Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thánh Kinh thời kỹ thuật số

§ Vũ Văn An

Thánh Kinh là cuốn sách đầu tiên được in ấn, nhưng nay mực và giấy không còn cần thiết để chia sẻ thông điệp của nó với một lượng lớn khán giả. Theo số đếm gần đây nhất, ứng dụng Thánh Kinh phổ biến nhất thế giới, tên là Thánh Kinh YouVersion, đã được tải xuống hơn 228 triệu lần. Biểu tượng đặc biệt của nó, được thiết kế trông giống như một quyển Thánh Kinh dầy, vuông vức, được tìm thấy trên điện thoại thông minh ở mọi quốc gia trên thế giới, cho phép người dùng truy cập 1,305 phiên bản của Thánh Kinh bằng 954 ngôn ngữ — và còn đang gia tăng.

Các cuộc trò chuyện về Thánh Kinh trong thời đại kỹ thuật số thường quay sang các câu hỏi về truy cập: kỹ thuật đã thay đổi ra sao số người có thể sử dụng được một bản Thánh Kinh và một cách dễ dàng như thế nào. Nhưng trong câu chuyện kỹ thuật thay đổi không ngừng và lời nói vượt thời gian của Thiên Chúa, sự gia tăng quyền truy cập không phải là sự phát triển duy nhất. Thánh Kinh là một bản văn siêu việt với sự hiện diện vật chất rất dai dẳng, nhưng khi nền kỹ thuật mới nhắc chúng ta thay đổi bối cảnh vật chất của Thánh Kinh – bất luận từ giấy cuộn bằng giấy cói cho tới các thủ bản khổng lồ được minh họa sáng láng hoặc từ sách bìa mềm được sản xuất hàng loạt tới một chuỗi mã máy vi tính— việc chúng ta tương tác với nó ra sao đã thay đổi như một kết quả.

Thí dụ, khi tải ứng dụng YouVersion xuống điện thoại của tôi vài tháng trước, tôi đã tạm dừng để đọc một tin nhắn xuất hiện thình lình trên màn hình: “ ‘Thánh Kinh’ muốn gửi thông báo cho bạn”. Chắc chắn, các Kitô hữu luôn tin rằng Lời của Thiên Chúa phán, nhưng một bản tin nhắn trực tiếp từ Sách Thánh đem sự việc lên một bình diện hoàn toàn mới.

Brian Russell coi đây là một điều rất tốt. Theo quan điểm của ông trong tư cách giám đốc của YouVersion, có ứng dụng trên điện thoại thông minh của chúng ta không chỉ giúp chúng ta dễ dàng mang Thánh Kinh đến mọi nơi chúng ta đến, mà nó còn giúp ta biết bạn bè ta đang đọc những câu nào và sẽ đọc cùng chia sẻ các câu ấy trực tiếp vào tài khoản truyền thông xã hội của chúng ta. Ông cho rằng: "Một cách nào đó, nó đem ý niệm đọc Thánh Kinh trong cộng đồng trở lại với chúng ta".

Nhóm nghiên cứu tại YouVersion đã bắt đầu thăm dò xem các kỹ thuật khác có thể giúp gì để mọi người tiếp xúc với Thánh Kinh theo những cách mới mẻ. Ông Russell đặc biệt phấn khích đối với việc có thể sử dụng kỹ thuật tiếng nói và trí thông minh nhân tạo. Ông tự hỏi "Câu chuyện sẽ ra sao nếu tôi có thể nói chuyện với Thánh Kinh và Thánh Kinh có thể nói chuyện với tôi?"

Đọc một cách trung thành

Các kệ ở văn phòng của Mary Elizabeth Sperry tại Hội Đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ là hiệu quả lớn của “Hiến chế tín lý về mạc khải Thiên Chúa” (1965), là hiến chế thúc giục “mọi tín hữu Kitô Giáo” đọc Thánh Kinh thường xuyên. Mặc dù mới chuyển về văn phòng này chỉ vài tuần trước đó, cô Sperry đã có những điều dường như là tất cả các phiên bản của Thánh Kinh Tân Hoa Kỳ (New American Bible), bao gồm một cuốn tiểu thuyết đồ họa theo phong cách hoạt họa (anime) còn đang trong diễn trình sản xuất và một cuốn Thánh Kinh “thính âm” di động chỉ bằng nửa kích thước một danh thiếp.

