Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Không quên ai

§ Vũ Văn An

1. Người thổ dân

Gọi là thổ dân thì tại Úc có rất nhiều nhóm người được liệt kê dưới danh hiệu này. Nhưng nhóm quan trọng nhất, vì đông nhất cũng có mà vì ý nghĩa văn hóa lớn lao nhất cũng có, là nhóm đã được người da trắng Âu Châu gọi là Aboriginal, tuy cũng có nghĩa là thổ dân, nhưng đôi chút có tính ‘tiền sử’ theo nghĩa không đẹp. Dân số của họ lúc người da trắng tới đây, năm 1788, là trên 700,000 người, đến nay, chỉ còn tròm trèm chưa đến 500,000. Nhưng ý nghĩa văn hóa của họ quan trọng đến độ, năm 1986, khi Đức Gioan Phaolô II lần đầu đến thăm Úc, đã phải lặn lội lên tận Alice Spring để gặp gỡ và nói với họ rằng: “Cả hàng ngàn năm nay, các bạn đã từng sống trên mảnh đất này và đã tạo nên một nền văn hóa còn tồn tại đến tận ngày nay. Và trong suốt thời gian ấy, Thánh Thần Thiên Chúa luôn hiện diện với các bạn. ‘Mộng Thế’ (Dreaming) của các bạn, từng ảnh hưởng trên cuộc sống các bạn một cách mạnh mẽ đến độ, bất cứ điều gì xẩy ra, các bạn mãi mãi vẫn là những con người của chính nền văn hóa của mình, Mộng Thế ấy chính là phương cách riêng của các bạn để đạt tới mầu nhiệm Thánh Thần Thiên Chúa trong các bạn và trong tạo dựng”. Và ngài thúc giục họ “không cần phải là những con người phanh thây ra làm hai, như thể người Aboriginal phải vay mượn đức tin và sự sống Kitô giáo, giống một chiếc nón hay một đôi giầy, từ một ai đó vốn sở hữu chúng” mà “hãy trở nên các Kitô hữu Aboriginal, từ đầu đến chân (through and through Aboriginal Christians)”.

Chính vì tầm mức quan trọng ấy, mà trong cuộc tông du lần này, tuy không phải là để thăm viếng chính thức nước Úc, mà là để chủ toạ WYD, một biến cố dành cho giới trẻ Công Giáo thế giới, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã không quên họ. Theo tin Zenit ngày 10 tháng Bẩy, phát ngôn viên Tòa Thánh, là Cha Lombardi, Dòng Tên, chính thức xác nhận rằng quyền lợi của người thổ dân Úc, “từng bị chà đạp trong nhiều thế kỷ”, sẽ là một trong các chủ đề then chốt trong cuộc tông du tại Úc để mừng Ngày Giới Trẻ Thế Giới.

Nói cho cùng, nếu Đức Thánh Cha có quên họ đi chăng nữa, thì sự hiện diện của họ trong suốt biến cố WYD, tại các buổi lễ công cộng chính thức, cũng sẽ khiến Ngài phải nhớ đến họ. Thực vậy, ngay ngày Thánh Giá và Ảnh Đức Mẹ của Đại Hội tới Sydney năm ngoái, sự hiện diện của người Aboriginal trên lễ đài đã hết sức nổi bật rồi, dù phần đông những người tham dự không hiểu rõ ý nghĩa các điệu múa, điệu hát và nghi thức của họ. Tại Barangaroo và tại Trường Đua Randwick, Đức Giáo Hoàng sẽ được cùng họ ‘xông khói’ lên Thiên Chúa Cao Cả.

Bathurst_Island_men.jpg

Người Aboriginal

Mà Đức Bênêđíctô XVI, một học giả uyên thâm, không thể nào không biết tầm quan trọng về văn hóa và thần học của người Aboriginal được. Họ từng là đề tài của nhiều khảo luận thần học xưa nay của cả Tin Lành lẫn Công Giáo. Chúng tôi sẽ có dịp trình bầy cùng bạn đọc Vietcatholic một số bài về đề tài này.

