Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đức tân Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm: 'Phải can đảm loan báo tình yêu và tự do đích thực của Tin Mừng'

§ Lê Hữu Tuấn

PV: Xin chào mừng Đức cha vừa được Toà thánh bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá II TP. HCM. Đã khá lâu nay, tin này được nhiều người nhắc đến, và hôm nay đã là hiện thực. Chính xác thì, cho đến lúc nào thì Đức cha biết mình được chọn vào cương vị này?

DGMKham.jpg

ĐGM NVK: Cũng như anh thôi, tôi chỉ nghe tin hành lang. Còn chính thức thì vào ngày 2-10-08, Đức Hồng Y gọi tôi lên, cho biết việc Toà Thánh muốn bổ nhiệm tôi làm Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận TP. HCM. Sau đó, hai cha con cùng soạn lá thư trả lời cho Đức Hồng Y Bộ trưởng Bộ Truyền giảng Tin Mừng cho các Dân tộc.

PV: Tổng Giáo phận TP. HCM luôn được xem là giáo phận đa dạng, phong phú về các mặt. Đó có là áp lực với Đức cha trong cương vị mới? Những dự định của Đức cha sau khi nhậm chức Giám mục Phụ tá TGP. TP. HCM?

ĐGM NVK: Tôi không có dự định riêng nào cả. Dự định mục vụ là dự định chung của cả gia đình giáo phận, trong đó Đức Hồng y Gioan Baotixita là người cha chung. Cùng với các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân, ngài đưa ra kế hoạch mục vụ và tôi phụ giúp ngài trong việc triển khai những kế hoạch đó. Khi biết tôi được gọi làm giám mục, có người giáo dân viết thư chúc mừng và hứa là sẽ cầu xin Chúa cho tôi được hai ơn này là ơn khôn ngoanơn chịu khó. Hơn ai hết, anh chị em giáo dân biết rõ các mục tử cần gì và sẵn lòng nâng đỡ. Được như thế, tôi cảm thấy rất an tâm chứ không lo âu sợ hãi cho dù như anh nói, trách nhiệm mới có thể là áp lực lớn cho đời sống của mình.

PV: Xin Đức cha vui lòng cho độc giả biết ít nhiều về hành trình ơn gọi của mình? Những kỷ niệm nào là đáng nhớ của Đức cha trong 28 năm linh mục Tổng Giáo phận TPHCM?

ĐGM NVK: Câu hỏi của anh làm tôi liên tưởng đến một phương pháp cầu nguyện gọi là Kinh nguyện hồi tưởng, nghĩa là nhìn lại cuộc đời mình để khám phá sự hiện diện yêu thương của Chúa. Riêng tôi, cảm nghiệm xuyên suốt hành trình ơn gọi là Thiên Chúa dẫn mình đi bằng những nẻo đường hết sức bất ngờ, vượt ngoài những suy nghĩ và tính toán tự nhiên. Cảm nghiệm đó nhắc nhớ tôi sống phó thác, cậy trông và khiêm tốn.

PV: Đức cha từng du học và có bằng Tiến sĩ Thần học Mục vụ tại Mỹ, và cũng đã nhiều năm nay làm Giám đốc Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận TP. HCM. Đức cha cũng nổi tiếng với những bài giảng thuyết thu phục lòng người Công giáo mọi giới. Đây có là những thuận lợi của Đức cha trong vai trò Giám mục?

ĐGM NVK: Tôi đi du học khi đã 48 tuổi và sau 20 năm làm linh mục. Lớn tuổi nên khả năng tiếp thu chắc bị giới hạn hơn. Bù lại, những kinh nghiệm mục vụ lại cho tôi một cơ sở để đối chiếu, nhận định và lượng giá những kiến thức mà các giáo sư trình bày. Khi về nước nhận nhiệm vụ Giám đốc Trung tâm Mục vụ, hạnh phúc của tôi là có được những anh em cùng chí hướng, hiệp nhất yêu thương nhau, cùng nhau triển khai và thực hiện những kế hoạch mục vụ. Bên cạnh đó, lại có sự tham gia tích cực của đông đảo anh chị em tu sĩ và giáo dân vào những chương trình đào tạo và sinh hoạt tại Trung tâm Mục vụ. Chắc chắn đây là những thuận lợi cho tôi trong nhiệm vụ mới.

PV: Quan niệm và kinh nghiệm của Đức cha về mục vụ của linh mục ở thời đại “thế giới phẳng” hôm nay?

