Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đêm Nhạc Thơ Xuân Ly Băng tại Tòa Giám mục Phan Thiết

§ Pm. Cao Huy Hoàng

Đêm thơ nhạc Xuân Ly Băng”, một sinh hoạt văn học công giáo Việt Nam đã được chờ đợi từ lâu trong lòng các tín hữu Giáo phận Phan Thiết. Nay, nhờ sự ưu ái của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám Mục Giáo Phanạ Phan Thiết, mới trở thành hiện thực. Đức Ông GB. Lê Xuân Hoa, một nhà thơ tiêu biểu cho thi ca Công giáo Việt Nam, liền sau Hàn Mạc Tử, là một mục tử với sứ vụ linh mục, vừa là một nhà thơ, đã sử dụng mọi tính đặc sắc cá biệt của Tiếng Việt để hoàn thành sứ vụ linh mục của mình trong suốt 50 năm, với Lời Chúa và Thi Ca. Những bài lục bát những bài vè, những bài thơ của Ngài không chỉ là những lời giáo huấn rút từ Tin Mừng Đức Kitô của một người mục tử, mà còn là những tuyệt phẩm thi ca giá trị để lại cho nền văn học Việt Nam và văn học Công Giáo Việt Nam.

80702xuanlybang1.jpg

Đêm thơ nhạc Xuân Ly Băng là tiếng lòng của muôn con người, cách riêng, những người con Giáo phận Phan Thiết, nói lên lời tôn vinh chúc tụng Thiên Chúa đã ban cho trần gian một sứ giả của Tin Mừng, một nhà thơ thánh thiện kín múc tình yêu và huyền nhiệm về Thiên Chúa, rồi rót đầy vào lòng khô hạn của nhân gian một thứ tình yêu và sự sống bất diệt.

Giáo phận Phan Thiết - Đức Cha Phaolô và Hội đồng Linh mục - đã trao trọng trách tổ chức đêm tri ân này cho Ban Thánh Nhạc Giáo Phận Phan Thiết từ trước đây bốn tháng.

Từ sáng ngày 23/06, cánh cửa Tòa Giám Mục Phan Thiết mở toang, để chào đón khách tham dự đêm thơ nhạc từ xa về: Sài Gòn, Bà Rịa Vũng Tàu, Xuân Lộc, Nha Trang, Ban Mê Thuột... Trong số khách tham dự, phải kể đến những thành phần rất quan trọng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật của Giáo hội Việt Nam: Lm. NS Kim Long, Phó Ban Thánh Nhạc Việt Nam cùng các nhạc sĩ tên tuổi trong Ban Thánh Nhạc Việt Nam; Lm bề trên Tỉnh Dòng Dòng Chúa Cứu Thế cùng với Lm. NS Tiến Lộc và phái đoàn Dòng Chúa Cứu Thế, Lm. NS Mi Trầm cùng các nhạc sĩ của Ban Thánh Nhạc Giáo Phận Nha Trang; các Ban Thánh Nhạc Ban Mê Thuột, Xuân Lộc, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sài Gòn, Qui Nhơn... các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ, họa sĩ, phòng viên, nhà báo... trong, ngoài Công giáo, trong và ngoài Giáo Phận... các Linh mục Hạt Trưởng, các Cha xứ, quí khách mời từ hơn 60 giáo xứ trong Giáo Phận... tất cả đang về Tòa Giám Mục Phan Thiết, để chung một lời ngợi ca Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội Việt Nam một con người tiêu biểu cho thi ca Công giáo thế kỷ XX.

80702xuanlybang2.jpg

Đúng 19g, Vũ khúc “Tiếng Trống” của quí Thầy Chủng viện Nicolas cùng với những chiếc trống lớn trống nhỏ, với sắc phục Việt Nam truyền thống, đã trổi lên rập ràng như lời chào quí mến nhất của Giáo Phận Phan Thiết gửi đến những người tham dự.

Nhà thơ Lê Đình Bảng, người dẫn chương trình đã giới thiệu cách long trọng thành phần tham dự Đêm Thơ Nhạc Xuân Ly Băng: trên 2.000 khách mời - trong và ngoài Giáo phận.

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Quang Trưởng Ban Thánh Nhạc Giáo Phận Phan Thiết, cũng là Trưởng Ban Tổ Chức Đêm Thơ Nhạc nhấn mạnh đến lòng tri ân của thế hệ Phan Thiết hậu duệ trong phần Tuyên Bố Lý Do.

Chung chia niềm vui của Giáo Phận Phan Thiết, Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Chủ Tịch Ủy Ban Thánh Nhạc Việt Nam-HĐGMVN, Giám mục Giuse Vũ Duy Thống, Chủ Tịch Ủy Ban Văn hóa-HĐGMVN đã gởi điện thư chúc mừng Đức Ông Xuân Ly Băng và chúc mừng Đêm Thơ Nhạc. Nhà thơ-Nhạc sĩ Pm. Cao Huy Hoàng, thay mặt cho Ban Tổ Chức đã đọc hai bức điện thư thật tâm tình xúc động, đúng với tâm tình của ĐGM Phaolô Nguyễn Văn Hòa: “Đêm Thơ Nhạc Xuân Ly Băng hôm nay được đan dệt từ những dòng ca bắt nguồn từ những bài thơ cảm nhận và họa lại vẻ đẹp nơi dung mạo của Thiên Chúa, sẽ dẫn đưa con người vào vẻ đẹp của chuyến đò văn hóa tới tận bến bờ đức tin.”; và của ĐGM Giuse Vũ Duy Thống: “Xuân Ly Băng hãy còn trẻ, luôn luôn trẻ, vì hết mình chăm chút mùa xuân của đạo, và hết tình giới thiệu mùa xuân ấy cho đời”.

