Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Giáo phận Thanh Hóa đến với các nạn nhân lũ lụt phía Bắc

§ Nhật Vy

Thanh Hóa – Đến Với Các Nạn Nhân Lũ Lụt Phía Bắc

VÒNG TAY THÂN ÁI

Những trận bão và lũ lụt đi qua đã để lại biết bao nhiêu tang thương, mất mát. Không chỉ là vật chất mà còn là sự đỗ vỡ trong tâm hồn của những người vợ mất chồng, cha mẹ mất con, anh chị em mất nhau. Đứng trước cảnh tượng đó, mỗi người mang một nỗi niềm riêng…

Bấm vào hình để xem toàn tập
Huongdang20.jpg

Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh đang phân phát đồ cứu trợ

Giáo phận Thanh Hóa cũng đã chia sẻ niềm đau ấy, bằng cách vươn dài “cánh tay thương cảm” đến Giáo phận Đà nẵng (2006) và Giáo phận Vinh (2007). Và hôm nay, ngày 28.11.2008, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh đã kêu gọi sự yểm trợ của các ân nhân để thực hiện những chuyến cứu trợ cho các nạn nhân lũ lụt phía Bắc thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội và Giáo phận Vinh. Ngài chủ trương sẽ tiếp tục tổ chức những chuyến cứu trợ khác trong nay mai.

Trong khí trời rét buốt, khi nhiều người còn cuộn mình trong chăn ấm, thì tại khuôn viên Tòa Giám mục đã rộn rịp bóng người qua lại. Phái đoàn trên dưới 40 người gồm đông đủ thành phần dân Chúa: Đức Cha Giuse, Cha Tổng Đại diện Phêrô Vũ Tiến Phúc, Cha Giuse Vũ Thanh Long - Trưởng Ban Thường vụ TCV Lê Bảo Tịnh, cha Micae Vũ Đức Khiêm và cha Antôn Trịnh Đình Thiệu thuộc Ban Bác ái xã hội của giáo phận, cha Giuse Nguyễn Văn Ba – đại diện Linh mục đoàn. Bên cạnh đó, còn có các chủng sinh, nữ tu, ứng sinh, nhóm sinh viên Công giáo, Ban Hành giáo và ca đoàn giáo xứ Chính Tòa. Đúng 4g sáng, sau khi được Đức Cha Giuse làm nóng bầu không khí bằng sự động viên khích lệ và lời hát của Kinh Hòa Bình, 5 chiếc xe đã tuần tự nối đuôi nhau rời Tòa Giám mục Thanh Hóa.

NHỮNG ĐIỂM HẸN CỦA TÌNH HIỆP THÔNG

Điểm đến đầu tiên là Giáo xứ An Phú thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội, với ngôi nhà thờ cổ kính được xây dựng từ năm 1914. Đâu đó dưới lớp rêu phong, chúng tôi cảm nhận được nét buồn của sự thiếu thốn. Cha Quản xứ hướng dẫn phái đoàn đến xứ Trung Hiếu là nơi được Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt quan tâm đề nghị cứu trợ đầu tiên. Với những con đường nhỏ, hẹp và ngoằn nghèo, xe chở hàng đã không vào được khuôn viên nhà thờ, mọi người trong phái đoàn và các nạn nhân đứng thành hàng dài để vận chuyển quà cứu trợ, gồm: gạo, nước mắm, cá khô, chăn màn. Một người đã tâm sự với tôi: “Chúng con đón nhận chủ yếu là tấm lòng, còn không thể thấm vào đâu so với những gì chúng con đã mất mát”. Tôi thấy họ cười trong nước mắt lưng tròng…

Đức Cha Giuse đã an ủi họ rằng, tuy dù những món hàng mang đến nơi đây chẳng khác gì “bột ngọt bỏ vào nồi canh”. Nhưng Trung Hiếu đã “chiếm hàng đầu trong trái tim mục tử của Đức Tổng”, và họ là đối tượng của niềm thương mến trong lòng những người đến được nơi đây cũng như quý ân nhân không thể trực tiếp gặp gỡ họ, nhưng đã gởi tặng họ tấm lòng vàng, đó là: Hội Bác ái Phanxicô thuộc tiểu bang California- Hoa Kỳ, UBBAXH trực thuộc HĐGMVN phía Bắc do Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến phụ trách và Hội từ thiện của Dòng tên do cha Micae Trương Thanh Tâm đảm nhiệm. Ngoài vật phẩm, Đức Cha Giuse còn trao cho cha Quản xứ một số tiền mặt.

Cha Quản xứ đã đưa phái đoàn đi thăm một số gia đình khó khăn. Và thật khó tin, khi vẫn còn những mái nhà tranh vách đất, mà muốn vào bên trong phải khom lưng xuống. Một người trong phái đoàn đã buột miệng: “Làm sao tin được một vùng phụ cận thủ đô như tỉnh Hà nam lại vẫn còn những nhà nghèo đến thế,, nghe thật là “nhức nhối”.

