Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Giáo phận Phan Thiết khai mạc Năm Thánh 2010

§ Lm Giuse Nguyễn Hữu An

PHAN THIẾT - Hòa nhịp cùng Giáo Hội Việt Nam rộn rã những ngày khởi đầu Năm Thánh, Giáo phận Phan Thiết đã tổ chức lễ khai mạc cấp Giáo phận vào ngày 27, cấp giáo hạt ngày 28 và từng giáo xứ ngày Chúa nhật 29.11.

91129PhanThiet1.jpg

Thánh lễ khai mạc tại nhà thờ Chính Tòa, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống cùng đồng tế với Đức Cha Nicolas, Đức Cha Phaolô và linh mục đoàn Giáo phận. Các Thầy Chủng viện Nicolas, Đại Chủng viện Xuân Lộc, các Nữ tu thuộc nhiều hội dòng và đông đảo cộng đoàn Dân Chúa cùng hiệp thông cầu nguyện.

Đức Cha Giuse giảng lễ, suy niệm về Năm Thánh là điểm dừng để khởi hành những bước tiếp theo.

Lại một năm thánh nữa đến với mỗi người chúng ta. Năm linh mục chưa kết thúc, năm thánh Đức Mẹ TàPao còn hai tuần nữa sẽ bế mạc. Một năm thánh mới mở ra cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo Việt Nam được trao tặng đến mọi người. Có người vui tính thì nói rằng, mỗi một Năm Thánh là một hồng ân Chúa mở ra, tha hồ mà tích góp các ơn đại xá như mưa. Có người lại ái ngại không biết những năm thánh tiếp nối năm thánh như thế có để lại những âm vang tích cực trong đời tín hữu hay có khi tạo thành một thứ thói quen, một sự lờn quen chăng? Hồng ân Chúa như sương rơi trên ngọn cỏ bên đường héo khô có thể vực cho ngọn cỏ đó xanh tươi lại. Nhưng nếu như hồng ân Chúa như mưa từ ngày này qua ngày khác tựa mưa dầm không khéo lại trở thành úng lụt! Và một tâm hồn như thế, thay vì vươn lên lại trở thành một thứ thúi nhũn? Có nhiều cái nhìn về năm thánh như vậy. Tuy nhiên, khi Giáo Hội mở ra năm thánh, mỗi một người tín hữu là thành phần cũng được mời gọi hội nhập vào dòng chảy chung ấy.

Vậy thì Năm Thánh 2010 mở ra hôm nay có những điểm nào để mỗi người tín hữu chúng ta sống lấy một cách tích cực không?

Thưa có rất nhiều, ai đã buông mình theo những lễ nghi được cử hành từ những bước chuẩn bị mấy tháng trước đây đến tuần cửu nhật chuẩn bị cho năm thánh, hoặc là theo dõi trên tin tức của báo hoặc đài xã hội hoặc Giáo Hội cũng đều thấy những ngày gần đây ở Hà Nội, cũng như ở một vài Giáo Hội địa phương và cách riêng ngày hôm nay tại các Giáo Phận đều có lễ khai mạc năm thánh cho địa phương của mình. Năm thánh như thế có những điểm nhấn.

1. Năm thánh, một điểm dừng.

91129PhanThiet2.jpg

Năm thánh 2010 là một điểm dừng mời gọi mọi người tín hữu Việt Nam nhìn lại lịch sử Giáo Hội Công Giáo của mình.Từ năm 1553 hoặc trước đó nữa đã có những bước chân truyền giáo đến với Việt Nam. 1533 là con số mà ngày hôm nay nhiều người nhắc đến bởi vì được gợi lên ở trong cuốn lịch sử đời về sự hiện diện của giáo sĩ Inêkhu tại Ninh Cường thuộc địa phận Bùi Chu ngày nay.

Nhưng lược sử Công Giáo Việt Nam có lẽ chính thức được khai mạc vào năm 1615. Lúc ấy có sự hiện diện của các giáo sĩ dòng Tên đem Tin Mừng chính thức gieo trồng vào lòng xã hội Việt Nam. Nhưng chỉ thực sự được nhắc đến với những con số chính xác là từ ngày 9. 9.1659, tính từ đó cho đến nay là tròn 350 năm. Với tông hiến của Đức Giáo Hoàng Alexandre thứ VII thiết lập hai Giáo Phận đàng trong và đàng ngoài. Trong là trong nam, ngoài là ngoài bắc, ranh giới là sông Gianh. Và từ lúc ấy thì mới chính thức gọi là khai sinh Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam.

