Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Học Thuyết Xã Hội Công Giáo Và Cộng Đoàn Tu Trì

§ Nt Maria Lê Thị Kim

Học Thuyết Xã Hội Công Giáo Và Cộng Đoàn Tu Trì [1]

Nhập đề:

Đời sống thánh hiến là một lối sống của người tu sĩ được “Thiên Chúa yêu thương, tuyển lựa và thánh hiến” (Cl3,12), họ “lội ngược dòng đời” để đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, làm chứng tình yêu Ngài cho con người trong thế giới. Do đó, khi nói về bản tính và tầm quan trọng của bậc tu trì, Công đồng Vaticanô II viết: “Dân Thiên Chúa không đặt thành trì vĩnh viễn ở đời này, nhưng đi tìm một thành trì mai sau, nên bậc tu trì giải thoát người tu sĩ bớt những lo lắng trần tục, tỏ lộ một cách hoàn hảo hơn cho người tín hữu thấy Nước Trời ngay dưới trần gian này và làm chứng rằng ơn cứu chuộc của Chúa Kitô đã đem lại một đời sống mới vĩnh cửu”[2].

Như thế, theo minh định của công đồng, đời sống tu trì mang tính thiêng liêng giải thoát người tu sĩ khỏi những lo lắng trần thế và họ là dấu chỉ của Nước Trời, có khả năng “đánh thức thế giới” [3].

Trong khi đó, với sứ mạng đem Tin Mừng vào thế giới, Giáo Hội đã đưa ra học thuyết xã hội bằng các nguyên tắc và giá trị nền tảng để khuyến khích người Kitô hữu tham gia, dấn thân hoạt động xã hội trần thế qua các lãnh vực như: Kinh tế, chính trị, văn hóa…một cách hữu hiệu.

Như một quy luật tất yếu, trần thế và thiêng liêng, cộng đồng xã hội và cộng đoàn tu trì thuộc hai lãnh vực khác nhau, cho nên khó có thể dung hòa khi áp dụng những nguyên tắc và các giá trị hướng dẫn của đời sống này vào đời sống sống kia. Tuy nhiên, học thuyết về xã hội của Giáo Hội Công Giáo đã được rút ra từ nền tảng luân lý tự nhiên và luân lý Tin Mừng để đưa ra các nền tảng và các giá trị như: nhân phẩm, công bằng, liên đới, bổ trợ, sự thật, tự do, tình yêu...rất phù hợp với từng cá nhân trong mối tương quan với cơ cấu xã hội con người, hay với các cộng đồng xã hội con người trong bất cứ hoàn cảnh hoặc thể chế nào trên thế giới.

Vậy chúng ta có thể áp dụng bốn nguyên tắc và bốn giá trị chính yếu học thuyết xã hội của Giáo Hội vào đời sống cộng đoàn tu trì như thế nào?

Trước khi đi vào tìm hiểu nội dung, chúng ta thử lược qua một vài hạn từ khái quát liên quan đến chủ đề.

I. Một Vài Khái niệm

1. Học thuyết xã hội Công Giáo

Học thuyết xã hội của Giáo Hội được triển khai nhiều trong thế kỷ XIX khi xuất hiện xã hội công nghiệp với những hậu quả mang tính xã hội của nó: di tản ra khỏi các vùng quê, đời sống cùng khổ của công nhân, khai thác phụ nữ và trẻ em… Lúc đó người ta đã nói đến vấn đề xã hội. Từ đó có cái tên này. Nhưng thực chất học thuyết xã hội của Giáo Hội liên quan đến toàn bộ trật tự trần thế, cho dù mang ý nghĩa rộng rãi của một chủ thuyết, nhưng cốt yếu, nó đề nghị những nguyên tắc tổ chức các xã hội và các quốc gia phù hợp với Phúc Âm.[4] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo nói thêm :“Về mặt luân lý, Hội Thánh có sứ mạng khác với chính quyền: Hội Thánh quan tâm đến các khía cạnh trần thế của công ích vì chúng qui hướng về Sự Thiện tối thượng, là cứu cánh tối hậu của chúng ta. Hội Thánh cố gắng phổ biến những lập trường đúng đắn đối với của cải trần thế và với các quan hệ kinh tế xã hội”.[5]

2. Đời sống tu trì

Đời sống tu trì là cuộc đời tận hiến do việc khấn giữ các Lời Khuyên Phúc Âm là hình thức sống vững chắc. Nhờ đó, các tín hữu theo Chúa Kitô sát hơn và dưới sức tác động của Chúa Thánh Thần, hoàn toàn dâng mình cho Thiên Chúa mà họ yêu mến trên hết mọi sự; để với một danh hiệu mới và đặc biệt tự hiến thân làm vinh danh Thiên Chúa, xây dựng Giáo Hội và cứu rỗi thế giới, ngõ hầu đạt tới mức trọn hảo của đức ái trong việc phục vụ Nước Thiên Chúa và trở thành dấu chỉ rực rỡ trong Giáo Hội, họ tiên báo ngay bây giờ vinh quang trên trời.[6] Mặc dù cộng đoàn thánh hiến mang chiều kích thánh thiêng, nhưng vẫn là tập thể xã hội bao gồm những con người với muôn vàn khác biệt nhau. Người tu sĩ trong căn tính và sứ vụ căn bản, được mời gọi làm hiển hiện những kỳ công Thiên Chúa thực hiện nơi nhân tính mỏng dòn của mình. Làm chứng không bằng lời nói nhưng bằng chính ngôn ngữ hùng hồn là cuộc sống “đã được biến hình đổi dạng”, có khả năng làm thế giới kinh ngạc[7] bằng tình yêu trao ban vô vị lợi. Bởi đó, cộng đoàn thánh hiến cũng cần phải có cơ chế, nguyên tắc áp dụng để giúp mỗi người phát triển mình cho phù hợp với phẩm giá cũng như ơn gọi tu trì trong xã hội đầy biến động.

