Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Phóng Sự Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 12 (3)

§ Lm Trần Đức Anh, OP

VATICAN 08/10/2008. Nhiều nghị phụ Thượng HĐGM về Lời Chúa quan tâm đến việc giảng thuyết và trình bày Kinh Thánh cho các tín hữu trong môi trường không thuận lợi ngày nay.

Sáng thứ tư 8-10-2008, vì ĐTC bận tiếp kiến chung các tín hữu hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô, nên đã không có phiên họp toàn thể của Thượng HĐGM thứ 12 về Lời Chúa. Tuy nhiên, các nghị phụ cũng đã nhóm họp trong các nhóm nhỏ, tùy theo ngôn ngữ, để bầu vị điều hợp viên và tường trình viên của mỗi nhóm, và sau đó, trao đổi với nhau về phúc trình dẫn nhập do ĐHY Marc Ouellet, TGM Québec, và cũng là Tổng tường trình viên của THĐGM, trình bày sáng thứ hai, 6-10-2008, trong phiên khoáng đại đầu tiên.

Ban chiều, từ lúc 4 giờ rưỡi đến 7 giờ, các nghị phụ đã nhóm phiên họp toàn thể thứ 5, để lắng nghe các bài phát biểu ý kiến và thảo luận tự do.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến quí vị một số ý tưởng nổi bật trong các bài phát biểu của một số nghị phụ trong những ngày qua.

GIẢNG LỜI CHÚA

Một đề tài được các nghị phụ đặc biệt đề cập đến là vấn đề giảng Lời Chúa.

Đức Cha Gerald Kicanas, GM giáo phận Tucson, bang Arizona, Phó Chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ, đã đưa đề nghị: sau năm Thánh Phaolô hiện nay, Giáo Hội Công Giáo cần dành một năm về nghệ thuật giảng thuyết để giúp các GM và LM, Phó tế cải tiến việc giảng thuyết. Đức Cha nói: ”Rất tiếc là việc giảng thuyết ngày nay có thể bị mất hương vị, trở thành một thứ công thức và không gợi hứng cho người nghe, để cho họ bị trống rỗng”.

Nhắc đến giai thoại trong chương thứ 20 của sách Tông đồ công vụ, Đức Cha Kicanas nhận xét rằng: ”Cả thánh Phaolô đôi khi cũng bị coi là người nói dài nói dai. Chúng ta được kể rằng khi thánh Phaolô giảng tại thành Troas ngày thứ I trong tuần, trong số các thính giả của ngài có thanh niên Eutychus, ngồi trên thành cửa sổ để nghe giảng. Nhưng anh ta ngày càng cảm thấy buồn ngủ và sau cùng bị té từ cửa sổ lầu thứ 3 và bị thiệt mạng”.

Đức Cha ghi nhận rằng ngày nay dân chúng vẫn có xu hướng ngủ gục khi phải nghe những bài giảng buồn thiu, nhưng không có ai bị chết!. Dầu sao thì phụng vụ cần phải giúp xây dựng dân chúng. Bài giảng phải có sức an ủi, chữa lành, mang lại hy vọng, gợi hứng, thách thức, giáo huấn và giúp thay đổi cuộc sống nhờ ơn Chúa”.

Đức Cha Kicanas hy vọng năm về giảng thuyết mà ngài đề nghị sẽ giúp các GM và LM cùng nhau học hỏi xem điều gì làm cho bài giảng có hiệu năng trong một thế giới có nhiều điều làm cho người ta chia trí như ngày nay. Các vị phải hỏi giáo dân xem điều gì làm cho họ quan tâm và thấy là quan trọng và giáo dân có thể gợi ý để cải tiến bài giảng. Với một nỗ lực chung và có phối hợp để cải tiến việc giảng thuyết, một mùa xuân mới cho Kitô giáo có thể nảy sinh cho Giáo Hội chúng ta”.

Đức Cha Mark Benedict Coleridge , TGM giáo phận Canberra, thủ đô Australia, cũng nói về việc giảng. Ngài nhận xét rằng lời kêu gọi canh tân do Công đồng chung Vatican 2 đưa ra về việc giảng thuyết, trình bày và ứng dụng Kinh Thánh, cho đến nay chỉ được thực hiện một phần. Một trong những lý do của tình trạng này là khi giảng, người ta có xu hướng coi Tin Mừng như là điều ai cũng biết. Vì thế, người ta có nguy cơ giảng về luân lý; việc giảng này có thể khơi dậy sự quan tâm hoặc ngưỡng mộ của người nghe, nhưng không gợi lên đức tin cứu độ. Việc giảng thuyết như thế sẽ không giúp cảm nghiệm về sức mạnh của Chúa Kitô.

