Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Caritas Việt Nam: Báo cáo hoạt động giúp người khuyết tật Tại Hội nghị CBR của Caritas Asia ở Cambodia

§ Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

BÁO CÁO CỦA UBBAXH-CARITAS VIỆT NAM
VỀ CÁC HOẠT ĐỘNG TRỢ GIÚP NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Tại Hội nghị CBR của Caritas Asia ở Cambodia
(từ ngày 20-22 tháng 01-2010, tại Phnom Penh)

Các bạn tham dự thân mến,

Uỷ ban Bác ái Xã hội-Caritas Việt Nam xin gửi lời chào mừng nồng nhiệt đến Đức cha Kike Figaredo, Chủ tịch Caritas Cambodia; Đức cha Yvon Ambroise, Chủ tịch Caritas Châu Á; Ông Kim Rattana, Giám đốc điều hành Caritas Cambodia, Ban Tổ chức Hội nghị và tất cả các tham dự viên. Cầu chúc tất cả các bạn an mạnh, tràn đầy tình yêu và ân sủng của Chúa để phục vụ hiệu quả những người khuyết tật theo gương Chúa Giêsu. Cầu chúc hội nghị thành công tốt đẹp.

Caritas VN xin được gửi bản báo cáo tóm tắt này để cùng hiệp thông với tất cả các bạn trong hệ thống Caritas Internationalis lo cho những người khuyết tật ở châu Á.

1. TÌNH TRẠNG NGƯỜI KHUYẾT TẬT Ở VIỆT NAM

1.1. Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh Xã hội, số người khuyết tật (NKT) ở VN hiện nay khoảng 5,4 triệu người trên tổng số 86 triệu dân (chiếm 6,34% dân số), trong đó từ 16-55 tuổi chiếm 60%, trên 55 tuổi chiếm 24%, dưới 16 tuổi chiếm 16%.

Về dạng tật: khuyết tật vận động chiếm 29,41%; tâm thần 16,82%; thị giác 13,84%; thính giác 9,33%; ngôn ngữ 7,08%; trí tuệ 6,52%; và các dạng tật khác chiếm 17%.

Về nguyên nhân khuyết tật: 35,8% do bẩm sinh; 32,34% do bệnh tật; 25,56% do hậu quả chiến tranh và 3,4% do tai nạn lao động; các nguyên nhân khác chiếm khoảng 1,57%. Nguyên nhân do hậu quả chiến tranh khá cao, không chỉ các thế hệ hiện nay mà các thế hệ mai sau, nhất là nạn nhân chất độc màu da cam (dioxin) được sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Về trình độ văn hoá: khoảng 35,83% người khuyết tật không biết chữ; 12,58% biết đọc, biết viết; 20,74% có trình độ THCS; 24,13% có trình độ THPT. Hầu hết người khuyết tật chưa qua dạy nghề (97,64%). Có khoảng 58% người khuyết tật tham gia làm việc; 30% chưa có việc làm.

Về hoàn cảnh, môi trường sống: 70-80% ở thành thị và 65-70% ở nông thôn số người khuyết tật sống dựa vào gia đình, người thân và trợ cấp xã hội; khoảng 25-35% số người khuyết tật có việc làm và thu nhập cho bản thân và gia đình.

Đa số người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn; cần sự giúp đỡ của Nhà Nước và cộng đồng xã hội.

(x. www.drdvietnam.com, Bùi Đức Hiền, Một số kết quả sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh về người tàn tật, DRDIT, 12-8-2009).

1.2. Số NKT đang tăng nhanh do tình trạng tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Số trẻ em bị thiểu năng về tinh thần cũng tăng do có khoảng 20 triệu người uống rượu, 16 triệu người hút thuốc lá, do tình trạng căng thẳng trong đời sống, tình trạng ô nhiễm và chất độc trong thực phẩm, do lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón, do cả lạm dụng thuốc ngừa thai… Hiện nay tỷ lệ trẻ tự kỷ là 1/150 trẻ (ThS. Quách Thuý Minh, Trưởng Khoa tâm bệnh - Bệnh viện Nhi TƯ cho biết: tỷ lệ mắc từ 4/10.000 trẻ trong những năm 80 của thế kỷ trước, hiện nay 1/150 trẻ. Trẻ nam mắc nhiều hơn trẻ nữ, trẻ em thành phố có số lượng mắc gấp đôi so với trẻ em nông thôn. (x. www.Giadinh.net, Bảo Yên, Số trẻ có dấu hiệu tự kỷ được phát hiện ngày một gia tăng, 6-11-2009).

