Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ý Niệm Linh Hứng trong Thánh Kinh: các cách tiếp cận

§ Vũ Văn An

V. Các cách tiếp cận hiện nay đối với linh hứng

(I) Nơi người Thệ Phản

(A). Thuyết hộ trợ (concursive):

B.B Warfield (The Inspiration and Authority of the Bible [London, 1951]) và J.I. Packer (Fundamentalism and the Word of God [London, 1958]) là các phát ngôn viên rành rõi. Packer sử dụng “hành động hộ trợ” để mô tả vai trò Chúa Thánh Thần trong việc soạn thảo Thánh Kinh. Diễn trình nguyên nhân/hậu quả và học lý sáng thế/quan phòng là những cách khác nhau để nói về sự hiện hữu của vũ trụ thể lý thế nào, thì linh hứng và sự soạn tác của phàm nhân cũng là hai cách khác nhau để nói về sự hiện hữu của Sách Thánh như thế. Có cả cách hiểu thần học và nhân bản về cùng một hiện tượng vật chất; chúng không hiện hữu trên cùng một bình diện. Sáng thế/quan phòng là một tuyên bố thần học rằng vũ trụ bắt nguồn từ Thiên Chúa thế nào, thì linh hứng cũng là một tuyên bố thần học rằng Thánh Kinh bắt nguồn từ Thiên Chúa như thế. Học lý không cung cấp cho tín hữu Kitô một giải thích về việc linh hứng đã xẩy ra thế nào nhiều hơn là học lý sáng thế/quan phòng cung cấp một giải thích về việc sáng thế đã xẩy ra thế nào.

I.H. Marshall giải thích hành động hộ trợ như sau:

“Trên bình diện nhân bản, chúng ta có thể mô tả siệc soạn thảo ra nó (Thánh Kinh) theo các diễn trình bằng lời và bằng chữ viết đa dạng đứng đàng sau nó – một thu thập các tín liệu từ các nhân chứng, sử dụng các nguồn thành văn, viết ra và biên tập các tín liệu này, soạn các chữ bộc phát, bắt đầu viết các sứ điệp tiên tri, thu thập các tài liệu lại với nhau, v.v... Tuy nhiên, cùng một lúc, trên bình diện Thiên Chúa, chúng ta có thể quả quyết rằng Chúa Thánh Thần, Đấng từng bay là là trên mặt nước lúc Sáng Thế (St 1:2) rất tích cực trong toan bộ diễn trình này đến nỗi Thánh Kinh có thể được coi vừa như lời con người vừa như lời Thiên Chúa. Hành động của Chúa Thánh Thần này có thể được mô tả là “hộ trợ” với các hoạt động phàm nhân nhờ đó, Thánh Kinh đã được viết ra” (Biblical Inspiration 42).

(B). Tác phong theo sau (consequent behavior): Giới bác học Thệ Phản bảo thủ đã sản sinh phần lớn các trước tác gần đây về linh hứng; các nhà Thệ Phản cấp tiến thì trên thực tế thường âm thầm bác bỏ linh hứng. Đóng góp độc đáo là của W.J. Abraham (Divine Inspiration); ông là một nhà Tin Lành dựa nhiều vào chữ “inspire” của tiếng Anh hơn là dựa vào chính Sách Thánh hay ý niệm không sai lạc. Một thầy giáo tuyệt vời gây hứng cho học trò đến độ họ được dẫn tới tác phong bắt chước theo (gồm cả việc viết bản văn). Cũng thế, Thiên Chúa, qua hành vi mặc khải và cứu rỗi, linh hứng cho các tác giả Thánh Kinh đến độ họ được dẫn tới tác phong làm theo, nhất là trong việc viết các sách Thánh Kinh.

(C). Tân chính thống (neo-orthodoxy): Các quan điểm về linh hứng của K. Barth (1886-1968) đã được chấp nhận bởi nhiều tư tưởng gia chính dòng Thệ Phản. Barth dành một vị trí độc đáo cho Thánh Kinh bao lâu nó làm chứng cho hành vi mặc khải của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng chủ yếu là Ngôi Lời Thiên Chúa. Linh hứng không phải là một phẩm tính của chính bản văn Thánh Kinh, nhưng là một khẳng định về một khả năng của Thiên Chúa trong việc dùng Thánh Kinh để thông đạt mặc khải cho con người, cả như những các nhân lẫn như các nhóm.

