Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Người Công giáo đang đi vào Net

§ Trần Mạnh Trác

Các tờ báo Công giáo cổ điển đang biến dạng để xuất hiện trên Net. Tờ báo của Tổng Giáo Phận Boston, The Pilot, có từ thế kỷ 19, bắt đầu từ ngày 6 tháng 8 sẽ xuất hiện trên Amazon Kindle thông qua ứng dụng iPhone. Trong tương lai sẽ có các phiên bản cho các lọai điện thoại BlackBerry và Android và chắc chắn là cả Apple iPad nữa. Đây là tờ báo Công Giáo Mỹ đầu tiên có phiên bản điện tóan.

Các phiên bản trên Kindle sẽ có nội dung rút ra từ bản in, bao gồm tin tức Công giáo địa phương, quốc gia và quốc tế, có lịch Công giáo cho các sự kiện địa phương và một trang ý kiến bạn đọc. Tuy nhiên, giống như các tờ báo khác ở mạng Kindle, nó sẽ không có quảng cáo và một số hình ảnh.

Trong dịp này Đức Hồng Y Sean P. O'Malley đưa ra lời tuyên bố: "Tôi luôn luôn cảm thấy rằng điều quan trọng là giáo hội có thể mang thông điệp của mình cho mọi người bất cứ nơi nào. Ngày nay, đặc biệt với giới trẻ, là ngày của các thiết bị di động. Là một người cũng sử dụng Kindle, tôi cũng mong đọc báo Pilot mỗi tuần."

Các thiết bị di động nhỏ bé càng ngày càng đóng một vai trò quan trọng trên lãnh địa Net.

Chỉ cách đây ít lâu, người ta còn sử dụng các ứng dụng hội thọai (teleconference) trên máy điện tóan để tập họp và trò chuyện. Những ứng dụng như vậy cần có một mạng lưới mạnh và nhanh, thường là một hệ thống truyền qua dây. Nhưng với những kỹ thuật mới như wi fi (hệ thống Net không giây) và sự ưa chuộng các dạng truyền thông mới như Texting (nhắn tin), Blog (ký sự trên mạng), chủ yếu là những đọan văn ngắn gọn, ý tưởng đã có thể truyền đạt trực tuyến qua các máy di động và cả máy điện thọai cầm tay.

Và hình như người Công Giáo đang tiến trước trong lãnh vực này.

Theo một nghiên cứu năm 2008 của cơ quan Barna Group, các Kitô hữu và những người ngọai đều có một mức độ tương tự trong việc sử dụng và tham gia Internet. Tuy nhiên người Kitô hữu thích download âm nhạc, và khoảng một phần tư có đăng ký với một podcast tôn giáo (podcast: hệ thống bích báo trên mạng).

CathHack.jpg

Từ phòng ngủ của mình, anh Joe McClane chạy trang web nổi tiếng của anh, www.catholichack.com (mạng Công giáo phá phách).

Khi anh ta tạo ra mạng này vào năm 2002, thì nó chỉ là một số ít trang Công giáo dùng podcast. Anh tâm sự: "Hầu hết mọi người nghĩ rằng một blog hoặc một podcast không phù hợp cho việc chia sẻ đức tin. Nhưng tôi muốn chứng minh là mọi sự đều có thể.. Nghĩa là, nếu một tay chuyên phá phách trên mạng như tôi mà còn có thể làm điều đó... thì ai cũng có thể làm được, phải không?"

Sau khi trở lại đạo Công giáo vào năm 2002, Joe McClane muốn công bố đức tin của mình lên mạng, do đó, anh thành lập www.catholichack.com, để đăng những cảm nghĩ về giáo lý của anh dưới hình thức blog và podcast. Mỗi tuần, từ một bãi đậu xe ở The Woodlands, Texas, anh sáng tác và đăng một trang podcast lên mạng.

"Chiếc xe Minivan của tôi đã trở thành một studio di động podcasting trong giờ ăn trưa, để chia sẻ đức tin của một Giáo Hội Công giáo thánh thiện và tông truyền với bất cứ ai muốn lắng nghe," anh nói.

