Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Người Thổ Dân trong tư duy thần học Úc

§ Vũ Văn An

Catherine Smibert của Zenit.org cho hay các truyền thống đặc thù của người Thổ Dân sẽ được trưng bầy cho các khách hành hương và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI nhân dịp họ tới Sydney trong những ngày WYD. Các chủ đề, biểu tượng và tranh ảnh của Thổ Dân sẽ hiện diện trong mọi biến cố của lễ hội WYD để vinh danh và biết ơn những cư dân nguyên thủy của lục địa Úc Châu và giới thiệu văn hóa thổ dân cho người hành hương.

Tuy nhiên ở một bình diện sâu sắc hơn, tư duy thần học Kitô Giáo Úc nói chung và tư duy thần học Công Giáo Úc nói riêng đã từng cố gắng đi tìm những phương thức thần học có thể tạo nên một lối giải thích Kitô giáo theo cái nhìn độc đáo của chính người thổ dân. Hơn thế nữa, còn coi phương thức này như bản sắc cho một nền thần học Úc Châu nữa.

Một trong các cố gắng đó là của linh mục John Wilcken S.J., hiện dạy Thần Học Hệ Thống tại Viện Thần Học Dòng Tên, Melbourne:

I. Kitô học và các truyền thống tôn giáo Thổ Dân

Kitô giáo được các người định cư từ Âu Châu mang tới Úc. Một cách tổng quát những cư dân này tự coi họ cao hơn những người dân bản địa của xứ này hầu như về mọi mặt, nhất là về hai phương diện tôn giáo và luân lý. Tất nhiên không tránh được hiện tượng khi người Úc gốc Âu Châu bàn đến các công trình thần học, tư tưởng của họ phản ảnh tư tưởng nơi các trường phái thần học của Âu Châu và Bắc Mỹ. Đến lúc phải nhấn mạnh tới các chủ đề có tính Úc châu đi chăng nữa, thì những chủ đề cũng chỉ phản ảnh lối sống của cư dân gốc Âu Châu trên xứ sở này mà thôi (1). Cho đến tận nay, người ta vẫn thấy rất ít ảnh hưởng từ các truyền thống tôn giáo thổ dân trên các suy nghĩ thần học của Úc (2).

Các nhà nhân chủng học, trong hơn thế kỷ qua, tất nhiên đã chú ý nhiều đến vấn đề tôn giáo của người Thổ Dân. Các Kitô hữu có quan hệ với việc truyền giáo nơi người Thổ Dân cũng đã viết nhiều về đề tài này, như Martin Wilson và E.A. Worms (3). Và cũng đã có những công trình thần học do các giáo sư và sinh viên tại Học Viện Nungalinya tại Darwin thực hiện cũng như các biên khảo của các nhà thần học Kitô giáo người Thổ Dân như Anne Pattel-Gray và Djiniyini Gandarra (4). Dù vậy, nếu người ta xét đến nền thần học đang được giảng dạy tại các học viện chính của Úc, họ phải kết luận rằng nền thần học ấy vẫn còn là nền thần học nằm vững vàng và không nhầm lẫn trong hai truyền thống Âu Châu và Bắc Mỹ.

Điều ấy có thể đúng. Nhưng nếu cứ tiếp tục lối này thì có thể ta đang lỡ một cơ hội tốt. Vì các truyền thống tôn giáo của Thổ dân chắc chắn có thể đóng góp một cách quan trọng vào nền thần học Úc Châu. Ít nhất chúng cũng có thể cung cấp cho ta một thách đố đối với khuynh hướng muốn đồng nhất thần học Kitô giáo với những gì đang được giảng dạy tại Âu Châu, Bắc Mỹ, và cả tại Châu Mỹ Latinh nữa. Thách thức này xem ra còn có tính nền tảng hơn nữa. Điều gì sẽ xẩy ra khi những người mà truyền thống tôn giáo đã khai triển trong bối cảnh một xã hội săn bắn và thu lượm, vâng điều gì sẽ xẩy ra khi những người ấy trở thành Kitô hữu, và đến lúc cần, họ phải diễn tả đức tin của họ theo gia tài văn hóa và tôn giáo riêng của mình?

Câu trả lời cho vấn nạn trên có thể gây chú ý và đưa lại nhiều ngạc nhiên. Đó là vấn đề tác giả muốn thảo luận trong bài này, ít nhất ở mức độ khởi thảo và hạn chế.

1. Vấn Đề Bản Thân

Tác giả sẽ trình bày vấn đề một cách riêng tư hơn, có tính tự thuật hơn một chút. Chuyên môn của tác giả, như hiện nay, là về thần học Kitô giáo thuộc các trường phái của Âu Châu và Bắc Mỹ; và tác giảcũng có đọc một ít các nhà thần học Giải Phóng của Châu Mỹ Latinh. Song song với điều ấy, tác giả có nghiên cứu đôi chút các tín ngưỡng và tập tục cổ truyền của người Thổ Dân Úc, phần lớn qua sách vở của các nhà nhân chủng học da trắng. Và cuối cùng, tác giả cũng đã có nhiều giao tiếp với các Kitô hữu Thổ Dân.

Kết quả của những điều trên là tác giả có một vấn nạn lớn. Ông thấy khó tưởng tượng được người Thổ Dân nghĩ ra sao về Đức Giêsu khi họ còn trung thành với những điều căn bản trong nền văn hóa riêng và thế giới quan có tính tôn giáo cổ truyền của họ. Do đó, khó có thể diễn tả được một Kitô học của Thổ Dân một cách chân thực, tức một Kitô học người ta có thể nhận ra từ nền giáo dục theo Âu Châu và Mỹ Châu, một Kitô học duy trì được những điều chủ yếu của đức tin Kitô giáo.