Linh mục Phêrô Phạm Quyền, Quản Hạt Phan Thiết, thay mặt cho các linh mục tu sĩ và giáo dân Giáo phận Phan Thiết chúc mừng, tri ân, và trao vòng hoa cho Đức Ông Xuân Ly Băng.

Nhà thơ Nghinh Nguyên, thay mặt cho các tác giả Đồng Xanh Thơ - và trang web dunglac.org, cũng chúc mừng Đức Ông bằng một kỉ niệm chương với bức tượng điêu khắc “Đức Giêsu Thi Sĩ”.

80702xuanlybang4.jpg

Người dẫn chương trình trân trọng kính mời Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan ban huấn từ và tuyên bố khai mạc đêm thơ nhạc. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt, trên đôi mắt, trong giọng đọc của Đức Cha Phaolô, Giám Mục Giáo Phận nhà. Với tư cách là một Giám Mục địa phương, Ngài nhìn nhận một tâm hồn đạo đức lên đến tuyệt đỉnh của Đức Ông Nhà Thơ Xuân Ly Băng. Ngài chính thức thay cho Giáo Phận nói lời tri ân Đức Ông Lê Xuân Hoa vì những đóng góp vào công trình văn hóa và đức tin cho giáo hội và giáo phận, và ước ao cho đoàn hậu sinh Phan Thiết biết noi gương Đức Ông, một nhà thơ đạo đức. Đứng phía sau Đức Giám mục Phaolô là ca đoàn giáo xứ Ma Lâm xinh đẹp, đang làm hậu cảnh và chờ Ngài đánh tiếng trống khai mạc để cùng cất cao bài hợp xướng Kinh Trong Sương.

Dứt lời huấn từ, Đức Cha Phaolô nhuần nhuyễn nổi một hồi trống khai mạc, cùng với tiếng vỗ tay rập ràng theo nhịp trống. Ca đoàn giáo xứ Ma Lâm cũng vừa cất tiếng lên qua sự điều khiển của ca trưởng Linh mục Nhạc sĩ Phaolô Hoàng Kim Tốt. “Kinh Trong Sương” dìu dặt rồi dập dồn như tiếng lòng thổn thức của Xuân Ly Băng, chung với nỗi niềm kính mến của Linh mục Nhạc sĩ Kim Long –người phổ thơ, được thể hiện như lời nguyện xuất thần của một ca đoàn không chuyên nhưng hết mình, hết tình... bỗng trở thành bài hợp xướng mở đầu đêm thơ nhạc đầy huyền nhiệm, thánh đức.

Nhà thơ Lê Đình Bảng nói một chút về tiểu sử của Đức Ông Linh Mục GB. Lê Xuân Hoa, Nhà thơ Xuân Ly Băng, con người, và tác phẩm được minh họa trên màn ảnh, dựa vào tiểu sử mà chính Đức Ông đã tự sự trong bài phỏng vấn Đức Ông của Linh Mục Nhà Thơ Trăng Thập Tự.

Âm vọng hợp xướng Kinh Trong Sương vẫn còn ngân vang đâu đó, hình ảnh một nhà thơ đạo đức còn loáng thoáng đâu đây, giọng ngâm thi phẩm “Chuông Chiều” của nghệ sĩ Kim Lệ lại cất lên, đưa hơn 2.000 cử tọa vào chỗ trầm mình trong cái không gian vô hạn của Nguồn Thơ Chí Thánh.

Chưa dứt tiếng vỗ tay, Nhà Thơ Nhạc Sĩ Phanxicô giới thiệu phần tọa đàm về Xuân Ly Băng với phần mở đầu là thơ Xuân Ly băng dưới cái nhìn thần học của Lm. Giám Đốc Chủng Viện Nicolas- nhà thơ Thiên Cung, Lm Nguyến Thiên Cung. Trong phần mạn đàm, Cha gọi thi nhân là người “nhận sóng” tin yêu từ Thiên Chúa và “phát sóng” tin yêu ấy cho đời. Xuân Ly Băng, người đã gặp Thiên Chúa là Nguồn Thơ và thi ca Xuân Ly Băng chính là một chuỗi hẹn hò, tự tình với Thiên Chúa, và qua đó, người đọc cũng có thể để hồn mình chạm tới cái linh thánh vô cùng của Thiên Chúa.

Một trong những thi phẩm ngây ngất cái tuyệt vời của Thiên Chúa là bài thơ “Hồng Ân Linh Mục” được Tu Sĩ Jos. Hùng phổ nhạc và Linh mục An-rê Lương Vĩnh Phú, quản lý TGM Phan Thiết trình bày ca khúc thật sốt sắng.

80702xuanlybang6.jpg

Linh mục Nhạc Sĩ Kim Long được mời tiếp phần tọa đàm. Tiếng vỗ tay bỗng đều đặn, rồi lớn lên, khi Cha Kim Long tiến lên sân khấu. Phải mất một hồi lâu cho cử tọa Phan Thiết tỏ lòng hâm mộ Cha Kim Long- người của Thánh Nhạc Việt Nam, Ns. Phanxico mới thưa được với Ngài: “Xin cha cho biết cảm nghiệm của Cha về thơ Xuân Ly Băng”. Cha Kim Long cho biết: thưở xưa Ngài cũng làm thơ, nhưng khi đọc thơ Xuân Ly băng rồi, Ngài không làm thơ nữa, vì những gì Ngài muốn nói, Xuân Ly băng đã nói hết rồi. Ngài bước sang lĩnh vực âm nhạc. Và nơi đây, mỗi câu thơ, mỗi bài thơ của Xuân Ly Băng đã gợi hứng cho những khúc thánh ca của Ngài. Ngài đã hát minh họa một số bài thơ XLB mà Ngài đã phổ nhạc. Giọng hát hãy còn cuốn hút lắm, vì cái sinh khí ở bên trong vẫn luôn dồi dào, trong lòng một nhạc sĩ hơn 50 năm viết thánh ca.

