Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

ĐHY Phạm Đình Tụng và Dòng Chúa Cứu Thế -Giáo xứ Thái Hà

§ Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải

Đức Hồng Y Phaolô-Giuse Phạm Đình Tụng và vấn đề lo liệu người kế vị cha Giuse Vũ Ngọc Bích giữ Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp-giáo xứ Thái Hà

Từ năm 1990 Đức Hồng Y khi được Toà Thánh bổ nhiệm về coi sóc Tổng Giáo Phận Hà Nội, Đức Hồng Y rất quan tâm đến vấn đề nhân sự của giáo xứ Thái Hà-DCCT Hà Nội, nơi lúc này chỉ còn một mình cha Giuse Vũ Ngọc Bích, người bạn cao niên của ngài, đang phục vụ trong tuổi già và bệnh tật.

Thấy cha Giuse Vũ Ngọc Bích bị loà, cuối năm 1990 Đức Hồng Y đã khuyến khích ngài đi Rôma chữa bệnh. Đức Hồng Y đã nhờ một số cha thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội, trong đó chủ yếu là cha Giuse Nguyễn Văn Long, chính xứ Phùng Khoang và quản xứ Hàng Bột, là hai xứ láng giềng của Thái Hà, hàng tuần đến Thái Hà dâng lễ và cử hành các bí tích thay cha Giuse Vũ Ngọc Bích.

Giữa năm 1991 Cha Giuse Bích về lại Hà Nội mà bệnh tật không thuyên giảm. Ngài tiếp tục bàn tính với Đức Hồng Y vấn đề liệu người kế vị ở Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Lúc này giáo dân rất muốn các đấng xin cha Giuse Tiến Lộc về Thái Hà, vì ngài quê ở Hà Đông. Ngặt một nỗi ngài mới ở tù về mấy năm và ngay tại Sài Gòn ngài cũng phải ở gia đình và không được làm mục vụ chính thức. Hơn nữa, ngay sau đó ít tuần ngài đến làm lễ ở giáo họ Anphongsô, Nam Định và bị chính quyền tỉnh Hà Nam Ninh trục xuất.

Đức Hồng Y và cha Giuse Bích ngỏ ý với nhà cầm quyền vấn đề xin một linh mục từ Miền Nam ra Thái Hà liền bị từ chối. Thấy giải pháp này gặp khó khăn, trong khi nhu cầu của giáo dân ở Thái Hà thì bao la và bản thân mình thì không biết sống chết lúc nào, cho nên sau đó, cuối năm 1991 cha Vũ Ngọc Bích ngỏ ý xin Đức Hồng Y cho một cha triều về Thái Hà phục vụ và gia nhập gia nhập DCCT.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y, khi ấy đang làm Giám quản Hà Nội, đã không đồng ý. Lý do chính theo chúng tôi ấy là Tổng Giáo Phận Hà Nội thời điểm này không có nhân sự để “cho” DCCT, vì Tổng Giáo Phận lúc này chỉ có hơn 20 linh mục già trẻ trên tổng số hơn 200 nghìn dân. Bản thân Đức Hồng Y cũng đang đi tìm kiếm nhân sự cho Tổng Giáo Phận Hà Nội vả lại vấn đề xin một linh mục triều nào đến phục vụ ở Thái Hà rồi gia nhập DCCT xem ra cũng không dễ dàng được đương sự chấp thuận.

May mắn, đến đầu năm 1992 có cha Anphongsô Hoàng Gia Khanh DCCT mới từ nhiệm chức cha xứ Bình Khánh ở Sài Gòn, ra thăm quê hương Thái Hà. Ít tuần ở Thái Hà không hiểu sao lại lọt vào mắt xanh của chính quyền và ngài được phép làm việc mục vụ ở nhà thờ Thái Hà lâu dài. Chẳng ngờ ít tháng sau, có mấy giáo dân ở trong UBĐK Công giáo Quận Đống Đa lợi dụng sự đơn sơ của ngài, kéo ngài đi hội hè đính đám trong mấy dịp lễ tết của xã hội. Sợ rằng ngài có thể bị lợi dụng làm ảnh hưởng đến truyền thống đức tin tốt đẹp của Tổng Giáo Phận, lập tức Đức Hồng Y và cha Giuse Bích phải xin Tỉnh Dòng rút ngài về Sài Gòn. Thế là vấn đề tìm người quản Đền Đức Mẹ vẫn dở dang.

