Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cha Thánh Giuse Marchand Du (Joseph Marchand), người của Thần Khí

§ Thuỳ Chi

Mừng kính 174 năm Tử Đạo của thánh Giuse Marchand Du (Joseph Marchand)
30.11.1835 – 30.11.2009

TuDao-chaThanhDu.jpg

Cha Thánh Joseph Marchand bị xử bá đao. Ảnh chụp từ sách Lịch sử Giáo Hội Công Giáo (Lm Bùi Đức Sinh OP, t.391)

Thánh nhân: Joseph Marchan, Linh mục Thừa Sai Paris (MEP)
Tên Việt Nam: Du
Năm sinh: 17.8.1803
Tử đạo: 30.11.1835
Hưởng dương: 32 tuổi
Nơi sinh: Làng Passavant (Doubs, Pháp)
Địa chỉ: Xã Passavant, Sở Doubs, miền đông nước Pháp.

Chịu chức linh mục: 4.4.1829
Đi truyền giáo: 20.4.1829
Xứ truyền giáo:
- Phnom Penh (Campuchia);
- Dạy học tại Chủng viện Lái Thiêu;
- Coi sóc 25 giáo họ tỉnh Bình Thuận;
- Coi sóc các xứ Cái Nhum, Cái Mơn, Mặc Bắc (tỉnh Bến Tre), Bãi Xan, Giồng Rùm (tỉnh Trà Vinh), cộng đoàn Mến Thánh Giá Cái Nhum đều thuộc Giáo phận Vĩnh Long;
- Giảng đạo xứ Chợ Quán (ngoài thành Phiên An, Sài Gòn);
- Giảng đạo trong thành Phiên An, Gia Định (Sài Gòn).

Pháp trường: Sân nhà thờ Thợ Đúc, Giáo phận Huế (cách thành Huế 5km)
Giáo xứ: Phường Đúc, Giáo phận Huế
Địa chỉ giáo xứ: Phường Đúc, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế
(Cách Toà Giám Mục Hà Nội 657km)
Điện thoại: 054.3821092

Thánh tích: Trong số hàng trăm nghìn vị Tử Đạo Việt Nam và trong 117 vị đã được phong hiển thánh, cuộc tử đạo của thánh Joseph Marchand thật bi thương và hãi hùng nhất. Ngài bị giam ngục, bị tra hỏi và bị tra tấn bằng kìm thép nung đỏ. Ngài là vị duy nhất bị án bá đao, nghĩa là bị cắt xẻo một trăm nhát trước khi bị chặt ra làm bốn phần, còn thủ cấp bị nghiền nát đổ xuống biển.

Chứng từ đời sống thừa sai của thánh Marchand là sự nhiệt tâm truyền giáo, lòng yêu mến các tín hữu và ý chí cương quyết trong phục vụ duy nhất cho Tin Mừng qua những lời nói cuối cùng của thánh Marchand, ngài chỉ nhắc đi nhắc lại một lời: “Tôi chỉ biết có một việc giảng đạo mà thôi”. Thánh Marchand đã nói điều mình tha thiết nhất, một lời xuất phát từ tận đáy lòng.

Nhờ ơn Thánh Thần Chúa đánh động nên tôi đã quyết định dừng chân ở thành phố Huế một đêm, sau khi tôi hoàn thành xong chuyến đi công tác đầu năm 2007 tại Sài Gòn và các tỉnh miền Tây, chuẩn bị đi về các tỉnh miền Trung. Tôi nhớ mãi cảm xúc khi về đến Huế. Ngay buổi chiều hôm đó, khi vừa đặt chân tới Huế, tôi đã được đón nhận điều kỳ diệu, mà về sau, trong suốt cả năm qua tôi luôn cầu nguyện và suy nghĩ vì thấy canh cánh day dứt, u buồn trong lòng.

Khi ở ga Sài Gòn, tôi đã điện thoại cho bạn bè mình đang ở Huế và nói là muốn nghỉ ở nơi yên tĩnh. Quả thực, tâm trạng tôi lúc đó không còn vui được vì thấm mệt bởi chuyến đi công tác nhiều ngày, đi lại vất vả lúc là ô tô, lúc là xe honda, lúc trên phà, lúc đi bộ… tôi chỉ muốn ghé vào Huế tìm sự yên tĩnh và thơ mộng để lại sức tiếp tục chuyến công tác nhiều ngày tiếp theo vào chiều hôm sau. Nhưng khi tôi tới Huế mấy người bạn đã tha tôi đi khắp phố phường, tôi đành kệ thân xác rã rời vì biết mình không phải lái xe. Điều kỳ diệu đến với tôi khi cô bạn cho tôi biết chương trình đi những đâu, trước tiên là đi ăn tối, sau đó đi một vòng thành phố Huế rồi ra sông Hương đi qua cầu Tràng Tiền, bên kia cầu Tràng Tiền có quán chè Huế nổi tiếng là ngon. Khi vừa nghe nhắc đến sông Hương và cầu Tràng Tiền thì tôi thấy trong lòng xao xuyến lạ thường; những hình ảnh, những câu chuyện về Huế dần hiện trong tâm trí: tôi bắt đầu nhớ lại những gì mình đã ghi nhớ về Huế và tôi đã tìm thấy điều gì đang làm lòng mình xốn xang, có tiếng gọi tha thiết của ai đó đang rất u buồn, rất khổ tâm nài xin tôi hãy đi đến sông Hương, hãy đứng lại bên dòng sông Hương. Tiếng gọi tha thiết ấy như nỗi nhớ của đôi bạn tri kỷ đã phải sống xa cách nhau nay có giây phút gặp nhau, yêu thương, hờn dỗi và chỉ muốn thực sự được gần nhau.

Tôi thinh lặng cảm nghiệm điều kỳ diệu và không vội đòi hỏi đến sông Hương ngay, tôi cũng không kể cho bạn bè mình biết là mình cần phải tới sông Hương ngắm nhìn dòng sông, tôi nghĩ là sẽ đi thẳng qua cầu để tới quán chè Huế. Nhưng ý Chúa thật nhiệm mầu, khi tốp xe chúng tôi đi tới gần chân cầu Tràng Tiền thì bị lạc nhau do đèn tín hiệu giao thông và tốc độ xe đi khác nhau. Xe của tôi đi trước một hiệp đèn và phải đi chậm chậm trên cầu rồi dừng đỗ lại ở nhịp giữa cầu đợi các xe sau. Chính lúc đó, tôi xuống xe, đi tới lan can thành cầu lặng nhìn dòng sông Hương trong ánh đèn hắt ra từ gầm cầu bảy màu sắc tuyệt đẹp, làn nước trở nên lung linh dịu dàng. Tôi nghĩ đến dòng sông Hương đã chứng kiến và đón nhận lịch sử của Huế từ hàng nghìn năm, qua bao nhiêu triều đại vua chúa, những khi yên bình, những khi chiến tranh, những thời bách hại đạo, các vị tử đạo và có một vị thánh… tôi cố nhớ tên của ngài… Bỗng tôi giật mình vì tiếng gọi của các bạn để ra xe. Tôi đã đứng ngắm nhìn dòng sông chỉ chừng 2-3 phút.