Theo Đức TGM Coleridge, công cuộc truyền giáo mới đòi phải chuẩn bị và công bố Tin Mừng, hầu đạt tới một sự rao giảng truyền giáo mạnh mẽ hơn. Để cổ võ lối giảng thuyết này, cần soạn một cuốn chỉ nam về giảng thuyết theo mẫu cuốn chỉ nam về huấn giáo và huấn thị tổng quát của Sách Lễ Roma. Cuốn chỉ nam này phải dựa trên kinh nghiệm của Giáo Hội hoàn vũ để cung cấp một cơ cấu, nhưng không bóp nghẹt thiên tài của các Giáo Hội địa phương hoặc các vị giảng thuyết. Phải giúp huấn luyện các nhà giảng thuyết một cách vững chắc và có hệ thống hơn tại các chủng viện và các nhà đào tạo. Đây là điều rất cần thiết trong một thời đại ai cũng nhìn nhận tính chất quan trọng của bài giảng, với ý thức rằng việc cử hành thánh lễ chúa nhật cùng với bài giảng, đối với phần lớn các tín hữu Công Giáo, là điểm tiếp xúc duy nhất của họ với Lời Chúa.

ĐƯA KINH THÁNH VÀO ĐỜI SỐNG

ĐHY Francis George, TGM giáo phận Chicago, Hoa Kỳ, trong bài tham luận, ngài nói rằng một điều quan trọng là các vị mục tử làm sao để Kinh Thánh trở nên thành phần của đời sống tín hữu, đây là một điều khó khăn hơn trong hoàn cảnh ngày nay, vì ngôn ngữ và hình ảnh Kinh Thánh dần dần biến mất khỏi nền văn hóa bình dân. ĐHY nói: ”Cách đây một thế hệ, thế giới nghệ thuật và kịch nghệ đầy những hành ảnh Kinh Thánh, ví dụ hình ảnh người Samaritano nhân lành, hoặc người ta nhắc đến thành Sodoma và Gomorrah. Nay những hình ảnh ấy không còn nữa, cả hình ảnh Thiên Chúa như một vị hoạt động trong lịch sử nhân loại cũng vậy. Dân chúng không còn hiểu thế giới như một nơi mà Thánh Linh đang hoạt động, và có cả sự hiện diện của các thiên thần và ma quỷ, và họ phải tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa”.

Theo ĐHY George, khi công bố và giải thích Lời Chúa, các vị mục tử phải giúp dân chúng tiến tới một ”sự hoán cải về trí tưởng tượng, trí tuệ và ý chí. Quá nhiều khi thế giới hình ảnh ngày nay không còn hình ảnh của Thiên Chúa nữa. Trí tuệ ngày nay thấy không có gì là quan trọng trong các sách Kinh Thánh. ĐHY đặc biệt kêu gọi các thành viên THĐGM và mọi nhân viên mục vụ của Giáo Hội hãy dạy dân chúng về nghệ thuật lectio divina, đọc và cầu nguyện với Kinh Thánh. Ngài nói: ”Nếu quyền năng của Lời Chúa trong Kinh Thánh phải được cảm nghiệm thấy trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội, thì các vị mục tử phải quan tâm đến bối cảnh sống của con người cũng như các văn bản đã được linh hứng”.

DẠY CÁCH LẮNG NGHE

Theo Đức Cha Luis Tagle, GM giáo phận Imus bên Phi luật tân, một điều thiếu nơi dân chúng ngày nay là thái độ quan tâm, lắng nghe. Thái độ này thật là thiếu nơi nhiều người thời đại.

Đức Cha nhận định rằng việc đọc Kinh Thánh cũng đòi khả năng lắng nghe, và đây là một điều ngày càng trở nên khó khăn trong một thế giới trong đó con người bị thu hút vào bản thân mình.

Đức Cha Tagle nói: ”Giáo Hội phải huấn luyện người nghe Lời Chúa, Nhưng việc lắng nghe này không phải chỉ được thông truyền qua việc giáo huấn, nhưng đúng hơn qua môi trường lắng nghe. Con xin đề nghị 3 lối đề cập vấn đề để đào sau thái độ lắng nghe:

- Thứ nhất: là lắng nghe trong đức tin. Đức tin là một hồng ân của Chúa Thánh Linh, nhưng cũng là một sự thực thi tự do của con người. Lắng nghe trong đức tin có nghĩa là mở rộng con tim cho Lời Chúa, để Lời Chúa thấu nhập vào và biến đổi chúng ta, rồi thực hành Lời Chúa. Điều này cũng tương đương với sự vâng phục trong đức tin. Huấn luyện về sự lắng nghe là thành phần của sự huấn luyện về đức tin.

- Thứ hai. Các biến cố trong thế giới chúng ta ngày nay cho thấy hậu quả của thái độ thiếu lắng nghe: những xung đột trong gia đình, hố chia cách giữa các thế già trẻ, các dân nước, và bạolực. Người ta bị mắc kẹt trong một thế giới độc thoại, không quan tâm chú ý, ồn ào, bất bao dung, và chỉ quan tâm đến bản thân mình. Giáo Hội có thể cung cấp một môi trường đối thoại, tôn trọng, hỗ tương và vượt lên trên bản thân mình.