3. Lý do áp dụng

Với một vài giải trình khái lược về học thuyết xã hội Công Giáo và đời sống cộng đoàn tu trì như thế, cho dù chưa chuyên sâu cặn kẽ, vẫn có thể giúp chúng ta nhận thấy sự cần thiết của việc áp dụng những nguyên tắc và giá trị của học thuyết xã hội vào đời sống tu trì. Thật vậy, Cộng đoàn đời sống tu trong chiều kích “nhân vị tại thế”, luôn gắn kết với đặc tính xã hội. Do đó, những giá trị luân lý căn bản tự nhiên và mặc khải thật cần thiết để hoàn thành mục đích ơn gọi. Trong khi, những giá trị từ luân lý tự nhiên căn bản của con người cũng như giá trị luân lý mặc khải đã được học thuyết Xã hội Công Giáo đưa ra và áp dụng cho cộng người Kitô hữu như tôn trọng nhân vị, công ích, bổ trợ, liên đới, sự thật, tự do, công bằng và bác ái. Mặt khác, dẫu học thuyết xã hội Công Giáo được viết cho các Kitô hữu nhắm đến tham gia hoạt động xã hội trần thế, nhưng nếu được áp dụng trong cộng đoàn tu, chúng ta nhận thấy vẫn có thể đem lại được nhiều lợi ích cho sứ mạng ơn gọi của người thánh hiến, xét về tương quan cộng đoàn và các thành viên, để thực hiện hữu hiệu sứ mạng của đời tu.

II. Áp dụng các nguyên tắc và giá trị của học thuyết xã hội Công Giáo

Với những lý do trên, chúng ta áp dụng học thuyết Xã hội Công Giáo vào đời sống cộng đoàn tu theo các nguyên tắc và các giá trị chính yếu sau.

1. Áp dụng các nguyên tắc

Các nguyên tắc (Nhân Vị, Công ích, Bổ trợ và Liên đới) của Giáo huấn học thuyết xã hội Công Giáo được rút ra từ ánh sáng của luật tự nhiên và ánh sáng của Tin Mừng cho nên tự nó có giá trị nền tảng mang tính định hướng đối với cơ cấu xã hội và ngay cả cộng đoàn tu trì.[8]

a) Nguyên tắc Nhân Vị

Theo nguyên tắc Nhân Vị thì con người được Thiên Chúa sáng tạo và cứu độ đã mang một phẩm giá rất cao trọng trong vũ trụ vạn vật, trước mặt Chúa và trước mặt nhau: Con người là “hình ảnh sống động của Thiên Chúa”[9], là con cái của Thiên Chúa là Cha. Toàn bộ đời sống xã hội phải chăng chính là sự biểu hiện của một nhân vật chính không thể lầm lẫn được, đó chính là con người. Con người phải luôn luôn là chủ thể, là nền tảng và là mục tiêu của đời sống xã hội. Nguồn gốc của đời sống xã hội là chính con người, xã hội luôn phải nhìn nhận con người là chủ thể tích cực và hữu trách của mình, mọi biểu hiện của xã hội luôn phải quy hướng về con người.[10] Điều này cũng được đề cập tới trong tác phẩm “Một cái nhìn về Giáo Huấn xã hội Công Giáo” đó là: “Con người luôn luôn phải là chủ thể, chứ không bao giờ có thể bị giản lược vào hạng phương tiện hay dụng cụ sản xuất…”[11].

Là một cộng đồng “nhân vị” hiện diện giữa xã hội loài người, cộng đoàn tu cũng cần nhìn nhận, tôn trọng phẩm giá con người đích thực của các thành viên như mặc khải của Thiên Chúa và giáo huấn của Giáo hội trình bày. Chỉ trong xác tín nền tảng đó, mọi cơ cấu, tổ chức, bề trên, hội đồng, những người đặc trách và mỗi một thành viên… mới có thể trân quý nhân phẩm cũng như ơn gọi của các thành viên trong cộng đoàn. Một khi mọi người thánh hiến đều nhận ra phẩm giá cao quý của bản thân trong đời tu, chắc chắn sẽ làm nảy nở phát triển phẩm giá ấy, để nhờ đó họ cũng biết tôn trọng anh chị em.

Như vậy, nguyên tắc tôn trọng phẩm giá và quyền con người đi theo phẩm giá ấy là nguyên tắc quan trọng có thể áp dụng trong mọi quan hệ cộng đoàn cũng như việc điều hành cộng đoàn. Cộng đoàn tu trì áp dụng vào lắng nghe, tôn trọng phẩm giá từng người, xem mỗi người trong cộng đoàn đều là đo Chúa gửi đến, cần được đón nhận như nhau, không thiên lệch, không quá chú trọng người này mà xem thường người khác.

Tránh sự tồn tại một nhóm, một cộng đoàn, hay những công việc tạo nên sự bất bình đẳng, làm giảm đi sự tôn trọng hoặc tệ hại hơn, xúc phạm đến phẩm giá của mỗi thành viên. Việc áp dụng nguyên tắc Nhân Vị vào đời sống tu trì cần được ưu tiên hàng đầu.

Kinh nghiệm lịch sử các Dòng tu và các môi trường sống ơn gọi đã cho thấy có nhiều sự thất bại và đổ vỡ đáng tiếc của nhiều cuộc đời bởi nguyên tắc Nhân Vị nầy chưa được chú trọng và áp dụng đến nơi đến chốn.

Nói cách khác, có một tiêu cực lớn thường vẫn còn tồn tại trong nhiều cộng đoàn tu trì đó là người ta thường chú trọng đến tổ chức, cái đẹp của bề mặt bên ngoài của tập thể, sự ngăn nắp hoàn bị của đơn vị… mà quên đi việc thăng tiến, chăm sóc mỗi thành viên, trân trọng phẩm giá, nhân vị của từng người; nhất là những người kém may mắn, ít ỏi, không có gì nổi trội. Áp dụng nguyên tắc Nhân Vị trong đời tu cũng có nghĩa là không để ai cảm thấy mình bị lạc lõng, bị cô lập, bị coi thường…để phải dẫn đến cái kết cục ơn gọi bị đổ vỡ !

b) Nguyên tắc công ích

Có lẽ lối sống vị kỷ, thực dụng của con người trong xã hội cũng dễ len lỏi vào trong đời sống tu, thế nên tinh thần cộng đoàn luôn là thách đố với người dâng hiến.Trái lại với thái độ tiêu cực đó, Học thuyết xã hội Công Giáo cho rằng: “Mọi khía cạnh trong đời sống xã hội đều phải liên hệ đến công ích, nếu muốn đạt được ý nghĩa trọn vẹn nhất, công ích xuất phát từ chính phẩm giá, sự thống nhất và bình đẳng của hết mọi người”[12]. Theo Công đồng Vaticanô II giải thích công ích là “toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cho phép những tập thể, và các phần tử riêng rẽ của tập thể, có thể đạt tới sự hoàn hảo của mình một cách đầy đủ và dễ dàng hơn” (GS 26).

