Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Phỏng Vấn Ông Michael Novak Về Chuyến Tông Du Mỹ Của Đức Giáo Hoàng (1)

§ Vũ Văn An

Hoa Thịnh Đốn, 22/4/2008 (Zenit.org).- Nước Mỹ đã dành cho Đức Bênêđíctô XVI một cuộc tiếp đón nồng hậu khi ngài tới với quốc gia này, và cuộc tiếp đón ấy hẳn làm Đức Giáo Hoàng ngạc nhiên đôi chút. Micahel Novak nhận định như vậy.

Ông Micahel Novak vốn là một thần học gia, cựu đại sứ tại Ủy Ban Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, và là tác giả của gần 30 cuốn sách, gồm cả cuốn sắp xuất bản là “Không Ai Thấy Thiên Chúa” (No One Sees God).

Trong phần 1 cuộc phỏng vấn này với Zenit, Novak đề cập tới cuộc tiếp đón Đức Giáo Hoàng tại Mỹ, các nhận định của ngài về cơn khủng hoảng lạm dụng tình dục, và bài diễn văn của ngài trước các nhà giáo dục Công Giáo. Phần 2 sẽ được đăng tải hôm Thứ Tư.

Hỏi: Cảm tưởng tổng quát của ông ra sao đối với việc đón tiếp Đức Giáo Hoàng tới Mỹ?

Hẳn phải là một ngạc nhiên đối với Đức Giáo Hoàng, các thư ký của ngài và các vị khác trước một cuộc đón tiếp cực kỳ nồng hậu mà Hoa Thịnh Đốn và Nữu Ước đã dành cho ngài.

Bạn có thể đã biết Giáo Hội Mỹ một cách trừu tượng, nhưng khi bạn so sánh nó với các quốc gia kỹ nghệ khác, người dân ở đây còn lòng đạo đến nỗi các nhà thờ vẫn đầy người và lòng trung thành với Tòa Thánh vẫn còn rất, rất mạnh. 80% người Công Giáo trong mộc cuộc thăm dò của Pew được thực hiện trước ngày Đức Giáo Hoàng tới cho hay ngài đã và đang làm một việc tốt hay rất tốt. Họ tán thưởng ngài, họ yêu qúy ngài. Tôi nghĩ điều ấy không giống phần đông tại Âu Châu.

Tôi có mặt trong buổi tiếp đón tại Tòa Bạch Ốc. Ta như rờ mó được cảm giác ấm áp đối với Đức Giáo Hoàng và cả mối liên hệ tốt đẹp giữa Đức Giáo Hoàng và Tổng Thống George Bush nữa. Cảm giác ấm áp ấy hết sức mạnh mẽ. Cả Tổng Thống lẫn Đức Giáo Hoàng đều rất hài lòng. Tôi nghĩ có lẽ trước đây, Đức Giáo Hoàng chưa bao giờ gặp một người Thệ Phản tin lành từ Texas, và tôi nghĩ ngài hẳn có được một khám phá lớn về ông: đầy nét táo bạo, thẳng thừng và bộc trực.

Và rồi còn lòng trọng kính và qúy yêu rõ rệt được Tổng Thống Bush tỏ bầy với Đức Giáo Hoàng nữa. Các cảm tình ấy được trông thấy tỏ tường. Tổng Thống Bush tỏ lòng biết ơn sự trợ giúp qua lời cầu nguyện của người Công Giáo. Ông đã cố gắng hết sức để thấm nhiễm phần nào sự khôn ngoan của Công Giáo cũng như đường hướng suy nghĩ của Công Giáo về sự việc. Tôi không nghĩ có bao giờ ta lại có được một tổng thống “Công Giáo” hơn thế. Ngay tờ Washington Post hôm nọ cũng phải nói ông là “tổng thống Công Giáo đầu tiên”.