Đến đây, có thể có người sẽ bảo ‘đưa ra một Kitô học Thổ Dân đâu phải việc ông; quả là kiêu căng, khi ông nghĩ ông có thể làm được điều đó. Các Kitô hữu Thổ Dân sẽ làm việc ấy khi đến lúc và theo cách riêng của họ’. Nói như thế có thể có lý; nhưng điều ấy không làm ta thỏa mãn. Ở đây, xin có hai nhận xét. Trước nhất, từ nền giáo dục của mình, có khi ta có thể giúp được người Thổ Dân trong trách nhiệm của họ. Thứ đến, và là điều quan trọng hơn, đây là một vấn đề thần học không phải chỉ dành cho các Kitô hữu Thổ Dân mà thôi, mà cũng còn dành cho cả ta nữa.

Ta hãy trình bầy vấn đề như thế này. Ta tin rằng Đức Giêsu Nagiarét là khuôn mặt chính của lịch sử nhân loại, theo một phương cách hết sức mầu nhiệm. Người mang ý nghĩa nền tảng đối với toàn bộ gia đình nhân loại, đối với mọi người thuộc mọi chủng tộc, mọi ngôn ngữ, mọi văn hóa và mọi lối sống. Do đó, ta tin rằng Người cũng rất quan trọng đối với người Thổ Dân. Như thế vấn đề của ta là: nếu ta buộc phải kết luận rằng người Thổ Dân chỉ có thể có một đức tin chính thống vào Chúa Giêsu nếu họ chịu từ bỏ nền văn hóa riêng và gia tài tôn giáo riêng của họ, để thay thế vào đó nền văn hóa và gia tài tôn giáo của Âu Châu và Bắc Mỹ, thì hiển nhiên ta phải bác khước đặc tính phổ quát hay công giáo của Kitô giáo.

Tình trạng ấy giống như tình trạng Thánh Phaolô và các nhà truyền giáo cho dân ngoại khác phải đối diện thời Giáo hội sơ khai. Đối với họ, điều sinh tử là cộng đoàn Giêrusalem phải nhìn nhận tư cách Kitô hữu đầy đủ của các cộng đoàn dân ngoại và không được áp đặt trên họ tập tục cắt bì và việc tuân giữ Luật Môisen. Thánh Phaolô và các vị khác quả đã tranh đấu cho đặc tính phổ quát thực sự của Kitô giáo. Chắc chắn tình trạng ngày nay tại Úc có hơi khác, vì cộng đoàn ngoại giáo của thế giới Địa Trung Hải không do các sắc dân thừa hưởng truyền thống của một xã hội săn bắn và hái lượm. Dù thế, vẫn có sự tương tự căn bản. Vì ở cả hai trường hợp, vấn đề cần giải quyết đều là đặc tính công giáo của Kitô giáo.

2. Vatican II

Trong nhiều tài liệu khác nhau, Công Đồng Vatican II, đã mạnh mẽ nhấn mạnh đến đặc tính công giáo này. Thí dụ, trong Hiến chế Về Giáo hội, Công đồng xác định: “Bởi các cố gắng của mình, Giáo hội đảm bảo rằng bất cứ hạt giống sự thiện nào tìm thấy trong tâm trí con người hoặc trong phong tục và văn hóa của người ta, không những không bị hủy diệt, trái lại còn được chữa lành, nâng cao và làm cho hoàn thiện, để vinh danh Chúa, khiến ma quỉ khiếp sợ và con người được hạnh phúc “ (Số 17).

Trước đó, trong cùng tài liệu trên, Công đồng cho hay: “Đấng quan phòng cũng không từ chối sự trợ giúp cần thiết để được cứu rỗi đối với những người, dù không do lỗi riêng, nhưng chưa đạt đến sự hiểu biết minh nhiên về Chúa, trái lại luôn cố gắng, nhờ sự trợ giúp của ơn thánh, mà sống cuộc sống ngay thẳng. Vì bất cứ điều tốt hoặc điều đúng nào có trong họ đều được Giáo Hội coi như những chuẩn bị đối với Phúc Âm, do Đấng soi sáng muôn người ban tặng, ngõ hầu cuối cùng họ có được sự sống đời đời” (Số 16) (5).

Thuật ngữ ‘chuẩn bị cho Phúc âm’ (preparatio evangelica) là một thuật ngữ có ý nghĩa. ‘Điều tốt và điều đúng’, được miêu tả ở đây như dọn đường cho Phúc Âm, chắc chắn bao hàm không những ‘những hạt giống của sự thiện... tìm thấy trong tâm trí con người’ mà còn tìm thấy ‘trong phong tục và văn hóa của người ta’ theo thuật ngữ của đoạn trích trước đó. Nếu thế, ‘các phong tục và văn hóa’ của người Thổ Dân hiển nhiên nối kết chặt chẽ với các niềm tin tôn giáo của họ. Vậy điều gì trong nền văn hóa và tôn giáo cổ truyền của Thổ Dân dọn đường cho đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng có ý nghĩa phổ quát đối với toàn thể gia đình nhân loại? Người Thổ dân có thể nghĩ về Người cách nào, hay cách nghĩ nào có ý nghĩa đối với họ dưới ánh sáng các truyền thống tôn giáo và thế giới quan của riêng họ?(6)