Câu hỏi thứ hai được đặt cho Lm Kim Long “Cha nghĩ gì về lời ca trong một bài thánh ca”.

Ngài cho rằng “Ý, Lời Ca là quan trọng. Nhạc là để chuyển tải mà thôi. Lời ca là cái căn cốt mà con người có thể lắng nghe và có thể lay động lòng người, cái tư tưởng mà mình phải hội nhập”. Và để có được phần lời ca tốt, các nhạc sĩ phải Đọc-Suy-Cầu….như Ngài đã trình bày với các nhạc sĩ công giáo trong cuộc Hội Thảo Ban Thánh Nhạc 3-6-vừa qua. Cha Kim Long kết thúc phần tọa đàm của Ngài bằng bài hát đã được viết ngay, sau khi đọc bài thơ “Con hỏi Ngài” của Xuân Ly Băng.

Dứt tiếng hát, tiếng vỗ tay như sóng vỡ bờ. Ngài định bước xuống, nhưng nhà thơ Lê Đình Bảng giữ Ngài lại vì sự hâm mộ của cử tọa. Và cuối cùng, Ngài phải hát thêm một bài hát nữa, mà ý lời ca bắt nguồn từ “sầu đã chín” của Xuân Ly Băng. Bài “Ở lại với con” toát ra hết nỗi lòng của hai trong một: Thi Sĩ và Nhạc Sĩ cây cao bóng cả trong nền văn học Công Giáo Việt Nam.

Nhà thơ Lê Đình Bảng tiếp phần tọa đàm theo yêu cầu của Ns Phanxicô. Ông nói về con người và tác phẩm của Xuân Ly Băng dưới cái nhìn của vừa là một nhà thơ công giáo nổi tiếng vừa là một nhà biên khảo, nhà nghiên cứu Thi ca Công Giáo Việt Nam. Ông đã cho biết sự đóng góp rất sớm của Công Giáo vào kho tàng thi ca và văn học Việt nam, trải dài từ thời kỳ phôi thai của chữ quốc ngữ cho đến Hàn Mạc Tử, và đến nay: Xuân Ly Băng. Xuân Ly băng đã kế thừa những nhà thơ công giáo đi trước, để đem Tin Mừng cho con dân Việt Nam, mà đặc sắc nhất vẫn là những dòng thơ lục bát.

Một trong những dòng thơ lục bát đậm đà bản sắc dân tộc ấy là bài “Một mảng chiều” đã được Ns. Pm Cao Huy Hoàng và Ns. Lưu Văn Trung phổ nhạc, được trình bày lần đầu tiên trong đêm phát hành Tập Thơ Công Giáo “Kinh Trong Sương”, nay được trình bày lại với tiếng hát thánh thiện của ca sĩ Hồng Phúc, cùng với phần múa của các em thiếu nhi Giáo Xứ Thanh Xuân. Thật nên thơ. Thật thánh thiện.

Mẹ cho con một trời thơ
Khi chuông nhật một nhà thờ lan xa
”.

80702xuanlybang8.jpg

Đức Ông và hơn 2000 cử tọa có vẻ hài lòng với vũ khúc “Một mảng chiều” nhẹ nhàng thanh thoát, khi ca sĩ và đội múa đã xếp đội hình kết, mọi người vẫn còn luyến tiếc một trời thơ thánh thiện thâm trầm…

Đức Ông Xuân Ly Băng bước lên sân khấu để chia sẻ hành trình đức tin của mình: Bắt nguồn từ một khát vọng vượt lên trên cái hữu hạn, tìm đến cái vô biên và đặt niềm tin nơi chính Thiên Chúa. Niềm tin ấy được củng cố, gia tăng nhờ sự kết hiệp mật thiết với Lời Chúa và đời sống cầu nguyện. Ngài còn nhắn nhủ cho thế hệ trẻ “các bạn hãy cầm bút cho thẳng, cho ngay, giữ lương tâm cho trong trắng, giữ vững bản sắc văn hóa Việt Nam trong mọi hoàn cảnh sáng tác” “Xin các bạn hãy viết bằng cây bút Đức tin, bằng mực Đức cậy, và trang giấy viết là Đức mến. Hãy sáng tác dưới con mắt dịu dàng của Đức Mẹ Maria, sáng tác dưới chân Thánh Giá, dưới ánh sáng phục sinh của Đức Kitô”. Những lời nhắn nhủ phát xuất từ đáy tim trọn tình cho văn học Công giáo Việt Nam, được thế hệ hậu duệ nồng nhiệt đón nhận bằng những tiếng vỗ tay không dứt.

Ca sĩ Lưu Thi và Thanh Mai tiếp chương trình với ca khúc “Mẹ Tàpao” thơ Xuân Ly Băng, Tu sĩ Jos. Hùng phổ nhạc. Bài ca cất lên làm mọi người hướng lòng về Mẹ Tàpao kính yêu của Giáo Phận Phan Thiết.

Thiếu nhi Giáo xứ Lương Sơn trình bày một loại hình thi ca khác của Xuân Ly Băng: Vè, với bài “vè lịch sự” như những lời dạy dỗ tâm tình nhất của một người cha, một mục tử, dành cho các em thiếu nhi trong gia đình giáo xứ- bắt đầu từ gia đình Thanh Xuân ngày ấy, nay lan ra đến khắp gia đình Giáo Phận.

Trường ca “Bài Ca Thương Khó” được một nhạc sĩ ngoài Công giáo: Ngọc Lạc phổ thành ca khúc, và nhóm ca sĩ Thành Phố Phan Thiết trình bày đã cho thấy ảnh hưởng rất ý nghĩa của thơ Xuân Ly Băng đối với giới văn nghệ ngoài công giáo.