Là giám đốc cho phép và khuyến khích sử dụng Thánh Kinh tại hội đồng giám mục, cô Sperry đã lấy việc xóa bỏ ý tưởng cho rằng người Công Giáo không đọc Thánh Kinh làm sứ mệnh của mình. Dù thiên kiến này làm cô khó chịu (Cô vừa nói “Chúng ta là người của Thánh Kinh hơn chúng ta vẫn nghĩ về mình”, vừa đánh dấu những đoạn trong phụng vụ trích từ Thánh Kinh), cô thừa nhận rằng sự tiếp cúc của người Công Giáo với Thánh Kinh vẫn còn chỗ để cải thiện.

“Chín mươi sáu phần trăm các gia đình Công Giáo có ít nhất một quyển Thánh Kinh”, cô Sperry nói thế, khi trích dẫn một cuộc thăm dò năm 2015 do Hội Thánh Kinh Hoa Kỳ ủy nhiệm. “Nhưng tôi luôn muốn những người thăm dò đặt câu hỏi, 'Bạn có biết nó ở đâu không, và bạn có mở nó từ lần Rước Lễ lần đầu hay khi bạn được thêm sứ hay không?'” (Cô nghi ngờ rằng số người trả lời "có" ít hơn 96 phần trăm.)

Cô Sperry qui sự nhiệt tình của mình đối với Thánh Kinh là do công của một bộ truyện Thánh Kinh được viết thành kịch bản trên các dĩa nhựa mà cha mẹ đã tặng cô lúc còn nhỏ. Cô cho hay “Vào năm 1969, đó là kỹ thuật hợp thời đấy”. Tuy nhiên, khi nói đến việc gia tăng sự tiếp xúc với Thánh Kinh, cô thận trọng không cho rằng việc tạo ra các nguồn tài nguyên mới — kỹ thuật số hay cách khác — sẽ tự động tăng mức độ tiếp xúc. Cô nói “Hiện có rất nhiều tài nguyên sẵn có, nhưng điều đó chưa bao giờ là một vấn đề trong giáo hội Hoa Kỳ. Tôi muốn nói, hãy nhìn vào văn phòng của tôi”. Cô chỉ vào các kệ đầy Thánh Kinh ở xung quanh cô. "Điều chúng ta cần làm là tăng sinh lực cho ước muốn".

Theo quan điểm của cô Sperry, cách tốt nhất để tăng gia việc tiếp xúc với Thánh Kinh là giúp người ta nhìn ra chính họ - các cảm xúc của họ, các hoàn cảnh của họ, các cuộc đấu tranh của họ - trong bộ trước tác đã có từ vài ngàn năm trước đây. Và việc này đòi hỏi phải tinh tế.

Cô đặt câu hỏi "Các tài nguyên sẽ đến rồi đi, nhưng làm thế nào chúng ta mời gọi được người ta chịu tiếp nhận các tài nguyên này, biến đổi cuộc sống của họ và trở thành chính câu truyện? Thách thức là ở chỗ đó".

Đức tin, đưọc hình tượng hóa

Ở phía bên kia của đất nước, nhà làm phim Pearry Teo đã hỏi một câu hỏi tương tự. Có thể nói thế. Ông là nhà sản xuất và giám đốc của VR Thánh Kinh, một trong những công ty đầu tiên biến những câu chuyện của Thánh Kinh thành thực tại ảo. Nhờ thế giới kỹ thuật số mà Ông Teo và đội ngũ của ông đã tạo ra, việc tự đặt mình các bạn vào những câu chuyện của Thánh Kinh rất dễ dàng: chỉ cần đơn giản gắn bộ ống nghe Google Cardboard giá 15 dollars vào điện thoại thông minh là đột nhiên bạn trở thành một người làm công tại 1 chuồng bò thế kỷ thứ nhất ở Belem, lặng lẽ quét dọn góc chuồng trong khi Thánh Giuse và Đức Maria gần ngày sinh thương lượng để có nơi ngủ đêm.

Đây có lẽ không phải là điều Thánh Inhaxiô nghĩ tới khi ngài dạy những nhà chiêm niệm tương lai cách sử dụng năm giác quan của họ để “thấy bằng cái nhìn của trí tưởng tượng” khi suy niệm về Thánh Kinh. Tuy nhiên, một hứng thú tương tự đối với sức mạnh đổi đời của việc hình dung mình trong thực tại phức tạp của những câu chuyện Thánh Kinh đã thúc đẩy công việc của ông Teo.

Ông giải thích: "Tôi muốn những câu chuyện Thánh Kinh này được viết thành kịch bản theo cách các diễn viên thực sự nói với máy ảnh – nghĩa là nói với các bạn. Các bạn không chỉ cảm thấy như đang quan sát nó, mà còn cảm thấy như bạn đang là một phần của câu chuyện Thánh Kinh."

