Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hành hương ad limina và Hành hương về cõi Vĩnh hằng

§ + Gm Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Tưởng nhớ Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc

Hành hương ad limina

Từ ngày 1 đến 11 tháng 3 năm 2018, Hội đồng giám mục Việt Nam đi Rôma để viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô, Phaolô, và yết kiến Đức Giáo hoàng Phanxicô. Quen gọi là đi ad limina, tên gọi tắt của cụm từ La tinh Visitatio ad limina apostolorum. Dù sức khỏe không tốt lắm, Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc vẫn có mặt từ đầu và tham dự mọi sinh hoạt của Hội đồng giám mục.

Thứ Bảy 3/3, đoàn giám mục đến viếng mộ Thánh Phêrô và dâng Thánh Lễ tại Nhà nguyện kính ngai tòa Thánh Phêrô, sau đó đến Trường Thánh Phaolô (Collegio San Paolo) gặp gỡ đông đảo các linh mục, tu sĩ Việt Nam đang tu học tại Rôma.

Chúa nhật 4/3, tất cả các giám mục đến thăm và dâng lễ tại Nhà thờ Thánh Tôma, Nhà thờ hiệu tòa của Đức Hồng y Phêrô, Tổng giám mục Hà Nội.

Thứ Hai 5/3, Hội đồng giám mục Việt Nam được Đức Giáo hoàng Phanxicô dành cho một cuộc gặp gỡ và trò chuyện cởi mở, thân tình về tất cả những điều các giám mục quan tâm. Đồng thời, Đức Thánh Cha cũng nêu câu hỏi để biết rõ hơn về tình hình Hội Thánh tại Việt Nam, nhất là việc đào tạo chủng sinh và linh mục, trong chủng viện cũng như sau khi chịu chức. Trong buổi gặp gỡ đó, Đức Tổng Phaolô đã nêu câu hỏi về tình trạng sức khỏe của Đức Bênêđictô XVI, và Đức Giáo hoàng Phanxicô cho biết Đức Bênêđictô XVI còn rất minh mẫn, chỉ gặp khó khăn trong việc đi lại vì chân đã yếu.

Thứ Ba 6/3 là một ngày vất vả. Trước khi đến dâng lễ tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, các giám mục đã đến viếng mộ Đức Cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tại Nhà thờ Đức Mẹ Cầu Thang (Scala). Hôm đó trời lạnh và mưa, lại phải đi bộ từ đường lớn vào Nhà thờ ở trong hẻm, nên thật vất vả đối với các vị cao niên, cách riêng là Đức Tổng Phaolô. Dù mệt, ngài vẫn cố gắng bước từng bước đến Nhà thờ, âm thầm cầu nguyện trước mộ Đức Cố Hồng y Phanxicô.

Rời Nhà thờ Đức Mẹ Cầu Thang, các giám mục đến viếng mộ Thánh Phaolô và dâng lễ tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành. Chính Đức Tổng Phaolô chủ sự Thánh Lễ trọng thể này và sau Thánh Lễ, ngài còn chụp hình chung với các giám mục và cộng đoàn tham dự Thánh Lễ. Nhìn ngài có vẻ mệt mỏi với những bước đi nặng nhọc nhưng ngài vẫn cố gắng chủ sự Thánh Lễ từ đầu đến cuối.

Sau Thánh Lễ, trong khi dùng bữa trưa tại một địa điểm gần đó, Đức cha Luy Tuấn chạy vào nói nhỏ với tôi, “Đức Tổng Phaolô phải nhập viện rồi”. Suốt buổi chiều hôm đó, ai cũng lo lắng về tình hình sức khỏe của Đức Tổng Phaolô vì nghe nói ngài bị hôn mê. Gần 12 giờ đêm, hai Đức cha phụ tá của Tổng giáo phận Sài Gòn gõ cửa phòng và báo cho tôi biết Đức Tổng đã về với Chúa.

Hành hương về cõi Vĩnh hằng

Nhìn từ bên ngoài, cái chết của Đức Tổng Phaolô có vẻ cô đơn, lạnh lẽo. Ngài qua đời khi đang ở nước ngoài, xa quê hương, xa giáo phận, xa gia đình. Ngài qua đời, hoàn toàn vắng bóng người thân, thi thể được quàn trong bệnh viện, chờ ngày được vận chuyển về quê nhà theo đường hàng không! Rất cô đơn. Và lạnh lẽo, giữa mùa Đông băng giá.

Thế nhưng, trong tầm nhìn đức tin, sự ra đi của ngài mang ý nghĩa rất đặc biệt. Ngài ra đi sau khi chủ sự Thánh Lễ trọng thể, với sự hiện diện của tất cả Hội đồng giám mục, đại diện 26 giáo phận trên toàn cõi Việt Nam. Ngài lại chủ sự Thánh Lễ đó tại Đền thờ Thánh Phaolô, Thánh Bổn mạng của ngài. Và sau khi ban phép lành kết thúc Thánh lễ, chúc cộng đoàn ra đi bình an, chính ngài đã ra đi bình an về với Chúa. Bỗng nhớ lại lời một bài hát về linh mục: “Con muốn chết ở chân bàn thờ…”. Còn kết thúc nào đẹp hơn cho cuộc đời một người dâng mình cho Chúa?

Chưa từng có giám mục Việt Nam nào qua đời khi đang đi ad limina. Chưa từng có giám mục nào đang coi sóc giáo phận ở Việt Nam mà lại chết ở Rôma, thủ đô của Hội Thánh Công giáo, nơi chôn táng hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, và biết bao vị thánh khác. Hiếm có giám mục Việt Nam nào vừa qua đời đã được đích thân Đức Giáo Hoàng loan báo và dâng lễ cầu nguyện cho. Cũng hiếm có giám mục Việt Nam nào được Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh chủ sự Thánh Lễ đưa chân. Rất nhiều điều đặc biệt đã diễn ra trong cái chết của Đức Tổng Phaolô!

Điều đặc biệt nhất là với Đức Tổng Phaolô, hành hương ad limina đã trở thành cuộc hành hương về vĩnh cửu và thể hiện ý nghĩa trọn vẹn của hành hương. Hành hương ad limina là trở về với cội nguồn đức tin, qua lời tuyên xưng của Thánh Phêrô vào Chúa Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Hành hương ad limina là trở về với cội nguồn sứ vụ tông đồ, sứ vụ được Chúa Giêsu trao cho Phêrô: “Anh là Phêrô, nghĩa là Đá, trên Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18); và “Hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,32). Cội nguồn đức tin và sứ vụ đó là Chúa Giêsu, và xa hơn nữa, là chính Chúa Cha, Đấng đã sai Chúa Giêsu đến trong thế gian, để “những ai tin vào Con của Ngài thì không phải chết nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Và như thế, với Đức Tổng Phaolô, hành hương ad limina 2018 không chỉ là đến viếng mộ hai Thánh Tông Đồ và gặp gỡ Đức Giáo Hoàng, nhưng là gặp gỡ chính Thiên Chúa Tình Yêu. Ở đó, Thiên Chúa Ba Ngôi không còn là một đề tài thần học mà Đức Tổng Phaolô say mê nghiên cứu và giảng dạy suốt nhiều năm, nhưng đã thành thực tại sống động, bao la như đại dương, dịu dàng như lòng mẹ, êm ái như sóng vỗ.

Và cũng chính ở đó, châm ngôn đời giám mục của Đức Tổng Phaolô nên trọn vẹn: Ad Deum laetitiae meae – Chúa là nguồn vui của con. ■

+ Gm Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Đọc nhiều nhất Bản in 14.03.2018 15:52