Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Video: Giáo Hội Năm Châu 16/10/2017: Miến Điện trước thềm chuyến tông du của Đức Thánh Cha

§ VietCatholic

- Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào đây

1. Chương trình viếng thăm của Ðức Thánh Cha tại Myanmar

Hôm 10 tháng 10 năm 2017, Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố chi tiết chương trình viếng thăm của Ðức Thánh Cha Phanxicô tại Myanmar và Bangladesh một tuần lễ, từ ngày 27 tháng 11 đến 2 tháng 12 năm 2017.

Ðức Thánh Cha sẽ rời Roma lúc 21 giờ 40 phút đêm Chúa Nhật 26 tháng 11 năm 2017 và đến phi trường quốc tế của cố đô Yangon lúc 13 giờ 30 trưa thứ hai, 27 tháng 11 năm 2017. Nghi thức tiếp đón chính thức diễn ra tại đây.

- Thứ ba hôm sau, 28 tháng 11 năm 2017, lúc 14 giờ chiều, Ðức Thánh Cha sẽ bay đến thủ đô Nay Pyi Taw. Ðây đây lúc 15 giờ 10, ngài sẽ về Phủ Tổng thống Myanmar và tại đây sẽ diễn ra nghi thức chào đón, gặp gỡ tổng thống, rồi gặp Bà Cố vấn kiêm ngoại trưởng Aung San Suu Kyi, trước khi gặp chính quyền cùng với đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại Trung tâm hội nghị quốc tế.

Sau đó lúc 18 giờ 20 phút, ngài bay trở về Yangon và nghỉ đêm tại tòa Tổng Giám Mục địa phương.

- Sáng thứ tư, 29 tháng 11 năm 2017, úc 9 giờ rưỡi, Ðức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ cho các tín hữu tại công viên Kyaikkasan. Ban chiều lúc 16 giờ 15, ngài sẽ đến gặp Hội đồng Tăng Già tối cao của các tăng sĩ Phật giáo tại Trung Tâm Kaba Aye.

Một tiếng sau đó, lúc 17 giờ 15, Ðức Thánh Cha sẽ gặp các Giám Mục Myanmar tại Phòng khánh tiết Nhà thờ Chính Tòa St. Mary.

- Sáng thứ năm, 30 tháng 11 năm 2017, lúc 10 giờ 15, Ðức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ với các bạn trẻ tại Nhà thờ chính tòa này, trước khi ra phi trường Yangon để đáp máy bay lúc 13 giờ trưa, bay sang thủ đô Dhaka của Bangladesh.

2. Chương trình viếng thăm của Ðức Thánh Cha tại Bangladesh

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Thánh Cha sẽ đến thủ đô Dhaka của Bangladesh vào lúc 15 giờ chiều giờ địa phương ngày 30 tháng 11. Sau nghi thức tiếp đón, Ðức Thánh Cha sẽ viếng Ðài tưởng niệm các vị tử đạo của quốc gia ở Savar, rồi viếng Vị Cha của đất nước Bangladesh ở Ðền tưởng niệm Bảo tàng viện Bangabandhu.

Lúc 17 giờ 30, Ðức Thánh Cha thăm Tổng thống tại Phủ Tổng thống, rồi cũng tại đây sau đó, gặp chính quyền, cùng với các đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.

- Thứ sáu, 1 tháng 12 năm 2017, lúc 10 giờ, ngài chủ sự thánh lễ cùng với nghi thức truyền chức linh mục tại Công viên Suhrawardy Udyan.

Ban chiều, lúc gần 15 giờ rưỡi, Ðức Thánh Cha gặp thủ tướng chính phủ Bangladesh tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh rồi viếng nhà thờ chính tòa lúc 16 giờ, trước khi gặp các Giám Mục tại Nhà Dưỡng lão dành cho các linh mục. Sau đó lúc 17 giờ, Ðức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ đại kết và liên tôn tại khuôn viên tòa Tổng Giám Mục Dhaka.

- Sáng thứ bẩy, 2 tháng 12 năm 2017, lúc 10 giờ, Ðức Thánh Cha sẽ viếng nhà Mẹ Têrêsa ở Tejaon, trước khi gặp các Linh Mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và tập sinh tại Nhà Thờ Ðức Mẹ Mân Côi. Lúc gần 12 giờ trưa, ngài viếng nghĩa trang giáo xứ và nhà thờ cổ kính Ðức Mẹ Mân Côi.

