Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đức Cố Hồng Y Phạm Đình Tụng với Thánh Địa La Vang

§ Nguyễn An Quý

Tối Chúa nhựt ngày 22 tháng 02 năm 2009, từ thành phố Seattle, tôi vào trang nhà Dòng Chúa Cứu Thế Việt nam để theo dõi các tin tức bên nhà. Vừa mở trang chính thì đã thấy hàng chữ kính báo về việc Đức Hồng Y Phaolồ Giuse Phạm Đình Tụng đã được Chúa gọi về lúc 10 giờ10 phút sáng Chúa nhựt, giờ Việt nam, tức cách đây mới chừng vài tiếng đồng hồ khi tôi đọc được tin này.

Là một giáo dân Huế, tôi không được may mắn biết tường tận về những sinh hoạt của Ngài. Tuy nhiên, theo dõi các tin tức cũng như qua tiết lộ của nhiều giới chức thuộc Giáo phận Huế đã kể về Ngài trước đây khi tôi còn ở Việt Nam, thì đúng Ngài quả là cây đại thụ của Giáo hội miền Bắc. Tôi còn nhớ, khi Cố Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền treo chén một vị linh mục ở Huế đã tự ý đi Hà nội họp với Uỷ Ban phá đạo lúc bấy giờ, nhiều người đã ví việc làm của Đức Tổng Điền giống ngài Giám Mục Phạm Đình Tụng ở ngoài Bắc trong việc cương quyết bảo vệ sự độc lập của Giáo hội.

Câu chuyện được đề cao như một gương sáng chói, đó là vào khoảng năm 1960, khi Cố Hồng Y còn là một linh mục đảm nhận chức vụ Giám đốc Tiểu chủng viện Thánh Gioan Hà nội.Tiểu chủng viện này lúc bấy giờ là nơi đào tạo linh muc cho các Giáo phận ở miền Bắc gồm Hà nội, Bùi chu, Hải phòng, Bắc ninh, Phát diệm,Thái bình, Thanh hoá. Trước âm mưu phá hoại tôn giáo của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, với kế hoạch muốn đưa đảng viên cộng sản vào Chủng viện để dạy các môn học về triết lý của chủ nghĩa Mác Lê. Thấy được nguy cơ và hiểm hoạ về một kế hoạch thâm độc mà đảng cộng sản Việt Nam đang muốn xâm nhập và tìm cách phá Giáo hội. Ngài liền bàn thảo với các vị có thẩm quyền lúc bấy giờ, cho giải tán Chủng viện và đưa các chủng sinh về lại các Giáo phận để âm thầm đào tạo. Qua đó, chứng tỏ Ngài là một vị mục tử biết nhìn xa thấy rộng trong việc bảo vệ và duy trì sự sống còn của Giáo hội

Khi đọc bản tin về Cố Hồng Y Phạm Đình Tụng qua đời, hình ảnh đáng kính của Ngài lại hiện về với tôi. Đó là hình ảnh khó quên mà chính bản thân tôi đã chứng kiến vào mùa hè năm 1990 tại Thánh Địa La Vang.

Tôi còn nhớ rất rõ về ngày Hành hương nơi Thánh Địa La Vang vào dịp Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời năm 1990.

