Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cử hành thánh lễ trọng thể tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành

§ Lê Đình Thông

Trong khuôn khổ viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô (Visita ‘‘Ad Limina Sanctorum Apostolorum Petri et Pauli’’), 17 giờ ngày 23-6-2009, Đức TGM Giáo tỉnh Huế Nguyễn Như Thể đã chủ tế thánh lễ tại đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành, với sự đồng tế của ĐHY Phạm Minh Mẫn, Đức TGM Ngô Quang Kiệt và các vị giám mục Việt Nam. Theo lời Đức Ông Trần Văn Khả, hướng dẫn phụng vụ trong thánh lễ này, ‘‘tất cả các giáo phận cùng hiệp thông với giám mục của mình trong khi ngài đến Roma’’, vì ‘‘biến cố của giám mục giáo phận cũng liên hệ tới sinh hoạt của toàn thể giáo phận.’’ Để thể hiện tinh thần hiệp thông, các nam nữ tu sĩ Việt Nam hiện làm việc hoặc du học tại Roma và đoàn hành hương của Giáo xứ Việt Nam tại Paris do linh mục Trần Anh Dũng hướng dẫn đã dự thánh lễ này.

StPaul-outside-the-walls.jpg

Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành

Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành là một trong bốn đền thờ cả (basiliques majeures), sắp theo ngôi thứ (préséance) như sau:

- Tổng Vương cung Thánh đường thánh Jean de Latran (archibasilique Saint-Jean de Latran) là nhà thờ chính tòa Roma và cả thế giới.

- Vương cung Thánh đường thánh Phêrô, ở Vatican, có mộ thánh Phêrô.

- Vương cung Thánh đường thánh Phaolô ngoại thành, trên thông lộ Ostienne, có mộ thánh Phaolô.

- Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, nơi có thánh tích hang đá Bê Lem.

Thánh Phaolô được an táng trong một ngôi mộ cổ nằm trên thông lộ Ostienne, ở ngoài tường thành Aurélien. Vì vậy đền thờ mang tên ngoại thành.

Ngày 23-6, đền thờ thánh Phaolô ngoại thành mang hình ảnh Giáo hội Việt Nam. Trên cung thánh, Đức hồng y và các vị giám mục Việt Nam làm thành hình bán nguyệt. Cộng đoàn dân Chúa Việt Nam tại Roma và Paris xuất thân từ giáo tỉnh Hà Nội, Huế và Saigon dự thánh lễ. Theo linh mục Thiện Tĩnh, ‘‘đoàn giám mục Việt Nam ‘‘Ad limina’’ với một đội ngũ đầy đủ và phong phú:

- Thứ nhất: phong phú về số lượng với con số 31 đức cha từ 25 giáo phận thuộc 3 giáo tỉnh (Hà Nội, Huế và Saigon), chưa kể giáo phận Phát Diệm còn trống tòa.

- Thứ hai: phong phú về chức vụ. Có Đức cha chủ tịch, phó chủ tịch, tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, có Đức Hồng y, quý Đức Tổng giám mục và quý Đức cha đặc trách 15 ủy ban thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.

- Thứ ba: phong phú về tuổi tác và năm tấn phong giam mục. Cao tuổi nhất là Đức cha Phaolô Cao Đình Thuyên (1927), thứ đến là các Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Đức cha Nguyễn Thanh Hoan, Đức cha Phanxicô-Xavier Nguyễn Văn Sang (1932). Ít tuổi nhất là Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên (1960), rồi đến Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri và Đức cha Vincentê Nguyễn Văn Bản (1956). Số năm làm giám mục dài nhất là Đức cha Stêphanô Nguyễn Như Thể, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa (tấn phong năm 1975). Số năm làm giám mục ngắn nhất là Đức cha Vincentê Nguyễn Văn Bản (tấn phong năm 2009).

Ca khúc nhập lễ ‘‘Lên Đền Thánh’’ của linh mục Thành Tâm do các nam nữ tu sĩ ở Roma và giáo dân từ Giáo xứ Việt Nam Paris đồng ca đã thể hiện ý nghĩa của thánh lễ: ‘‘Từ muôn phương ta về đây sánh vai lên đường, đường đưa ta đi lên đền Chúa ta.’’

Trong phần giảng thuyết, Đức cha Bùi Văn Đọc đã nhắc lại sứ vụ của các giám mục:

‘‘Hôm nay, tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, kỷ niệm 2000 sinh nhật của thánh Phaolô, chúng tôi cần phải xác tín sứ mạng ‘‘Đến với muôn dân’’ (ad Gentes) của chính chúng tôi.’’

