Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Video: Những hình ảnh thật xúc động Lễ Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu tại Ý giữa đại dịch kinh hoàng

§ Thế Giới Nhìn Từ Vatican

1. Một nhóm thanh niên Công Giáo Bỉ khiếu nại về việc tiếp tục đóng cửa các nhà thờ

Tính đến ngày thứ Hai 25 tháng Năm, tử vong toàn thế giới đã lên đến 346, 761 người, trong số 5, 502,512 trường hợp nhiễm coronavirus.

Tại Bỉ cho đến nay đã có 9, 280 trường hợp tử vong, trong số 57, 092 trường hợp nhiễm coronavirus.

Một nhóm khoảng 100 thanh niên Công Giáo đã khiếu nại trước Hội đồng Nhà nước để đảo ngược lệnh từ hội đồng an ninh quốc gia đình chỉ các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự với lý do nhằm giúp chống lại sự lây lan của coronavirus.

Hiện tại, chính phủ đã ra lệnh đình chỉ tất cả các cuộc tụ họp tôn giáo. Ngoại lệ duy nhất là đám tang, với tối đa 30 người tham dự. Cho đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này, các cử hành tôn giáo chỉ được phát sóng trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Nhóm này được đại diện bởi Fernand Keuleneer, từng là luật sư đại diện cho Đức Hồng Y quá cố Godfried Danneels, trong các tranh chấp của ngài với hệ thống pháp lý các trường hợp lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ.

Fernand Keuleneer nói: “Tất nhiên, chúng tôi chấp nhận các quy định an toàn có lợi cho sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, sự cấm đoán không trưng dẫn được các lý do chính đáng, không cân xứng và vi phạm quyền tự do tôn giáo như được bảo đảm trong Hiến pháp.”

Mục đích của Hội đồng Nhà nước là xem xét kỹ lưỡng các quyết định chính thức của chính quyền các cấp, từ thành phố đến liên bang. Nhóm các thanh niên Công Giáo đã nộp đơn xin tạm thời dừng lệnh đình chỉ các Thánh lễ ngay lập tức, cho đến khi vụ án có thể được xét xử đầy đủ sau đó.

Một trong những người sáng lập của nhóm, sinh viên Wouter Suenens, nói với De Standaard rằng việc nộp đơn của họ đến quá muộn không kịp cho Lễ Thăng thiên, nhưng hy vọng sẽ cứu vãn được Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Chúng tôi không hiểu tại sao hàng trăm người có thể đến Ikea, nhưng ba mươi người không thể đi đến các Thánh lễ. Và tại sao các tang lễ thì được phép, nhưng đám cưới và rửa tội thì lại không?

Nhóm này đã chỉ ra một quyết định trong tuần qua bởi Hội đồng Nhà nước ở Pháp, nơi đã ra phán quyết rằng việc cấm các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự là một điều không tương xứng và là một cuộc tấn công nghiêm trọng và rõ ràng là bất hợp pháp vào quyền tự do tôn giáo.

Hồi đầu tháng Năm, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nói các Thánh lễ chỉ có thể được tái tục vào ngày 2 tháng Sáu. Trong khi các Giám Mục nước này xin được tái tục các Thánh lễ sớm hơn chỉ có 2 ngày, tức là vào ngày 31 tháng Năm. Edouard Philippe nói rằng ông “sẵn sàng nghiên cứu khả năng các cử hành tôn giáo có công chúng tham dự có thể tiếp tục vào ngày 31 tháng Năm.” Đó là chiêu câu giờ. Ông ta chả nghiên cứu gì cả và cũng không thể giải thích được sự khác biệt trong 2 ngày ngắn ngủi đó. Cuối cùng, các Giám Mục đã khiếu nại lên Hội đồng Nhà nước và đã được tái tục các Thánh lễ ngay tức khắc.

Tại Đức, tòa án hiến pháp đã bãi bỏ lệnh cấm tương tự vào cuối tháng Tư.

