Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Bình an của Thầy!

§ Người Giồng Trôm

Trên đời này, có lẽ ai ai cũng sợ ! Đơn giản là vì con người nhỏ bé quá, mong manh quá, dễ chết quá nhất là với sự đe dọa tính mạng của con virus quái ác đang hoành hành trên toàn thế giới.

Ai ai cũng sợ và sợ nhất là giờ chết đến. Kèm theo đó là sợ mất người yêu, mất danh dự, mất quyền lực, mất của cải vật chất. Thế cho nên, con người rất cần sự bình an. Và, bình an mà con người tìm kiếm phải chăng là bình an giả tạo, bình an phù du. Chỉ có bình an của Chúa Giêsu mới là bình an thật, bình an vĩnh viễn trong cuộc đời của Kitô hữu chúng ta.

Cảm nghiệm được sự bình an của Chúa, ta thấy Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khi khởi đầu sứ vụ Giáo Hoàng của Ngài, Ngài nói với nhân loại : "Đừng sợ !". Không chỉ khởi đầu mà suốt cả triều đại Giáo Hoàng của Ngài, Đức Thánh Cha luôn luôn nói với cộng đoàn tín hữu và cả thế giới "Đừng Sợ".

Thật thế ! Ai nào đó có Đức Kitô Phục Sinh trong tâm hồn sẽ bảo đảm không sợ. Ngược lại, ai chưa có Đức Kitô Phục Sinh sẽ cứ mãi mãi loay hoay tìm kiếm sự bình an trong trần gian và càng tìm càng kiếm thì lại càng bất an vì tất cả ở đời này cũng chỉ là phù vân.

Khi con người sợ thì con người thích bình an và thèm khát sự bình an.

Ta thấy người Do Thái khi chào nhau hay nói "Shalom". "Shalom" của người Do Thái cũng chỉ là chúc bình an cho nhau như chúng ta vẫn thường chào nhau theo kiểu của con người. Con người cần hơn nữa và trên mọi sự đó chính là sự bình an đến từ Chúa.

Ta thấy mỗi khi Thánh Lễ bắt đầu và kết thúc, ta được chủ tế chào với lời chào Bình an và chúc Bình an của Chúa : "Bình an của Chúa ở cùng anh chị em" ... "Anh chị em hãy trao bình an (của Chúa) cho nhau" ... "Lễ xong chúc anh chị em về bình an"

Để ý, ta thấy lần nào cũng như lần nấy, khi hiện ra với các môn đệ, Chúa Giêsu đều chào và chúc các môn đệ : "Bình an cho anh em". (và hơn một lần Chúa nói Bình an của Thầy không phải như bình an của thế gian). Và, khi có sự bình an của Thầy, ta thấy các môn đệ không còn sợ hãi nữa.

Nếu như trước đây, các môn đệ ru rú đóng kín cửa ở trong nhà vì sợ liên lụy đến con người mang tên Giêsu (không chỉ đóng kín mà còn khóa chặt cửa nữa. Nếu như thời nay thì chắc các môn đệ gắn camera và xem camera luôn luôn để canh chừng có người lạ đến nơi các ông đang trú ngụ nữa) thì khi đón nhận sự bình an các ông thay đổi. Các môn đệ không còn ở trong nhà nữa mà lên đường loan Tin Mừng Phục Sinh.

Điểm rất đặc biệt mà ta phải chú ý nữa đó là khi Chúa hiện ra, Chúa ban bình an thì kèm theo đó là bàn tay với dấu đinh và cạnh sườn với vết đòng đâm thâu. Chúa không hiện ra với một thân xác hoàn mỹ nhưng với con người đau khổ Giêsu trên thập giá. Điều này muốn nói với các môn đệ và cả chúng ta nữa rằng phải qua đau khổ, phải qua cái chết nhục nhã mới đến Phục Sinh và đến vinh quang.

Điều này có nghĩa rằng phải qua đau khổ mới đến vinh quang, qua cái chết mới phục sinh. Và, ta có thể dễ thấy nơi hình ảnh của hạt lúa. Hạt lúa gieo vào lòng đất nếu không thối đi, không chết đi thì không sinh nhiều bông hạt khác mà chỉ trơ trọi một mình.