Vào thời điểm đó thế giới trực tuyến hấu như không có dấu tích tôn giáo. Nhưng với sự phổ biến của những dạng truyền thông mới và sự khuyến khích của giáo hội về việc dùng Internet để vinh danh Thiên Chúa, đã tạo ra một địa hạt truyền thông công giáo mới và đã phát triển mạnh mẽ.

Anh McClane qủa quyết: "Hôm nay, cũng giống như những người truyền giáo ngày xưa được gửi sang Tân Thế Giới, chúng ta đang được gửi vào một lục địa kỹ thuật để truyền giáo như lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng John Paul II ", anh McClane bây giờ là điều phối viên cho phong trào Fullness of Truth Catholic Evangelization Ministries ở Houston (Đạt đến Sung Mãn trong Chân Lý Công Giáo).

Những mạng lưới Công Giáo, gồm blog, podcasters và videographers (ký sự, bích báo, phim ảnh) - có trang được hàng triệu người truy cập, đã tổ chức thành nhiều cộng đồng trực tuyến, để khuyến khích nâng đỡ nhau và chia sẻ giáo lý với những người ngòai giáo hội.

Trước những biến cố linh mục lạm dụng tình dục trẻ em hoặc trước một lập trường cứng cỏi của giáo hội về các vấn đề xã hội như phá thai và hôn nhân đồng tính, người dân Mỹ thường nhanh chóng chĩa mũi dùi vào người Công giáo. Những phương tiện truyền thông mới này cung cấp một diễn đàn cởi mở cho việc đối thoại và giải quyết những hiểu lầm về giáo hội.

"Khi bạn có thể giải thích và trình bày bối cảnh của sự việc, thì họ hiểu, và họ muốn biết thêm", anh Rocco Palmo cho biết, anh cũng là một người có trang blog tên là Whispers in the Loggia, chuyên đăng tin của giáo hội. Người thanh niên Philadelphia 27 tuổi này đã có hơn 15 triệu truy cập kể từ khi Whispers bắt đầu năm 2004. Mục đích của anh: để làm sáng tỏ những hiểu lầm và cung cấp tin tức có chiều sâu của giáo hội.

CatholicCon.jpg

Thêm một bằng chứng cho thấy các giáo xứ Công giáo đang bắt đầu gia nhập vào Net: Houston sẽ tổ chức lần thứ nhất một cuộc hội thảo tên là CatholiCon vào mùa hè tới, sẽ có hàng trăm linh mục tay cầm iPhone với hàng trăm blogger và chuyên gia từ các giáo xứ đến để bàn về đề tài làm thế nào để truyền đạt trực tuyến thông điệp của phúc âm.

Cuộc hội thảo ba ngày, có mục đích là để đào tạo giáo sĩ và giáo dân về cách sử dụng kỹ thuật truyền thông cho việc truyền giáo, được đề ra bởi nhóm Catholic Underground (Công giáo thầm lặng), là một nhóm bốn người đã cùng học tại chủng viện Louisiana và đã quyết định podcast hàng ngày để thảo luận về các vấn đề của giáo hội. Hai người trong số họ đã là linh mục, đó là các Cha Chris Decker và Ryan Humphries, và hai người bây giờ là giáo dân, Daniel Kedinger và Joshua LeBlanc.

Theo anh LeBlanc: "Đây là bằng chứng có những giáo dân biết rất nhiều về giáo hội, và chúng tôi cũng cố gắng cho thấy rằng, có nhiều linh mục cũng biết sử dụng kỹ thuật Net, và họ cũng biết podcast. Chúng tôi cố gắng để lảm một nhịp cầu giữa giáo sĩ và giáo dân. "

Hội Đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ cũng gia tăng nỗ lực cập nhật hóa mạng lưới để kết nối trực tuyến với người Công giáo và gần đây đã thuê một chuyên gia về phương tiện truyền thông xã hội để điều hành mạng Twitter và cho những nỗ lực tiếp cận khác.