Thánh Kinh VR cũng bao gồm các không gian cầu nguyện ảo và các chuyến du lịch thăm các di tích lịch sử liên quan đến Thánh Kinh dành cho người lớn muốn thăm Đất Thánh. Tuy nhiên, việc trình diễn lại các câu chuyện Thánh Kinh được đặc biệt nhắm đến các trẻ em. Là một người cha và một người suốt đời theo Công Giáo, Ông Teo có viễn kiến: các giáo viên và phụ huynh của trường Chúa Nhật phải sử dụng nó để dẫn nhập con cái họ vào Thánh Kinh.

Nghĩ đến việc các giáo viên có thể sử dụng VR Thánh Kinh, Ông Teo nói: "Vâng, các bạn vừa thấy một đoạn trình diễn lại sự ra đời của Chúa Giêsu Kitô. “Vậy thì sao? Nó có gì quan trọng ? Bạn thấy gì trong đó và bạn cảm thấy gì?”

Như ông Teo thừa nhận đầu tiên, ông và nhóm của ông vẫn đang tìm cách nghĩ xem phải đương đầu cách nào với những thách thức trong việc kể chuyện Thánh Kinh bằng các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là phương tiện truyền thông khiến người dùng cảm thấy như họ là một phần của câu truyện. Cho đến nay, mới chỉ là chuyện mò mẫm. Lần đầu tiên họ thử cảnh đóng đinh, nó mãnh liệt đến nỗi khiến người ta bật khóc và làm mờ cả màn hình điện thoại của họ. Ông giải thích trong VR, “mọi thứ tốt hơn 10 lần. Nhưng trong cảnh đóng đinh, nó tàn bạo gấp 10 lần." (đoàn thực hiện phim dự định quay lại toàn bộ khung cảnh, định vị người xem xa cây thánh giá hơn một chút và loại bỏ đám đông nhạo báng).

Trong cuộc trò chuyện của chúng tôi, chúng tôi nói chuyện gần như hoàn toàn về Thánh Kinh, nhưng ông Teo không bao giờ đề cập đến những chữ sách hay đọc. Thay vào đó, ông nói đến cảm nghiệm.

Ông đặt câu hỏi "Chúng ta sử dụng kỹ thuật này cách nào để thay đổi cách người ta cảm nghiệm Thánh Kinh từ bây giờ trở đi? Đó là điều quan trọng nhất".

Ông Teo không đơn độc trong việc hỏi câu hỏi này. Theo Kevin Kelly của tạp chí Wired, sự thay đổi từ việc sản xuất và tiêu thụ thông tin tới việc sản xuất và tiêu thụ cảm nghiệm sẽ là thay đổi quan trọng nhất do thực tại ảo đem đến. Ông viết: "Mọi người nhớ cảm nghiệm VR không phải như nhớ một điều họ thấy, nhưng như một điều đã xảy ra với họ".

Đối với những người mang tin vui, những điều này có thể là tin mừng. Dù sao, nếu lời Thiên Chúa “sống động và năng động” (Dt 4:12), thì nó không chỉ là một bó thông tin để truyền tải, mà là một thông điệp năng động có năng lực thay đổi cuộc sống. Nếu kỹ thuật mới giúp người ta tiếp cận phẩm chất biến đổi này của Thánh Kinh —quả tốt, cây tốt — ai là người ngăn được nó? Nói cách khác, liệu Thiên Chúa, Đấng mà Tin Mừng Gioan mô tả như là “Lời”, trong thời đại ta, có dễ dàng trở thành hiện diện trong hình ảnh, tập tin MP3, GIF hay — tha lỗi cho tôi – một hình kỹ thuật số (emoji) (1) hay không?

Lời Thiên Chúa trong mọi sự

Theo Geof Morin của Hội Thánh Kinh Hoa Kỳ (một nhà tài trợ số báo này của America), câu trả lời là chữ "có" đầy hứng khởi. Ông nói: "Chúng tôi muốn Thánh Kinh đi đến những nơi người ta đang chịu ảnh hưởng". Và Ông không sợ đưa triết lý này đến những kết luận ngông cuồng nhất.