3. Những Khác Biệt?

Đến đây, quả là hữu ích nếu ta chịu chỉ rõ đâu là những khác biệt chính giữa thế giới quan truyền thống của Thổ Dân và thế giới quan do những người lập cư từ Âu Châu mang tới. Ta nhận thấy rằng nếu phải diễn tiến theo lối biểu đồ, chắc chắn ta sẽ không trung thực đối với thực tại đầy đủ của điều đang xem sét. Trước nhất, ta thấy không hề có một thứ văn hóa và tôn giáo độc dạng (uniform) nơi Thổ Dân: trái lại có hàng loạt những biến thái về phong tục và truyền thống phát khởi từ nhiều khu vực khác nhau, cũng như hàng loạt các ngôn ngữ khác nhau nữa. Tuy vậy, người ta vẫn thấy một số nét căn bản giống nhau, và vì những nét giống nhau này, ta có thể nói đến một thứ thế giới quan của Thổ Dân. (Giống như đối với Âu Châu, dù có nhiều biến thái, người ta vẫn có thể nói về một thế giới quan của Âu Châu được). Vậy thì khi so sánh giữa hai thế giới quan kia, các khác biệt sẽ được nhấn mạnh – và dường như đã từng bị quá nhấn mạnh. Ta không muốn ám chỉ là không có những nét tương tự, hoặc không có chỗ đứng cho việc đối thoại và tăng gia hiểu biết lẫn nhau. Nhưng muốn cho cuộc đối thoại chân chính và gia tăng hiểu biết nhau thực sự có thể xẩy ra, ta phải để ý đến những khác biệt có ý nghĩa đang hiện diện thực sự.

(i) Điểm khác biệt căn bản là sự khác biệt giữa một bên là săn bắn và hái lượm, một bên là văn minh thị thành. Điều ấy đem lại các thế giới quan hoàn toàn khác nhau. Trong vấn đề tổ chức xã hội, ta chỉ đưa ra một so sánh hết sức tổng quát. Trong văn hóa Thổ Dân, hệ thống họ hàng là một hình thức phát triển rất cao của tổ chức xã hội. Thực vậy, nó là một trong những thành quả kỳ diệu của văn hóa Thổ Dân. Liên hệ ra sao giữa người này với người kia là điều sinh tử đối với đời sống người Thổ Dân. Mặt khác, những ai thuộc văn minh thị thành thì thường lại dành tầm quan trọng đặc biệt cho vai trò của chính phủ, cho những chức vụ chính thức vốn là thành tố trong cơ cấu công quyền, như vua chúa, công hầu, chủ tịch, thủ tướng v.v... Các chức vụ ấy rất xa lạ đối với đời sống Thổ Dân.

(ii) Đối với Thổ Dân, nơi chốn có tầm quan trọng chính yếu, trong khi thời gian lại chẳng quan trọng gì (7). Căn tính Thổ Dân dính liền với mảnh đất của họ, và các địa điểm đặc thù rất có ý nghĩa. Ngược lại, thời gian không hề là một phạm trù quan trọng đối với họ. Trái lại, đối với người Âu Châu, chiếc đồng hồ tường hay đồng hồ đeo tay là một phần chủ yếu của cuộc sống văn minh; và, dù nơi chốn không hẳn vô nghĩa, nhưng, nói một cách chung chung, chúng không phải là điều chính yếu đối với cuộc sống của họ.

(iii) Mọi người đều thấy Mộng Thế (Dreaming) quan trọng ra sao đối với Thổ Dân. Nó là một loại vĩnh hằng, cùng một lúc có mặt với hiện tại. Trong Mộng Thế, những nét chính yếu của cuộc sống được thiết dựng trên cõi đời này. Con người phải sống phù hợp với những gì đã được đặt định trong Mộng Thế. Ngược lại, đối với người Âu Châu, lịch sử là một phạm trù chính yếu của cuộc sống. Hiện tại khai triển từ quá khứ và dẫn đến tương lai. Người Do Thái và Hy-Lạp cả hai đều xuất chúng về lịch sử. Lịch sử là ý niệm căn bản đối với người Âu Châu.

(iv) Kitô giáo là một tôn giáo cánh chung luận, hướng tới một thứ viên mãn (culmination) của lịch sử. Trái lại, người ta có thể nói thế giới quan Thổ Dân là một thế giới quan sáng thế luận (protological), nghĩa là, điều được thiết dựng trong Mộng Thế sẽ quyết định toàn bộ cuộc sống.

(v) Kitô hữu (và người Do Thái) nhấn mạnh tới tính siêu việt của Chúa. Ta xin nói thêm một chút về điều này. Tôn giáo của Thánh Kinh có nhìn nhận tính nội tại của Chúa (divine immanence) như sự hiện hữu của Thánh Linh trong lòng thế giới. Thế nhưng, ta có thể vững bụng quả quyết rằng truyền thống Do Thái và Kitô giáo vẫn hiểu Chúa như tách biệt (distinct) khỏi thế giới này, hay nói cách khác truyền thống ấy xác quyết tính siêu việt của Người. Trái lại, người Thổ Dân thực sự không có một ý niệm gì về một Thiên Chúa siêu việt. ‘Thần linh’ nội tại ngay trong mảnh đất và các đặc điểm của nó, nhất là tại những nơi thánh thiêng. Các anh thư của Mộng Thế hiện diện trong các nghi lễ trong đó các kỳ công của họ được nhắc lại và diễn lại. ‘Thần linh’ ở ngay trong lòng thế giới và trong lòng cuộc đời.

