Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Phản ứng từ Anh Quốc

§ Vũ Văn An

Sophie Caldecott là một sinh viên Văn Chương Anh tại Đại Học Durham. Cô tham dự WYD theo nhóm hành hương của Nhà Nguyện Oxford. Bài cảm nhận của cô sau đây được đăng trên tờ The Catholic Herald bên Anh và tạp chí Second Spring do Trường Cao Đẳng Nghệ Thuật Thomas Moore ấn hành.

Hai tuần trước đây, hơn 223,000 người Công Giáo tụ tập nhau tại Sydney để cử hành niềm tin chung của họ trong một biến cố lớn nhất xưa nay tại Úc, tức Ngày Giới Trẻ Thế Giới (WYD).

80720FinalMass21.jpg

WYD 2008

Bất chấp sự kiện hầu như ngõ ngách nào của thế giới cũng cử đại biểu tới tham dự biến cố hết sức năng động này, bất chấp bầu không khí hết sức phấn chấn, đầy năng lực và yêu thương, và bất chấp những buổi thuyết trình đầy thích thú, giới truyền thông Anh lại chỉ chú tâm tới một nhóm phản đối tương đối hết sức nhỏ nhoi, nhóm người hết sức cố gắng trong việc gióng lên lời phản đối của họ đối với Giáo Hội Công Giáo.

Góc độ mà giới truyền thông ấy xoay quanh xem ra hết sức phi lý đối với những ai có mặt tại nơi, hòa mình vào ca hát nhẩy múa trong một đám đông muôn mầu muôn sắc. Và họ không phải là bất cứ đám đông nào, những đám đông mà ở nơi khác và vì những lý do khác người trẻ của thế giới thường tụ họp nhau để say sưa hay ma túy, ở đây họ tụ họp nhau trong một phong cách ân cần và thân hữu đối với nhau, đầy hân hoan, phấn chấn và không chỉ nghĩ về mình. Rõ ràng họ là một cái gì khác, một cái gì hết sức độc đáo và hấp dẫn mà giới truyền thông kia đã thất bại không nắm bắt được, một cái gì chẳng ăn uống chi với những người phản đối.

Những người phản đối muốn sự hiện diện của mình được người ta nhận ra chung quanh các biến cố của Ngày Giới Trẻ Thế Giới có thể chia thành các nhóm chính sau đây: các đại biểu của cộng đồng đồng tính luyến ái, những người nổi giận vì các trường hợp lạm dụng tình dục trong Giáo Hội, những người vô thần cố gắng ‘giáo dục các tín hữu ngu dốt’, những người Thệ Phản vốn tin rằng Giáo Hội Công Giáo là ‘con điếm Babylon’ và những người tin rằng áo mưa là giải pháp duy nhất chống bệnh AIDS.

80716youth.jpg

WYD 2008

Kiến thức hời hợt của một số người phản đối đang trương biểu ngữ và đứng ngắm các thanh thiếu niên Công Giáo diễn hành qua kia có lẽ không thể đoán ra phản ứng của đám đông này, nhưng rõ ràng họ sẵn sàng chờ đợi phản ứng tệ. Ấy thế nhưng, thay vì nhục mạ, những người mang cờ Cầu Vồng với hàng chữ “Đồng tính, Tự do, Hạnh phúc” lại nhận được những cái vẫy tay hoan hô và mỉm cười rạng rỡ, trong khi không thiếu người cho rằng những người phản đối đang trương các biểu ngữ với hàng chữ “Hãy nghĩ kỹ: Đừng làm Đoàn Cừu” thực sự là người Công Giáo, và là một thành phần của quần chúng WYD.

Phải một lúc lâu chúng tôi mới nhận ra những tờ truyền đơn người ta trao tận tay khi chúng tôi vừa bước ra khỏi một trạm xe lửa, những tờ truyền đơn nói rằng ta được ơn thánh Chúa cứu độ, chứ không nhờ việc làm tốt, thực ra không phải của anh em Công Giáo đồng đạo mà là của anh em Baptist, những người quan tâm tới linh hồn chúng tôi.

80716barangaroo10.jpg

WYD 2008

Ngược với sự dự đóan của quảng đại quần chúng và có lẽ của những người ban hành các khoản luật về “quấy rầy” (annoyance), rất nhiều bạn trẻ tham dự WYD thích có dịp được thảo luận cách thân hữu với những người gặp trên hè phố vốn hiểu sai lạc về Giáo Hội Công Giáo và các giáo huấn của Giáo Hội này.

Chúng tôi rất muốn có nhiều thì giờ hơn để nói truyện với các người phản đối, hòng đề cập tới gốc rễ sự tức giận của họ và chia sẻ với họ quan điểm của chúng tôi. Bất hạnh thay, thu gọn ý kiến vào một khẩu hiệu trên áo thung hay một biểu ngữ ít khi có thể là phương thế thích đáng để nói lên một ý kiến.

