Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Video: Các linh mục Ý bật khóc trước hàng dài các quan tài, như Chúa Giêsu khóc trong bài Tin Mừng hôm nay

§ Thế Giới Nhìn Từ Vatican

Tính cho đến sáng Chúa Nhật 29 tháng Ba 2020, số người chết vì coronavirus, hay COVID-19 trên toàn thế giới vẫn tiếp tục gia tăng ở mức kinh hoàng với 30,449 người chết, và số người nhiễm bệnh lên đến 658,205 người. Như thế, trong 24 giờ qua, có 61,893 trường hợp nhiễm bệnh mời được xác nhận và thêm 3,108 người chết vì coronavirus.

Dịch bệnh đã bùng phát rất nghêm trọng tại Hoa Kỳ. Đến nay, Hoa Kỳ đã đứng đầu thế giới về các trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận với 120,204 trường hợp, trong đó có 1,997 người chết.

Thiệt hại nhân mạng tại Ý liên tiếp trong hai ngày thứ Sáu và thứ Bẩy đều rất nghiêm trọng. Tính đến sáng Chúa Nhật 29 tháng Ba, số người chết vì coronavirus tại Ý đã lên đến 10,023 người, và 92,472 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Chỉ trong 24 giờ qua đã có 889 người chết, và 5,974 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Điều rất nguy hiểm là hiện nay Ý có 3,856 trường hợp nghiêm trọng, đa số trong miền Lombardy, nơi hệ thống y tế đã quá tải.

Tại Hoa Lục, Bắc Kinh nói đã khống chế được dịch bệnh và cho những người bên ngoài vào Vũ Hán, nhưng vẫn chưa cho đi ra. Trong 24 giờ qua, Bắc Kinh nói chỉ có 54 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận, và 3 trường hợp tử vong. Như thế, đến nay Trung Quốc đang đứng thứ ba trên thế giới về số trường hợp nhiễm bệnh đang đứng thứ ba với 81,394 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 3,295 người chết.

Hệ thống y tế tại Tây Ban Nha chứng minh cho thấy Thủ tướng Pedro Sánchez của đảng Công Nhân Xã Hội là một thảm họa của nước này. Các chính trị gia đối lập kêu gọi Sánchez từ chức. Họ cho rằng Sánchez, khi theo đuổi một đường lối cực đoan phò phá thai, đã cắt giảm đáng kể các chi tiêu về y tế, xây dựng một hệ thống y tế què quặt, không đáp ứng nổi trước tình trạng lây lan của dịch bệnh, phản ứng lúng túng khiến càng ngày càng có nhiều đột biến. Đến nay, đã có 6,616 người chết và 72,335 trường hợp nhiễm bệnh đã được xác nhận.

Tại Đức, số trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận đã tăng lên đến 57,695 người, trong đó có 433 người chết.

Tại Pháp, số trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận đã tăng lên đến 37,575 người, trong đó có 2,314 người chết. Chỉ trong 24 giờ qua, số trường hợp tử vong tại Pháp đã tăng lên 319 người và thêm 4,611 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận.

Tại Iran, số trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận đã tăng lên đến 35,408 người, trong đó có 2,517 người chết.

Tại Anh, số trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận đã tăng lên đến 17,089 người, trong đó có 1,019 người chết. Chỉ trong 24 giờ, đã có thêm 260 người chết và 2,546 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận. Cả Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã nhiễm coronavirus như Thái tử Charles.

Nỗi buồn của các linh mục Ý trước hàng dài những quan tài. Những ai nhạy cảm quá xin đừng xem

Khi trở thành linh mục 40 năm trước, Cha Mario Carminati biết mình sẽ đối diện với cái chết, nhưng ngài không bao giờ có thể nghĩ đến một ngày ngài phải đối diện với một hàng dài các quan tài như thế này.

Tất cả những người chết mà ngài đang làm thánh lễ an táng tập thể cho họ đều là những anh chị em giáo dân trong giáo xứ mà cha quen biết tại giáo xứ Thánh Giuse ở Seriate, trong tỉnh Bergamo, cách Milan 50km về phía Đông Bắc.

