Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Bài giảng Thánh lễ khai mạc Năm Thánh 2010 tại giáo phận Vinh

§ +GM Phaolô Maria Cao Đình Thuyên

Theo các nhà sử học, Tin Mừng Đức Giêsu Kitô đã được gieo vào lòng đất Việt Nam gần 500 năm, tức vào khoảng năm 1533. Giáo phận Vinh chúng ta là một trong những giáo phận được đón nhận Tin Mừng sớm nhất. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Giáo Hội Việt Nam nói chung và giáo phận Vinh chúng ta nói riêng tiếp tục phát triển bền vững.

Được phép của Tòa Thánh, năm nay Giáo Hội Việt Nam cử hành Năm Thánh mừng biến cố 350 năm (1659–2009) thiết lập hai giáo phận Tông Tòa, Đàng Ngoài và Đàng Trong, và biến cố 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam (1959–2009). Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam chúng ta đã được khai mạc trọng thể ngày 24 tháng 11 năm 2009 tại Sở Kiện (thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội), với sự tham dự đông đảo của hơn 100 ngàn tín hữu trong và ngoài nước. Ngày khai mạc Năm Thánh lại thật ý nghĩa khi được Giáo Hội cử hành vào ngày kính nhớ các thánh tử đạo Việt Nam. Chúng ta biết rằng trong quá trình hình thành, tiếp tục, và phát triển của Giáo Hội tại Việt Nam, hơn 130.000 tín hữu đã hi sinh vì niềm tin Kitô giáo của mình. Cha ông chúng ta đã không quản ngại gian nan, bắt bớ, tù đày, chết chóc để trung thành với sứ điệp yêu thương của Thiên Chúa ban cho nhân loại.

Mục đích cử hành Năm Thánh là để chúng ta xuyên qua các biến cố thăng trầm mà nhận ra tình thương Thiên Chúa trong việc làm nảy nở Hạt Giống Tin Mừng và cử hành Năm Thánh cũng là để nhắc nhở cho chúng ta bổn phận vô cùng cấp thiết đó là việc làm cho Tin Mừng Cứu Độ đến tận mọi người để ai nấy cùng được hạnh phúc làm con cái Thiên Chúa đời này và đời sau.

Giờ đây, tôi muốn chia sẻ ngắn gọn về ba điểm của bức thư Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gửi cộng đồng Dân Chúa ngày 9 tháng 10 năm 2009, công bố Năm Thánh 2010: (1) Giáo Hội mầu nhiệm, (2) hiệp thông, (3) sứ vụ.

1. Mầu nhiệm Giáo Hội

Mầu nhiệm Giáo Hội liên kết với mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Đặc biệt, mầu nhiệm Giáo Hội liên kết với mầu nhiệm của Con Thiên Chúa làm người, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Chính Đức Giêsu Kitô là khuôn mặt nhân loại của Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa toàn năng, Người có thể dùng nhiều cách thế khác nhau để cứu chuộc chúng ta và dẫn đưa chúng ta vào hưởng hạnh phúc vinh quang với Người. Tuy nhiên, Người đã chọn cách ban chính Con Yêu Dấu của Người là Đức Giêsu Kitô đến với chúng ta và thông phần với bản tính yếu hèn của chúng ta. Thư gửi tín hữu Do Thái viết rằng “[Đức Giêsu Kitô] vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như chúng ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15). Cuộc đời của Đức Giêsu Kitô là cuộc đời dâng hiến trọn vẹn cho đến chết, chết trên thập giá. Đối với con người, thập giá là dấu chỉ của sự chết chóc cách nhục nhã đau đớn nhất. Tuy nhiên, đối với Thiên Chúa, cái chết của Đức Giêsu Kitô trên thập giá mang ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Qua thập giá, Thiên Chúa cho mỗi người chúng ta biết rằng chết không phải là tiếng nói cuối cùng của chúng ta, nhưng là cửa mở cho chúng ta tiến vào cuộc sống trường sinh bất tử nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Mầu nhiệm Giáo Hội được thể hiện qua sự liên kết giữa chiều kích nhân loại và chiều kích thần linh của chính Giáo Hội. Nói cách cụ thể hơn, Giáo Hội vừa là một xã hội có phẩm trật vừa là thân thể mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô. Chính chiều kích thần linh của Giáo Hội, tức sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô, làm cho Giáo Hội khác biệt với các tổ chức nhân loại khác. Chính sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô trong Giáo Hội làm cho cho Giáo Hội trở thành bí tích hoàn vũ của ơn cứu độ (Lumen Gentium, 48).

Mầu nhiệm Giáo Hội đã được thể hiện trên đất nước Việt Nam chúng ta một cách rất rõ ràng. Như chúng ta biết, trong hoàn cảnh khó khăn cấm cách, các nhà truyền giáo đã gieo Hạt Giống Tin Mừng vào đất Việt chúng ta. Qua các thời kỳ khác nhau, nhiều thế lực đã cố gắng tận diệt niềm tin Kitô Giáo, nhưng càng tận diệt thì niềm tin ấy càng phát triển mạnh mẽ hơn. Đó thật là mầu nhiệm lớn lao! Cho đến nay, Giáo Hội Việt Nam đã có hơn 6 triệu giáo dân, 26 giáo phận, trong đó, giáo phận Vinh là giáo phận đông đảo nhất miền Bắc Việt Nam và là thứ ba trong toàn quốc.