Đêm hôm đó, tôi không ngủ được vì muốn nhớ ra tên của vị thánh tử đạo ở Huế, một vị thánh rất đặc biệt. Tôi vẫn thấy trong lòng bứt rứt không yên, thấy như ngài giận hờn tôi; thấy như những lời xin lỗi của tôi vẫn chưa làm ngài vui để tôi có thể trở về Hà Nội vào sáng hôm sau. Và tôi chợt nhận ra tên của ngài, đó là của cha thánh Joseph Marchand. Tôi hiểu, tiếng gọi tôi rất tha thiết khi nãy ở bên dòng sông Hương là của cha Marchand, trong tiếng gọi của ngài tôi nghe thấy tiếng kêu của biết bao linh hồn khác.

TÌNH THƯƠNG CỦA THIÊN CHÚA QUA VỊ THỪA SAI

Cha Jean Marchand sinh tại làng Passavant (miền Doubs, nước Pháp) vào ngày 17.8.1803. Khi học xong trường đạo tại Orsans, cha Marchand vào Đại Chủng Viện thành phố Besançon, rồi nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Paris lúc đã lãnh chức phụ-phó-tế (sous-diacre) ngày 25.12.1828.

Cha Marchand lãnh chức linh mục ngày 04.4.1829, ngài lên đường ngày 24 cùng tháng 4 đó để sang xứ Đàng Trong (Việt Nam). Khó có thể hình dung buổi chia tay đầy lưu luyến và cảm động của những người thân yêu trong gia đình.

Tháng 3 năm 1830, cha Marchan đặt chân đến Việt Nam, theo học tiếng Việt tại Chủng Viện Lái Thiêu, và bắt đầu các sinh hoạt tông đồ nơi những vùng có đạo của tỉnh Mĩ Tho, Vĩnh Long, Châu Đốc, và cho tới tận Phnom Penh, kinh đô xứ Campuchia. Không lâu sau, cha Marchand trở lại Lái Thiêu, ngài dạy học cho một số ít chủng sinh, trong số đó có hai thày Philip Phan văn Minh và thày Mattheu Lê văn Gẫm. Sau này thày Minh làm linh mục, thày Gẫm sống đời gia đình. Cả hai thày đều chịu phúc tử đạo thời vua Minh Mạng. Một năm sau khi cha Marchand tới Nam Kỳ thì có thêm cha Gilles Delamotte (tên Việt là Y), mới từ Pháp đến Quảng Trị. Ngài ở tại chủng viện Phương Ru (An Ninh) học tiếng Việt vài tháng, sau đó sang định cư bên làng Nhu Lý, ở nhà dòng các chị Mến Thánh Giá.

Thời gian dạy học ở Chủng viện Lái Thiêu, cha Marchand nhận bài sai lo cho toàn khu vực tỉnh Bình Thuận, coi sóc 25 họ đạo với khoảng 7000 tín hữu, phương tiện đi lại đều bằng thuyền rất khó khăn. Trong một lá thư ngài viết về cho gia đình đề ngày 13.6.1832, có đoạn: “… 25 giáo họ cách nhau rất xa. Muốn chu toàn bổn phận, con không thể bỏ phí một giây nào… từ năm giờ sáng đến chín giờ tối, nhiều ngày chẳng có lúc nào rảnh rỗi cả. Con chỉ có thể dành chút thời giờ chu toàn việc đạo đức riêng lo cho phần rỗi mình, còn thì luôn luôn phải làm việc để thánh hóa kẻ khác… Con chỉ tiếc một điều là không thể tận tụy hơn được nữa, để vừa giúp giáo dân, vừa giúp lương dân, lại cón phải bắt buộc di chuyển bằng thuyền, nên không thể đi mọi nơi, hầu dẫn về đoàn chiên Chúa Giêsu những con chiên bất hạnh lạc đường…

Cuộc cấm đạo ngày 6.1.1833 do vua Minh Mạng ra chiếu chỉ lùng bắt các giáo sĩ Âu châu đã khiến Đức cha Jean Louis Tabert, cha Etienne Theodore Cuenot và các cha thừa sai cùng các chủng sinh trốn qua Thái Lan vào đầu năm 1833. Chỉ có hai cha, cha Marchand và cha Delamotte là nhất quyết xin với Đức cha Tabert và cha Cuenot cho phép được ở lại. Cha Marchand ẩn tránh ở miền Lục Tỉnh, giúp các họ Cái Nhum, cộng đoàn Mến Thánh Giá Cái Nhum, xứ Cái Mơn, Bãi Xan, Giồng Rùm và trú tại Mặc Bắc thuộc tỉnh Vĩnh Long; còn cha Delamotte lánh nạn tại Dương Sơn, Nhu Lâm rồi lại về làng Nhu Lý là các làng thuộc tỉnh Quảng Trị.

Vua Minh Mệnh là người trí thông minh, nhưng tâm ác độc. Cái trí thông minh của nhà vua là trí thông minh của người theo Nho học, thường mang cái nhìn thiên về quá khứ và bảo thủ hơn là biết nhận xét hiện tại mà chuẩn bị tương lai. Và cái ác độc bẩm sinh của nhà vua thì đối với mọi người, chẳng trừ ai, kể cả đối với thân bằng quyến thuộc. Đặc biệt, vua rất ghét đạo Công giáo. Chuyện vua Minh Mạng ra chiếu chỉ lùng bắt, giết hại các giáo sĩ Âu châu là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát ở ngay trong triều đình thời vua Gia Long sau khi Đức cha Pigneaux de Behaine đưa Hoàng tử Cảnh trở về Việt Nam Hoàng tử không chịu bái yết Tôn Miếu làm cả triều đình phải sửng sốt.

