Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tìm hiểu Đạo Hồi (1)

§ ĐÔ Mai Đức Vinh

VÀO ĐỀ

Cả thế giới đang trải qua những năm tháng sôi động và căng thẳng mà người ta gọi là những ‘cơn sốt kinh tế’, những ‘khủng hoảng chính trị’ giữa hai khối Ả Rập và Âu Mỹ, hay những ‘hố sâu dị biệt’ giữa hai nền văn minh đạo Hồi và văn minh đạo Kitô. Nhất là sau các biến cố khủng bố lịch sử 11. 09. 2001 phá đổ hai nhà chọc trời và ngũ giác đài của Mỹ, chiến tranh Afganistan (2002), vụ khủng bố Bali (2002), chiến tranh Irak (2003), vụ ‘voile islamique’ tại Pháp (2004), vụ đặt bom trên nhiều xe hỏa khiến 200 người dân thiệt mạng tại Madrid, Tây Ban Nha, ngày 11.03.2004, vụ đặt bom chết tại Luânđôn (07.07.2005) và những phản ứng về vụ biếm hoạ Mahồmét đăng trên tờ báo Đan Mach (9.2005) và nhiều tờ báo Au Châu (2.2006). Đó là chưa kể đến các vụ tàn sát tại Đông Timor, tại Soudan, các vụ nhóm đạo Hồi quá khích ám sát, đốt nhà thờ, cướp phá các cơ sở kitô giáo thườngt xẩy ra tại Pakistan, Ấn Độ, Phi Châu. Và hiện nay cả thế giới đang sôi nổi về việc ông Abdul Rahman người Afsganistan bị tù và có thể bị xử tử chỉ vì đã trở lại Kitô giáo (4.2006) (Sau cùng, vì áp lực quốc tế, ông đã được ra tù và được tị nạn tôn giáo qua Ý).

Riêng ở Pháp, hiện có 4.500.000 người đạo Hồi. Vì thế từ lâu dân Pháp đã tỏ dấu lo ngại: Người đạo Hồi ở trước cửa chúng ta, ở giữa chúng ta. Những dấu ấn lịch sử của thời Ottoman và những biến cố liên quan đến đạo Hồi hiện nay, đặc biệt vụ quốc hội Pháp ra luật cấm trùm khăn hồi giáo trong khuôn viên trường công, làm cho người Pháp mang tâm trạng sợ đạo Hồi. Cụ thể, nhiều người Pháp đã đặt câu hỏi: Nếu một ngày kia tháp giáo đường đạo Hồi sẽ nhiều và cao hơn các tháp chuông nhà thờ Công Giáo, nếu các giáo đường đạo Hồi đầy người và các thánh đường Công Giáo thưa thớt, trống rỗng thì liệu nước Pháp còn là nước Pháp nữa không ? Với sự gia tăng quan trọng của dân số đạo Hồi hiện nay, liệu người Pháp còn giữ được căn tính của mình không ?

Vậy, cần suy nghĩ để phản ứng đúng, vừa với tư cách người công dân vừa với tư cách một Kitô hữu. Nước Pháp và các nước Âu Châu không phải là những nước đóng kín. Từ những thời gian đen tối của lịch sử, các dân tộc luôn sống trộn lẫn và hòa đồng với nhau. Đó là một trong những yếu tố làm cho xã hội con người tiến bộ. Chúng ta đang đi đến những xã hội đa tạp về nguồn gốc, chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, tập quán.. . và tôn giáo. Hiện tại và tương lai, những yếu tố rất căn bản và rất con người ấy sẽ là những mối tương quan sống động, làm phát triển mọi mặt về xã hội.

Tầm quan trọng và mức mau lẹ của hiện tượng di cư tị nạn hiện nay đòi sự quan tâm đặc biệt của các nhà xã hội, những người có trách nhiệm chính trị và những người chuyên lo quy hoạch lãnh thổ. Tuy nhiên mọi người, kể cả những Cursillitas chúng ta, đều phải quan tâm. Sự gặp gỡ giữa các dân tộc, sự đối thoại giữa các tôn giáo, sự va chạm của các nền văn hóa, tất cả là những điều chúng ta sống ngay tại cầu thang hay trong thang máy của chung cư, ngay giữa những câu chuyện nho nhỏ của nếp sống thường nhật.

