Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Người Thổ Dân trong tư duy thần học Úc (2)

§ Vũ Văn An

II. Cứu thế học và các truyền thống tôn giáo Thổ Dân

Bài này nối tiếp bài đã trình bầy tại Hội Thần Học Công Giáo Úc năm 1997, trong đó tác giả phác họa một số nét về Kitô học Thổ Dân (1). Ở đây, ông đưa ra một số điểm, như một dò dẫm tiến tới một cứu thế học theo các truyền thống tôn giáo Thổ Dân.

1. ‘Đức Kitô Chết Vì Tội Lỗi Ta’

Ở đầu chương 15 Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, chương quan trọng nói về sự Phục Sinh, Thánh Phaolô dường như đang trích lại giáo lý Kitô giáo sơ khai khi Ngài viết: “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh” (1 Cor. 15:3).

Như thế ngay từ khởi thủy, trong các suy tư thần học của Giáo hội sơ khai, cái chết của Chúa Giêsu đã được liên kết với việc tha tội. Dĩ nhiên, chính Thánh Phaolô đã khai triển sâu rộng nền thần học kia, đặc biệt trong thư gửi tín hữu Rôma, trong đó, thánh nhân nhấn mạnh rằng Đức Kitô đã chết vì ta ‘ngay khi ta còn là những kẻ tội lỗi’ (Rm 5: 6-11). Rồi trong trình thuật của Thánh Matthêu về Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu tuyên bố rằng máu của Người đổ ra cho nhiều người ‘được tha tội’ (Mt 26:28).

Người Do-Thái có cảm thức sâu xa về tội, nhất là sau khi Giêrusalem bị phá hủy vào năm 587 trước công nguyên và vào thời Lưu Đầy bên Babylon. Tội có những hậu qủa đáng sợ. Người tội lỗi xúc phạm đến chính Thiên Chúa của Israel, là Đấng dựng nên vũ trụ, Chúa của lịch sử, Đấng nắm giữ mọi định mệnh con người. Xúc phạm đến Đấng Thiên Chúa ấy quả là điều đáng khiếp sợ.

Trong cộng đồng Do-Thái ở thế kỷ đầu của thời đại ta, người ta nhấn mạnh nhiều đến việc vâng lời luật Thiên Chúa như phương tiện giúp con người thoát khỏi tội lỗi. Vì tội được coi như sự vi phạm đến luật ấy. Nhưng dù hiểu tội cách nào chăng nữa, sự trầm trọng của nó cũng đã được ý thức rõ, và do đó, các giáo huấn về tha thứ và công chính hóa rất quan trọng. Người ta tuy có tranh biện về vấn đề người có tội đã được làm lành với Chúa ra sao, chứ không bao giờ tranh luận về tầm quan trọng của việc được làm lành với Người.

Dù sao, các Kitô hữu tiên khởi cũng đã nhìn thấy mối liên hệ nhân quả giữa sự chết của Chúa Giêsu và ơn tha thứ tội khiên. Thánh Phaolô đã tóm lược cái nhìn ấy thành một học thuyết trong Rom 4:25: (Chúa Giêsu) ‘đã bị trao nộp (tức đã chết) vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa cho sống lại để chúng ta được nên công chính’. Làm thế nào để giải thích thoả đáng nhất mối liên hệ nhân quả này là một vấn đề của các soạn giả Tân Ước, và sau đó của thần học Kitô giáo từ trước đến nay. Ta chỉ xin được nhắc đến hai hình ảnh trong Tân Ước đã được dùng để diễn tả điều đã xẩy ra. Hình ảnh đầu tiên là trả giá ‘chuộc’, hay mua lại, ‘cứu chuộc’. Trong các trình thuật của Phúc Âm, Chúa Giêsu nói về mình rằng Người đến để hiến mạng sống mình làm ‘giá chuộc muôn người’ (Mc 10:45). Hình ảnh này dựa trên các kinh nghiệm lịch sử của việc chuộc nô lệ hay các tù binh chiến tranh.

Một hình ảnh khác của Tân Ước là hình ảnh hy lễ. Tác giả thư Do-Thái đề cập đến một phụng vụ thiên giới trong đó Chúa Giêsu vừa là tế sĩ vừa là tế vật, không hiến tế máu chiên máu bò, mà là chính máu mình (Dt 9:25-26). Hậu cảnh của hình ảnh này rõ ràng là Đền Thờ và phụng vụ của Đền Thờ mà tác giả Thư Do Thái diễn tả tỉ mỉ trong phần đầu chương 9.

Dù các hình ảnh Tân Ước trên có thoả đáng hay không đối với chúng ta, chúng vẫn là những cố gắng do các Kitô hữu đầu tiên đưa ra để diễn tả một kinh nghiệm vốn rất quan yếu đối với họ, tức kinh nghiệm được tha thứ và hòa giải với Chúa nhờ cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Đối với họ, thật khó giải thích một cách thuận lý việc họ được tha thứ ra sao qua cách đó. Nhưng kinh nghiệm ấy là một kinh nghiệm hết sức mạnh mẽ.

2. Cứu Độ

Ta có thể gọi kinh nghiệm ấy là kinh nghiệm được cứu độ: những con người có tâm hồn tôn giáo sâu xa, vốn ý thức rõ rệt tội lỗi của mình và sự tha hóa đối với Thiên Chúa, nay bỗng thấy mình được giải thoát khỏi tội và mối dây bằng hữu với Thiên Chúa được tái lập.

