Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thảm cảnh của người dân Yemen trong cuộc nội chiến

§ Linh Tiến Khải

Từ hai năm qua Yemen đã rơi vào một cuộc nội chiến đẫm máu giữa phiến quân Huthi và quân đội chính phủ khiến cho hơn 16.000 người chết, 40.000 người bị thương và hơn 3,1 triệu người phải tản cư tránh bom đạn, đói khát và bệnh tật, nhất là bệnh dịch tả. Tổ chức OMS cho biết hiện có khoảng nửa triệu trường hợp lây bệnh dịch tả, và nạn đói đang đe dọa trầm trọng 7 triệu dân, trong đó có hơn 2 triệu trẻ em thiếu dinh dưỡng trầm trọng.

Yemen rộng hơn 524.000 cây số vuông, có hơn 24 triệu dân, hầu hết thuộc chủng tộc A rập, trong đó có 93% là người Yemen, 3% là người Somali, 2% người Yemen gốc Phi châu, và 1% người Âu châu. Đại đa số dân Yemen theo Hồi giáo Sunnít. Cộng đoàn Do thái kỳ cựu hàng ngàn năm tại Yemen đã di cư về Israel hay sang Hoa Kỳ, kể từ khi bị lực lượng hồi cuồng tín Al Qaeda đe dọa.

Để hiểu lý do cuộc nội chiến xâu xé Yemen hiện nay cần phải ngược về quá khứ. Từ thế kỷ XVI tới thế kỷ XX Yemen đã là phần của đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ, cả khi giới lãnh đạo các vùng nội địa thuộc hệ phái Zaydít, là một nhánh khác của hệ phái Sciít. Năm 1918 Bắc Yemen được độc lập và năm 1968 trở thành Cộng hoà A rập Yemen. Trái lại Aden đã bị Anh quốc kiểm soát từ năm 1839 và đã được độc lập năm 1967. Trong 30 năm hai vùng bị tách rời nhau: miền bắc do ông Ali Abdullah Saleh cai trị, miền nam trái lại liên minh với Liên Xô. Sau khi khối Đông Âu sụp đổ Yemen được thống nhất năm 1990 và do tổng thống Saleh cai trị. Nhưng năm 2012 giữa Mùa Xuân A rập cuốn hút nhiều nước A rập hồi giáo, ông đã phải nhường quyền cho phó tổng thống Abd Rabbih Mansur Hadi với nhiệm vụ hướng dẫn đất nước trong hai năm cho tới các cuộc bầu cử mới. Tuy nhiên, ông Hadi đã lơ là với các thành phần Sciít khiến cho họ bất mãn. Vì lo sợ các cuộc bầu cử có thể là một ảo ảnh và khiến cho tổng thống Hadi kéo dài quyền bính thêm nhiều năm nữa, nên vào tháng 2 năm 2015 nhóm Sciít vũ trang Huthi phát xuất từ miền bắc tiến chiếm thủ đô Sanaa. Một tháng sau ông Hadi phải từ chức và trốn chạy về thành phố Aden ở miền nam, là thành phố nơi ông đã sinh trưởng đồng thời là pháo đài tại miền nam Yemen. Nhưng trên đài truyền hình ông đã từ chối mình từ chức và lên án cuộc đảo chánh.

** Thế là Yemen bị chia đôi: miền bắc với các người Sciít phò chính quyền của ông Saleh có thủ đô là Sanaa, và miền nam có thủ đô là Aden, nơi ông Hadi là tổng thống duy nhất được Tây Phương và Liên Hiệp Quốc thừa nhận.

Ngày 25 tháng Giêng để chặn đứng sức tiến quân của người Huthi ủng hộ ông Saleh và đưa ông Hadi trở lại nắm quyền, A Rập Sauđi đã can thiệp với hàng ngàn binh sĩ và 100 máy bay chiến đấu. Trong khi Hoa Kỳ cung cấp tình báo và yểm trợ phối hợp cơ cấu. Ông Hadi ban đầu trốn sang Riad, nhưng sau đó trở về Aden.

Vào tháng 3 năm 2015 chính quyền Riad thành lập Liên Minh A Rập gồm các quốc gia Sunnít bao gồm cả Marốc, Ai Cập, Sudan, Giordania, Vương quốc A rập thống nhất, Kuweit, Bahrrain và Qatar. Lý do vì A rập Saudi lo sợ Iran muốn thàh lập một đội quân chiến đấu như đã làm bên Libăng, Iraq và Siria. Liên minh A Rập bắt đầu các cuộc dội bom hàng loạt liên tục tại miền bắc, nơi có các đoàn quân Huthi Sciít chiếm đóng và được Iran yểm trợ. Tình trạng bao vây liên tục này đã khiến cho liên minh giữa các lực lượng Huthi và nguyên tổng thống Saleh trở thành lỏng lẻo hơn, khiến cho ông Saleh tìm cách trốn ra nước ngoài. Nhưng ông đã bị các đồng minh Huthi bắt và giết chết.

