Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tình hình Thánh Địa trước chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

§ Linh Tiến Khải

Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Antonio Franco Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel và Linh Mục Faysal Hijazen, cha sở Beit-Shahour, về tình hình Thánh Địa và chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

Trong các ngày từ mùng 8 tới 15 tháng 5 này Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ viếng thăm Giordania và Thánh Địa. Đức Thánh Cha sẽ thăm Amman, Giêrusalem, Bếtlehem và Nagiarét và gặp gỡ các giới chức đạo đời, hội kiến với đại diện các Giáo Hội Kitô cũng như các tôn giáo khác, và chủ sự các buổi cử hành phụng vụ cho các tín hữu công giáo.

Chuyên viếng thăm của Đức Thánh Cha xảy ra sau các cuộc tranh luận sôi nổi về vụ Đức Cha Williamson, thuộc nhóm ly khai Lefèvre, chối bỏ vụ diệt chủng do thái, và sau cuộc chiến kéo dài 22 ngày hồi tháng 2 năm nay giữa Israel và người Palestine trong giải Gaza. Trong gần 1 tháng trời không quân Israel đã liên tục bỏ bom và oanh tạc vùng Gaza và các đường hầm chuyên chở khí giới trong vùng giáp giới với Ai Cập, đã khiến cho hơn 1.330 người bị chết và 5.000 người bị thương, hơn 1 triệu người lâm vào cảnh thiếu lương thực, thuốc men và và xăng dầu.

Bối cảnh chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha cũng xảy ra sau cuộc đầu phiếu và thay đổi chính phủ tại Israel. Tân chính quyền Israel do thủ tướng Binyamin Netanyahu lãnh đạo đã bắt đầu làm việc từ ngày 31-3-2009. Sự kiện thủ tướng Netanyahu lên thay thủ tướng Ehud Olmert khiến cho người ta lo ngại cho tiến trình hòa bình tại Thánh Địa, vì ông Netanyahu đã nhất quyết từ chối đề cập tới một quốc gia cho người Palestine.

Mặc dù trong những ngày qua Ủy ban song phương giữa Israel và Tòa Thánh đã nhóm họp hai lần tại Giêrusalem, lần cuối cùng hôm 30-4-2009, nhưng vẫn chưa đạt được hiệp định về vấn đề tài chánh và thuế khóa của các sơ sở công giáo tại Thánh Địa. Bên cạnh đó là vấn đề cấp hộ chiếu nhập cảnh cho các linh mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh của Giáo Hội. Sự kiện cách đây 10 năm bộ trưởng nội vụ thuộc đảng Shas cực đoan đã hoàn toàn ngưng cấp chiếu khán cho các nhân viên của Giáo Hội đã khiến cho dư luận thế giới bất bình phản đối. Trước áp lực của cộng đồng quốc tế chính quyền Israel đã nới lỏng một chút, nhưng vấn đề cấp chiếu khán vẫn chưa được giải quyết một cách dứt khoát. Hiện nay chiếu khán của hàng chục linh mục tu sĩ nam nữ đã hết hạn, nhưng vẫn chưa được gia hạn khiến cho các vị bị rơi vào tình trạng ”di cư bất hợp pháp”, có nguy cơ bị cảnh sát bắt và trục xuất.

Các cuộc thương thuyết giữa Tòa Thánh và chính quyền Israel đã bắt đầu từ năm 1993 và đi tới một Hiệp định nền tảng, nhưng cho tới nay chính quyền Israel vẫn chưa ký nhận Hiệp định này. Các cuộc họp của Ủy ban song phương bắt đầu từ năm 1999 tới nay vẫn chưa đưa tới kết qủa cụ thể nào. Nhiều lần phía Israel đơn phương hủy bỏ cuộc họp mà không nêu lên lý do chính đáng nào. Thông cáo chung công bố tại Giêrusalem hôm 30-4-2009 cho biết hai bên tái quyết tâm đẩy mạnh các cuộc thảo luận hầu sớm đạt tới một hiệp định. Khóa họp lần tới sẽ diễn ra tại Vaticăng ngày mùng 10 tháng 12 năm nay.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Tổng Giám Mục Antonio Franco, Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel, và của Linh Mục Faysal Hijazen, cha sở Beit Shahour, về hiện tình Thánh Địa và chuyến viếng thăm lịch sử này của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.

Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục Sứ Thần Tòa Thánh, chuyến công du Giordania và Thánh Địa trong các ngày tới đây của Đức Thánh Cha có ý nghĩa gì?