Nhưng trong các bối cảnh khác, sự cứu độ có thể được cảm nghiệm cách khác hẳn. Trong các Phúc âm Nhất lãm, hạn từ ‘cứu độ’ được nhắc đến trong những câu chuyện có liên quan đến mục vụ chữa lành của Chúa Giêsu. Thí dụ, Chúa Giêsu nói với người đàn bà hoại huyết, ‘đức tin đã cứu con’ (Mc 5:34). Rồi chuyện trừ qủi nữa: đó là trường hợp người bị quỉ ám tại Gerasene, những người đưa tin cho dân làng thuật lại việc người ấy ‘đã được cứu’ (Lc 8:36) ra sao. Trong những chuyện kể ấy, không thấy nhắc đến việc tha tội. Những người trong cùng cực đã được ‘cứu’cho lành và được phục hồi lại các giác năng. Các thí dụ trên cũng không nhắc chi đến cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, người ta vẫn thấy trong đó có một cái gì liên quan đến mầu nhiệm vượt qua: trước nhất, việc Chúa Giêsu chữa bệnh và trừ quỉ là thành phần yếu tính trong sứ vụ của Người, một sứ vụ dẫn Người đến cái chết; thứ nữa, công việc quyền năng của Người là dấu hiệu chỉ Nước Chúa sắp đến, một Nước đã được sự phục sinh của Người khánh thành và đảm bảo (2).

Trong số các đoạn Cựu Ước có nhắc đến Chúa như đấng Cứu Độ, ta chỉ đơn cử một đoạn: đó là truyện Xuất Hành. Chủ đề của truyện là cuộc giải phóng dân khỏi cảnh áp bức. Đàng khác, đoạn ấy có nhắc đến ý niệm đổ máu và việc xuất hiện cuộc sống mới: máu chiên vượt qua được rẩy lên cột cửa các nhà Do-Thái (Xh 12:22); và dân tộc ấy giành được tự do và trở thành một quốc gia (xem Xh 19:5-6). Như thế ta thấy có hàm ý một chủ đề về chết và sống lại. Hơn nữa, Tân Ước liên hợp cái chết của Chúa Giêsu với lễ vượt qua. Không những vì cái chết của Người xẩy ra vào ngày lễ ấy, mà còn vì ít nhất cũng có một số đoạn Tân Ước miêu tả Chúa Giêsu như chiên vượt qua (1 Cor 5:7; Ga 19:36; và có thể cả Ga 1:29 nữa).

Trong việc miêu tả hành vi cứu độ của Thiên Chúa khi giải phóng dân Do-Thái khỏi ách nô lệ Ai-Cập, người ta không nhấn mạnh đến tội lỗi của Dân Do Thái – mặc dù việc họ lẩm bẩm kêu ca và nổi loạn trong suốt thời gian 40 năm lang thang trong sa mạc chứng tỏ trong tâm hồn họ đã có cái khả thể phạm tội rồi. Nhưng sứ điệp của Chúa ngỏ với Mô-sen trong bụi cây cho thấy Người cứu dân Do-Thái khỏi cảnh lầm than áp bức (Xh 3:7-10). Như thế, cứu độ không phải là việc tha tội cho bằng việc giải phóng khỏi ách nô lệ (3).

Khi Chúa Giêsu khởi sự sứ vụ công khai của mình tại Galilê, chủ điểm lời giảng của Người là việc Nước Chúa sắp đến (xem Mc 1:14-15). Đàng khác, Người tuyên bố rằng Nước ấy đặc biệt thuộc người nghèo và người túng thiếu (xem Lc 6:20-21). Khi còn sinh tiền, Người liên kết với những kẻ được coi là bị xã hội ruồng bỏ, và Người cho hay những kẻ bị ruồng bỏ, những viên thu thuế và tội lỗi chính là những người sẽ được vào Nước Thiên Chúa (Mt 21:31). Như thế Chúa Giêsu công bố việc cứu độ người nghèo và những người bị xã hội từ bỏ. Kết quả tối hậu của lời công bố ấy chính là cái chết của Người. Tuy nhiên chính việc Người Phục Sinh sau đó mới là một đảm bảo của Thiên Chúa cho thấy sứ vụ của người là sứ vụ chân chính. Một lần nữa, việc cứu độ được công bố ở đây, một việc có liên hệ đến cái chết và việc phục sinh của Chúa Giêsu, xem ra không chủ yếu liên quan đến việc tha tội, mà liên quan đến lời hứa cho người nghèo và người bị xã hội ruồng bỏ được chúc phúc trong tương lai.

Do đó, khi xét đến các khía cạnh cứu thế học có thể có trong các truyền thống tôn giáo Thổ Dân, ta không nên giới hạn việc xem sét ấy vào ý niệm tha tội mà thôi (4).

3. Tốt và Xấu

Thực tế có thể nói người Thổ Dân truyền thống không có ý niệm gì về tội, nếu ta hiểu tội theo nghĩa thông thường hiện nay. Ý niệm tội bao hàm nhiều điều hơn là việc phạm luật, hay bất cứ hành vi nào phá hoại cuộc sống cộng đoàn và cá nhân. Nó cũng bao hàm việc xúc phạm đến một Thiên Chúa bản vị, phá hủy mối liên hệ bản thân với Đấng Siêu Việt. Nói tóm lại nó là một hạn từ thuộc đức tin; mà đức tin ở đây là tin vào thần linh (hay các thần linh) trong liên hệ cá vị với con người. Nhưng các tôn giáo cổ truyền của Thổ Dân không bao hàm một đức tin như thế. Xem ra họ không tin một Thiên Chúa duy nhất cá vị, Đấng tạo ra muôn loài và làm chủ lịch sử. Một đức tin như thế xem ra chỉ bắt đầu có khi giao tiếp với người Âu Châu (và cũng có thể sớm hơn trong các giao tiếp với người Macassans đến từ phương Bắc) (5). Các vĩ nhân Mộng Thời trong các thần thoại tôn giáo Thổ Dân không hề có liên hệ bản thân với con người, một quan hệ mà ý niệm tội đòi phải có (6).