ĐGM NVK: Một câu hỏi không dễ trả lời! Bởi lẽ chưa chắc chúng ta đã đồng ý với nhau về khái niệm “thế giới phẳng”. Nếu hiểu “thế giới phẳng” như Friedman, tác giả cuốn The World is Flat và là người phổ biến khái niệm về thế giới phẳng, thì khái niệm này diễn tả tiến trình toàn cầu hoá kinh tế, trong đó sự phát triển rất nhanh của những phương tiện truyền thông hiện đại đã tạo cơ hội phát triển đồng đều cho mọi người và mọi dân tộc. Cụ thể như Ấn Độ, Trung Quốc, Ái Nhĩ Lan, chỉ trong thời gian ngắn đã đạt đến sự phát triển kinh tế cao. Thế nhưng, không phải mọi người đều đồng ý với quan điểm của Friedman vì khi nhìn vào thế giới hôm nay, người ta e rằng tiến trình toàn cầu hoá kinh tế đã làm cho hố ngăn cách giàu nghèo càng lúc càng lớn hơn, và không phải mọi người, mọi dân tộc đều có cơ hội phát triển như nhau. Đó là mới chỉ nói đến toàn cầu hoá kinh tế, còn khi bàn đến toàn cầu hoá văn hoá, sẽ có biết bao câu hỏi được đặt ra. Thế nên đây là câu hỏi không thể trả lời đơn giản.

Còn nếu hiểu khái niệm thế giới phẳng như hình ảnh tổng quát về toàn cầu hoá, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ thông tin thì về mặt mục vụ, tôi nghĩ đến hai khía cạnh là chủ thể và nội lực. Chủ thể ở đây là người sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là Internet. Ngày nay, mọi người, cách riêng các bạn trẻ, có thể đi vào xa lộ thông tin vô cùng phong phú, là nguồn phát triển tri thức về mọi lĩnh vực. Thế nhưng, sự phong phú về lượng không nhất thiết đồng nghĩa với phong phú về chất. Thực tế là xa lộ thông tin đó có thể giúp ta phát triển tri thức, mở rộng tâm hồn, nâng cao cuộc sống. Nhưng xa lộ đó cũng có thể nhận chìm suy tư sáng tạo cá nhân, làm nghèo tâm hồn và nhân cách. Tất cả là tuỳ khả năng phân định và chọn lựa của chủ thể tức là người sử dụng phương tiện truyền thông. Cũng vì thế, gắn với chủ thể là nội lực, nghĩa là làm sao để chính mình có khả năng nhận định và chọn lựa đúng sai, tốt xấu. Đây không chỉ là chuyện của trí khôn mà còn là chuyện của tâm hồn. Bằng chính công việc bổn phận của mình như giảng Lời Chúa, dạy Giáo lý, đồng hành thiêng liêng, linh mục có thể góp phần tích cực vào việc phát huy nội lực của mỗi chủ thể, nhờ đó họ biết sử dụng những phương tiện truyền thông cách ích lợi nhất, cho mình và cho cộng đồng.

PV: Năm 1990, ở một dịp chia sẻ với một số linh mục ở TP. HCM, Đức cha đã nêu lên những ý tưởng mà giờ đây khi gẫm lại, ai cũng thấy đó là những suy nghĩ mang tính tiên đoán rất có tầm nhìn. Đó là: “Những năm sắp tới, khi ảnh hưởng của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật ngày càng lan rộng, sẽ có những biến chuyển về kinh tế, xã hội, văn hoá, tư tưởng tác động trên con người và lối sống của họ. Vì vậy, muốn phục vụ cách hữu hiệu, linh mục không thể không quan tâm đến để có được những nhận định đúng đắn và định hướng cho công cuộc tông đồ của mình…”. Theo Đức cha, những linh mục của Giáo hội Việt Nam hôm nay đã có sự chuẩn bị đủ chưa trước những biến đổi này trong xã hội?

ĐGM NVK: Thực ra, đây không phải là những suy nghĩ của cá nhân tôi mà là chỉ dẫn của Giáo Hội. Ngay trong sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống Linh mục của Công đồng Vatican II, nghĩa là từ hơn 40 năm trước, đã có những chỉ dẫn này rồi, và trong những tài liệu sau này liên quan đến các linh mục, Giáo Hội vẫn không ngừng nhắc lại. Tôi chỉ vận dụng những chỉ dẫn này vào hoàn cảnh hiện tại và chia sẻ với anh em của mình, nhất là các linh mục trẻ. Linh mục được sai đến để phục vụ con người. Con người đó là con người muôn thuở với những vấn đề muôn thuở. Nhưng con người đó cũng là con người hôm nay với những vấn đề của hôm nay. Vì thế, linh mục phải quan tâm đến những biến chuyển của thời đại để có thể phục vụ hữu hiệu hơn. Đây cũng là lý do Đức Hồng y Gioan Baotixita quan tâm đặc biệt đến việc thường huấn linh mục, tức là tiếp tục đào tạo linh mục sau khi đã chịu chức. Chắc chắn là mỗi linh mục đều ý thức về điều này, còn đã chuẩn bị đủ chưa thì không thể đưa ra một khẳng định vội vã vì ngày nay, xã hội biến chuyển rất nhanh, đa dạng và phức tạp.