Như thế, theo nguyên tắc công ích, thì mỗi một con người đều mang một phẩm giá cao trọng như nhau, cho nên, khi mọi người chung sống với nhau hình thành nên xã hội thì xã hội ấy phải bảo đảm cho mọi người, tập thể hay cá nhân có được những điều kiện đạt tới sự phát triển cách đầy đủ, dễ dàng xứng hợp với nhân phẩm của mình. Các điều kiện ấy chính là công ích. Đó là ích lợi chung, không chỉ đơn giản là tổng số các thiện ích riêng của mỗi người trong xã hội cộng lại. Công ích không thể phân chia nhưng tất cả mọi người đều được thừa hưởng nó với sự đóng góp chính đáng của mọi người.

Do đó, một cộng đoàn mong muốn và có ý định tiếp tục phục vụ con người ở mọi cấp độ là một cộng đoàn phải lấy công ích, tức là lợi ích của hết mọi người và của con người toàn diện làm mục tiêu tiên quyết. Con người không thể sống một mình vì tự bản chất con người là một hữu thể có tương quan, con người luôn phải sống với người khác, vì thế, luôn cần phải biết sống cho, sống vì và sống nhờ người khác. Công ích có liên quan đến mọi thành phần trong xã hội, cũng như cộng đoàn. Công ích được áp dụng qua việc tôn trọng lợi ích cá nhân cũng như lợi ích chung ở trong cộng đoàn.

Với cộng đoàn tu trì, quyền lợi này phải được bề trên và chị em lưu tâm trong đời sống chung. Không ai được miễn trừ cộng tác vào việc thực hiện và phát huy công ích, tùy theo khả năng của mỗi người. Mỗi người cũng có quyền hưởng những điều kiện của đời sống cộng đoàn do việc tìm kiếm công ích mang lại. Vì vậy, theo nguyên tắc công ích, cũng đòi buộc và lên án con người hay xã hội, ngay cả cộng đoàn đời tu, khi chủ trương tìm kiếm ích lợi riêng cho cá nhân hay cho một nhóm đặc quyền, đặc lợi. Hơn hết, khi áp dụng công ích vào đời sống cộng đoàn tu trì phải giúp mỗi thành viên hướng tới mục đích tối hậu của công ích là chính Thiên Chúa, “Thiên Chúa mới là mục đích cuối cùng của tất cả thụ tạo và chẳng bao giờ người ta có thể tước đoạt khỏi công ích chiều kích siêu việt, một chiều kích vừa vượt lên trên, vừa hoàn thành chiều kích lịch sử”[13]. Cộng đoàn sẽ đi vào nề nếp, khuôn khổ, sẽ biết hy sinh để xây dựng cộng đoàn ngày một lớn mạnh nếu được áp dụng nguyên tắc một cách có ý thức cùng với ý thức của mỗi thành viên trong việc thực hiện. Áp dụng triệt để nguyên tắc Công Ích nầy, sẽ tránh tình trạng mỗi người chỉ biết lo vun vén cho bản thân quá, dẫn tới cộng đoàn cũng không thể phát triển; hay chỉ biết lo vun vén cho cộng đoàn mà quên đi các thành viên thì đời sống của mỗi thành viên sẽ không được triển nở.

c) Nguyên tắc bổ trợ

“Bổ trợ là một trong những định hướng bền vững và đặc thù nhất của Học thuyết Xã hội Công Giáo, và đã có mặt trong học thuyết ấy ngay từ văn kiện xã hội quan trọng đầu tiên” [14].

Theo nguyên tắc Bổ Trợ thì mỗi người đều được Thiên Chúa ban cho có những khả năng, ơn huệ như là những nén bạc không ai giống ai, nhưng không loại trừ nhau mà để chia sẻ, phục vụ lẫn nhau. Chân lý này đã được thánh Phaolô minh định: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, có nhiều việc phục vụ khác nhau, có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách là vì lợi ích chung” (x. 1Cr 12, 4-11). Do đó, trong đời sống cộng đoàn người ta luôn cần đến nhau, sống cho nhau, vì nhau và bổ túc cho nhau. Trên bình diện xã hội, các tổ chức cấp thấp cần được nhìn nhận và bổ trợ từ cấp cao hơn[15]. Đấy chính là nền tảng của nguyên tắc Bổ trợ. Bổ trợ là một trong những định hướng bền vững và đặc thù nhất của Giáo huấn Xã hội Công Giáo. Không thể phát huy phẩm giá con người mà không quan tâm tới những cộng đồng, những tổ chức, những hiệp hội trong mọi lãnh vực của đời sống xã hội dân sự do chính dân chúng tự động tạo ra nhằm cùng nhau thực hiện việc tăng trưởng xã hội cách hiệu quả.

Nguyên tắc này cũng đòi buộc mỗi người biết tương trợ lẫn nhau, phải có gì đó đóng góp cho cộng đoàn. Do vậy, nếu xét về đời sống cộng đoàn tu, nguyên tắc này được áp dụng vào đời sống cộng đoàn bằng cách mỗi thành viên cùng tham gia vào đời sống chung; cùng có trách nhiệm với cộng đồng mà mình là thành viên. Người tu sĩ, nhờ ánh sáng Lời Chúa soi sáng cần phải thấy rằng mình có bổn phận trách nhiệm chung tay, chung sức với mọi thành phần trong cộng đoàn[16]. Nâng đỡ lẫn nhau, giúp nhau thăng tiến, nâng đỡ nhưng không thay thế. Vã lại, nếp áp dụng nguyên tắc Bổ trợ thì cần được thay đổi một số hình thức cơ cấu trung ương tập quyền, cũng như sự can thiệp vô lý và thái quá của người lãnh đạo cộng đoàn, hay hội đồng vào đời sống cá nhân. Thay vào đó, nên có hình thức tản quyền, hay lãnh đạo ủy quyền để thu hút được sự tham gia của mọi người trong tiến trình ra quyết định, kể từ lúc lên kế hoạch, thực hiện cho đến lượng giá công việc phải làm. Lãnh đạo không hề can thiệp vào tiến trình ra quyết định này, trong chừng mực tiến trình được thực hiện tốt và không có vấn đề trầm trọng xảy ra. Trước khi áp dụng nguyên tắc này, cần phải chuẩn bị nhân sự, đào tạo nhân sự có khả năng lãnh đạo, cùng nhau góp phần thực hiện nguyên tắc bổ trợ giúp thăng tiến cộng đoàn và mở ra với mọi người mình gặp gỡ. Khi áp dụng nguyên tắc này cần chú ý đến những thành viên hay dựa dẫm, ỷ lại vào người khác. Nếu Bổ Trợ thái quá họ sẽ thiếu sáng kiến trong cách làm việc. Hoặc có khi sử dụng quyền một cách bừa bãi, gây ảnh hưởng đến đời sống chung.