Như thế, kể như Đức Bênêđíctô sẽ không quên ai trong chuyến đi này. Cùng đi với Ngài có Đức hồng y Angelo Sodano, trưởng hồng y đoàn, Đức hồng y Tarcisio Bertone, quốc vụ khanh, Đức hồng y Agostino Vallini tân ‘đại diện giám mục’ Rôma. Ngoài việc gặp gỡ giới trẻ thế giới, kể cả một số bạn trẻ bụi đời, ghiền ma túy của Úc, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ toàn thể các giám mục Úc, đại diện các tu sĩ nam nữ và đại chủng sinh Úc, đại diện người Công Giáo Úc, kể cả các đại biểu Công Giáo di dân tị nạn (một bạn trẻ Việt Nam sẽ tháp tùng Boat-a-cade - cuộc chạy thuyền - của Ngài trong Vịnh Sydney), đại diện các giáo phái Kitô giáo và đại diện các tôn giáo lớn, và dĩ nhiên đại biểu người Thổ Dân, các chủ nhân ông đầu hết và hiện nay của Châu Lục này.

2. Ra đi trong tin tưởng và hân hoan

Cũng theo tin Zenit ngày 10 tháng Bẩy, Giám mục phó của Sacramento là Đức cha Jaime Soto cho hay các khách hành hương Ngày Giới Trẻ Thế Giới mang tia hy vọng đến cho một thế giới đang trên bờ tuyệt vọng. Ngài nói với tờ Catholic Herald của Sacramento rằng: “Xét các nỗi sợ hãi ta đang có, xét những gì ta đang thấy quanh ta: chiến tranh, đói khát, bất ổn kinh tế, thì cuộc lên đường của chúng tôi tới Sydney quả là điều chắc chắn. Giữa kinh hoàng và thù nghịch, chúng tôi ra đi trong tin tưởng và hân hoan”.

Đức cha Soto nói thêm: “WYD là một cuộc hành hương tôn giáo. Nó có mục tiêu thiêng liêng. Chúng tôi hy vọng giới trẻ sẽ nói lên một phản kháng mạnh mẽ chống lại một thế giới đầy chia rẽ, quên lãng và hận thù sâu đậm. Người ta hay mô tả tôn giáo như nguồn gây chia rẽ. Nhưng bản chất thực sự của tôn giáo là bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu biến chúng ta thành sứ giả”.

80711italian-pilgrims.jpg

Bạn Trẻ Italian Tham Dự WYD08

Giáo phận Sacramento gửi 80 bạn trẻ đi dự Đại Hội. Vào khoảng 100 bạn trẻ của giáo phnậ Chicago cũng sẽ tham dự. Chính Đức hồng y Francis George của giáo phận ấy cũng tới Sydney vào dịp này. Ngài sẽ cử hành một Thánh Lễ cho tất cả khách hành hương người Mỹ vào ngày thứ Bẩy 19 tháng Bẩy tại một địa điểm ngoài trời trong trung tâm Sydney.

Trong khi ấy, 25 bạn trẻ của giáo phận Washington D.C., trong đó có bốn đại chủng sinh, cũng sẽ lên đường. Giống các khách hành hương khác, họ đã tự động ‘thu tích’ tiền bạc cho chuyến đi này. Người thì rửa xe người thì bán cà-rem do nhà làm.

Bên kia Đại Tây Dương, 800 bạn trẻ Ái Nhĩ Lan (giáo hội mẹ của Úc) đã hoặc có mặt ở Úc hoặc sắp sửa lên đường. 9 vị giám mục của họ, trong đó có Đức hồng y Sean Brady và Đức tổng giám mục Diarmuid Martin sẽ cùng đi với họ.

