Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Video: Tại sao linh mục thánh thiện như cha Evan Harkins lại tự sát? Tiết lộ của Đức Giám Mục bản quyền

§ Thế Giới Nhìn Từ Vatican

1. Đức Giám Mục bản quyền tiết lộ nguyên nhân cha Evan Harkins tự sát.

Như chúng tôi đã đưa tin, trong thông cáo báo chí đưa ra vào chiều thứ Ba 28 tháng Giêng, Giáo phận Kansas City-St. Joseph cho biết Cha Evan Harkins, 34 tuổi, đã tự sát vào buổi sáng cùng ngày.

Hôm thứ Bẩy, mùng 1 tháng Hai, Đức Cha Vann Johnston, là Giám Mục bản quyền của địa phận đã cử hành thánh lễ an táng cho Cha Evan Harkins. Ngài đưa ra nhận xét rằng Cha Evan Harkins sẽ được mọi người nhớ đến như một mục tử thánh thiện, yêu mến chức tư tế và Giáo hội. Ngài cũng tiết lộ rằng Cha Evan Harkins không bị trầm cảm, và tác dụng phụ của một loại thuốc được bác sĩ kê toa có thể đã góp phần vào cái chết của ngài.

“Đầu tiên, tôi muốn bày tỏ nỗi buồn của chúng tôi và sự bảo đảm về tình yêu và lời cầu nguyện cho Cha Evan và gia đình”. Đức Cha Vann Johnston nói như trên khi mở đầu bài giảng của ngài trong thánh lễ an táng.

Ngài nói tiếp với gia đình Cha Evan Harkins như sau: “Anh chị em đã đột ngột ngỡ ngàng khi chia sẻ đầy đủ hơn mầu nhiệm thập giá. Chúng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn anh chị em. Bởi vì thật luôn rõ ràng một các sâu sắc là sự thánh thiện của Cha Evan đã bắt nguồn từ cuộc sống gia đình của anh chị em.”

Lễ tang của ngài được cử hành tại St. Therese North Catholic Church tại Parkville, Missouri. Đây là một trong những ngôi nhà lớn trong vùng để có đủ chỗ cho những người tham dự.

Đức Cha Vann Johnston của Kansas City-St. Joseph, là vị chủ tế và thuyết giảng trong thánh lễ.

Cha Harkins là Cha Sở tại Giáo xứ St. James và là quản xứ cho Giáo xứ St. Patricks. Ngài đã phục vụ tại giáo xứ St. James từ năm 2012 và được tiếng là một linh mục thánh thiện, và khiêm nhường, được nhiều người yêu mến. Kể từ khi ngài qua đời, giáo dân và bạn bè đã nêu lên nhiều nghi vấn về những yếu tố nào có thể đóng góp vào quyết định kết liễu cuộc đời của ngài.

Đức Cha Johnston đã cho biết:

“Cha Evan Harkins lúc nào cũng là một linh mục vui vẻ, tràn đầy niềm tin, hy vọng, tận tụy với sứ vụ của mình. Ngài không bao giờ trải qua trầm cảm hoặc thất vọng.”

Ngài nhấn mạnh rằng: “Cha Harkins luôn ‘bước đi ở bên ánh sáng’ của cuộc sống.”

Trong khi thừa nhận rằng nguyên nhân đầy đủ dẫn đến quyết định tự tử của vị linh mục có thể sẽ không bao giờ được biết, cho đến khi chúng ta về tới thiên đàng, với sự đồng ý của gia đình, Đức Cha Johnston, giải thích rằng tác dụng phụ của các loại thuốc vị linh mục được kê toa có khả năng góp phần khiến ngài tự tử.

Đức Cha Johnston tiết lộ rằng từ cuối tháng 12 năm ngoái, Cha Harkins “bắt đầu gặp phải một số suy giảm nghiêm trọng về sức khỏe khiến ngài hết sức lo lắng. Dạ dày và đường tiêu hóa của ngài ngừng hoạt động và ngài không thể ăn được.”

“Không ăn được kết hợp với những ‘lo lắng cùng cực’, Cha Harkins còn hoang mang hơn nữa khi các bác sĩ không biết trường hợp của ngài có phải là một nguyên nhân hay là một tác động của các vấn đề liên quan đến dạ dày của mình.”

“Ngài đã được bác sĩ kê toa một loại thuốc để đối phó với sự lo lắng. Nhưng loại thuốc này đã tạo qua một số tác dụng phụ cực kỳ tệ hại nơi Cha Harkins. Ngài trải qua những cơn ác mộng khủng khiếp, bên cạnh những thứ khác nữa.”