Hoạt động cuối cùng của Ðức Thánh Cha là cuộc gặp gỡ với giới trẻ lúc 15 giờ 20 tại Học Viện Ðức Bà ở Dhaka, rồi ra phi trường lúc 16 giờ 45. Sau nghi thức tiễn biệt lúc quá 5 giờ chiều, ngài sẽ bay về Roma, dự kiến vào lúc 11 giờ đêm cùng ngày thứ bẩy, 2 tháng 12 năm 2017.

Tổng cộng trong cuộc viếng thăm, Ðức Thánh Cha sẽ đọc 10 bài diễn văn và bài giảng, và cử hành 2 thánh lễ.

3. Ðức Cha Martin nhấn mạnh rằng thù nghịch giữa các niềm tin Kitô là nguồn gốc của tai tiếng

Khi người ta ở ngoài nhìn vào, “đặc biệt là hòn đảo Ái Nhĩ Lan này, người ta thấy lịch sử của chia rẽ và giáo phái, sự bất bao dung, những lời buộc tội lẫn nhau, và sự thù địch công khai trong gia đình Kitô giáo. Ðó là một “xì căng đan”. Ðức Tổng Giám Mục Eamon Martin, Giáo chủ Giáo Hội Công Giáo Ai len, đã nhận định như thế trong bài phát biểu về chủ đề “hòa giải Cải cách” tại nhà thờ chính tòa thánh Patrick của Giáo hội Ai len.

Ðức Tổng Giám Mục Martin đến thuyết trình ở Armagh theo lời mời của Đức Tổng Giám Mục Richard Clarke của Giáo hội Anh giáo Ai len và mục sư nhà thờ chính tòa Gregory Dunstan. Ðức cha Martin đã nhấn mạnh đến sự cần thiết hòa giải giữa các niềm tin Kitô và sự hiệp nhất trong các vấn đề đạo đức luân lý quan trọng.

Ðức cha Martin nhận định rằng vai trò của tôn giáo và đức tin trong xã hội Ái Nhĩ Lan, Bắc và Nam, đã thay đổi nhanh chóng rõ rệt do ảnh hưởng của trào lưu tục hóa và có thể thấy rõ trong việc giảm sút số người tham dự Thánh lễ và các ơn gọi phục vụ. Càng ngày càng nhiều người sống như không có Chúa hay không có niềm tin tôn giáo. Ngài tin rằng các truyền thống Kitô giáo khác nhau được kêu mời liên kết những nỗ lực từ niềm hy vọng chắc chắn cho thế giới.

Ngài kêu gọi các Kitô hữu trình bày cho thế giới xác tín chắc chắn của Kitô giáo về sự thánh thiêng của sự sống con người cũng như phẩm giá của họ, về tính trung tâm của gia đình, sự liên đới và cần thiết phân bố đều các tài nguyên trên thế giới, về một xã hội được đánh dấu bởi hòa bình, công bình và chăm sóc cho tất cả, đặc biệt những người dễ bị tổn thương nhất. Ngài giải thích rằng để làm như thế, cần tìm ra những cách thức mới để trình bày quan điểm chắc chắn và chân thành của chúng ta cùng với những quan điểm của các niềm tin khác và những người không có tín ngưỡng, trong cuộc đối thoại về các vấn đề và giá trị quan trọng. Nếu chúng ta cùng nhau thực hiện điều này và ở nơi có thể, tất cả chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi chúng ta có tiếng nói đoàn kết về các vấn đề đạo đức quan trọng của thời đại chúng ta.

Ðức cha Martin cũng nhắc đến chuyến viếng thăm Lund, Thụy điển, của Ðức Giáo hoàng Phanxicô vào tháng 10 năm 2016. Ðó là giây phút lịch sử, vui mừng và ngạc nhiên. Ðức cha ngạc nhiên vì Ðức Giáo hoàng được mời và cũng ngạc nhiên vì Ðức Giáo hoàng đã nhận lời. Ðức cha cũng cám ơn lời mời của Đức Tổng Giám Mục Richard Clarke và mục sư chánh sở nhà thờ chính tòa Gregory Dunstan.

