Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thánh lễ tại Santa Marta 21/4/2020: Sự im lặng của thời gian này dạy chúng ta lắng nghe

§ Đặng Tự Do

Lúc 7 sáng thứ Ba 21 tháng Tư 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cho trong thời gian này, được đặc trưng bởi đại dịch và một sự im lặng mới, tất cả chúng ta có thể phát triển các kỹ năng lắng nghe.

Mở đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Trong thời gian này có rất nhiều sự im lặng. Im lặng cũng có thể được nghe thấy. Sự im lặng này là một chút mới trong thói quen của chúng ta, dạy chúng ta lắng nghe, khiến chúng ta phát triển kỹ năng lắng nghe. Hãy cầu nguyện cho điều này.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về Bài đọc Một trích từ sách Tông đồ Công vụ (Cv 4: 32-37) mô tả cuộc sống của các thành viên trong cộng đồng Kitô tiên khởi đồng tâm nhất trí với nhau và không ai coi tài sản của mình là của riêng, nhưng mọi thứ đều là của chung.

Bài Ðọc I: Cv 4, 32-37

“Họ một lòng một ý với nhau”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Bấy giờ tất cả đoàn tín hữu đông đảo đều đồng tâm nhất trí. Chẳng ai kể của gì mình có là của riêng, song để mọi sự làm của chung. Các tông đồ dùng quyền năng cao cả mà làm chứng việc Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta sống lại. Hết thảy đều được mến chuộng. Vì thế, trong các tín hữu, không có ai phải túng thiếu. Vì những người có ruộng nương nhà cửa đều bán đi và bán được bao nhiêu tiền thì đem đặt dưới chân các tông đồ. Và người ta phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu của họ. Ông Giuse, người mà các tông đồ đặt tên là Barnabê, nghĩa là con sự an ủi, một thầy tư tế, quê ở Cyprô, có một thửa ruộng, ông bán đi và đem tiền đặt dưới chân các tông đồ.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Được tái sinh bởi trời là được tái sinh nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chúng ta không thể giữ Chúa Thánh Thần làm của riêng cho mình; chúng ta chỉ có thể để Ngài biến đổi chúng ta. Và sự ngoan ngoãn của chúng ta mở ra cánh cửa cho Chúa Thánh Thần: chính Ngài là người tạo ra sự thay đổi, sự biến đổi, sự tái sinh từ bởi trời này. Vì thế, Chúa Giêsu hứa gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta. Chúa Thánh Thần có khả năng làm nên những điều kỳ diệu, những điều mà chúng ta thậm chí không thể nghĩ ra.

Cộng đồng Kitô giáo tiên khởi này là một ví dụ. Đó là một thực tại, không phải là ảo mộng, những gì cộng đồng này nói với chúng ta là một mô hình, trong đó chúng ta có thể đạt đến khi ngoan ngoãn để Chúa Thánh Thần bước vào và biến đổi chúng ta. Một cộng đồng có thể nói là “lý tưởng”. Đúng là các vấn đề sẽ bắt đầu ngay sau đó, nhưng Chúa cho chúng ta thấy chúng ta có thể đi bao xa nếu chúng ta cởi mở với Chúa Thánh Thần, nếu chúng ta ngoan ngoãn. Trong cộng đồng này có sự hài hòa. Chúa Thánh Thần là bậc thầy của sự hòa hợp, Ngài có khả năng làm điều đó và Ngài đã làm điều đó ở đây. Ngài phải làm điều đó trong trái tim của chúng ta, Ngài phải thay đổi nhiều điều trong chúng ta, nhưng để làm cho hòa hợp: bởi vì chính Ngài là sự hòa hợp với Chúa Cha và Chúa Con. Và Chúa Thánh Thần, với sự hài hòa của Ngài, tạo ra những điều kỳ diệu như trong cộng đồng này.

Đây là một mô hình: Chúa đã cho chúng ta thấy mô hình này, một mô hình gần như của cộng đồng “trên trời”, để cho chúng ta thấy nơi chúng ta nên hướng đến.

Nhưng sau đó, cùng một Sách Tông đồ Công vụ này cho ta biết về nhiều vấn đề trong cộng đồng đã xảy ra theo dòng lịch sử. Chia rẽ bắt đầu trong cộng đồng. Thánh Giacôbê Tông đồ, trong chương thứ hai Lá Thư của ngài, nói: “Xin cho niềm tin của anh em được miễn dịch với sự thiên vị cá nhân”, vì đã có như thế! “đừng đối xử thiên tư”: các tông đồ phải lên tiếng để răn đe, vì đã có chuyện như thế! Và Thánh Phaolô, trong Thư Thứ Nhất gửi các tín hữu Côrinthô, trong chương 11, phàn nàn rằng: “Tôi đã nghe nói rằng có những chia rẽ giữa anh em”: các chia rẽ nội bộ trong cộng đồng đã bắt đầu. Đây là “lý tưởng” phải đạt được, nhưng nó không phải là dễ dàng: có rất nhiều điều gây chia rẽ một cộng đồng, dù cộng đồng ấy có thể là một giáo xứ, một giáo phận, hay một cộng đồng giáo sĩ hoặc tu sĩ... nhiều điều có thể chia rẽ cộng đồng.