Vì thế, Đức Cha Johnston, nhận định rằng: “Xem xét những yếu tố này, tôi không tin rằng Cha Harkins có một tâm trí bình thường khi ngài qua đời hồi đầu tuần qua.”

Đức Cha Johnston cho biết thêm là cha mẹ, các em và bạn bè của Cha Harkins cũng nhận thấy trong một tháng trước khi ngài qua đời mọi thứ xem ra có vẻ “bất thường”, và “có một cái gì đó nghiêm trọng” đã và đang xảy ra.

Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng “tự nguyện hợp tác trong việc tự tử là trái với luật luân lý,” nhưng nói thêm rằng “Người tự sát vì những rối loạn tâm thần trầm trọng, quá lo âu và sợ hãi trước một thử thách, trước đau khổ hoặc sợ bị tra tấn, có thể được giảm bớt trách nhiệm.”

Sách Giáo Lý cũng nhấn mạnh nói rằng: “Ta không được tuyệt vọng về phần rỗi đời đời của những người tự tử. Thiên Chúa có thể thu xếp cho họ có cơ hội sám hối để được ơn tha thứ, bằng những đường lối mà chỉ một mình Người biết. Vì thế, Hội Thánh vẫn cầu nguyện cho những người hủy hoại mạng sống mình.”

Đức Cha Johnston bày tỏ hy vọng về lòng thương xót Chúa trong trường hợp Cha Harkins. Ngài nói: “Hy vọng của chúng ta là Cha Evan Harkins giờ đây đang trong vòng tay Chúa Kitô. Và đó cũng là hy vọng của chúng ta một ngày kia được hưởng kiến thánh nhan Chúa. Chúng ta tin tưởng vào hồng ân Lòng Thương Xót tuyệt vời của Thiên Chúa tuôn trào đến chúng ta thông qua Trái tim bị xuyên thủng của Chúa Kitô. Hình ảnh này là một sự sùng kính trung tâm của Cha Harkins, và là tâm điểm cuộc sống tinh thần của ngài.”

“Và vì thế, chúng ta có thể vững dạ thưa cùng Chúa: Lạy Chúa, con tin tưởng nơi Chúa và phó thác Cha Evan Harkins trong vòng tay thương xót của Chúa Kitô.”

2. Đức Giáo Hoàng Phanxicô xuất bản một cuốn sách với những suy tư về Thánh Gioan Phaolô II

Đức Thánh Cha Phanxicô là đồng tác giả một cuốn sách suy tư về cuộc đời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sẽ được xuất bản bằng tiếng Ý.

Cuốn sách có tựa đề “San Giovanni Paolo il Grande” nghĩa là “Thánh Gioan Phaolô II vĩ đại”. Cuốn sách này là sản phẩm của một loạt các cuộc trò chuyện giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Cha Luigi Maria Epicoco diễn ra từ tháng 6 năm 2019 đến tháng Giêng năm 2020. Lời nói đầu của cuốn sách cho biết như trên.

Cuốn sách dự kiến sẽ được xuất bản vào khoảng thời gian lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đức Karol Wojtyla vào ngày 18 tháng 5.

Khi Đức Wojtyla trở thành Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1978, Đức Phanxicô lúc ấy là linh mục Jorge Mario Bergoglio, bề trên tỉnh Dòng Tên ở Á Căn Đình. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Cha Bergoglio làm Giám Mục Phụ Tá vào năm 1992, sau đó nâng ngài thành Tổng giám mục của Buenos Aires vào năm 1998, trước khi tấn phong Hồng Y cho ngài vào năm 2001. Đức Phanxicô đã tuyên thánh cho Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 2014.

Cha Epicoco, 39 tuổi, đã viết khoảng hai chục cuốn sách về tâm linh kể từ khi được thụ phong linh mục vào năm 2005. Tiêu biểu nhất là cuốn như “John Paul II: Memories of a Holy Pope” nghĩa là “Đức Gioan Phaolô II: Những hồi ức về một vị Giáo Hoàng Thánh Thiện”, mà cha đã viết chung với Đức Tổng Giám Mục Piero Marini vào năm 2014. Dưới triều Giáo Hoàng của Đức Gioan Phaolô II, Đức Tổng Giám Mục Piero Marini là trưởng ban nghi lễ phủ Giáo Hoàng. Chức vụ này hiện nay do Đức Ông Guido Marini đảm nhận.

