Hồng y đến từ Vatican – trong đó một vị gốc Pháp và một vị gốc Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Paris (Pháp), Đức Giám mục giáo phận Orange County (Hoa Kỳ); Đức ông Choi từ Tổng Giáo phận Seoul (Hàn Quốc), Cha Bề trên Tổng quyền Hội Thừa Sai Paris (Pháp).

Mỗi người một vẻ, một phong thái riêng thể hiện hình ảnh Đức Kitô nơi chính con người và sứ vụ mà Chúa đã đặt trong những hoàn cảnh, phẩm chức khác nhau. Tuy nhiên tất cả đều có một điểm chung là “Thao thức cho một Giáo hội Công giáo Việt Nam đang khắc khoải”.

Trong những thao thức ấy tôi quan tâm tới thao thức của Đức Cha Roger Etchégaray, vị Hồng y ngoại quốc này đã hô to “Dân tộc Việt Nam muôn năm”. Mặc dầu người dịch nói là “Giáo hội Việt Nam muôn năm” nhưng sự thật thì Người đến từ Rome đã nói “Dân tộc Việt Nam muôn năm” tôi hài lòng về câu nói này. Tuy nhiên, khi một người mang quốc tịch Vatican nói lời tự hào về dân tộc Việt Nam còn chúng ta tự hào về điều gì trong khi chúng ta là con cháu Vua Hùng xét theo nghĩa trần thế? Lại nữa, vào cuối lời tâm sự của ngài trong bài phát biểu hôm đó có một chi tiết khá thú vị. Cha Roger Etchégaray nói, đại khái như thế này: “Cái tai của tôi có vấn đề, tôi mới chỉ nghe được một bên còn bên kia nghe chưa rõ lắm, xin lặp lại một lần nữa để tôi nghe cho được rõ hơn”. Dứt lời, một tràng pháo tay giòn giã hơn, dài hơn đã vang lên, tôi chờ đợi mãi tràng pháo tay này, vì Rome trên một phương diện nào đó đã công khai “cái tai có vấn đề” nhưng lại biết lắng nghe nhiều chiều và luôn sáng suốt trong mọi quyết định “Chậm như Rôma”. Tuy chậm nhưng đúng với chữ thời chứ không phải là sự bảo thủ trì trệ, tắc nghẽn, ngột ngạt theo chủ trương của thế gian.

Niềm vui thứ 5: Tôi vui mừng vì thấy đông đảo giáo dân và tu sĩ ngoài giáo phận Vinh vây quanh, ân cần thăm hỏi vị cha già của chúng tôi - Đức Cha Phaolô trong dịp đại lễ ở Sở Kiện lần này. Điều đó nói lên rằng khi một người tu hành sống và làm chứng cho sự thật đúng nghĩa dẫu cuộc đời có phũ phàng thì “Thiên Chúa là đấng thấu suốt mọi tâm can sẽ trả công cân xứng cho người”. Ở cái tuổi ngoài 80 thử hỏi được mấy ai nhiệt tâm với con chiên và công lý như Đức Cha Cao Đình Thuyên?

Hôm đó gần 100 anh em linh mục và khoảng hơn 4000 giáo dân giáo phận Vinh đi lễ Sở Kiện, mỗi người ra về với nhiều thao thức khác nhau nhưng chắc rằng có chung một hi vọng. Hi vọng Ban Tôn giáo và chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Bình nên có một sự sám hối tận căn về những gì họ đã làm trong thời gian qua đối với người Công giáo Giáo phận Vinh, cách riêng là ở Quảng Bình.