Đáp: Đây là một chuyến tông du hết sức đặc biệt, trong một vùng đất có rất nhiều vấn đề. Khi loan tin chuyến viếng thăm, Đức Thánh Cha đã cho biết sứ điệp nòng cốt của chuyến đi: đó là ”một cuộc hành hương” cầu nguyện cho hòa bình và sự hiệp nhất của các dân tộc, cho các quốc gia, cho các Giáo Hội Kitô, và cho nội bộ của Giáo Hội Công Giáo. Chúng ta đừng quên rằng tại Thánh Địa cũng có các anh em chính thống và tin lành sinh sống, và có tới 6 Giáo Hội Công Giáo theo lễ nghi latinh cũng như các lễ nghi khác. Vì thế cần phải củng cố các mối dây hiệp thông giữa các tín hữu công giáo với nhau.

Hỏi: Thưa Đức Cha, chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha xảy ra sau biết bao nhiêu tranh luận liên quan tới nạn diệt chủng do thái, các cãi vã, chiến tranh và bạo lực giữa Israel và người Palestine, giữa người Palestine với nhau và giữa người Do thái với nhau, Đức Cha nghĩ gì về tình hình rối ren này?

Đáp: Trong vùng đất này có rất nhiều vấn đề, và thật là điều trừu tượng khi nghĩ tới một giải pháp tức thì trong tương lai. Một cách thực tế, chúng tôi phải sống với các vấn đề đó trong một ít lâu nữa. Nhưng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha có ý nghĩa chính vì có các tình hình căng thẳng và khó khăn đó. Đức Thánh Cha có thể làm chứng cho tình liên đới với các nhóm khác nhau và tìm ra giải pháp cho các vấn đề. Cần phải có biết bao nhiêu cố gắng và thiện chí từ tất cả mọi phía.

Hỏi: Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha được định nghĩa là một ”cuộc hành hương”, và trong đó có một sứ điệp tôn giáo rất mạnh mẽ. Nhưng mà thế giới chờ đợi ở đó một cử chỉ chính trị cơ mà. Vậy thì chuyến hành hương có ảnh hưởng xã hội nào không, nếu không nói là cả ảnh hưởng chính trị nữa, thưa Đức Sứ Thần?

Đáp: Chuyến hành hương được lồng khung vào trong các tình hình gắn liền với các địa điểm này, chứ nó không phải là một điều trừu tượng. Các cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha là các cuộc gặp gỡ các con người và các cộng đoàn nhân loại. Cần phải có sự dấn thân của tất cả mọi người trong việc chuẩn bị để cho chuyến viếng thăm có ý nghĩa, có thể được tiếp nhận và có hiệu qủa nơi tâm trí của mọi người. Cuộc hành hương này của Đức Thánh Cha có thể góp phần tạo dựng hòa bình, sự cảm thông và tình liên đới giúp bảo đảm thiện ích cho vùng đất này.

Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục Franco, trong các tuần qua đã xảy ra tranh luận từ phía các Kitô hữu không muốn Đức Thánh Cha sang thăm Thánh Địa, nếu Thỏa hiệp nền tảng giữa Israel và Tòa Thánh không được ký kết trước. Riêng Đức Cha, thi Đức Cha nghĩ sao?

Đáp: Ủy ban song phương và chúng tôi tất cả đều đang làm việc hết sức với tất cả sự liêm chính, và chúng tôi đang tìm các giải pháp. Tôi không biết các giải pháp đó khi nào mới tới, nhưng chúng tôi có các hướng đi chính xác. Tôi hy vọng là công việc đã bắt đầu sẽ được tiếp tục, vì tình hình hiện nay cũng khó khăn.

*** Sau đây là một số nhận định của Linh Mục Faysal Hijazen, cha sở Beit Shahour. Trong tuần vừa qua cha đã hướng dẫn phái đoàn giới trẻ Palestine viếng thăm Andria là trung tâm kết nghĩa anh em với trung tâm Beit-Shahour, rồi đã cùng phái đoàn về Roma tham dự buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha sáng thứ tư 29-4-2009 tại quảng trường thánh Phêrô.

Hỏi: Thưa cha Faysal, tình hình Thánh Địa hiện nay ra sao? Cuộc sống của người Palestine như thế nào?