Cha Epicoco là giáo sư triết học tại Đại học Giáo Hoàng Lateranô ở Rôma, và diễn thuyết khắp nước Ý.

Đức Giáo Hoàng rất ngưỡng mộ Cha Epicoco. Trong dịp gặp gỡ chúc mừng Giáng Sinh với giáo triều Rôma hồi tháng 12 vừa qua, Đức Phanxicô đã tặng cho mỗi thành viên trong giáo triều La Mã một cuốn sách của vị linh mục người Ý này. Cuốn sách có tựa đề “Qualcuno a cui guardare. Per una spiritualità della testimonianza”, nghĩa là “Ai đó để nhìn lên: Một linh đạo của chứng nhân”.

3. Giáo hội tại El Salvador công bố Năm Thánh kỷ niệm 40 năm ngày tử đạo của Thánh Oscar Romero

Tử đạo là bằng chứng lớn nhất về đức tin, bởi vì vị tử đạo tái tạo một cách trung thành hình ảnh Chúa Kitô thí mạng sống mình để những người khác có thể có được sự sống dồi dào. Hội Đồng Giám Mục El Salvador đã nhấn mạnh như trên trong tuyên bố chuẩn bị Năm Thánh các Thánh tử đạo, nhân dịp 40 năm sau ngày tử đạo của Thánh Oscar Arnulfo Romero.

Năm Thánh các Thánh tử đạo El Salvador sẽ được cử hành từ 12 tháng Ba năm nay, đến ngày 11 tháng Ba, 2021. Ngày 12 tháng 3 là ngày kỷ niệm 43 năm ngày tử đạo của Cha Ruilio Grande; ngày 24 tháng 3, kỷ niệm 40 năm ngày tử đạo của Thánh Oscar Arnulfo Romero; ngày 14 tháng 6, kỷ niệm 40 năm ngày tử đạo của Cha Cosme Spessotto.

Trong ba ngày 31 tháng 7, 1 và 2 tháng 8, sẽ có một cuộc hành hương vĩ đại đến Ciudad Barrios, nơi sinh của Thánh Oscar Arnulfo Romero và Đại hội toàn quốc về các vị tử đạo.

Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero sinh ngày 15/08/1917 trong một gia đình có 8 người con. Ngài được thụ phong linh mục tại Rôma vào ngày 04/04/1942.

Sau khi thụ phong linh mục cha Romero tiếp tục ở lại Roma để theo học chương trình tiến sĩ thần học. Nhưng vì cuộc nội chiến tại El Salvador và Giáo Hội tại nước này thiếu linh mục, ngài được gọi về nước.

Và trong hơn 20 năm sau đó, ngài làm cha xứ và thư ký cho Tòa giám mục San Miguel. Năm 1970, cha Oscar Romero được tấn phong giám mục và làm phụ tá cho Đức Cha Chavéz, Tổng Giám Mục San Salvador và ngày 23/02/1977, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của San Salvador.

Ngày 12/03/1977, một linh mục dòng Tên, là cha Rutilio Grande – một trong những linh mục đầu tiên được ngài truyền chức và là một người can đảm đấu tranh cho những người nghèo – bị sát hại.

Chứng kiến cảnh một linh mục can đảm đấu tranh cho người nghèo bị giết hại như vậy, Ðức cha Romero đã phản ứng rất mạnh. Ngài đã ra lệnh đóng cửa trường học do Giáo Hội điều hành trong ba ngày và đình hoãn mọi thánh lễ trên toàn quốc trong tuần lễ kế tiếp, ngoại trừ một thánh lễ đặc biệt tại nhà thờ chính tòa San Salvador.

Trong bài giảng tại thánh lễ đặc biệt đó cũng như trong các thánh lễ các Chúa Nhật tiếp theo, ngài đã lên tiếng tố cáo những tội ác, bất công do giới cầm quyền gây nên.

Để phản đối việc chính phủ liên quan đến hay thinh lặng trước các vụ bắt bớ, giết hại, ngài đã không tham dự lễ nhậm chức của tân tổng thống của nước này. Ngài tuyên bố: “Giáo Hội không được đo lường bằng sự hỗ trợ của chính phủ mà bằng chính tính trung thực, tinh thần cầu nguyện theo tinh thần Tin Mừng, lòng tin tưởng, sự chân thành và công lý, nhất là khi Giáo Hội chống lại các lạm dụng”.