d) Nguyên tắc liên đới

Giáo huấn của Hội Thánh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng “Sự liên đới làm nổi bật một cách đặc biệt bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá và quyền lợi, cũng như con đường chung cho các cá nhân và các dân tộc tiến tới sự thống nhất với một ý thức ngày càng cao hơn” [17]. Theo nguyên tắc Liên đới đó là “có một quyết tâm vừa chắc chắn vừa kiên định muốn dấn thân cho công ích”[18] . Như thế, liên đới không chỉ dừng lại ở sự công bằng giao hoán, có qua có lại, con người cần nhau thì có trách nhiệm với nhau mà đi xa hơn để đạt tới tình yêu đích thực. Theo Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI: “Liên đới được năng động hóa bởi tình yêu thì vượt qua công bằng, bởi vì yêu thương là trao tặng dâng hiến ‘điều thuộc về tôi’ cho người khác. Liên đới chẳng có thể hiện hữu khi vắng bóng công bằng. Chính công bằng thúc đẩy người ta trả lại cho người khác ‘điều thuộc về họ”[19]. Liên đới là nguyên tắc đòi người tín hữu, cũng như người sống đời dâng hiến phải biết sống có trách nhiệm với tha nhân cách vô vị lợi, ngay cả đó là kẻ thù thì cũng phải yêu thương họ bằng chính tình yêu mà Chúa đã yêu thương mình, sẵn sàng hy sinh cho họ ngay cả thí mạng sống vì anh em mình.

Áp dụng nguyên tắc liên đới qua việc thúc đẩy sự tham gia của các thành phần trong cơ cấu tổ của cộng đoàn, cũng như Hội dòng. Xây dựng tình liên đới qua tương quan với nhau, hổ trợ nhau, trò chuyện, trao đổi để nâng đỡ nhau, giúp nhau cũng thăng tiến trong đời sống tu đức, trí thức cũng như nhân bản. Cùng nhau chung tay xây dựng cộng đoàn mình đang là thành viên ngày một lớn mạnh. Để sống tình liên đới, cần tập sống hy sinh xả kỷ vì người khác. Yêu là chấp nhận hy sinh, chấp nhận mất mạng vì người mình yêu như Đức Kitô. Trong đời sống tu trì, việc liên đới còn được áp dụng trong đời sống phụng vụ, nguyện cầu nơi nguyện đường. Sống mỗi tương quan với tha nhân để lắng nghe, để cảm thông và đặc biệt tình liên đới này được biểu hiện khi ta biết đem những thao thức, trăn trở của tha nhân đến với Chúa. Nếu mỗi thành viên đều nỗ lực tham gia, đóng góp công sức của mình vào cùng mục tiêu chung và vào công ích, thì nhờ đó, tất cả cùng được hưởng lợi và phát triển. Liên đới giúp cho các thành viên và các cộng đoàn cộng tác với nhau, với bề trên, với những người có trách nhiệm…để Hội dòng đạt được mục tiêu chung và cùng nhau thăng tiến.

2. Áp dụng Các giá trị

Việc áp dụng các giá trị như sự thật, tự do, công bằng và yêu thương tạo điều kiện cho con người được phát triển thực sự. Bởi mọi giá trị xã hội đều nằm sẵn trong phẩm giá con người.

a) Giá trị Sự Thật

Mọi người có ba nghĩa vụ đối với sự thật: “Hướng tới sự thật, tôn trọng sự thật và làm chứng về sự thật một cách có trách nhiệm...”[20]. Sống trong sự thật là điều đặc biệt quan trọng trong các quan hệ xã hội, trong cuộc sống chúng ta. Giúp sống bình an dù có gặp gian nan khốn khó vì “sự thật sẽ giải phóng các con” (Ga 8,32).

Sự thật ở đây cũng được hiểu “chính là thành thật”[21]. Việc tìm kiếm sự thật liên quan đến thế giới truyền thông và thế giới kinh tế; vấn đề được đặt ra trong giá trị sự thật đó là việc sử dụng “tiền bạc”.

Áp dụng giá trị này vào đời sống tu trì ta thấy: Mỗi người cần phải học biết và thực hành một cách triệt để giá trị này. Vì là chứng nhân của Tin Mừng mà không tạo được sự tin tưởng nơi người khác thì ta không thể nào làm chứng tá được : “chúng tôi luôn chứng tỏ mình là những thừa tác viên của Thiên Chúa…bằng một tình yêu không giả dối, bằng lời chân lý, bằng sức mạnh của Thiên Chúa. Chúng tôi lấy sự công chính làm vũ khí tấn công và tự vệ” (2Cr 6,4.7). Lời khấn khó nghèo giúp người tu sĩ thanh thoát với của cái. Không những thành thật về việc sử dụng tiền bạc, nhưng còn trong hết mọi khía cạnh của cuộc sống. Khi áp dụng giá trị này vào cộng đoàn tu trì, người tu sĩ cần phải tôn trọng sự thật, làm chứng cho sự thật một cách có trách nhiệm, dù có khi sự thật đó làm cho cộng đoàn, cho cá nhân bị thương tổn, hy sinh. Thiếu tôn trọng sự thật trong đời sống sẽ dẫn đến bất an, mọi người khó tin tưởng, tạo nên sự đề phòng lẫn nhau. Bởi đó, cần áp dụng một cách triệt để, tuy nhiên cũng cần đến sự tế nhị (trong việc đánh giá hay sửa dạy ai về giá trị này). Điều này sẽ làm cho đời sống chung của các thành viên trong cộng đoàn trở nên chân thành, tin tưởng nhau hơn.

b) Giá trị Tự Do

Học Thuyết Xã Hội đã khẳng định: “Tự do là dấu chỉ cao đẹp nhất nơi con người, cho thấy con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa”[22]. Và như vậy, tự do là dấu chỉ phẩm giá con người. Như thế, theo giáo huấn của Giáo hội về học thuyết xã hội thì tự do cần được cổ võ để cho con người có được phẩm giá xứng đáng. Tuy nhiên, lắm lúc họ cổ võ tự do một cách lệch lạc, như có thể làm bất cứ điều gì mình thích, kể cả điều xấu. Nhưng tự do đích thực là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người. Bởi vì Thiên Chúa muốn để cho con người tự định liệu, hầu con người tự mình đi tìm Đấng Tạo Dựng và nhờ kết hợp với Người, con người tiến tới sự hoàn thiện trọn vẹn và hạnh phúc.