2. Giáo Hội hiệp thông

Mầu nhiệm Giáo Hội chính là mầu nhiệm hiệp thông. Nguồn gốc của Giáo Hội hiệp thông xuất phát từ hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Hiệp thông là bản chất của Giáo Hội. Chính bản chất này mà Giáo Hội được gọi là Dân Thiên Chúa, là Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Giêsu Kitô, và là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần (Lumen Gentium, 17). Nói cách khác, Giáo Hội không thể gọi là Dân Thiên Chúa, nếu không hiệp thông với chính Thiên Chúa là Cha. Tương tự như thế, Giáo Hội không thể gọi là Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Giêsu Kitô, nếu không hiệp thông với Người, là Ngôi Hai Thiên Chúa, và Giáo Hội không thể gọi là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, nếu không hiệp thông với chính Chúa Thánh Thần, là Ngôi Ba Thiên Chúa.

Giáo Hội thể hiện bản chất hiệp thông của mình qua việc cử hành bí tích Thánh Thể và qua giáo lý về sự liên kết của các thành phần Dân Chúa, tức là những người đã chịu bí tích Thánh Tẩy nhân danh Chúa Ba Ngôi, bao gồm những người đang hiện diện trên trái đất này, những người đã qua đời nhưng chưa được hưởng kiến Nước Thiên Chúa, và những người đã hưởng kiến Nước Thiên Chúa trọn vẹn. Sự hiệp thông của Giáo Hội còn thể hiện qua sự liên kết giữa Giáo Hội địa phương và Giáo Hội hoàn vũ. Có nghĩa rằng Giáo Hội của Đức Giêsu Kitô là duy nhất và hiện diện khắp nơi trên thế giới qua các Giáo Hội địa phương. Các Giáo Hội địa phương mang đặc tính đầy đủ của Giáo Hội hoàn vũ để thánh hóa Dân Thiên Chúa và loan truyền Tin Mừng cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Như vậy, hiệp thông vừa là bản chất của Giáo Hội vừa là sứ mệnh của Giáo Hội. Giáo Hội được ủy thác mời gọi mọi người hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau qua trung gian Giáo Hội.

3. Sứ mệnh Giáo Hội

Sứ mệnh của Giáo Hội trên trần gian là tiếp tục sứ mệnh của Chúa Cha được thể hiện qua Đức Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Nội dung chính của sứ mệnh đó là công bố Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại. Dựa vào bản văn Kinh Thánh Tân Ước, chúng ta có thể nói rằng Nước Thiên Chúa hiện diện dưới 3 hình thức căn bản: (1) sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô lịch sử chính là sự hiện diện của Nước Thiên Chúa; (2) sự hiện diện của Giáo Hội lữ hành chính là sự hiện diện của Nước Thiên Chúa vì Giáo Hội là bí tích của Đức Giêsu Kitô; và (3) Nước Thiên Chúa hiện diện cách đầy đủ trong thời cánh chung khi Thiên Chúa qui tụ chúng ta và tất cả mọi tạo vật dưới quyền Vị Thủ Lãnh Tối Cao là Đức Giêsu Kitô.

Là bí tích của Đức Giêsu Kitô, Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh của Người. Một mặt, Giáo Hội kêu mời tất cả mọi người đến với Đức Giêsu Kitô, học hỏi lời Người qua trung gian Giáo Hội bởi vì lời của Đức Giêsu Kitô là thần khí và là sự sống (Ga 6,63); lời của Đức Giêsu Kitô là lời ban sự sống đời đời (Ga 6,68). Mặt khác, Giáo Hội không ngừng hoạt động để xây dựng đời sống xã hội dựa trên những nguyên tắc và giá trị của Tin Mừng Đức Giêsu Kitô. Tiếng nói của Giáo Hội trong xã hội là tiếng nói của tình thương, hòa bình, và công lý.

4. Đức Giêsu Kitô vẫn luôn nhắc nhở Giáo Hội và mỗi người chúng ta như nhắc nhở thánh Phaolô trong một thị kiến rằng “Đừng sợ! Cứ nói đi, đừng làm thinh, vì Thầy ở với anh” (Cv 18,9). Trong sứ mệnh của mình giữa môi trường trần thế, Giáo Hội luôn tôn trọng quyền bính hợp pháp của các thể chế chính trị và tổ chức xã hội dân sự. Tuy nhiên, Giáo Hội có bổn phận lên tiếng khi các thể chế và tổ chức đó lợi dụng vị thế của mình để áp đặt tư tưởng và hành động của mình lên người khác hay tước đoạt quyền tự do của người khác. Giáo Hội xác tín rằng tự do không phải là ân huệ được ban tặng bởi các thể chế hay tổ chức nào, nhưng là món quà quí báu nhất mà chính Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người. Tự do gắn với bản tính con người. Kinh Thánh cho chúng ta biết rẳng chính Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của con người, tôn trọng ngay cả khi con người chọn con đường hướng tới tội lỗi và diệt vong, con đường xa rời Chân Thiện Mỹ tuyệt đối là chính Thiên Chúa. Giáo Hội xác tín rằng tự do đích thực phải đi đôi với sự thật. Do đó, tôn trọng tự do và tôn trọng sự thật không thể tách rời nhau được.