Cũng vậy, Thu Trang, một ca sĩ ở Khánh Hòa, không cùng tôn giáo hát và diễn xuất thật tâm tình, thật xúc động ca khúc “Lời Trên Thập Giá” của nhạc sĩ Tuấn Kim - người con thiêng liêng của Giáo xứ Thanh Xuân và của Đức Ông Xuân Ly Băng, đang ở Mỹ. “Lời Trên Thập Giá”, được biết là một trong những bài thơ tiêu biểu chứng tỏ lòng mến yêu của Đức Ông Xuân Ly Băng dành cho Đức Mẹ Maria.

80702xuanlybang10.jpg

Hợp xướng “Khúc Hát Mặt Trời” của Lm. NS Kim Long phổ thơ XLB, do ca đoàn Giáo xứ Chính Tòa trình bày, tiếp nối đêm thơ nhạc, làm bừng lên trong lòng mọi người muôn ánh quang huy hoàng của công trình Thiên Chúa và rực cháy lên niềm mến yêu, ca tụng, tạ ơn.

Đức Giám mục Giuse Vũ Duy Thống, còn là nhạc sĩ với bút hiệu thật nên thơ: “Thông Vi Vu” đã chuyển bài thơ “Sao em không lần chuỗi” thành ca khúc “Sao Không” được đôi song ca Minh Tú và Minh Thư trong Tam Ca Áo Trắng trình bày thật hồn nhiên, thật dễ thương mà cũng thật thánh thiện. Bài “Sao Không” đã chấm dứt, nhưng đôi song ca không thể vô tình vẫy tay tạm biệt những người hâm mộ, vì tiếng yêu cầu bài hát thứ hai vang lên từ muôn phía.

Đáp lại, Minh Tú và Minh Thư kính mời Lm. NS Mi Trầm, Lm. NS Tiến Lộc cùng hát với chị em bài “Xin Vâng”, một trong những bài Thánh Ca Cộng Đồng hay nhất của NS. Mi Trầm. Trời đã khuya. Sương khuya rơi nặng hạt. Cả khuôn viên Tòa Giám mục Phan Thiết vang lên bài ca “Xin Vâng”, như một lời kinh tuyệt mỹ.

Sân khấu trở lại yên ắng và trầm tĩnh để mọi người cùng suy niệm bài học của Dụ Ngôn “Người Samaritanô nhân hậu” qua phần diễn ngâm và hoạt cảnh của huynh trưởng Giáo lý viên Giáo xứ Thanh Xuân. Mọi người thinh lặng lắng nghe từng lời thơ, mục kích từng diễn tiến của Dụ Ngôn, và thấm vào lòng bài học bác ái Kitô Giáo thâm sâu.

Linh mục Trưởng Ban Thánh Nhạc Phan Thiết lại xuất hiện để đọc lời cám ơn Đức Cha, quí Cha, quí khách và tất cả những người đã đóng góp thực hiện thành công đêm thơ nhạc Xuân Ly Băng.

Như một lời kinh đêm cho cả Cộng đoàn dân Chúa trước khi chia tay đêm thơ nhạc, Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết thực hiện vũ khúc “Ở Lại Với Con”, NS. Kim Lệ phổ thơ Đức Ông Xuân Ly Băng. Có thể nói, không phải là một vũ khúc, mà là một lời nguyện sống động tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Phận niềm vui thánh thiện đêm nay. Và cộng đoàn đang xin Ngài mãi ở lại với mỗi tâm hồn, như đã luôn hiện diện trong tâm hồn Đức Ông - Lm. Gioan Baotixita Lê Xuân Hoa, nhà thơ Xuân Ly Băng nhà thơ của Văn Học Việt Nam và Đức tin Công giáo.

Pm. Cao Huy Hoàng

CHƯƠNG TRÌNH ĐÊM THƠ NHẠC XUÂN LY BĂNG

Khai mạc lúc 19g00m ngày 23.6.2008
1. Vũ khúc khai mạc: tiếng trống- quí thầy Chủng Viện Nicolas)
2. Giới thiệu thành phần tham dự (Thi sĩ Lê đình Bảng)
3. Tuyên bố lý do (Lm.Phêrô Nguyễn Văn Quang - Trưởng Ban tổ chức)
4. Chúc mừng Bổn Mạng (cha Quản Hạt Phan Thiết)
5. Đức Cha Phaolô ban huấn từ và tuyên bố khai mạc
6. Hợp xướng: Kinh Trong Sương (Ca Đoàn Giáo Xứ Ma Lâm)
7. Tiểu sử nhà thơ Xuân Ly Băng (nhà thơ Lê Đình Bảng)
8. Ngâm thơ: Chuông Chiều (Nghệ sĩ Kim Lệ)
9. Tọa Đàm về Thơ Xuân Ly Băng (Thi sĩ Phanxico biên tập)
10. Thi Ca và Niềm Tin (thuyết trình viên: Lm. Gs Nguyễn Thiên Cung)
11. Đơn ca: Hồng ân Linh Mục (XLB/Jos. Hùng, Lm. Andrê Lương Vĩnh Phú)
12.Cảm nghiệm Thơ Xuân Ly Băng (thuyết trình viên: Lm. Ns Kim Long)
13. Xuân Ly Băng trong Văn Học Công Giáo VN (thuyết trình viên:Thi sĩ Lê Đình Bảng)
14.Vũ khúc: Một Mảng Chiều (XLB/Pm. Cao Huy Hoàng/Lưu Văn Trung, Ca sĩ Hồng Phúc/Vũ đoàn GX Thanh Xuân)
15.Hành Trình Đức Tin và Ước Nguyện cho Thế Hệ Trẻ ( Nhà thơ Xuân Ly Băng)
16. Song Ca: Mẹ Tà Pao (XLB/Jos. Hùng, Ca sĩ Lưu Thi-Thanh Mai)
17. Diễn vè: Vè Lịch Sự (Thiếu Nhi Giáo Xứ Lương Sơn)
18. Đơn ca: Lời Trên Thập Giá (XLB/Tuấn Kim, Ca sĩ Thu Trang)
19. Hợp xướng: Khúc Hát Mặt Trời (XLB/KL Ca Đoàn Giáo Xứ Chính Toà)
20. Song ca: Sao Không (XLB/GM Giuse Vũ Duy Thống, Ca sĩ Nhóm Tam Ca Áo Trắng)
21. Kịch thơ dụ ngôn: Người Samaritanô Tốt Lành (Huynh Trưởng –GLV Giáo Xứ Thanh Xuân)
22. Cám ơn (Ban Tổ Chức)
23. Vũ khúc: Ở Lại Với Con (XLB/Kim Lệ (Vũ đoàn HDMTG/PT).