Áp dụng giá trị tự do vào đời sống cộng đoàn, trước tiên đó là mỗi thành viên phải ý thức và hiểu rõ thể nào là tự do đích thực cũng như tự do là dấu chỉ tuyệt vời của phẩm giá con người. Tự do đích thực được xây dựng trên sự thật và công lý, trong mối tương quan hổ tương giữa người với người và là khả năng chọn điều thiện hảo và có thể lãnh trách nhiệm[23].

Tự do trong đời sống cộng đoàn không phải là “muốn làm gì thì làm”, không cần để ý tới ai, không lưu tâm tới điều gì khác. Nhưng tự do gắn liền với trách nhiệm mà mỗi thành viên cộng đoàn phải thực hiện với Thiên Chúa, với cộng đoàn Hội dòng và ngay cả với chính bản thân. Muốn thực hành đúng đắn “tự do cá nhân”, đòi hỏi phải có những điều kiện đặc thù liên quan tới trật đời sống của cộng đoàn đời tu như quyền riêng tư, phân chia công việc, cơ cấu tổ chức…

Thực thi tự do, con người làm những hành vi tốt về mặt luân lý, có giá trị xây dựng con người và xã hội, nếu con người biết tuân theo sự thật. Người ta nhận ra sự thật liên quan đến điều tốt xấu một cách hết sức cụ thể, dựa vào phán đoán của lương tâm, khiến con người sẵn sàng chịu trách nhiệm về điều tốt và điều xấu đã làm. Tự do cũng đòi hỏi đặc biệt sự giáo dục lương tâm, để mỗi thành viên có thể gắn liền hành động với lương tâm và trách nhiệm.

Ngoài ra, tự do cũng đòi hỏi mở ra sự đối thoại để cùng tiến tới, đồng trách nhiệm giữa người lãnh đạo với các thành viên thực thi sứ mạng của cộng đoàn. Đối thoại phải thực hiện trong khiêm tốn, với thái độ sẵn sàng, tôn trọng, cảm thông với nhau, cùng nhau hướng tới một điều tốt đẹp hơn. Với Lời khấn vâng phục là phương thế giúp người tu sĩ định hướng tự do của mình: Tôi tự do chọn sống đời tu trì, và tôi tự do đón nhận tất cả những sự ràng buộc trong lối sống này, tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Cộng đoàn tu trì cần biết khuyến thích, tiến tới giá trị này một cách tích cực, để các thành viên có cơ hội thể hiện khả năng riêng mà Thiên Chúa trao ban, có sáng kiến trong việc xây dựng cộng đoàn cũng như việc phục vụ tha nhân.

c) Giá trị Công Lý (Công Bằng)

Theo học thuyết Công Giáo, Công lý chính là “có ước muốn kiên định và vững chắc trả những gì mình mắc nợ Chúa và tha nhân”[24]. Một cách nào đó, công bằng, hay công lý được định nghĩa là việc được đối xử một cách bình đẳng như nhau. Còn theo cách hiểu cổ điển, công bằng là việc phân phát cho mỗi cá nhân đúng với quyền lợi của họ. Nền tảng của khái niệm bình đẳng là một nguyên tắc đơn giản của sự công bằng; một trong những cảm thức luân lý đầu tiên được nhận thấy trong sự phát triển Nhân Vị là cảm thức về những gì là “công bằng” và những gì là bất công. Học thuyết giáo huấn của Giáo hội về xã hội cho biết phẩm giá của mỗi người trước mặt Thiên Chúa chính là nền tảng đem lại phẩm giá của con người trước mặt người khác. Và đó cũng là nền tảng tối hậu đưa tới sự bình đẳng và tình huynh đệ căn bản giữa mọi người, bất kể chủng tộc, giới tính, nguồn gốc, văn hoá hay giai cấp.

Do đó, khi áp dụng giá trị công bằng trong đời sống cộng đoàn, thì chỉ khi nào phẩm giá con người được nhìn nhận mới có thể có sự phát triển riêng và chung của mọi người (Gc 2, 1-9). Bởi đó, cộng đoàn cần nhất điều nầy là các vị có trách nhiệm luôn biết đối xử công bằng với từng thành viên, không phân biệt trình độ văn hóa, hay độ tuổi. Công minh trong mọi ứng xử, công việc, khen thưởng... và trong mối tương quan với hết mọi người.

Như thế, để khuyến khích sự phát triển này, cần đặc biệt giúp đỡ những người kém nhất, bảo đảm cho mọi người trong cộng đoàn có những điều kiện phát triển đồng đều, cũng như sự bình đẳng khách quan giữa các thành viên trước hiến pháp hiện hành của dòng tu. Thế nên, các vị bề trên cũng như các thành viên cần tránh những thiên vị lệnh lạc “thương riêng”, theo cảm tính, phân biệt xuất xứ, vùng miền, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, kỷ năng… giữa các thành viên trong cộng đoàn. Có thể có những người mình sẽ thấy dễ gần gũi hơn, dễ mến hơn những người khác, nhưng không vì thể mà mình chỉ biết đến với những người này mà loại trừ những người mình không thiện cảm…

d) Giá trị Tình Yêu

Giáo Hội trung thành với giới răn trọng nhất mà Đức Giêsu đã truyền dạy, nhấn mạnh rằng công lý mà không có tình yêu thì “công lý có thể phản bội chính mình”, nghĩa là nỗ lực thực thi công lý lại có nguy cơ làm phương hại đến công lý. Vì vậy, Giáo Hội dạy “Giữa các đức tính nói chung, và đặc biệt giữa các đức tính, các giá trị xã hội và tình yêu, có một mối liên kết rất sâu xa mà chúng ta cần phải nhận thức càng ngày càng đầy đủ hơn”[25]. Tình yêu là tiêu chuẩn và phổ quát cho mọi đạo đức xã hội; là nền tảng để khai sinh và phát triển các giá trị cao cả: “Chính từ nguồn cội yêu thương sâu xa ấy mà các giá trị như sự thật, tự do và công lý đã khai sinh và phát triển”[26]. Như vậy việc áp dụng giá trị tình yêu vào cuộc sống là điều rất cần thiết giúp thực hành các nguyên tắc cũng như các giá trị khác với “nhãn quan” mới mẻ hơn, sáng tạo hơn và hiệu quả hơn đối với bản thân cũng như với tha nhân.