Thời gian 350 năm được làm nên bởi bao nhiêu thăng trầm lịch sử. Từ việc chân thành đón nhận Tin Mừng của cha ông chúng ta đến sự nhiệt thành không ngơi nghỉ của bao nhiêu bước chân truyền giáo cũng như của tất cả các các chủ chăn lẫn mọi tín hữu. Lịch sử hào hùng của những chứng nhân anh dũng, trong đó có 117 vị tử đạo đã được tuyên phong. Tất cả là một chiều dài lịch sử. Lịch sử hào hùng được làm nên bằng sự chân thành cộng sự, nhiệt thành loan báo và trung thành tình yêu, một lòng với đạo Chúa. Con số 117 vị chỉ là con số được chính thức, còn bao la cơ man nào mà kể, họ là ai? Thưa là cha ông của chúng ta trong đức tin, họ là những chứng nhân anh dũng cùng dòng máu với chúng ta, một khi đã đón nhận hồng ân đức tin thì gắn bó và trưởng thành cho đến cùng.

Gợi lại lịch sử 350 năm cũng chính là gợi lại lịch sử của những bước chân anh dũng ấy. Bước chân của những nhà truyền giáo từ bỏ quê hương của mình đến đây để đem Tin Mừng gieo vãi, cũng như bước chân của cha anh chúng ta trong lòng tin đón nhận và trưởng thành. Nhưng con số 350 năm ấy lại gói gọn một con số khác, đó là con số 50 mà năm 2010 là năm kỷ niệm chính thức 50 năm thiết lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã ký Tông hiến để thiết lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Ngày 24 tháng 11 đã trở thành một ngày truyền thống mà mỗi lần nhắc đến người ta luôn thấy rạo rực. Những gương mặt đã góp phần làm nên lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, là nhiều Giám Mục trong các khu vực đại diện tông toà. Những vị ấy là những chủ chăn người nước ngoài đã đến truyền giáo tại Việt Nam đã âm thầm vun bồi, xây dựng Giáo hội Công Giáo Việt Nam.

Từ khi có Đức Cha Nguyễn Bá Tòng khởi đầu cho hàng Giáo Phẩm Việt Nam cho đến hôm nay là 101 Giám Mục Việt Nam trong đó Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu là Đức Cha mới nhất. Tất cả con số 350 ôm lấy con số 50 làm nên niềm vui của năm thánh chúng ta kính mừng hôm nay. Đọc lại lịch sử Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam làm ta lâng lâng nhớ đến những khuôn mặt của tiền nhân, lâng lâng gắn bó với những khuôn mặt mục tử đã chăn dắt đàn chiên Chúa trên mảnh đất này, cũng chính là lúc chúng ta lâng lâng dâng lên lời cảm tạ vì hồng ân lớn lao, tạ ơn vì hồng ân vẫn còn được nối tiếp và còn tạ ơn mãi vì chính năm thánh cũng là năm của hồng ân. Đó là ý nghĩa trước hết mà năm thánh 2010 muốn mở ra.

2. Năm thánh, một điểm nhấn.

91129PhanThiet3.jpg

Ý nghĩa thứ hai là năm thánh 2010 không phải chỉ là một điểm dừng để rồi vui với những gì mình ghi nhận, mình ngoái lại đàng sau, mình hân hoan mà còn là một điểm nhấn. Điểm nhấn này là điểm nhấn về Giáo Hội Học. Năm thánh hiệp thông vào sứ vụ. Những từ ngữ ấy đã được nắn nót, đã được chọn lựa để mời gọi mọi tín hữu nhận ra điểm nhấn dành cho cá nhân mình, cho cộng đoàn mình hay đúng hơn cho chính Giáo Hội mà mình là thành phần, từ Giáo Hội cũng như Giáo Hội địa phương là Giáo Phận chúng ta đây.

