Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chuyện chiếc lư hương và phận người

§ Người Giồng Trôm

Mấy ngày hôm nay, kể từ sau cái lư hương đặt dưới bức tượng Đức Thánh Trần, nhiều người dân xôn xao về hành vi ấy, đặc biệt khởi đi từ những người có thẩm quyền.

Câu chuyện đang còn rôm rả thì có người biện minh cho việc di dời lư hương ấy là quy hoạch cho thành phố được đẹp và làm cho mỹ quan đô thị được tốt hơn … Thế nhưng, xem chừng tất cả dù là bất cứ lý do gì cũng không thể biện minh cho hành vi quái dị ấy.

Và, bỗng nhiên đùng một cái, nhiều người bàng hoàng, bỡ ngỡ, ngạc nhiên trước tin của người chắp bút ký quyết định di dời cái lư hương ấy đột nhiên … qua đời.

Dĩ nhiên, trước nguồn tin ấy, nhiều người lại cho rằng chuyện người đó qua đời nào là đáng đời, nào là luật nhân quả, nào là kẻ làm điều dữ sẽ bị thế này thế kia … và biết bao câu nói nào là …

Mấy ngày hôm nay, bỉ nhân ngược về Nam để ghé viếng phần mộ của Cha Cố Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp. Như bao người khác, bỉ nhân cũng thắp nén hương kèm với lời tạ ơn cũng như nguyện cầu cho nhiều người thân thương khác nữa. Khi niệm hương, hình ảnh những người thân thương lại về và bỉ nhân cầu xin với Cha Cố thương phù hộ theo như lời bỉ nhân xin.

Nhìn quanh, không chỉ mình bỉ nhân nhưng nhiều người khác nữa cũng niệm hương và nhang khói nghi ngút trời có khi làm khó chịu cho khách hành hương. Thế nhưng, với niềm tin và văn hóa của người Việt là cạnh lời nguyện cầu cũng phải có nén hương lòng gửi đến người mình tin tưởng quý mến chút tình và lời cầu xin.

Không chỉ ở Cha Bửu Diệp, khi đứng trước linh cửu của người quá cố hay ít là phần mộ hay hủ tro cốt của người thân, nhiều người cũng đã cúi đầu niệm hương và thành kính nguyện xin điều gì đó như sự an bình cho gia đạo, cho người thân.

Trở lại với câu chuyện cái lư trước tượng Đức Thánh Trần. Cùng với lòng quý mến và nhớ ơn người xưa để rồi từ lâu lắm rồi ở trước tượng của Ngài, mọi người thấy chuyện cái lư hương để ai nào đó với lòng tin tưởng thắp nén hương lòng cũng hữu tình và có lý bởi lẽ niềm tin có tự lâu đời của dòng giống Lạc Hồng. Chuyện chiếc lư hương xem ra hoàn toàn phù hợp văn hóa cũng như tâm thức của người Việt tự ngàn xưa nên chuyện di dời chiếc lư hương xem ra không hợp với lòng dân mà còn đánh mất đi lòng hiếu nghĩa với những người có công dựng nước và giữ nước.

Nếu lý luận quy hoạch cho đẹp Sài Gòn thì xem chừng phải di dời không còn sót một lư hương nào đó ở trước tượng dù bất cứ là ai đi chăng nữa vì đã di dời lư ở tượng Đức Thánh Trần.

Hoàn toàn không hợp cả lý và tình và nhất là đã đánh mất văn hóa cũng như lòng quý mến của người dân dành cho Đức Thánh Trần.

Chắc chắn rằng chuyện niệm hương trước tượng ảnh, linh cữu của ai nào đó là chuyện không bao giờ bỏ đi trước tiềm thức văn hóa của người Việt tự ngàn xưa để rồi không bao giờ bỏ chuyện di dời chiếc lư hương.

Và, cũng trở lại chuyện người ký quyết định di dời chiếc lư tội nghiệp ấy … qua đời.

Bản thân bỉ nhân, chả xét đoán, chả lên án cũng như chả kết án và cứ bình tĩnh sống.

Hẳn nhiên, sống và bình tĩnh để xem hành vi của những người có trách nhiệm. Những người có trách nhiệm sẽ phải hoàn toàn chuyện trách nhiệm trước những việc mình đã làm và sẽ làm.

Bỉ nhân chả quy chuyện này chuyện kia hay nào là như đã nói. Nhưng, chuyện cần nói, phàm là người và bất cứ là ai đi chăng nữa thì nên cân nhắc trước hành động của mình và nhất là khi mình có trách nhiệm.

Chỉ mong đừng bao giờ vì bất cứ lý do gì mà mình làm trái với đạo lý và lương tâm của con người.

Chuyện di dời lư và chuyện một người qua đời có khi xảy ra trùng hợp như hồi chuông cảnh tỉnh con người trước cái ác và sự ác. Ở đời, có những chuyện người ta vẫn thường cho là nhân quả hay nhãn tiền cũng đúng và hợp lý thôi.

Chuyện qua đời và chuyện chiếc lư này như muốn nhắc nhở ta rằng cuộc đời ta rất ngắn và rất vắn để rồi ta sống làm sao để đừng để cho người khác phải càm ràm và ai oán. Ở cái thời công nghệ này, chắc có lẽ thốn lắm trước những lời mỉa mai hay những hình vẽ “tán dương” những người gây oán cho người khác. Thế nên, hãy xem đây như bài học cho mỗi người rằng mình đừng bao giờ làm điều ác để mình không gặp điều ác. Và, hẳn nhiên đừng quên đi luật nhân quả vì luật nhân quả không hề bỏ sót ai ngay cả những luật sư nổi tiếng.

Hãy sống làm sao đó để khi mình nằm xuống người ta còn nhỏ cho ít là một dòng nước mắt hay niềm tiếc thương vô hạn chứ đừng sống sao khi mình nằm xuống người ta lại nhẹ lòng và có khi còn tán thưởng vui mừng vì mất đi một người mang điều không hay cho đồng loại.

Chính vì vậy, khi còn sống và nhất là khi cầm quyền, nên chăng đừng bao giờ làm điều gì hại người khác hay làm cho người khác phải đắng lòng. Có khi mình dửng dưng trước đau khổ của người khác vì quyết định của mình nhưng đâu biết chừng mình phải lãnh những hậu quả đắng lòng khởi đi từ sau quyết định của mình trước sự việc hay người nào đó.

Người Giồng Trôm

Đọc nhiều nhất Bản in 24.02.2019 15:41