Trên đây là những lý do thúc đẩy chúng tôi cống hiến quý ông bà và anh chị em một số điều căn bản về Đạo Hồi.

I. Khái niệm tổng quát về Đạo Hồi
II. Căn bản của niềm tin Đạo Hồi
III. Đời sống tôn giáo thực tế của tín hữu Đạo Hồi
IV. Những vắn nạn về Đạo Hồi

I. KHÁI NIỆM TỔNG QUÁT VỀ ĐẠO HỒI

A. ĐẠO HỒI RA ĐỜI

1. Thân thế của ông Mohammed (Mahomet, Muhammad).

Ông Mohammed sinh ra tại Mekke quãng năm 570. Ông là con cháu của bộ lạc hùng mạnh Qoraich. Ông mồ côi cha mẹ ngay từ sáu tuổi. Ông được giáo dục bởi ông ngoại rồi bởi người cậu tên la Abu Taleb. Ngay khi vừa lớn lên, Mohammed đã đi du lịch với đoàn xe tải hàng, theo những con đường mà dân A Rrập vẫn thường đi. Sau đó Mohammed được nhận giúp việc cho một bà góa giầu có tên là Khadija, được giao chức quản lý thương mại cho bà, rồi được kết hôn với bà. Tất cả con cái của ông đều mất lúc còn nhỏ tuổi. Hình như ông chỉ còn lại một cô gái duy nhất tên là Fatima.

Ngay khi còn trẻ tuổi, Mohammed đã là chứng nhân về những phong tục thô lỗ khắt khe, những cách sống đạo dị đoan của dân tộc ông. Nhiều thần thánh được đắp thành tượng và chồng chất trên một tảng đá lớn, tại La Mekke. Người ta gọi tảng đá là La Kaba. Mohammed đã tiếp xúc với nhiều Kitô hữu và Do Thái và từng đọc Kinh Thánh. Các nhân vật tôn giáo mà người ta gọi là Hanif cũng sống trong xứ sở của ông. Họ là những người theo tôn giáo độc thần, nhưng không thuộc Do Thái hay Kitô giáo, họ được coi như những người thừa kế thiêng liêng của tổ phụ Abraham.

2. Ông Mohammed được coi là người sáng lập đạo Hồi

Vào quãng bốn mươi tuổi, Mohammed xuất hiện như một người có nhiều uy tín, rất được kính trọng trong xã hội ông sống. Người ta gọi ông là El Amin nghĩa là người khôn ngoan và lương thiện. Ông tỏ ra có một chí hướng tôn giáo mãnh liệt, không thỏa mãn với hiện tượng đa thần kỳ quái của các bộ lạc Ả Rập. Lâu lâu ông tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện và suy tư. Nơi ông thường hay lui tới là hang động Hira, gần La Mekke. Chính trong hang động này, năm 610, ông đã thực hiện một tháng chay tịnh, ngày nay gọi là Ramadan. Và vào ngày 27 trong tháng Ramadan, ông được giác ngộ. Theo niềm tin của người hồi giáo, thì đây là lần đầu tiên ông lãnh nhận các mạc khải thần linh. Cho đến cuối đời, ông miệt mài trao truyền những mạc khải ông thụ lãnh. Đó là ‘đêm Định Mệnh’ được nói đến trong sách Coran (chương Coran 97, 74,81, 53). Dựa theo truyền thống đạo Hồi, thì qua biến cố này, ông được coi là người sáng lập Đạo Hồi.

Bấy giờ Mohammed được một thị kiến kỳ lạ: Một nhân vật ánh sáng ngỏ lời với ông. Sau đây là câu chuyện chính ông kể lại: “Ngài nói với tôi rằng ngài là sứ thần Gabriel. Thiên Chúa gửi sứ thần đến báo tin Ngài chọn tôi làm sứ giả của Ngài. Sứ thần bảo tôi đi tắm rửa và khi trở lại, thân xác tôi được tinh sạch. Sứ thần bảo tôi đọc. Tôi trả lời “tôi không biết đọc”Sứ thần ôm chặt lấy tôi trong tay, rồi buông tôi ra. Một lần nữa, sứ thần lại bảo tôi đọc. Tôi trả lời “tôi không biết đọc”. Sứ thần lại ôm lấy tôi, ôm chặt hơn trước. Rồi lại bảo tôi đọc và tôi cũng trả lời “tôi không biết đọc”. Sứ thần lại ôm lấy tôi lần thứ ba, ôm chặt hơn cả lần thứ hai. Rồi buông tôi ra, sứ thần bảo tôi đọc: “Hãy đọc tên của Thiên Chúa, Ngài là Đấng sáng tạo ! Ngài đã dựng nên con người từ một cục máu đông. Hãy đọc đi vì Thiên Chúa của ngươi là Đấng rất quảng đại, Đấng đã dạy dỗ loài người.. . và chỉ dạy cho loài người điều họ không hay biết”.