Tuy thế, luân lý là vấn đề hết sức quan trọng đối với người Thổ Dân, và đối với họ, trật tự luân lý bao hàm không những các mối liên hệ giữa con người với nhau, mà còn bao hàm cả sự vận hành của vũ trụ nữa; sự quyết định và các hành động của con người được xem sét trong bối cảnh vũ trụ. Nói cách khác, Lề Luật là ý niệm chính đối với người Thổ Dân, và Lề Luật không phải chỉ là việc con người nên làm hay không nên làm điều gì, mà còn bàn đến cả cái trật tự của vũ trụ nữa (7).

Trong một bài báo tựa là ‘Luân lý Truyền thống như Đã Được Phát Biểu qua Phương tiện Tôn giáo của Thổ dân tại Úc’, R. M. Berndt đã bàn luận đến nền luân lý trong truyền thống dingari, một truyền thống gồm các huyền thoại và nghi lễ của miền bắc vùng Sa Mạc Phía Tây của Tây Úc (8). Dingari là một nhóm các vĩ nhân trong Mộng Thời từng du hành qua khắp xứ sở, và các huyền thoại kể lại các kinh nghiệm của họ. Các kinh nghiệm này, về nhiều phương diện, phản ảnh cuộc sống của dân sa mạc trong vùng. Đó là một cuộc sống luôn luôn phải chiến đấu để sinh tồn. Trong những mùa tốt, mọi sự đều êm xuôi; nhưng những mùa xấu thì đầy tai ương đưa đến thảm họa. Do đó, luân lý cũng áp dụng cho môi trường bên ngoài nữa: có những mùa tốt mà cũng có những mùa xấu. Trong các liên hệ xã hội, cộng tác là tốt, mà cãi cọ, phản bội, rù quyến, sát nhân, và những điều tương tự, là xấu. Tuy thế, làm bậy thường dẫn đến thảm họa: thí dụ, tác phong phản bội thường dẫn đến cái chết thê thảm. Nhưng Berndt nhấn mạnh người ta nhìn nhận rằng ‘tốt’ và ‘xấu’, hợp luân và vô luân, thẩy đều là thành phần của cuộc sống. Chính các vĩ nhân dingari cũng có tốt có xấu. Thế giới vì thế là một pha trộn của hợp luân và vô luân, và phải được chấp nhận như thế. Đó quả là một cái nhìn hết sức thực tế và thực tiễn về cuộc sống trong thế giới này.

Vậy thì, ý niệm cứu độ hiểu như tha thứ tội khiên chẳng có ý nghĩa bao nhiêu đối với những người có thế giới quan như thế. Nhưng việc tiếp xúc với nền văn hóa khác, một nền văn hóa vừa hết sức khác biệt vừa được tôn vinh nhờ quyền lực lớn và kỹ năng kỹ thuật cao, có thể đưa lại những khai triển mau chóng đối với thế giới quan kia. Một trong những khai triển ấy có thể là việc sau cùng nhận ra rằng thế giới này không nhất thiết phải là một pha trộn tốt và xấu, nhưng có thể thay đổi căn để đến nỗi sau cùng cái tốt sẽ chiến thắng. Như vậy, người ta có thể bắt đầu hy vọng vào một tương lai cánh chung. Việc sống lại của Chúa Giêsu, ngay sau thảm kịch tử nạn của Người, có thể được nhìn như một đoan hứa và một đảm bảo cho tình thế hoàn toàn mới mẻ kia của sự vật, tức cuộc chiến thắng cuối cùng của cái tốt. Điều ấy có nghĩa là có thể có hy vọng được cứu độ nhờ sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu.