Năm 1794, Hoàng tử Cảnh 14 tuổi được lập làm Đông Cung Thái Tử, mùa hè năm ấy Nguyễn Ánh đi đánh Tây Sơn ở Quy Nhơn sai Đông Cung trấn giữ Gia Định, mùa đông trấn giữ Diên Khánh. Cùng năm đó Nguyễn Ánh nhận Minh Mạng làm con nuôi, lúc ấy Minh Mạng 3 tuổi. Kể từ năm 1794, Đông Cung Thái Tử luôn làm rất tốt các việc Nguyễn Ánh giao: một mặt lo việc trị an, một mặt lo việc quân nhu, phòng ngự. Là người đức độ, nhân từ, hiểu biết và luôn lắng nghe lời khuyên của Đức Cha Behaine đã làm cho Nguyễn Ánh có lần nhận định về Đông Cung đó là nhân từ có thể đi đến nhu nhược: “Phàm nhân hậu phải có cương quyết mới được việc. Ngươi làm Nguyên Soái trấn giữ Diên-khánh thế mà Phước trước đã tự tiện làm oai, sau lại vô lễ với Sư phó ngươi mà ngươi một niềm nín nhịn há chẳng là quá nhân hậu ư? Từ nay về sau, kể từ Phó tướng trở xuống, kẻ nào không vâng lệnh thì đem chém để nghiêm tướng lệnh.” (x. Đại Nam Việt Quốc Triều Sử Ký).

Đông Cung luôn rất u buồn vì mình chưa được chịu phép Rửa tội và trong triều đình vua nghe các quan lại can gián quyết định không cho Đông Cung được ở cùng với Đức Cha Behaine. Một lần, Đông Cung đã xin Đức Cha Behaine dạy cho biết về nghi thức Rửa tội, phòng khi bệnh nặng mà bên mình không Đức Cha thì sẽ chỉ cách cho ai đó để người ta rửa tội cho mình. Đức Cha Behaine qua đời năm 1799 là nỗi đau buồn vô cùng của Đông Cung và của toàn thể các thừa sai, linh mục, tín hữu Việt Nam. Những tháng ngày sau cái chết của Đức Cha Behaine, Đông Cung sống trong khủng hoảng, bi quan. Đông Cung đã chết sau Đức Cha Behaine 18 tháng vào ngày 20.3.1801.

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi ở Huế, niên hiệu là Gia Long cai trị 18 năm, chết năm 1820. Những năm cuối đời, tuổi cao nhưng vua vẫn trần trừ trong việc lập ngôi Thái tử. Xét khi ấy, hai con của Đông Cung là Mỹ Đường và Mỹ Thuỳ, tức cháu nội vua Nguyễn, đã ngoài hai mươi tuổi, đủ sức nối ngôi; lại được trong triều ngoài dân ủng hộ vì đấy là con của người ít nhiều cũng có công gầy dựng vương triều, lại là dòng đích rất phù hợp thông lệ truyền ngôi từ xưa ở chốn cung đình. Vậy mà vua vẫn không chọn một trong hai cháu.

Còn hoàng tử Đảm, vốn là người hay bài xích đạo Thiên Chúa gay gắt và không có chút cảm tình nào với người Pháp. Điều này rất hợp thâm ý muốn rũ bỏ món nợ ân tình của những người khác nòi giống đã đến giúp, nên Đảm rất được vua yêu thương. Ta thấy điều này thể hiện rõ trong bản di chúc : “... hãy đối xử tử tế với người Âu, nhưng hết sức cảnh giác trước các tham vọng của họ”... Nào ngờ đứa con “ngoan” này, không hoàn toàn theo đúng tinh thần của cha trăn trối “Minh Mạng nhanh chóng tuyệt giao với người Pháp & các thừa sai; lãnh sự Pháp không được thừa nhận, đặc sứ Pháp không được tiếp kiến, thuyền trưởng Pháp không được lên bờ... và các chỉ dụ cấm đạo Thiên Chúa liên tiếp được ban hành...” (Việt Nam thế kỷ XIX. Nguyễn Phan Quang) mở màn cho một chính sách “bế môn tỏa cảng” rất tai hại cho đất nước về sau.

Trong số các quan cận thần của vua Gia Long, có Lê Văn Duyệt (1764-1832) là một công thần trụ cột của nhà Nguyễn. Ông đã theo tòng chúa Nguyễn Phúc Ánh từ năm 17 tuổi, cùng với chúa Nguyễn Phúc Ánh và các tướng lĩnh khác lấy thành Bình Định, chiếm thành Phú Xuân, thâu đất Bắc Hà về cho nhà Nguyễn, giữ chức Tổng Trấn thành Gia Định 2 lần: từ 1812 đến 1815 (triều vua Gia Long) và từ 1820 đến 1832 (đời vua Minh Mạng). Vua Minh Mạng và tả quân Lê Văn Duyệt vốn có nhiều hiềm khích và tư thù: Lê Văn Duyệt đã cho xử chém Huỳnh Công Lý, cha đẻ một quí phi được vua Minh Mạng sủng ái; Lê Văn Duyệt không ủng hộ việc Minh Mạng lên ngôi mà ủng hộ con của Hoàng tử Cảnh khi vua Gia Long băng hà; Ông tỏ ý ủng hộ các Thừa sai Châu Âu làm nghịch ý vua Minh Mạng; Lê Văn Duyệt chủ trương một kiểu “kinh tế thị trường” mới mẻ, đem lợi ích kinh tế lớn lao cho vùng Sài Gòn Chợ Lớn bằng cách mở rộng việc mua bán với Campuchia, giao thương với cả Pháp, Anh, Bồ Đào Nha; Do từ tiền triều đã được hưởng quyền “nhập triều bất bái” (vào triều không phải lạy) nên sau này ông không chịu lạy vua Minh Mạng; Lê Văn Duyệt nhiều lần vượt quyền, hoặc làm sai ý triều đình đặc biệt là sau khi vua Gia Long qua đời. Dù không ưa Lê Văn Duyệt nhưng vua Minh Mạng không dám làm gì Lê Văn Duyệt vì công lao và uy quyền quá lớn của ông với triều đình. Năm 1832, Lê văn Duyệt qua đời hưởng thọ 68 tuổi. Từ khi con nuôi ông là Lê Văn Khôi nổi loạn chiếm thành Phiên An (tức thành Gia Định) vào năm 1833, vua Minh Mạng thường ban trách Lê Văn Duyệt, dù ông đã mất.