Tôi thấy có ba điều chia rẽ các cộng đồng Kitô tiên khởi, đầu tiên là tiền bạc. Khi Thánh Giacôbê Tông đồ nói “đừng đối xử thiên tư”, ngài đưa ra một ví dụ “giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: ‘Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này’, còn với người nghèo, anh em lại nói: ‘Đứng đó!’ hoặc: ‘Ngồi dưới bệ chân tôi đây!’, thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao?” Thánh Phaolô cũng nói tương tự: “Người giàu mang theo thức ăn và ăn, còn người nghèo thì đứng đó, chúng ta để họ ở đó như muốn nói với họ: “Tự lo lấy cho mình đi nhé”. Tiền chia rẽ, lòng yêu mến tiền bạc của cải chia rẽ cộng đồng, chia rẽ Giáo hội.

Nhiều lần, trong lịch sử của Giáo hội, ở những nơi có những sai lệch về tín lý, tuy không phải lúc nào cũng vậy nhưng biết bao lần chúng ta thấy có tiền đứng đằng sau những chuyện như thế: tiền từ quyền lực, cả quyền lực chính trị, và tiền mặt, nhưng thảy đều là tiền. Tiền chia rẽ cộng đồng. Vì lý do này, sự thanh bần là mẹ của cộng đồng, vì sự thanh bần là bức tường bảo vệ cộng đồng. Tiền chia rẽ, gây ra tư lợi. Ngay cả trong các gia đình: có bao nhiêu gia đình cuối cùng chia rẽ với nhau vì gia tài? Có bao nhiêu gia đình như thế? Và họ không bao giờ nói chuyện lại với nhau. Biết bao nhiêu những gia đình như vậy!

Một điều khác chia rẽ một cộng đồng là sự vênh vang phù phiếm, đó là mong muốn cảm thấy mình hơn những người khác trong cộng đồng. “Lạy Chúa, xin cảm tạ Chúa, vì con không giống như những người khác”, đó là lời cầu nguyện của người Pharisêu. Phù phiếm trong tư duy, trong cách chưng diện, biết bao nhiêu lần - không phải luôn luôn nhưng biết bao nhiêu lần - việc cử hành bí tích là một ví dụ về sự phù phiếm, ai mặc trang phục đẹp nhất, ai làm cái này và ai làm cái kia. Phù phiếm cũng bước vào đó. Và sự phù phiếm gây ra chia rẽ. Bởi vì sự phù phiếm dẫn anh chị em đến chỗ trở thành một con công và nơi nào có một con công, luôn luôn có sự chia rẽ, luôn luôn.

Điều thứ ba chia rẽ một cộng đồng là những trò ngồi lê đôi mách: đây không phải là lần đầu tiên tôi đề cập đến chuyện này, đó là một thực tế. Đó là điều mà ma quỷ đặt vào chúng ta, cái gì đó giống như một nhu cầu nói về người khác. “Đó là một người tốt, NHƯNG,” có một chữ NHƯNG ngay lập tức, và đó là một viên đá để loại bỏ người khác, sau chữ NHƯNG ấy, ngay lập tức là một điều gì đó mà “tôi nghe thấy người ta nói”.

Thánh Linh luôn đi kèm với sức mạnh để cứu chúng ta khỏi thế giới tiền bạc, phù phiếm và ngồi lê đôi mách này, bởi vì Thánh Linh không thuộc về thế gian, nhưng chống lại thế gian. Chúa Thánh Thần có khả năng làm những điều kỳ diệu, những điều tuyệt vời này.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho sự ngoan ngoãn với Thánh Linh để Ngài biến đổi chúng ta và biến đổi các cộng đồng của chúng ta, các cộng đồng địa phương, giáo phận và tu trì của chúng ta: Xin Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta, để luôn tiến lên trong sự hòa hợp mà Chúa Giêsu muốn cho các cộng đồng Kitô giáo.

Source: Vatican News Il Papa: il silenzio di questo tempo ci insegni ad ascoltare

Đặng Tự Do

Đọc nhiều nhất Bản in 21.04.2020 14:02