Ðức cha nhận định rằng các sự kiện ở Lund vào năm ngoái khuyến khích tất cả chúng ta tìm những con đường hòa giải Cải cách. Theo đức cha, điều này có thể được thực hiện qua tình bạn cá nhân và sự tin tưởng giúp xây nhịp cầu và hòa giải Cải cách, qua cuộc gặp gỡ Chúa Kitô trong Thánh kinh và cầu nguyện được chia sẻ cho nhau và bằng cách tăng cường chia sẻ các chứng nhân Kitô giáo trên đảo Ai len này.

Những lời kêu gọi của đức cha Eamon Martin được xướng lên trong bối cảnh có âm mưu khuấy động chiến tranh tôn giáo ở Bắc Ai len. Chính quyền Bắc Ai len cho biết một nhóm bán quân sự thuộc phái Tin Lành Bắc Ai len đứng đằng sau những đe dọa buộc bốn gia đình Công Giáo phải bỏ nhà chạy trốn.

4. Buổi cầu nguyện “Chuỗi Mân côi ở đường biên giới” ở Balan.

Thứ bảy 07 tháng 10 năm 2017, một triệu tín hữu Công Giáo Balan tay cầm tràng hạt Mân côi đã tụ họp tại các địa điểm dọc theo chiều dài 3,501 cây số của Balan để cầu nguyện cho ơn cứu độ của Balan và thế giới. Nhiều người tham dự diễn tả đây là cuộc tuần hành chống lại sự tục hóa của Ba làn và sự lan tràn của ảnh hưởng Hồi giáo ở châu Âu.

Sự kiện “Chuỗi Mân côi trên đường biên giới” được tổ chức bởi một phong trào giáo dân “Chỉ có Chúa là đủ”, được hàng giáo sĩ trợ giúp, được một số xí nghiệp do nhà nước làm chủ tài trợ và được tổ chức đúng vào ngày lễ Ðức Mẹ Mân côi. Ðây cũng là ngày kỷ niệm cuộc chiến Lepanto giữa các chiến sĩ Kitô giáo, theo lệnh Ðức giáo hoàng, và đế quốc Hồi giáo Ottoman. Trong cuộc chiến này, đội quân Công Giáo đã chiến thắng quân đội Hồi giáo mạnh hơn nhiều và cứu châu Âu khỏi sự xâm lược của Hồi giáo.

Sự kiện “Chuỗi Mân côi trên đường biên giới” được cử hành tại 320 nhà thờ gần biên giới Balan và 4,000 “khu vực cầu nguyện”, bao gồm cả sân bay quốc tế lớn nhất của Balan. Sự kiện bắt đàu với Thánh lễ ban sáng, với việc đọc kinh Mân côi bắt đầu từ 2 giờ trưa và kết thúc khoảng 2 giờ sau đó.

Cha Rytel-Andrianik, phát ngôn viên của Hội đồng giám mục Balan kể: “Trong buổi cầu nguyện, tôi đã ở phi trường Chopin, thủ đô Warsaw và có rất nhiều người đến nỗi họ đầy cả nhà nguyện. Ðây là một sáng kiến do giáo dân khởi xướng, điều làm cho sự kiện thêm phi thường. Hàng triệu người cùng nhau đọc kinh Mân côi. Ðiều này vượt quá chờ đợi lớn lao của ban tổ chức.”

Trong bài giảng lễ sáng thứ bảy, đức cha Marek Jedraszewski, tổng giám mục của Krakow, nói rằng dân chúng nên cầu nguyện cho “châu Âu vẫn là châu Âu”. Ðức cha nói: “hãy cầu nguyện cho các quốc gia khác của châu Âu và thế giới để hiểu rằng chúng ta cần trở lại với nguồn cội Kitô giáo của văn hóa châu âu nếu chúng ta muốn châu Âu vẫn là châu Âu.”

Basia Sibinska chia sẻ với báo The Associated Press: “Chúng tôi muốn cầu nguyện cho hòa bình, chúng tôi muốn cầu nguyện cho sự an ninh của chúng tôi. Dĩ nhiên, mỗi người đến đây với những lý do khác nhau.Nhưng điều quan trọng nhất là tạo nên một thứ giống như một vòng cầu nguyện dọc theo toàn biên giới, sâu đậm và nhiệt tâm.”