3. Sứ mệnh tại La Mekke

Mohammed đi trao truyền sứ điệp cho một vài người quen thân. Những chương vắn nhất của Coran viết ra trong thời kỳ này. Lúc đó Mohammed hiện diện đơn thuần như một người trao truyền sứ điệp, theo thể thức các sứ ngôn trước kia, như Adam, Noe, Abraham, Moise, Giêsu. Tính cách tuyệt đối của Thiên Chúa và sự toàn năng của Ngài đã được trình bày ngay trong bản văn đầu tiên của sách Coran. Ông cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phán xét, đức công bằng và sự chia sẻ với những người sa cơ thất thế.

Mohammed quay về trao truyền sứ điệp cho những người cư ngụ tại La Mekke. Nhưng kẻ mà một số người đã gọi là người được Thiên Chúa Tuyển Chọn, lại thường gặp phải muôn nỗi ngờ vực và nhạo cười. Việc rao giảng về đạo độc thần và việc phải từ bỏ mọi bất công chỉ tạo nên những chỉ trích trắng trợn trong xã hội La Mekke. Nhất là ông gặp phải những sự chống đối cực lực của những người giầu có và của những người quyền thế nhất trong thành phố. Hình như những người đi theo đạo Hồi đầu tiên là những người nghèo khổ, bần cùng, người chăn chiên, kẻ bị bắt bán làm nô lệ hay bọn đầy tớ. Mohammed và các đồng chí của ông phải chịu đựng nhiều nỗi đau lòng, bất mãn, thù hằn công khai của dân thành La Mekke. Chính vì thế, cộng đoàn vừa thai sinh phải bỏ thành phố tìm đến một nơi yên ổn hơn.

3. Cuộc di tản và nếp sống tại Médine

Mùa hè năm 622, Mohammed và nhóm tín đồ đầu tiên di cư tới ốc đảo Yatrib, cách La Mekke bốn trăm cây số về phía bắc. Dân chúng tại ốc đảo niềm nở đón tiếp Mohammed. Ông đã xây giáo đường đầu tiên tại đó. Cuộc di tản (quen gọi là Hégire) này đánh dấu giai đoạn đầu tiên của đạo Hồi. Ốc đảo Yatrib trở nên ‘thành trì của ngôn sứ’ (Madinat an Nabi). Từ đó tên gọi của ốc đảo được đổi ra là Médine.

Ban đầu Mohammed thực hiện sự hiệp nhất chính trị còn non yếu với dân cư của ốc đảo. Tuy nhiên các bộ lạc Do Thái trong ốc đảo đã âm mưu hạ thế giá người đạo Hồi bằng cách từ chối không nhìn nhận Mohammed là ngôn sứ đã được công bố trong Thánh Kinh. Lợi dụng tình thế chính trị chia rẽ, Mohammed đoạn tuyệt với nhóm Do Thái và loại trừ họ. Kể từ lúc này, đạo Hồi thôi không còn hướng về Giêrusalem để cầu nguyện nữa, mà họ hướng về La Mekke.