4. Sứ Vụ Của Chúa Giêsu

Bốn Phúc âm, tức các sách thuật lại sứ vụ của Chúa Giêsu Nagiarét, là sản phẩm của văn minh thành thị, giống như chính Chúa Giêsu, mặc dù Người lớn lên trong một ngôi làng không quan trọng và phần lớn giảng dạy tại các thị trấn nhỏ và các vùng thôn quê. Trọng điểm sứ điệp của Người là việc công bố nước Thiên Chúa đã đến. Sứ điệp ấy có ý nghĩa ra sao đối với một người Thổ Dân sống một đời sống theo truyền thống? Hạn từ ‘nước’ hàm nghĩa vua, và một hình thức tổ chức xã hội hoàn toàn xa lạ đối với lối sống Thổ Dân. Chữ ‘Thiên Chúa’ có ý ám chỉ ý niệm Do Thái chỉ về đấng thần linh siêu việt, một ý niệm hoàn toàn khác biệt với tín ngưỡng tôn giáo của Thổ Dân. Việc Nước Chúa đến, do Chúa Giêsu loan báo, hẳn sẽ thay đổi căn để xã hội con người và cục diện thế giới, một điều chắc chắn phải xẩy ra nếu lời cầu xin trong Kinh Lạy Cha ‘Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời’ được nhậm lời. Thế nhưng, đối với những người Thổ Dân của truyền thống, cục diện thế giới cũng như số phận cuộc đời đã được xác định từ thuở đời đời trong Mộng Thời. Hơn nữa, Chúa Giêsu rõ ràng được nhiều người đương thời coi như một tiên tri (Mc 6:15; Lc 7:16; Ga 6:14; Ga 9:17). Tiên tri là người nói một cách đầy thế gía nhân danh Chúa và thường kêu gọi người ta ăn năn thống hối và thay đổi lối sống. Tiên tri là một khuôn mặt công, được Thiên Chúa chỉ định và nhiệm vụ của tiên tri phần lớn là thách thức xã hội đương thời. Nhưng cái vai trò tiên tri như thế xem ra chẳng ăn nhằm gì đối với xã hội cổ truyền của Thổ Dân.

Thời Giáo hội sơ khai, Kitô giáo có hai tín điều lớn là ‘Chúa Giêsu là Chúa’ và ‘Chúa Giêsu là Đấng Kitô’. Thế nhưng xã hội Thổ Dân đâu có Chúa (cả chúa nhân bản lẫn chúa thần linh); và theo hiểu biết của ta, họ cũng không chờ mong một lãnh tụ vĩ đại nào sẽ ra đời để cứu dân. Vì một quan niệm như thế đòi phải có một thế giới quan lịch sử, điều mà người Thổ Dân cổ truyền không có.

Như thế, phần lớn những điều Tân Ước nói về Chúa Giêsu không có ý nghĩa bao nhiêu đối với người Thổ Dân truyền thống.

Tuy nhiên, ta hãy nhìn cẩn thận hơn vào đời sống và sứ vụ của Chúa Giêsu. Tại sao người thời của Người lại chú ý đến Người và bị Người ấn tượng đến như thế? Một trong những câu trả lời có thể là: vì Người có tài chữa lành, và nhiều người đến với Người chỉ vì muốn được Người chữa bệnh cho. Hiển nhiên đây là một lý do tại sao người ta bị lôi cuốn đến với Chúa Giêsu. Lý do khác rất có thể là niềm tin cho rằng Người sẽ lãnh đạo dân Do-Thái cách nào đó chống lại các ông chúa La-Mã và đẩy bọn ngoại bang ra khỏi xứ sở. Thế nhưng Chúa Giêsu đâu có khích lệ người ta có cái nhìn như thế về sứ vụ của mình. Hay có người còn dám gợi ý rằng Chúa Giêsu lợi dụng sự bất mãn về xã hội của thời Người để tuyên truyền cho mình và giành lấy quyền lực. Thế nhưng trọn bộ sứ điệp của Người đi ngược lại lối giải thích ấy.

Dù có thể bị coi là quá giản lược, nhưng ta vẫn xin đưa ra ba lý do tại sao người ta đã bị Chúa Giêsu lôi cuốn.

(i) Lý do thứ nhất, hết sức đơn giản, vì Người là một người tốt và rất có tài. Lòng tốt của Người lôi kéo mọi người đến với Người, và Người có khả năng làm người ta tự tin và tự phát triển các tài năng của mình. Lòng tốt mà ta nói ở đây có ý chỉ hoặc ít nhất cũng bao gồm việc thể hiện tiềm năng nhân bản. Qua lòng trắc ẩn, tình yêu, lòng can đảm, sự quan tâm đến công lý, sự chính trực v.v.. Chúa Giêsu tỏ ra hết sức nhân bản. Và Người giúp người khác tiến bộ trong việc tự thể hiện nhân tính của mình. Rõ ràng, ở đây, ta đang tuyên xưng đức tin; nhưng những tuyên xưng này đối với ta hoàn toàn nhất quán với những gì ta đọc được từ các trình thuật về Chúa Giêsu trong Phúc Âm (8). Ở đây, người ta có quyền nhắc đến sứ vụ chữa lành của Chúa Giêsu, một sứ vụ hết sức nổi bật trong các trình thuật Phúc Âm. Việc chữa lành các rối loạn thể lý và tinh thần là một phần quan trọng trong việc phục hồi con người trở lại nhân tính tròn đầy của họ và giúp họ có năng lực hành sử các năng khiếu của họ (9).

