Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hoài niệm cho Simba

§ Trần Mỹ Duyệt

Hai năm trước, anh bạn ở Úc gửi cho tôi một tin nhắn nói về trường hợp dở khóc, dở cười của anh. Anh cho biết, đứa con gái của anh mới làm đám ma một cách linh đình cho con chó cưng của nó, gồm có thông báo, thăm viếng, và chôn cất tử tế tại một nghĩa trang chó.

Qua tâm sự, một cách rất chân tình dường như bạn tôi thấy mình đang thua một con chó. Vì trong cuộc sống thường ngày vợ chồng đứa con gái này rất ít khi thăm hỏi, quan tâm đến đôi vợ chồng già của anh. Vậy mà con chó nó ốm thì cả vợ lẫn chồng thay nhau xin nghỉ vacation để lo cho nó. Ra vào nhà thương như đi chợ. Tốn kém cả gần chục ngàn. Và khi con chó chết thì chúng nó khóc lóc, buồn bã. Bạn bè đứa email, đứa lên facebook, đứa đến nhà thăm hỏi, chia buồn. Ngày chôn con chó, cả bọn mặc áo màu đen, theo nhau đưa con chó ra nghĩa trang.

Tôi đã an ủi anh rằng, đó là xu hướng và lối sống của tuổi trẻ ngày nay. Tuổi già không bắt kịp nên rất lấy làm chướng tai, gai mắt. Và không chỉ riêng anh, mấy người bạn khác của tôi con cháu cũng đối xử với họ một cách tương tự như vậy. Chúng cưng và lo lắng, săn sóc cho con chó, con mèo còn hơn cả bố mẹ già.

Nhưng rồi mấy hôm nay tôi không biết sao bỗng có cùng một tâm trạng buồn như lũ trẻ thời nay khi con chó cưng của gia đình chết. Buồn vì từ nay gia đình sẽ mất đi một thành viên luôn luôn trung thành, dễ tính, và không bao giờ gây tranh cãi với bất cứ ai. Ngay cả một tháng trước khi chết, mặc dù bị cúm rồi biến chứng thành loạn nhịp tim, nó vẫn không gây phiền toái, không than thở, không cằn nhằn, và không đòi hỏi gì cả. Buồn vì từ hôm nay đi đâu về tôi không thấy nó thấp thoáng, ve vẩy cái đuôi và quấn quít chạy quanh, không nghe tiếng nó sửa mỗi khi có tiếng động sau nhà. Nó không còn nữa để mỗi sáng tung tăng cùng chủ đi dạo một vòng quanh khu phố. Nó không còn nữa để mỗi khi có ai tới nhà thì chạy ra cửa vẫy vẫy cái đuôi chào hỏi, và được mọi người khen “đẹp”, “dễ thương”. Nó có thể nói là một con vật cưng sống lâu với tuổi thọ gần như tối đa của loài chó. Nó sống và chia sẻ buồn vui trong gia đình này được 14 năm.

Simba trở thành thành viên của gia đình tôi từ năm 2004. Nó đáp máy bay từ Florida sang California. Mấy ngày đầu xa mẹ, lạ chỗ, nó xem như không được vui và đêm đêm thì than thở, khóc lóc. Nhưng dần dà nó đã làm quen với bầu khi gia đình và được mọi người thương mến. Đức cố Giám Mục Mai Thanh Lương mỗi khi đến nhà cũng luôn luôn gọi nó bằng một tiếng gọi rất dễ thương “doggy” Và cả người lẫn vật đều quyến luyến với nhau. Hôm nay nó ra đi chỉ sau người thượng khách của nó đúng 2 tháng. Điều này càng làm cho chúng tôi thêm nỗi nhớ thươngkhi nghĩ lại những ngày tháng còn có nhau.