Năm 1832, ngay sau khi Lê văn Duyệt đã mất, vua Minh Mạng liền cho quân vào chiếm lại thành Phiên An. Trong những quan lại thay thế ấy có Nguyễn Văn Quế làm tổng đốc, Bạch Xuân Nguyên làm bố chính, Nguyễn Chương Đạt làm án sát. Và vốn là người tham lam, tàn ác; nên khi đến làm bố chính ở Phiên An, Bạch Xuân Nguyên nói rằng phụng mật chỉ truy xét việc riêng của Lê Văn Duyệt, rồi đòi hỏi chứng cớ, trị tội bọn tôi tớ của ông Duyệt ngày trước (trong số đó có Lê Văn Khôi bị cầm tù). Đến đêm ngày 18 tháng 5 năm Quí Tị (1833), Khôi cùng với 27 người lính hồi lương vào dinh quan Bố, giết cả nhà Bạch Xuân Nguyên, người trực tiếp lo vụ án Lê Văn Duyệt. Nguyễn Văn Quế đem người đến cứu, chúng cũng giết nốt. Còn quan Án và quan Lãnh thì chạy thoát được. Phó lãnh binh Phiên An là Giả Tiến Chiêm đem hơn 400 lính chống lại nhưng bị thua bỏ chạy. Sau đó, Lê Văn Khôi cho mở cửa tù, thả hết phạm nhân và phát khí giới cho họ. Ông tự xưng là Đại nguyên súy, phong quan tước cho thuộc hạ, rồi cùng lập một triều đình riêng. Chiếm được thành Phiên An, Lê Văn Khôi sai Thái Công Triều đem quân đi lấy các tỉnh thành. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, sáu tỉnh Nam Kỳ đều thuộc về quân nổi dậy. Cuộc binh biến này, có thể hiểu là một cuộc đảo chính quân sự của một tầng lớp thống trị địa phương, nhằm chống lại nhà nước phong kiến triều đình đã lôi cuốn được nhiều thành phần, như: giáo dân Thiên Chúa, một số Hoa kiều, một số dân tộc ít người vùng Tây Ninh, binh lính quê ở miền Bắc, miền Trung, một số địa chủ, dòng dõi công thần và một số quan lại dưới quyền Lê Văn Duyệt...

Cha Marchand đến Việt Nam vào những năm Tả quân quận công Lê văn Duyệt và Lê văn Khôi (? – 1834) giữ trấn Gia Định. Ngài không hề can gián vào việc chính trị của triều đình, một lòng một ý chỉ biết giảng đạo và nâng đỡ đời sống đạo cho các tín hữu ở Lục tỉnh Nam Kỳ trong khi phải chứng kiến những dư luận về triều đình nhà Nguyễn. Qua lời các tín hữu họ Chợ Quán, Lê văn Khôi khám phá ra ngài đang lẩn trốn trong rừng Mặc Bắc liền cho người mời ngài về Chợ Quán, cha từ chối. Các tín hữu Chợ Quán nài xin cha hãy vào thành, mọi người nói:

- “ Nếu cha không chịu về, sợ quan giận mà chém hết bổn đạo trong thành. Ở đó, bổn đạo cũng đông lắm…”

Sau khi cha Marchand nghe các giáo hữu cho biết là trong thành có rất nhiều bổn đạo thì thấy chạnh lòng thương mà đành lòng về xứ Chợ Quán do cha Phước làm chính xứ. Cha Marchand về xứ Chợ Quán thì ở nhà thờ, nhưng rất ít khi ở nhà, cha lo đi thăm các gia đình công giáo trong thành. Tướng Khôi nhiều lần mời cha vào thành Phiên An, nhưng cha vẫn không chịu trong thành.

Khi quân triều đình bao vây thành Phiên An từ năm 1832, Lê văn Khôi cho quan đem voi ra Chợ Quán bắt ép cha Marchand phải vào thành. Cha buộc phải vào thành theo ý của Khôi. Cha Phước và nhiều tín hữu Chợ Quán cũng theo vào với cha. Trong thành, tướng Khôi xử đãi cha khá rộng rãi, có nhà riêng để dâng lễ hàng ngày, các tín hữu được tụ họp đọc kinh, xem lễ, nghe giảng và lãnh các bí tích. Cha Marchand xử thế lịch sự và thẳng thắn với tướng Khôi, với những người thân trong gia đình Khôi cùng các tướng trong thành nên được mọi ngưòi rất kính trọng. Nhiều lần, tướng Khôi cho cha biết ý muốn được cha tiếp sức để chống lại quân triều đình, nhưng trước sau cha chỉ nói:

- “Tôi chỉ biết việc đạo, còn việc binh lính thì tôi không hề biết.

Một hôm, cha được tướng Khôi mời vào dinh nguyên soái. Tướng Khôi cho cha xem một xấp thư kêu gọi dân chúng và tín hữu nổi đạy chống nhà vua, ông xin cha ký tên. Cha Marchand hiểu đã đến lúc tỏ rõ lập trường của mình, liền đứng dậy cầm xấp thư ném tất cả vào lửa. Thấy vậy, tướng Khôi biết không thể làm gì được cha.

Từ triều đình, vua Minh Mạng liền cử Tống Phúc Lương, Nguyễn Xuân, Phan Văn Thúy, Trương Minh Giảng và Trần Văn Năng đem thủy bộ binh tượng vào đánh Lê Văn Khôi. Địa chủ, phú hào các nơi dao động, không dám ủng hộ ông nữa. Tiếp đó, một tướng giỏi của ông là Thái Công Triều (quê Thừa Thiên, nguyên là vệ úy coi vệ biền binh ở Phiên An và là người được Khôi giao quản lĩnh phân nửa Nam Kỳ) cũng bất ngờ đầu hàng triều đình, khiến lực lượng nổi dậy suy yếu nhanh chóng. Nhân cơ hội này, các tướng nhà Nguyễn nhanh chóng thu phục lại các tỉnh đã mất. Lê Văn Khôi phải rút vào thành Phiên An cố thủ. Ông cầu viện Xiêm. Vua Xiêm nhân muốn lấn đất Đại Nam nên điều quân sang giúp.

