Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tìm hiểu Đạo Hồi (4)

§ ĐÔ Mai Đức Vinh

IV. NHỮNG THẮC MẮC VỀ ĐẠO HỒI.

Dĩ nhiên là có nhiều. Chúng ta không thể nêu ra hết, và càng không thể giải đáp đầy đủ được. Lý do thứ nhất: giáo lý và truyền thống của đạo Hồi (Coran, Sunna, Hadith) mênh mông và phức tạp, thứ đến người viết không chuyên về đạo Hồi. Vì thế ở đây tôi chỉ nêu lên mấy thắc mắc cơ bản liên quan đến giáo lý của Kitô giáo, và mấy thắc mắc khác đáng coi là ‘điểm nóng’ trong xã hội hiện nay.

A. Khác biệt tín lý cơ bản giữa Kitô giáo và đạo Hồi.

Cũng là đạo độc thần như Do thái Giáo và Kitô giáo, cũng tin vào Thiên Chúa vô hình, tự hữu, duy nhất, sáng tạo, chí công, chí thánh, chí nhân... Tuy nhiên Thiên Chúa của đạo Hồi là Thiên Chúa của Cựu Ước hơn là của Tân Ước. Khi đọc mấy điểm tin cơ bản của đạo Hồi dưới đây, chúng ta thấy ngay được ‘những điểm khác biệt không tài nào hòa hợp được’ giữa Kitô giáo và đạo Hồi. Sau những yếu tố chính trị, kinh tế và văn hóa, sự khác biệt đức tin này đã là nguyên nhân của bao nhiêu đụng độ đau thương giữa đạo Hồi và Kitô đã và đang xẩy ra trong lịch sử.

1. Về Thiên Chúa: đạo Hồi tin nhận một Thiên Chúa tuyệt đối duy nhất, không tin Chúa Ba Ngôi (Cr 4,169; 5,77).

2. Về Đức Kitô: đạo Hồi không tin nhận Đức Kitô là Ngôi Hai, là Con của Đức Chúa Cha, là Ngôi Lời Nhập Thể, là Đấng Cứu Thế, Đấng đã chết trên Thập giá và đã sống lại (Cr 4,156; 5,79).

3. Về Mohammed: đạo Hồi công nhận ba ngôn sứ lớn của Thiên Chúa: Moise người công bố Torah, Giêsu người công bố Tin Mừng, và Mohammed, người công bố Coran, và chỉ ông mới là vị Ngôn sứ cao nhất, kết thúc mọi lời tiên tri (Cr 5,84. ..).

B. Những ‘điểm nóng’ hiện nay.

1. Thánh chiến, tử đạo:

Đoạn tài liệu sau đây cắt nghĩa cho chúng ta hiểu hai cụm từ ‘thánh chiến’ và ‘tử đạo’ mà nhiều người dạo Hồi hiện nay đang chủ trương. Như chúng ta biết, năm 622, đang là thủ lãnh tôn giáo tại La Mecque, Mohammed đã trở nên thủ lãnh chính trị và quân sự và tổ chức cộng đồng những người tin tưởng. Ông ký hiệp ước với bốn nhóm mệnh danh là hiến chế Médine với mục đích lập hiệp đoàn các bộ lạc do thái và ả rập để bảo vệ lẫn nhau. Từ đó các đồ đệ của Mohammed mang tên là Muslimum, nghĩa là thành viên của Islam. Nhưng không muốn lệ thuộc vào những người dân thành Médine nữa, năm 623 Mohammed khởi sự tấn công La Mecque và quả quyết luật của Thiên Chúa phải thắng vượt tục lệ sa mạc. Năm sau, ông thắng trận ở Badr. Từ đó ông tuyên bố:

1) theo đuổi chiến tranh thánh, tức Jihad, chống lại mọi kẻ thù của Allah,
2) người chết trong chiến tranh thánh sẽ là người tử đạo, tức Chahid,
3) dành 1/5 chiến lợi phẩm cho ông.

Năm 625, ông bị người La Mecque đánh bại ở Mont Ohod, nhưng hai năm sau ông lại tấn công và thắng trận ở Fossé và ông thanh toán hoàn toàn các bộ lạc Do Thái. Năm 628 ông hành hương về La Mecque và ký hòa ước với La Mecque. Ông trở thành thủ lãnh chính trị hùng mạnh. Nhưng ngày, 8.6.630, Mohammed tạ thế, hưởng thọ 63 tuổi, chưa kịp chỉ định người kế vị nhưng đã đặt nề nếp cho đạo Hồi.