Riêng tại Tây Ban Nha, mặc dù hầu hết các sinh hoạt thường nhật đã được tái tục, chính phủ của Thủ tướng Mácxít, Pedro Sánchez, đã cấm các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự đến ít nhất là cuối tháng 7.

2. Một nhà thờ bị đốt vì muốn mở lại các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự

Nhà chức trách đang nghi ngờ vụ cháy nhà thờ ở Mississippi là một vụ khủng bố. Vụ hỏa hoạn đã xảy ra khoảng một tháng sau khi nhà thờ Ngũ Tuần của Holly Springs đưa đơn kiện thành phố là vi hiến khi ra lệnh đóng cửa nhà thờ cuả họ.

Nhà thờ First Pentecostal Church of Holly Springs nằm ở thành phố Holly Springs, Mississippi, đã bị cháy rụi hôm thứ Tư, 20 tháng Năm. Lính cứu hỏa đã phải chiến đấu với ngọn lửa tới 2 giờ khuya nhưng đã phải chịu thua không thể cứu được tòa nhà.

Nhân viên điều tra hỏa hoạn mô tả vụ việc là một vụ nổ từ phía sau nhà thờ, làm hư hại đến tận mặt trước của tòa nhà. Ngôi nhà thờ được tuyên bố là bị phá hủy hoàn toàn.

Người ta đã lượm được một số lon sơn xịt tại hiện trường. Một hàng chữ nguệch ngoạc viết rằng “Chúng bay là những kẻ giả hình”. Chữ giả hình viết sai chính tả là hypokrits, cho thấy trình độ học vấn của những kẻ phá hoại.

Những yếu tố này, theo bà Kelly McMillen, một quan chức cuả quận Marshall, đã khiến nhà chức trách nghi ngờ là một vụ đốt nhà cố tình.

Mục sư Jerry Waldrop, đã lãnh đạo cộng đồng Ngũ Tuần này hơn 30 năm, cho biết ông “sẽ tiếp tục giữ vững niềm tin, và tiếp tục làm những gì chúng tôi vẫn làm.”

“Tôi sẽ họp với giáo dân và có thể chúng tôi sẽ thuê một tòa nhà hoặc bất cứ điều gì chúng tôi cần làm trong thời gian này, “ mục sư Wald Waldrop nói. Ông cho biết nhà thờ của ông có đủ phương tiện để xây dựng lại, và ông không biết nghi phạm là ai.

Thống đốc Mississippi Tate Reeves viết trên Twitter hôm thứ Năm rằng ông rất đau lòng và tức giận khi nghe tin nhà thờ bị đốt cháy.

“Đại dịch này đang làm gì trên chúng ta? Chúng ta cần cầu nguyện cho đất nước này, ” Ông Reeves nói.

Mục sư Waldrop, nhân danh cộng đoàn của mình, đã đệ đơn kiện thành phố Holly Springs ngày 23 tháng 4, một ngày sau khi một buổi nghiên cứu Kinh Thánh hàng tuần của ông bị ba nhân viên cảnh sát cuả Holly Springs giải tán. Rồi vào Chúa Nhật Phục sinh, ông Waldrop lại bị trao giấy phạt là vi phạm lệnh cô lập của thành phố khi ông tổ chức một nghi thức ở bên trong tòa nhà thay vì ở ngoài bãi đậu xe.

Để phản đối giấy phạt, ông Waldrop đã đưa giáo dân của ông đến một tiệm Walmart gần đó, ở nơi đó, họ đã tụ tập mà không gặp sự cố nào nữa.

Các nhà thờ, theo lệnh cấm cửa cuả thành phố Holly Springs ngày 30 tháng 3 năm 2020, được liệt kê là những cơ sở không quan trọng. Theo ý kiến cuả đương đơn, các điều khoản của lệnh này đã đi xa đến mức chính ông Waldrop cũng không được phép tự mình vào văn phòng cuả nhà thờ.