Giáo Hội được Thiên Chúa thiết lập vì con người và cho con người. Do đó, Giáo Hội không thể im tiếng khi nhân phẩm và nhân quyền bị chà đạp bởi cá nhân hay thể chế chính trị xã hội. Giáo Hội có bổn phận đóng góp phần mình trong việc xây dựng nền văn minh tình thương, nền văn minh sự sống, và nền văn minh hòa hợp. Giáo Hội mời gọi con cái mình và tất cả mọi người cùng chung vai sát cánh trong sứ mệnh mang lại tình thương, hòa bình, và công lý cho cộng đồng nhân loại. Giáo Hội xác tín rằng con người chúng ta tuy khác nhau về màu da, sắc tộc, tôn giáo và các yếu tố lịch sử văn hóa xã hội khác, nhưng tất cả đều là anh chị em với nhau trong gia đình Thiên Chúa. Như vậy sự chia rẽ, phân biệt đối xử bất công, áp bức bạo tàn trên bình diện cộng đoàn địa phương, quốc gia, hay quốc tế đều làm thương tổn đến gia đình đó.

Trong hoàn cảnh cụ thể của đất nước Việt Nam, Giáo Hội mời gọi tất cả mọi người cùng đối thoại trong tinh thần tôn trọng, yêu thương, và cởi mở. Ưu tiên của đối thoại là để hiểu biết lẫn nhau, cùng nhau tìm ra những nguyên nhân gây bất hòa chia rẽ trong quá khứ, đồng thời, hướng tới lợi ích chung của tất cả mọi người trên đất nước này.

5. Giáo Hội luôn ý thức về quá khứ đau thương mà nhân loại gây cho nhau. Trong Năm Thánh này, Giáo Hội mời gọi tất cả mọi người hãy sám hối và hòa giải. Nghi thức sám hối và hòa giải nằm trong lịch trình của ngày khai mạc Năm Thánh tại Sở Kiện hôm 24 tháng 11 năm 2009. Giáo Hội khuyến khích con cái mình thật lòng xin lỗi Chúa, xin lỗi nhau, xin lỗi anh chị em thuộc các tôn giáo khác, và tất mọi người vì những thiếu sót bất xứng trong quá khứ. Giáo Hội xác tín rằng sám hối và hòa giải không phải là hành động nhất thời chóng qua của cá nhân hay tập thể, nhưng là lộ trình xuyên suốt đời sống cá nhân, tập thể, và toàn bộ lịch sử nhân loại. Sám hối và hòa giải cho phép mọi người sống mật thiết với Chúa và với nhau. Giáo Hội kêu mời tất cả mọi người, như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói, biết luôn xây dựng những chiếc cầu liên đới hơn là những bức tường ngăn cách.

6. Chúng ta biết rằng vực thẳm của sự ngăn cách giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người, giữa sự sống và sự chết gây nên bởi tội lỗi loài người đã được Thiên Chúa nối kết qua Con của Người là Đức Giêsu Kitô. Chính nhờ Đức Giêsu Kitô, và trong Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa tác tạo, cứu chuộc, thánh hóa, và qui tụ tất cả muôn loài muôn vật. Trên biển đời đầy phong ba bão táp, Thiên Chúa mời gọi mỗi người chúng ta biết định hướng thuyền đời mình về Đức Giêsu Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống (Ga 14,6). Người vẫn là một “hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8). Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Người luôn tồn tại (Lc 21,33). Đức Giêsu Kitô là tâm điểm sống và là nguồn hi vọng cho toàn thể nhân loại cũng như muôn tạo vật. Chúng ta thực sự là Kitô hữu và sẽ được hưởng hạnh phúc Nước Thiên Chúa khi chúng ta yêu thương nhau và biết sống theo các nguyên tắc và giá trị Tin Mừng mà Đức Giêsu Kitô đã rao giảng và Giáo Hội tiếp tục công bố.

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ giáo phận Vinh, và Thánh Phaxicô Xaviê mà Giáo Hội mừng kính hôm nay, xin Thánh Thần Chúa luôn hướng dẫn chúng ta trong đời sống niềm tin và cho mỗi người chúng ta thực sự là những chứng nhân sống động cho Tin Mừng Cứu Độ của Đức Giêsu Kitô trong hành trình dương thế của chúng ta, đặc biệt, trong Năm Thánh này.

+GM Phaolô Maria Cao Đình Thuyên

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 04.12.2009. 10:05