Trong suốt tuần WYD, một diễn giả, ông Christopher West, đã trình bầy một loạt bài về Nền Thần Học Thân Xác của Đức Gioan Phaolô II. Khi lắng nghe ông, chúng tôi không thể cầm được nước mắt, mong sao những người chỉ trích Giáo Hội nghe được giáo huấn này.

Giáo huấn này không phải là một mớ luật lệ độc đoán, có tính áp chế như phần lớn người ta hay nghĩ. Nó là giáo huấn của tự do, của yêu thương và hợp luận lý. Đây là sự thật mà toàn thế giới đang tìm kiếm, đang tuyệt vọng khao khát, dù họ có nhìn nhận hoàn toàn hay không.

80716barangaroo13.jpg

WYD 2008

Đức Gioan Phaolô II cho thấy các thiếu sót của nền tư duy hiện đại về tính dục, trong khi giải đáp khát vọng sâu xa muốn được yêu thương, một khát vọng hết thẩy chúng ta đều cảm nhận được, bằng cách đưa ta trở về với giáo huấn muôn thuở của Giáo Hội trong dòng lịch sử, một giáo huấn cho rằng con người có phẩm giá nội tại, rằng ta được dựng nên giống hình ảnh Chúa, trong tư cách những người đàn ông và những người đàn bà được chính Người coi là ‘rất tốt lành’.

Tôi trở nên xác tín sâu xa rằng cùng với các thành viên khác của Giáo Hội, tôi được mời gọi làm nhân chứng cho Chúa Kitô để giải đáp khát vọng mà thế giới đang cảm nghiệm. Như ông West đã trình bầy, bạn chỉ buồn nôn bao lâu rúc đầu ngốn nghiến rác thối mà thôi. Thế giới này đã rúc đầu ngốn nghiến rác rưởi từ lâu, nó cần được dẫn lối tìm đến những buổi tiệc cưới linh đình.

Đức Bênêđíctô XVI ủy nhiệm cho người trẻ chúng ta làm chứng nhân can đảm của Chúa Kitô cho đến mốc tận cùng thế giới, biết cầu nguyện cho một lễ Hiện Xuống mới và một tuôn trào mới ơn Chúa Thánh Thần. Bản thân tôi, tôi xác tín rằng Thần Học Thân Xác của Đức Gioan Phaolô II là chìa khóa giúp tôi thực hiện điều ấy.

Tham dự WYD là cảm nghiệm Giáo Hội trong nét huy hoàng chói lọi và năng lực tươi trẻ của Giáo Hội. Mầu cờ muôn nước ở Sydney trong tuần lễ WYD cho thấy tính phổ quát của Giáo Hội, cho thấy con cái Giáo Hội, nhờ được các bí tích nuôi dưỡng, đã sống và thở như một cơ thể trong Chúa Kitô.

Lý do khiến thế giới thế tục không nhận ra trọng điểm của WYD có lẽ vì không có Chúa Kitô, nhân loại không tìm ra đường hiệp nhất nhau trong sự thật và trong yêu thương.

80717pope-Barangaroo.jpg

WYD 2008

Niềm vui lớn được giới trẻ Công Giáo thế giới dùng để chào mừng Đức Bênêđíctô XVI chứng tỏ rằng Giáo Hội không những sống động và đang lớn mạnh, mà còn sẵn sàng lắng nghe Chúa Thánh Thần đang lên tiếng qua miệng người kế vị Thánh Phêrô.

Truyền thông thế tục buộc phải tập chú vào những người phản đối mà bỏ qua trọng điểm đích thực của WYD, vì họ không biết phải làm gì với những lời lẽ mạnh mẽ của Đức Giáo Hoàng nói với người trẻ đầy kỳ vọng của Giáo Hội: “Thế giới chúng ta đã trở nên rã rời vì tham lam, áp bức và chia rẽ, tẻ ngắt vì thần tượng giả dối và những giải pháp rời rạc, và đau đớn vì những hứa hẹn lừa phỉnh. Tâm trí chúng ta khao khát một cái nhìn về cuộc đời trong đó yêu thương được bền vững, ơn phúc được sẻ chia, hiệp nhất được xây đắp, tự do tìm được ý nghĩa trong sự thật, và bản sắc được tìm thấy nơi hiệp thông đầy kính trọng. Đó mới chính là công trình Chúa Thánh Thần! Đó mới là niềm hy vọng do Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô mang lại. Chính để làm chứng cho thực tại ấy mà các con đã được tạo dựng như mới trong phép rửa và được củng cố nhờ ơn Chúa Thánh Thần trong phép thêm sức. Chớ chi đó là sứ điệp các con sẽ từ Sydney mang đến cho thế giới!” (Diễn văn tại Barangaroo, Sydney, ngày 17 tháng Bẩy).

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 31.07.2008. 23:33