(ii) Lý do quan trọng thứ hai tại sao Chúa Giêsu đã lôi cuốn được người ta là dù thế nào Người cũng đã chạm tới khát mong tôn giáo của họ. Hay nói cách khác, Người giúp họ đạt tới cái ý nghĩa và giá trị sau cùng của đời họ. Điều này có nghĩa là họ tự động liên kết Người với Đấng Thiên Chúa của chính lịch sử Do-Thái. Đoạn Phúc âm trong đó Chúa Giêsu hỏi các môn đệ ‘Người ta bảo thầy là ai?’ (Mc 8:27) luôn gợi óc tò mò nơi ta. Câu các ông trả lời cho thấy rất nhiều: ‘có người nói thầy là Gioan Tẩy Giả, có người cho thầy là Ê-li-a, lại có người cho thầy là một trong các tiên tri’. Rõ ràng, người ta đã đến để coi Chúa Giêsu như một khuôn mặt tôn giáo, một người do Chúa gửi đến với họ. Đây có lẽ là lý do quan trọng tại sao nhiều người Do-Thái đã bị lôi cuốn đến với Người. Nói vắn tắt, họ nhìn nhận Người là người của Thiên Chúa.

(iii) Lý do thứ ba là, nhờ quyền năng Thiên Chúa, Người đã có thể chế ngự được sự dữ. Điều này được chứng tỏ trong nhiều trình thuật của Phúc Âm qua việc xua đuối ma quỉ. Cảm thấy sự dữ đe doạ là một kinh nghiệm nhân bản khá thông thường. Chúa Giêsu đã can đảm đối chất với quyền lực sự dữ và đã có khả năng thắng vượt nó. Điều ấy khiến người ta tin tưởng rất mạnh và họ chạy tới với Người (10).

Mặc dù bài báo này chủ yếu bàn đến Kitô học nghĩa là trả lời câu hỏi: ’Chúa Giêsu là ai?’, nhưng trong điều vừa nói trên đây, ta quả đã bước vào phạm vi Cứu Thế Học, nghĩa là ta đã bắt đầu trả lời câu hỏi ‘Chúa Giêsu đã cứu ta cách nào?’ Ta muốn nói Chúa Giêsu được các Môn Đệ và người đương thời coi như đấng cứu vớt: Người cưú họ khỏi cuộc sống mất nhân phẩm, vô nghĩa, vô giá trị, khỏi quyền lực sự dữ. Đó chính là những vấn đề cứu thế học.

5. Các Kitô Hữu Thổ Dân

Bây giờ ta hãy xét đến quan điểm của những người Thổ Dân truyền thống tự quyết định trở thành Kitô hữu, do đó khẳng nhận ý nghĩa trung tâm của Chúa Giêsu Nagiarét trong đời họ. Ta hãy tạm để sang bên bất cứ lý do thực tiễn hay lợi lộc nào họ có thể có. Vậy thì tại sao họ lại đặt niềm tin nơi Chúa Giêsu? Ta cho rằng ba lý do viện dẫn trên kia cũng đúng đối với họ: Chúa Giêsu là một người tốt bụng và hết sức nhân bản, một con người có thể khiến cho lòng tốt và nhân tính nở rộ nơi người khác; Chúa Giêsu, một cách nào đó, đem đến cho con người sự bảo đảm chắc chắn về giá trị và ý nghĩa cuối cùng của đời họ; và Chúa Giêsu có khả năng vượt thắng quyền lực sự dữ.

Và bởi thế ta cho rằng người Thổ Dân cũng coi Chúa Giêsu như đấng cứu vớt mình. Bởi vì, như mọi dân tộc khác, họ cũng khát mong được sống trọn cuộc sống nhân bản của họ, họ cần nhìn thấy ý nghĩa trong đời và giá trị trong cuộc sống riêng của họ, và như mọi người thuộc các sắc dân và văn hóa khác, đôi lúc họ cũng cảm thấy sự dữ đe dọa họ. Thực vậy, sợ các uy lực siêu tự nhiên hay phi tự nhiên (preternatural) vốn là một sức mạnh tiềm ẩn trong đời sống truyền thống của Thổ Dân. Nếu Chúa Giêsu mạnh hơn các uy lực đó, và quan tâm chăm sóc những ai tin tưởng chạy đến với Người, thì đây là một lý do quan trọng để tin Người.

Vậy thì nhờ đâu người Thổ Dân đã nhìn thấy Chúa Giêsu dưới ánh sáng trên? Có thể họ đã nghe các trình thuật của Phúc Âm về Người; và quan trọng hơn, cũng có thể vì họ đã nhận ra các đức tính của Chúa Giêsu trong những con người đang nói với họ về Người. Như thế, cuộc sống của những Kitô hữu đến với người Thổ Dân cần phải biểu tỏ, cách nào đó, lòng tốt và nhân tính phong phú của Đức Giêsu; đức tin nơi những Kitô hữu này cần phải cho người ta niềm tin chắc chắn vào giá trị của con người và vào ý nghĩa cuối cùng của kiếp nhân sinh; và lòng can đảm của các Kitô hữu này cần phải biểu lộ sự tin tưởng vào sức mạnh của Chúa Giêsu trong việc chiến thắng sự dữ.

6. Trách Vụ Thần Học

Đến với đức tin là bước căn bản trong đời người. Sau khi đã thực hiện bước ấy, các tân tín hữu sẽ đương đầu với các vấn nạn thần học (dù họ ý thức được điều đó hay không). Đối với các Thổ Dân, một trong những vấn nạn thần học là: họ phải suy nghĩ và nói về Chúa Giêsu ra sao dưới ánh sáng nền văn hóa và các truyền thống tôn giáo riêng của họ? Trong bối cảnh riêng của họ, nói về Chúa Giêsu như đấng đến để công bố Nước Thiên Chúa hay gọi Người là Chúa hay Kitô (Đấng Thiên Sai) dường như chả có nghĩa lý chi. Đó chỉ là những từ ngữ và quan niệm xa lạ đối với họ. Tuy nhiên, cái hậu cảnh tôn giáo riêng của họ vẫn có thể cung cấp cho họ những phương cách thích đáng giúp họ khẳng nhận ý nghĩa độc đáo của Chúa Giêsu.