Những điều kiện sống tiêu điều tại Médine: đói ăn, nghèo khổ, bất an, chiến tranh chống La Mekke, đã xiết chặt hàng ngũ của cộng đoàn đạo Hồi còn non trẻ. Bấy giờ họ đã đưa ra quan niệm “Jihad”, tức là “chiến đấu cho Thiên Chúa” hay “thánh chiến”. Nhiều quy luật về luân lý và cuộc sống đọc thấy trong Coran đã phát huy trong thời điểm này: hôn nhân, gia tài, hình luật, trả nợ, cách đối xử với nô lệ.. . Những dữ kiện mới của đạo Hồi đáp ứng nhu cầu của cộng đồng mới thai sinh. Đạo Hồi dần dần nhân bản hóa các phong tục thô bạo của thời đại. Với thời gian, đạo Hồi đã khống chế La Mekke bằng cả quân sự và chính trị. Sau cùng năm 630, đạo Hồi đã chiếm La Mekke cách ôn hòa và phá hủy mọi thần tượng. Dân chúng trong thành ùa theo đạo Hồi, khiến đạo Hồi mau lan tràn vào các dân tộc Ả Rập. Năm 630, Mohammed từ trần tại Médine, không chỉ định ai là người tiếp quyền điều khiển cộng đoàn.

Kể từ “đêm Định Mệnh” đến cuối đời, Mohammed miệt mài trao truyền nhiều sứ điệp. Sứ điệp cuối cùng được ghi lại như sau: “Hôm nay Ta đã làm cho tôn giáo của nhà ngươi nên toàn hảo. Ta đã hoàn thiện ơn của Ta trên nhà ngươi. Ta công nhận đạo Hồi như tôn giáo của nhà ngươi”.

4. Đạo Hồi được mở rộng lần đầu tiên.

Hai mươi lăm năm sau, nhiều căng thẳng đã bùng nổ trong cộng đoàn vì những tranh dành quyền kế vị Mohammed, và đã chia cộng đoàn thành ba ngành: Sunnites, Chiites và Khareitess. Chúng ta sẽ nói sau về mỗi ngành.

Tuy nhiên cuộc quảng bá đầu tiên của đạo Hồi tiến hành mạnh mẽ và mau lẹ. Ngay đầu thế kỷ VIII, đạo Hồi đã tràn qua các miệt sông Indus và bắt đầu xâm chiếm Tây Ban Nha... Đúng 100 năm sau khi Mohammed chết, là trận chiến Poitiers. Tại Phi Châu Đen, đạo Hồi đã bén rễ và lớn mạnh ngay trước năm 1000.

B. CÁC CỘNG ĐOÀN VÀ CÁC KHUYNH HƯỚNG ĐẠO HỒI

1. Ba ngành đạo Hồi.

Tất cả những người đạo Hồi nhìn nhận nhau thuộc về một cộng đồng duy nhất là ‘Ummah’. Vượt khỏi giới hạn thời gian và không gian, cộng đồng bao gồm tất cả những người tuyên xưng Islam, tuyên xưng Thiên Chúa duy nhất và Mohammed là ngôn sứ của Ngài. Tuy nhiên ngay từ đầu lịch sử, vì tranh quyền kế vị Mohammed, cộng đồng đạo Hồi đã chia ra thành ba ngành lớn sau đây.

• Ngành Sunnites với 87% tín đồ đạo Hồi. ‘Sunnites’ bởi từ ‘sunna’, truyền thống của Ngôn Sứ Mohammed. Đối với họ, Luật đạo Hồi được công thức hóa trong bốn trường phái tư pháp. Những khác nhau giữa bốn trường phái chỉ là những điểm phụ thuộc. Những điểm này rải rác trên các nước đạo Hồi, kể cả những nước có ngành Chiites hiện diện. Phi châu và Indonésie hầu như toàn tòng ngành Sunnites.

• Ngành Chiites với 12,2% tín đồ đạo Hồi. Những người đạo Hồi này tách rời khỏi ngành Sunnites bởi vì họ muốn Iman kế vị Mohammed đứng đầu cộng đồng, là một phần tử thuộc gia đình của Ngôn Sứ. Trong Chiites, các iman kế tiếp nhau đều là con cháu thuộc dòng Ali, con rể của Mohammed. Chiites còn chia thành nhiều nhóm. Mỗi nhóm chịu ảnh hưởng của một ‘iman ẩn dật’ (iman sau cùng mất đi, không để lại hậu duệ, cộng đoàn được điều hành bởi các chức sắc trong đạo). Họ chủ trương tìm hiểu những ý nghĩa mầu nhiệm của Coran, vì thế họ rất coi trọng các bản văn Coran. Tại vùng Đông phương và Trung đông họ hiện diện lẫn lộn với ngành Sunnite nhưng tại Iran, họ hầu như toàn tòng.