Đối với tôi, dù không thấy ngài hàng ngày, nhưng xem ra Đức Giáo Hoàng quá vui trước sự đón tiếp của quần chúng. Tôi tự hỏi có khi nào người Âu Châu nghĩ là dân Mỹ có thể bộc lộ được một thứ yêu thương và âu yếm như thế hay không. Người dân khắp thế giới thường hay miêu tả dân Mỹ là thế tục, xa vắng, tân thời và có lẽ suy đồi hơn. Đối với tâm trí Âu Châu, ‘tân thời’ có nghĩa là ‘thế tục’. Nhưng ở Mỹ, điều ấy sai. Ở đây, tân thời nghĩa là lòng đạo, chứ không thế tục.

Hỏi: Ông nghĩ gì về việc Đức Giáo Hoàng liên tiếp nhắc đến cuộc khủng hỏang lạm dụng (tình dục) từng làm Giáo Hội Mỹ khốn đốn?

Hàng đầu của tờ “Washington Times” Thứ Hai, ngày 21 tháng Tư, là “Cuộc thăm viếng của Đức Giáo Hoàng xoa dịu cuộc khủng hoảng lạm dụng”. Các nhà báo này ca ngợi đường lối khéo léo và nghiêm chỉnh qua đó Đức Bênêđíctô nói lên niềm hối tiếc, ăn năn và yêu thương của ngài đối với vấn đề này.

Trước nhất, giống nhiều người khác, tôi rất ngạc nhiên khi thấy Đức Bênêđíctô nêu cuộc khủng hỏang lạm dụng này ra ngay trên chuyến máy bay. Rồi ngài lại nêu vấn đề ấy ra gần như ở bất cứ nơi nào ngài tới sau đó.

Khẩu hiệu cuộc hành hương của Đức Giáo Hoàng là “Chúa Kitô Niềm Hy Vọng Của Chúng Ta” và ngài kêu gọi ta hãy canh tân. Để việc canh tân này có hiệu quả, điều đúng phải làm là bắt đầu với việc xưng tội. Tôi nghĩ đúng là chúng ta rất xấu hổ. Tôi không thể nghĩ ra bất cứ điều gì trong đời làm tôi xấu hổ hơn tác phong của một số linh mục, hầu như luôn luôn phạm đến các hiếu niên.

Hỏi: Với trái tim một người thầy, Đức Thánh Cha đã nói chuyện với chủ tịch các cao đẳng và đại học Công Giáo. Ông nghĩ gì về bài diễn văn ấy?

Một vị chủ tịch cao đẳng Công Giáo nhận định rằng bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng pha lẫn một cách tốt đẹp giữa khích lệ, “Qúy vị đang thực hiện nhiều điều tốt đẹp” và tố cáo êm đềm, gián tiếp: “Này, qúy vị nên xem sét đức tin một cách nghiêm chỉnh”. Xem ra Đức Giáo Hoàng muốn nhắn gửi: là một trường Công Giáo, nhiệm vụ trước hết của qúy vị là phải cung cấp cho những ai sống và học ở đấy một cảm nghiệm về Thiên Chúa hàng sống. Qúy vị phải sống phù hợp với điều có nghĩa là Công Giáo.

Đức Giáo Hoàng có một phương pháp giảng dạy rất tuyệt. Ngài nói đến những chân lý khó nghe, nhưng sau đó làm bạn quay về cái hướng đầy hy vọng. Thực ra, nắm cổ sự ác và biến nó thành điều tốt vốn là trọn bộ ý nghĩa của Kitô giáo.

Đức Giáo Hoàng sử dụng phương pháp trên với các chủ tịch đại học, để nói với họ cách tổng quát rằng: “ Có một số điều xấu cần ta phải chú ý, và ta phải làm tốt hơn thế. Trong khi ấy, tôi xin khích lệ qúy vị và củng cố qúy vị vì điều qúy vị đang làm trong hơn 200 trường đại học quả là độc nhất vô nhị trên thế giới, và qúy vị quả đang làm không biết bao nhiêu điều tốt đẹp một cách tốt đẹp. Hãy can đảm lên, hãy tràn đầy hy vọng”.

• Đọc phần (1) | (2); in English (1) | (2)

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 22.04.2008. 18:49