Một cử chỉ khác được coi là mạnh dạn là việc ngài quyết định cho mở cửa chủng viện tại trung tâm thủ đô San Salvador và ngày thứ hai Phục Sinh năm 1978 để đón tiếp bất cứ nạn nhân nào của các vụ bạo động. Hàng trăm người vô gia cư, đói rách và bị hành hung đã đến chủng viện.

Và một quyết định nữa nói lên việc ngài toàn tâm toàn lực đấu tranh cho công lý, cho người nghèo là việc ngài cho ngưng xây cất nhà thờ Chính tòa San Salvador. Ngài nói: “Khi nào chiến tranh chấm dứt, những người đói khổ được ăn uống đầy đủ và trẻ con được giáo dục, lúc đó chúng ta sẽ tiếp tục xây cất nhà thờ chính tòa”.

Chính sự cương quyết và can đảm đó, ngài đã trở thành cái gai trong mắt những người có quyền, có thế lực tại El Salvador. Ngài luôn bị đe dọa, luôn phải đối diện với nguy hiểm. Biết vậy, ngài vẫn không im lặng, hay tìm một nơi khác an toàn. Chiều ngày 24/3/1980, Đức Cha Romero cử hành Thánh lễ cầu hồn cho thân mẫu của một người bạn tại nguyện đường của một bệnh viện ở thủ đô San Salvador. Ngài bị bắn chết ngay sau bài giảng nẩy lửa của mình.

4. Các Giám Mục tại Thánh Địa lo ngại kế hoạch Trung Đông của Hoa Kỳ có thể dẫn đến đổ máu nhiều hơn nữa

Kế hoạch hòa bình cho Israel và Palestine vừa được công bố trong tuần này không phải là một giải pháp, các giám mục Công Giáo tại Thánh địa cho biết hôm thứ Tư.

Kế hoạch này sẽ không mang lại giải pháp nào mà thay vào đó sẽ tạo ra nhiều căng thẳng và có thể gây thêm bạo lực và đổ máu nhiều hơn, theo một tuyên bố của Hội đồng các Đấng Bản Quyền Công Giáo tại Thánh Địa bao gồm các đại diện cho những Kitô hữu theo nghi thức Latin, Melkite, Maronite, Syria, Armenia và Chanđê hiệp thông hoàn toàn với Rôma.

Tuyên bố nói rằng kế hoạch này là một chiều, có lợi cho các yêu sách truyền thống của Israel về giải pháp hai nhà nước và chỉ là một sáng kiến đơn phương, không có sự thỏa thuận của người Palestine, cũng chẳng tôn trọng quyền bình đẳng và nhân phẩm của họ.

“Kế hoạch hòa bình này chỉ là một sáng kiến đơn phương, vì nó tán thành gần như tất cả các yêu sách của một bên, là phía Israel và chương trình nghị sự chính trị của Israel”, bản tuyên bố viết.

“Mặt khác, kế hoạch này không thực sự cân nhắc những yêu cầu chính đáng của người dân Palestine đối với quê hương, quyền lợi và cuộc sống tôn nghiêm của họ.”

Kế hoạch “Từ hòa bình đến Thịnh vượng”, đã được công bố bởi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, như một cố gắng của Hoa Kỳ và Do Thái trong việc vạch ra một con đường dẫn đến việc công nhận chủ quyền của Palestine như một phần của “giải pháp hai nhà nước”.

Các nhà lãnh đạo Palestine được cho thời hạn bốn năm để chấp nhận hay bác bỏ. Kế hoạch này sẽ vẽ lại đường biên giới cho một quốc gia Palestine mới với thủ đô là al Quds, là tên tiếng Ả Rập của thành phố Giêrusalem, bao gồm một phần của Đông Giêrusalem. Tuy nhiên, phần còn lại của thành phố - bao gồm khu Thành Cổ - sẽ vẫn là một phần của Israel.

Israel cũng sẽ giữ lại khoảng một phần ba diện tích Tây Ngạn, bao gồm các khu định cư hiện tại và Thung lũng Jordan. Sẽ có bốn năm tạm dừng không mở rộng các khu định cư của Israel vào phần lãnh thổ được đề xuất là sẽ thuộc về Palestine, nhưng không có sự trì hoãn đối với các khu định cư trong ranh giới tương lai được đề xuất là thuộc về Israel ở Tây Ngạn.

