Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Anrê Bùi Quang Tịch

§ TGP Huế

90717ChaBuiQuangTich.jpg

Cha Anrê Bùi Quang Tịch (1895 - 1977)

Cha Anrê Bùi Quang Tịch sinh ngày 27.6.1895, tại giáo xứ Nam Tây, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, thuộc giáo phận Huế.

Cha Anrê thuộc về một gia đình đạo đức. Trong dòng họ ngài, ngoài ngài ra, còn có đến bốn linh mục: một bác ruột là cha Bùi Quang Lợi, hai cậu ruột là cha Bùi Quang Tuyển và cha Bùi Quang Hữu, và một người anh bà con là cha Bùi Quang Lược.

- Năm 1909, 14 tuổi, vào Tiểu Chủng viện An Ninh, Cửa Tùng, Quảng Trị.
- Năm 1919, 24 tuổi, vào Đại Chủng viện Phú Xuân, Huế.
- Năm 1926, 31 tuổi, thụ phong linh mục.

Cuộc đời linh mục của cha Anrê Bùi Quang Tịch được chia ra ba giai đoạn:

- Giai đoạn làm mục vụ tại giáo xứ,
- Giai đoạn làm giáo sư và làm giám đốc Tiểu Chủng viện,
- Giai đoạn vào Dòng Phước Sơn và ở trong lao tù.

1. Giai đoạn làm mục vụ tại giáo xứ:

- 3 năm phó xứ giáo xứ Di Loan (12.1.1927 – 2/1930)
- 4 năm quản xứ giáo xứ Vạn Thiện (1954-1958)
- 7 năm quản xứ giáo xứ Trí Bưu (6/1961 – 8/1968)

. Ngài rất nổi trội trong việc hãm mình. Ăn uống rất thanh đạm, không đòi hỏi gì. Những khi ngồi cầu nguyện lâu giờ trong nhà thờ, ngài không bao giờ dựa lưng vào thành ghế.

. Có lần, thấy ngài đi chân không khi ra ngoài đường, giáo dân thương nên xin ngài đi dép kẻo ngài dẫm phải gai nhọn thì họ mất nhờ. Nghe vậy, ngài cũng bằng lòng, nhưng mục đích sâu xa của ngài khi đi chân không, là muốn sống đời hãm mình.

. Sáng ngày đi nhận xứ Trí Bưu, ngài ưu tư với một cha bạn, muốn thăm dò tình hình giới trẻ của giáo xứ thế nào, được vị linh mục này vui miệng nói rằng: “Với bộ râu như Cha, thì chẳng thanh niên nào dám đến gần đâu!”. Ngay trưa hôm đó, mọi người ngỡ ngàng khi nhìn thấy cằm cha đã nhẵn trụi, dù bộ râu đã thân thiết với Cha suốt mấy mươi năm. Chiều hôm đó, ngài đến nhận xứ Trí Bưu.

Ngài sống rất khó nghèo trong việc sử dụng của cải và các đồ dùng riêng, nhưng trái lại, rất rộng rãi trong việc giúp đỡ những ai túng thiếu. Đối với những gì liên quan đến nhà thờ và các đồ phụng vụ, ngài không nệ tốn kém để lo cho được tươm tất, đẹp đẽ, xứng đáng.

2. Giai đoạn làm giáo sư và làm giám đốc Tiểu Chủng viện (3/1930-1953 và 1958-1961)

Ngài sống 27 năm ở Tiểu Chủng viện Huế, với tư cách là giáo sư và giám đốc, chuyên lo đào tạo các ơn gọi linh mục.

Ngài có một chương trình sống rất mẫu mực và nghiêm nhặt. Sáng nào, ngài cũng thức dậy lúc 4 giờ. Sau khi đọc các Giờ kinh Phụng vụ, nguyện gẫm, ngài sốt sắng dâng Thánh lễ, và sau Thánh lễ, ngài luôn dành một tiếng đồng hồ để cầu nguyện và cám ơn Chúa.

Ngài rất tận tụy trong việc dạy dỗ các mầm ơn gọi linh mục. Ngài dạy tiếng Pháp rất chuyên cần và rất kỹ lưỡng cho các chủng sinh trong các lớp căn bản. Nhờ vậy, các chủng sinh có thể theo học được chương trình Pháp một cách dễ dàng.

Với lòng đạo đức nội tâm sâu xa, luôn luôn nêu cao gương mẫu trước mặt các chủng sinh, ngài đã góp công rất nhiều vào việc đào tạo nhiều thế hệ linh mục cho giáo phận Huế.

Tuy tỏ ra nghiêm nghị trong lúc ở Tiểu Chủng viện, nhưng khi chủng sinh về hè, hoặc lúc ngài làm việc mục vụ tại giáo xứ, ngài sống rất bình dân, dễ gần gũi và có tình cha con đối với tất cả với mọi người.

3. Giai đoạn vào Dòng Phước Sơn và ở trong lao tù

Sau nhiều năm tận tâm tận lực phục vụ giáo phận Huế, ngày 15.8.1968, lúc đã 73 tuổi, ngài xin nhập Đan viện Thánh Mẫu Phước Sơn (Thủ Đức, Sài Gòn), sống đời đan tu để dọn mình chết lành (theo lời ngài nói). Lần lượt khấn tạm (15.8.1970) và khấn trọn (15.8.1973).

Theo chứng từ của Đan Viện phụ Duy Ân Vương Đình Lâm, Bề trên Dòng lúc đó cho biết: “Vị đan sĩ linh mục này sống rất đạo đức, khiêm tốn, giữ luật Dòng rất nghiêm nhặt, quảng đại, can đảm...”

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cộng đoàn Phước Sơn quyết định chia ra thành nhiều nhóm nhỏ. Với giấy mời của Đức Giám mục giáo phận Long Xuyên, với giấy phép của chính quyền Thủ Đức cấp, cha Anrê phụ trách một nhóm, ra đi lập nghiệp tại vùng kinh tế mới Rạch Đùng, Kiên Giang (Rạch Giá), thuộc giáo phận Long Xuyên. Nhóm của cha có 7 người, gồm 2 linh mục khác và 4 đan sĩ.

Gần một năm sau, ngày 24.4.1976, cả nhóm bị bắt giam tại nhà lao Rạch Giá với tội danh là “nhóm sĩ quan trốn học tập cải tạo”.

Thời gian bị giam giữ, cha lâm bệnh, được đưa về bệnh viện Rạch Giá điều trị. Lúc này, cha vẫn bị canh gác và bị đối xử như một tù nhân.

Cha khấn xin Đức Mẹ cho cha được về chết giữa các anh em trong cộng đoàn, và Đức Mẹ đã cho cha được toại nguyện. Ngày 6.1.1977, vì lâm trọng bệnh, cha được trả về lại cộng đoàn là trụ sở Dòng Phước Sơn tại Thủ Đức, TP.HCM. Về đến Đan viện trong tình trạng tinh thần vẫn minh mẫn tỉnh táo, ngài gặp gỡ thăm hỏi anh em và sốt sắng lãnh nhận các bí tích sau cùng. Bốn hôm sau, ngày 10.1.1977, lúc 17giờ, cha hoàn tất hiến lễ cuộc đời, thọ 82 tuổi, sau 51 năm làm linh mục với 9 năm đan tu.

Cha Anrê Bùi Quang Tịch là một linh mục gương mẫu của giáo phận Huế và của Đan viện Phước Sơn. Giáo phận Huế và Đan viện Phước Sơn rất ngưỡng mộ và biết ơn vị linh mục thánh thiện này.

Tổng Giáo phận Huế

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 17.07.2009. 13:36