3. Ngoại trưởng Pompeo: Conavirus cho thấy bản chất của đảng Cộng sản Trung Quốc trở nên rõ ràng hơn.

Giữa lúc xảy ra cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Trung Quốc về cuộc khủng hoảng COVID-19, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói hôm Chúa Nhật 24 tháng Năm rằng tính chất độc đoán của Đảng Cộng sản đang cai trị Trung Quốc và ước muốn phủ trùm ảnh hưởng bá quyền của họ trên toàn thế giới đã trở nên rõ ràng hơn chính là kết quả của đại dịch coronavirus.

Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Pompeo đã lập đi lập lại rằng họ nghi ngờ loại coronavirus chủng mới được phát giác lần đầu tiên ở Vũ Hán đã được xuất phát từ phòng thí nghiệm. “Bản chất của Đảng Cộng sản Trung Quốc bây giờ, tôi nghĩ, đã trở nên rõ ràng là kết quả của chủng coronavirus này. Những ai trong chúng ta từng theo dõi về việc này đã thấy những tình tiết trong vụ này nói lên cho thế giới nghe về nguy cơ đó. Chúng ta biết bản chất của những chế độ độc đoán. Chúng ta biết chuyện gì sẽ xảy ra khi nơi đó không có tự do, khi các nhà báo không thể nói chuyện với nhau, ” ông Pompeo nói với trang tin SkyNews Australia

“Rồi chúng ta lại chứng kiến cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc với ước muốn lan rộng ảnh hưởng bá quyền ra khắp thế giới, dù thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường hay những nỗ lực khác nhằm sử dụng các doanh nghiệp quốc doanh nhằm đạt được những thành quả về chính trị và an ninh quốc phòng.” Ông Pompeo nói rằng đó là những điều mà thế giới có thể thấy về Trung Quốc từ hậu quả của đại dịch coronavirus. “Họ thấy các phản ứng bao che, giấu diếm, không bảo vệ, bảo đảm, và giữ an toàn cho người dân- đó là những thứ mà chế độ độc đoán thường làm theo bản chất tự nhiên của chúng, và đó là những gì đã xảy ra với thế giới do coronavirus. Tôi nghĩ rằng các quốc gia trên khắp địa cầu đều có thể thấy điều đó bây giờ, ” ông nói.

Lập lại rằng cả Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới ít nhất là từ tháng 12 đến tháng 2 năm nay đã cố che đậy những gì đang diễn ra, ông Pompeo cáo buộc rằng họ đều biết điều đó; họ có thông tin.

“Họ biết rằng có nguy cơ này. Chúng ta thấy họ phong toả tỉnh Hồ Bắc nhưng lại để cho các chuyến bay được bay tới Milan, các chuyến bay đến Tehran - những nơi đều bị tác động rất lớn - những chuyến bay đến những nơi như Thành phố New York, tôi cũng chắc chắn là Úc cũng có trong danh sách này, ” ông nói.

“Đó không phải là bản chất của những gì một chính phủ tốt thường làm. Những gì mà chính phủ cố bảo vệ và giữ an toàn vẫn làm là họ sẽ cảnh báo thế giới. Họ sẽ nhờ những chuyên gia giỏi nhất thế giới để giúp giải quyết vấn đề. Họ sẽ bảo bảm rằng toàn thể thế giới có quyền truy cập vào các mẫu virus, vào các phòng thí nghiệm, là tất cả những điều cần thiết để giữ an toàn cho mọi người. Thế nhưng nhà cầm quyền Bắc Kinh đã chọn không làm điều đó và còn tạo ra những rủi ro rất lớn”, ông Pompeo nói.

Khi trả lời một câu hỏi, ông bày tỏ sự phản đối đối với thỏa thuận Sáng kiến Vành đai và Con đường mà chính quyền đảng Lao Động của tiểu bang Victoria tại Úc đang trong thời kỳ ký kết với Trung Quốc. Tổng số trường hợp lây nhiễm coronavirus trên toàn cầu đã tăng lên hơn 5.3 triệu, trong khi số người chết tăng vọt lên tới 34, 000, theo Đại học Johns Hopkins. Riêng số người chết vì dịch coronavirus ở Mỹ là gần 100, 000.