4. Cái Chết của Những Người Mamandabari

Người Thổ Dân rất tha thiết với cuộc sống; nhưng họ cũng ý thức rõ các thảm họa xẩy ra trên đời. Cả hai điểm ấy đều đã được minh họa trong huyền thoại của một sắc dân sa mạc khác, tức sắc dân Walbiri sống tại miền bắc Alice Springs (9). Đó là truyện ký Mộng Thời về hai người đàn ông Mamandabari, vốn xuất thân từ đỉnh đồi phía bắc lãnh thổ Walbiri, nhưng đã quyết định lên đường trẩy đi phương nam để truyền dạy các lễ nghi cho các dân tại đó. Về nhiều phương diện, trình thuật các kỳ công của họ cho thấy họ cũng chỉ là những người du hành bình thường: cũng đói và cũng cần kiếm lương thực, cũng mệt nhoài kiệt sức, bàn chân nứt nẻ vì cuốc bộ đường xa v.v... Tuy nhiên, họ cũng có những quyền lực siêu nhân, và có thể tạo ra cảnh trí. Họ ca ngợi đồng quê và những sinh vật gặp trên đường, như hát hò về những con galah đang ăn hạt, những con cú khổng lồ tận mắt thấy, những cây huyết gụ sừng sững, những cơn mưa buổi sáng, và những con rắn mầu thảm rực rỡ họ không dám tấn công. Cuối cùng, họ tới một địa điểm cách phía tây Alice Springs chừng 100 dặm; nhưng rồi cỏ cây càng ngày càng cao và rậm rạp hơn, khiến chân họ bị cứa thật sâu. Và cũng vì nhớ nhà nữa, nên họ tìm đường trở về. Càng gần tới nhà, họ càng kiệt lực. Tuy thế, vẫn thấy vui được gần lại quê hương, nên lại cất tiếng ca vang. Điều ấy đem lại đại họa. Vì lời ca ấy lọt tai bọn người chó rừng (dingo men), chúng bèn đuổi theo họ. Hai người đàn ông Mamandabari nghe tiếng chó hú nhưng khởi đầu chẳng mấy quan ngại; rồi khi thấy tình thế nguy ngập, họ ráng tìm đường thoát thân, bằng cách dùng sức siêu nhân bay qua không khí. Nhưng vì quá mệt mỏi, họ lại phải xuống đất và tìm đường tháo chạy. Chẳng mấy chốc bọn chó rừng đuổi kịp, xé xác họ từng mảnh. Trái tim của họ bị hất tung lên trời và khi rơi xuống đất đã trở thành hai hòn đá lớn. Bọn chó rừng lặng lẽ rút lui, nhưng hành động tàn ác của chúng đã bị con budgerigar tí hon đang đậu trên cây nhìn thấy. Con budgerigar than khóc cái chết của họ, và sau đó đi khắp xứ thuật lại sự việc đã xẩy ra.

Đại cương truyện kể của huyền thoại là như thế. Ta muốn nhấn mạnh đến bốn khía cạnh của câu truyện.

(i) Thứ nhất là việc ca tụng sự sống đã được huyền thoại diễn tả qua những nét kỳ thú của đồng quê mà hai người đàn ông đã được tận mắt thấy nơi các giống vật và hoa cỏ.

(ii) Thứ hai, hai người đàn ông lên đường chia sẻ các hiểu biết của họ nghĩa là dạy dân biết lễ nghi tôn giáo. Các lễ nghi này rất quan trọng đối với người Walbiri.

(iii) Thứ ba, cuộc hành trình của họ đã kết thúc cách bi thảm, và mặc dù cái chết của hai người xem ra chỉ là do bất hạnh, nó vẫn được coi như là hậu quả do sứ mệnh giảng dạy của họ gây ra.

(iv) Cuối cùng, ta thấy có một hàm ý đề cập đến một sự sống tiếp nối: trái tim hai người đàn ông giờ đây trở thành hai tảng đá, nghĩa là trở thành thành phần của cảnh trí (10).

Ta có nhìn ra những điểm tương tự giữa truyện này và trình thuật của Tân Ước về cuộc đời, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu không? Ta nên lưu ý rằng Chúa Giêsu là người yêu sự sống và cảnh đồng quê. Người là một bậc thầy tôn giáo, đã dùng các dụ ngôn và lời giảng dạy khác để đem sứ điệp của Thiên Chúa đến cho người ta. Hậu quả sứ vụ ấy là cái chết thê thảm. Xét theo ba khía cạnh ấy, ta thấy có những điểm song hành với huyền thoại Mamandabari. Đàng khác, các điểm tương tự trên cũng cho thấy khía cạnh cứu độ học: việc ca tụng sự sống đem lại cho con người niềm hy vọng và sự khích lệ; kiến thức tôn giáo do nó chuyên chở đưa lại ý nghĩa và giá trị cho cuộc đời: và cái chết trong cả hai trường hợp đều cho thấy cái giá phải trả khi phục vụ con người.

Tuy nhiên nếu nói đến sự sống bên kia cái chết, hình như có khác biệt lớn. Sự sống lại của Chúa Giêsu là một biến cố cánh chung, khởi đầu cho việc biến cải thế giới này, một cái gì hoàn toàn mới. Trái lại, trái tim của hai người đàn ông Mamandabari, vốn là những vĩ nhân của Mộng Thời và do đó là thành viên của thời kỳ sáng tạo ra thế giới, các trái tim ấy đã trở thành một phần của cảnh giới, nghĩa là một phần của thế giới mà ta biết ngày nay. Như thế, huyền thoại về họ quan tâm đến khởi thủy thế giới chứ không quan tâm đến sự biến cải nó thành một cái gì mới mẻ.

5. Punji như Hiến tế?

W.E.H. Stanner, một trong những nhà nhân chủng học da trắng viết về tôn giáo Thổ Dân, đã bàn một cách sâu rộng đến lễ nghi nhập môn (initiation) của người Murinbata, là sắc dân sinh sống tại khu vực Cảng Keats, thuộc Lãnh Thổ Bắc Úc (11). Nghi lễ ấy có tên là nghi lễ Punji, và là nghi lễ thứ ba trong một loạt nghi lễ các thiếu niên trong vùng phải lãnh nhận. Khi lên 16 hoặc lớn hơn, các thiếu niên này phải cảm nghiệm một buổi lễ hết sức cảm động với mục đích giúp chúng trở thành những con người hiểu biết, nghĩa là những con người có thể giao tiếp được với những huyền nhiệm sâu xa. Buổi lễ này diễn ra trong nhiều ngày và đem lại một hiệu quả dứt khóat trên các thiếu niên và cuộc sống của chúng.

