Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Stephen Hawking là thành viên lâu đời của Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Khoa Học

§ Vũ Văn An

Nhà vật lý học nổi danh người Anh, Stephen Hawking, vừa qua đời ngày 14 tháng Ba năm 2018, thọ 76 tuổi, để lại 3 con đã trưởng thành. Ông là nhà vật lý học lý thuyết, vũ trụ học, tác giả và Giám Đốc Nghiên Cứu tại Trung Tâm Vũ Trụ Học Lý Thuyết của Đại Học Cambridge. Tên ông được dùng đặt tên cho 1 loại phóng xạ “lý thuyết” do “các lỗ hổng đen” tạo ra: phóng xạ Hawking.

hawking.jpg

Cuộc đời ông có nhiều trùng hợp kỳ lạ: Ông sinh ra đúng vào lễ kỷ niệm 300 năm ngày qua đời của Galileo. Và ngày ông chết, 14 tháng Ba, là ngày kỷ niệm Einstein sinh ra đời cách nay 134 năm, người mà từ lúc học trung học, ông đã được ví với. Và năm 1978, ông được lãnh Huy Chương Albert Einstein.

Trước đó 3 năm, ông lãnh huy chương “lạ” Pius XI Gold Medal. Điều này càng lạ hơn, khi năm 1981, tại 1 hội nghị tại Vatican, ông trình bầy công trình nghiên cứu của ông cho rằng vũ trụ không có biên giới, vô thủy vô chung, vì trước Big Bang, thời gian chưa có và ý niệm vũ trụ khởi đầu hoàn toàn vô nghĩa.

Người vô thần

Tính đơn nhất khởi thủy của mô thức Big Bang cổ điển được thay thế bởi một vùng giống như Bắc Cực. Người ta không thể đến bắc của Bắc Cực, nhưng không hề có biên giới ở đó, nó chỉ là điểm nơi mọi đường chạy dọc lên bắc gặp nhau và kết thúc. Thoạt đầu, đề xuất vô biên giới tiên đoán một vũ trụ khép kín, việc này có những hệ luận đối với sự hiện hữu của Thiên Chúa. Chính Hawking nói như sau: “nếu vũ trụ không có biên giới mà là có đủ mọi thứ (self-contained)... thì Thiên Chúa sẽ không còn một chút tự do nào trong việc quyết định vũ trụ phải khởi đầu ra sao”.

Hawking chưa hẳn bác bỏ sự hiện hữu của 1 Đấng Tạo Hóa. Trong các công trình ở buổi đầu, Hawking nói về Thiên Chúa theo nghĩa ẩn dụ. Trong A Brief History of Time, ông viết: “nếu chúng ta khám phá ra một lý thuyết đầy đủ, thì đây hẳn là chiến thắng tối hậu của lý trí con người, vì lúc ấy, ta có thể biết được cả tâm trí của Thiên Chúa”. Cũng trong tác phẩm này, ông cho rằng sự hiện hữu của Thiên Chúa không cần thiết để giải thích nguồn gốc của Vũ Trụ.

Quan điểm trên đây đã khiến nhiều người cho rằng ông chủ trương không có Thiên Chúa, như một số đài truyền hình hôm qua cho thấy. Và dù sao, quan điểm nói chung của ông về tôn giáo cũng đã làm gia tăng các căng thẳng giữa ông và người vợ đầu tiên, Jane Hawking, người đã sinh cho ông ba đứa con, nhưng sau đó, đã bỏ ông đi theo “tiếng gọi con tim”.

Nói chung, Hawking tuyên bố ông “không phải là người tôn giáo theo nghĩa thông thường” và ông tin rằng “vũ trụ được cai trị bằng các định luật khoa học”.

Ông quả quyết: “có một sự khác biệt nền tảng giữa tôn giáo, đặt căn bản trên thẩm quyền, [và] khoa học, đặt căn bản trên nhận xét và lý lẽ. Khoa học sẽ thắng vì hữu hiệu”.

Năm 2008, Hawking tuyên bố rằng “Các định luật có thể do Thiên Chúa ban bố, nhưng Thiên Chúa không can thiệp để đánh đổ chúng”. Trong một cuộc phỏng vấn do tờ The Guardian công bố, Hawking coi “bộ óc như một máy vi tính sẽ ngưng làm việc khi các thành phần tạo ra nó hết hoạt động”; Ông coi ý niệm thiên đàng như một huyền thoại vì tin rằng “không có hỏa ngục hay đời sau” và ý niệm này chỉ là “câu truyện thần tiên cho những ai sợ bóng tối”. Năm 2011, khi thuyết minh tình tiết đầu tiên trong loạt truyền hình Curiosity trên Đài Discovery, Hoa Kỳ, Ông tuyên bố: “mỗi người chúng ta được tự do tin điều mình muốn và tôi cho rằng giải thích đơn giản nhất là không có Thiên Chúa. Không ai đã tạo ra vũ trụ này và không ai điều hướng số phận của nó. Điều này dẫn tôi tới một hiểu biết sâu xa. Có lẽ không có thiên đàng, và cũng không có đời sau. Chúng ta chỉ có đời này để trân quí kế sách vĩ đại của vũ trụ, và tôi cực kỳ biết ơn về việc này”.