Xuất hiện cùng với Tổng thống Trump hôm thứ Ba tại Toà Bạch Ốc, thủ tướng Netanyahu nói rằng Israel sẽ áp dụng ngay luật pháp của mình đối với các khu vực sẽ nằm dưới sự kiểm soát của họ trong các ranh giới được đề xuất, bao gồm Thung lũng Jordan và các cộng đồng Do Thái ở Judea và Samaria.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã từ chối kế hoạch hôm thứ Ba, nói rằng “kế hoạch này sẽ không thông qua”.

U.S. Middle East plan could lead to 'more bloodshed', bishops warn

5. Vài con số thống kê về các linh mục, tu sĩ nam nữ tại Hoa Kỳ nhân ngày đời sống thánh hiến

Nhân ngày Ðời sống thánh hiến 02 tháng 02 năm 2020, Ðức Cha James Checchio của giáo phận Metuchen, Chủ tịch Ủy ban giáo sĩ, đời sống thánh hiến và ơn gọi của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã nhấn mạnh đến chứng tá của những người sống đời thánh hiến.

Mỗi năm, Giáo Hội Công Giáo kỷ niệm Ngày Ðời sống thánh hiến vào ngày 02 tháng 02 để nhìn nhận vai trò thiết yếu của những người tận hiến trong đời sống của Giáo hội và cầu nguyện cho họ.

Ngày Ðời sống thánh hiến đã được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thành lập vào năm 1997, vào ngày lễ Ðức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thờ, còn được gọi là Ngày lễ nến, kỷ niệm Chúa Kitô, Ánh sáng của thế giới, đến với thế gian, thông qua ánh sáng tượng trưng của những ngọn nến. Tương tự như thế, những người nam nữ tận hiến được kêu gọi để truyền bá ánh sáng và tình yêu của Chúa Giêsu Kitô thông qua chứng tá độc đáo của họ, như chăm sóc người nghèo, cầu nguyện chiêm niệm hoặc thông qua nghề nghiệp chuyên môn của họ.

Ðức Cha Checchio nói: “Những người nam nữ thánh hiến là một kho tàng đặc biệt trong Giáo hội; qua họ, tình yêu của Chúa Giêsu trở nên hữu hình. Bằng cách dành cả cuộc đời để theo Chúa Kitô, những người tận hiến đặc biệt có thể tiếp cận với những người ở vùng ngoại biên của xã hội của chúng ta và mang thông điệp Tin Mừng cho tất cả những người nghèo khổ.”

Mỗi năm, Ủy ban giáo sĩ, đời sống thành hiến và ơn gọi yêu cầu Trung tâm nghiên cứu ứng dụng tông đồ thực hiện một cuộc khảo sát về những tu sĩ khấn trọn tại Hoa Kỳ trong năm 2019.

Cuộc điều tra cho thấy độ tuổi trung bình của các tu sĩ này là 39; người trẻ nhất là 24 tuổi và lớn nhất là 71.

69% số tu sĩ là người da trắng, 10% là người Mỹ gốc Latinh và 9% là người Á châu. 74% các tu sĩ này sinh tại Mỹ; những người không sinh tại Mỹ phần lớn có nguồn gốc từ Phi Luật Tân. 25% số tu sĩ này đã có bằng cấp chuyên môn trước khi vào dòng tu. 74% số nữ tu này có ít nhất là bằng tú tài, trong khi nam giới là 69%.

89% số tu sĩ này đã từng phục vụ trong giáo xứ trước khi gia nhập dòng tu; đa số là người đọc sách, giúp lễ hay Thừa tác viên trao Mình Thánh. 91% số tu sĩ này thường tham dự những hình thức hoạt động cầu nguyện cá nhân trước khi vào dòng tu. 60% tham gia chầu Thánh Thể hay đọc kinh Mân Côi trước khi vào dòng. Gần 60% tham gia các khóa tĩnh tâm hay linh hướng trước khi nhập dòng.

6. 4 cộng tác viên của SOS Chrétiens d'Orient mất tích tại Baghdad

Vẫn chưa có tin tức nào về bốn cộng tác viên của tổ chức phi chính phủ SOS Chrétiens d'Orient, một tổ chức phi chính phủ của Pháp, đã mất tích mà không có tin tức nào từ hôm 20 tháng Giêng năm 2020 tại Baghdad, thủ đô Iraq.

Những người này đến Bagdad để gia hạn thị thực và đăng ký tổ chức của họ tại cơ quan công quyền có thẩm quyền của Iraq.