1.3. Phần lớn người tàn tật sống cùng với gia đình, chiếm tỉ lệ: 95,85%; Số người tàn tật sống độc thân chiếm 3,31%; Tỉ lệ người tàn tật sống trong trại bảo trợ xã hội của nhà nước là 0,22% (tập trung chính ở hai nhóm tuổi: 15-55 chiếm 54,17% và nhóm tuổi dưới 15 chiếm 28,85%); Người tàn tật sống lang thang là 0,62%.

(x. Trang tin điện tử Truyền thông Giáo dục Sức khoẻ (www.t5g.org.vn), Trà Giang, Người khuyết tật Việt Nam - cần hơn nữa những sẻ chia, 14-1-2010).

1.4. Trong tầm nhìn của Caritas VN: NKT không phải chỉ là những người không có hay yếu kém về khả năng nhận thức mà cả những người không có hay yếu kém về khả năng ứng phó với hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống. Nếu như thế thì phải kể đến nhiều dạng khuyết tật mới: một số người đồng tính luôn mặc cảm về giới tính của mình, một số bà mẹ mặc cảm sau khi phá thai (VN có 2 triệu cas phá thai/năm) hay một số người tự tử không thành, những người nghiện ma tuý mang mặc cảm không thể bỏ nghiện được, những người nghiện games online, nghiện phim ảnh đồi truỵ… Caritas VN muốn quan tâm đến tất cả những NKT về tinh thần này.

2. GIẢI PHÁP CỦA NHÀ NƯỚC VÀ CỘNG ĐỒNG XÃ HỘI

2.1. Nhà Nước Việt Nam đang mời gọi nhiều tổ chức và viện nghiên cứu của các đại học tham gia vào chương trình “Đổi mới cách nghĩ và cách sống của người VN”.

2.2. Nhà Nước mở các hội để trợ giúp những NKT như hội Người Mù, hội Người Câm Điếc tại hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Một số tỉnh thành đã lập các cơ sở như trường học, lớp dạy nghề, nhà mở cho những NKT. Tuy nhiên, tại các cơ sở phục vụ NKT, người ta chỉ chú tâm đến việc nuôi dưỡng, cung cấp chỗ ở, dạy nghề hơn là quan tâm đến việc giúp cho họ ổn định tâm lý, loại bỏ mặc cảm thua thiệt, đào tạo một tinh thần cởi mở, một ý chí mạnh mẽ và niềm vui sống.

2.3. Nhiều tôn giáo, đặc biệt là Thiên Chúa giáo và Phật giáo, cũng đã mở khá nhiều những cơ sở giúp đỡ NKT. Trong thống kê của Giáo hội VN năm 2009: Giáo hội Công giáo VN có mặt hay phục vụ tại 115 cơ sở khuyết tật, cô nhi viện, viện dưỡng lão và 23 cơ sở giúp đỡ người bệnh tâm thần, nghiện ma tuý hay nhiễm HIV.

Các cơ sở của tôn giáo thường nhỏ, ít điều kiện như dạy nghề. Những NKT được yêu thương, chăm sóc cẩn thận hơn, nhưng việc cung cấp nơi ăn chốn ở đã là một mối bận tâm lớn vì thiếu nguồn lực nên NKT ít được quan tâm về mặt tinh thần. Nhiều người coi sóc NKT chưa được đào tạo về chuyên môn.