Krzysztof Januszewski ở miền bắc của thánh phố Gdansk cũng chia sẻ với báo The Associated Press rằng anh lo lắng châu Âu bị đe dọa bởi các phần tử Hồi giáo cực đoan. Anh nói: “Trong quá khứ, có những cuộc tấn công bởi hoàng đế và dân Thổ nhĩ kỳ và dân chúng các tín ngưỡng khác chống lại các Kitô hữu chúng tôi. Ngày này, Hồi giáo đang tràn ngập chúng tôi và chúng tôi cũng sợ điều này. Chúng tôi sợ các mối đe dọa khủng bố và chúng tôi sợ người ta rời bỏ đức tin.

5. Tưởng niệm thảm kịch người tị nạn chết trên biển.

Italia tưởng niệm 4 năm thảm kịch 366 thuyền nhân tỵ nạn chết đuối ngoài khơi đảo Lampedusa, cực nam Italia ngày 03 tháng 10 năm 2013 và đồng thời cũng tưởng niệm trên 15 ngàn người di dân tỵ nạn đã bỏ mình hoặc mất tích trên biển cả từ ngày ấy đến nay.

Ngày 03 tháng 10 năm 2013, một con tàu chở đầy chật người di dân tỵ nạn đã bốc cháy và chìm vào biển sâu chỉ trong nháy mắt vì người trên thuyền đốt lửa cầu cứu khi nhìn thấy đảo. Hình ảnh hàng trăm quan tài xếp hàng dài đã đánh động tâm thức các nước Tây Âu và từ đó đã phát sinh những chiến dịch cứu người vượt biển. Tuy nhiên, những thảm kịch như thế vẫn không ngăn cản được làn sóng vượt biển.

Mặc dù các chiến dịch cứu người với hàng chục con tàu dọc ngang ngoài khơi vùng duyên hải Libia, vẫn còn hơn 15,500 người đã mất mạng hoặc mất tích trên đường vượt biển từ 4 năm nay, khiến cho vùng biển này được mệnh danh là con đường tử thần. Và số người muốn vượt biển cũng không sút giảm, bất chấp hiểm nguy đe dọa và bất chấp các tổ chức tội phạm buôn người.

Trong một thông cáo công bố hôm thứ ba 03 tháng 10 năm 2017, Cao Ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia hãy dành ưu tiên tuyệt đối cho việc cứu mạng người tỵ nạn trên biển Ðịa Trung Hải. Cần phải mở rộng và làm cho cụ thể hơn những nỗ lực đề ra những con đường hợp pháp và hữu hiệu dành cho những người trốn chạy chiến tranh bạo lực và bách hại, có thể tìm đến một nơi trú ẩn an toàn thay vì phải cậy nhờ đến các nhóm buôn người.

Ðã có nhiều nghi thức tưởng niệm thuyền nhân bỏ mạnh trên biển Ðịa Trung Hải. Sáng mùng 03 tháng 10 năm 2017, chủ tịch thượng viện Italia ông Pietro Grasso đã cùng một số thuyền nhân sống sót trong vụ đắm tàu 4 năm trước đây ném vòng hoa tưởng niệm xuống vùng biển ngoài khơi đảo Lampedusa, trong khi hàng chục con tàu hiện diện kéo còi hụ vang.

Ðức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một sứ điệp đến quỹ thiện nguyện O'Scia ở Lampedusa để ca ngợi hoạt động cứu người tỵ nạn từ nhiều năm nay của hiệp hội này. Sứ điệp mang chữ ký của Ðức Hồng Y quốc Vụ Khanh Pietro Parolin, trong đó có đoạn viết: Cầu mong sao cho ý thức của mọi người, tín hữu cũng như bao nhiêu người nam nữ thiện chí, biết cảm nhận sự cấp thiết phải quảng đại và khôn ngoan đáp lại những thách đố của làn sóng người di dân tỵ nạn đề ra.

6. Triển lãm lịch sử ở Paris: “Kitô giáo ở Ðông phương. Hai ngàn năm lịch sử”.

Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập, Viện Thế giới Ả Rập ở Paris hợp tác với Hiệp hội nhân đạo Kitô giáo L'OEuvre d'Orient, tổ chức cuộc triển lãm lịch sử “Kitô giáo ở Ðông phương. Hai ngàn năm lịch sử” từ ngày 26 tháng Chín năm 2017 đến ngày 14 tháng Giêng năm 2018. Ðây là triển lãm tổng quát đầu tiên về đề tài này ở Châu Âu. Triển lãm diễn ra tại Viện Thế giới Ả Rập, đã được Tổng thống Liban Michel Aoun - đang có chuyến viếng thăm Paris trong ba ngày -, và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng khai trương.