Đáp: Cuộc sống hiện nay tại Thánh Địa rất khó khăn. Người trẻ Palestine không thể tự do đi lại, vì có bức tường phân cách và khép kín tất cả. Người Palestine không thể sang đất Israel hay về Giêrusalem. Họ cũng không thể di chuyển một cách dễ dàng từ thành phố này sang thành phố khác: chẳng hạn từ Bếtlehem tới Ramallah có tới 5 trạm kiểm soát. Kiểu sống của người trẻ Palestine là lo học hành, và trong giáo xứ chúng tôi tổ chức rất nhiều sinh hoạt cho giới trẻ.

Hỏi: Giới trẻ và tín hữu Kitô Palestine chờ đợi chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha với các tâm tình nào, thưa cha?

Đáp: Người trẻ của chúng tôi chờ đợi Đức Thánh Cha trong niềm vui lớn. Chúng tôi chờ đợi sự hiện diện của ngài để đào sâu lòng tin của mình. Như qúy vị biết đó, Kitô hữu chỉ là một thiếu số tại Thánh Địa. Bên Giordania tín hữu Kitô được 2% tổng số dân, trong các vùng đất của người Palestine chỉ có 1% và tại Israel có 2%. Vì thế như là một đoàn chiên nhỏ chúng tôi cần được củng cố, và Đức Thánh Cha sẽ giúp chúng tôi củng cố lòng tin của mình. Chúng tôi muốn Đức Thánh Cha nói với chúng tôi về hòa bình, người dân Palestine yêu cầu được có các quyền của mình và có một quốc gia riêng như quốc gia Israel. Và chúng tôi muốn hai dân tộc chung sống hòa bình với nhau.

Hỏi: Nhưng mà cũng có một số người Palestine yêu cầu điều này bằng cách bắn hỏa tiễn sang đất Israel, và bằng phong trào khủng bố phá hoại. Cha thì cha nghĩ sao?

Đáp: Chúng tôi khẳng định rằng: Bạo lực sẽ không thể nào đem lại hòa bình. Cả bất công cũng sẽ không bao giờ đưa tới hòa bình. Vì thế chúng tôi yêu cầu cộng đồng quốc tế, Liên Hiệp Quốc, Cộng Đồng Âu châu thúc đẩy người Israel thực sự tiến tới một giải pháp làm hài lòng tất cả mọi người, để mỗi người có thể sống trong đất nước của mình với tất cả sự tự do.

Hỏi: Thưa cha, trong qúa khứ Đức Thánh Cha đã hơn một lần kêu gọi hòa bình cho vùng Trung Đông và cho Thánh Địa. Thế cộng đoàn công giáo tại Thánh Địa đã tiếp nhận các lời kêu gọi đó của Đức Thánh Cha như thế nào?

Đáp: Chúng tôi đánh giá rất cao các lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, vì Tòa Thánh Vaticăng luôn luôn ủng hộ hòa bình cho đất Palestine. Chúng tôi trân trọng Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II. Chúng tôi cũng đã nói rất nhiều về việc thực hiện nền hòa bình này tại Thánh Địa. Và Đức Giáo Hoàng cũng đã lên tiếng nhiều lần về vần đề này.

Hỏi: Thưa cha Hijazen, như là các chủ chăn các cha cũng phải là những người đầu tiên hoạt động cho hòa bình bằng cách phố biến Tin Mừng. Việc phổ biến Tin Mừng trong một vùng đất có hai tôn giáo khác chiếm đa số dân, chắc chắn là có nhiều khó khăn, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Nhưng sự khoan nhượng của Tin Mừng trợ giúp chúng tôi rất nhiều, bởi vì Kitô giáo là một tôn giáo thúc đẩy tiến tới hòa bình, yêu thương kẻ thù mà không khước từ các quyền riêng của mình. Như thế chúng tôi không có vấn đề với người do thái, chúng tôi cũng không có vấn đề với người Palestine hồi giáo. Chúng tôi thúc đẩy mọi người tiến tới sự khoan nhượng, tiến tới cuộc đối thoại. Và như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: chúng ta cần các cây cầu chứ không cần các bức tường ngăn cách, chúng tôi muốn tạo ra các cây cầu của tình huynh đệ, các cầy cầu của công lý, các cây cầu xây trên các quyền con người, của người Israel cũng như của người Palestine. Chúng tôi muốn thừa nhận nhau giữa dân tộc Palestine và dân tộc Israel.

(AsiaNews 9-3-2009; RG 1-5-2009)

Linh Tiến Khải

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 07.05.2009. 13:00