Trong nghi lễ Punji, các thiếu niên được dẫn ra khỏi trại chính, và, có thể nói, bị tước mất hết nhân tính: chúng không được gọi bằng tên riêng nữa, bị lột hết áo quần và tư trang, và người ta coi chúng như những mảnh thịt thú không hơn không kém. Người ta cho chúng hay chúng sẽ bị ‘Mụ Già’ (hay ‘Bà Mẹ Muôn Người’) nuốt trửng và mửa ra và ở đỉnh cao của nghi lễ, người ta cho chúng xem biểu tượng của ‘Mụ Già’. Sau cùng, chúng được phép trở về trại mình vẽ đầy những hình tượng sặc sỡ cổ truyền. Chúng đã bước vào trạng thái mới của cuộc đời và nghi lễ ấy bảo đảm rằng các truyền thống thánh thiêng của dân Murinbata phải được truyền lại cho thế hệ sau. Đó là những nét hết sức đại cương về một nghi lễ xem ra cực kỳ phong phú, phức tạp, có tính nghệ thuật và hết sức cảm động.

Stanner làm người ta chú ý khi cho rằng nghi lễ trên có thể hiểu theo ý niệm hy tế (sacrifice). Mặc dù người Murinbata không can dự vào điều có thể gọi là các hình thức minh nhiên của hy tế tôn giáo, nhưng theo Stanner, người ta vẫn tìm thấy các yếu tố của hy tế tôn giáo trong nghi lễ Punji. Vì theo ông, hy tế tôn giáo có những diễn trình như sau: một cái gì có giá trị được tách riêng ra khỏi việc xử dụng thông thường, được hiến tế (qua sát tế hay hủy diệt), và sau đó được trả về cho người hiến tế sau khi bản chất của nó đã thay đổi, và được mọi người chia sẻ với nhau để được ơn ích. Như thế, có sự tách riêng ra, sự hiến tế qua sát tế (immolation), sự biến đổi, và sự trả về cho người dâng, để đem ích lợi lại cho họ.

Trong nghi lễ Punji, các thiếu niên được tách riêng ra, được sát tế một cách tượng trưng, được biến đổi thành những người trưởng thành, và sau đó được trả về với cộng đoàn. Ở đây, Stanner nhận ra ‘những nét tiêu biểu của hiến lễ’ (lineaments of sacrifice).

Rõ ràng ở đây ta thấy có chết và sống lại; và người ta không khỏi nhớ lại cách giải thích của Thánh Phaolô về nghi thức khai tâm Kitô giáo: trong Phép Rửa, ta chết với Chúa Kitô và được an táng với Người, để cũng như Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết thế nào, ta cũng được sống sự sống mới như thế (Rm 6:1-11). Nghĩa là có chết, có biến đổi (12). Thánh Phaolô nhấn mạnh đến việc chết cho tội và sống lại trong đời sống ơn thánh. Trong nghi lễ Punji, chết là chết cho ngu dốt và cái hời hợt của tuổi thiếu niên, và sống lại là sống cho cuộc sống hiểu biết huyền nhiệm. Cả hai trường hợp, ta đều thấy có sự biến đổi qua một lối sống mới ở đời này, một lối mới để sống cuộc sống lịch sử. Như thế, cứu độ học là ở đời này. Nhưng lẽ dĩ nhiên, Phép Rửa cũng nhìn tới một hoàn tất có tính cánh chung học trong một thế giới ở bên kia thế giới này.

6. Đức Kitô chịu thống khổ trong đất và con người

Trong cuốn Thần Học Thần Trí Cầu Vồng (Rainbow Sirit Theology), một nhóm các nhà lãnh đạo Kitô giáo Thổ dân đã làm một cuộc suy tư thần học chung quanh vấn đề thế nào là một Kitô hữu Thổ Dân? (13). Các suy nghĩ của họ đặt trọng tâm ở sự quan trọng của đất. Trong chương 4 tựa là ‘Đất và Khóc’, họ viết đầy xúc động về nỗi thống khổ của chính đất, của Thần Khí Sáng Tạo, và của người Thổ Dân, do cuộc xâm lăng của người Âu Châu tạo ra. Đó là một chương cực kỳ mạnh mẽ, diễn tả nỗi đau đớn đến hấp hối của người Thổ Dân khi thấy mảnh đất thân yêu của họ bị giầy xéo, lễ nghi và truyện ký của họ bị lãng quên, các di tích thắng cảnh của họ không duy trì được, chủ quyền đất đai bị tước hết, họ không còn quyền chăm sóc nó, đất đã mất hết khả năng sinh sôi hoa mầu và cầm thú, dòng máu Thổ Dân loang lổ và đất mất hết tính thánh thiêng, tội ác đối với tổ tiên họ bị che đậy và không được ai nhìn nhận, các hy sinh của tổ tiên họ không được ai tưởng nhớ, các liên kết giữa người và đất đã bị bẻ gẫy, gia đình tan tác, toàn tộc người Thổ Dân trở thành nô lệ cho văn hóa Phương Tây. Đó là lý do khiến cho đất, người và Thần Khí Sáng Tạo phải khóc than.

Trong chương 5 tựa là ‘Đất và Đức Kitô’ và chương 6 tựa là ‘Đất và Hòa Giải’, Đức Kitô đã được miêu tả như vị cứu tinh và giải phóng đất và tộc người Thổ Dân. Đoạn ta muốn nhấn mạnh chính là chương 6, trong đó các tác giả khẳng định rằng Đức Kitô xưa chịu đau khổ trên thập giá nay vẫn tiếp tục đau khổ với đất và người của đất.