Chúng ta còn nhớ rất rõ lễ các thánh Tử Đạo trước đây đâu phải là vào ngày 24 tháng 11. Ngày phong thánh là ngày 19 tháng 6. Vậy tại sao không lấy ngày đó làm ngày lễ các Thánh Tử Đạo mà lại chọn ngày 24 tháng 11? Bởi vì đây là ngày thiết lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam, 24.11.1960 đã trở thành một cột mốc không thể nào quên. Cho dẫu ngày 19 tháng 6 là ngày Giáo Hội tôn vinh các chứng nhân anh dũng của Việt Nam, nhưng các Giám Mục Việt Nam đã chọn ngày 24 Tháng 11 hàng năm làm lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Ở đây muốn gieo một nhịp cầu, đó là nhịp cầu nối kết Giáo Hội Việt Nam với Giáo Hội Toàn Cầu. Giáo Hội Việt Nam mặc dù gọi tên là Việt Nam nhưng vẫn gắn kết với Giáo Hội Toàn Cầu với mọi tín hữu năm châu. Và ở đó người ta cũng nhận ra một nhịp cầu nối liền, nối liền giữa một đàng là tiền nhân anh dũng đã minh chứng bằng đức tin trung thành với hàng Giáo Phẩm hôm nay trên đất nước chúng ta trong 26 Giáo Phận. Một đàng là các tiền nhân đã trung thành tuyên xưng đức tin và một đàng khác là những vị mục tử đang nhiệt thành để điều hành Giáo Hội địa phương đôi bờ nối kết với nhau thắm thiết để làm nên một Giáo Hội quê hương duy nhất. Và cũng còn một nhịp cầu nối hai bờ, bên kia là cha ông, bên này là con cháu. Không còn ngửa mặt tôn vinh cầu nguyện, đẩy các Thánh lên cao nữa mà tay nắm tay nối liền “hò dzô ta” bởi vì không phải ai xa lạ mà là những thành phần trong cùng một gia đình. Con cháu cúi đầu trước cha ông là chuyện bình thường, nhưng trong cái cúi đầu kính cẩn nghiêng mình ấy vẫn có một trái tim rung động, có một máu huyết cùng hoà đập, có một nhịp đập cùng nhịp chung. Đó là điều mà Giáo Hội muốn nhấn mạnh để trở thành điểm nhấn của năm thánh 2010 này.

Tất cả là những thành phần sống động trong cùng một Hội Thánh, cho dẫu Hội Thánh đó nhìn dưới góc cạnh mầu nhiệm như hồng ân của Thiên Chúa tạo thành, cứu rỗi và gọi mời người ta gia nhập vào trong đại Gia Đình ấy. Cho dẫu Hội Thánh ấy là những bàn tay nối kết hiệp thông khởi đi từ những tấm lòng biết chung xây, người này gọi người kia, người này đỡ nâng người kia để xây dựng thân mình Chúa Kitô đền thờ Chúa Thánh Thần, hay làm nên bộ mặt của Dân Thiên Chúa trong địa phương của mình. Và cho dẫu đó là Giáo Hội dưới góc nhìn sứ vụ mình đối với những người chưa nhận biết đức tin để bằng lời nói, bằng cách cư xử, bằng cuộc sông và nhất là bằng những chúng tá đời sống làm cho họ cũng được thu nhập vào trong một Hội Thánh, một đại Gia Đình. Đó chính là điểm nhấn thứ hai năm thánh 2010.

3. Năm thánh, một điểm “tái khởi hành”

Năm Thánh là một điểm “tái khởi hành” một điểm “lên đường”. Ngày lễ khai mạc vừa qua tại Sở Kiện, trong văn kiện gởi cho Giáo Hội Việt Nam, Đức Hồng Y Ivan, tổng trưởng Bộ Truyền Giáo đã nhắc đến cụm từ “tái khởi hành”, từ Đức Kitô dành cho Hội Thánh tại Việt Nam. Đây là cụm từ được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dành cách riêng để mở ra cho các tu sĩ trong một văn kiện của Ngài, nhưng đã trở thành một kiểu nói mở ra cho mọi thành phần dân Chúa, và có lẽ Ngài thấy thích hợp để nhắc nhắc cho Hội Thánh tại Việt Nam hiểu rằng năm thánh mở ra không chỉ là những lời vui mừng, không phải chỉ là những hồng ân đón nhận, nhưng còn là một quyết tâm, một nỗ lực để lên đường. Và điểm “tái khởi hành” chính là từ Đức Kitô. Mỗi một tín hữu hiểu được điều này sẽ thấy rằng mình lên đường như thế nào. Và một khi hiểu rằng mình là người nhà của Đức Kitô trong lòng tin, trong đức cậy, trong tình mến thì mình cũng sẽ bước chân theo sứ vụ bằng cả lòng hăng say, bằng tất cả sự nhiệt tình của mình.