Quan tài của các giáo dân quá cố không còn được khiêng một cách long trọng vào những chiếc xe tang bóng loáng như bình thường. Cũng chẳng có người thân nào trong đám tang kinh hoàng này ngoài cha Carminati, một người giúp lễ, một người quay phim chụp ảnh, và các binh sĩ đang đứng chờ để khi các nghi thức được cử hành xong sẽ khiêng lên những chiếc xe nhà binh đang chờ sẵn ở cửa nhà thờ.

Quân đội chở các quan tài đến và dùng một chiếc xe nâng đưa các quan tài từ các xe nhà binh vào trong nhà thờ.

Bây giờ, vì sự bùng phát của coronavirus, các quan tài nhiều đến mức phải đặt trên sàn đá cẩm thạch lạnh của Nhà thờ Thánh Giuse.

“Các nhà chức trách muốn mọi sự diễn ra trong sự kính trọng những người quá cố nhưng họ không còn biết đặt các quan tài ở đâu,” Cha Carminati, 64 tuổi, cha sở Nhà thờ Thánh Giuse, ở thành phố Seriate, một miền đất vốn thanh bình của 25,000 người dân trung lưu bên bờ dòng sông Serio hiền hòa.

Khi các quan tài đã được đưa vào nhà thờ, ngài và các linh mục khác cử hành các nghi thức một cách vội vã. Sau đó, một chiếc xe nâng lại đưa các quan tài lên các xe nhà binh chở đến các nghĩa trang để hỏa táng.

Các cuộc tụ họp đã bị cấm trên khắp nước Ý vì lệnh cách ly toàn quốc nên không thể tổ chức tang lễ nhà thờ.

Seriate nằm ở tỉnh Bergamo, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở vùng Ý miền bắc vùng Bologna và là tâm chấn của vụ dịch.

Cha Carminati nói điều đáng buồn nhất đối với ngài là nhiều giáo dân đã chết cô đơn, không có người thân, tại bệnh viện cũng như tại nhà thờ và nghĩa trang, vì lệnh cách ly tại chỗ để ngăn chặn sự lây lan của virus không cho phép các thành viên gia đình đến những nơi này.

“Trong các kinh nguyện, chúng tôi thường đề cập đến những linh hồn ‘cần đến lòng Chúa thương’, và trong các bài giảng, chúng tôi nói về những người cần đến lời cầu nguyện của chúng ta nhất. Đây chính là những người này,” cha Marcello Crotti, một linh mục trẻ nói sau khi vừa làm lễ an táng tập thể cho 40 người.

Tiếng chuông vang lên khi những chiếc xe tải rời khỏi nhà thờ và cư dân nhìn xuống từ cửa sổ và ban công nhà mình làm dấu thánh giá.

Khi đoàn xe băng qua các ngã tư, các cảnh sát viên đeo mặt nạ y tế và găng tay trắng đứng nghiêm giơ tay chào.

Đức Hồng Y Matteo Zuppi và thị trưởng Bologna kêu gọi người Công Giáo cầu nguyện cho vùng này

Tính đến sáng Chúa Nhật 29 tháng Ba, số người chết vì coronavirus tại Ý đã lên đến 10,023 người, và 92,472 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Riêng trong vùng Emilia-Romagna có 12,383 trường hợp nhiễm bệnh và gần 2,000 người chết. Bologna là thủ phủ của miền này và cũng là nơi bị thiệt hại nặng nhất trong vùng.

Trong đoạn video này, Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Tổng Giám Mục Bologna, và ông thị trưởng Virginio Merola loan báo rằng nhà thờ chính tòa địa phương sẽ gióng lên những hồi chuông dài vào giữa trưa để xin mọi người cầu nguyện cho linh hồn những người quá cố, những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Cả hai vị cùng lên tiếng kêu gọi tình liên đới đối với những người đang trong hoàn cảnh khó khăn, đời sống bấp bênh vì không có công ăn việc làm trong những ngày này.

Thành phố phối họp với Caritas tổng giáo phận đang giao thức ăn đến tận nhà cho các gia đình gặp khó khăn trong một phối họp chung giữa chính quyền và Giáo Hội.

Cảnh sát Rôma bắt hàng loạt các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc

Trung tá Andrea Fegatelli, chỉ huy đơn vị 3 Guardia di Finanza của cảnh sát thành phố Rôma cho biết trong cuộc họp báo vào hôm thứ Bẩy 28 tháng Ba là đơn vị của ông đã bắt giữ hàng loạt các khẩu trang y tế và các thuốc diệt khuẩn nhập lậu từ Trung Quốc.