Đầu năm 1834, Lê Văn Khôi bị bệnh phù thũng, chết ở trong thành, không rõ bao nhiêu tuổi. Con trai ông là Lê Văn Cù mới 7 tuổi được cử lên thay. Tướng Nguyễn Văn Trắm (em họ ông) đứng ra chỉ huy quân trong thành. Quân triều đình chia làm 8 mũi, tấn công ồ ạt vào 8 cửa thành Phiên An. Thành Phiên An cố thủ được tới ngày mồng 8 tháng 9 năm 1835 thì quân nổi dậy chống cự không nổi. Thành Phiên An thất thủ, 1.831 người gồm cả già trẻ, gái trai đều bị chém chết, số người Hoa bị bắt tại chỗ hơn 800 người chôn chung một chỗ. Khi quân triều đình chiếm thành Phiên An, sáu người bị bắt giữ ngay tức khắc và bị kết tội tham gia chống triều đình đem về Huế xử, trong đó có tướng Nguyễn Văn Trắm, một người con của Lê Văn Khôi (7 tuổi) hai thủ lãnh gốc Hoa tên Mạch Tấn Giai (người Tiều), Lưu Hằng Tín (người Quảng) và cha Phước bị kết án xử trảm (lăng trì). Riêng cha Joseph Marchand bị xử bá đao.

Bị dẫn về Huế trong chiếc cũi nhỏ dài một mét (1m), rộng bảy tấc (0,7m) và cao tám tấc (0,8m) đi suốt chặng đường 1121 dặm trong thời gian hơn một tháng. Đến Huế bị giam ngục, bị tra hỏi và bị tra tấn bằng kìm thép nung đỏ. Tất cả những giam cầm, bắt bớ, đánh đập không thể làm ngài thú tội đã giúp quân phiến loạn và cũng không tìm được chứng cớ đáng tin cậy để kết án ngài, các quan tòa truyền ngài phải chối đạo và quá khóa. Ngài từ chối trong lời khẳng định:

- “Tôi chỉ lo cầu nguyện cùng Chúa và làm lễ thôi.

Tin về thành Phiên An bị thất thủ, gần hai nghìn người trong thành bị giết chết, chôn tập thể ngay trong thành và chôn rải rác từ thành ra Chợ Lớn đã khiến người dân vô cùng sợ hãi. Khắp nơi tin về cha Marchand và cha Phước bị bắt giam trong ngục Võ Lâm gần toà Tam Pháp ở Huế đã lan đi nhanh chóng. Không một tín hữu nào dám liều mình xin quan giảm nhẹ hình phạt tra tấn, mọi người chỉ biết cầu nguyện cho hai cha. Càng lúc việc truy lùng bắt đạo càng gắt gao. Tại Huế, lang y Simon Phan Đắc Hòa là một người rất có thế giá nhưng cũng không thể giúp được gì cho cha Marchand và cha Phước. Bầu khí ảm đạm của cái chết tang thương gần kề với hai vị chứng nhân Tin Mừng bao trùm Giáo Hội Việt Nam. Những cuộc tra vấn và cực hình kìm kẹp được công khai cho bàn dân thiên hạ thấy: họ cho nung đỏ kìm sắt và cho kẹp hai lần vào hai đùi cha, rồi giữ nguyên cho tới khi kìm nguội. Mỗi lần như vậy, mùi thịt cháy xông lên khét lẹt, chính quân lính cũng phải quay mặt đi. Hai lần cha ngất xỉu, nhưng khi tỉnh lại trả lời quan, cha vẫn giữ nguyên lời khai cũ. Họ đành nhốt cha vào cũi rồi đưa về ngục. Tiếng khóc nghẹn đi, những giọt nước mắt cố nén lại của các giáo dân và các nữ tu cải trang làm dân thường vào xem quan tra vấn cha Marchand càng làm cho lời cầu nguyện tha thiết hơn.

Trong lần đối chất của ngày hôm sau, để tạo chứng gian buộc tội cha Marchand, các quan dỗ ngon ngọt với con trai Lê văn Khôi, hứa trả tự do cho cậu nếu khai rằng “Tây dương đạo trưởng giúp cha em khởi nghĩa”. Nhưng cậu bé bảy tuổi ấy không biết nói dối, cậu nói:

- “Cha Du hoàn toàn vô can dầu cho cha tôi có hứa với cha nhiều lần.”

Cuối cùng, các quan đành chuyển qua “tội giảng đạo”. Họ nhắc đến chiếu chỉ nhà vua, và hứa ân xá nếu cha bước qua Thánh Giá. Cha Marchand cám ơn quan và tuyên bố sẵn sàng chịu cực hình chứ không thể chối Chúa. Quan lại cho tiếp tục nhốt cha trong cũi. Sáu tuần lễ ở Kinh đô đã trôi qua như thế. Các tín hữu ghé vào thăm và tiếp tế cho cha đều thuật lại rằng:

- “Cha Du vẫn luôn vui vẻ và thường cầm cuốn sách nhỏ để đọc đêm ngày.”

Thừa lệnh vua Minh Mạng, bản án cuối cùng được viết như sau:

Tây dương Ma Sang kêu danh là Du, Gia Tô đạo trưởng, phò nguỵ Khôi, nhận tội có viết thư xin Hồng Mao (nước Anh) và Xiêm La (Thái Lan) sang giúp nguỵ thần. Lệnh xử bá đao”.

Sáng sớm ngày 30.11.1835, bảy phát súng thần công nổ vang kêu mọi người đến tham dự cuộc xử án. Cha Marchand và bốn tử tù (một người đã chết trong ngục) chỉ được đóng khố, bị dẫn đến cửa Ngọ Môn trình diện và phục lạy vua năm lạy. Vua Minh Mạng tỏ vẻ giận dữ ném chiếc cờ hiệu xuống đất. Đó là dấu không ân xá lần cuối, năm tội nhân được đưa ra pháp trường. Riêng cha Marchand, theo mật lệnh, được đưa vào tòa Tam Pháp tra khảo một lần nữa. Đọc nội dung cuộc tra khảo này, chúng ta thấy quan quân không đả động gì đến lý do chính trị cả!

Năm người lính cầm năm kìm nung đỏ kẹp vào bắp vế cha. phía sau là năm người lính khác cầm roi để năm lý hình không được phép nương tay. Ba lần kìm kẹp, thân thể cha Du có đủ 15 vết bỏng. Song song với cuộc tra tấn là mẫu đối thoại sau:

- Tại sao Gia Tô móc mắt mấy người gần chết?
- Không có, không bao giờ tôi thấy điều đó.
- Tại sao mấy người kết hôn lại phải đến các thày đạo trước bàn thờ?
- Họ đến để thày cả chúc phúc và chứng nhận trước mặt các tín hữu ở đó.
- Khi làm yến tiệc trong nhà thờ, bay làm những sự quái gở lắm phải không?
- Không, chẳng có những điều quái gở.
- Vậy sao có thứ bánh dùng làm bùa mê thuốc lú để phát cho những đứa đã xưng tội mà làm nó mê đạo đến thế?