Cuộc sống hôm nay không phải luôn dễ dàng cho mọi người. Có nhiều lý do, lý do xã hội, lý do kinh tế và những lý do khách quan và chủ quan khác nữa, nhưng tất cả chúng ta đều được mời gọi để trao gởi cho nhau những điều tốt lành nhất trong ơn cứu rỗi, và điều này thì không thể thiếu cho bất cứ ai. Ta không có tiền để cho người khác, nhiều khi ta không muốn đời ta có những nổi buồn và nhiều khi ta luôn muốn làm mặt vui mà khả năng mình cứ giới hạn xuất hiện trước người khác không được tươi tắn, nhiều khi lời nói của ta có những giới hạn, và nhiều khi cách sống của ta cũng còn nhiều lỗi điệu với Chúa, với anh em và với những người thấp bé... Đây cơ hội đấm ngực ăn năn hoà giải và canh tân.

Thành thử điểm “tái khởi hành” của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cũng chính là điểm xây dựng, xây dựng trong một sự đổi mới. Chúa Thánh Thần luôn có mặt đồng hành với Giáo Hội, với con cái của Ngài để những ai cần đổi mới tâm hồn, đời sống thì Ngài nâng đỡ, Ngài dìu đưa. Chúa Thánh Thần là Đấng canh tân bộ mặt trái đất, Ngài đồng hành với tất cả chúng ta trong suốt năm thánh. Năm thánh chính là mùa hoà giải và đây cũng chính là điều cụ thể cũng như khó khăn khá nhiều đối với nhiều người chúng ta. Hoà giải với Chúa đã khó. Khi đến với Bí Tích Hoà Giải là ta nhận được ơn thứ tha, nhưng hoà giải với anh chị em của mình, với mọi thành viên trong gia đình, với người hàng xóm, với người đồng đạo. Các Linh Mục hoà giải với nhau. Giám Mục hoà giải với Linh Mục. Các tu sĩ hoà giải với nhau. Chủng sinh hoà giải với nhau. Giáo dân hoà giải với nhau... thì lại khó hơn nhưng nếu làm được như thế thì tất cả đã làm nên một cao trào của sự thánh đức rồi. Hoà giải là tiền đề của việc canh tân. Hoà giải rồi thì Chúa Thánh Thần cũng kết thúc mầu nhiệm đổi mới.

Trong thánh lễ khai mạc tại Sở Kiện, Đức Hồng Y Etchégaray cũng nhấn mạnh với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, nhân danh sự thân tình dành cho Giáo Hội Việt Nam từ hai mươi năm qua, Ngài cũng sử dụng hai cụm từ được cộng đoàn tán thành bằng những tràng pháo tay. Đó là sự “hoà giải” và “niềm hy vọng”. Hãy hoà giải để rồi cùng nhau đi về một đích điểm của ơn cứu rỗi, và như vậy niềm hy vọng sẽ được vươn lên. Năm thánh 2010 chính là cơ hội để “tái khởi hành” vì Đức Kitô bằng những giá trị Tin Mừng đọc được trong Giáo Hội Học. Giáo Hội là mầu nhiệm, là hiệp thông, là sứ vụ để rồi thể hiện cụ thể với những bước thay đổi ngay cả trong đời sống tâm hồn cũng như trong đời sống thường nhật.

Xin Chúa chúc lành cho mỗi người chúng ta tham gia khai mạc năm thánh.

Xin Chúa chúc lành cho gia đình Giáo Phận chúng ta đang liên tiếp đón nhận và hưởng nhờ những hồng ân, từ hồng ân qua bàn tay từ mẫu của Đức Mẹ tại Tàpao và bàn tay luôn luôn dịu dàng nhân từ của Thiên Chúa muốn con cái của mình nên tốt, nên lành, nên thánh, nên xinh tươi.

Xin Chúa chúc lành cho mọi người. Và chúng ta, lòng hẹn lòng phải sống năm thánh này một cách tròn đầy:

Vui năm hồng ân, hãy canh tân hoà giải
sống mùa hoán cải, lòng rộng trải yêu thương
”.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 30.11.2009. 10:36