Còn Tổng giám mục Westminster của Anh là Đức hồng y Cormac Murphy-O’Connor thì có sứ điệp đặc biệt gửi người hành hương như sau: “Tôi vui mừng khi Giáo phận Westminster tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 23 này mà chủ đề là: ‘các con sẽ nhận được sức mạnh khi Chúa Thánh Thần xuống trên các con; và các con sẽ là các nhân chứng của Thầy’. Đối với những ai mới tham dự lần đầu, các con sẽ rất phấn chấn và có lẽ còn hồi hộp nữa. Nhưng các con nên biết rằng như một gia đình giáo phận, các con sẽ nhận được nâng đỡ và tình bạn lớn lao dọc trên đường đi. Thật là một hồng ân cho chúng ta được tụ họp với nhau và trong tình hiệp thông với Đức Thánh Cha, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. Chúa Thánh Thần sẽ trợ giúp chúng ta tại Úc để tái khám phá ra đức tin của mình nếu nó đã mất, củng cố đức tin nếu nó trở nên yếu ớt, và giúp chúng ta thưởng ngoạn nó như một tình bạn thân thương với Chúa Cha và Con một Người là Chúa Giêsu Kitô”

3. Adong Evà

WYD dĩ nhiên là một cuộc hành hương tôn giáo, nhằm các mục tiêu thiêng liêng như Đức cha Soto, giám mục phó của Sacramento, đã nói trên đây. Nhưng muốn đạt được các mục tiêu ấy, người hành hương đôi lúc phải ‘trần tục’ tuyệt đối như Adong và Evà hồi chưa phạm tội! Nghĩa là ‘trần như nhộng”.

Cả hai tờ The Age và Sydney Morning Herald hôm nay đều có chung một bài tường thuật tựa là Modest pilgrims to suit up for showers (Các khách hành hương thẹn thùng phải mặc áo tắm khi tắm vòi). Theo hai tờ báo này hàng ngàn khách hành hương đang đổ về Sydney trong khi các lễ lạc mừng WYD đang bắt đầu. Và mặc dù nhiệt độ ở đây đang xuống rất thấp, nhiều bạn trẻ vẫn không quên mang theo các bộ áo tắm (cossies) của họ.

Họ có hàng loạt rủ nhau ra bãi biển Bondi hay không thì còn phải chờ. Trước mắt, họ sẽ phải dùng chúng trong các phòng tắm cộng đoàn tại các ngôi trường cho họ cư trú, là các phòng tắm mà ban tổ chức WYD cho biết ít có tư riêng kín đáo đối với các khách hành hương thẹn thùng.

Cha Mark Podesta, phát ngôn viên WYD cho hay sẽ không có màn che phân cách các vòi tắm trong các phòng tắm chung tại các ngôi trường được mượn làm nơi cho khách hành hương cư trú trong tuần lễ Đại Hội. Ngài khuyên: khách hành hương nào thấy không thoải mái với cảnh ‘Adong Evà’ này thì nên mặc áo tắm khi dùng vòi tắm. Và ngài nói thêm: đây là vấn đề mà không khách hành hương nào lại không biết đến. Ngài cho ABC Radio hay: “Không ai chờ mong các phương tiện năm sao vì đây không phải là nơi nghỉ hè năm sao. Đây là một cuộc hành hương, các bất tiện nhất định đôi khi phải có, nhưng đây là tất cả (những gì có thể làm được) để tạo ra niềm vui lớn hơn, là được đi hành hương, phải chịu vất vả để có được cảm nghiệm hạnh phúc”

Một phát ngôn viên khác cho hãng AAP hay: các khách hành hương chọn lối sống cộng đoàn khem khổ này chứ không chọn giải pháp khác thuộc chương trình ‘home-stay’ (tại các tư gia) nhiều êm ái hơn vì họ thích bầu không khí cộng đoàn. “Họ chọn ngụ trong các phòng học của các trường và ngủ trên sàn với túi ngủ, chứ không chọn loại năm sao, và họ thích thế. Nhiều người thích ngụ trong các phòng học ở trường hay tại các nhà xứ chứ không ngụ trong các tư gia, vì họ thích bầu khí cộng đoàn nhiều hơn”.