Trong khi đó, cuối năm 1992, vì phải phục vụ quá nhiều lúc tuổi già bệnh tật, cho nên tình trạng sức khỏe của cha Giuse Vũ Ngọc Bích càng ngày càng kém hơn. Ngài nhìn không được, đi cũng không được, sự sống phập phù, leo lét như ngọn đèn trước gió. Vì thế Đức Hồng Y và cha Giuse Bích cùng giáo dân lại tiếp tục yêu cầu nhà nước cho các linh mục DCCT từ Miền Nam ra phục vụ ở Thái Hà.

Đức Hồng Y phải đóng vai chính, vì cho đến lúc này nhà cầm quyền Hà Nội không công nhận vị giám tỉnh và không làm việc với cấp Tỉnh Dòng ở Sài Gòn, mà chỉ nhận quyền của vị giám mục giáo phận và làm việc với các ngài. Về phần mình, nhận thức được tầm quan trọng của Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đối với giáo dân Miền Bắc và sự cần thiết phải bảo đảm sự hiện diện của DCCT ở đây Đức Hồng Y đã không quản ngại khó khăn gian khổ để đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của giáo dân Thái Hà, của các con cái Đức Mẹ ở Đền Thánh và của chính DCCT và Tổng Giáo Phận Hà Nội.

Để tạo áp lực với nhà cầm quyền và là một giải pháp tạm thời, đầu năm 1992, Đức Hồng Y thống nhất với cha Giám tỉnh ở Sài Gòn đã bổ nhiệm cha Giuse Trần Hữu Thanh đang ở Hải Dương làm Bề Trên-Chính xứ Thái Hà, có toàn quyền mục vụ tại đây. Vì DCCT ở Miền Bắc ngoài cha Giuse Bích thì chỉ còn cha Giuse Trần Hữu Thanh. Cha Tân Bề Trên-Chính xứ kế thừa toàn bộ các công việc mục vụ của cha Giuse Bích ở Hà Nội, kể cả việc giải tội ở 40 Nhà Chung cho các đấng bậc và cho chị em Dòng MTG. Từ đó, bất chấp sự cấm cản của nhà cầm quyền, hàng tuần ngài vẫn hiên ngang từ Hải Dương lên Thái Hà một hai ngày, gặp gỡ và sắp đặt các công việc trong giáo xứ và tu viện.

Sang năm 1993, giữa lúc tiến trình đàm phán để bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ đang đi đến bước quyết định, giữa lúc Hoa Kỳ đang xúc tiến thành lập một văn phòng liên lạc tại Hà Nội, giữa lúc Hoa Kỳ đang đòi tự do tôn giáo là một trong những điều kiện để xoá bỏ cấm vận và bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, giữa lúc Nhà Nước đang muốn chứng tỏ cho Hoa Kỳ và thế giới thấy mình có tự do tôn giáo, thì Đức Hồng Y, cha Giuse Trần Hữu Thanh và cha Giuse Vũ Ngọc Bích tiếp tục làm đơn kiến nghị chính quyền giải quyết vấn đề người kế vị ở giáo xứ Thái Hà. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) và báo Nhân Dân Cha Giuse Vũ Ngọc Bích còn công khai nói lên nguyện vọng chính đáng này và yêu cầu nhà nước đáp ứng.

Lúc này để rộng đường cho nhà cầm quyền chọn lựa và để chứng tỏ Giáo Hội không muốn làm khó nhà cầm quyền. Đức Hồng Y và Tỉnh Dòng thoả thuận tiến cử thêm hai ứng viên khác là thầy Giuse Trịnh Ngọc Hiên và cha Giuse Trần Thế Phiệt. Trường hợp cha Giuse Trần Thế Phiệt nếu được nhà nước chấp thuận, thì ngài vừa phụ trách Thái Hà, vừa có thể dạy học ở Chủng viện Hà Nội. Như vậy cùng với cha Giuse Trần Hữu Thanh, nhà nước có 3 người để chọn lựa.

