Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Giũ bụi trần ai (5)

§ +GM FX Nguyễn Văn Sang

Trong việc thực hành thờ cúng tổ tiên tại Việt Nam cũng như tôn kính thần thánh những người có công với xã hội đất nước… làm nổi lên một vấn đề cũng đã từng gây tranh cãi và thực hành khác nhau thậm chí đôi khi gây chia rẽ giữa những người Công giáo với anh em lương dân, và ngay cả những người có tín ngưỡng.

Đó là vấn đề: “thắp hương, vái hương trong tôn giáo nói chung và trong tín ngưỡng nói riêng như trước bàn thờ tổ tiên, tượng Phật, Thần Thánh…” Thực ra trong bài trước chúng tôi đã đề cập tới các lễ nghi tôn kính tổ tiên, phải chỉ được hiểu là để tôn kính tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ đến các vị mới qua đời, cũng có thể, nếu Thiên Chúa muốn, các ngài cũng có thể phù hộ giúp sức cho con cháu còn đang sống ở đời này, được nhiều sự lành, khỏi nhiều sự dữ… Nếu như vậy thì việc tôn kính tổ tiên chỉ là việc dành cho các loài tạo vật, chứ không phải dành cho Thiên Chúa Đấng Tối Cao duy nhất. Vậy nên tất cả các nghi lễ do con người lập ra, cả xông hương, dâng hương… đươc tiến hành với mục đích thánh thiện kể trên, miễn là loại bỏ những điều mê tín dị đoan ẩn nấp ở trong đó, thì không có gì là đáng trách. Và được phép xử dụng trong đạo Công giáo.

Nhưng chúng ta nên nhớ sắc lệnh của Toà Thánh cho phép tôn kính tổ tiên đươc ra đời vào năm 1939 và HĐGM VN cho phép cúng giỗ vào ngày 14/6/1965 (lúc đó đất nước Việt Nam còn bị chia đôi: chính quyền miền Bắc và chính quyền miền Nam, thường không có sự liên lạc mau chóng và mật thiết, ngay việc tìm hiểu và áp dụng các tài liệu của Công Đồng chung Vaticano2. Phải đến 10 năm sau khi Công Đồng bế mạc một số giám mục, linh mục mới được biết đến các tài liệu quý báu đó, chưa nói tới vấn đề tìm hiểu sâu xa và áp dụng trong quần chúng). Cũng vậy trong tâm thức của đa số người Công giáo lúc đó, kể cả cho đến ngày nay, vấn đề e dè đối với những lễ nghi tôn kính tổ tiên và vẫn chưa phân biệt được đích xác, tư tưởng, nghi thức nào đúng đắn, nghi lễ nào coi là mê tín dị đoan. Để thấu đáo vấn đề này, cần phải có sự học hỏi chuyên sâu và trông đợi vào giải thích và cho phép của HĐGM VN thông qua uỷ ban Phụng Tự.

Vì thế, trong một nghi lễ thực hành nhiều nhất là thắp hương, dâng hương được diễn ra khá dè dặt trong đạo Công giáo, mà trước đây các vị tiền nhân được dạy dỗ cho là sự mê tín dị đoan. Một bằng chứng cụ thể ngay Đức Hồng Y Gs Mr Trịnh Văn Căn là môt nhân vật cao cấp nhất giáo hội miền Bắc vào những năm 1985 cho đến lúc ngài qua đời. Không hiểu ngài đã được biết các sắc lệnh của Toà Thánh cũng như thông cáo của HĐGM VN (miền Nam) ra sao, song thực tế ngài vẫn ác cảm với việc sử dụng hương trong các lễ nghi của giáo hội. Người vẫn không hài lòng thấy có người đi viếng mộ, mang hương đến trước mộ, rõ ràng nhất là sau khi Đức Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền tạ thế, trước đó Ngài được Toà Thánh đặt làm giám quản tổng giáo phận Huế, ngài đã có những hành vi mạnh dạn, nhưng không kém phần sai lạc: “cấm trong toàn thể giáo phận không được dùng đỉnh hương, dâng hương trong nghi lễ của người Công giáo. Như chúng ta biết tổng giáo phận Huế là nơi đa số người dân theo Phật giáo và bị ảnh hưởng của văn hoá lễ nghi phật giáo nói chung và việc tôn kính tổ tiên nói riêng. Vịêc dùng đỉnh hương lúc đó đã được Tòa Thánh cho phép cùng với việc thờ cúng tổ tiên nên đại đa số những người tín hữu đều dùng đỉnh hương, lư hương, bát hương…và tiến hành các lễ nghi kèm theo như thắp hương dâng hương, sự cấm đoán đó dẫn tới phong trào phản đối Đức Tổng rất mạnh ở trong giáo phận miền Trung. Không rõ phản ứng đó được thể hiện như thế nào nhưng trong lễ an táng của vị Đức Tổng tốt lành đáng kính này, chỉ vì thực tâm yêu mến Đạo Thánh, người ta đã thấy một lư hương khổng lồ nghi ngút được mang trang trọng đi đầu đoàn rước.