• Ngành Kharejite với 0,3% tín đồ đạo Hồi. Ly khai khỏi ngành Chiite, họ chủ trương sống luân lý khắc khổ và tỉnh thức bảo toàn một xã hội truyền thống đạo Hồi. Họ tập trung ở các miền Nam Algérie, đảo Djerba nước Tunisie, miền Nam Lybie, Oman.

2. Các khuynh hướng đạo Hồi

Trước tiên phải kể đến khuynh hướng Soufisme có ngay từ đầu lịch sử đạo Hồi và tản mát trong cả ba ngành, với chủ trương đậm mầu sắc huyền bí: đi tìm kinh nghiệm thiêng liêng về tình yêu của Thiên Chúa, coi những khía cạnh trần thế của đạo Hồi là thứ yếu. Từ gần hai thế kỷ nay, giữa ba ngành đạo Hồi lại xuất hiện nhiều khuynh hướng khác nhau, sau đây là năm khuynh hướng nổi bật:

• Khuynh hướng ‘Duy Tân’: chủ trương đổi mới đạo Hồi, thích ứng đạo Hồi theo những biến chuyển của xã hội mới hiện nay về các quan điểm xã hội, tôn giáo, chính trị, văn hóa, tự do...

• Khuynh hướng ‘Truyền Thống’: chủ trương đổi mới đạo Hồi về phạm vi nhân bản, nhưng trung thành với truyền thống của người xưa.

• Khuynh hướng ‘Đạo Hồi’ phát triển trong nhiều nước. Những người đạo Hồi theo khuynh hướng này chủ trương: sau thời đại thuộc địa, đạo Hồi phải nổi bật lên bằng việc áp dụng nghiêm chỉnh mọi giới truyền của Đạo Hồi. Họ tố cáo những chính phủ ‘đời’ thất trung với đạo Hồi khi chạy theo các quan niệm sống, chính trị, kinh tế của Tây Phương. Các tổ chức ‘huynh đệ Hồi giáo’ nằm trong khuynh hướng này.

• Khuynh hướng ‘Thiêng Liêng’: tương tự như khunh hướng ‘Truyền Thống’, thường ăn sâu trong khuynh hướng ‘Soufisme’. Các thành viên phải dành thới gian đi tuyên truyền đạo Hồi và thúc đẩy người ta trở về với Thiên Chúa.

C. TÍN HỮU ĐẠO HỒI HIỆN NAY TRÊN THẾ GIỚI

1. Ả Rập là nôi sinh và phát triển của Đạo Hồi

Trên thế giới hiện nay, đạo Hồi là tôn giáo thứ hai sau Kitô giáo: Kitô giáo 1.940.000.000 tín hữu, đạo Hồi 1.200.000.000 đạo hữu. Riêng tại Cộng Đồng Au châu, ở Pháp có 4.500.000 người đạo Hồi (Ngoài ra còn 45.000.000 công giáo, 850.000 người Tin lành, 600.000 người Phật giáo và 150.00 người Chính thống giáo), nước Đức có 3.630.000, nước Anh 1.190.000, nước Ý 690.000, nước Hòa Lan 640.000, nước Bỉ 280.000, nước Tây Ban Nha 280.000, nước Thụy Điển 210.000, nước Ao 180.000, đảo Chypre 160.000 người hồi giáo (xem Expresse, 26.01.06 p.20-35).

Tuy nhiên các nước Ả Rập mới là nôi sinh của đạo Hồi. Quả vậy, khi nói đến đạo Hồi, người ta nghĩ đến khối Ả Rập, và khi nói đến khối Ả Rập, người ta nghĩ đến đạo Hồi. Lý do vì đạo Hồi ra đời giữa người Ả Rập và lan tràn khắp thế giới nhờ người Ả Rập. Chính tại Ả Rập mà người ta tìm ra những di tích, những địa điểm lịch sử của đạo Hồi. Hơn thế ngôn ngữ Ả Rập là ngôn ngữ của sách Coran. Nó mang tính cách thần thiêng. Cũng là ngôn ngữ cầu nguyện theo nghi thức chung cho mọi tín đồ đạo Hồi. Hơn the, mọi thổ ngữ quen thuộc trong dân chúng theo văn hóa Ả Rập đều bắt gốc từ ngôn ngữ Ả Rập của Coran. Cũng vậy, trong thế giới đạo Hồi, người Ả Rập thường được hưởng một số ưu vị hay đặc ân. Tuy nhiên không phải tất cả những người ngày nay mang danh ‘Ả Rập’ đều thuộc sắc tộc Ả Rập. Nhiều người đã ‘bị Ả rập hóa’ vì tiếng nói, vì văn hóa, vì lịch sử, vì tâm lý, nhất là vì đạo Hồi. Đó là trường hợp của những người Maghrébins (dân Tunisie, Algérie, Maroc). Những dân tộc có văn hóa Ả Rập đứng vào hàng thứ năm trong toàn khối đạo Hồi. Còn nhiều sắc tộc và văn hóa khác rất dị biệt.