Đối với ông Morin, điều này có nghĩa là giúp người ta tương tác với Thánh Kinh qua các phương tiện truyền thông xã hội (“Chúng tôi có 11 triệu người trên Facebook tương tác với các trang tiép xúc với Thánh Kinh khác nhau bằng các ngôn ngữ khác nhau”), qua việc quảng cáo toàn quốc (“chiến dịch quảng cáo kiểu 'Got Milk?' (2) cho Thánh Kinh”), và tên miền. (dot) Thánh Kinh. Nghĩ theo kiểu vọng tương lai (futuristically), ông suy đoán về những cuốn Thánh Kinh đeo được như Fitbit có thể phát hiện các cảm xúc nhờ tốc độ nhịp tim và gửi những đoạn Thánh Kinh thích hợp cho người đeo chúng. Ông thậm chí còn hình dung rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ thoải mái với việc đặt các thiết bị sinh trắc học (biometric) tinh vi vào bên trong cơ thể chúng ta. Nếu điều này xảy ra, ông hy vọng sẽ có một cách để gắn Thánh Kinh vào đó.

Gia tăng diễn đàn kỹ thuật số cho Thánh Kinh cũng có nghĩa là thu thập thêm dữ kiện về độc giả Thánh Kinh. Nhờ các hợp tác với YouVersion và những người sáng tạo các sản phẩm Thánh Kinh kỹ thuật số khác, giờ đây có thể thu thập thông tin về đoạn Thánh Kinh nào phổ biến nhất, khi nào người ta đọc Thánh Kinh và liệu thông tin này có thay đổi theo các yếu tố nhân khẩu học nào đó hay không. Dữ kiện này có thể được sử dụng để hình dung ra những đoạn Thánh Kinh nào thực sự nói với một ai đó tại một thời điểm cụ thể nào đó. Thí dụ, những thánh vịnh nào được người ta cho là an ủi nhất trong những lúc bi thảm?

Ông Morin biết tất cả những điều trên nghe có vẻ hơi sởn gáy. "Đây là chỗ bạn hết chịu nổi tôi và la hét chạy khỏi phòng", ông nói thế sau khi đưa ra lời lẽ thuyết phục về các dữ kiện và sinh trắc học Thánh Kinh lớn lao. Nhưng theo quan điểm của ông, trong một thế giới trong đó cuộc sống thể lý và kỹ thuật số của chúng ta ngày càng trở nên liên kết chằng chịt qua lại chặt chẽ với nhau hơn, thì việc bỏ cuộc sống tâm linh của chúng ta lại phía sau quả là vô nghĩa. Ông nói: "Chúng tôi đang cố gắng tranh giành một không gian cho linh hồn ở giữa cuộc cách mạng kỹ thuật này".

Nghe Lời Chúa

Bỏ sang một bên việc suy luận kiểu vọng tương lai, ông Morin không nghĩ rằng Thánh Kinh in sẽ biến mất trong nay mai. Thực thế, ông tin rằng Thánh Kinh in sẽ vẫn tồn tại sau khi các phương tiện khác đã đi vào kỹ thuật số từ lâu. Ông dự đoán: "Sản phẩm giấy cuối cùng sẽ được in có lẽ sẽ là Thánh Kinh".

Điều trên đem chúng ta đến một ý kiến dè dặt quan trọng sau đây: nếu bạn đang đọc những mẫu tự màu đen được gom lại trên nền trắng bằng nhãn cầu của bạn, thì bạn khó có thể là người mà sự tương tác với Thánh Kinh sẽ thay đổi một cách hết sức sâu sắc trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Theo Jonathan Huguenin của phong trào Faith Comes by Hearing (Đức Tin phát xuất từ việc nghe), là phong trào sản xuất các cuốn Thánh Kinh thính âm (audio), những người mà các tương tác với Thánh Kinh sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nhất bởi kỹ thuật mới này sẽ là những người bạn chưa từng nghe nói đến. Ông Huguenin giải thích: trong số những người vẫn chưa có bản dịch Thánh Kinh đầy đủ bằng tiếng mẹ đẻ của họ, hầu hết đều là những người truyền thông bằng miệng và không có ngôn ngữ viết. Ngay khi bạn phát minh được một dạng viết cho ngôn ngữ (một diễn trình từ ba đến năm năm) và sau đó dịch Thánh Kinh (tám đến 15 năm nữa) và đưa Thánh Kinh in bằng ngôn ngữ của họ cho họ, họ vẫn không thể hiểu được nó.

Faith Comes by Hearing đã sản xuất Thánh Kinh thính âm trong 44 năm qua. Mặc dù họ bắt đầu với Thánh Kinh bằng tiếng Anh cho người mù và khiếm thị, nhưng bây giờ họ tập trung vào việc sản xuất những cuốn Thánh Kinh thính âm giúp các nhóm nhỏ nghe sách bằng ngôn ngữ của riêng họ.