Ai nào đó bước theo Đức Kitô trên con đường khổ giá và chết đi cho chính mình thì mới hưởng sự bình an viên mãn.

Con người này nay, ta thấy sung túc, giàu có, quyền lực nhưng vẫn bất an chứ không như ta thấy bên ngoài.

Ta thấy những đại gia, nhà cao cửa rộng cửa kín cao tường và có bảo vệ. Tại sao thế ? Tại vì họ bất an và sợ hãi. Ai nào đó đến vùng nghèo và của anh chị em đồng bào, ta dễ dàng nhận thấy sự bình an của họ. Sự bình an của người nghèo, của dân tộc thiểu số toát ra ngay lối sống của họ. Nhà cửa của họ đôi khi chả có khóa nữa nhưng họ bình an. Họ cũng chả có trang bị vũ khí hay vật gì đó phòng hộ cũng như chẳng có bảo vệ. Nhìn như thế xem thử ai bình an hơn ai.

Xã hội đang xôn xao với chuyện vợ chồng đại gia ở Thái Bình. Nếu như trước đây, xem chừng họ bình an vì họ xây dựng đời họ trong một pháo đài với đầy đủ tiện nghi, quyền lực nhưng đến giờ họ ra sao thì ai ai cũng thấy.

Bình an của thế gian đó là đầy quyền lực, đầy của cải, đầy thế giá, nhà cao cửa rộng ... Thế nhưng rồi thực tế tất cả những thứ đó cũng chỉ là phù vân. Ai nào đó chạy theo những thứ đó chắc chắn cũng chẳng bình an, có chăng chỉ là tạm bợ.

Trở lại cuộc đời của ta, ta đã được thanh tẩy, ta đã được nghe lời chứng của các môn đệ nhưng rồi ta có bình an không ? Hay là bình an đó đâu đó đi chơi và không chịu đến nhà của ta.

Còn nhớ lời của một số vị thánh tử đạo khi ra pháp trường. Khi đối diện với cái chết, các Ngài đơn giản : Quan cứ giết tôi càng sớm càng tốt. Giết sớm để tôi mau về với Chúa của tôi hơn.

Tại sao các Ngài can đảm nói như vậy ? Các Ngài nói như vậy vì lẽ các Ngài đã mở lòng đón nhận Đức Kitô Phục Sinh vào trong cuộc đời để rồi thấy vinh quang của thế gian và của cả cái chết chẳng là gì cả.

Ta cũng thế, khi và chỉ khi ta mở lòng ra thật sự để Đức Kitô Phục Sinh vào ngự trong lòng thì ta mới bình an.

Trong cuộc sống thực tại, ta thấy có những người đi đến đâu là ở đó bất an. Đơn giản là vì họ không có sự bình an của Chúa để rồi đi đâu cũng gây oán thù, đi đến đâu cũng gây chia rẽ và bất hòa cho người khác.

Nhìn lại một chút về cuộc đời của Thánh Phanxicô Átxidi. Khi Thánh nhân khám phá và nhìn ra cây cỏ, muông thú và cả cái chết là bạn thì Ngài bình an. Ngài gọi sự chết là "chị chết" trong khi ai ai cũng sợ cái chết.

Chính vì khát khao sự bình an, tìm kiếm sự bình an và nhất là mang sự bình an đến cho mọi người nên Ngài để lại tâm tư để đời : Lạy Chúa xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người, để con ... xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa".

Ngày hôm nay, ta cũng thầm thì với Chúa, xin Chúa cho mỗi người chúng ta trở nên như khí cụ bình an của Chúa để mang bình an của Chúa cho người khác. Muốn có sự bình an của Chúa, ta hãy xin Chúa cho ta mở lòng mình ra, mở cửa tâm hồn của mình ra để đón nhận Đức Kitô Phục Sinh vào trong đời mình.

Người Giồng Trôm

Đọc nhiều nhất Bản in 19.04.2020 17:48