Sau khi khai sinh tại Giêrusalem, Kitô giáo đã lan rộng khắp vùng Cận Ðông. Từ 2,000 năm nay, người Kitô hữu là những tác nhân thực sự đối với sự phát triển chính trị, văn hoá, xã hội và tôn giáo của khu vực này.

Qua các các thời kỳ khác nhau cũng là các đề tài được trình bày trong triển lãm: việc thiết lập Kitô giáo là quốc giáo, các Hội đồng sáng lập, cuộc chinh phục Hồi giáo, sự phát triển truyền giáo của Công Giáo và Tin lành, những đóng góp của các Kitô hữu cho Nahda (cuộc Phục hưng Ả Rập), công cuộc đổi mới của thế kỷ XX và XXI, triển lãm này làm nổi bật lịch sử Kitô giáo ở Ðông phương cũng như những đóng góp của Kitô giáo vào sự phát triển của xã hội.

Ðể trình bày thực tế ngày nay, triển lãm cũng dành một phần giới thiệu các hoạt động và sức sống của các cộng đoàn Kitô giáo trong thế giới Ả Rập - vẫn luôn đứng vững trước nhiều cuộc xung đột đang diễn ra như xung đột giữa Israel và Palestine, xung đột ở Syria v.v...

Các Giáo hội ở vùng Cận Ðông đã tham gia trực tiếp vào việc thực hiện triển lãm này. Nhiều Giáo hội đã đồng ý cung cấp các vật phẩm và tài liệu như di vật khảo cổ, tranh icôn, vật phẩm phụng vụ, đồ dùng thường nhật, tài liệu lưu trữ, bản thảo, hình ảnh, phim và tài liệu ghi âm. Ðáng chú ý là các bản Phúc Âm Rabula, một bản thảo nổi tiếng bằng tiếng Syriac và có hình minh hoạ từ thế kỷ thứ VI, và các bức tranh đầu tiên của Kitô giáo ở Dura-Europos thuộc Syria đã được thế giới biết đến, có niên đại từ thế kỷ thứ III. Ðây là một cuộc hành trình cho thấy rõ tính đa dạng của Kitô giáo với các Giáo hội Copt, Hy Lạp, Assyria-Chaldea, Syria, Armenia, Maronite, Latinh và Tin Lành.

Sự kiện văn hoá giới thiệu Kitô giáo ở Cận Ðông này được tổ chức sau nhiều cuộc triển lãm khác kể từ đầu thiên niên kỷ thứ hai: triển lãm đầu tiên vào năm 2000 về “Nghệ thuật Copt ở Ai Cập”, triển lãm thứ hai vào năm 2003 về “Tranh icôn Ả Rập, nghệ thuật Kitô giáo của vùng Cận Ðông” và cuối cùng, triển lãm vào năm 2014 có chủ đề “Hajj, hành hương đến thánh địa Mecca”. Cuộc triển lãm cuối cùng giới thiệu một nét đẹp của Hồi giáo, và thành công của triển làm này dẫn đến chứng từ của triển lãm lịch sử mới về tính đa dạng tôn giáo trong thế giới Ả Rập.

Cha Jean-Jacques Pérennès, Dòng Ða Minh, giám đốc Trường Kinh Thánh và Khảo cổ Jerusalem, cho biết: cuộc triển lãm này là niềm vui cho “các Kitô hữu Ả Rập - những người không muốn bị coi là thiểu số, là thừa thãi, nhưng muốn được là công dân của nước mình một cách trọn vẹn”.

7. Giám Mục người Việt thứ hai tại Hoa Kỳ.

Hôm thứ Sáu mùng 6 tháng 10 năm 2017, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Cha Nguyễn Thành Thái làm tân Giám Mục Phụ Tá giáo phận Orange, bang California, nơi có đông người Việt Nam nhất nước Mỹ. Ngài là Giám Mục người Việt thứ hai tại Mỹ sau Ðức Cha Ðaminh Mai Thanh Lương.

Thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết:

Ðức Cha Nguyễn Thành Thái năm nay 64 tuổi, sinh ngày 7 tháng 4 năm 1953 tại Nha Trang, gia nhập dòng Thánh Giuse, học tại chủng viện thánh Giuse và đại học Ðà Lạt. Năm 1979 Thầy Thái sang Hoa Kỳ và định cư tại thành phố Hartford bang Connecticut, học tại Ðại học kỹ thuật (Hartfort State Technical College) và làm giáo sư toán và khoa học trong một trường trung học công lập (1981-1984).