Ông lên tiếng báo động rằng các thứ này không hề có chứng nhận, thậm chí một số được sản xuất bằng các vật liệu độc hại, có nguy cơ gây ra các hậu quả khó lường. Các chất tẩy rửa công nghiệp mà khi sử dụng người ta phải đeo bao tay cẩn thận đã được pha loãng ra chế biến thành chất khử trùng chuyên dụng cho coronavirus, như được ghi trên nhãn.

Nhiều người đã phải vào bệnh viện cấp cứu sau khi tay họ sưng phù lên sau một thờigian sử dụng chất tẩy rửa này.

Trung tá Andrea Fegatelli cho biết đơn vị của ông đã tích thu hàng loạt các sản phẩm này tại các điểm bán lẻ trái phép và các tiệm thuốc tây. Tuy nhiên, những ai thấy ở đâu bày bán các mặt hàng có chữ Trung Quốc xin gọi số 117 báo cho cảnh sát đến tịch thu.

Ông lên tiếng kêu gọi người dân hãy quăng những thứ made in China này đi. Nó hoặc là chẳng có tác dụng gì, hoặc là còn gây hại cho sức khoẻ.

Tại Torino, 560 kg khẩu trang y tế của Trung Quốc đã bị hải quan Ý tịch thu cùng với các thứ cao đơn hoàn tán.

Ðức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho những người đói khổ.

Sáng thứ Bảy 28 tháng 3 năm 2020, trong Thánh lễ phát trực tiếp từ Nhà nguyện Thánh Marta, Ðức Thánh Cha tiếp tục mời gọi mọi người cầu nguyện cho những người đang phải đối diện với cái đói đang đến.

Mở đầu thánh lễ Ðức Thánh Cha nói:

“Trong những ngày này, ở một số nơi trên thế giới, người ta đã thấy những hậu quả của đại dịch; một trong số đó là cái đói. Chúng ta bắt đầu thấy những người bị đói, vì họ không thể làm việc, không có công việc ổn định. Chúng ta đã bắt đầu thấy những gì sẽ đến sau, nhưng nó đã bắt đầu tại thời điểm này”.

Trong bài giảng Thánh lễ, Ðức Thánh Cha tập trung vào thái độ xét đoán của những người Pharisêu được Thánh Gioan thuật lại trong bài Tin Mừng theo ngày.

PHÚC ÂM: Ga 7, 40-53

“Ðấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, sau khi nghe Chúa Giêsu giảng, có nhiều người trong đám dân chúng nói rằng: “Ông này thật là tiên tri”. Kẻ khác nói: “Ông này thật là Ðấng Kitô”. Người khác nữa lại nói: “Ðấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao? Nào Kinh Thánh chẳng nói: Ðấng Kitô xuất thân bởi dòng dõi Ðavit, và từ làng Bêlem, quê hương của Ðavit?” Vì thế, dân chúng bất đồng ý kiến với nhau về Người. Trong số đó, có một ít kẻ định bắt Người, nhưng không ai dám ra tay bắt Người. Vậy khi những người thừa hành đến với thượng tế và biệt phái, các ông này hỏi họ rằng: “Tại sao các ngươi không điệu nó tới?” Các người thừa hành thưa rằng: “Chẳng hề có ai nói như người ấy”. Các người biệt phái trả lời rằng: “Chớ thì các ngươi cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong các vị thủ lãnh và các người biệt phái, có ai tin nó đâu? Chỉ có lũ khốn nạn đó nó không biết gì lề luật”. Nicôđêmô là người đã tới gặp Chúa Giêsu ban đêm, cũng là người trong nhóm họ, nói với họ rằng: “Chớ thì luật của chúng ta có lên án cho ai mà không nghe họ, hoặc không biết rõ họ làm gì không?” Nhưng họ trả lời rằng: “Hay ông cũng là người Galilêa? Hãy đọc kỹ Kinh Thánh, ông sẽ thấy rằng không có tiên tri nào phát xuất từ Galilêa”. Sau đó ai về nhà nấy.