Trong một thông cáo báo chí được đăng trên mạng xã hội vào thứ Sáu 24 tháng 01 năm 2020, tổ chức SOS Chrétiens d'Orient đã báo cáo rằng họ đã mất liên lạc với bốn nhân viên của mình kể từ thứ Ba 21 tháng Giêng năm 2020, và họ đã báo cáo sự mất tích của bốn người cho chính quyền Pháp và Iraq.

Tổ chức phi chính phủ của Pháp nhấn mạnh rằng bốn nhân viên mất tích là những người có kinh nghiệm, sức khỏe tốt và có kiến thức tốt về các khu vực khủng hoảng mà họ hoạt động và luôn tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn được cập nhật để đối phó với các nguy hiểm đang nổi lên trong khu vực trong khi thực hiện các chương trình của họ.

Tổ chức SOS Chrétiens d'Orient có trụ sở chính tại Paris là tổ chức chuyên hỗ trợ các cộng đồng Kitô giáo ở Ðông phương, cũng thông qua việc tài trợ cho các dự án xã hội và giáo dục. Hiện tại, tổ chức này hiện diện với “các sứ vụ thường trực” tại Syria, Iraq, Liban và Ai Cập. Theo dữ liệu được báo cáo vào năm 2019 bởi báo Le Figaro, kể từ khi bắt đầu hoạt động, Hiệp hội đã gửi khoảng 1,500 nhân viên và tình nguyện viên để thực hiện các dự án của họ ở Trung Ðông.

7. Tổng thống Indonesia chính thức mời Ðức Thánh Cha thăm nước này.

Sau các tin tức loan truyền về việc Ðức Thánh Cha Phanxicô muốn thăm Indonesia, Tổng thống Joko Widodo của nước này đã chính thức gửi thư mời Ðức Thánh Cha Phanxicô thăm Indonesia, quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo.

Bản sao của lá thư chính thức đang lan truyền trên mạng xã hội. Trong thư, Tổng thống Widodo nói rằng ông đã được thông báo về kế hoạch viếng thăm Indonesia của Ðức Giáo hoàng và ông viết: “Về vấn đề đó, tôi rất vui mừng được gửi đến Ðức Thánh Cha, như là vị lãnh đạo tinh thần của Giáo Hội Công Giáo, một lời mời chính thức đến làm khách của chúng tôi.”

Ông Widodo nói rằng một chuyến viếng thăm của vị Giáo hoàng sẽ củng cố thêm các mối dây liên kết giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo tại Indonesia. Ông viết: “Chuyến thăm của ngài sẽ mang lại động lực rất tốt trong việc củng cố tình hữu nghị và hợp tác vì lợi ích chung của chúng ta. Xin Ðức Thánh Cha hãy đón nhận lòng kính trọng cao nhất của tôi.”

Cố vấn Tổng thống, ông Shanti Purwono, xác nhận rằng thư mời đã được gửi đến Vatican.

Sau cuộc gặp gỡ với Ðức Thánh Cha vào ngày 15 tháng 01 năm 2020, Yahya Cholil Staquf, Tổng Thư ký của tổ chức Nahdlatul Ulama, tổ chức Hồi giáo lớn nhất tại Indonesia, đã nói với hãng tin Công Giáo của Mỹ rằng Ðức Giáo hoàng Phanxicô có ý định thăm Indonesia và Ðông Timor cũng như Papua New Guinea vào tháng 9 năm 2020.

Hội đồng Tôn giáo vì Hòa bình của Indonesia nhận định rằng một chuyến viếng thăm của Ðức Giáo hoàng sẽ là một sự thúc đẩy đáng hoan nghênh cho các mối quan hệ liên tôn. Phát ngôn nhân của Hội đồng nói: “Chuyến thăm có thể củng cố mối quan hệ Công Giáo-Hồi giáo bằng cách thúc đẩy đối thoại và hợp tác liên tôn.” Ông nói thêm rằng khi đến Indonesia, Ðức Giáo hoàng sẽ nhìn thấy sự năng động của các mối quan hệ giữa các cộng đồng tôn giáo.

Cha Antonius Benny Susetyo, một thành viên của ủy ban Tổng thống về thăng tiến sự khoan dung chung, khuyến khích Tổng thống Widodo thúc đẩy chuyến viếng thăm. Cha gọi lời mời là cơ hội tốt trong khuôn khổ chính trị quốc tế để thể hiện sự cam kết mạnh mẽ đối với văn hóa đối thoại giữa các cuộc xung đột khác nhau trên thế giới ngày nay.

Thế Giới Nhìn Từ Vatican

Đọc nhiều nhất Bản in 05.02.2020 16:42