Đọc Coran, chúng ta gặp nhiều câu khích động chiến tranh và tàn sát dân ‘ngoại đạo’, chúng ta sẽ không ngỡ ngàng những vụ người đạo Hồi giết người kitô tại Đông Timor, Pakistan, Soudan... Câu Coran hay được trưng dẫn nhiều nhất có lẽ là “Đối với quân thờ tà thần thì gặp đâu giết đó...”(Tuez les idolâtres partout où vous les trouverez) (S.IX,5).

2. Khủng bố hồi giáo:

Ngày nay người ta dùng quá nhiều cụm từ ‘khủng bố hồi giáo’ (terrorisme islamique). Khi được hỏi “khủng bố hồi giáo” có phải là một thực hành Coran không ?”, cha Maurice Borrmans, nhà chuyên môn về đạo Hồi đã trả lời: “Đồng hóa đạo Hồi với khủng bố là điều không nên. Tuy nhiên ai cũng biết chiều kích chính trị bạo lực (dimension politico-violente) của vị sáng lập đạo Hồi, vốn được coi là ‘chef guerrier’, Mohammed đã nói: “Thiên đàng nấp bóng lưỡi kiếm” (Le Paradis est à l’ombre des épées).

3. Địa vị người đàn bà:

Với phong trào dành quyền cho nữ giới mỗi ngày một phát động mạnh mẽ trên thế giới từ mấy thập niên qua, đặc biệt tại các nước Âu Mỹ, người ta đang nói nhiều đến địa vị của người đàn trong đạo Hồi, tiêu biểu nhất là tại các nước đạo Hồi Ả Rập. Ở đây chúng ta chỉ thoáng nhìn về ba điểm:

Vấn đề đa thê: Chương IV của sách Coran nói nhiều đến quyền hạn và bổn phận của người đàn ông trong việc kết hôn. Theo đó, người đàn ông có thể lấy nhiều vợ tùy khả năng, nhưng nếu thấy không nuôi nổi và con cái thành mồ côi thì chỉ lấy 2 đến bốn vợ thôi (Cr 4,3). Một người có thế lực về cả đạo lẫn đời như ông Mohammed, ông đã có thể kết hôn với 23 người phụ nữ, người đầu tiên là bà quả phụ giầu có Khadija.

Trong gia đình và ngoài xã hội: Chúng ta còn nhớ quan niệm cổ xưa của Nho giáo “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, “chồng chúa vợ tôi”, “Tòng phụ, tòng phu, tòng tử” hoặc “con gái là con người ta” nên khỏi cần cho đi học... Ở Việt Nam những quan niệm như trên không còn nữa. Nhắc lại những quan niệm trên để chúng ta thông cảm nhiều hơn với hoàn cảnh của nữ giới sống theo phong tục Ả Rập và ‘giáo lý’ của đạo Hồi hiện nay: “Đàn ông quản lý đàn bà...” (Sura 4,34).

Khăn trùm đầu của nữ giới trong đạo Hồi: Đây là một trong những điểm nóng của xã hội Pháp hiện nay. Nhất là với luật “cấm trùm khăn trong khuôn viên trường công”, biểu quyết tháng 2.2004 và sẽ áp dụng vào tháng 9.2004. Qua màn ảnh, báo chí, chúng ta đã thấy những hình ảnh vận đồ đen, trùm khăn đen, che mặt bằng khăn đen của đàn bà các ‘nước đạo Hồi thuần túy’ (Afghanistan, Iran...). Một cách chính thức, sách Coran nói đến việc ngtười nữ phải trùm khăn (Cr 33,57).

C. Đối thoại tôn giáo

Trong Tuyên ngôn về “Liên lạc của Giáo Hội với các Tôn giáo ngoài Kitô giáo”, Công đồng Vatican II dành số 3 nói đến đạo Hồi. Đây là lần đầu tiên trong Giáo Hội, qua một đoạn vắn, Công đồng ghi lại tất cả những gì có tính cách tích cực trong đạo Hồi: Sự thờ phượng Thiên Chúa duy nhất, Tạo Hóa, thái độ tuân phục thánh ý Thiên Chúa, lời cầu nguyện và lòng sám hối của họ, lòng tin tưởng vào tổ phụ Abraham. Dù không chấp nhận thiên tính của Chúa Giêsu, đạo Hồi vẫn tôn kính Ngài như một vị Ngôn sứ, và tôn kính Mẹ đồng trinh của Ngài. Công Đồng còn khích lệ người công giáo cố gắng để mọi người quên đi những mối thù địch xưa kia giữa Kitô giáo và đạo Hồi, và gầy tạo niềm quý trọng lẫn nhau, cố gắng ý thức nhiệm vụ chung nhằm lợi ích cho mọi người.