TUYÊN BỐ LÝ DO

Trọng kính Đức Cha Phao-lô, đồng kính Đức Cha Nicolas cùng quí Đức Cha,
Kính thưa quí Cha Hạt trưởng, quí Cha Bề Trên, quí Cha, quí Tu Sĩ Nam Nữ,
Kính thưa quí cấp Chính Quyền tỉnh Bình Thuận, quí Nhà Biên Khảo, quí Nhà Văn, Nhà Thơ, Nhạc Sĩ, Ca sĩ, Nhà Báo, quí Phóng Viên cùng tất cả quí khách tham dự Đêm Thơ Nhạc Xuân Ly Băng.

Ngôn ngữ Việt Nam luôn trào tràn sức sống, tình yêu, vẻ tuyệt mỹ và chân lý của người Việt, mà có thể nói thi ca là loại hình phong phú tiêu biểu nhất. Ngay trong lòng Bình Thuận, cách riêng, Giáo Phận Phan Thiết, một mầm thi ca Việt Nam, thi ca công giáo Việt Nam, đã vươn lên và tỏa sáng những chân lý yêu thương cho cuộc đời thắm đượm muôn hương hồng ân thánh đức. Mầm thơ ấy trung trinh theo với thời gian, với con người Bình Thuận, với Giáo Phận Phan Thiết, đã trở thành cây thơ cổ thụ vươn muôn nhánh thơ tươi xanh khắp Bình Thuận và Việt Nam. Ấy chính là nhà thơ Xuân Ly Băng, trong thiên chức Đức Ông Linh mục Gioan Baotixita Lê Xuân Hoa. Nhà thơ năm nay đã 82 tuổi, 50 năm chu toàn sứ vụ Linh Mục của Chúa Giêsu đồng nghĩa với ngần ấy năm dùng Tiếng Việt, dùng thi ca Việt Nam để Loan Báo Tin Mừng cho người Việt Nam, mà nhất là cho cộng đoàn tín hữu Phan Thiết. Thi ca của Đức Ông Linh Mục GB Lê Xuân Hoa là niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, là nỗi lòng của người mục tử với đoàn chiên, là lời yêu của người yêu quê hương đất nước và con người – đặc biệt với Phan Thiết, Bình Thuận.

Cả Giáo Phận chúng con, đặc biệt là những người trẻ, được thừa hưởng gia tài Đức Tin và Văn Học của Đức Ông, chúng con thật hãnh diện.Và còn được hãnh diện hơn khi được Đức Cha Phaolo-Giám mục Giáo Phận nhà cho phép, được Các Cấp Chính quyền tạo mọi điều kiện thuận lợi để có một Đêm Thơ Nhạc Xuân Ly Băng tại Phan Thiết hôm nay, và được quí Đức Cha cùng nhiều thành phần trí thức ưu tú đến tham dự chia sẻ niềm vui của Giáo Phận chúng con. Chúng con, lớp hậu sinh của Giáo Phận Phan Thiết, trong đêm nầy, xin được nói lên đây lòng kính mến, biết ơn Đức Ông Linh Mục Nhà Thơ Xuân Ly Băng và trân quí những cống hiến của Đức Ông Linh Mục Nhà Thơ Xuân Ly Băng cho Đức Tin và Văn Học Việt Nam, hôm nay và muôn sau.

Kính chúc quí Đức Cha, Quí Cha, quí vị một đêm thơ nhạc làm bừng lên muôn sức thiêng trong lòng.

Tm. Những người thực hiện chương trình
Xin kính chúc
Lm. Phêrô Nguyễn văn Quang

THƯ CHÚC MỪNG của ĐỨC CHA GIUSE VŨ DUY THỐNG, CHỦ TỊCH ỦY BAN VĂN HÓA/HĐGMVN

XUÂN LY BĂNG TRẺ MÃI, “SAO KHÔNG ?”

“XLB có phải là một nhà thơ Công giáo trẻ không ?”
Câu hỏi ấy đã được gợi lên nhiều lần nhiều cách, và hầu như lần nào cũng nhận được câu trả lời giống nhau: “Phải, đây là một nhà thơ Công giáo không những trẻ, mà còn rất yêu dời nữa”.
Vâng, đúng thế.

1. XLB trẻ vì có một tâm hồn đặc biệt nhạy cảm trước vận mạng cuộc sống, trước nhịp điệu thời gian cũng như trước lẽ xoay vần của vũ trụ. Chính vì mang một tâm hồn nhạy cảm như thế, tác giả đã tự nguyện buông mình vào không gian mênh mông của trời đất hoặc đắm mình trong khoảnh khắc giản dị thường ngày, để có thể lắng nghe, ghi nhận và chuyển tải đi tiếng nói của vô biên.