Vậy cho đến ngày nay; không phải tất cả mọi người Công giáo đều thoả mái thắp hương, dâng hương như mọi người trong đám quần chúng trong xã hội ngày nay. Họ vẫn e dè khi đi qua các chùa chiền, miếu mạo, được mời mọc mua hương, mua nến để dâng, để thắp… coi đó là sự thông công vào mê tín dị đoan, mà không phân biệt thờ phượng Thiên Chúa với tôn kính tổ tiên. Và việc dùng một nén hương tỏ lòng kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, các thần thánh có công với xã hội đất nước đã được giáo hội cho phép từ lâu. Chính bản thân tôi khi đi du lịch ở Trung Quốc đến thăm miếu thờ Nhạc Phi là một vị danh tướng Trung Quốc đã bị Tần Cối hãm hại, để tỏ lòng ngưỡng mộ vi anh hùng dân tộc Trung Hoa và cả thế giới có một tấm lòng can trường, trung quân ái quốc, tôi cũng mua mấy thẻ hương và vái lạy như một vị thần thánh có danh tiếng.

Vậy thế nào là Hương thế nào là Dâng hương, theo sách “Văn Hoá Hương” của tác giả Gia Lộc thì: “cây hương miền Nam gọi là cây nhang, có mùi hương dùng trong việc cúng bái để xua tan tử khí, tà ma, là sự kết nối giữa âm và dương, trời và đất khói hương toả ra có mùi thơm nên gọi là hương. Chính vì đặc tính này nên trong lúc cúng người đã mất ta từng nói hương hồn. Tóm lại cây hương là vật thể nối liền tâm linh giữa người sống và kẻ chết, trên trời và dưới đất, khi thắp hương tổ tiên, người đã khuất người ta thường thắp số lẻ” (sách đã dẫn trang 8). Còn về ý nghĩa tục thắp hương trước hết là để cúng dường Phật, nơi chùa chiền, sau đó lan tới đền đình, miếu mạo và tới các bàn thờ gia viên.

Vậy cho nên đứng về mặt ý nghĩa đốt hương, là biểu hiện tiếp xúc với thần linh (ngày xưa người ta cũng đã dùng lửa để tiến hành công việc ý nghĩa đó).