(II). Nơi Người Công Giáo Rôma

Tính hiện thực là đặc điểm của các trước Công Giáo gần đây về linh hứng. Thành phần cấu tạo ra cái hiểu của Vatican II về các bản văn Thánh Kinh là việc đánh giá cao phẩm tính nhân bản của chúng và các diễn trình sản xuất ra chúng. Các bản văn này, vốn là “lời Thiên Chúa”, cũng là lời lẽ của con người. Một số phương pháp luận giải thích khác nhau chỉ nhằm làm nổi bật tính người của Sách Thánh. Với tính người này như khởi điểm, các học thuyết Công Giáo gần đây về linh hứng đã tập chú vào một trong bốn khía cạnh sau đây:

bible 2.jpg

(A). Các lý thuyết tâm lý học: Học giả gây ảnh hưởng P. Benoit vốn phân biệt linh hứng viết (scriptural Inspiration) tức linh hứng dẫn các tác giả đến chỗ sản sinh ra bản văn, với linh hứng thần kịch-lịch sử (dramatic-historical) tức xẩy ra trong các biến cố của lịch sử cứu rỗi) và linh hứng tiên tri-tông đồ (prophetic-apostolic) tức diễn ra trong việc công bố bằng lời các biến cố vừa nói. Sử dụng các phạm trù Thomist (một số bị bỏ trong các trước tác về sau) và là người thừa kế di sản của Lagrange, Benoit biến tâm thức (psyche) con người thành nguồn cứ liệu (locus) của linh hứng. Theo luận lý học, tiếp theo sự mặc khải mà nó vốn có liên hệ, linh hứng là một thúc đẩy (impulse) phải viết và cho ra đời một cuốn sách. Các vấn đề nào được lồng vào là tùy phán đoán của tác giả cũng như việc chúng phải được phát biểu và sắp xếp ra sao. Trong suốt diễn trình này, Thiên Chúa luôn hành động như nguyên nhân nguyên khởi của công trình sách thánh. (Benoit chủ yếu nhấn mạnh tới các tác giả cá thể của sách thánh).

(B). Các lý thuyết xã hội: Khoa phê bình hình thức vốn chứng minh rằng, tới một phạm vi khá lớn, không thể chỉ coi các sách Thánh Kinh như là sản phẩm văn chương của các tác giả cô lập nhau, giống như các sách hiện đại. Các người viết cá thể đều là thành viên của các cộng đồng đức tin, những cộng đồng không phải chỉ có ảnh hưởng qua loa trong việc hình thành chính nền văn chương Thánh Kinh. Đây là trọng điểm của nhiều lý thuyết xã hội đa dạng về linh hứng; các lý thuyết này lấy lại quan điểm thuở đầu coi tác giả như một viên chức của cộng đồng, dựa vào truyền thống và trước tác của cộng đồng này để xây dựng cộng đồng. J. Barr, một người phê phán chủ nghĩa cực đoan, viết:

“Nếu quả có linh hứng, thì nó phải trải dài suốt diễn trình sản xuất dẫn tới bản văn sau cùng. Do đó, linh hứng không được kết chặt vào một số nhỏ những người ngoại hạng... Nó phải trải dài trên một số đông hơn những con người vô danh... Phải coi nó thuộc về cộng đồng như một toàn thể nhiều hơn” (Holy Scripture: Canon, Authority, Criticism [Phl, 1983]).

Trong các giới Công Giáo Rôma, các lý thuyết xã hội về linh hứng chủ yếu liên hệ tới các tên tuổi như J.L. McKenzie (CBQ 24 [1962] 115-24), D.J. McCarthy và K. Rahner.