Chính cái hình ảnh Đức Kitô như mảnh đất đang đau khổ và như tộc người Thổ Dân đang đau khổ này là điều ta muốn thảo luận bây giờ.

7. Đức Kitô Chịu Đóng Đinh

Theo nhiều người, đối với Kitô hữu Úc da trắng, tộc người Thổ dân đang đau khổ và mảnh đất bị chà đạp, băng hoại và hủy diện của họ chính là biểu thức mạnh mẽ của Đấng Kitô chịu đóng đinh. Có lẽ những thực tại ấy lập thành hình ảnh có ý nghĩa nhất về Đức Kitô trong suốt lịch sử 200 năm của Úc. Cam kết với Đức Kitô đóng đinh cũng có nghĩa là cam kết với những thực tại ấy. Và vì đức tin của ta khẳng nhận rằng theo một đường lối nhiệm mầu, ta được Đức Kitô chịu đóng đinh chữa lành cho thế nào thì người Úc da trắng cũng cần được tộc người Thổ Dân đau khổ và mảnh đất bị chà đạp của họ chữa lành cho như thế.

Nhưng đối với chính tộc người Thổ Dân, việc họ và mảnh đất của họ là Đức Kitô chịu đóng đinh ngày nay có nghĩa lý gì? Ở đây, ta, với tư cách một người Úc da trắng, ta rất ngần ngại cho ý kiến, chỉ xin góp hai gợi ý.

(i) Thứ nhất, khi Kitô hữu chịu đau khổ, họ thường được an ủi một cách mầu nhiệm khi nhìn thấy cây thánh giá. Trong họ, có những ý nghĩ đại loại như sau: Chúa Giêsu biết việc này ra sao, Người đã sống qua nó, Người là bạn đồng hành dù mọi người khác đều quay mặt ngoảnh đầu. Cây thánh giá diễn tả mạnh mẽ lòng xót thương của Chúa, và cảm nghiệm được lòng xót thương của Chúa là cảm nghiệm được sự chữa lành.

(ii) Thứ hai, một cách nghịch lý, trong đau khổ, nhất là đau khổ oan uổng, có sức mạnh phi thường hướng tới sự thiện. Dĩ nhiên, việc đóng đinh của Chúa Giêsu là thí dụ điển hình nhất. Nhưng muốn cho sự đau khổ kia thực sự có hiệu quả tốt, nó phải được tưởng nhớ và cử hành. Do đó, điều quan trọng là sự đau khổ của người Thổ dân và mảnh đất của họ phải được tưởng niệm luôn luôn, để cái sức mạnh chữa lành đầy huyền nhiệm của nó đem lại sự hoà giải cho đất nước ta. Nói theo Isaia 53:5, chính qua sự đau khổ của người Thổ Dân, khi sự đau khổ ấy được nhìn nhận và cử hành, toàn bộ đất nước này sẽ được hàn gắn chữa lành. Việc chữa lành, hoà giải này sẽ đem lại phúc lành cho người Úc cả Thổ Dân lẫn không Thổ Dân.

8. Sống Lại

Sau cùng, có sống lại – và chỉ dưới ánh sáng của sự sống lại, ta mới tin vào sức mạnh chữa lành của cây thánh giá. Sống lại là một đạo lý khó chấp nhận. Trong dân Do Thái, phái Sa-đốc không tin đạo lý ấy (xem Mc 12:18). Theo Công Vụ chương 17, các triết gia thông thái của Athens kiên nhẫn chăm chú nghe Thánh Phaolô thuyết giảng, đến khi ngài nhắc đến việc Chúa Giêsu sống lại, thì họ cười nhạo ngài. Cho nên không lạ nếu ta thấy người Thổ Dân tỏ ra khó tin đạo lý này.

Thực sự ra, đạo lý ấy khá ngược lại thế giới quan của họ. Sống lại là một biến cố cánh chung học, khởi sự một tình trạng mới mẻ cho gia đình nhân loại. Sự sống lại của Chúa Kitô đảm bảo sự sống lại của ta (1 Cor, 15). Kitô hữu mong chờ trong hy vọng việc xuất hiện một thế giới mới (Rm 8:18-25). Ngược lại, tư tưởng truyền thống của Thổ Dân chú trọng đến Mộng Thời (Dream Time); và các huyền thoại thuật lại thế giới như ta thấy bây giờ đã được làm nên ra sao, qua các sinh hoạt của các vĩ nhân. Tư tưởng Thổ Dân như thế có thể gọi là sáng thế luận (protological), hơn là thế mạt luận. Thế giới phải được bảo tồn trong trạng thái hiện nay, bởi vì trạng thái ấy đã được thiết lập một lần cho mãi mãi từ buổi Mộng Thời muôn thuở.