Không thể diễn tả hết được nỗi vui của người nghèo được viếng thăm. Đoàn cứu trợ đã lần lượt đến thăm một người đàn bà bị sét đánh liệt tay, một người đau tim nặng, một cụ bà mất con tóc bạc da mồi, lưng không còn đứng thẳng được. Bà vừa khóc vừa thưa với Đức Cha Giuse: “ Đức Cha đến thăm con như Chúa đến nhà, con mừng muốn vỡ cả tim” nghe thật cảm động…

Trong lúc nghỉ chân để chờ nhau cùng đến giáo phận Phát Diệm, chúng tôi đã ghé thăm “chái nhà” của một lương dân ở ngay bên vệ đường. Không thể vào bên trong vì quá hẹp, đủ chứa một chiếc chỏng tre và chiếc bếp lò. Người đàn bà trên 90 tuổi cho chúng tôi biết, bà đã ở cái chái nhỏ ấy hơn một năm trời với người con trai thứ tư (64 tuổi) bị tâm thần nhẹ. Chúng tôi mời bà dùng một ít lương khô phái đoàn mang theo và biếu hai mẹ con bà một ít tiền riêng. Khuôn mặt nhăn nheo của Bà bỗng rạng rỡ, tôi thấy Bà thật đẹp…

Đến Giáo hạt Vô Hốt – Phát Diệm, nơi đây nước ngập từ ngày 01.11 mãi 5 ngày sau mới rút và đến ngày 10.11 mới bắt đầu dọn dẹp được. Ngày lễ các thánh năm nay, giáo dân đi lễ rất ít, số đi được là những gia đình có lầu, có gác. Một số đứng trên sân thượng nhà mình để dự lễ, số khác ngồi trên thuyền. Một thánh lễ có lẽ là “độc nhất vô nhị” trong lịch sử giáo hội. Sau khi đến viếng Đức Mẹ Sầu Bi tại Đồng Đinh, cha Hạt trưởng đưa chúng tôi đi thăm giáo xứ Ngọc Cao và Đồng Đinh là hai nơi bị nặng nhất. Số nhà ngập nước là 100% và có 2 người thiệt mạng.

Tại Ngọc Cao, nơi mà trận lụt lịch sử năm trước, phái đoàn Thanh Hóa đã có dịp đến thăm, thì những con đường dẫn vào nhà thờ còn đi được, nhưng năm nay đã ngập chìm trong nước lũ phải đi bằng thuyền. Ngôi nhà thờ mới đang được xây dựng nằm bọc phía ngoài nhà thờ cũ. Đang làm dỡ dang thì hết kinh phí, nên giáo xứ vẫn tận dụng ngôi nhà thờ “ngàn sao”(mái ngói rách nát) tạm thời làm nơi phụng tự.

SỨ ĐIỆP TRONG LŨ LỤT

Đức Cha Giuse ân cần nói với các nạn nhân: “Cha đến đây với tâm tình người Cha trong giáo phận đến thăm đoàn con của mình. Cha tin tưởng Thiên Chúa sẽ rút ra sự lành từ những sự dữ. Chẳng hạn, từ ngày Đức Mẹ Đồng Đinh bị “tai nạn”, Mẹ bỗng nổi tiếng khắp thế giới, và ngày nay, Mẹ…đẹp hơn xưa. Sứ điệp của Đức Mẹ là sứ điệp Hòa Bình, nhờ đó lương – giáo hiểu nhau hơn, Mẹ biến phân hóa thành đoàn kết, biến động thành bình an. Cũng vậy, một cách nào đó, “nhờ” cơn lũ, con người có dịp xích lại gần nhau hơn, chúng ta bị hẩm hiu vật chất nhưng được ưu đãi tình cảm. Chúng ta trở thành đối tượng của sự yêu thương và hun đúc những trái tim biết yêu thương. Chúng ta hãy đến với Mẹ để Mẹ biến cái nghèo, cái khổ, cái mất mát của chúng ta trở nên giàu có trong Chúa. Ngoài hiện vật, Cha đã “vét” hết tiền mang theo để gởi lại cho chúng con”. Những tràng pháo tay vang dội, những nét mặt hân hoan. Niềm thương mến như ánh sáng đẩy lùi bóng tối khổ đau của cơn lũ lụt…

Các cha trong phái đoàn cũng sẻ chia tâm tình thương cảm, chúc ngôi nhà thờ mới sớm được hoàn thành và chúc mọi người hưởng một mùa Giáng sinh an bình, hạnh phúc.

Bạn Nguyễn thị Phượng, Phó phụ trách nhóm sinh viên Công giáo đã chia sẻ với bà con giáo dân: “Đây là lần đầu chúng con được đến những nơi này. Tuổi trẻ chúng con, với tình cảm nhạy bén, cảm thấy trái tim bồi hồi..Qua việc được tiếp xúc thực tế như hôm nay, chúng con tin chắc sẽ có những bạn trẻ dám hy sinh đời mình để phục vụ Giáo hội. Chúng con hứa sẽ nổ lực trong học tập, trang bị cho mình hành trang vào đời để mang lại hạnh phúc cho con người”.

Tôi đi giữa đoàn người nghèo khổ mà thấy mình quá sung sướng, quá đầy đủ, vậy mà ít khi tôi bằng lòng với hiện tại. Những nạn nhân lũ lụt đã dạy cho tôi bài học can trường trong thử thách, đau thương. Biết chấp nhận những gì xảy đến với một niềm tin tuyệt đối “Thiên Chúa có thể vẽ nét thẳng trên những đường cong”.

Nhật Vy

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 02.12.2008. 09:23