Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Video: Vị Hồng Y làm Đức Thánh Cha rơi lệ sau 11,107 ngày bị giam cầm khẳng định Chúa đã cứu tôi

§ Thế Giới Nhìn Từ Vatican

Đức Hồng Y Ernest Simoni là vị Hồng Y tiên khởi của Albania. Ngài sinh ngày 18 tháng 10 năm 1928, năm nay 91 tuổi, đã về hưu và đang sống tại thành phố Florence bên Ý để chữa bệnh sau những năm dài tù tội dưới chế độ cộng sản Albania.

Ngài được thụ phong linh mục vào ngày 7 tháng Tư năm 1956; và đã được Đức Thánh Cha Phanxicô vinh thăng Hồng Y và ngày 19 tháng 11, 2016.

Ngài đã bị công an cộng sản bắt sau khi dâng thánh lễ Vọng Giáng Sinh vào ngày 24 tháng 12, năm 1963. Ngài đã bị giam cầm tổng cộng 11,107 ngày, hầu hết trong các trại lao động cải tạo.

Ngài là linh mục Công Giáo duy nhất còn sống sót sau chế độ cộng sản của Enver Hoxha, người đã công bố Albania là “quốc gia vô thần đầu tiên trên thế giới”.

Bất cứ khi nào sức khoẻ cho phép, Đức Hồng Y Simoni thường đến thăm các giáo xứ trong các giáo phận khác nhau của Ý và Albania để chia sẻ chứng từ thật bi thảm của chính mình.

Tờ Aleteia cho biết trong chuyến viếng thăm gần đây tại nhà nguyện của Bệnh viện San Giovanni-Addolorata ở Rôma, Đức Hồng Y khẳng định với các bệnh nhân rằng đừng bao giờ thất vọng vì Thiên Chúa chẳng bao giờ bỏ rơi chúng ta.

“Họ đã làm mọi cách để loại bỏ tôi, nhưng Chúa không bao giờ bỏ rơi tôi,” Đức Hồng Y Simoni nói. “Tôi đã bị kết án tử hình bằng cách treo cổ, nhưng Chúa đã cứu tôi.”

“Sau khi cử hành thánh lễ đêm Giáng sinh năm 1963, bốn cảnh sát đã dùng vũ lực bắt tôi đưa đi. Chúng bẻ tay tôi,” Đức Hồng Y nói.

Trong bản án chính thức, bọn cầm quyền cộng sản nói rằng ngài bị bắt giữ vì đã thực hiện các cuộc trừ tà và vì ngài đã cử hành thánh lễ cầu cho linh hồn của cố tổng thống Mỹ John F Kennedy, người đã bị ám sát một tháng trước đó.

Tuy nhiên, theo Đức Hồng Y, mọi linh mục Công Giáo trừ tà hay không, cầu hồn hay không đều bị giam cầm.

Cha Simoni đã bị cầm tù, bị tra tấn và bị kết án tử hình. Sau đó, bọn cầm quyền rút xuống thành bản án 25 năm lao động cưỡng bức. Ngài chỉ tìm lại được tự do vào năm 1990, khi chế độ cộng sản sụp đổ.

“Tôi không bao giờ ngừng cầu nguyện”

Mặc dù chịu nhiều đau khổ, Đức Hồng Y cho biết ngài không bao giờ ngừng cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ ngài, bởi vì “bất cứ ai nói rằng mình yêu mến Chúa Giêsu, thì phải luôn luôn tuân giữ lời Ngài là yêu mến cả những kẻ làm hại mình; và khi chúng ta nói rằng Chúa Giêsu vẫn còn sống, thì đó không phải là chuyện thần thoại: đó là sự thật. Chính Ngài là Đấng đã ban cho tôi sức mạnh để đối mặt với nhà tù.”

Đức Hồng Y đặc biệt chú trọng đến tầm quan trọng của sự tha thứ, bởi vì đó là điều “đã mang Chúa Giêsu đến với thế giới”.

Trong suốt những diễn từ của mình, Đức Hồng Y chưa bao giờ sử dụng những từ ngữ căm ghét hay oán giận đối với những cai ngục của mình, bởi vì ngài tin rằng “chỉ có tình yêu mới có khả năng chinh phục được con người.”

Trong thân phận một tù nhân, Đức Hồng Y đã cố gắng cử hành thánh lễ bất cứ khi nào có thể, sử dụng bánh mì mà ngài tự nướng, và nho mà ngài nghiền nát bằng tay để làm rượu để có thể dâng lên bàn thờ.

Source: Aleteia “God saved me,” says a cardinal who was tortured and condemned to death

Thế Giới Nhìn Từ Vatican

Đọc nhiều nhất Bản in 11.06.2019 17:43