Trong cuộc chiến tại Yemen mặt trận phò Hadi không hiệp nhất như có vẻ như vậy. Các Vương quốc A rập cạnh tranh với A rập Saudi, và nhắm tới một loại bảo hộ trên miền nam Yemen. Và như thế họ ủng hộ các cuộc biểu tình chống Hadi và tạo thuận tiện cho việc chia cắt Yemen. Ông Hadi cũng tố cáo hoàng thân Mohammed bin Zayad là có thái độ hành xử như là một kẻ xâm lăng, chứ không phải là một người giải phóng. Thêm vào đó còn có vấn đề của người di cư tỵ nạn. Yemen đã trở thành một căn cứ cho những ai trốn chạy chiến tranh và đói khổ băng ngang qua trước khi đến các quốc gia giầu vùng Vịnh.

Trong tình hình hỗn loạn này ở miền trung Yemen lại có các nhóm thánh chiến hồi cuồng tín Al Qaeda và Isis hoạt động trong các làng mạc, và họ tổ chức các cuộc khủng bố phá hoại.

** Tuy nhiên, giờ đây A rập Saudi và Liên Minh các nước A rập khác nhận ra rằng họ đã rơi vào bẫy sập của một cuộc chiến lâu dài, khó khăn và tốn kém với các vụ dội bom và không tạc. Cả trong hoàng gia A rập Sauđi cũng có người phê bình việc xen mình vào cuộc chiến quá mắc mỏ này, vì nó khiến cho A Rập Saudi tốn mỗi tháng 9 tỷ mỹ kim.

Các vụ oanh kích đã tiếp diễn cả trong ngày lễ Giáng Sinh, khiến cho hàng chục nguời thiệt mạng, và phá huỷ các trường học, nhà máy, nhà thương, bệnh xá và cả các trại tỵ nạn nữa.

Chiến tranh loạn lạc, nghèo đói và chậm tiến đã khiến cho người dân Yemen lâm cảnh sức khỏe yếu kém. Năm 2016 ông Ban Ki Moon Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố về tình hình Siria rẳng:”Cái chết vì đói được dùng như khí giới là một tội phạm chiến tranh”. Nhưng truớc nạn đói của người dân Yemen Liên Hiệp Quốc đã không có cùng lập trường đối với chiến tranh Yemen. A Rập Saudi đã không bị trừng phạt vì các cuộc dội bom. Tệ hại hơn nữa A Râp Sauđi đã luôn luôn chống lại việc thành lập một hành lang nhân đạo để trợ giúp thường dân Yemen đang gặp đói khổ và thiếu thốn mọi sự. Trái lại, người ta đang dùng đói khát và bệnh dịch tả như khí giới thuyết phục các lực lượng phiến quân Huthi nhượng bộ, xét vì và các cuộc dội bom thủ đô Sanaa cho tới nay đã không đạt các kết quả mong muốn.

Chiến tranh Yemen là một ván mới trong bàn cờ của Vùng Trung Đông. Phiến quân Huthi kiểm soát thủ đô Sanaa là người hồi Sciít như Iran, và là các đồng minh lịch sử của Nga và của chế độ của tổng thống Al Assad bên Siria. Hai nước này lại là khách hành mua khí giới của Nga từ bao thập niên qua. Trong khi phần còn lại của vùng Trung Đông bao gồm cả các lực lượng Isis theo hệ phái Sunnít. Chiến thắng các phiến quân Huthi tại Yemen đối với Hoa Kỳ và A rập Saudi có nghĩa là làm suy yếu Iran, kẻ thù lớn của cả hai nước. Thật ra, chiến tranh Yemen không chỉ là nội chiến, mà nó còn là chiến tranh giữa A rập Saudi và Iran, giữa hệ phái Sunnít và hệ phái Sciít, và trong nghĩa rộng hơn giữa Nga và Hoa Kỳ. Và các nạn nhân không chỉ là các chiến binh giữa hai phe lâm chiến, nhưng đa số còn là các thường dân vô tội, người già và trẻ em.