Thật vậy, tình yêu tha nhân giúp cho con người khám phá các nhu cầu, các quyền lợi của tha nhân để có thể tôn trọng. Về phương diện này, phải công nhận tính xúc tác của bác ái Kitô giáo đối với những khám phá mới mẻ và đúng đắn về công bằng. Giáo huấn học thuyết xã hội hướng dẫn người tín hữu giáo dân nói chung, cũng như người tu sĩ sống đúng tinh thần phục vụ của Đức Kitô, Đấng vì yêu nhân loại đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ.

Do đó, áp dụng giáo huấn này vào đời sống tu trì đòi hỏi trong bất cứ trường hợp nào, mọi lựa chọn dấn thân của người tu sĩ được thực hiện phải bắt nguồn từ lòng bác ái và hướng tới việc đạt được công ích. Nhờ tinh thần phục vụ trong tình yêu của Đức Kitô, người ta mới có thể đạt được điều đó cách tốt nhất và đúng đắn nhất với lương tâm Kitô hữu. Cuộc sống của người môn đệ Đức Kitô dù ở bất cứ bậc sống nào giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân trong mọi hoàn cảnh, môi trường sống và làm việc của mình; cho dù là một cuộc vật lộn giữa đời để mưu sinh cho bản thân và gia đình thì dứt khoát luôn luôn phải mặc lấy tâm tình yêu thương phục vụ của Đức Kitô.

Nối kết, thực thi qua hiến pháp của hội dòng, cùng với giá trị tình yêu trong của học thuyết xã hội Công Giáo, với Lời Khấn Khiết Tịnh, người tu sĩ không còn giữ chặt khả năng yêu thương dành riêng cho cá nhân, hay những người chị em trong cộng đoàn “dễ thương” hơn; nhưng là một tình yêu quảng đại dâng hiến cho Đưc Kitô Chịu Đóng Đinh, lan tỏa đến tất cả các chị em và người đồng loại. Ở đây, giá trị tình yêu chân thực cho chúng ta “đôi mắt sáng” để nhận ra đòi hỏi của phẩm giá con người, nhất là nơi những người nghèo, hay ngay cả giữa đời sống cọng đoàn với anh chị em. Tuy nhiên, bác ái cũng phải đi đôi với công bằng và sự thật. Việc làm yêu thương cũng hướng dẫn, quan tâm đến sự công bằng với các thành viên khác, để cộng đoàn được bình an, mỗi thành viên thêm nhiệt thành mà không phân bì, chia rẻ.

III. Nhận Định

Như vậy, đời sống tu trì nếu áp dụng các nguyên tắc cũng như các giá trị một cách có ý thức và định hướng cụ thể sẽ đem lại hiệu quả tốt cho đời sống cộng đoàn nói chung, cho cá nhân nói riêng. Việc áp dụng các nguyên tắc và giá trị cần phải chú ý đến Đức Ái, phát xuất từ chính con tim của người được thánh hiến. Đồng thời giúp làm “chứng tá cho Tin Mừng” giữa cuộc sống hôm nay.

1. Tính khả thi

Với việc áp dụng các nguyên tắc, các giá trị của học thuyết xã hội Công Giáo vào đời sống cộng đoàn, người dâng hiến biết rằng họ có thể tìm thấy các nguyên tắc để suy tư (nhân vị, công ích, bổ trợ và liên đới), những giá trị (sự thật, công bằng, tự do và tình yêu) để phán đoán và các chỉ dẫn, kết hợp với linh đạo, hiến chương của hội dòng để hoạt động hữu hiệu trong sứ vụ. Đó là bước đầu xây dựng nền nhân bản toàn diện và liên đới mà mỗi thành viên có được. Nhờ vậy, các thành viên mới có nền móng vững chắc để xây dựng sự trưởng thành Ki tô giáo và trưởng thành đời tu. Bỡi lẽ, “sẽ thất bại khi gán ép sự thánh thiện Kitô giáo cho một một người chưa đạt tới trưởng thành nhân bản”[27]. Một khi đạt tới tiến trình ấy, mỗi thành viên sẽ ý thức, trách nhiệm cùng chung tay dựng cộng đoàn.

Đồng thời việc áp dụng ấy, như là công cụ giúp cộng đoàn cũng như các thành viên phân định về mặt luân lý và mục vụ các các biến cố phức tạp đang ghi dấu thời đại hôm nay; hay như một kim chỉ nam giúp cá nhân cũng như cộng đoàn có những thái độ và lựa chọn để mọi người có thể nhìn về tương lai một cách tin tưởng và hy vọng nhiều hơn.

Thật thế, “Là một chuyên viên về các vân đề nhân bản, qua học thuyết xã hội của mình, Giáo Hội cống hiến những nguyên tắc để suy tư, những mẫu mực phán đoán và những hướng dẫn hành động, hầu giải quyết tình trạng nghèo đói, bất công hiện hữu, theo một chiều hướng thật sự có lợi cho nhân loại…”[28]. Trong cái nhìn tin tưởng và hy vọng của giáo huấn Giáo Hội như thế, chúng ta có thể nói rằng ở bất cứ hoàn cảnh nào, người tu sĩ, cũng như cộng đoàn tu trì vẫn có thể tự do chọn lựa, hành động ý thức, xuất phát từ lòng bác ái và hướng tới thực hiện sứ mạng của hội dòng, cũng như dấn thân trong xã hội bằng tinh thần phục vụ của Chúa Kitô.