PV: Trong một bài viết của mình cách đây hơn 15 năm, Đức cha đã viết: “…Cuộc sống hôm nay vẫn luôn có những ông Pharisiêu hiện đại chỉ chực chờ biến tôn giáo thành cánh rừng lề luật, với những tầng lá thật dày che khuất cả ánh Thái dương muốn truyền thông sự sống. Vẫn còn đó một lối trình bày tôn giáo như bộ luật hoàn chỉnh nhất nhưng chẳng thấy đâu bộ mặt của Đức Giêsu…”. Sau gần ấy thời gian với những trải nghiệm và quan sát tiếp tục, Đức cha nhận định về vấn đề này thế nào trong thời điểm hiện tại?

ĐGM NVK: Trong thập niên 90 (thế kỷ 20), tôi thường xuyên đồng hành và làm việc chung với các bạn trẻ bằng nhiều hình thức khác nhau. Những dòng trên đây nằm trong bài giới thiệu cho các bạn trẻ về một tác phẩm của Cha Michel Quoist, cuốn Hãy nói cho tôi về tình yêu. Thiết nghĩ những nhận xét trên vẫn còn đúng cách này cách khác, nơi này nơi kia, trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội. Nói cho đầy đủ hơn, vẫn luôn có khuynh hướng nhân danh lề luật để bóp chết tình yêu và tự do, nhưng cũng có khuynh hướng nhân danh tình yêu để che giấu sự ích kỷ và lối sống buông thả, nhân danh tự do để làm “màn che sự gian ác” (1 Pr 2,16). Bổn phận của chúng ta là phải sáng suốt phân định và can đảm loan báo tình yêu và tự do đích thực của Tin Mừng.

PV: Đức cha có thể vui lòng cho bạn đọc biết khẩu hiệu Giám mục và biểu tượng huy hiệu Giám mục của mình? Ý nghĩa của những chọn lựa đó?

ĐGM NVK: Ý thức rằng làm linh mục hay làm giám mục cũng chỉ là đáp trả tiếng gọi của Chúa, và dù có làm gì đi nữa thì ơn gọi căn bản vẫn là ơn gọi làm người môn đệ của Thầy Giêsu, nên tôi chọn khẩu hiệu “Hãy theo Thầy” (Ga 21,19). Còn huy hiệu là logo của Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận TP. HCM. Huy hiệu ấy làm thành bởi hai chữ M và V (Mục Vụ), được trình bày như hai trái tim đan quyện vào nhau, và giữa lòng hai trái tim là Thánh giá, Tình yêu Giêsu. Tôi chọn huy hiệu đó vì chính từ Trung tâm Mục vụ này mà tôi được gọi làm giám mục, và logo đó diễn tả tâm niệm của anh em chúng tôi khi làm việc chung với nhau tại đây, đó là để cho trái tim mình đan kết với trái tim Chúa, tập mang trong lòng mình những tâm tư của Chúa (x. Pl 2,5), để rồi có thể đến với mọi người anh chị em bằng tâm tư của Thầy Giêsu.

PV: Lễ tấn phong Giám mục Phụ tá II của TGP. TP. HCM sẽ diễn ra ở đâu và khi nào, thưa Đức cha?

ĐGM NVK: Đức Hồng y Gioan Baotixita đã ấn định lễ phong chức sẽ được cử hành lúc 7g00 Thứ Bảy, 15-11, tại khuôn viên Đại Chủng viện Thánh Giuse.

PV: Đức cha có nhắn gởi gì với những linh mục, tu sĩ và bà con giáo dân xa gần?

ĐGM NVK: Tôi đâu dám nhắn nhủ gì, chỉ xin gửi đến tất cả quý cha, quý tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân lời cảm ơn hết sức chân thành của tôi, vì mọi người đã thương nhớ đến và cầu nguyện cho tôi trong dịp này. Xin tiếp tục đồng hành với tôi trong nhiệm vụ mới, chỉ bảo cho tôi những khi tôi thiếu sót, và tiếp tục cầu nguyện cho tôi trong bước đường sắp tới.

(Nguồn: Báo Công giáo và Dân tộc)

Lê Hữu Tuấn

Đọc nhiều nhất Bản in 09.11.2008. 00:18