2. XLB trẻ cũng vì luôn tìm được cách diễn tả rất riêng trong thi ca của mình, cho âm thanh khoác lấy bộ áo của sắc màu và cho màu sắc nhận lấy hơi thở của âm thanh, kết dệt hài hòa bằng ngôn ngữ của đạo và bằng sự lịch duyệt của đời. Có thể nói bóng bẩy rằng: Nơi thơ XLB, đời được thăng hoa trong ánh ngời của đạo và đạo trở nên lung linh giữa màu sắc của đời.

3. Nhưng XLB còn trẻ xì chính bút hiệu của mình, cho đến hôm nay, sau hơn sáu mươi năm sáng tác, vẫn luôn gieo vào lòng người những thao thức trẻ trung. Hơn ai hết, trong lịch sử thi ca Công giáo Việt Nam, XLB là người hết lòng chăm chút mùa xuân của đạo và hết tình giới thiệu mùa Xuân ấy cho đời.

Tâm hồn XLB trẻ, cách diễn tả của XLB trẻ và bút hiệu XLB cũng trẻ mãi: “Con người chưa được vô biên. Là còn thổn thức ưu phiền thánh năm”. (thơ XLB)

Hôm nay, nhân dịp Giáo Phận Phan Thiết tổ chức “Đêm thơ nhạc XLB” xin hợp ý cảm tạ vì hồng ân Chúa ban cho một nhà thơ, cách riêng, xin hợp lòng ngưỡng mộ tôn vinh vì sự cống hiến không mỏi mệt của tác giả vào kho tàng thi ca Công giáo Việt Nam, và trong tư cách chủ tịch UBVN/HĐGM.VN, xin đặc biệt gửi lời chào mừng nồng nhiệt đến tác giả và chúc mừng “Đêm thơ nhạc XLB” gặt hái được nhiều hiệu mong muốn.

+GM Giuse Vũ Duy Thống

THƯ CHÚC MỪNG của ĐỨC CHA PHAOLÔ NGUYỄN VĂN HÒA, CHỦ TỊCH ỦY BAN THÁNH NHẠC VN/HĐGMVN

Kính gửi Đức Ông Xuân Ly Băng,
Rất tiếc vì bận công việc, không thể tham dự đêm thơ nhạc Xuân Ly Băng, tôi xin gửi mấy lời chia vui với Đức Ông - một nhà thơ Công giáo rất được ái mộ.
Nhà thơ là người thiết tha yêu cái đẹp. Đối với nhà thơ Công giáo, thì tất cả những vẻ đẹp được cảm nhận và thể hiện qua lời thơ, đều là dung mạo của chính Thiên Chúa.
Nhà thơ không chỉ rất nhạy cảm với vẻ đẹp mà còn thấy được cái thâm sâu của sự vật. Qua lăng kính Đức tin, nhà thơ nhìn thấy Chúa trong mọi sự: thiên nhiên, con người, cuộc đời, và rất dễ xúc cảm trước tất cả những gì là biểu hiện của tình thương.
Xuân Ly Băng đã nghe:

- Người rì rào trong cánh gió ban đêm
và nói năng trong mỗi hòn sỏi đá
- Trong cành củi mục có tiếng thổn thức
- Trong thời gian có vĩnh cửu...

Nhà thơ cũng đã thấy
- Bước chân người: rừng lay
Ánh mắt người: sao bay
- Dấu đinh Ngài ẩn dưới đáy con tim
Như khát khao nói tiếng yêu vẹn tròn

Tiếng Việt vốn đã rất giàu nhạc tính. Thơ Việt lại quy tụ - từ cái giàu có đó - những gì hay nhất, gợi nhớ nhất, hòa hợp nhất. Xuân Ly Băng đã biết khai thác cách tài tình cái hay của tiếng Việt, cái đẹp của thơ Việt; vì thế, nhiều nhạc sĩ đã cảm nghiệm và tìm thấy - nơi nhà thơ của chúng ta - nguồn hứng cho dòng ca của mình. Đêm thơ nhạc hôm nay, được đan dệt từ những dòng ca đó, sẽ dẫn đưa người vào vẻ đẹp của chuyến đò văn hóa tới tận bến bờ đức tin.

Xin cầu chúc cho “Đêm thơ nhạc Xuân Ly Băng” thành công thật tốt đẹp.

Banmêthuột, ngày 23-06-2008
+GM Phaolô Nguyễn Văn Hòa
CT.UBTNVN/HĐGMVN

LỜI CHÚC MỪNG của Lm. PHÊRÔ PHẠM QUYỀN, Hạt Trưởng Hạt Phan Thiết

Kính thưa quí Thi sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ và tất cả quí vị quí khách mời,
Đêm thơ hôm nay là đêm vọng Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả trong lịch công giáo của chúng ta.
Thánh Gioan Tẩy giả là bổn mạng của Thi sĩ Xuân Ly Băng.
Theo sự phân công của ban tổ chức, con xin được phép thay mặt cho các linh mục, các tu sĩ, nam nữ chủng sinh và các giáo dân trong toàn giáo phận Phan Thiết, chúc mừng Đức Ông Xuân Ly Băng, Tổng Đại Diện Giáo Phận Phan Thiết.
Con cũng không biết lấy lời gì hơn ngoài lời kính chúc. Ngày mai là ngày lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả. Thánh Gioan đã sinh ra và đã mở đầu một kỷ nguyên cứu độ. Đức Ông cũng đã khai sinh một trang thơ, vè từ hơn nửa thế kỷ nay- giữa thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI này. Chúng con cầu xin Thánh Bổn Mạng bầu cử cho Đức Ông dồi dào ơn Chúa để - như hai Đức Giám mục vừa gửi lời, vừa gởi điện thư chúc mừng Xuân Ly Băng - sẽ trẻ mãi như là hài nhi Gioan mới được sinh ra, hồn thơ của Xuân Ly Băng cũng sẽ là trẻ mãi như là hài nhi Gioan mới sinh ra và để Ngài tiếp tục những vần thơ, những câu vè để lại cho hậu thế chúng con, rồi từ những vần thơ từ những câu vè đó dẫn đưa chúng con đi vào cuộc sống đức tin một cách vững chắc. Lần nữa con xin kính chào và kính chúc Bổn mạng Đức Ông và kính chúc Đêm Thơ Nhạc thành công.