Cá nhân tôi, hi vọng một đường lối đối thoại tích cực giữa chính quyền và Công giáo về những bất đồng chính kiến không đáng có. Đối thoạt tích cực mà tôi hi vọng ở đây là một sân chơi tri thức, có trách nhiệm với nhau và sẵn sàng xin lỗi nếu ai có lỗi. Đơn cử một vài việc gần đây. Cho tới nay linh mục đoàn Giáo phận Vinh chúng tôi ấm ức mãi sự việc những kitô hữu ở Tam Tòa bị đánh đập dã man, 3 người anh em linh mục, cha Ngô Thế Bính, cha Dương, Cha Hữu, làm mục vụ ở Quảng Bình bị ngược đãi, nhưng mãi tới nay chưa thấy một động thái tích cực nào của chính quyền tỉnh Quảng Bình. Ngay khi anh em linh mục chúng tôi chuẩn bị bước vào tuần tĩnh tâm thì tượng đài Đức Mẹ La Vang ở Bàu Sen ngang nhiên bị tháo dỡ xúc phạm.

Bởi đó phải có một lối đi cụ thể cho sự hòa giải chứ không thể chung chung theo chủ trương nọ chính sách kia. Hòa giải không cụ thể là tiến lên chủ nghĩa hi vọng không tưởng.

Hi vọng Ban Tôn giáo Chính phủ nên có một cái nhìn trưởng thành về tôn giáo. Tôn giáo là một một chân lý của nhân loại, nhu cầu tôn giáo là quyền tất yếu của con người mọi thời đại. Dân càng giàu, nước càng mạnh thì nhu cầu tôn giáo càng lớn đó là nguyên lý tất yếu trong quy luật phát triển của mọi quốc gia, không riêng gì Việt Nam. Việc trung dung tích cực giữa tôn giáo và chính trị là vấn đề mấu chốt cho sự hưng thịnh của một quốc gia. Nói cách chính xác là tôn giáo giúp cho chính trị ổn định nhiều hơn là công an và quân đội, đặc biệt là ở Việt Nam trong thời điểm này.

Và khi một cái nhìn trưởng thành về tôn giáo được khai mở thì quyền tham gia an ninh trật tự cũng như cải cách xã hội được bình đẳng phát triển. Thử hỏi trong các bộ, ngành trung ương và các cơ quan Chính phủ Việt Nam hiện hành được mấy người có chức quyền và tiếng nói được chấp thuận mà người đó không cần đảng tịch? Phải sớm có một giải pháp hòa giải tích cực và cân bằng tri thức chân chính thi niềm “hi vọng” mới có cơ sở và giới tri thức chân chính Việt Nam mới có cơ hội dấn thân xây dựng dân tộc.

Hi vọng vào một sự bứt phá cái “tôi”quyền lực của các vị lãnh đạo quốc gia để dám nhìn thẳng vào sự thật Việt Nam hôm nay. Các vị đang làm gì cho dân tộc Việt Nam chúng ta?

Phía Giáo hội Công giáo Việt Nam liên tục canh tân chính mình và thể hiện dưới nhiều hình thức, cụ thể đã công khai bộc lộ điều đó vào chiều tối hôm trước lễ khai mạc, trong nghi thức sám hối và hòa giải được thực hiện bởi Giáo phận Thanh Hóa, thay mặt toàn thể Giáo hội Việt Nam. Điệp khúc tạ tội được khảng khái nói lên như một nghĩa cử lột xác để được giải thoát “chúng con xin cúi đầu tạ tội!”. Ai nghe cũng không khỏi ngậm ngùi sám hối và thức tỉnh chính mình.

Ý nghĩa sám hối đó một lần nữa lại được Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, cụ thể trong bài giảng Thánh lễ khai mạc Năm Thánh 2010. Ngài nói:“Đã đến lúc người Việt Nam phải thẳng thắn nhìn nhận rằng chúng ta đã làm khổ nhau quá nhiều vì bảo thủ chính kiến và thành kiến, vì độc tôn phe nhóm và tư lợi. Phải khép lại quá khứ tị hiềm, ngờ vực để thế hệ mai sau không quy trách thế hệ chúng ta. Hãy cùng nhau chia sẻ một giấc mơ chung về đất nước, quê hương, dân tộc, xã hội, để giới trẻ của chúng ta an lòng tin tưởng bước vào tương lai.

Tắt một lời: mang trái tim Việt Nam, trên đất mẹ thân yêu hay ở bất kỳ đâu, người Việt Nam là anh em một nhà”.