‘‘Rõ ràng sứ mạng của chúng tôi là một sứ vụ tôn giáo không phải là một nhiệm vụ chính trị, như Chúa Giêsu khẳng định trước mặt Philatô: ‘‘Nước ta không thuộc về thế gian này.’’(xin xem toàn văn bài giảng của Đức cha Bùi Văn Đọc trong phần phụ lục)

Bài giảng thuyết của Đức cha Bùi Văn Đọc diễn tả niềm vui và hy vọng của các Đức cha trong Hội đồng Giám mục Việt Nam đã phản ảnh trung thực quan điểm của Tòa Thánh qua huấn từ của ĐTC Bênêdictô XVI gửi Đức Hồng y và các Đức Giám mục Việt Nam ngày 27-6-2009:

‘‘Sự phát triển ơn gọi linh mục và tu sĩ, nhất là đời sống nữ tận hiến, là ân sủng của Thiên Chúa dành cho Giáo hội Việ Nam.’’

Linh mục Trần Anh Dũng, trưởng đoàn hành hương của Giáo xứ Việt Nam vùng Paris và là giám đốc Đắc Lộ Tùng Thư đã chọn thời điểm đầy ý nghĩa này để phát hành tác phẩm thứ 16: Thoáng nhìn Giáo hội Công giáo Việt Nam (1533-2010) và tác phẩm thứ 17: Thư chung Hội đồng Giam mục Việt Nam (1980-2010).

thoang-nhin.jpg
thu-chung.jpg

Theo linh mục Trần Anh Dũng, Thoáng nhìn Giáo hội Công giáo Việt Nam (1533-2010) là ‘‘tài liệu nghiên cứu chiều dày công việc truyền giảng Tin Mừng trên non sông đất Việt xuyên suốt ba thời kỳ:

I -Thời kỳ Bảo trợ (126 năm, từ 1533 đến 1659)

II - Thời kỳ Giám mục Đại diện Tông tòa (300 năm, từ 1659 đến 1959).

III - Thời kỳ Giám mục Chính tòa: Thiết lập hành Giáo phẩm Việt Nam (50 năm: từ 1960 đến 2010).’’

Tác phẩm 680 trang này được phát hành ngày 29-6-2009, nhân dịp Hội đồng Giám mục Việt Nam viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô.

Bìa sách là tập hợp họa cảo (esquisse) màu nâu tượng trưng truyền thống dân tộc. Các họa tiết (motifs) giới thiệu cộng đoàn giáo dân, hàng linh mục tư tế và đền thánh.

Tác phẩm thứ hai cũng được phát hành vào thời điểm này là ‘‘Thư Chung Hội đồng Giám mục Việt Nam (1980-2010)’’. Bìa sách mang màu xanh diễn tả niềm hy vọng: nhà thờ chính tòa thánh Giuse (Hà Nội), Nhà thờ chính tòa Phủ Cam (Huế) và Vương cung Thánh đường Đức Bà (Saigon), tập hợp 32 tài liệu của Hội đồng Giám mục Việt Nam, mới nhất là thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi Cộng đồng Dân Chúa về việc chuẩn bị năm Thánh 2010.

Công trình biên khảo của linh mục Trần Anh Dũng thể hiện giáo huấn của vị tông đồ dân ngoại, được Đức TGM Ngô Quang Kiệt nhắc lại trong bài giảng ‘‘Tâm tình bên mộ thánh Phaolô’’ tại Roma sáng ngày 24-6-2009:

"Thánh Phaolô gần gũi vì vẫn hiện diện giữa chúng ta, trong Giáo hội mà Chúa đã đặt ngài làm nền tảng, một nền tảng vững chắc như lời Chúa hứa (x. Mt 16, 18), dù 2000 năm qua bao thế lực đen tối không ngừng gào thét, rung chuyển để mong phá hủy, nhưng trên nền tảng của ngài, tòa nhà Giáo hội vẫn luôn đứng vững. Ngài vẫn hiện diện trong Giáo hội mà chúng ta được hiệp thông, đặc biệt tình hiệp thông càng mãnh liệt hơn trong những ngày này, khi Hội đồng Giám mục Việt nam thực hiện cuộc viếng mộ ngài và gặp gỡ với Đấng kế vị của ngài. Ngài vẫn hiện diện trong ngôi nhà thờ dâng kính ngài, ngôi nhà thờ tượng trưng cho tòa nhà Giáo hội, để đón tiếp chúng ta hôm nay, như xưa ngài đã đón tiếp Chúa Giêsu và đoàn môn đệ đến thăm nhà ngài, một cuộc viếng thăm mà Chúa Giêsu ưu ái dành cho người tông đồ trưởng.’’

- Bài giảng của Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành

Lê Đình Thông

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 30.06.2009. 22:47