Thắp hương lên vừa đạt được ý nguyện tâm linh, dâng mùi thơm và lời cầu khẩn, vừa để thể hiện chính tâm tâm hướng tới điều thiện (sách đã dẫn trang 10). Nếu như vậy thì việc thắp hương dâng hương không có gì là mê tín dị đoan còn có ý nghĩa tích cực biểu hiện nền văn hoá của con người nói chung, và của các tôn giáo nói riêng. Cũng có thể so sánh việc dâng hương, thắp hương, xông hương… tại các nhà thờ Kitô giáo, Công giáo, Chính thống. .. Xông hương trong các đạo Kitô nói trên là dành để ca tụng ngợi khen Thiên Chúa, Đấng xứng đáng lãnh nhận mọi uy quyền cao quý trên hết mọi loài, mọi vật. Chúng ta có thể trích rất nhiều đoạn trong Cựu Ước, Tân Ước về việc xông hương tôn kính Thiên Chúa Giavê, nhất là trong sách Khải Huyền luôn luôn có những thị kiến tả vẽ các Thiên Thần hằng xông hương lên với những ca vịnh tán tụng ngày đêm “ Thánh, Thánh, Thánh” (Xem Khải Huyền đoạn 4, đoạn 5…) cho nên việc xông hương lên trước Toà Chúa để tán tụng ngợi khen cảm tạ Thiên Chúa Ba Ngôi là điều rất Thánh Thiện xứng đáng mà ngày nay trong các Lễ Trọng vẫn được tiến hành, khi Chủ Tế xông hương trong Thánh Lễ và các Lễ Nghi khác. Việc xông hương thể hiện các cấp mà chúng ta tôn kính. Ví dụ: “Xông hương lên Thiên Chúa, Chúa Giêsu KiTô, Thánh Thể, Thánh Giá (nhất là ngày thứ 6 tuần Thánh là trọng nhất) rồi tới xông hương kính Đức Mẹ, kính các Thánh, kính các chức sắc hành lễ và những người tham dự đều có ý nghĩa khác nhau”. Dâng kính Thiên Chúa Thánh Thể… và tôn thờ tán tụng ngợi khen dâng kính Đức Mẹ, các Thánh… là để tôn kính tỏ lòng mến yêu trong cậy các ngài, khẩn cùng Thiên Chúa ban những ơn lành cho chúng sinh, còn dâng lên các vị chức sắc trong Thánh lễ… là để phần nào tôn kính, nhưng cũng nhấn mạnh tới sự hiệp thông, trong tình yêu thương, được diễn tả trong nghi lễ, và cũng nói lên cùng toàn thể giáo hội dâng những kinh nguyện hợp nhất với nhau, dâng kính Thiên Chúa và các Thánh. Rất nhiều bài thơ, bài hát nhấn mạnh tới việc dâng kính nguyện lời ca tiếng hát dâng lên Thiên Chúa như “trầm hương thơm ngát bay lên tới Thiên Cung”. Do đó việc xông hương trong Kitô giáo với những ý nghĩa khác biệt của nó và đem việc thắp hương, dâng hương của các tôn giáo và các tín ngưỡng khác vào đạo Chúa Kitô mặc lấy những hình thức thâm sâu như đã phân tích ở trên thì không có điều gì đáng trách. Hiện nay việc dâng thắp hương dùng lư hương, bát hương, tẩu hương trong các nhà thờ Kitô giáo đã đựơc phổ biến mạnh dạn hơn trước, mong rằng việc thực hành này mong rằng các đấng trong giáo hội lưu tâm và đưa ra những chỉ thị thực hành để giúp người tín hữu tiếp tục duy trì những nét tốt đẹp của nền văn hoá cổ truyền nhất là trong việc thờ kính tổ tiên mà không vì thế mà gây ra việc mê tín dị đoan ngay cả trong xã hội ngày nay.