** Ủy ban quốc tế của tổ chức Hồng Thập Tự cho biết hiện tại Yemen đã cơ hơn 2.200 người chết vì dịch tả, và có tới một triệu người bị lây bệnh. Đây là một bệnh dịch trầm trọng nhất trên thế giới. Ngoài ra 80% dân thiếu thực phẩm, xăng dầu, nước uống và các dịch vụ y tế tối thiểu. Việc A Rập Saudi cấm vận không cho mở hành lang nhân đạo cứu trợ người dân Yemen từ đầu tháng 11 năm 2017 đã khiên cho tình hình tồi tệ thêm. Hồi tháng 6 chỉ nội trong một tuần đã có tới 50.000 trường hợp lây bệnh trong 22 trên 23 tỉnh tại Yemen. Tổ chức OMS báo động rằng vào tháng 3 năm 2018 khi mùa mưa bắt đầu, bệnh dịch sẽ lan nhanh hơn nữa. Vì thế, cần phải áp lực làm sao để chính quyền A rập Saudi cho phép mở hành lang nhân đạo để tiếp tế lương thực và thuốc men cho dân chúng. Bác sĩ Marc Poncin, phối hợp viên của tổ chức Các bác sĩ không biên giới, cho biết vi khuẩn dịch tả tại Yemen rất khoẻ có sức kháng cự và sống sót trong nước trong một thời gian rất lâu, và có thể lây lan khá nhanh khi tình hình thuận tiện hơn.

Tổ chức UNICEF cũng báo động tình trạng khủng hoảng nhân đạo tại Yemen. Việc cấm nhập cảng xăng dầu khiến cho Yemen thiếu nhu yếu phẩm, vật giá leo thang, thiếu nước trong lành để uống, và khiến cho 3 triệu người, trong đó phân nửa là trẻ, em có nguy cơ bị chết, vì thiếu dinh dưỡng và các săn sóc ý tế tối thiểu. Trong 2 triệu trường hợp bị tiêu chảy và thổ tả có hơn 250.000 trẻ em dưới 5 tuổi. Có gần 600.000 trẻ em bị thiếu dinh dưỡng trầm trọng đang chống chọi với cái chết. Ngày 20 tháng 12 vừa qua một chiếc máy bay của UNICEF đã đáp xuống sân bay Sanaa mang theo 6 triệu mũi thuốc chích ngừa dịch tả cho trẻ em và người lớn. Sau 1000 ngày kể từ khi chiến tranh bùng nổ, Yemen đang trải qua cuộc khủng hoảng nhân đạo tệ hại nhất trên thế giới. Tổ chức UNICEF tái kêu gọi các phe lâm chiến cho phép mở một hành lang nhân đạo trên toàn nước, mở các hải cảng và sân bay để cho việc vận chuyển các đồ cứu trợ có thể tới dễ dàng với dân chúng, đặc biệt để cứu sống các trẻ em là tương lai của đất nước này. Đã có hàng ngàn trẻ em bị chết vì thiếu dinh dưỡng và bị các bệnh có thể thấy trước và chữa được như bệnh thổ tả.

Hiện có 4,5 triệu trẻ em và phụ nữ mang thai hay đang nuôi con bị thiếu dinh dưỡng. Cũng có hàng ngàn trẻ em bị thương tích tàn tật vì bom đạn rơi trên nhà cửa, trường học của các em. Cho tới nay đã có 15.000 vụ không tập bỏ bom và oanh kích các thành phố. 92% các người bị thương là thường dân, trong đó có nhiều trẻ em.

Ông Tamer Kirolos, giám đốc tổ chức Cứu Trẻ Em tại Yemen, nhận định rằng: Đứng trước nỗi khổ đau to lớn này của người dân Yemen, sự bất động của cộng đồng quốc tế, hay sự bất lực không chấm dứt được nỗi khổ đau của các trẻ em, thật là điều nhục nhã đáng xấu hổ. Nếu chiến tranh tiếp diễn, sẽ có 50.000 trẻ em bị chết. Chúng tôi đã trông thấy các thường dân bị giết, các trường học và nhà thương bị bỏ bom, và các dịch vụ săn sóc y tế bị hạn chế. Mỗi ngày có hàng trăm bà mẹ khóc con bị chết. Những cái chết này vô lý không thể hiểu đuợc, trong khi có nhiều thùng lương thực và thuốc men cho các trẻ em bị chặn ớ Aden vì các đường giao thông bị đóng.

Linh Tiến Khải

Đọc nhiều nhất Bản in 02.01.2018 19:52