Cách tiếp cận phê bình hình thức nhấn mạnh tính liên thuộc giữa tác giả Sách Thánh và cộng đoàn của họ và các nhà phê bình hình thức có tính triệt để hơn giản lược “tác giả” hầu như vào vai trò một thư ký vô danh. Điều này đã dẫn tới việc bãi bỏ trên thực tế các lý thuyết tâm lý học về linh hứng. Nếu văn chương Thánh Kinh là biểu thức phức tạp của đức tin cộng đồng, thì linh hứng phức tạp hơn ảnh hưởng của Thiên Chúa đối với tác giả rất nhiều. Cách thế bất đồng trong việc nhìn vào việc soạn tác Sách Thánh này gần như đã dập tắt các cuộc thảo luận về linh hứng nơi các học giả và thần học gia Thánh Kinh trong các Giáo Hội chính dòng. May mắn thay, việc xuất hiện của khoa phê bình soạn tác (redaction criticism) đã chỉnh sửa một số bất cập của phương thức (chỉ) phê bình hình thức. Người viết sản xuất bản sách thánh sau cùng, dù chịu ảnh hưởng và dựa vào các người đi trước và cộng đồng, vẫn là một tác giả và thần học gia theo đúng nghĩa của nó.

(C). Các cách tiếp cận văn chương: Một số cách tiếp cận đối với việc nghiên cứu Thánh Kinh, tức các cách tiếp cận văn chương và cấu trúc, nhấn mạnh tới chính thực tại bản văn, do dó, mở đường cho một hình thức lên lý thuyết về linh hứng dựa vào bản văn. Mặc dù bản văn được hưởng một sự tự chủ nào đó về ngữ nghĩa (semantic), hai hoạt động nhân bản chủ yếu có liên quan tới bản văn: việc viết (và viết lại) và việc đọc (một hình thức viết trong trí). Tín lý linh hứng quả quyết rằng Chúa Thánh Thần chịu trách nhiệm đối với bản văn Thánh Kinh hiểu như một bản văn, nghĩa là liên quan đến cả hai chiều kích nhân bản vừa nói. Về việc viết, Chúa Thánh Thần hành động trong diễn trình dài nhờ đó một bản văn Thánh Kinh được sản xuất ra trong cộng đồng đức tin (nghĩa là bao gồm việc phát biểu truyền thống, các bản văn chưa đầy đủ, các bản thảo ban đầu, và việc viết lại). Về việc đọc, linh hứng được kể là thuộc tính của bản văn Thánh Kinh chính vì có một cộng đồng đức tin, dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, sẽ đọc và đồng nhất với bản văn Thánh Kinh này. Hiểu như thế, lý thuyết văn chương về linh hứng phản ảnh ý nghĩa tích cực của theopneustos ở 2Tm 3:16 và nhấn mạnh tới các chiều kích linh hứng từng được Calvin và Barth làm nổi bật.

Các chiều kích khác của bản văn cũng quan trọng cho việc hiểu đầy đủ về linh hứng, thí dụ ba chức năng căn bản của ngôn ngữ: thông tri, phát biểu và gây ấn tượng. Thánh kinh thông tri cho người đọc bằng cách cung cấp kiến thức và thông đạt sự thật, nhưng đây mới chỉ là một trong các chức năng của nó. Nó cũng phát biểu một điều gì đó về thực tại năng động của Thiên Chúa và gây ảnh hưởng hay ấn tượng nơi người nhận việc thông đạt ngôn ngữ nhiều cách khác nhau. Chúa Thánh Thần linh hứng can dự vào toàn bộ 3 chức năng ngôn ngữ này. Thực vậy, đóng góp lớn lao nhất của phương thức văn chương vào việc hiểu linh hứng có thể là việc họ nhấn mạnh tới toàn bộ thực tại bản văn.

Một chiều kích khác của bản văn mà việc phân tích bản văn làm ta chú ý tới là sự kiện này: bản văn “là việc sản xuất ý nghĩa” (R. Barthes). Các bản văn thường rút một phần ý nghĩa của chúng từ đơn vị bản văn lớn hơn mà chúng vốn thuộc về. Một câu nói cá thể của Chúa Giêsu là một phần của Sách Tin Mừng, sách này lại là một phần của Tân Ước, mà Tân Ước lại là một thành phần của Thánh Kinh. Thực tại này làm dội lại học lý cổ truyền chủ trương linh hứng “của các sách cả Cựu lẫn Tân Ước trong tính toàn thể của chúng gồm mọi phần” (Vatican II ở trên). Thánh kinh như một toàn bộ được linh hứng, và như một hệ luận, các phần của nó cũng được linh hứng. Truyền thống không quả quyết rằng vì các câu cá thể của Thánh Kinh được linh hứng, mà Thánh Kinh được coi là được linh hứng. (Việc tập chú vào việc linh hứng của một bản văn riêng rẽ có thể phát sinh một loại cực đoan). Cái hiểu tổng thể (holistic) này về bản văn ảnh hưởng lớn tới cái hiểu thỏa đáng về ý niệm sự thật Thánh Kinh. Tính không sai lầm phải được liên kết với quan điểm toàn bộ của một chủ đề.