Trước khi đi vào câu chuyện đáng ghi nhớ này, xin được thưa qua một chút về sự đau thương nơi Thánh Địa Lavang kể từ ngày miền Nam “bị giải phóng”. Lavang là nơi tối kỵ đối với nhà nước cộng sản Việt Nam, vì họ cho đó là tiền đồn chống cộng của miền Nam Việt nam, kể từ khi đất nước bị phân đôi từ vĩ tuyến thứ 17. Đối với người giáo dân Huế, làm sao quên được, cứ mỗi khi gần đến mùa Hành hương Lavang, tức vào dịp lễ Đức Mẹ Lên Trời hằng năm. Tất cả các Phường, Xã trong thành phố Huế đều có tổ chức những buổi học tập nhằm mục đích phổ biến cho dân chúng biết tính cách “phản động”(sic) phát xuất từ Lavang theo luận điệu của những tên cán bộ cộng sản thuộc các Phường, Xã. Trong các buổi học tập đó, họ đều đưa ra chỉ thị của nhà cầm quyền điạ phương là cấm đi Hành hương Lavang. Hễ cứ đến ngày Hành hương, trên trục lộ từ Huế đến Quảng trị, công an chận các xe chở hành khách và xét hỏi giấy Chứng Minh Nhân Dân của hành khách, nếu ai là Thiên Chúa Giáo đều bị công an mời xuống xe. Chính Đức TGM Nguyễn Kim Điền lúc bấy giờ cũng không sao đến LaVang được. Câu chuyện LM Nguyễn Văn Lý và đoàn giáo dân giáo xứ Đốc sơ Huế đi hành hương Lavang là câu chuyện khó quên của người giáo dân Huế khi nhớ đến Lavang. Vào năm 1982, Lm Nguyễn Văn Lý cùng với đoàn giáo dân giáo xứ Đốc Sơ thuê một chiếc xe đi Hành hương Lavang vào dịp Lễ Đức Mẹ Lên Trời năm đó. Khi xe đến Mỹ chánh thì bị công an chận xe lại, họ mời tất cả giáo dân xuống khỏi xe và tuyên bố không được đến LaVang, thế là LM Nguyễn Văn Lý cho giáo dân quỳ xuống trên một khoảng đất trống sát quốc lộ I, hướng về Lavang và đọc kinh cầu nguyện. Lời kinh và tiếng hát vang lên một góc trời. Trong chốc lát, trên đoạn đường này, xe cộ đầy kín cả tuyến đường không sao di chuyển được, vì đủ mọi thứ xe cộ qua lại, kể cả bộ hành, tất cả đều dừng lại xem chuyện gì xẩy ra trên quốc lộ. Lượng người tò mò tiến đến quan sát đoàn người đang quỳ đợc kinh và xe cộ dừng lại càng lúc càng đông, thế là công an bó tay, nên phải ra lệnh tài xế mời Cha Lý và đoàn Hành hương lên xe tiếp tục lên đường đến Lavang, nhiều giáo dân khác đi Hành hương lúc đ ó cũng được hưởng nhờ.

Thánh Địa Lavang sau ngày “bị giải phóng” bị nhà nước cấm cử hành Thánh Lễ kể cả những ngày Chúa Nhựt và Lễ Trọng một cách tuyệt đối, do đó những ngày Hành hương thường được duy trì việc ngăn cấm hơn nhiều. Lavang suốt chiều dài từ ngày “bị giải phóng” cho đến lúc tôi rời Việt Nam vào năm 1991, không có cha sở. Linh mục Nguyễn Vinh Gioang chánh xứ họ Diên Sanh cách Lavang khoảng hơn 10 cây số phải kiêm luôn họ Lavang theo sự phân nhiệm của Toà Giám Mục Huế từ thời Đức Cố TGM Nguyễn Kim Điền. Cha Nguyễn Vinh Gioang có sáng kiến duy trì Thánh Lễ tại Lavang bằng một tên gọi rất mới lạ: Ngôn Lễ. Kể từ khi miền Nam “bị giải phóng”, lần đầu tôi đến La Vang vào giữa thập niên 80, tôi rất ngạc nhiên khi nhìn vào tấm bảng trước Nhà thờ có ghi thông báo: Chúa nhựt Giờ Ngôn lễ: 11 giờ 30.

Cũng xin nói thêm một chút, toàn bộ khu Thánh Địa Lavang hoàn toàn bị phá huỷ do trận chiến mùa hè đò lửa năm 1972, ngoại trừ đài Đức Mẹ với ba cây đa nhân tạo, ghi dấu nơi Mẹ hiện ra năm xưa còn nguyên, chỉ bị vài vết đạn nhẹ. Ngôi Thánh đường chỉ còn lại cái tháp chuông, công trường Mân côi với 15 bức tượng diễn tả mười lăm sự mầu nhiệm đều bị hư hại nặng nề, hầu hết các bức tượng đều bị gảy đổ.

Trở lại chuyện nhà thờ và giờ Ngôn Lễ, gọi là nhà thờ chứ thật ra đây chỉ là một Nhà Nguyện nho nhỏ nằm trong khu Thánh Địa khá rộng lớn của một thời an bình trước đây. Nhà nguyện hình như là nhà xứ trước đây, tôi không nhớ rõ, lúc bấy giờ được tu sửa lại để làm nơi cử hành Thánh Lễ cùng những giờ kinh nguyện của giáo dân Lavang, cũng như nơi nguyện gẩm của những khách Hành hương lẻ tẻ đến viếng đất Mẹ. Lavang là nơi được liệt kê vào danh sách bị cấm đoán nhiều chuyện. Nhà nguyện chứa khoảng chừng vài trăm giáo dân và có phòng tạm trú nho nhỏ cho các Cha đi viếng Mẹ hay Cha Gioang mỗi lần đến dâng Thánh lễ.