Sau cùng phải nhấn mạnh rằng không phải tất cả người Ả Rập đều theo đạo Hồi. Tuy thiểu số, nhưng có nhiều cộng đoàn Kitô giáo trong các nước thuộc khối Ả Rập. Họ không phải là những người đạo Hồi trở lại Công giáo, họ thuộc về các Giáo Hội Kitô rất xa xưa, có khi lên tới thời các Tông Đồ và có trước đạo Hồi cả nhiều thế kỷ. Đối với phần lớn tín đồ kitô, tiếng Ả Rập là ngôn ngữ phụng vụ tuyên xưng đức tin. Các cộng đoàn kitô đông đảo tại các nước vùng Trung Đông và tại Ai Cập.

2. Đạo Hồi muôn mặt.

Trái với điều người ta nghĩ, các nước đạo Hồi thường không đoàn kết thành một khối. Đạo Hồi Trung Đông, Maghreb, Châu Phi Đen, Nga, Á Châu, di cư qua Âu Châu, biết đến hay không biết đến, giữa họ luôn có nhiều dị biệt đáng lưu ý. Những địa thế tự nhiên, những cưỡng bách kinh tế, lịch sử quốc gia, ảnh hưởng văn hóa.. . đều tác động đến mỗi cộng đoàn đạo Hồi địa phương.

Nơi những người Phi châu đen, đạo Hồi đã tìm thấy tại chỗ một văn hóa cộng đoàn và những cảm tính tôn giáo đòi đạo Hồi phải thích ứng thật khôn khéo. Tại Mã Lai và Indonésie, người đạo Hồi không thể bỏ qua các truyền thống của tổ tiên. Tại nhiều dân tộc khác đạo Hồi chỉ ảnh hưởng bên ngoài mà thôi.

Giữa ngành Sunnites và ngành Chiites vốn có những khác biệt về niềm xác tín và thực hành khác biệt từ thế kỷ đầu tiên của đạo Hồi. Lại còn những khác biệt về ý thức hệ giữa nhiều khuynh hướng đạo Hồi hiện nay: đạo Hồi bảo thủ, đạo Hồi canh tân, đạo Hồi tân tiến, đạo Hồi huyền bí...

Cho dù hiện diện dưới nhiều bộ mặt, nhưng tất cả các tín đồ đạo Hồi đều quy về một đức tin xây nền trên Coran và trên Sunna (truyền thống đạo Hồi được nhìn nhận là chính xác). Các tín đồ quy tụ thành Ummah (cộng đồng của mọi tín hữu đạo Hồi) và trên các lãnh thổ đạo Hồi, mỗi tín đồ cảm thấy thoải mái như tại xứ sở của mình.

(còn tiếp)

Tài liệu tham khảo.

• Le Coran (traduit de l’arabe par Kasimirski). Flammarion, Paris 1970.
• Dominique Sourdel: L’Islam, Presse Universitaire de France,1962
• Missi, 1980 ( ?): L’Islam dans le monde.
• Asie Religieuse, Églises d’Asie, 1995
• Fêtes et Saisons, n. 421. 1.1988: Regard sur l’Islam.
• Feu et Lumière, n. 202. 1.2002: Islam Djihad ou Dialogue ?
• Phan Thiết: Hành Hương Đất Chúa: ch.V ‘Mohamét và Ala là ai?. Australia, 2002.
• France Catholique, n.2864.10.2003: Quel dialogue avec l’Islam ?
• Expresse n.2847, 26.01.06.

ĐÔ Mai Đức Vinh

- Tìm hiểu Đạo Hồi (1), (2), (3) & (4)

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 13.08.2007. 06:21