Nhiều nhân tố được việc phân tích bản văn gần đây làm nổi bật đã hỗ trợ quan điểm của G. Turner cho rằng tín lý linh hứng dành cho Thánh Kinh đặc tính “nền văn chương của Đấng Bào Chữa” (paracletic litterature) tức nền văn chương của Chúa Thánh Thần. Ông giải thích (“Biblical Inspiration”, 427): “Thánh kinh như paraclete là Đấng Bào Chữa theo nghĩa là chứng tá cho Chúa Giêsu Kitô. Nó thường được dùng như một loại huấn đạo viên; chắc chắn đây là người phù trợ, người an ủi và người khuyến khích”.

(D). Các khía cạnh giáo hội

Các lý thuyết khác về linh hứng tập chú vào mối tương quan giữa Sách Thánh và Giáo Hội, vì linh hứng là “đặc sủng truyền thông bằng chữ viết lời của Thiên Chúa như là yếu tố cấu tạo nên Giáo Hội” (Collins, Introduction, 345). Các lý thuyết có tính giáo hội và thần học về linh hứng sẽ không có nếu không có loại suy với các lý thuyết sau đó về linh hứng. Rahner từng viết:

“Vì Thánh Kinh là một điều có tính dẫn khởi (derivative), nó cần được hiểu từ bản chất yếu tính của Giáo Hội, một bản chất vốn là sự thường hằng (permanence) có tính cánh chung và bất phản hội của Chúa Giêsu Kitô trong lịch sử... Như thế, Người (Thiên Chúa) là đấng linh hứng và tác giả của Thánh Kinh, mặc dù việc linh hứng Thánh Kinh ‘chỉ’ là một khoảnh khắc bên trong tác quyền nguyên ủy (primordial) của Thiên Chúa đối với Giáo Hội” (Foundations of Christian Faith [NY, 1978] 371, 375).

Quan điểm của Rahner đặt tác quyền của Thiên Chúa đối với Thánh Kinh vào bối cảnh một sự hiểu biết rộng rãi hơn và chính xác hơn về “tác quyền” nhưng cách tiếp cận của ngài đã bị chỉ trích bởi nhiều người đề xuất thuyết linh hứng soạn thảo; họ cho rằng ngài tập chú quá độc chiếm vào Chúa Giêsu, Đấng mà Sách Thánh làm chứng cho.

VI. Các hệ luận của tín lý linh hứng

(I). Giáo Hội sử dụng Thánh Kinh.

Hệ luận hay hệ quả đầu tiên của việc Chúa ThánhThần linh hứng Thánh Kinh là: nó có thế giá đối với các Kitô hữu và Giáo Hội. Về phương diện lịch sử, điều đó đã được thừa nhận qua việc lập ra qui điển Thánh Kinh, nghĩa là, bộ sách được Giáo Hội coi là chính thức. Thế giá Thánh Kinh cũng được phản ảnh qua việc sử dụng Thánh Kinh trong việc thờ phượng bằng phụng vụ, như là nguồn và qui phạm cho các công trình thần học, và cho lòng đạo đức bản thân và việc phát triển thiêng liêng của các Kitô hữu cá thể.

(II). Lời Chúa.

Hệ luận quan trọng thứ hai là Sách Thánh là lời của Thiên Chúa. Công thức truyền thống này, bề ngoài có vẻ đơn giản, nhưng thực sự hết sức phức tạp và hàm ý nhiều nghĩa. Một số người Tin Lành Thệ phản chủ trương một sự đồng nhất gần như thể lý giữa Sách Thánh và những lời thực sự được Thiên Chúa nói ra; họ coi là không thỏa đáng quan điểm cho rằng Sách Thánh chỉ chứng thực cho lời Thiên Chúa. Các Kitô hữu khác thì quả quyết rằng Thánh Kinh là lời Thiên Chúa trong khi vẫn chủ trương rằng Thiên Chúa không bao giờ thông đạt bằng lời cả (dù là lời bên trong; xem R.E. Brown, The Critical Meaning of the Bible [NY, 1981] 1-44). Một số nhà thần học Thệ Phản quả quyết rằng lời Thiên Chúa là một thực tại năng động; thành thử, Chúa Giêsu là Lời Thiên Chúa tuyệt hảo (Barth nghĩ thế). Sách Thánh quả thực là lời Thiên Chúa khi nó trở thành sống động trong việc công bố và rao giảng (Bultmann nghĩ thế).