Nói một chút về chuyện Ngôn Lễ ? Hôm đó tôi cùng với gia đình được tham dự giờ Ngôn Lễ. Khi đến giờ cử hành, dĩ nhiên là đã trải qua buổi đọc kinh của giáo dân. Linh mục Nguyễn Vinh Gioang đứng ở phía cuối nhà nguyện cùng với giáo dân, ngài không mặc áo lễ, (áo lễ được trải trên bàn thờ). Đến giờ, ngài cử hành nghi thức phụng vụ bằng bài ca nhập lễ và đọc các kinh thương xót, kinh Vinh danh rồi đến phần giáo dân chia nhau đọc Thánh Kinh qua các bài đọc I, Bài đọc II, sau đó ngài công bố Tin mừng với bài Phúc Âm và chia sẻ lời Chúa ngắn gọn. Sau phần chia sẻ lời Chúa, ngài tiến lên bàn Thánh đọc lời truyền phép. Kinh lạy Cha, đoạn cho giáo dân rước Mình Thánh Chúa. Trong tình thế ngặt nghèo khi nơi thờ tự của tôn giáo bị công khai cấm đoán, việc phụng vụ Thánh lễ cũng được đơn giản hoá như thời cấm đạo xa xưa. Theo tiết lộ của vài giáo dân mà tôi quen biết ở Lavang, họ cho biết: ở đây tụi công an nó theo dõi và bám sát thường xuyên, tuyệt đối họ không cho cử hành Thánh Lễ, nên cha Gioang đã cử hành phụng vụ Thánh Lễ theo cách đó.

Nhắc lại những mẫu chuyện đầy đau thương nơi đất Mẹ như một sự ghi nhớ trong những năm tháng dài kể từ ngày toàn dân miền Nam ngậm ngùi sống trong phần đất được mệnh danh là phần đất đã được giải phóng bởi đảng cộng sản Việt nam, nên cá nhân người viết gọi là “bị giải phóng” cho hợp tình hợp lý.

Từ chuyện đau thương khi nhớ đến cảnh Thánh Địa Lavang hoàn toàn đổ nát, cộng với những cấm đoán đầy khắc nghiệt của nhà cầm quyền, thế là hình ảnh Cố Hồng Y Phạm Đình Tụng năm xưa khi Ngài đến đất Mẹ vào dịp Hành Hương năm 1990 lại hiện về trong tâm trí tôi, một kỷ niệm không thể nào quên về hình ảnh một vị mục tử nhân lành khi đến kính viếng đất Mẹ.

Tháng 8 năm 1990 là năm Cố Hồng Y còn là Giám mục làm Giám Quản Tổng Giáo phận Hà nội. Ngài đến Lavang theo chuyến bay từ Hà Nội đến Phi trường Phú bài Huế vào sáng sớm ngày Hành hương. Từ Phú Bài ngài đến Lavang bằng xe hơi do Giáo phận Huế đón rước. Tưởng cũng nhắc lại, lần đầu tiên từ ngày “bị giải phóng”, năm 1990 sau cái gọi là cởi trói, mở cửa của nhà nước cộng sản Việt Nam, là năm mà Giáo Phận Huế được cử hành ngày Hành hương nơi đất Mẹ Lavang tương đối được dễ dàng hơn, cho nên Cố Hồng Y cũng đến tham dự và Chủ tế Thánh Lễ một cách công khai. Tôi là giáo dân của Giáo xứ Chánh toà nên được đảm trách công việc giữ trật tự trong cuộc Hành hương năm đó, nhờ đó nên đã chứng kiến và nghe rất rõ lời của Cố Hồng Y khi Ngài tiến vào Lễ Đài. Lễ Đài là nơi Đền Thánh Đức Mẹ Lavang được xây dựng vào khoảng năm 1960 với bàn thờ, có ba cây đa đúc bằng ximăng, có những ngọn lá to lớn che như một mái nhà để làm nơi cử hành Thánh Lễ Đại Trào mỗi khi có các cuộc lễ trọng, hay Hành Hương. Tôi thấy Cồ Hồng Y lúc bấy giờ với thân hình mảnh khảnh, Ngài tiến bước chậm rải và khi còn cách Lễ Đài khoảng chừng vài chục thước. Ngài dừng lại, quỳ gối và sấp mình xuống hôn đất, rồi ngước mặt lên nhìn Thánh tượng Đức Mẹ Lavang trên Lễ Đài, ngài nói lớn với giọng nức nở:

“Lạy Mẹ Lavang, lần đầu tiên con đến đất Mẹ, xin Mẹ thương đến Giáo hội Việt nam, thương đến dân tộc chúng con.”

Rồi Ngài thì thầm cầu nguyện, với giọng nói đứt khoảng trong nghẹn ngào, đôi mắt ngấn lệ. Nhiều giáo dân cũng chảy nước mắt theo. Tôi thật sự quá cảm động và tự nhiên cảm thấy xao xuyến trong lòng và nhớ mãi câu chuyện đó, mỗi khi ai nhắc đến tên Ngài. Khi biết tin Ngài đã đi về nhà Cha, tôi hình dung lại bước chân của Ngài di chuyển trên phần đất Thánh Địa Lavang năm nào, nơi đây mang nhiều kỷ niệm đối với người giáo dân Huế như tôi từ thời tuổi trẻ và cũng đã chứng kiến những năm tháng dài khi đất Mẹ bị nhiều cấm đoán, nhất là khi bản thân tôi bị tù đày trở về, nhiều lần đã đạp xe đạp đến viếng Mẹ trên đoạn đường dài hơn 65 cây số trong những ngày Hành hương bị công an kiểm soát gắt gao.

“Lạy Mẹ Lavang, lần đầu tiên con đến đất Mẹ”, câu nói của Cố Hồng Y xem ra thật giản dị, vì trên thực tế, chán chi người Công giáo Việt Nam cũng đến đất Mẹ lần đầu tiên năm đó, hoặc có người chưa biết đất Mẹ nữa là khác.Thế nhưng, lời than thở của Cố Hồng Y lúc bấy giờ là một Giám mục khi đến Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc, quả thật Ngài đã nêu lên một chứng tích của giai đoạn đầy đau thương nơi Lavang hay của Giáo hội cũng thế.

Chứng tích của một sự cấm đoán đầy phi lý, cấm đoán linh mục coi sóc, cấm đoán việc cử hành Thánh Lễ, cấm đoán giáo dân đến Hành hương, cấm đoán cả vị chủ chăn Huế mà Lavang nằm trong nhiệm vụ coi sóc của Ngài. Có lẻ bao ước mơ, từ ngày đất nước chấm dứt chiên tranh với cái gọi là thống nhất đất nước, Cố Hồng Y muốn đến với Mẹ từ bao nhiêu năm rồi. Suốt những năm tháng dài, chắc Ngài thường thao thức khi biết mỗi kỳ Hành hương hằng năm đến với giáo dân Huế trong âm thầm. Nhiều linh mục Huế cứ mỗi

lần có ngày Hành hương, các vị phải cải trang, phải âm thầm đi từ giữa đêm khuya hay vào buổi sáng sớm, để tránh sự kiểm soát của công an, hầu có mặt với giáo dân nơi đất Mẹ trong những ngày Hành hương bị cấm đoán.

Lạy Mẹ Lavang, lần đầu tiên con đến đất Mẹ”. Từ xứ lạ quê người, hướng về Hà Nội trong ngày cử hành Thánh lễ An táng Cố Hồng Y, một giáo dân tầm thưòng, tôi xin ghi lại lời Ngài vọng lên năm xưa, như một dấu ấn để nhớ lại hình ảnh của một vị mục tử nhân lành, một cây đại thụ đã từ biệt Giáo Hội Việt Nam.

Trên Thiên Quốc, xin Ngài nhớ đến Quê hương và Giáo Hội Việt nam đang lữ hành nơi đất nước khổ đau, đang trải qua đoạn đường đầy chông gai.

Seattle, ngày đầu mùa chay năm 2009.

Nguyễn An Quý

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 26.02.2009. 11:00