"Những phương tiện truyền thông xã hội khuyến khích những giáo dân tham gia.... Chúng ta có một lớp giáo dân rất là am hiểu", Sơ Mary Ann Walsh, phát ngôn viên HĐGM, cho biết. "Có một trang web rất quan trọng đối với giới trẻ là Busted Halo. Trang web này đã thực sự đưa giáo hội vào chốn thị trường.."

Busted Halo là một trang web văn hóa, gồm có một chương trình radio nổi tiếng tên là Sirius/XM radio show do linh mục Dave Dwyer dòng thánh Phaolô chủ trương.

Dùng blog và video trên web, Cha Dwyer trình bày những khía cạnh đức tin có liên quan với thế giới xung quanh như: phim ảnh, thể thao, thực phẩm, tình cảm, vấn đề xã hội và chính trị.

"Đó là một cuộc nói chuyện với những đề tài khá rộng rãi", theo ông Bill McGarvey, biên tập viên của trang web. "Nếu bạn muốn nói chuyện với mọi người, thì bạn phải biết sống với điều mà họ đang sống."

Cách tiếp cận của McGarvey phản ánh cách thức truyền giáo của dòng thánh Phaolo. Nghĩa là biết được những uyển chuyển của cách sống đức tin của người dân và tìm tới được những người còn đi tìm chân lý cũng như tới được những giáo dân công giáo đã không còn thuốc chữa nữa.

"Giữa một người và cái máy tính của họ có một không gian gần gũi nào đó mà chúng ta không thấy trong những chương trình phát thanh hay truyền hình. Nó làm cho người ấy thoải mái và muốn bọc lộ", theo lời anh Palmo, của trang Whispers in the Loggia.

Ngay cả Đức Giáo hoàng Benedict cũng nhận ra có điều đặc biệt gì đó trong Net.

"Cộng đồng Giáo Hội đã luôn luôn sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để giao tiếp, tham gia với xã hội, và, ngày càng, để khuyến khích đối thoại ở mức độ rộng hơn. Tuy nhiên, gần đây sự tăng trưởng và tác động xã hội lớn lao của các phương tiện truyền thông làm cho chúng trở thành thiết yếu trong vấn đề mục vụ của các linh mục", ngài đã nói trong bài diễn văn vinh danh thế giới truyền thông nhân ngày đầu năm.

Nhận xét của ngài là một phê chuẩn cho các sáng tạo trực tuyến của hàng ngàn người Công giáo.

Như việc bà Meredith Gould thành lập The Virtual Abbey (Nhà Dòng Ảo), một cộng đồng trực tuyến tập trung vào việc cầu nguyện hàng ngày. Cứ hai buổi sáng chiều, họ gửi cho nhau những lời cầu nguyện trên mạng Twitter cho khoảng 2.200 thành viên và có hàng trăm người khác cũng truy cập đến những đọan kinh cũ của họ.

"Nếu chỉ có một người đã được an ủi bởi vì cô ấy hay anh ấy có thể cầu nguyện qua trung gian của chúng tôi, thì chúng tôi xem là mục đích của cộng đồng đã thành đạt", theo lời bà Gould, được coi như là "mẹ bề trên 'ảo'" của nhóm. Tham dự vào nhóm còn có nhiều giáo sĩ, nhiều đòan trưởng và nhiều thành phần tôn giáo khác nhau.

Bà Gould, một tiến sĩ khảo cứu xã hội học, nói thêm: "Tôi nghĩ rằng chúng ta đang làm tất cả những gì có thể trên một mô hình của một cộng đồng Kitô giáo trong thế giới ảo. Mạng Second Life thì có nhà thờ và nhà nguyện, mạng tworship # hashtag thì có lễ Chủ nhật. Tôi thấy nhiều cộng đồng đáng tin cậy đã được tạo ra và được duy trì. Theo nhận xét của tôi thì những cộng đồng ảo này đã có nhiều mức độ cảm thông và tình thương mà nhiều khi còn có thiếu sót trong các cộng đồng chính thức của giáo hội."

Trần Mạnh Trác

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 06.08.2010. 19:07