Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Người Công giáo Philippines tắt các thiết bị điện và lần hạt cầu cho ‘Mẹ Trái đất’

§ UCAN

THÀNH PHỐ LAOAG, Philippines (UCAN 31-3-2008) – Người Công giáo Philippines tham gia “Giờ Trái đất”, chương trình kêu gọi thế giới nhận thức về tình trạng trái đất ấm lên, bằng cách tắt các thiết bị điện và cùng nhau cầu nguyện vào tối 29-3.

Pauline Luis của Baranggay 23 thuộc thành phố Laoag, tỉnh Ilocos Norte, nói với UCA News rằng tối hôm đó chị đứng chờ các thành viên bạn thuộc các hội đồng giáo xứ của giáo phận Laoag bên ngoài nhà thờ Chính tòa Thánh William, cách Manila 340 km về phía bắc. Họ dự định lần hạt trước nhà thờ trong khi tắt tất cả đèn bên trong và xung quanh nhà thờ để hưởng ứng Giờ Trái đất, từ lúc 8-9 giờ tối.

Chị nói họ lần hạt trong bóng tối nhằm bày tỏ “mối quan tâm sâu sắc về môi trường”, đặc biệt là việc nhiệt độ trong thành phố tăng đến mức “báo động”.

Chị kể trước đây người ta có thể đi dạo trong thành phố mà không cần đội mũ hay che dù, “nhưng nay mọi người đều phải bịt kín để tránh nắng nóng”.

Quỹ Quốc tế Bảo tồn động vật hoang dã (WWF) Úc phát động Giờ Trái đất ở Úc hôm 31-3-2007, theo tin cho biết có khoảng 2,2 triệu người và 2.100 doanh nghiệp ở Sydney đã tắt điện một giờ vào hôm đó. Theo website của Giờ Trái đất việc làm này đã làm cho sức tiêu thụ năng lượng của thành phố giảm đi 10,2% trong thời gian đó.

Năm nay, các nhà tổ chức đã kêu gọi các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trên toàn thế giới tắt điện từ lúc 8-9 giờ tối ngày 29-3 để tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải nhà kính. Hoạt động này còn nhắm nâng cao nhận thức của công chúng về hiệu suất điện năng.

Người đứng đầu WWF-Úc là Greg Bourne phát biểu với hãng thông tấn Agence France-Presse rằng “hơn hàng chục triệu” người đã tắt các thiết bị điện trong Giờ Trái đất năm nay, làm cho các thành phố, thị xã và nhà cửa chìm trong bóng tối.

Trong thông điệp Phục sinh, Đức Hồng y Gaudencio Rosales của Manila đã thúc giục người Công giáo tham gia cuộc vận động này khi ngài kêu gọi họ “sám hối” về “những tội lỗi liên quan đến sinh thái”.

Ngài viết: “Hôm nay chúng ta khởi hành một cuộc hành trình hy vọng cho trái đất chúng ta, vốn bị con người tàn phá và khai thác. Trong khi vẫn còn kịp, hãy làm một việc gì đó để đảo ngược xu hướng tàn phá mà cuộc sống hiện đại và tính ích kỷ của con người gây ra cho môi trường”.

Ngài thông báo tổng giáo phận Manila sẽ tắt các thiết bị điện trong giờ đó, “hy vọng trong giờ ‘tối tăm’ đó và qua việc ‘cúp điện’ chúng ta có thể được Thiên Chúa kết hiệp và soi sáng”.

Ngài thúc giục người dân cầu nguyện trong giờ đó. “Chúng ta có thể tập trung gia đình lại trong phòng khách và cùng nhau lần hạt, nhớ dâng lời cầu nguyện cho Mẹ Trái đất thân yêu, và dâng hy sinh để đổi mới và bảo vệ trái đất”.

Các nơi khác trong các tỉnh miền trung Philippines là Iloilo và Guimaras, thuộc tổng giáo phận Jaro, cũng tắt điện.

Đức Tổng Giám mục Angel Lagdameo của Jaro tuyên bố: “Chúng ta tham gia để hưởng ứng vấn đề không chỉ Philippines mà cả thế giới đang gặp phải”. Theo quan điểm Giáo hội, ngài nói, tình trạng trái đất nóng lên có liên quan đến tính tham lam và sự thiếu quan tâm của con người đối với mọi loài thụ tạo do Thiên Chúa tạo dựng. Kết quả là các vùng quanh các khu rừng bị khai thác “lậu” và những vùng khai thác mỏ “vô trách nhiệm” phải chịu cảnh lụt lội và “các thiên tai” khác.

Ở Laoag, người ta còn kỷ niệm Giờ Trái đất tại nhà. Khi bóng tối bao phủ căn nhà của Victoria Dominogo, bà và gia đình đi ra ngoài và nhìn lên bầu trời thay vì ngồi trong nhà “xem chương trình truyền hình ưa thích”.

Trong thị xã Piddig gần đó, Jennifer Custurio, 27 tuổi, đã tắt tất cả các bóng đèn, quạt điện và tủ lạnh trong nhà. Tự quạt trong lúc trời nóng, chị nói với UCA News rằng tiết kiệm điện cũng là cách giúp người khác tiết kiệm tiền.

WWF khẳng định có năm triệu thành viên ở 100 quốc gia đang làm việc để “bảo vệ tính đa dạng và phong phú của sự sống trên trái đất và sức khỏe của các hệ sinh thái”. WWF đặt trụ sở tại Mỹ, quốc gia có mức tiêu thụ điện lớn nhất với 3.717 tỷ kilôoat giờ (kwh) một năm, theo World Fact Book tháng 1-2007 của Cơ quan tình báo trung ương của Mỹ.

Theo danh sách này thì Trung Quốc là nước tiêu thụ điện nhiều thứ hai, sau đó là Nhật. Ấn Độ đứng thứ năm trong danh sách, với 587,9 tỷ kwh.

Tại Philippines, số liệu thống kê của chính phủ ước tính khoảng 56,5 tỷ kwh điện được tiêu thụ trong năm 2005.

UCAN

Đọc nhiều nhất Bản in 06.04.2008. 01:22