Theo phán đoán của Đức Hồng Y và các đấng bề trên dòng, thì chính quyền lúc này buộc phải cho một trong hai ứng viên thành viên trẻ kia của DCCT. Nếu không, cha Giuse Trần Hữu Thanh, với năng quyền đã được Đức Hồng Y ban cho cách công khai, công cộng, hợp pháp, ngài sẽ công nhiên thực hiện nhiệm vụ chính xứ của mình tại Thái Hà. Mà điều này thì nhà cầm quyền không muồn vì họ thừa biết người có bản lĩnh như cha Giuse Trần Hữu Thanh, khi hiện diện tại Hà Nội sẽ chẳng có lợi cho họ. Nhà cầm quyền cũng không chấp thuận cha Giuse Trần Thế Phiệt, vì cho rằng trước đây ngài cũng đã bị bắt đi tù trong khi phục vụ đồng bào K’hor mà họ cho là có liên hệ với FULRO.

Kết quả là cuối năm 1993 thầy sáu Giuse Trịnh Ngọc Hiên, 46 tuổi, trẻ nhất trong số 3 ứng viên là “kẻ được chọn”. Nhà cầm quyền chấp thuận cho thầy sáu Giuse Trịnh Ngọc Hiên được chính thức phục vụ tại nhà thờ Thái Hà. Lúc này, Đức Hồng Y lại tiếp tục can thiệp với các cơ quan chính quyền để tháng 2 năm 1994, thầy được nhập học khoá bổ túc của Đại Chủng Viện Hà Nội. Chưa đầy 5 tháng sau, thầy Hiên được Đức Hồng Y truyền chức linh mục tại Đại Chủng viện Hà Nội. Đấy là một kỷ lục về vấn đề thủ tục và thời gian tính cho đến lúc bấy giờ và ngài cũng là trường hợp đầu tiên kể từ năm 1955 được nhà cầm quyền cho thuyên chuyển ra Miền Bắc từ Miền Nam và cho thụ phong linh mục ở Miền Bắc.

Từ đó, ngôi Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Thái Hà có người kế vị chính thức được đạo đời chấp thuận. Cha Giuse Trịnh Ngọc Hiên đã góp phần quan trọng làm hồi sinh tu viện và giáo xứ như mọi người xa gần đã thấy. Cha Giuse Vũ Ngọc Bích vui mừng vì có người kế vị chính thức nên khoẻ lại. Ngài sống và phục vụ thêm 10 năm nữa để thấy các đệ tử của ngài đào tạo ban đầu cũng đã làm linh mục. Cha Giuse Trần Hữu Thanh đến năm 2000 cũng từ Hải Dương về Thái Hà. Ngài cũng còn 7 năm để giảng dạy tại đấy cho đến khi các đệ tử của ngài được làm linh mục và thay ngài quản xứ Phú Tảo, Hải Dương, giáo phận Hải Phòng (2007).

Xét lại, trong cuộc đời Đức Hồng Y, chúng tôi thấy bên cạnh những nỗi buồn, cũng có nhiều niềm vui. Một trong những niềm vui của ngài mà chúng tôi biết ấy là ngài đã lo liệu thành công cho DCCT Hà Nội được tiếp tục tồn tại và hồi sinh. Cho đến khi gần qua đời, mỗi khi có ai đề cập đến DCCT Thái Hà hoặc khi có anh em DCCT chúng tôi đến thăm ngài, ngài thường nhắc lại sự kiện ngoạn mục này như là một quà tặng lạ lùng của Thiên Chúa.

Chúng tôi xác tín rằng DCCT-Giáo xứ Thái Hà còn tồn tại và góp phần phục vụ Giáo hội được cho đến hôm nay, ấy là nhờ ơn Chúa, nhờ sự hy sinh và cầu nguyện của nhiều người thuộc nhiều thế hệ, song một phần quan trọng có tính cách quyết định cũng là nhờ những hành động quyết đoán, khôn ngoan, đúng thời đúng buổi của các Đấng Bề Trên, trong đó có sự đóng góp to lớn của Đức Hồng Y trong cương vị là Chủ chăn của Tổng Giáo Phận Hà Nội- một đại ân nhân, một người bạn, một người lãnh đạo, một người cha của toàn thể mọi người già trẻ lớn bé trong tu viện và giáo xứ Thái Hà chúng tôi./.

Hà Nội ngày 29 tháng 2 năm 2009

Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 03.03.2009. 17:14