Tuy nhiên, cuộc xâm lăng của người Âu Châu đã gần như xé nát thế giới quan ấy rồi. Ngày nay, thế giới của phần đông người Thổ Dân đã khác xa thế giới của cha ông họ cách nay hai thế kỷ. Ở đây ta thấy một thách đố lớn lao đối với văn hóa Thổ Dân: giáp mặt với cơn khủng hoảng về tình thế mới này, và làm thế bằng cách phát triển thế giới quan truyền thống, hơn là bỏ rơi nó để chấp nhận thế giới quan rất khác biệt của kẻ xâm lăng. (Ta nhớ lại thách đố của những người lưu đầy Do-Thái xưa bên Babylon vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên: họ đã khai triển được những quan điểm thần học để đương đầu được một tình thế hoàn toàn mới lạ). Lịch sử của Chúa Giêsu có thể giúp người Thổ Dân trong vấn đề này: Người là đấng yêu đời, đã bị đóng đinh, và sống lại, như thế khai mở một cái gì hoàn toàn mới. Việc sống lại của Người đem lại hy vọng cho tương lai thế giới. 9. Một Cứu Độ Học Thổ Dân? Ở đầu bài viết này, ta đã trích dẫn công thức cứu độ học buổi đầu của Kitô giáo từng được Thánh Phaolô xử dụng khi viết cho tín hữu Côrintô: ‘Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta’. Hiển nhiên công thức này, dù phản ảnh kinh nghiệm và nhu cầu của các Kitô hữu thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, vẫn là điều thiết thân đối với các Kitô hữu mọi thời, ít nhất cũng một cách nào đó.

Dĩ nhiên, người Thổ Dân dù trước hay sau thời bị xâm lăng cũng đều được bao gồm trong lời khẳng định tổng quát của Thánh Phaolô về tình trạng có tội của toàn thể gia đình nhân loại: ‘Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa’ (Rm 3:23). Quả không đúng khi cho rằng người Thổ Dân trước năm 1988 sống một đời sống trong trắng vô tội. Nhưng dù lúc đó tình trạng có tội của họ được diễn tả dưới hình thức nào đi chăng nữa, thì cuộc diện cũng đã thay đổi một cách căn để từ ngày người Âu Châu đặt chân đến đây. Xã hội Thổ Dân bị phá vỡ ồ ạt đưa đến nhiều tác phong hủy hoại. Trong những hoàn cảnh như vậy, cây thánh giá, vốn vừa nói lên thực tại tội lỗi vừa miêu tả sự chắc chắn được tha thứ, quả mang đầy ý nghĩa và ủi an sâu xa.

Nhưng như ta đã nói, tha thứ tội lỗi chỉ là một trong những khía cạnh của cứu độ học Kitô giáo. Các khía cạnh khác của cứu độ học cũng đã được Kinh thánh đề cập đến, như giải phóng khỏi áp bức, chữa lành tật bệnh, loan báo tin vui cho người nghèo. Như vậy làm thế nào để đưa ra được một cứu độ học vừa hòa hợp được với các truyền thống tôn giáo Thổ Dân, vừa phản ảnh được tình thế người Kitô hữu Thổ Dân ngày nay? Xin mạo muội đưa ra một số gợi ý sau đây: Chúa Giêsu, vị Vĩ Nhân Tối Cao của Mộng Thời, đã chia sẻ với ta lòng khát sống đến tròn đầy của Người, nhưng là sống trong khuôn khổ những giới hạn của một thế giới do chính Người tạo nên. Bằng lời và gương sáng, Người dạy ta phải sống cuộc sống nhân bản ra sao. Người chữa lành và đem hy vọng lại cho người đương thời của Người. Người hưởng đủ mùi hân hoan và sầu khổ, và đã chết trong đau đớn và nhục nhã chỉ vì trung thành với cái nhìn của mình. Người đồng nhất với ta trong yếu đuối và thất bại, và đảm bảo với ta rằng mọi tội lỗi của ta đều được tha thứ. Việc chịu đóng đinh của Người cho thấy rõ cái ghê gớm của tội lỗi con người và sự vô lường của tình yêu và tha thứ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu chịu đóng đinh dạy ta rằng sầu khổ và chết chóc không phải là vô ích, nhưng mang đầy ý nghĩa và là nguồn suối sự sống mới. Người chỗi dậy từ cõi chết và cho ta hy vọng về một thế giới mới, một thế giới trong đó công lý và tình thương sẽ trổi vượt. Người đang sống trên đất nước và giữa đồng bào ta, và trong việc ta cử hành về Người.

Chú thích:

1. Đăng trong Austtralasian Catholic Record tháng 4 năm 1998, pp. 184-194: ‘Christology and Aboriginal Religious Traditions’

2. Có người đã chỉ cho ta hay trong Phúc Âm Thứ Tư rõ ràng có sự liên hệ giữa việc Lagiarô sống lại với quyết định bắt giam Chúa Giêsu (Ga 11:45-55).

3. Dĩ nhiên, trong bối cảnh Cựu Ước, việc cứu độ của Chúa có bao hàm ơn tha tội (xem Tv 51 {50}).

4. Quả thật một số đoạn trong Phúc Âm có trình bầy Chúa Giêsu kêu gọi người ta sám hối như Mc 1:15; Mt 11:20-24. Nhưng thử hỏi liệu lời kêu gọi ấy có nhằm nói với người nghèo và bất hạnh trong xã hội của Người hay không? Nếu Chúa Giêsu đã từng đòi hỏi ‘các viên thu thuế và người tội lỗi’ phải lập tức và căn để thay đổi lối sống của họ, thì phe Biệt phái đâu còn căn bản để chỉ trích việc Người liên kết với họ (xem Lc 15:1-2). Đàng khác, trong dụ ngôn, người nghèo khó Lagiarô, sau khi chết, được ngồi vào lòng Abraham cho thấy anh ta được tưởng thưởng vì những việc tốt đã thực hiện – chỉ do vì anh ta nghèo và bị từ bỏ (Lc 16:19-31). Như thế, rõ ràng sám hối chưa chắc đã là chủ đề biệt loại trong giáo huấn của Chúa Giêsu – ít nhất là trong giáo huấn của Người đối với người nghèo và người bị ruồng bỏ. Điều ấy không có nghĩa là Chúa Giêsu không quan tâm đến đức hạnh con người; Người dứt khóat là một bậc thầy về luân lý. Tuy nhiên trong lời Người giảng dạy những kẻ bất hạnh, xem ra Người chỉ muốn nhấn mạnh đến việc hứa hẹn Nước Trời hơn là đến việc kêu gọi sám hối.