Nếu Giáo Hội sống trong thế gian và dù không thuộc về thế gian (x. Ga 17, 14-16), Giáo Hội cũng được mời gọi phục vụ thế giới theo ơn gọi sâu xa của mình, thì cộng đoàn sống đời tu trì cũng sẽ trở nên dấu hiệu của liên đới, tôn trọng và yêu thương với con người hôm nay. Do đó, khi khi đón nhận, áp dụng một nền nhân bản phù hợp với tiêu chuẩn trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa trong lịch sử, một nền nhân bản toàn diện và liên đới có thể tạo ra một “trật tự xã hội, kinh tế, chính trị mới”, đặt nền tảng trên phẩm giá và tự do của con người. Trật tự ấy được khai sinh trong hòa bình, công lý và liên đới. Nền nhân bản này có thể trở thành sự thật nếu mỗi thành viên và mỗi cộng đoàn dâng hiến biết vun trồng các nhân đức luân lý (công bằng, bác ái…) và xã hội nơi bản thân mình và phổ biến trong xã hội. Như vậy, “nhờ ơn Chúa giúp, một thế hệ mới gồm những con người mới sẽ khai sinh, làm khuôn mẫu cho một nhân loại mới”[29].

2.Những hạn chế

Mặc dầu việc áp dụng học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo đem lại nhiều lợi ích như thế cho công đoàn tu trì, tuy nhiên chúng ta nhận thấy, việc áp dụng này cũng có một số hạn chế.

Thách đố đầu tiên chính là sự thật về hữu thể được gọi là con người. Ranh giới và tương quan giữa thiên nhiên, vũ trụ, công nghệ và luân lý là những vấn đề buộc mỗi thành viên và cộng đoàn phải chịu trách nhiệm về thái độ của mình đối với câu trả lời: Con người là gì? Con người được làm những gì và phải làm như thế nào? Đó luôn là vấn nạn khó khăn đòi hỏi về tính tự giác, trách nhiệm lương tâm mà mỗi người luôn phải đối diện.

Thứ đến làm sao để hiểu được, xử lý, áp dụng các nguyên tắc và các giá trị giáo huấn học thuyết xã hội Công Giáo vào trong cộng đoàn một cách sáng suốt, ý thức và đầy trách nhiệm với sự đa nguyên và khác biệt trong văn hóa, suy nghĩ, chọn lựa luân lý với mức “trưởng thành” có thể của mỗi thành viên?

Cuối cùng dẫu là môn đệ Chúa Giê su Kitô, người dâng hiến cũng dễ bị cuốn hút vào các vấn đề thách đố của toàn cầu hóa. Một kỷ nguyên mới khai mớ có liên quan đến vận mệnh con người. Trong khi họ cũng cưu mang những vấn nạn ấy trong tâm hồn và muốn mọi người tìm kiếm sự thật, ý nghĩa cuộc đời, để sống cuộc đời ấy như những thành viên trong cộng đoàn và cũng tham gia liên đới như một thành phần của xã hội. Đó là một quá trình dài, không dễ dàng, không có đường tắt, khi hội nhập, thích nghi với xã hội, nhưng làm sao vẫn giữ được đặc sủng riêng của sứ vụ mà cộng đoàn lãnh nhận từ Đấng sáng lập.

Kết luận

Học thuyết về xã hội của Giáo Hội được đúc kết từ kinh nghiệm ngàn đời xuyên suốt chiều dài lịch sử của Giáo Hội, đó là kinh nghiệm của người môn đệ khi thực thi sứ vụ phục vụ Tin Mừng, phục vụ con người. Do đó, Giáo huấn này bảo đảm đưa ra cho người tín hữu nói chung, cách riêng trong cộng đoàn đời sống tu trì những hướng dẫn có giá trị tốt nhất, chắc chắn nhất và căn bản nhất giúp họ dấn thân phục vụ theo ơn gọi giữa lòng đời hôm nay.

Dẫu biết rằng đời sống cộng đoàn tu trì thuộc về ơn gọi thánh thiêng của những người được Thiên Chúa yêu thương, tuyển chọn, nhưng với thân phận con người tại thế, con người sống trong cộng đoàn ấy vẫn còn bước đi giữa lòng nhân loại. Thế nên, những chân giá trị về luân lý tự nhiên và mặc khải vẫn luôn có giá trị khi áp dụng các mối tương quan cơ bản, đặc thù của cộng đoàn tu.

Xét trên nguyên tắc của giáo huấn về xã hội, chúng ta nhận thấy, khi phẩm giá các thành viên được tôn trọng đúng giá trị, lúc ấy công đoàn mới có thể trân quý ơn gọi thánh thiêng của anh chị em. Cộng đoàn sẽ phát triển, thăng tiến khi công ích được tôn trọng, cũng như sự liên đới đồng trách nhiệm, bỗ trợ cho nhau trong mỗi sứ vụ. Mặt khác, để thăng tiến cộng đoàn trong bền vững và đường lối của Thiên Chúa và Giáo Hội, thì tinh thần Kitô giáo cần được ăn sâu vào đời sống, khi đó các nền tảng là sự thật, công bằng, tự do và bác ái các thành viên như cộng đoàn tu áp dụng vào các sứ vụ, trong mỗi hoàn cảnh khác nhau.

Ơn thiêng cộng đoàn thánh hiến lãnh nhận không chỉ dành riêng, nhưng là khơi dòng chảy đến với anh chị em đồng loại, bởi “ưu sầu và hy vọng của con người, cũng là ưu sầu và hy vọng của người muôn đệ Chúa Kitô”, “cùng nhận ra dấu chỉ thời đại”[30]. Do đó, người nữ tu Hội dòng Mến Thánh Giá cũng sẽ ôm ấp đưa những trạng huống con người thế giới, đặc biệt con người trong xã hội Việt Nam hôm nay như: nghèo khổ, bất công, áp bức…vào trong lời cầu nguyện liên lỉ và sự dấn thân. Người nữ tu tin rằng với ơn Chúa, trong ánh sáng đức tin, nối kết trong lời cầu nguyện xuất phát từ trái tim đồng cảm, và sự dấn thân, có thể sẻ chia, nâng đỡ anh chị em đồng loại một cách hữu hiệu[31] và đem lại biến đổi xã hội theo giá trị Tin Mừng: như nhân vị, sự thật, bác ái, công bình …liên đới ngự trị. Những chân giá trị mà người nữ tu Mến Thánh Giá đã, đang và sẽ áp dụng theo giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về học thuyết xã hội đã được rút ra từ nền tảng luân lý tự niên và tinh túy của Tin Mưng: “Lời Chúa sẽ là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 118,105) trong cuộc đời dâng hiến

Nt. Maria Lê Thị Kim
Học viện Têrêsa Avila Dòng MTG.QN

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Công Đồng Vatica nô II, Hiến chế Tín Lý Về Giáo Hội, bản dịch Giáo hoàng học viện Pi ô X Đà Lạt, năm 1972.

2. Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Bộ Giáo Luật 1983, Nxb. Tôn giáo, 2012.

3. HĐGMVN Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Nxb. Tôn giáo, 2012.

4. HĐGMVN, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội, Tóm Lược Học Thuyết Sã Hội Của Giáo Hội Công Giáo, Nxb. Tôn Giáo, 2004.

5. GM. Phao-lô Nguyễn Thái Hợp, Một Cái Nhìn Về Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo, Nxb. Đông Phương, 2013.

6. HĐGMVN, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, DOCAT, Nxb. Tôn Giáo, 2017.

7. Các Trang Mạng:

· http://dcvxuanloc.net/nhan-ban/tu-cong-bang-xa-hoi-den-tinh-thuong.html ngày truy cập 28.3.2018.

· X. Michael Tâm, SJ Hai nguyện tắc bổ trợ và lien đới, tại Trung Tâm Mục vụ Giáo phận Đà Lạt, nhân ngày kỷ niệm 5 năm thành lập Caritas Đà Lạt, 20.09.2013). dongten.net

· X. Lm. Giuse Maria Lê Quốc Thăng Tầm quan trọng của GHXHCG trong đời sống Kitô hữu giáo dân, (http://www.ghxhcg.com/article.aspx?id=1890, truy cập lúc 9h, ngày 21.3.2018).

· http://giaodantanthaison.com/tai-lieu/tong-thu-nam-doi-song-thanh-hien-cua-dtc-phanxico.html, ngày truy cập 19/01/2018.

· http://ghxhcg.com/article.aspx?id=1702, truy cập ngày 21.3. 2018

Chú Thích

[1] Đề tài được chọn lại từ một đề tài của bài luận văn kết thúc khoá học môn HỌC THUYẾT XÃ HỘI Công Giáo tại Học Viện Têrêsa Avila Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, nk 2017-2018 : Nếu áp dụng bốn nguyên tắc và bốn giá trị trong Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội vào Cộng đoàn tu trì thì sẽ áp dụng như thế nào?

[2] Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Tín Lý Về Giáo Hội, số 44, bản dịch Giáo hoàng học viện Pi ô X Đà Lạt, năm 1972.

[3] http://giaodantanthaison.com/tai-lieu/tong-thu-nam-doi-song-thanh-hien-cua-dtc-phanxico.html, ngày truy cập 19/01/2018.

[4] X. Học thuyết xã hội Công Giáo, Viết Cho ai, để làm gi? http://ghxhcg.com/article.aspx?id=1702, truy cập ngày 21.3. 2018

[5] GLHTCG, số 2420.

[6] Bộ giáo luật 1983, số 573, 1

[7] Ibid, số 21.

[8] x. Lm. Giuse Maria Lê Quốc Thăng Tầm quan trọng của GHXHCG trong đời sống Kitô hữu giáo dân, (http://www.ghxhcg.com/article.aspx?id=1890, truy cập lúc 9h, ngày 21.3.2018).

[9] HĐGMVN, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội, Tóm Lược Học Thuyết Sã Hội Của Giáo Hội Công Giáo, Nxb. Tôn Giáo, 2004, số 105, tr. 99-100.

[10] HĐGMVN, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội, Sđd, Nxb. Tôn Giáo, 2004, số 106, tr. 99-100.

[11] GM. Phao-lô Nguyễn Thái Hợp, Một Cái Nhìn Về Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo, Nxb. Đông Phương, 2013, tr. 119-137.

[12] HĐGMVN, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội, Sđd, Nxb. Tôn Giáo, 2004, số 164, tr. 133.

[13] GM. Phao-lô Nguyễn Thái Hợp, Sđd, Nxb. Đông Phương, 2013, tr. 149.

[14] HĐGMVN, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội, Sđd, Nxb. Tôn Giáo, 2004, số 185, tr.146.

[15] DOCAT, câu hỏi 95, tr. 98.

[16] X. Michael Tâm, SJ Hai nguyện tắc bổ trợ và lien đới, tại Trung Tâm Mục vụ Giáo phận Đà Lạt, nhân ngày kỷ niệm 5 năm thành lập Caritas Đà Lạt, 20.09.2013). dongten.net

[17] HĐGMVN, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội, Sđd, Nxb. Tôn Giáo, 2004, số 192, tr. 150.

[18] HĐGMVN, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội, Sđd, Nxb. Tôn Giáo, 2004, số 193, tr.151.

[19] http://dcvxuanloc.net/nhan-ban/tu-cong-bang-xa-hoi-den-tinh-thuong.html, ngày truy cập 28.3.2018.

[20] HĐGMVN, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội, Sđd, Nxb. Tôn Giáo, 2004, số 198, tr.155.

[21] DOCAT, câu hỏi 107, tr. 106.

[22] HĐGMVN, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội, Sđd, Nxb. Tôn Giáo, 2004, số 199, tr.156.

[23] HĐGMVN, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội, Sđd, Nxb. Tôn Giáo, 2004, số 200, tr.156.

[24] HĐGMVN, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội, Sđd, Nxb. Tôn Giáo, 2004, số 201, tr.157.

[25] HĐGMVN, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội, Sđd, Nxb. Tôn Giáo, 2004, số 204, tr.158.

[26] HĐGMVN, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội, Sđd, Nxb. Tôn Giáo, 2004, số 205, tr. 158.

[27] Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh đào tạo Linh mục, số 11.

[28] Đức Phau lô VI, Tông thư Năm Tám Mươi, gửi Hồng Y Roy chủ tịch Ủy ban Công Lý và Hòa Bình, ban hành ngày 14.5.1971, kỷ niệm 80 năm thông điệp “Tân Sự”.

[29] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Mục Vụ Của Giáo Hội Trong Thế Giới Hôm Nay, số 30

[30] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Mục Vụ Của Giáo Hội Trong Thế Giới Hôm Nay, số 2

[31] Công đông Vati canô II, Sđd, số 2

Nt Maria Lê Thị Kim

Đọc nhiều nhất Bản in 01.06.2018 17:10