Thế nhưng trong thực tế là rất khó, nếu không nói là ‘không thể được đối với đạo Hồi’. Vì hàng chữ của Coran còn đó “không nhượng bộ gì với dân ngoại đạo, nhưng hãy đánh gục xuống” (ne cède point aux infidèles, mais combats-les fortement) (Cr 25,54). Đạo Hồi chỉ đối thoại chính trị tại những nước mà họ còn là thiểu số.

Trên bản đồ về “việc đàn áp tự do tôn giáo trên thế giới” do tổ chức “Christian Solidarity International”(CSI) phổ biến năm 1996, chúng ta thấy những nước đạo Hồi “ức hiếp tự do tôn giáo dữ dằn hơn các nước cộng sản.”. Người ta phân là ba loại:

1) Những nước phạm đến tự do tôn giáo trầm trọng (situation sérieuse): Việt Nam, Ethiopie, Kenya, Nigénia, Malaisie, Indonésie, Timor Est, Somalie, Libéria, Syrie, Pakistan, Ouzbekistan. Loại này, chỉ mình Việt Nam là Cộng Sản còn các nước khác là đạo Hồi.

2) Những nước phạm đến tự do tôn giáo cách nặng nề (situation grave): Trung quốc, Tibet, Birmanie, Laos, Corée du Nord, Irak, Turkie, Iran, Afghanistan, Egyptes, Soudan, Libie, Algérie, Maroc, Mauritainie. Loại này, có năm nước đầu ở Á Châu là cộng sản, còn lại là các nước đạo Hồi thuộc Phi Châu và Ả Rập.

3) Một nước duy nhất trên thế giới tuyệt đối chỉ có đạo Hồi, thẳng tay giết chết, cầm tù, trục xuất những người, dù là ngoại quốc tỏ một dấu “ngoại đạo”(như làm dấu Thánh giá, đeo ảnh...), đó là nước Arabie Saoudite. Không thể có đối thoại tôn giáo khi không có tự do và khoan dung về tôn giáo.

LỜI KẾT

Nhìn vào lịch sử, chúng ta thấy đạo Hồi đã qua những thế kỷ vinh quang và thành công (thời đế quốc Ottoman) và những thế kỷ sa sút (nhà Ottman bị tan vỡ, và thời Âu Châu phát triển với chế độ bảo hộ hay thuộc địa) và từ mấy thập niên qua lại được phục hồi (vì Âu Châu thế chiến, chấm dứt chế độ thuộc địa, khủng hoảng kinh tế sau thế chiến) và phát triển mạnh (với phong trào độc lập của các quốc gia nhỏ, nguồn lợi dầu hỏa của các nước Ả Rập, làn sóng di cư qua các nước Âu Châu). Một bằng chứng rõ rệt là số tín đồ của đạo hồi vào năm 1996 mới chỉ có chừng 900.000 người mà nay đã vọt lên 1.200.000. 000.

Với con số 1.200.000.000 tín đồ sống đạo đông đảo trên hơn 40 nước Bắc Phi, Nam Á, Ả Rập, và cả Âu Châu, ‘đạo Hồi quả thật muôn hình dạng’ (Islam aux mille visages) khi đi vào những nền văn hóa, kỹ thuật, tôn giáo, xã hội, phong tục. .. khác nhau của mỗi quốc gia hay lục địa.

Cũng vì thế, đạo Hồi luôn có những ‘căng thẳng’ nội bộ: chính thống và tà giáo, bảo thủ và cấp tiến hay phản kháng, canh tân và cách mạng, chủ hòa và bạo động, ôn hòa và cuồng tín. ..

Những ‘căng thẳng nội bộ’, nhìn vào một khía cạnh nào đó, cũng là một dấu hiệu tốt về ‘sự thức tỉnh’ sống đức tin, ‘nỗ lực hội nhập và thích ứng’ với những thay đổi và tiến bộ không ngừng của thế giới con người.

Bởi vậy, bỏ qua những khía cạnh chính trị, kinh tế, quân sự nằm ngoài tầm vóc và khả năng của mình, người viết bài viết này chỉ có mục đích giúp người đọc hiểu biết phần nào về đạo Hồi, để cùng với Giáo Hội ‘chúng ta có một cái nhìn kính trọng và khâm phục, tìm học những điều hay tốt của đạo Hồi” (NE 3), đồng thời hãnh diện tuyên chứng niềm tin vào Thiên Chúa Tình Yêu mà đức Giêsu Kitô mạc khải và truyền dạy chúng ta Tân Ước.

(hết)

ĐÔ Mai Đức Vinh

- Tìm hiểu Đạo Hồi (1), (2), (3) & (4)

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 13.08.2007. 06:21