Đức Hồng Y C. Martini đã phân biệt một cách hữu ích một vài nghĩa khác nhau của kiểu nói “lời Thiên Chúa”. Trong căn bản (nhất là như ý niệm Ba Ngôi), nó gợi ý về tính có thể truyền đạt (communicability) nơi Thiên Chúa. Do đó, nó có ý nói đến (1) các biến cố trong lịch sử cứu rỗi vì chữ Hípri dābār có nghĩa “lời, biến cố, thực tại”; (2) sứ điệp bằng lời nói của các sứ giả Thiên Chúa, nhất là các tiên tri và Chúa Giêsu; (3) con người Chúa Giêsu, Đấng là Ngôi Lời của Thiên Chúa (nhất là Ga 1:1); (4) lời rao giảng của Kitô giáo; (5)sứ điệp chung của Thiên Chúa gửi nhân loại; (6) Thánh Kinh. (Xem La Parola di Dio alle Origin della Chiesa [Rome, 1980] 56-58).

Dù đã thành qui điển nhờ được sử dụng từ lâu, “lời Thiên Chúa” không nên được sử dụng để nói về Sách Thánh nếu không có sự suy nghĩ thêm của khoa chú giải. Đúng là nó làm nổi bật các nguồn gốc thần thiêng của thông đạt Thánh Kinh và diễn tả thực tại và sức mạnh của nó. Tuy nhiên, “lời Thiên Chúa” trong hai truyền thống Do thái giáo và Kitô giáo hoàn toàn khác với các sấm ngôn thần linh của các tôn giáo Hy Lạp và Cận Đông xưa: nó nhằm không những ban bố sự thật mà còn khuyến khích, an ủi, thách thức, v.v... Vì, trong thực tại viết duy nhất của chúng, các lời lẽ chứa đựng trong Thánh Kinh là lời lẽ của con người, nên “lời Thiên Chúa” nhất thiết là ngôn ngữ loại suy. Một khoảng cách phải được duy trì về phương diện ý niệm giữa việc phát biểu viết và việc tự thông đạt của Thiên Chúa xét trong yếu tính của nó, kể cả trường hợp các tiên tri. Về phương diện thần học, sẽ bớt hàm hồ hơn khi quả quyết rằng Sách Thánh làm chứng cho lời Thiên Chúa.

(III). Sự thật của Thánh Kinh

Mặc dù một số lý thuyết Thệ Phản bảo thủ về linh hứng biến sự thật của Thánh Kinh (tính không sai lầm hay vô ngộ của nó) thành điểm cơ bản của linh hứng Thánh Kinh. I.H. Marshall, một tác giả Tin Lành, đã ghi nhận một số vấn đề thích đáng:
“1.Trước nhất, Thánh Kinh sử dụng ngôn ngữ nhiều cách khác nhau... 2. Như thế, có sự kiện này: vấn đề sự thật có lẽ được giải đáp nhiều cách khác nhau, ở nhiều bình diện hiểu biết khác nhau... 3. Cách hiểu Thánh Kinh như là “sự thật phát xuất từ Thiên Chúa cũng có thể dẫn đến việc không đánh giá được các đoạn trong đó Thiên Chúa không nói với con người... 4. Một câu hỏi khác về sự thật của Thánh Kinh có thể là ‘thật đối với ai?’”

kjv-giant-print-standard-red-letters-with-thumb-indexing-brown.jpg

Ông kết luận “ý niệm ‘sự thật’ là một ý niệm phức tạp, và ta không dễ áp dụng nó vào mọi phần của Thánh Kinh” (Biblical Inspiration 54-57).