4. Ðền thờ Thánh Mộ ở Giêrusalem được mở cửa lại từ 24 tháng 05 năm 2020.

Sau đúng 2 tháng đóng cửa, từ ngày 24 tháng 03 năm 2020, vì đại dịch corona virus, Ðền thờ Thánh Mộ ở Giêrusalem đã được mở cửa lại cho các khách hành hương kính viếng từ Chúa Nhật 24 tháng 05 năm 2020, Lễ Chúa Lên Trời.

Theo truyền thống Kitô giáo, Ðền thờ Thánh Mộ, Chính Thống Giáo gọi là đền thờ Chúa Phục sinh là nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh, được an táng và sống lại. Ðền thờ phải đóng cửa từ ngày 24 tháng 03 năm 2020 như là biện pháp ngăn ngừa sự lây lan coronavirus. Lần cuối cùng đền thờ phải đóng cửa trong thời gian dài là do trận đại dịch vào năm 1349. Trong Tuần Thánh năm 2020, lần đầu tiên các nghi lễ được cử hành trong đền thờ đóng cửa, không có giáo dân, và được truyền trực tiếp trên mạng internet.

Trong thông cáo chung, 3 vị đứng đầu 3 Giáo Hội coi sóc đền thờ Thánh Mộ: là cha Patton, bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Ðịa; Ðức Thượng phụ Teofilo III của Giáo hội Chính thống Hy Lạp ở Giêrusalem và Ðức Thượng phụ Nourhan Manougian của Giáo hội Tông Truyền Armenia thông báo đền thờ được mở cửa từ 24 tháng Năm và nhấn mạnh rằng “vì lý do an toàn và để tránh nguy hiểm tạo nên sự lây truyền Covid-19 lần nữa, ban đầu chỉ 50 người được vào đền thờ và chỉ những người không bị sốt và không có các triệu chứng nhiễm virus và phải mang khẩu trang mới được vào nhà thờ.”

Các tín hữu hành hương cũng cần tuân theo luật giữ khoảng cách an toàn xã hội, cách nhau ít nhất là 2 mét và “tránh bất kỳ hành động tôn kính nào có thể có sự tiếp xúc thể lý như chạm và hôn các tảng đá, các ảnh tượng, các tường và nhân viên của đền thờ; cũng như luôn tuân theo các hướng dẫn”.

Trong thời kỳ đế quốc Ottoman cai trị Giêrusalem, thỏa ước Nguyên Trạng do Hoàng Ðế Thổ Nhĩ Kỳ Osamn Ðệ Tam đưa ra vào năm 1853 đã quy định Công Giáo nghi lễ La Tinh, Chính Thống Giáo Hy Lạp, Chính Thống Giáo Coptic, Chính Thống Giáo Syria và Giáo Hội Armenia Tông Truyền đều có quyền ngang nhau trong việc coi sóc và cử hành các lễ nghi Phụng Vụ tại 4 đền thờ tại Thánh Ðịa Giêrusalem, trong đó có Nhà Thờ Thánh Mộ.

Thỏa ước cũng quy định một điều trái khoáy là nhà thờ Thánh Mộ được giao cho một gia đình Hồi Giáo gần bên nhà thờ giữ.

Ngày 21 tháng 05 năm 2020, Adeeb Jawad Jouden Alhussein, một tín đồ Hồi giáo được trao nhiệm vụ giữ chìa khóa của đền thờ Thánh Mộ, đã nói với hãng tin của Hội đồng giám mục Ý là “các Giáo hội địa phương đã vui mừng đón nhận tin tức với nhận thức rằng mỗi người sẽ được mời gọi thực hiện phần của mình để áp dụng các biện pháp an toàn, để giữ cho đền thờ được mở và bảo vệ khách hành hương và tín hữu”.

5. Ba Giám Mục thầm lặng tại Hoa Lục qua đời

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tín hữu khắp nơi cầu nguyện cho các tín hữu Công Giáo tại Trung Hoa, khi họ mừng lễ Đức Mẹ Phù Hộ các giáo hữu, quan thầy của đất nước Trung Hoa, tại Đền thờ Đức Mẹ Xà Sơn ở Thượng Hải.