Kinh nghiệm người xưa thường nói: “Khuyển mã chi tình”. Hình ảnh của Simba và cái chết bình an của nó bỗng khơi lại trong tôi một chuyện buồn khiến phải suy nghĩ. Không phải là chuyện buồn của một con chó chết, nhưng là chuyện buồn của con người đối xử với nhau còn thua kém sự trung thành, quyến luyến, và tận tình của một con chó đối với chủ. Một bà mẹ cạnh gần nhà con gái của chúng tôi vừa được phát giác là đã chết từ Giáng Sinh 2017. Thùng thư của bà đã đầy và không còn chỗ để nhận. Sự vắng mặt của bà lâu đã làm cho hàng xóm đâm nghi, và họ đã gọi cảnh sát đến can thiệp. Khi mở cửa nhà bà, mùi hôi thối đã xông ra nồng nặc. Bà chết một cách lặng lẽ cô đơn, mặc dù bà cũng có một hai người con, trong đó có người làm bác sỹ. Cái chết của bà phải chăng đã phần nào diễn tả được sự lo lắng và băn khoăn của người bạn tôi bên Úc? Những chuyện đời như thế không thiếu vắng trong sinh hoạt xã hội hiện nay khi mà con cái chỉ mong lên 18 tuổi là bước ra khỏi gia đình. Nhiều người trong số các bạn trẻ ấy đã không bao giờ quay bước trở lại, và xem như đã vui mừng bỏ lại sau lưng ngôi nhà đã từng cưu mang họ, bỏ lại sau lưng những người cha, người mẹ đã tần tảo, vất vả sớm chiều nuôi nấng họ.

Nhưng sẽ là quá chủ quan khi chỉ nhìn về phía những vô ơn, tệ bạc của tuổi trẻ mà không nói đến những cha mẹ, những phụ huynh đã không sống xứng với bổn phận và ơn gọi của mình. Trong những va chạm thường ngày, và qua kinh nghiệm nghề nghiệp, những phụ huynh này, những cha mẹ này cũng không thiếu.

Có những cha mẹ trẻ, những đôi bạn trẻ không một chút thương tiếc và hối hận khi đang tâm phá thai một, hai, có khi ba hoặc bốn lần?!!!

Có những người đàn ông đã phũ phàng, lạnh lùng quay lưng với người vợ trẻ và hai đứa con thơ để đi tìm một cuộc tình mới. Người đó ra đi mà sau lưng còn văng vẳng tiếng gào thét của hai đứa trẻ đang rất cần đến bố nó: “Bố ơi, đừng bỏ mẹ. Bố ơi con yêu bố!”

Có những người đàn bà cũng lạnh lùng, chai đá nhất tâm bỏ lại những đứa con thơ và người chồng của mình để đi theo một người đàn ông khác. Những ánh mắt lạnh lùng, những làn môi mím chặt, biểu bộ quyết tâm đầy ích kỷ của họ đã nói lên điều mà không một loài vật nào đã làm như thế với con chúng. Thật là những trái tim sắt đá, những trái tim mù quáng, và tội lỗi!

Và cũng có những người cha, người mẹ bê tha cờ bạc, rượu chè, nghiện hút để mặc gia đình đói nghèo, con cái nheo nhóc, sống vất vưởng không nơi nương tựa.

Chuyện chó chết là chuyện thường ngày, và là chuyện xem như vô nghĩa đối với nhiều người: “Chó chết hết chuyện”. Nhưng sao hôm nay đối với tôi nó lại mang một cảm nghĩ rất đặc biệt: Cảm nghĩ về mối tình chung thủy và chân tình mà một thành viên trong gia đình đã để lại sau khi chết.

Simba ơi! Hãy thanh thản bình yên. Con đã vào đời và ra đi với những kỷ niệm đẹp. Con đã là thành viên dễ thương, dễ tính, và trung thành của gia đình này. Sự có mặt và ra đi của con đã nói lên vẻ đẹp và quyền năng nhiệm mầu của Thượng Đế khi Ngài tác tạo nên con. Và con cũng đã để lại cho đời một ý nghĩa sống, đó là tình yêu, sự chung thủy, và sống tốt với cuộc sống của mình.

Trần Mỹ Duyệt

Đọc nhiều nhất Bản in 11.02.2018 18:39