Tôi trở về nhiệm sở của mình mà mà lòng thao thức mãi khôn nguôi về những dấu ấn của một chuyến đi. Tôi nghĩ niềm “hi vọng” mà Cha Roger Etchégaray đề cập tới không phải là một quan điểm sáo mòn của Rome nhưng là một hiện thực sinh động, rất phù hợp với hoàn cảnh chính trị và tôn giáo Việt Nam hôm nay, nếu đôi bên biết sám hối tận căn và có giải pháp hòa giải tích cực.

Hi vọng một sự đổi mới tích cực, đa chiều nơi mỗi con người cụ thể chứ không phải là sự thay đổi chiến thuật, phương pháp đối phó tôn giáo, đối phó chính quyền. Hơn thế nữa, giáo lý Kitô giáo không mời gọi chúng ta phấn đấu để đạt tới một hạnh phúc, một niềm hi vọng viễn vông nào đó mà là nhắm tới sự hoàn thiện mỗi con người cụ thể để: “Nên Thánh như Cha các con là Đấng Thánh”. Bởi đó góc nhìn về khái niệm “hi vọng” trong ý tưởng của người đến từ Rome là Hi vọng một sự đổi mới tích cực, cụ thể của cả đạo và đời – Hi vọng trong sự thật chứ không phải là hi vọng vào một miền đất hứa hiện sinh, quẩn quanh trong cơ chế Sa mạc. Như vậy thì tội nghiệp cho đồng bào ta lắm.

Tôi “vui mừng và hi vọng”. Tôi suy nghĩ mãi về tấm logo trong lễ khai mạc năm thánh mang đậm nét dân tộc Việt Nam. Chiếc máy ảnh tôi mang theo nó cũng cũ rích như con người và nghệ thuật nhiếp ảnh của tôi nhưng dẫu sao đây cũng là tấm hình tôi thích nhất trong chuyến đi này.

Cho phép tôi được khép lại trang tâm sự trên đây bằng mẩu chuyện trong Đường hi vọng của Đức cố Hồng y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận khi ngài nói về ý nghĩa hiệp thông: * Con hô một khẩu hiệu: "Tất cả hiệp nhất", hiệp nhất giữa các người Công giáo, hiệp nhất giữa các Kitô hữu, hiệp nhất giữa các dân tộc. Như Chúa Cha và Chúa Con là một (ĐHV 982).

Đức Thượng phụ Athénagoras (1886-1974) là biểu tượng sống động của phong trào hợp nhất Kitô giáo. Ngài liên kết chặt chẽ với Đức Phaolô VI. Ngài tuân theo và đồng ý với mọi đường lối cũng như chương trình của Đức Giáo Hoàng ở Roma. Ngài gọi Đức Phaolô VI là Thánh Phaolô 2. Mỗi đêm ngồi cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ cho Đức Thánh Cha.

Ngài luôn luôn khát vọng sự hợp nhất. Cũng như Đức Gioan XXIII, lúc hấp hối, miệng ngài đã liên lỉ lặp lại câu này: "Làm sao để trở nên một".

Đức Thượng phụ Giáo chủ còn nói về sự hiệp nhất thế này: "Một ngàn năm đầu, Hội Thánh chỉ là một gia đình, một ngàn năm sau là sự cải vã chia lìa nhau! Còn giờ đây chúng ta đang ở ngưỡng cửa của thời đại mới: Thời đại bác ái hiệp nhất!" Rồi Ngài hỏi hai lần: "Các cha có biết cuốn sách nào hay nhất thế giới không?" Và ngài tự trả lời: "Chính các cha là cuốn sách đó, vì nếu chúng ta hiệp nhất trong tình yêu của Chúa là chúng ta hiệp nhất trong Đức Kitô, mà Đức Kitô là tất cả sự khôn ngoan của vũ trụ".

Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh đã khép lại, nhưng mở đầu cho một Năm Thánh của Giáo hội Việt Nam, cũng là mở đầu cho những niềm vui và hi vọng mới.

Lm Phêrô Trần Đình Lai
Quản xứ Yên Lý - Giáo phận Vinh

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 01.12.2009. 09:21