Cha Marchand kiệt sức không thể trả lời được nữa, ngài lặng yên cầu nguyện với Chúa.

Sau đó, lính đưa các tử tội đến pháp trường tại họ Thợ Đúc bên sông Hương, cách Kinh thành ba dặm đường. Năm cây cọc đã cắm sẵn. Lính trói năm tử tội, cha Marchand bị trói vào cây cọc thứ hai. Ngài bị án “Phản loạn” và sẽ chết giữa những người phản loạn. Dân chúng bị đuổi lùi ra xa 30 thước. Cứ mỗi tử tội lại có ba lý hình, một cầm kìm, một cầm đao, còn một lo đếm số cho đủ 100 lát cắt. Trước đó, lính đã nhét vào miệng tội nhân và cột chặt, để không ai có thể kêu la được nữa. Sau một hồi trống, lý hình cắt lớp da trên trán cha Marchand lật xuống che mặt, rồi cắt từng mảnh hai bên ngực, sau lưng, tay chân. Quá đau đớn, vị chứng nhân giẫy giụa, quằn quại, ngước mắt lên trời cao rồi gục đầu xuống nhắm mắt lìa đời. Ngài chịu chết cách anh dũng.

Sau khi cha Joseph Marchand chết, quân lính cắt đầu của ngài, cởi dây, bổ thân mình làm bốn, đưa ra ngoài biển khơi rồi ném xuống biển chung với bốn tử tội kia. Còn thủ cấp cha, được đưa đi bêu ở nhiều nơi, rồi được trả về kinh đô, bị bỏ vào cối giã nát thành bột và bị rải xuống biển.

Trong những lá thư của cha Delamotte và cha Marette gửi cho Hội Thừa Sai Paris (MEP) vào ngày 29.1.1836 và ngày 21.2.1836 đã thuật lại diễn biến bị bắt, các lời khai và cuộc tử đạo của cha Joseph Marchand. Có thể căn cứ vào những lời nói cuối cùng của một người sắp chết mà biết được người đó như thế nào, bởi vì trước khi chết, người ta chỉ nói những gì mình tha thiết nhất, những gì xuất phát từ tận đáy lòng. Giáo Hội đã rất thận trọng khi nghiên cứu hồ sơ cha Joseph Marchand, căn cứ vào các buổi tra khảo, nhất là cuộc thẩm vấn cuối cùng, Giáo Hội khẳng định ngài đã hiến mạng sống vì đức tin.

THEO TIẾNG YÊU THƯƠNG

Ngay khi tôi ở ga Hà Nội về đến nhà, tôi tìm sách đọc hạnh thánh Joseph Marchand. Tiếng nấc nghẹn trong họng, sống mũi cay và những giọt nước mắt trào ra lúc nào không biết. Tôi đã dâng lời cầu nguyện xin ngài tha thứ vì tôi ở bên ngài, bên dòng sông Hương quá ít thời gian, tôi thấy buồn và thương ngài vô cùng, tôi xin phép thân thưa với ngài, gọi ngài yêu thương là “cha Marchand”.

Nhiều ngày sau, tôi cố viết lại cảm xúc khi đến Huế, cảm xúc về sự níu lại vô hình lúc đứng nhìn dòng sông Hương nhưng không thể vì quá xúc động, mỗi lần định viết là tôi lại khóc, tôi khóc rất nhiều. Gần hai năm qua những xúc động trong lòng tôi đã dần bớt cảm thấy đau thương cho tới ngày lễ thánh Simon Phan Đắc Hoà 12.12.2008, tôi nhớ về cha Marchand, cảm xúc thương cha trở về, tôi đã khóc. Lần này, tôi khấn xin cha Marchand phù giúp tôi viết bài viết về ngài. Đêm hôm sau, sau khi đọc hạnh thánh cha Marchand trong Uống Nước Nhớ Nguồn, tôi có thắc mắc là muốn được biết về cuộc hành hình xử bá đao ngài như thế nào, nếu chỉ đọc các điều tả lại trong sách thì tôi vẫn chưa thể hình dung ra hết được.

Có lời khuyên đến với tôi trong tâm trí đó là: “Hãy tìm điều gì đó về cha Marchand trong sách Lịch sử Giáo Hội Công giáo của Linh mục Bùi Đức Sinh (OP)”. Tôi vội cầm cuốn sách và đặt trên giường, hai bàn tay mở khoảng giữa sách, thật kỳ diệu, tôi thấy bức tranh vẽ về cuộc xử bá đao cha Marchand trang 391, tôi thầm gọi cha Marchand, dâng lời tạ ơn ngài vì ngài đã cho tôi biết việc ngài bị xử bá đao như thế nào. Tôi dùng máy ảnh chụp lại bức ảnh trong sách lúc đó là 0h33’ ngày 13.12.2008. Đêm đó, tôi đã thức khuya hơn với những thắc mắc xuất hiện dồn dập trong đầu mình. Những ngày tiếp theo tôi dành nhiều thời gian tìm nhiều tài liệu về lịch sử triều Nguyễn, Tây Sơn, tìm đọc các tài liệu về Đức Cha Pigneaux de Behaine, Đức Cha Jean Louis Tabert và các cha thừa sai cùng thời với cha Marchand. Thật bất ngờ, khi tôi hiểu và cảm thấy hổ thẹn về lịch sử nước nhà vì trước đây mình được biết sử “lơ mơ” quá!

Những câu hỏi được đặt ra và tôi nhận được những thông điệp trả lời: Vì sao cha Marchand lại vào thành Phiên An? Vì sao cha Marchand chỉ nói được mỗi câu “Tôi chỉ biết lo mỗi việc giảng đạo”? Tướng Lê văn Khôi là ai? Lê văn Duyệt là người như thế nào? Nguyễn Ánh và Đức Cha gặp nhau trong hoàn cảnh nào? Có phải Hoảng tử Cảnh là “con tin”? Việc Nguyễn Ánh nhận Minh Mạng làm con nuôi là có ý gì? Nguyễn Ánh và Minh Mạng có hình thức trả thù, xử tội như thế nào? Vì sao tài liệu sử lại ghi Đông Cung chết do bệnh dịch đậu mùa? Đông Cung có thể đã đoán trước cái chết của mình; Vụ án về cái chết của Tống thị Quyên, vợ của Đông Cung; Tương lai của Hoảng tử Cảnh là tương lai của đất nước.