HUẤN TỪ KHAI MẠC CỦA ĐỨC CHA PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN, Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết.

Kính thưa Đức Ông Lê Xuân Hoa
Quí cha, Quí vị quan khách, Quí tu sĩ, Và toàn thể bà con

Hôm nay nhân Đêm Thơ Nhạc Xuân Ly Băng, chúng tôi hanh hạnh được đón tiếp đông đảo quí quan khách và bà con trong giáo phận đến đây chia vui với chúng tôi, trước vinh dự lớn lao này, chúng tôi xin có lời trân trọng chào mừng và chúc sức khoẻ tất cả mọi người.

Để mở đầu cho chương trình Đêm Thơ Nhạc Xuân Ly Băng, chúng tôi xin mạo muội có vài lời để tìm hiểu về một nhà thơ Đạo như Đức ông Xuân Ly Băng. Là linh mục có tước hiệu Đức ông, nhưng thi hứng thì cũng như ai, điều đáng nói là thi hứng đó đã đến dần dần đi vào huyền nhiệm của Đạo, đi vào niềm tin tiếp cận với Chân Thiện Mỹ tuyệt đối, để viết lên những lời thơ kinh, vừa nhân loại, nhưng cũng vừa đượm màu huyền diệu của một niềm tin sâu sắc vào Thiên Chúa nhiệm mầu.

Nói đến một nhà thơ công giáo, không thể bỏ quên một truyền thống quan trọng đã ảnh hưởng rất lớn lên tình cảm và tư tưởng của ngài Xuân Ly Băng, đó là truyền thống thi ca trong Giáo hội công giáo. Truyền thống này bất nguồn từ ngàn xưa, tới thời đại tiền Kitô giáo. Lúc đó các sứ giả tôn giáo đã dùng lời rao giảng và cả đến văn thơ để truyền đạt niềm tin của mình và sứ điệp của Thiên Chúa cho các tín đồ.

Một trăm năm mươi Thánh vịnh chẳng hạn là những bài thơ cầu nguyện từ cá nhân đi đến cộng đồng, chất chứa những tâm tình thấm nhuần tình yêu đã biến thành huyền sử.

Thánh Ambrosio đã say sưa những Thánh vịnh đó, và đã hết lời tán dương người thi thánh này: “Thánh vịnh là lời chúc tụng của dân Chúa, là lời ngợi khen Thiên Chúa, là tiếng vỗ tay reo vui của muôn loài, là lời lẽ của vũ trụ, là tiếng nói của Hội Thánh, là lời tuyên tín vang lừng, là lòng sùng mộ đầy tràn và đích thực, là niềm hoan lạc của con người tự do, là tiếng reo vui mừng và là âm vang của niềm hoan hỷ”.

Đức ông Xuân Ly Băng cũng kín múc từ nguồn cảm hứng sâu sắc đó của truyền thống thi ca trong giáo hội, đã sớm hoà nhập “Thơ và Tình đạo”. Từ lúc thanh xuân, Xuân Ly Băng đã bất đầu ca ngợi thiên nhiên và cuộc sống. Nhưng sau đó hất hết thơ Xuân Ly Băng đã sớm đi vào con đường của huyền sử tin yêu, ngưỡng mộ, nguyện cầu, hiệp thông với nguồn thơ vô biên chính là mầu nhiệm Thiên Chúa.

Thơ của Xuân Ly Băng là những kinh nghiệm thiêng liêng sâu sắc nhất diễn tả niềm tin và mộ mến theo một lộ trình mà thánh Augustino đã thường diễn tả: “Lạy Chuá xin cho con biết con, và xin cho con biết Chúa…”. Lời thơ không dừng lại đó, thánh nhân không ngừng hỏi mây, hỏi gió, hỏi rừng xanh núi đỏ: “Các bạn có phải là Thiên Chuá không?” và người nghe muôn tiếng trả lời: “Không, chúng tôi không phải là Thiên Chuá, mà Thiên Chuá là Đấng dựng nên chúng tôi.” Cuối cùng ông trơ về với lòng mình và nhận ra Thiên Chúa như một thực tại siêu việt, rất cũ và rất mới ở ngay trong lòng mình mà vẫn không nhận ra: “Lạy Chúa, Chúa ở trong con, nhưng con lại ở ngoài Chúa”.

Xuân Ly Băng cũng vậy, ngày đêm trăn trở, cũng đi tìm và phát giác ra một nguồn thơ bất tận, đó là cuốn Tin mừng Kitô giáo mình vẫn nắm trong tay. Từ Thơ Kinh, đến Hương Kinh, Trầm Tư, Quê Hương và Tình Đạo, nỗi niềm là những cố gắng không ngừng, khám phá thơ trong Đạo. Nhưng cuối cùng thành công của thơ Xuân Ly Băng là tập “Thơ Dụ Ngôn” và Bài Ca Thương Khó trong sách Tin Mừng. Dụ ngôn là những chuyện kể của Đức Giêsu rất bình dân nhưng lại để diễn tả những thực tại nhiệm mầu của Đức Giêsu vị Thiên Sai cứu độ. Chính Ngài là gốc của Chân Thiện Mỹ, cho nên những chuyện kể của Ngài đầy chân lý, đầy vẻ đẹp đầy thánh thiện..mà cuộc sống có thể có được.