Nói chung việc thắp hương, dâng hương chủ đích là để kính nhớ tổ tiên và nếu có thể với các thần thánh, để các ngài phù hộ che chở cho mình làm những việc lành phúc đức. Trong vấn đề sau cùng này hơi khác với quan niệm giáo lý nhà phật dạy rằng: mọi người tự quyết định số phận của mình không phải do người khác, thần phật hay một thế lực siêu nhiên nào đó ban phát, còn trong đạo Chúa Kittô chúng ta vẫn tin tưởng cầu khấn cùng Thiên Chúa ban ơn phù giúp chúng ta mới có thể hoạt động tốt lành thánh thiện để nhờ ơn Chúa mà chúng ta được ơn cứu độ và cũng để tôn kính Đức Mẹ, các Thánh… việc dâng hương, thắp hương trong các nhà thờ làm cho bầu không khí tốt lành trang nghiêm, vậy đừng để một ngày nào đó trở thành những nơi phàm tục đút lót thần linh bằng bất cứ lễ vật nào, hoặc như là nơi người ta quen nói “đi chùa là đi ăn” như sách “ Văn Hoá Chùa” (tác giả Gia Lộc) đã viết một cách đáng buồn như sau: “Đáng lẽ khi đến chùa con người sẽ không phải nhìn thấy những tanh hôi đời thường, thấy rượu bia nồng nặc men say, thấy những mảng thịt còn tươi roi rói… Nhưng không phải thế “cái chợ” ở chùa là cái chợ có tất cả mọi thứ, mà theo ngôn ngữ của giới trẻ hiên đại là “bao luôn từ A đến Z”. Từ hương hoa, lễ lạt, vàng mã… cho thần phật, mà có cả đồ ăn, thức uống của người trần. Bên cạnh những gian hàmg vàng mã với đủ loại tiền, vàng, hương nhang, hoa quả… để sắm lễ chùa lạy phật là những quán phở, quán cơm… với người người đang ngồi xì xụp ăn uống.

Ví dụ khi bạn được lên chùa Tây phương ngự trên đỉnh núi Ngưu Lĩnh Sơn, bạn sẽ được chứng kiến những lều quán nhỏ ở ven hai bên những bậc thang lên chùa. Càng lên đến chùa, thay vì cảm nhận được sự trong lành, tịnh tâm của cõi Phật, người ta lại cảm nhận thấy sự nồng đậm hơn của mùi rượu, mùi bia kèm lẫn mùi cá chỉ vàng, cá mực nướng. Mùi khói hương mang theo cái thanh tịnh của tâm hồn không sao vượt thoát được sự bủa vây của những hương vị quá ư là nặng mùi này! Vào đến sân chùa thì cái tục, cái phàm trần cũng đạt đến cực điểm bởi sân chùa dã trở thành một cái chợ nhỏ bất đắc dĩ. Vách ngăn duy nhất giữa khói hương nhà chùa và những quán là ba bậc thềm đá. Người ta thắp hương khấn phật trong mùi cá, mực nướng trong tiếng í ới mua bán, mặc cả, trong những cái xé, nhai, nuốt nhồm nhoàm… Người ta gửi những lời cầu khẩn đến Phật bằng hương cá, hương mực, hương rượu bia! Thậm chí tay người thắp hương còn vương mùi cá, thoảng hương rượu. Những luồng hương trần tục ấy len lỏi vào chốn của Phật.

Mong rằng chúng ta chấp nhận việc xông hương, thắp hương và môt vài lễ nghi cổ truyền vào trong các lễ nghi của đạo Công giáo, không có nghĩa là chúng ta mở lối cho những lạm dụng như trên được xảy ra trong Thánh Đường hoặc những nơi thờ phượng mà ngày nay ít nhiều đã thấy lác đác xuất hiện trong các làng quê Công giáo Việt Nam, (mong các vị lãnh đạo trong các giáo phận chú ý xem xét) như câu ví ở các xứ đạo giáo phận Thái Bình:

Ăn Tiền Hải, cãi Kiến Xương
Dở dở, ương ương là dân Quỳnh Phụ

Vậy nên việc thắp hương, dâng hương ngày nay được thực hiện trong các lễ nghi Kitô giáo sẽ lau sạch được một số bụi bặm do một số ác ý chống lại đạo Công giáo đã trùm phủ lên gán cho những người Kitô là những người như chính câu thơ của thi sĩ Nguyễn Đình Chiểu đã thốt lên:

Thà đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn có mắt ông cha không thờ

Mong được như vậy:

Thái Bình ngày 20 tháng 5 năm 2010
+ FX Nguyễn Văn Sang
Nguyên giám mục giáo phận Thái Bình

+ GM FX Nguyễn Văn Sang

Đọc nhiều nhất Bản in 20.05.2010. 09:00