Tháng Chín năm 2014, ông tham dự Lễ Hội Starmus trong tư cách diễn giả chính và tự tuyên bố mình là người vô thần. Trong một cuộc phỏng vấn của El Mundo, ông nhận định: “Trước khi hiểu khoa học, điều tự nhiên là ta tin rằng Thiên Chúa tạo ra vũ trụ. Nhưng nay, khoa học đã cung ứng lời giải thích thuyết phục hơn. Điều tôi muốn nói qua kiểu nói ‘chúng ta sẽ biết tâm trí của Thiên Chúa là ta sẽ biết mọi điều Thiên Chúa biết, nếu có một Thiên Chúa, một điều vốn không có. Tôi là một người vô thần”.

phanxico-hawking.jpg

Thành viên Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Khoa Học

Thế nhưng, ông vốn là một thành viên lâu đời của Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Khoa Học. Chính trong tư cách đó, ông đã lãnh giải Pius XI Gold Medal và phát biểu tại một hội nghị tại Vatican như đã nói trên đây.

Thực thế, năm 1968, Chân Phúc Giáo Hoàng Phaolô VI đã bổ nhiệm Hawking làm thành viên của Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện. Và năm 1975, ngài đã trao tặng khoa học gia 33 tuổi này huy chương vàng Pius XI, vị giáo hoàng đã thiết lập Hàn Lâm Viện năm 1847. Hình ảnh của văn khố Hàn Lâm Viện cho thấy Đức Phaolô VI qùy gối trước Hawking đang ngồi trong một chiếc xe lăn để trao huy chương.

Chính vì thế, khi nghe tin ông qua đời, Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện đã “tweet” như sau: “chúng tôi hết sức đau buồn về việc ra đi của hàn lâm sĩ nổi tiếng Stephen # Hawking của chúng tôi, người hết sức trung thành với Hàn Lâm Viện của chúng tôi... Chúng tôi cầu xin Chúa nghinh đón ông vào Vinh Quang của Người”.

Đài Thiên Văn Vatican cũng ngỏ lời chia buồn với gia đình ông: “Chúng tôi trân quí sự đóng góp khoa học lớn lao ông đã làm cho khoa vũ trụ học lượng tử và sự can đảm của ông khi đối mặt với bệnh tật".

Đức Phaolô VI, khi bổ nhiệm Hawking, cho hay: thành viên của Hàn Lâm Viện được chọn dựa trên các thành tích học thuật và chuyên môn nghề nghiệp, chứ không phải dựa trên các niềm tin tôn giáo của Họ. Đó cũng là lý do của việc trao Huy Chương Vàng Pius XI năm 1975.

Và theo Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện, ông luôn cổ vũ một cuộc đối thọai hữu ích giữa khoa học và tôn giáo. Trong lời chia buồn của mình, Hàn Lâm Viện cũng xác nhận rằng “ông từng nói với 4 vị giáo hoàng ông gặp rằng ông muốn phát huy mối liên hệ giữa Đức Tin và Lý Lẽ Khoa Học”

Vị giáo hoàng cuối cùng Hawking gặp chính là Đức Đương Kim Giáo Hoàng Phanxicô khi ông trình bầy “Nguồn Gốc của Vũ Trụ” tại phiên họp toàn thể của Hàn Lâm Viện năm 2016.

Như trên đã rõ, ông quả quyết Thiên Chúa không có vai trò gì trong việc tạo ra vũ trụ. Nhưng chủ nghĩa vô thần đã không ngăn cản ông đối thoại và tranh luận với Giáo Hội như việc làm và sự đóng góp của ông vào Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện đã chứng tỏ.

Ông cũng đã từng tranh luận trên chương trình Larry King Live của đài CNN năm 2010 với linh mục Dòng Tên Robert Spitzer, một triết gia và là 1 nhà giáo dục, về nền móng khoa học của khởi thủy vũ trụ và luận điểm thần học về sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Vả lại, cũng trong năm 2010, nhà thiên văn học của Tòa Thánh, Tu Sĩ Dòng Tên Guy Consolmagno, người nghiên cứu cả vật lý lẫn triết lý, nói với Catholic News Service rằng “‘thiên chúa’ mà Stephen Hawking không tin cũng là một với vị thiên chúa mà tôi không tin. Thiên Chúa không phải chỉ là một sức mạnh khác trong vũ trụ, song song với trọng lực hay điện lực. Thiên Chúa là lý do tại sao chính hiện hữu đã hiện hữu. Thiên Chúa là lý do tại sao không gian và thời gian và các định luật của thiên nhiên có thể có đó để các lực hoạt động mà Stephen Hawking đang nói đến”.

Hơn nữa Giáo Hội tin rằng sự thật sẽ giải thoát con người. Mọi tìm kiếm khoa học đều nhằm tìm ra sự thật và cuối cùng nó sẽ dẫn con người tới chỗ tìm ra không phải là các lý thuyết mà là sự thật tối hậu vốn là một ngôi vị, đó là Thiên Chúa, Thiên Chúa của Thầy Consolmagno chứ không phải “thiên chúa” của Hawking.

Ta có quyền hy vọng như thế vì như Vatican News đã thuật lại chính Hawking có lần nói rằng “Hãy nhớ nhìn lên các vì sao chứ đừng nhìn xuống bàn chân bạn. Hãy ráng làm cho có nghĩa những điều bạn thấy và thắc mắc điều gì làm vũ trụ hiện hữu. Hãy tò mò. Và dù đời sống có khó khăn bao nhiêu đi nữa, luôn có một điều gì đó bạn có thể làm và thành công. Điều quan trọng là bạn đừng bỏ cuộc”.

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 16.03.2018 15:44