Tôi lấy làm ngượng khi tài liệu sử nước nhà ghi Hoàng tử Cảnh là “con tin” cho tới giờ vẫn chưa được sửa (?!). Hiểu lịch sử phải hiểu sự thật về lịch sử chứ không phải chỉ hiểu một nửa sự thật lịch sử. Khi bắt đầu đọc hạnh thánh cha Joseph Marchand, tôi đồng thời tìm hiểu kỹ hơn về các nhân vật lịch sử triều Nguyễn, tôi muốn chia sẻ về một tân tòng tự nguyện theo Chúa vì đã được Chúa mạc khải cho thấy Ngài, thấy tình yêu của Chúa và sống trong tình Chúa, người tân tòng ấy là Hoàng tử Cảnh, vị vua tương lai vương triều nhà Nguyễn.

Trước khi Hoàng tử Cảnh ra đời năm năm, xứ An Nam đang có nội chiến, xâu xé nhau giữa nhà Nguyễn đương vị và quân khởi nghĩa Tây Sơn (“Những người miền núi phía Tây”). Cuộc nổi dậy xuất phát từ Qui-Nhơn, phía nam xứ Huế. Vào cuối năm 1775, quân Tây Sơn bắt giữ toàn thể hoàng gia ở vùng Long-Xuyên, và xử tử nhà Vua và đứa con của nhà vua. Là người đại diện duy nhất của nhà Nguyễn, chàng trẻ tuổi Nguyễn Ánh, Hoàng đế Gia Long tương lai, lúc đó 16 tuổi, trốn thoát được nhờ sự giúp đỡ của Giám Mục Pigneaux de Behaine. Người công giáo nhìn thấy trong chàng trai này một vi tân “Mai-Sen được cứu khỏi nước”.

Tạm thời, nhà Tây Sơn cho rằng cuộc chinh phục Nam kỳ đã thành công, nên xuất quân ra Qui Nhơn để chuẩn bị đánh Bắc Hà. Nguyễn Ánh qui tụ phe của ông và nhóm Trung Hoa của quan đầu tỉnh Hà Tiên, và cố tái chiếm vùng đất đồng bằng sông Cửu Long. Sài gòn được chiếm lại vào năm 1776. Ở phía Bắc, cùng năm đó, Thăng Long rơi vào tay nhà Tây Sơn, và toàn vùng bị rơi vào nạn đói kinh khủng. Vào giữa năm 1778, hải tặc Kampuchia xâm chiếm khu đạo ở Hà Tiên, càn giết những người công giáo, gây ra nhiều tử vong cho những nhà truyền giáo. Pigneaux và những chủng sinh trốn ở Tân- triệu, gần Sài gòn.

Nguyễn Ánh ở gần đó nên thường thăm viếng Đức cha Behaine. Từ lúc đó, nảy sinh ra một tình bạn khắng khít giữa hoàng thân và giám mục. Yên ổn được 3 năm, quân Tây Sơn trở lại miền Nam vào năm 1782, đóng quân trước cửa thành Sài Gòn và chiếm được thành. Hơn 10,000 (mười ngàn) người Trung Hoa ở Chợ Lớn bị sát hại bởi phe chiến thắng. Đức cha Behaine bắt buộc phải bỏ trốn cùng với các chủng sinh và một số người công giáo, trước tiên là đến Campuchia, rồi đến những hòn đảo thuộc vịnh Xiêm La. Trên đảo Poulo Vai, Đức cha viết ra quyển giáo lý bằng tiếng Nam Kỳ, trong khi chờ đợi hết mùa mưa. Vào tháng giêng năm 1784, Đức cha Behaine gặp Nguyễn Ánh, cũng trốn tránh như ông và đang ở trong bước đường cùng. Đức cha chia sẻ với Nguyễn Ánh và quân lính đang đói khát những lương thực cuối cùng, nhờ vậy cứu được họ. Đức cha cùng với họ đi đến đảo Poulo Condore. Quân Tây Sơn rượt đuổi cả Giám Mục. Nguyễn Ánh chỉ còn 1000 quân. Họ đành trốn trở lại Phú Quốc. Làm sao quật lại thế cờ? Cầu viện với người Xiêm? Làm như vậy sẽ có nguy cơ mất các tỉnh. Dù vậy họ cũng đành phải cầu viện. Kết quả là một thất bại nặng nề. Nguyễn Ánh xác tín rằng vì quân Tây Sơn quá hùng mạnh, nên không một quốc gia Châu Á nào có thể đơn phương đẩy lùi họ được. Người Bồ đào nha, người Hoà Lan, và người Anh, đồng tình sẵn sàng tiếp viện. Vì không muốn sự nhập cuộc của người Tin lành với nước Anh, hoặc người đạo Calvin với người Hoà Lan, cũng như không muốn những khó khăn trước kia với người Bồ Đào Nha tái xuất hiện, Pigneaux đề nghị với Nguyễn Ánh cầu viện nước Pháp. Nguyễn Ánh cuối cùng chấp nhận đề nghị nầy. Đức cha Behaine được cử đi Versailles.

Đức cha rời đảo Poulo-Panjang, cùng với con của Nguyễn Ánh là Hoàng Tử Cảnh, 4 tuổi, và người bạn thâm giao Nam Kỳ, linh mục Paul Nghi, và 2 quan lại, cùng với 40 người lính. Họ đến Pondichéry vào năm 1785. Nhưng tại đây, trong khi những thương gia tán thành ý kiến của giám mục, thì chính quyền địa phương và vị chỉ huy căn cứ Hải quân lại cho rằng kế hoạch này sẽ không mang lại lợi ích nào. Đức cha bắt đầu đặt nghi vấn về kế hoạch của mình liền gửi thư cho Hội Truyền giáo Paris để báo tin ông sẽ quay trở lại Nam kỳ. Cuối cùng mọi chuyện được sắp xếp ổn thoả, và tàu có thể rời bến đi Pháp. Đến Lorient ngày 5 tháng 2 năm 1787. Triều đình đánh giá cao phẩm chất và sự chính xác của bài tường trình. Tướng Montmorin và tướng De Castries, Tổng thư ký các Bộ Ngoại giao và Bộ Hải Quân, đều tán thành đề án của Giám Mục và hứa sẽ giải quyết thuận lợi cho Giám mục. Trong khi chờ đợi, nét uy nghi của Đức cha Behaine và tính cách ngoại lai của hoàng tử được triều đình yêu thích. Hoàng tử Cảnh chơi đùa với các con của vua Louis XVI là Marie Therese, Louis Joseph Xavie Francois, Louis Charles và Sophie Helene.