5. Ở đây ta theo quan điểm của Tony Swain trong cuốn sách của ông tựa là A Place for Strangers (Cambridge Univ. Press, 1993). Xem các trang 128-9 và 189. Theo Swain, không có vấn đề người Thổ Dân thụ động chấp nhận các ý niệm tôn giáo từ bên ngoài, trái lại họ đã và đang cố gắng tích cực thích ứng thế giới quan của họ vào các tình huống mới.

6. Nữ tu Margaret Hill, IBVM, đã gợi ý cho ta một cách khác để có thể hiểu quan niệm của Thổ Dân về tội như một sự xúc phạm. Thế giới như ta biết ngày nay, với thung lũng và đồi nương, sông ngòi và đất đá, đã được tạo dựng trong Mộng Thời, qua hành động tạo dựng của các vĩ nhân Mộng Thời. Không bảo tồn trái đất theo cách nó đã được khuôn định bởi các Vĩ Nhân Mộng Thời – thậm chí còn làm cho các nét thanh tú của nó ra què quặt – phải được hiểu là hành vi xúc phạm đến chính Mộng Thời. Và Mộng Thời không vô bản vị; đúng ra, Mộng Thời bao gồm các hành động của các Vĩ Nhân của nó. Hiểu như thế, người ta có thể nói đến một thứ ‘tội xúc phạm đến trái đất’ (earth-sin): cả theo nghĩa bỏ sót (omission) qua việc con người lãng quên không chăm sóc trái đất lẫn theo nghĩa gia phạm (commission) qua hành động phá hủy của họ. Một quan niệm về ‘tội xúc phạm đến trái đất’ như thế quả hết sức nhất quán với tầm quan trọng lớn lao của đất đối với người Thổ Dân.

7. Deborah Bird Rose, trong bài báo tựa là ‘The Saga of Captain Cook: Morality in Aboriginal and European Law’ (Australian Aboriginal Studies, 1984, số 2, các trang 24-39), đã giải thích rất hay về điều bà gọi là ‘bốn nguyên tắc’ tạo thành căn bản cho luân lý học của sắc dân Yarralin vùng Bắc Úc. Bốn nguyên tắc đó là: cân bằng, cân đối, tự lập và đáp ứng. Những nguyên tắc này chính là những nguyên tắc vũ trụ (thí dụ chúng cũng đúng cho cả nắng lẫn mưa), và nếu những nguyên tắc ấy được tuân theo, thì vũ trụ chắc chắn được bảo tồn. Mục tiêu tối hậu của toàn bộ hệ thống vũ trụ là chắt chiu chăm sóc sự sống.

8. In trong R.M. Berndt (chủ biên) Australian Aboriginal Anthropology, Nedlands, University of W.A. Press, 1970, các trang 216-47; in lại có sửa chữa trong M. Charlesworth và những người khác (chủ biên) Religion in Aboriginal Australia, University of Queensland Press, 1984, các trang 174-211. Cũng nên xem bài của R.M. Berndt ‘A Profile of Good and Bad in Australian Aboriginal Religion’ trong Colloquium, Bộ 12, 1979, các trang 17-32.

9. Xem M.F. Meggitt, ‘Gadjari among the Walbiri Aborigines of Central Australia’, Oceania, Chuyên Khảo Số 14, University of Sydney, 1966, đặc biệt các trang 5-22. Cũng nên xem M.J. Meggitt, Desert People, University of Chicago Press, 1962. 10. Cha Robin Koning S.J., người đã làm việc ít năm tại Wirrumanu (Balgo) phía Đông Kimberleys, đã giúp rất nhiều trong việc chuẩn bị viết bài này, và đặc biệt trong phần này. Trong bối cảnh so sánh giữa huyền thoại này và trình thuật của Phúc Âm về Chúa Giêsu, ngài cũng còn nhận xét rằng hai người đàn ông Mamandabari, một cách nào đó, vừa là thường nhân vừa là ‘siêu nhân’.

11. Xem W.E.H. Stanner, On Aboriginal Religion, Oceania, Chuyên khảo 36, University of Sydney, 1989, nhất là chương 1, ‘The Lineaments of Sacrifice’.

12. Ít năm trước đây, có một chương trình truyền hình do Đài SBS chiếu, tựa là ‘Mission Accomplished?’, về các xứ bộ truyền giáo của Kitô giáo nơi người Thổ Dân. Chương trình đó có chiếu một phần về nghi lễ rửa tội của Công giáo do Phó tế Boniface Perdjert cử hành tại Cảng Keats, Bắc Úc. Cha John Leary MSC giải thích nghi lễ ấy như một cố gắng ‘bản vị hóa’ (hội nhập văn hóa) bí tích Kitô giáo, dựa trên nghi thức khai tâm thanh thiếu niên của người Thổ Dân.

13. Harper Collins, Religions, Melbourne, 1997.

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 14.07.2008. 09:18