Vatican II nhắc đến những ‘chuẩn bị cho Phúc âm’. Đức Gioan Phaolô II khi đến Alice Springs đã nói với các thính giả của Ngài rằng Phúc Âm ‘ngày nay mời các bạn trở nên Kitô hữu Thổ Dân trăm phần trăm’. Như thế, họ phải tiến hành ra sao để đưa ra một Kitô học của Thổ Dân, nghĩa là một Kitô học cho thấy ít nhất cũng là một thứ liên tục tính nào đó với các truyền thống văn hóa và tôn giáo của họ?

Câu trả lời của ta cho câu hỏi trên chỉ là một câu trả lời khiêm tốn và mò mẫm. Tuy thế điều quan trọng đối với ta là phải đưa ra được ít nhất cũng là những nét chính của câu trả lời. Ba yếu tố then chốt của tôn giáo Thổ dân xem ra khá có liên quan đến vấn đề ta đang bàn.

(i) Yếu tố thứ nhất, hiển nhiên là Mộng Thời, một yếu tố hết sức nền tảng đối với cuộc sống và tư tưởng Thổ Dân. Những câu truyện về Mộng Thời nhắc đến các kỳ tích của các vĩ nhân trong Mộng Thời (ta có thể gọi họ như thế). Dưới nhiều góc cạnh, những truyện kể ấy là những yếu tố quyết định đối với cuộc sống Thổ Dân mọi thời. Thế giới được quan niệm dựa trên các biến cố xẩy ra trong Mộng Thời và các hành động của các vĩ nhân kia.

Như thế thì Chúa Giêsu có thể được coi như một vĩ nhân của Mộng Thế. Và dưới ánh sáng đức tin vào ý nghĩa độc đáo của Chúa Giêsu đối với toàn thể gia đình nhân loại, có thể coi Người như vĩ nhân tối thượng của Mộng Thế. Những điều Người nói và làm đều có ý nghĩa trường tồn cho mọi kiếp nhân sinh. Những truyện ký về Người là nguồn vô tận dạy người ta phải sống cuộc sống của họ ra sao.

Hơn nữa, các vĩ nhân của Mộng Thế là những nhân vật sáng tạo: chính nhờ hành động của họ, mà cảnh giới đã được lên khuôn thành các hình dạng hiện nay, với núi với sông, vân vân. Vĩ nhân của Mộng Thế Giêsu có thể được coi như nhân vật sáng tạo tối cao. (Điều này rất thích hợp với các đoạn Tân Ước nói về Đấng Kitô vũ trụ {the cosmic Christ}, như Côlôxê 1:15-17 và Ga 1:1-3).

(ii) Yếu tố then chốt thứ hai trong cuộc sống và tư tưởng Thổ Dân là sự quan trọng của đất. Đất là thành phần tạo ra chính căn tính của người Thổ Dân. Con người được liên kết với những khu vực đặc thù; và các biến cố trong Mộng Thời, như các kỳ tích của các vĩ nhân chẳng hạn, đều được liên kết với những nơi chốn đặc biệt. Phong trào hiện nay đòi hỏi chủ quyền đất đai cho Thổ Dân không phải chỉ phản ảnh các vấn đề kinh tế mà thôi, như khả năng cung cấp lương thực của đất đai, nhưng còn phản ảnh điều gì đó quan trọng hơn nhiều. Những câu nói như ‘ta thuộc đất này’ hay ‘đất này là mẹ ta’ đủ diễn tả tầm quan trọng triệt để của đất đai đối với người Thổ Dân.

Các trình thuật trong Phúc Âm trình bày Chúa Giêsu như một người Do-Thái vùng Palestine, lớn lên và thi hành sứ vụ của mình đặc biệt tại Galilê. Như thế, Người đã được liên kết một cách đặc biệt với khu vực đất đai ấy. Nhưng nếu người ta nghĩ về Người không phải chỉ như một vĩ nhân của Mộng Thời, nhưng như vĩ nhân tối cao của nó, họ sẽ có thể thấy Người nối kết với mọi đất đai, mọi nơi chốn. Và lúc đó mọi người khắp mọi nơi, bất kể khu vực địa dư, đều tìm thấy biểu hiệu của Chúa Giêsu trong mảnh đất vốn là phần trong căn tính họ.

(iii) Yếu tố then chốt thứ ba của cuộc sống Thổ Dân là việc cử hành các nghi lễ tôn giáo, trong đó, các kỳ tích của các vĩ nhân của Mộng Thời được diễn hoạt lại. Trong các nghi lễ này, các vĩ nhân kia trở thành hiện diện trong các diễn viên đang đóng các trò của họ. Như thế, người Thổ Dân làm mới lại các tiếp xúc của họ với Mộng Thời. Rõ ràng, đây là phương thức hành động có tính bí tích, và là một phương thức trong đó ý niệm hiện diện rất quan trọng.

Nếu Chúa Giêsu được coi như vĩ nhân của Mộng Thời, thì việc chấp nhận Người hiện diện bất cứ ở đâu khi các biến cố của đời Người được cử hành quả là điều không khó. Và nếu Người là vĩ nhân tối cao của Mộng Thời, thì người ta có thể chấp nhận rằng Người hiện diện trong bất cứ cuộc tập họp nghi lễ nào.