Ngày 5.5.1787 Đức cha Behaine và Hoàng tử Cảnh vào triều kiến ở Versailles. Hoàng tử Cảnh khôi ngô, rất được chú ý. Đức cha mời Léonard (người hầu chải đầu cho Hoàng Hậu Marie Antoinette) sửa tóc cho Hoàng tử, bỏ khăn nhiễu thay bằng khăn lĩnh (satin) đỏ thắt múi (noeud), do Léonard vẽ kiểu. Lại may cho Hoàng tử một bộ y phục kiểu Pháp pha Á đông, bỏ áo dài, quần lụa, và xin họa sĩ vẽ.

Prince_Canh_portrait_MEP.jpg

Chân dung Hoàng tử Cảnh

Hoạ sĩ Maupérin vẽ chân dung Hoàng tử Cảnh mặc áo đỏ, đi hia đỏ, tay phải đặt lên một cái mũ, đầu quấn khăn Léonard. Bức tranh này được trưng bầy ở Académie Royale de Peinture et Sculpture (Hàn lâm viện Hội họa và Điêu khắc) năm 1791, sau do Hội Thừa Sai Hải Ngoại ở Paris giữ. Dân Pháp nồng nhiệt đón chào, nhiều người làm thơ về Đức cha Behaine và Hoàng tử Cảnh... Xin trích mấy câu trong bài thơ được đọc giữa bữa tiệc ở Versailles, đăng trên một tờ báo ở Paris:

(...) Ta hãy bắt đầu bằng hài đồng nổi tiếng
Mà số phận đáng cho ta lưu ý:
Sinh ra để đội mũ miện
Nay lại ngồi chung với chúng ta.
Hoàng tử bé bỏng ơi, hãy vui lên
Một ngày kia Hoàng tử sẽ lên ngôi,
Pigneaux rất thương yêu Hoàng tử.

Hoàng tử Cảnh được đón sang Pháp mà không phải bị bắt làm “con tin”. Nếu Thên Chúa không để cho có cuộc gặp gỡ của Nguyễn Anh với Đức cha Behaine thì triều Nguyễn sẽ thế nào? Chính Giám mục Pigneaux là người đầu tiên đem quân đội Pháp đến Việt Nam theo sự cầu viện của Nguyễn Ánh, để giành lại ngôi vua từ trong tay nhà Tây Sơn; Nếu Đức cha không chọn việc đưa Hoàng tử Cảnh đi nơi khác với hy vọng cứu Hoàng tử Cảnh, cứu một đất nước, cứu lấy vị vua tương lai. Bức chân dung Hoàng tử Cảnh năm 1787, khi đó ngài lên 7 tuổi, ánh mắt sáng ngời tinh anh, vẫn nước da vẫn ngăm ngăm, trán hơi dô, hai má hồng xinh, nụ cười ẩn nơi đôi môi đỏ mọng cho thấy ngài được chăm sóc và nuôi dưỡng rất tốt. Đức cha Behaine đã luôn để mắt dõi theo Hoàng tử Cảnh từng li từng tí, yêu thương và dạy dỗ. Trong năm năm sống ở Pháp, tuổi thơ của Hoàng tử Cảnh gắn bó nơi đây, từng nhịp chân chạy nhảy trong vườn thượng uyển cùng các hoàng tử và công chúa của vua Louis XVI. Những đêm hoà nhạc với tiệc tùng trong cung điện. Hoàng tử Cảnh được chơi đùa nô nghịch như bao đứa trẻ khác. Và hẳn là có những lúc các hoàng tử và công chúa bị vua cha phạt và Hoàng hậu là người “bảo lãnh”…

Hoàng tử Cảnh đến nước Pháp,

- Sống 5 năm trong thời gian nước Pháp và các nước lân cận đang có các nghiên cứu khoa học, những phát minh của các nhà bác học nổi tiếng thế giới như Edward Jenner (1749-1823); Jean Baptiste de Lamarck (1744-1829); Joseph Priestlay (1783-1804)…

- Được nghe hoà nhạc những bản giao hưởng, thính phòng, opera của các thiên tài như Johann Sebastian Bach (1685-1750) Johann Chrysostom Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791), của Ludwig Van Beethoven (1770-1827)…

- Được học hành và vui chơi cùng với các con của vua Louis XVI.

- Được Đức cha Behaine cho đi tham dự lễ tại các nhà thờ, đi tham quan các tu viện, các lâu đài, các phố phường với những ngôi nhà kiến trúc cổ và Đức cha cũng sẽ đưa ngài tới thăm những khu phố nghèo, những người khốn khổ…

- Được đón mừng Chúa Giáng Sinh trong năm năm, niềm vui và bình an, tiếng cười và quà mừng… tất cả đều xuất phát từ tình yêu trong tình người, tình Chúa.

- Chỉ 5 năm nhưng ngài đã bắt đầu cảm nhận kinh nghiệm về Thiên Chúa, sự hiện diện của Thiên Chúa qua những con người tốt bụng luôn đối xử rất tốt với ngài.

- Ở tại đó 5 năm và ngài ước nguyện nước An Nam sẽ sớm có được sự văn minh của nền văn minh các nước phương Tây.

Khi trở về nước, điều ngài khao khát đó là mong được chịu phép Rửa tội. Sự chờ đợi trong vô vọng vì biết mình không được phép lạnh nhận Bí tích Rửa tội đã làm ngài rất buồn, càng đau khổ hơn khi Đức cha Behaine qua đời, người cha linh hướng không còn ở bên ngài nữa. Hoàng tử Cảnh đã không thể sống tiếp và không lâu sau đó ngài ra đi. Trước khi chết, Hoàng tử Cảnh đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội sau cùng nhưng không có gì là muộn đối với Chúa.

Tôi chưa được biết, hơn hai trăm năm qua có lẽ đã từng có linh mục dâng lễ cầu cho linh hồn Hoàng tử Cảnh, vợ và các con cháu của ngài. Nhưng tôi nghĩ, sẽ là chưa muộn, tôi sẽ dâng lời cầu nguyện cho ngài trong đêm Giáng Sinh 2008 trong bình an và vui tươi. Tôi thầm tạ ơn Chúa và cha thánh Marchand về tất cả những chia sẻ trong bài viết của mình vì đó là ơn của Thánh Thần Chúa.

Têrêsa Avila Thùy Chi

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 19.12.2008. 13:11