Năm 1984 thầy Thái gia nhập dòng thừa sai Ðức Mẹ La Salette, hoàn tất chương trình đào tạo giáo sĩ tại Học viện Marrimack College (1984-1986) và thần học viện (Weston School of Theology) (1987-1990) bang Massachusetts. Khấn trọn đời ngày 19 tháng 9 năm 1990 và thụ phong linh mục ngày 11 tháng 5 năm 1991 trong cùng dòng Thừa Sai Ðức Mẹ La Salette.

Sau khi thụ phong linh mục, cha làm phó xứ “Thánh Tôma Tông Ðồ” ở Smyrna, Georgia (1991-1994), phó xứ Thánh Anna ở Marietta, Georgia (1994-1996) và “Chúa Kitô Vua” ở Jacksonville, Florida (1996-1999).

Năm 1999 nhập tịch giáo phận Saint-Augustine, bang Florida, Cha tiếp tục làm cha phó xứ Chúa Kitô Vua ở Jacksonville (1999-2001), sau đó làm cha sở cùng giáo xứ này (2001-2014). Từ năm 2014, cha làm cha sở giáo xứ Thánh Giuse cũng tại thành phố Jacksonville, và cũng là thành viên Hội đồng tư vấn và Hội đồng linh mục của giáo phận Saint-Augustine.

Giáo xứ của ngài không có thánh lễ tiếng Việt, nhưng có lễ bằng tiếng Mỹ, Mễ và Bồ đào nha.

8. Giáo Hội đang phải đối diện với những thách đố mới về sinh học.

Ðức Thánh Cha Phanxicô mời gọi Hàn lâm viện Tòa Thánh đương đầu với những thách đố mới do các kỹ thuật mới về sinh học đề ra cho cuộc sống con người.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 5 tháng 10 dành cho các thành viên Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống nhóm khóa họp toàn thể đầu tiên từ ngày 5 đến 8 tháng 10 năm 2017 tại Vatican. Theo qui chế mới, Hàn lâm viện này có 45 thành viên thực thụ, 4 thành viên danh dự và 87 thành viên thông tín, 13 nhà nghiên cứu trẻ, tất cả đến từ nhiều quốc gia.

Chủ đề khóa họp là “Ðồng hành với sự sống. Những trách nhiệm mới trong thời đại kỹ thuật”. Ðức Thánh Cha nhận xét rằng tiềm năng của các kỹ thuật sinh học ngày nay để cho người ta thực hiện những lèo lái sự sống trước đây không thể tưởng tượng được và nó cũng đề ra những câu hỏi kinh khủng.

Trong diễn văn, Ðức Thánh Cha khẳng định rằng “Ðiều cấp thiết là tăng cường việc nghiên cứu và đối chiếu về những hậu quả của sự tiến hóa trên đây trong xã hội theo nghĩa chuyên môn, để đưa ra một tổng hợp nhân loại học tương ứng với thách đố lớn lao của thời đại này”.

Trong số nhiều lãnh vực thách đố được Ðức Thánh Cha đề cập tới mà Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống được kêu gọi đương đầu, có những giải thích tiêu vực về sự khác biệt phái tính nam nữ, làm thương tổn đến phẩm giá con người. Nhưng thực tế hiện nay người ta muốn xóa bỏ sự khác biệt phái tính nam nữ, bằng cách đề ra những kỹ thuật và phương pháp thực hành để làm cho sự khác biệt phái tính không còn là điều quan trọng đối với sự phát triển con người và đối với những tương quan giữa con người với nhau. Ðức Thánh Cha cảnh giác rằng “ảo tưởng 'trung tính' (neutro) sẽ loại bỏ phẩm giá con người có những cơ cấu phái tính khác nhau, và loại trừ phẩm chất truyền sinh của con người. Sự lèo lái sinh học và tâm lý về sự khác biệt phái tính có nguy cơ loại trừ nguồn nghị lực nuôi dưỡng sự liên minh giữa người nam và người nữ, và làm cho liên minh ấy có đặc tính sáng tạo và phong phú”.

VietCatholic Network

Tags: Video

Đọc nhiều nhất Bản in 16.10.2017 19:28