Ta nhận ra rằng điều ta gợi ý ở đây đã bẻ gẫy các khuôn khổ trong tôn giáo cổ truyền Thổ Dân. Nhưng đối với ta, xem ra sự bẻ gẫy ấy, một cách nào đó, vẫn phù hợp với lối suy nghĩ cổ truyền. Vì ta thấy có sự khác nhau giữa, một đàng, thay thế tư tưởng tôn giáo Thổ Dân bằng một cái gì hoàn toàn mới và, đàng khác, nới rộng tư tưởng ấy vượt quá các giới hạn vốn có trong quá khứ. Việc thứ hai, điều mà ta muốn can dự vào, xem ra phù hợp hơn với giáo huấn của Vatica II về tính công giáo văn hóa (cultural catholicity).

Vậy điều ta muốn gợi ý là: ta có thể coi Chúa Giêsu Nagiarét không phải chỉ là một vĩ nhân của Mộng Thời, mà là Đấng Vĩ Nhân Của Mộng Thế (The Dreaming Hero). Thứ hai, Người không phải chỉ liên kết với mảnh đất Palestine mà thôi mà một cách sâu xa với mọi mảnh đất; thứ ba, Người hiện diện không phải chỉ trong các nghi lễ minh nhiên nhằm cử hành Người, mà trong mọi nghi lễ nhằm diễn tả hoài mong của con người muốn vươn tới suối nguồn sự sống và sự tốt lành. Một Kitô học Thổ Dân có thể được khai triển theo các gợi ý ấy.

7. Nhập Thể?

Vậy phải nói thế nào về học lý Nhập Thể của Kitô giáo? Câu trả lời của ta cho câu hỏi này phần lớn là câu trả lời của một nhà thần học theo truyền thống Âu Châu; và ở đây các Kitô hữu Thổ Dân chắc chắn sẽ thách thức ta. Đối với ta, dường như học lý Nhập Thể liên quan đến hai ý niệm chưa được khai triển đầy đủ trong tư tưởng Thổ Dân: đó là ý niệm siêu việt tính nơi Thiện chúa và ý niệm lịch sử. Theo ta, nếu không có hai ý niệm này, người ta không thể khai triển được một học lý về nhập thể theo kiểu mẫu Lời Nói Đầu của Phúc Âm Thứ Tư. Bởi thế, có thể hiểu sứ điệp Kitô giáo như lời mời gọi người Thổ Dân hãy phát triển văn hóa theo đường hướng này. 8. Cứu Chuộc? Trong bài này, ta không bàn đến mầu nhiệm vượt qua của sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, cũng như không bàn đến học lý về cứu chuộc. Các chủ đề ấy sẽ được một bài nói về cứu thế học và các truyền thống tôn giáo Thổ Dân đề cập đến.

Phụ Chú

Sau khi viết xong bài này, tác giả tình cờ đọc được bài tựa đề “Giáo hội và Thổ Dân” của Boniface Perdjert, một Phó tế Công giáo quê ở Port Keats, Northern Territory (11). Bài báo này có một số đoạn nhằm phác thảo ra một Kitô học Thổ Dân. Boniface thấy có những tương tự giữa Đức Kitô của Phúc Âm và lối sống của Thổ Dân: Đức Kitô không quan tâm đến các sự vật vật chất, sinh ra tại một chiếc hang, chu du thiên hạ và không có chỗ gối đầu, chết trắng tay. Người tụ tập các bạn đồng hành quanh mình, và nhấn mạnh đến việc chia sẻ của cải. Người thích nơi thôn dã và thường xử dụng những cảnh thiên nhiên để giảng dạy. Rồi Boniface tiếp tục nói đến Đức Kitô như Nhân Vật của Mộng Thời (The Dreamtime figure), đấng ban Lề Luật, Nghi Lễ và những trung tâm sự sống, và chỉ cho ta con đường về quê hương đích thực. Đức Kitô hiện diện trong các sự vật của thiên nhiên. Hơn nữa, chúng ta sống bằng sự sống của Người; thực thế, có thể nói ta đồng nhất với Người. Và những gì ta làm cho nhau là làm cho chính Người.

Những đoạn viết ngắn ngủi ấy đã cung cấp cho ta một Kitô học thật phong phú, một Kitô học hoà hợp với đời sống và văn hóa Thổ Dân.

Năm nay (1997), một cuốn sách có ý nghĩa về thần học Kitô giáo Thổ Dân được xuất bản duới tựa đề Thần Học Thần Khí Cầu Vồng (Rainbow Spirit Theology) (12). Trong lời Mở Đầu, tác phẩm này được miêu tả như ‘một thần học còn đang diễn tiến’, và là kết quả của hai cuộc hội học được tổ chức tại Townsville, Queensland, trong đó một nhóm đại kết gồm các nhà lãnh đạo Kitô giáo người Thổ Dân gặp nhau để thảo luận và cùng nhau đưa ra một thần học Kitô giáo thực sự có tính Thổ Dân. Các cuộc thảo luận ấy đã được Robert Bos và Norman Habel điều hợp, chính hai ông đã đúc kết và viết thành sách.

Cuốn sách trên rất mạnh mẽ và cảm động, vì đã nhấn mạnh đặc biệt đến các chủ đề văn hóa Thổ Dân, như tầm quan trọng của đất chẳng hạn.

Tuy nhiên, người ta không được thoả mãn lắm về một vài khía cạnh thần học của cuốn sách. Nhiều người cho rằng hình như một số ý niệm của Âu Châu đã được chấp nhận một cách quá ư dễ dãi vào nền thần học của sách. Bởi thế, ý niệm Thần Khí Sáng Tạo phổ quát được coi là chuyện đương nhiên chẳng cần bàn cãi chi, và xem ra sách đã chuyển qua ý niệm nhập thể một cách cũng qúa ư dễ dàng nữa. Theo thiển nghĩ, tư tưởng tôn giáo truyền thống của Thổ Dân cần phải khai triển nhiều hơn nữa mới có thể hội nhập được các ý niệm trên.