- Thứ ba: Thiên Chúa nói, và Giáo Hội, như một người đầy tớ lắng nghe tiếng Chúa nói. Nhưng Thiên Chúa không chỉ nói mà thôi. Ngài cũng đặc biệt lắng nghe người công chính, góa phụ, cô nhi, người bị bách hại và người nghèo không có tiếng nói. Giáo Hội cũng phải học cách lắng nghe của Chúa và lên tiếng thay cho những người không có tiếng nói.

Bài phát biểu của Đức Cha Tagle rất ngắn, nhưng được cử tọa nồng nhiệt vỗ tay tán thưởng.

GIẢI THÍCH LỜI CHÚA

Đức TGM Laurent Monsengwo, Tổng thư ký đặc biệt của Thượng HĐGM hiện nay, nhưng ngài lên tiếng với tư cách đại diện HĐGM Cộng hòa dân chủ Congo và nói về việc giải thích Kinh Thánh trong quan hệ với các giáo phái.

Đức TGM ghi nhận hiện tượng giáo phái không phải là mới mẻ, nó có từ thời kỳ đầu của Giáo Hội. Trong thư thứ I viết ra vào khoảng năm 95 sau Chúa Kitô, thánh Gioan đã nói đến những người đối lập không còn tuyên xưng Chúa Kitô đến trong xác thể nữa (1 Jn 4,2-3), họ ra khỏi cộng đoàn và bị loại trừ khỏi đức tin tông truyền (1 Jn 2,19-24).

Tuy nhiên, sự lan tràn các giáo phái đủ loại như ung thư, làm cho chúng ta lo âu trong tư cách là những mục tử của Giáo Hội. Nhất là vì đạo lý của chúng thường dựa trên sự giải thích Kinh Thánh theo nghĩa đen. Nhưng nhiều văn bản Kinh Thánh không chấp nhận lối giải thích như thế và khuyến khích theo các tiêu chuẩn khác. Ví dụ phản ứng của Chúa Giêsu khi ngài bị tên vệ binh tại dinh thượng tế Anna tát vào mặt (Jn 18,22-23) cho thấy rõ việc giơ má bên kia như được nói đến trong Tin Mừng theo thánh Mathêu (Mt 5,39) là một kiểu nói mạnh, không nên hiểu theo nghĩa đen. Nhưng Chúa Giêsu, trái với luật ăn miếng trả miếng (Mt 5,38), ngài dạy đừng lấy ác báo ác, ngài tha thứ...

Đức TGM Monsengwo nói đến những tiêu chuẩn giúp chúng ta đừng giải thích Kinh Thánh một cách chủ quan và cực đoan, đó là Thánh Linh (DV 12), Tông Truyền (norma normans), sự hiệp thông với Thân Mình Giáo Hội (1 Jn 1,3), sự tuyên xưng đức tin của Giáo Hội, sự hòa hợp của toàn thể Kinh Thánh (analogia scripturae).

LỜI CHÚA VỪA TẦM TAY

Cũng liên quan đến việc đọc và hiểu Kinh Thánh, Đức Cha Joseph Luc Bouchard, GM Saint Paul, bang Alberta, Canada, nhận xét rằng từ sau Công đồng chung Vatican 2, nhiều nỗ lực đã được thực hiện để Lời Chúa trở nên vừa tầm tay của các tín hữu. Nhưng vẫn còn một thứ hố chia cách giữa các chuyên gia Kinh Thánh và các vị Mục Tử, và giữa các cộng đồng Kitô. Và Đức Cha đề nghị: Liên hiệp Kinh Thánh Công Giáo thế giới, với sự hỗ trợ của các cơ quan khác của Tòa Thánh, cứu xét xem có thể tổ chức các Hội nghị quốc tế về Lời Chúa để trợ giúp việc đọc Kinh Thánh trong niềm cảm thức cùng Giáo Hội hay không.

Vấn đề giảng thuyết và huấn luyện các vị giảng thuyết đã được các nghị phụ đề cập đến trong buổi trao đổi tự do vào giờ cuối cùng trong phiên khoáng đại chiều ngày thứ ba, 7-10 vừa qua. Các vị cũng kêu gọi đặc biệt chú ý đến sự kiện các tín hữu ngày nay thường không có một nền văn hóa về Kinh Thánh, khiến cho việc giảng về Kinh Thánh càng phức tạp và khó khăn hơn. Sau cùng, các nghị phụ ghi nhận sự kiện 'nền văn hóa đọc sách” ngày nay đang chết dần, vì các phương tiện truyền thông mới mẻ và tân tiến.

Sáng thứ năm 9-10-2008, các nghị phụ chỉ nhóm khoáng đại từ 9 đến 11 giờ, sau đó, lúc 11 giờ rưỡi, các vị dự thánh lễ do ĐTC Biển Đức 16 cử hành nhân lễ giỗ thứ 50 của Đức Cố Giáo Hoàng Piô 12, qua đời ngày 9-10-1958, thọ 82 tuổi.

Lm Trần Đức Anh, OP

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 09.10.2008. 00:15