Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

ĐHY Mẫn nói việc mời ĐTC sang thăm Việt Nam vào năm 2010 sẽ là ‘ý tưởng hay’

§ UCAN

Bài của Gerard O’Connell, Đặc Phái viên ở Rôma

RÔMA (UCAN 5-6-2008) -- Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn cho biết ngài sẽ mời Đức Thánh cha Bênêđictô XVI sang thăm Việt Nam vào Năm Thánh 2010 của Giáo hội địa phương, nếu Hà Nội và Tòa Thánh thiết lập được quan hệ ngoại giao trước đó.

Đức hồng y phát biểu với UCA News tại Rôma khi ngài sang tham dự cuộc họp do Cộng đoàn Emmanuel tổ chức gần đây, tại cuộc họp này các giám mục đến từ tất cả các châu lục đã thảo luận về công tác truyền giáo trên thế giới ngày nay.

“Sẽ là tuyệt vời” nếu Đức Thánh cha có thể đến Việt Nam, ngài nói và thêm rằng ngài sẽ mời Đức Thánh cha sang thăm vào năm 2010 nếu “chắc chắn” lúc đó quan hệ ngoại giao được thiết lập.

Giáo hội Công giáo Việt Nam dự định tổ chức Năm Thánh sẽ được khai mạc tại tổng giáo phận Hà Nội ngày 24-11-2009, và bế mạc tại tổng giáo phận Huế ngày 2-1-2011. Năm Thánh sẽ đánh dấu hai sự kiện lịch sử của Giáo hội tại Việt Nam: kỷ niệm 350 năm thành lập hai hạt đại diện tông tòa tiên khởi, và 50 năm thành lập hàng giáo phẩm.

Đức Thánh cha Alexander VII thành lập hai giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong ngày 9-9-1659. 300 năm sau, Chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII thành lập hàng giáo phẩm Công giáo Việt Nam ngày 24-11-1960.

Năm Thánh có thể là thời điểm thích hợp cho một chuyến tông du, và vì Đức Bênêđictô chưa từng đến châu Á, nên có thể ngài sẽ chấp nhận lời mời sang thăm Việt Nam.

Ý tưởng về chuyến tông du như thế “luôn nằm trong tâm trí chúng tôi” nhưng “tất cả các giám mục Việt Nam chưa chính thức thảo luận vấn đề này”, Đức Hồng y Mẫn nói với UCA News ở Rôma.

Đây không phải là ý tưởng mới, nhưng có nhiều hy vọng sau khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Đức Thánh cha trong chuyến viếng thăm lịch sử Vatican hôm 25-1-2007, và tỏ ý muốn thiết lập quan hệ ngoại giao.

Không lâu sau đó, một phái đoàn Tòa Thánh đã thăm Việt Nam từ ngày 5-11/3/2007. Các thành viên trong phái đoàn do Đức ông Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh Pietro Parolin dẫn đầu, đã dâng lễ ở nhiều nơi cho những người Công giáo sốt sắng.

Một thông cáo báo chí do Tòa Thánh phát hành sau khi phái đoàn trở về kết thúc bằng câu nói người Công giáo Việt Nam đã “hy vọng rằng một ngày nào đó đích thân Đức Thánh cha sẽ viếng thăm mục vụ đất nước họ”.

Đức Hồng y Mẫn nói một phái đoàn khác của Tòa Thánh dự định sẽ sang thăm Việt Nam vào tháng 5, nhưng các nhà chức trách Việt Nam nói họ bận và đề nghị hoãn lại đến tháng 6.

Một số phương tiện truyền thông quốc tế giải thích sự trì hoãn này là do những căng thẳng giữa hai bên sau các cuộc biểu tình người Công giáo tổ chức tại Hà Nội vào tháng 12 năm ngoái và hôm tháng giêng yêu cầu nhà nước trả lại tòa khâm sứ ở Hà Nội.

Tuy nhiên, Đức Hồng y Mẫn bác bỏ lời giải thích đó và nói rằng lý do trì hoãn là do người Phật giáo tổ chức “một đại lễ Phật đản quốc tế ở Việt Nam từ ngày 13-17/5”. Việt Nam có 83 triệu dân, trong đó có 23 triệu Phật tử, hay khoảng 28%, và sáu triệu người Công giáo, hay khoảng 7%, theo đức hồng y.

Phái đoàn lần này, cũng do Đức ông Parolin dẫn đầu, hiện đang chuẩn bị có chuyến thăm làm việc từ ngày 9-16/6, các nguồn tin Giáo hội tại Việt Nam nói với UCA News ở đó. Các nguồn tin cho biết họ nghĩ phái đoàn sẽ viếng thăm Trung tâm Thánh Mẫu La Vang và chào thăm Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn của Đà Lạt, chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Các nguồn tin cho biết, tại Hà Nội phái đoàn sẽ hội kiến với các lãnh đạo của tổng giáo phận Hà Nội và làm việc với các giới chức nhà nước về việc bổ nhiệm giám mục cho một số giáo phận trống tòa. Các nguồn tin hy vọng tòa khâm sứ và Giáo hoàng Học viện Piô X ở Đà Lạt sẽ có trong chương trình nghị sự.

Vatican chưa tiết lộ nghị trình về chuyến thăm làm việc lần thứ 15 tại Việt Nam kể từ năm 1989. Tuy nhiên, các nguồn tin ở Rôma nghĩ phái đoàn và các đối tác Việt Nam sẽ thảo luận, giữa nhiều vấn đề khác, một ủy ban chung để lo cho “lộ trình” này và các bước cụ thể khác hướng tới thiết lập quan hệ ngoại giao, được cả hai bên công nhận là mục tiêu cuối cùng.

Tiến bộ đáng kể ở đây có thể hiện thực hóa “ý tưởng” của Đức Hồng y Mẫn. Việt Nam có thể trở thành quốc gia châu Á đầu tiên nghênh đón Đức Bênêđictô.

UCAN

Đọc nhiều nhất Bản in 08.06.2008. 23:09