Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ai nợ ai ?

§ Người Giồng Trôm

Tin nhắn như cuối cùng trước khi rời cõi tạm của Trà My gửi cho em trai của em "Hãy cố gắng làm ăn giúp mẹ trả nợ nhe em" như là thông điệp, như là thao thức, như là ước nguyện cuối đời của Trà My.

Nghẹn lòng khi đọc dòng tin nhắn đó. Nhưng chưa hết, mở ra tin nhắn của em với Mẹ : "Con xin lỗi bố mẹ nhiều mẹ ơi", "Mẹ ơi, ngộp thở quá, con xin lỗi mẹ!". Không chỉ em, ba mẹ em, em của em mà bất cứ ai đọc được cũng phải ngộp thở với dòng tin nhắn này.

Thật ra, phải hỏi rằng ai nợ ai sau sự ra đi của em, của 38 người khác nữa trong chuyến xe của em, của hàng vạn hàng vạn người ai oán trên những nẻo đường mưu sinh định mệnh.

Người ta đang đau quá vậy mà có những người rất vô tư : "E k hiểu sao bỏ số tiền nhiều mà bât chấp đánh đổi cả tính mạng như z,buồn".

Dạ thưa tác giả dòng bình luận đó cũng như nhiều người khác nữa. Nếu không ra đi khỏi gia đình mình, không ra khỏi đất nước mình thì còn gì và có gì để mà sống ? Ai ai cũng biết số mạng mình mong manh nhưng dường như không còn một lối thoát nên họ đành chấp nhận.

Chả phải chỉ có cái vùng Can Lộc của em nhưng còn nhiều và rất nhiều làng khác nữa đương đầu với cuộc sống và phải chọn lựa.

Dường như vùng Nghệ An - Hà Tĩnh và cả Thanh Hóa hay Quảng Trị cũng thế ! Tìm được con đường nào đó để thoát thân và mang chút ít về cho gia đình đắp đổi là họ cứ phải đi chứ lòng chẳng muốn.

Vùng nhà quê ngày xưa tôi có thời sinh sống cũng vậy. Chạy vạy được chút tiền là xách gói lên đường. May mắn thì gặp chủ tốt để còn dư ra chút ít, còn không thì trở về nước cũng hoàn trắng tay.

Nơi tôi đang ở cũng chả khá gì hơn. Thà đừng bước ra ngõ thì thôi chứ quanh ra ngõ là thấy nheo nhóc người. Bước vào nhà họ chả còn gì để mất bởi cuộc sống của họ chỉ vậy thôi. Họa may mới kiếm được đôi ba công việc nhưng đồng lương chỉ bằng 1/4 so với người cùng loại. Đơn giản vì họ là người tộc thiểu số chứ không phải người Kinh.

À ! Mà ngày nay đâu chỉ người tộc chết ! Người Kinh cũng phải chết chứ đâu còn chừa sót một ai.

Đâu đó nơi tôi ở vài ba mươi cây số cũng vậy. Nhà nhà bỏ chạy, người người bỏ chạy sau khi tiêu chết. Họ cũng muốn bám làng và bám cái trụ tiêu để sống nhưng rồi cái trụ tiêu ngã xuống thì đời của họ ngã theo.

Ta thấy nỗi đau của Trà My cũng chính là nỗi đau của hàng triệu, hàng triệu con người đối đầu với cạn kiệt của cuộc sống. Em cũng như bao nhiêu người khác nữa phải lặn lội đến một nơi xa lạ để sinh sống nhưng rồi ...

Thử hỏi, nơi nao có người phải từ bỏ chốn thiên đường mà họ sinh sống nhiều nhất như cái chốn mà người ta vẫn nói là "thiên đường". Chả ai điên ai dại mà từ bỏ "thiên đường" hay "nơi đáng sống" cả. Họ biết một khi đã đi khỏi "thiên đường" hẳn nhiên gặp phận rủi may nhưng không còn lựa chọn.

Và rồi lời xin lỗi của Trà My phải chăng là lời xin lỗi của mỗi người chúng ta, nhất là của những người có trách nhiệm với đất nước. Chính những người nắm giữ quyền lực đã tạo ra bước đường cùng để phải rời xa quê cha đất tổ để tìm kế mưu sinh.

Một nén hương lòng thắp lên cho những người đã ngã vì kế sinh nhai.

Một lời nguyện thầm câu cho những người đã khuất được mau hưởng tôn nhan Chúa và được tới Thiên Đường đích thực.

Người Giồng Trôm

Đọc nhiều nhất Bản in 27.10.2019 04:12