Việc tập trung vào tính không sai lầm có khuynh hướng rút gọn cuộc thảo luận thần học về linh hứng vào ý niệm được dẫn nhập lần đầu tiên vào cuộc thảo luận thần học thế kỷ 19. Hạn từ “không sai lầm (inerrancy) chưa bao giờ xuất hiện trong một bản văn công đồng (dù được tìm thấy trong các thông điệp giáo hoàng và trong sơ đồ nguyên thủy về linh hứng nhưng bị Vatican II bác bỏ. Tại Công đồng này, Đức Hồng Y Koenig cho thấy một số “sai lầm” trong các bản văn Thánh Kinh, những sai lầm ngài coi là “thiếu độ chính xác liên quan đến các vấn đề lịch sử và khoa học” (Commentary on the Documents of Vatican II [ed. H. Vorgrimler, NY 1969] 3, 205). Thực vậy, chính các Sách Thánh chưa bao giờ cho rằng mình không sai lầm. Sau cùng, các suy tư thần học nghiêm túc về bản chất của “sự thật” và “sai lầm” của Thánh Kinh phải xem xét trọn vẹn hình thức văn chương và bình diện và chức năng ngôn ngữ.

Ấy thế nhưng, có nhiều điều hữu ích từ một suy tư tích cực về sự thật Thánh Kinh, một sự thật cuối cùng là sự thật cứu rỗi. Các Kitô hữu thuộc các bối cảnh khác nhau nên có khả năng thỏa thuận và chấp nhận ngôn từ của Vatican II về giáo huấn của Thánh Kinh không sai lầm rằng sự thật mà Thiên Chúa muốn đặt vào các trước tác thánh là vì phần rỗi của chúng ta, một thỏa hiệp giữa những người muốn quả quyết sự thật của Thánh Kinh một cách tuyệt đối và những người có khuynh hướng sơ truyền (kerygmatic) tức những người quan niệm toàn bộ thực tại Thánh Kinh trong bối cảnh lịch sử cứu rỗi. Viễn kiến sơ truyền vốn được Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh hỗ trợ qua “Huấn Thị về Sự Thật Lịch Sử của Các Sách Tin Mừng”: “Rõ ràng học lý và đời sống của Chúa Giêsu không phải được tường trình chỉ nhằm mục đích được tưởng niệm, nhưng còn để được 'rao giảng'".. Còn về “sự thật” theo nghĩa Thánh Kinh, “ ‘sự thật’ (emeth) của Thiên Chúa chủ yếu liên hệ chặt chẽ với lòng tín trung của Người” (Loretz, Truth 83-84). Từ viễn kiến này, phản đề không hẳn là sai lầm, mà là lừa đảo hay bất trung. Sự thật của Sách Thánh hệ không hẳn ở điều này các đoạn văn của nó không sai lầm, nhưng đúng hơn hệ ở điều này: qua các đoạn văn ấy Thiên Chúa tỏ lòng trung thành của Người cho Dân Người, đem họ vào kết hợp yêu thương với Người.

(IV) Tương lai của việc lên lý thuyết về linh hứng

Liệu có còn hợp pháp chăng việc lên lý thuyết về linh hứng Thánh Kinh? Loretz đã hỏi thế trong Das Ende der Inspirations-theologie. Một cách còn triệt để hơn nữa, hai nhà chú giải anh em ruột A.T. và R.P.C. Hanson của Thệ Phản từng tuyên bố: “học lý xưa về sự linh hứng và tính không sai lầm của Thánh Kinh không những là điều bất khả đối với những người thông minh thời nay, mà còn tượng trưng cho một sự sái quậy, lạc đường trong học lý Kitô Giáo, bất chấp việc trong quá khứ, Chúa Thánh Thần đã có các sử dụng sinh ơn ích ra sao, Đấng vẫn thường biến các sai lầm nhân bản thành các mục đích tốt lành” (Reasonable Belief: A Survey of the Christian Faith [Oxford, 1980] 42).

Cả khi chúng ta bác bỏ luận điểm trên, coi nó như một phản ứng quá đáng, Đức Hồng Y C. Martini (Parola 42) đã nhận xét rất đúng rằng trong Giáo Hội, hiện đang thiếu (và đang rất ước ao) một khảo luận đầy đủ về linh hứng. Bất cứ khảo luận thỏa đáng nào về linh hứng cũng nên bắt đầu với chính thực tại Thánh Kinh. Vì sự hiểu biết về Thánh Kinh vẫn còn “đang diễn tiến”, thì sự hiểu biết về linh hứng nhất thiết cũng phải “đang diễn tiến” như vậy.

Kỳ sau: VII. Một số cập nhật

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 14.03.2019 17:03