Đức Thánh Cha nói lên tâm tình gần gũi và cầu nguyện chia sẻ niềm hy vọng cậy trông với họ trong cơn thử thách và bách hại hiện nay.

Vào năm 2007, Đức Giáo Hoàng Đức Bênêđíctô XVI đã viết một thư gửi người Công Giáo Trung Quốc, và công bố ngày cầu nguyện cho Giáo hội Trung Quốc, được tổ chức hàng năm vào ngày 24 tháng 5.

Nhân dịp này, Đức Thánh Cha Bênêđictô đã dọn một lời nguyện xin cùng Đức Trinh Nữ, xin Mẹ hướng dẫn Dân Chúa “đi theo con đường của sự thật và yêu thương”.Đức Thánh Cha Bênêđictô cũng cầu khẩn Mẹ Thiên Chúa “giúp người Công Giáo Trung quốc luôn là nhân chứng của niềm tin yêu hy vọng vào Chúa, luôn hợp nhất với nền đá tảng Thánh Phêrô là nền móng trên đó Giáo hội được xây dựng.”

Một diễn biến quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và Trung Quốc đã diễn ra vào ngày 22 tháng 9 năm 2018, với việc hai bên ký kết một Thỏa thuận tạm thời.

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin mô tả hiệp ước này là “một thành quả của một đường dài và đây là điểm khởi đầu” cho “một giai đoạn hợp tác mới vì lợi ích của cộng đồng Công Giáo Trung Quốc và sự hòa hợp của toàn thể xã hội Trung quốc.”

Tuy nhiên sau Thỏa thuận ấy rất nhiều sóng gió, bắt bớ cấm đoán dành cho Giáo hội hầm trú và cả Giáo hội Công khai của Trung quốc như bắt tháo gỡ thánh giá xuống khỏi các thánh đường, ngăn cản hành hương về các trung tâm của Giáo hội tại Trung Hoa. Ngay cả vấn đề bổ nhiệm các Giám mục vẫn là những nan đề khó giải quyết.

Trong lúc đó, một thời gian ngắn gần đây ba Giám mục hầm trú rất kiên cường trung tín cùng Giáo hội hoàn vũ đã lần lượt ra đi, chắc chắn đã để lại những hụt hẫng và chao đảo thách đố lớn cho các tín hữu và Giáo hội tại Trung quốc trong hiện tại cũng như những ngày tháng sắp tới.

Ba vị giám mục hầm trú đã hoàn tất cuộc hành trình dương thế là:

1. Vào tối ngày 20 tháng 11 năm 2019 Đức cha Anrê Đào Duy Tín (Andrea Jin Daoyuan), Giám mục Giáo phận Trường Trị (Changzhi, 长治) tại Sơn Tây, đã qua đời. Hưởng thọ 90.

2. Vào chiều ngày 23 tháng 3 năm 2020, Đức cha Giuse Mã Thống (Joseph Ma Zhongmu), Giám mục của Giáo phận Ngân Xuyên (Yinchuan, 银川) và Ninh Hạ (Ningxia, 宁夏) qua đời ở tuổi 101. Ngài là Giám mục duy nhất gốc người Mông Cổ.

3. Vào sáng ngày 7 tháng 5 năm 2020, Đức cha Giuse Vũ Bảo (Joseph Zhu Baoyu), Giám mục của Giáo phận Nam Dương (Nanyang, 南阳) ở Hà Nam, qua đời ở tuổi 99.

Cả ba vị đều là các Giám mục hầm trú, không được bọn cầm quyền Trung Quốc thừa nhận và bị giam lỏng không được phép thi hành chức vụ Giám mục. Tuy thế các ngài lại là những cột trụ vững mạnh cho các tín hữu tựa nương và là sức mạnh gìn giữ Giáo hội Trung Hoa kết hợp chặt chẽ với Giáo hội hoàn vũ.

Thế Giới Nhìn Từ Vatican

Đọc nhiều nhất Bản in 25.05.2020 15:30