Như câu chuyện dụ ngôn Người Cha Nhân Từ, có đứa con hoang đàng, thất nghĩa bất trung, đã chia gia tài, rồi đóng sập cửa quay lưng ra đi, để lại người cha già, ngày ngày mòn mỏi chờ mong. Và vừa khi ông thấy bóng nó trong tấm thân tàn ma dại trở về, ông vội chạy đến ôm chầm lấy nó mà hôn lấy hôn để, giữ chặt lấy nó mà không muốn buông ra.

Nhà thơ Cù Huy Cận, người ngoài công giáo đọc bài dụ ngôn đó và viết mấy vần thơ đáng ghi nhớ trong tập “Lửa Thiêng” như sau:

Thượng Đế hỡi, con xin quay đầu trở lại
Vì đời con là một kiếp lang thang
Sầu đã chín xin Ngài hãy hái
Mặc dầu cho hoả ngục hay thiên đàng
.

Qua thi văn Xuân Ly Băng đã suy gẫm, đã lao tâm khổ tứ gạn lọc cho được những chân lý đầy vẻ đẹp của các dụ ngôn để cống hiến cho chúng ta.

Nhất là Bài Ca Thương Khó, mà một nhạc sĩ ngoài công giáo Ngọc Lạc lát nữa đây sẽ trình bày, có thể nói là tuyệt tác của Xuân Ly Băng. Ngài đã kết hợp hồn thơ với đức tin đầy lửa mến, dẫn ta đi vào tấn bi kịch của một tình thương vô cùng kỳ diệu của Thiên Chúa.

Trên thập giá, là một cuộc chiến có một không hai trong lịch sử. Cuộc chiến tay đôi giữa con người và Thiên Chúa, và con người đã thắng. Thiên Chúa chịu để cho kẻ thù đóng chặt chân tay mình vào thập tự. Đâm toặc cạnh sườn cho thấu trái tim. Ngài đã chết ! Trong tấn bi kịch của Tình yêu đó, Thiên Chúa chấp nhận cái chết để chứng tỏ tình yêu mạnh hơn sự chết của Ngài. Ngài đẻ kẻ thù giết mình, không thà giết kẻ thù không bằng hạt cát dưới chân mình, Ngài nhắm mắt torng khoan dung tha thứ và bình an tuyệt đối.

Xuân Ly Băng đã dùng những lời đầy xúc cảm, với ý nghĩa vô cùng sâu sắc để giúp chúng ta đi sâu vào Mầu Nhiệm Tình yêu của Thiên Chúa. Và đó cũng là lời mời gọi chúng ta đi tìm Ngài.

« Ai khát hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống ! Như Kinh thánh đã nói: Từ Lòng Người sẽ tuôn chảy dòng nước hằng sống» Ga 7,29.

Tuy tuổi đã cao, nhưng thơ vẫn trẻ, thi sĩ Xuân Ly Băng không ngừng tìm thơ trong Đạo để cống hiến cho Cộng Đồng tín hữu và người ngoài những vần thơ vô cùng cao quí. Văn chương thi phú là đỉnh cao của một nền văn hoá, là những nét đẹp tuyệt vời của cuộc sống, là con đường dẫn người ta gặp gỡ Chân-Thiện-Mỹ.

Giáo phận Phan Thiết vô cùng hân hãnh diện và biết ơn Đức ông Xuân Ly Băng.
Xin tuyên bố khai mạc đêm thơ Xuân Ly Băng

+ Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết

LỜI CẢM ƠN

Trọng kính Đức Cha Phaolô
Kính quí Đức Cha, Quí Cha Hạt Trưởng, Quí Cha Bề Trên, quí tu sĩ nam nữ
Kính thưa quí cấp chính quyền tình Bình Thuận, Thành phố Phan Thiết, Phường Lạc Đạo
Kính thưa quí vị nhà biên khảo, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ, nhà báo, quí vị khách mời, và toàn thể quí vị…

Ước mơ khiêm tốn của ban tổ chức Đêm Thơ Nhạc Xuân Ly Băng là tri ân Đức Ông Linh Mục Gioan Baotixita Lê Xuân Hoa vì những đóng góp của Ngài cho Giáo Hội và cho Văn Học Công Giáo Việt nam. Ước mơ ấy, niềm tri ân ấy được nhân lên gấp trăm ngàn lần nhờ lòng ưu ái của Đức Cha Phaolô, của quí Đức Cha, quí Cha, nhờ sự quan tâm đúng mức đối với Văn học-Nghệ thuật-Tôn giáo qua sự hiện diện của quí cấp chính quyền và quí vị khách mời từ khắp miền đất nước.

Thành quả của nổi niềm tri ân hôm nay là một cái nhìn chung về Văn học mà Đức Ông Thi sĩ Xuân Ly Băng đã thực hiện trong Thiên chức Linh Mục của Giáo hội Công Giáo và trong tâm tình của một người con Nước Việt.

Thay mặt cho những người thực hiện chương trình, chúng con chân thành cảm ơn Đức Cha Phaolô, quí Đức Cha, quí Cha, quí Cấp chính quyền, quí vị với niềm ước mong Nghệ thuật Văn học Công giáo của thế hệ hậu duệ sẽ noi gương Đức Ông, góp phần với quê hương thăng tiến một nền văn học của tình yêu và sự sống và sự sống vĩnh cửu.

Chúng tôi cũng xin cảm ơn sự đóng góp của tất cả những người góp phần thực hiện chương trình đêm nay: Tòa Giám Mục Phan Thiết; Cha quản lý; các nhạc sĩ biên tập và dàn dựng; các ban âm thanh, trang trí và khánh tiết; các ca sĩ, nghệ sĩ từ Sài gòn-Nha trang-Phan thiết, các Hội Dòng, các ca đoàn, các giáo xứ và tất cả quí khách xa gần…

Kính cảm ơn và kính chúc Quí đức Cha, quí vị một đêm an lành.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 03.07.2008. 13:47