2.4. UBBAXH-Caritas VN cũng có một số hoạt động để trợ giúp NKT bằng cách mở các khoá đào tạo cho những người đang hoạt động trong các trường dạy NKT. Từ năm 2004 đến nay, Uỷ Ban đã mở 11 khoá đào tạo cho các dạng tật: khiếm thính, khiếm thị, chậm phát triển trí tuệ và tự kỷ tại TP.HCM và Hà Nội cho 1.267 tham dự viên. Tuy nhiên, những hoạt động này không thấm vào đâu so với số NKT trong cả nước.

3. CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA UBBAXH-CARITAS VN PHỤC VỤ NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRONG NĂM 2010

3.1. UBBAXH-Caritas VN lập ra một ban chuyên môn phụ trách NKT gồm 1 nữ tu (Hoàng Thị Thiên Thu), một nhóm bác sĩ (Bs. Lan Hải, Bs. Luật) và một số nữ tu có chuyên môn thuộc dòng Thánh Phaolô. Ban này có nhiệm vụ giúp các Caritas Giáo phận lập danh sách các cơ sở khuyết tật, nghiên cứu tình trạng sống và làm việc của NKT, các yêu cầu trợ giúp của NKT trong giáo phận, tổ chức các khoá đào tạo nhân sự, tổ chức các buổi gặp gỡ, nói chuyện về NKT trong cộng đồng dân chúng.

3.2. UBBAXH-Caritas VN sẽ tiếp tục đào tạo nhân sự cho các Caritas giáo phận và giáo xứ ở VN để giúp đỡ những NKT qua các khoá học về chuyên môn.

3.3. UBBAXH-Caritas VN nhận định trong điều kiện hiện nay (thiếu nguồn lực tài chính và nhân sự), chương trình phục hồi NKT dựa vào cộng đồng (Community Based Rehabilitation) có nhiều ưu điểm và có thể thực hiện trong nhiều địa phương.

3.4. Để giảm bớt số trẻ khuyết tật do hậu quả phá thai, tự tử, nghiện rượu, nghiện thuốc lá, căng thẳng trong đời sống, bạo hành trong gia đình, UBBAXH-Caritas VN hiện đang thực hiện chương trình xây dựng nền nhân bản toàn diện và liên đới. Uỷ Ban đang xây dựng chương trình đào tạo nhân sự, đào tạo 16 giá trị sống và kỹ năng cần thiết cho việc xây dựng nền nhân bản và đã đào tạo 3 giá trị đầu tiên là Bác ái, Tôn trọng và Hợp tác cho 25/26 giáo phận ở VN. Uỷ Ban ước mong các dòng tu, các hội đoàn có thể sử dụng các bài học về giá trị và kỹ năng sống này để đào tạo nhân bản cho các thành viên trong cộng đồng của mình.

4. MỤC TIÊU CỤ THỂ

4.1. Dự án “Hỗ trợ Người Khuyết tật”: trợ giúp học phí cho 500 em học sinh khuyết tật, trợ giúp phương tiện sinh hoạt (xe lăn, máy trợ thính), mở các khoá đào tạo người phụ trách khuyết tật tại văn phòng Caritas Giáo phận, huấn luyện các thành viên trong gia đình NKT biết các chăm sóc NKT. Tổng trị giá dự án: 550.000.000 VND.

4.2. Tổ chức khoá đào tạo cho Caritas Giáo phận về CBR vào tháng 4-2010. Khoảng 60 người đến từ 26 giáo phận và các cơ sở NKT. Tổng trị giá dự án: 80.000.000 VND.

4.3. In cẩm nang về chăm sóc NKT tại gia đình (10.000 cuốn). Tổng trị giá dự án: 100.000.000 VND.

4.4. Có chương trình hướng dẫn về CBR trên trang web của Caritas VN. www.caritasvn.org or www.caritasvietnam.info.

Kết luận

UBBAXH-Caritas VN mong hợp tác với các thành viên hoạt động xã hội trong và ngoài nước để phục vụ những anh em khuyết tật trong xã hội, nhất là các trẻ em khuyết tật ở VN.

Trân trọng kính chào toàn thể quý vị.
Tổng Thư ký UBBAXH-Caritas VN

Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 25.01.2010. 11:54