Ðức Thánh Cha chỉ ra mối bất hòa, sự rạn nứt đã có từ xa xưa giữa những người được coi là thành phần ưu tú trong xã hội và dân chúng, giữa những người đã bị “mất ký ức mình thuộc về một dân tộc” và “dân trung thành của Thiên Chúa”. Ðây là bi kịch của giáo sĩ trị, một sự rạn nứt mà chúng ta có thể thấy trong thời điểm đại dịch.

“Trong mấy ngày qua, tôi đã nghe một số người nói rằng: Tại sao các nữ tu và các linh mục khỏe mạnh lại đi đến với người nghèo, trao cho họ thức ăn. Các nữ tu và linh mục này có thể bị nhiễm virus? Và những người này nói với giám mục không cho phép các linh mục đi ra ngoài, các linh mục chỉ để cử hành bí tích, công việc giúp người nghèo là bổn phận của chính phủ”.

Ðức Thánh Cha nói tiếp: “Dân chúng bị xem là tầng lớp thứ hai. Chúng ta nghĩ mình là tầng lớp lãnh đạo, chúng ta không được để cho đôi tay bị dơ bẩn vì người nghèo. Nhiều lần tôi nghĩ: các linh mục, nữ tu là những người tốt, nhưng không có can đảm ra đi phục vụ người nghèo. Có một điều gì đó thiếu”.

Sau những suy tư này, ngay lập tức Ðức Thánh Cha nói về sự rạn nứt giữa những người theo Chúa Giêsu và nhóm luật sĩ từ chối Chúa vì theo họ Chúa không tuân theo lề luật: “Nhóm luật sĩ này khinh bỉ Chúa. Nhưng họ cũng coi thường dân chúng, những người kém hiểu biết. Dân thánh trung thành của Thiên Chúa tin vào Chúa Giêsu, đi theo Người; và nhóm những người được cho là ưu tú, nhóm luật sĩ, tự tách mình ra khỏi dân chúng và không đón nhận Chúa Giêsu”. Ðức Thánh Cha nhấn mạnh: “Ðó là những người thuộc thành phần ưu tuyển nhưng họ có một lỗ hổng lớn, họ đã mất ký ức về việc mình thuộc về một dân tộc”.

Ðức Thánh Cha tiếp tục: “Sự rạn nứt giữa giới thượng lưu, các nhà lãnh đạo tôn giáo và dân chúng là một bi kịch đã có từ xa xưa. Dân Chúa có một ân sủng lớn lao, biết được ở đâu có Thánh Thần. Dân chúng cũng tội lỗi, nhưng họ biết đường dẫn đến ơn cứu độ. Vấn đề của thành phần giáo sĩ ưu tú là họ đã trở nên tinh vi, họ đã chuyển sang một tầng lớp xã hội khác, cảm thấy mình là những người lãnh đạo”.

Ðức Thánh Cha mời gọi mọi người nghĩ đến rất nhiều người nam nữ tốt lành đang phục vụ Thiên Chúa. Những người này cũng đã ra đi phục vụ người nghèo, rất nhiều linh mục và tu sĩ không tách rời khỏi dân chúng. Ðức Thánh Cha đưa ra một mẫu gương mà ngài thấy qua một bức ảnh: Một cha xứ ở trên núi, mặc dù tuyết lạnh, vị linh mục này vẫn mang Mặt nhật Mình Thánh Chúa đi chúc lành cho dân chúng.

Ðức Thánh Cha mời gọi: “Mỗi người hãy suy nghĩ xem mình đang ở thành phần nào? Tôi là thành phần đang do dự; hay ngược lại, tôi là thành phần thuộc về dân trung thành của Chúa; hoặc tôi là thành phần ưu tú tách rời khỏi Dân Chúa, thành phần giáo sĩ trị”.

Ðức Thánh Cha kết thúc bài giảng và đưa ra lời khuyên mà Thánh Phaolô đã trao cho môn đệ Timôthê, vị giám mục trẻ: “Con hãy nhớ đến mẹ và bà của con”. Thánh Phaolô đã khuyên điều này là bởi vì Thánh nhân biết rõ mối nguy hiểm có thể xảy đến cho thành phần ưu tú lãnh đạo”.

Thế Giới Nhìn Từ Vatican

Đọc nhiều nhất Bản in 29.03.2020 14:12