Như thế, dù có công rất lớn, nhưng cuốn sách không giúp ta nhiều trong việc khai triển một Kitô học của Thổ Dân cho bằng những đoạn viết ngắn ngủi của Boniface Perdjert mà ta đã nhắc trên đây.

Chú Thích:

1. Có thể xem Toward Theology in an Australian Context, do V.C. Hayes chủ biên, AASR Publications, Adelaide, 1979; A. Hamilton, ‘200 years of Austrtalian Theology’ trong Compass, vol 22, Thu/Đông 1988, tr. 32-38.

2. Trong bài này, từ ‘Thổ Dân’ bao gồm cả người thuộc ‘Torres Strait Islander’.

3. M. Wilson, New, Old and Timeless, Nelen Yubu Missionary, series no.1, Chevalier Press, Sydney, 1978; E.A. Worms, Australian Aboriginal Religions, Nelen Yubu, 1986.

4. Anne Pattel-Gray, Through Aborinal Eyes, WCC Publications, Geneva, 1991; Djininyini Gandara, Series of Reflections of Aboriginal Theology, Bethel Presbytery, Northern Synod of UCA, Darwin, 1986.

5. Quả thực Công Đồng đã lập tức cảnh cáo rằng đôi khi con người bị ‘Ma Quỉ lừa dối’ và kết cục ‘đã phục vụ tạo vật hơn là phục vụ Đấng Hóa Công’. Tuy nhiên, sự dè dặt này không vô hiệu hóa lời phát biểu tích cực đã có trước đó. Về vấn đề ‘tính công giáo văn hóa’, xin xem ‘Giáo Hội Trong Thế giới Hiện đại’ số 58 và ‘Truyền Giáo’ số 22.

6. Cũng nên xem bài diễn văn Đức Gioan Phaolo II nói với Thổ Dân tại Alice Springs, ngày 29 tháng 11 năm 1986: ‘Phúc âm ấy nay mời gọi các bạn hãy trở nên những Kitô hữu Thổ Dân trăm phần trăm. Nó thoả mãn các khát mong sâu xa nhất của các bạn. Các bạn không cần phải là những con người bị phân sẻ thành hai, như thể người Thổ Dân phải vay mượn đức tin và đời sống Kitô giáo, như đi vay chiếc nón hay đôi giầy, từ một người khác đang sở hữu chúng. Chúa Giêsu mời gọi các bạn chấp nhận đem lời nói và các giá trị của Người vào chính nền văn hóa riêng của các bạn. Phát triển theo lối này sẽ làm các bạn trở thành Thổ Dân chân chính hơn bao giờ hết’. Ngài còn tiếp: ‘Khắp thế giới, người ta thờ phượng Chúa và tuyên đọc lời Người bằng tiếng nói riêng của họ, và điểm xuyết những dấu chỉ và biểu tượng vĩ đại của tôn giáo bằng những nét chấm phá lấy từ chính truyền thống của họ.Tại sao các bạn lại phải khác họ trong phạm vi này, tại sao các bạn lại không được phép được hạnh phúc sống với Chúa và với tha nhân theo cách thức người Thổ Dân?’ (trích lại trong F. Brennan (chủ biên), Reconciling Our Difference, Aurora Books, Melbourne, 1992, tr.93-101).

7. Xem Tony Swain, A Place for Stranger, Cambridge Uni. Press, 1993.

8. Ta nhận thấy có vấn đề lớn ở đây: người ta có ý nói gì qua từ ‘nhân bản’ hay ‘tiềm năng nhân bản’? Các ý niệm này há không bị ảnh hưởng bởi văn hóa đó sao? Dĩ nhiên có, đến một mức nào đó. Và há chúng không bao hàm các phán đoán vế giá trị đấy ư? Một lần nữa, lẽ dĩ nhiên là có. Tuy thế, theo thiển ý, trên thực tế ta vẫn có thể phân biệt tính phổ quát cả ở trong các ý niệm lẫn trong các phán đoán về gía trị nữa. Nếu không như vậy, thì mối liên hệ giữa các quốc gia và văn hóa của ghế giới không thể nào có được, ít nhất là các liên hệ bên ngoài lãnh vực thực tiễn và thực dụng.

9. Cha Robin Koning, S.J. đã dựa vào các kinh nghiệm riêng của Ngài tại Kimberleys và nhấn mạnh đến việc các truyện kể về chữa lành trong Phúc Âm đã quan trọng xiết bao đối với người Thổ Dân, và nói về phụng vụ, họ thấy các sứ vụ chữa lành đã mang lại lợi ích cho họ biết là chừng nào.

10. Điểm này rõ ràng cũng có liên hệ đến sứ vụ chữa lành của Chúa Giêsu. Các truyện kể của Phúc Âm đôi khi liên kết bệnh tật phần xác với việc bị quỉ ám, thí dụ Mt 12:22-24, Mc 9:14-29; Lc 13:10-13.

11. Xem A Spirituality of Catholic Aborigines and the Struggle for Justice, do J. Hendricks và G. Hefferan chủ biên, Aboriginal and Torres Strait Islander Apostolate, Tổng địa phận Brisbane, 1993, tr.3840

12. Rainbow Spirit Theology. Toward an Australian Aboriginal Theology, do Raibow Spirit Elders, Harper Collins Religious, Melbourne, 1997.

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 13.07.2008. 23:46