Tuy nhiên, cho đến gần đây, tổ chức phi lợi nhuận không thể sản xuất được một cuốn Thánh Kinh thính âm nào trừ khi họ có bản dịch Thánh Kinh viết bằng ngôn ngữ đó. Nhưng khi hợp tác với các chương trình Phiên Dịch Seed Company và Pioneer Bible, Faith Comes by Hearing gần đây đã triển khai ra Render, một chương trình phần mềm cho phép Thánh Kinh được dịch bởi một diễn trình hoàn toàn bằng lời nói. Theo quản trị viên của dự án Robin Green, người có luận văn thạc sĩ về phương thức nói miệng (orality) dẫn đến việc tạo ra phần mềm, thì “Render tìm cách làm theo các bước được công nhận là nguyên tắc dịch thuật tốt, bao gồm cả việc giải thích và kiểm tra bởi các đồng nghiệp, các thành viên cộng đồng và một nhà tư vấn đủ tư cách”. Không giống các phương pháp phiên dịch khác, không có việc viết lách gì cả. Cô giải thích qua email rằng: “Các người phiên dịch lắng nghe một bản ghi âm Thánh Kinh trong một ngôn ngữ họ hiểu, dịch bằng lời nói và ghi âm lại bản dịch của họ. Điều này có nghĩa: các nhà truyền thông bằng miệng có thể là những người tham gia tích cực vào việc dịch Thánh Kinh sang tiếng mẹ đẻ của họ."

Tôi có nói chuyện với ông Huguenin vào ngày thứ ba của dự án phiên dịch nhằm làm cho Thánh Kinh có thể đến với một nhóm người du mục ở Ba Tây — đây là dự án phiên dịch toàn diện đầu tiên sử dụng Render. Mặc dù ông rất phấn khởi trước tiềm năng tiết kiệm thì giờ của Render, điều khiến ông phấn khởi hơn hết là nó không đòi người ta phải thay đổi nền văn hóa của họ hay phải biết chữ mới truy cập được Thánh Kinh. Ông nói: "Chúng tôi sẽ để bạn làm việc trong lĩnh vực mạnh của bạn, tức là chỉ cần nói — phương thức nói miệng - và khai thác năng lực mà bạn đã tinh luyện trong nhiều thế kỷ và để bạn phiên dịch Thánh Kinh trong con người trần của bạn".

proclaiming-good-news-audio-bibles.jpg

Giống như những người đam mê truyền thông kỹ thuật số khác, ông Huguenin nói về Thánh Kinh thính âm như một cảm nghiệm. Ông nói: "Điều chúng ta nhìn thấy hoài hoài, trên toàn cầu, là khi bạn chơi âm thanh lớn, nó thu hút một đám đông". Ông mô tả Proclaimer, một máy phát Thánh Kinh thính âm bằng cỡ 1 hộp đựng giầy chạy bằng năng lượng mặt trời, được sản xuất bởi Faith Comes by Hearing và rất phổ biến ở những nơi không có điện. Ông giải thích: "Chúng không thể bị nhét trong một cái túi và chúng kêu rất lớn. Nên điều không tránh khỏi là hàng xóm của bạn sẽ qua nghe, hoặc gia đình của bạn sẽ tụ tập để nghe". Theo ông Huguenin, đọc Thánh Kinh lớn tiếng trong một nhóm sẽ tạo ra một cảm thức trách nhiệm, vì bạn bè và gia đình thường nhắc nhở lẫn nhau về những gì họ đã nghe được.

Nhưng không giống như thực tại ảo hoặc sinh trắc học, việc giúp các nền văn hóa thính âm sản xuất ra những cuốn Thánh Kinh thính âm của riêng họ không phải là giúp người ta có một cảm nghiệm mới; đúng hơn, đó là việc giúp người người ta cảm nghiệm Thánh Kinh một cách họ đã quen thuộc một cách sâu sắc.

"Vấn đề này hiếm khi xẩy ra ở bên ngoài Hoa Kỳ", ông Huguenin nói thế khi người ta hỏi: ông có nghĩ rằng những cuốn Thánh Kinh thính âm phần nào ít thế giá hay ít thánh thiêng hơn những cuốn Thánh Kinh in không. Ông giải thích "Thật dễ dàng cho những người ở các nước khác thích thính âm”. Và mặc dù chúng ta ở Hoa Kỳ hết sức quen tiếp xúc với Thánh Kinh như một cuốn sách, "điều quan trọng là phải nhìn nhận rằng cả hai đều là lời của Thiên Chúa".

Nguồn: Betsy Shirley, Which Bible is more holy: the book or the app? America, October 17, 2016

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 01.07.2018 18:56