Hàng ngàn khách hành hương đã tới Úc trong mấy ngày qua trước khi có những lễ lạc vào tuần tới. Các thành phố, các trung tâm miền và thị trấn xa xôi của Úc đều nhận mời hàng ngàn du khách quốc tế đến thăm, đem lại cho họ dịp được “cử hành đức tin trên bình diện địa phương” qua việc tham dự một số kinh nghiẹm sống của Úc như xén lông cừu, nựng koala và nướng BBQ.

Các nhà tổ chức WYD mong họ tất cả sẽ đổ về Sydney vào Chúa Nhật và Thứ Hai trước khi Đức Giáo Hoáng Bênêđíctô XVI xuất hiện lần đầu tại Úc ít ngày sau đó.

Để có chỗ cho họ trú ngụ, 400 ngôi trường (trong đó có một trường Hồi Giáo), phòng hội giáo xứ, và địa điểm khác đã dành sàn cho họ ngủ, cùng với bữa ăn sáng, vòi tắm và nhà vệ sinh. Nơi cư trú lớn nhất sẽ là Sydney Olympic Park, được đặt tên là "Pilgrim Park", (Công Viên Hành Hương), sẽ chứa hơn 10,000 người. 23,000 người khác sẽ ngụ tại các tư gia, với nhiều ngàn người khác đã dành phòng tại các khách sạn, nhà trọ khác khắp thành phố.

4. Gương sống cho thế hệ mới

Những người chọn sống một tuần khem khổ trong những ngày WYD, và cả những người chọn sống trong các khách sạn và tư gia đi chăng nữa, tất cả cùng đều ra khỏi vùng êm ái (comfort zone) của mình để cùng chịu những bất tiện mà bất cứ cuộc hành hương nào cũng sẵn dành cho họ. Như lời Joe Cowley nhắn bạn hành hương: “We are on the same path whatever shoes we wear” (ta cùng chung một đường dù mang đế giầy chi), hay như lời kinh cầu hành hương tôi đọc lần đầu trên chuyến xe búyt leo đèo dọc biển Adriatic từ phi trường Split (Croatia) tới Medjugorje (Bosnia) năm 2005 sau khi tham dự WYD 2005 tại Cologne:

“…Nếu chuyện gì đó xẩy ra không đúng chương trình, lạy Chúa, xin cho con nhớ con là khách hành hương, không phải người du lịch; nếu con mệt mỏi và dễ nổi nóng, lạy Chúa, xin cho con nhớ con là khách hành hương, không phải người du lịch; nếu bữa ăn trên xứ người không hợp khẩu vị, lạy Chúa, xin cho con nhớ con là khách hành hương, không phải người du lịch; nếu người hành hương khác to tiếng khiến con không nghe được người hướng dẫn, lạy Chúa, xin cho con nhớ con là khách hành hương, không phải người du lịch; nếu ai đó chiếm chỗ tốt hơn trên xe buýt hay trong quán ăn, lạy Chúa, xin cho con nhớ con là khách hành hương, không phải người du lịch… Nếu có ai luôn là người chót hết lên xe buýt còn con thì luôn đúng giờ, lạy Chúa, xin cho con nhớ con là khách hành hương, không phải người du lịch. Và lạy Chúa, nhất là xin cho con nhớ rằng điều con thấy đáng phản đối nơi người khác thực sự lại là điều Chúa thường thấy đáng phản đối nơi con. Nên lạy Chúa, xin đừng bao giờ để con quên điều ấy và xin tha thứ người khác cũng như Chúa từng liên tục tha thứ cho con. Amen”.

Theo hãng Zenit, trong bài giảng do Đức hồng y G. Pell chủ tế tại nhà thờ Thánh Benedict ngày 4 tháng Bẩy qua, nhân lễ kính á thánh Frassati, Đức cha Anthony Fisher, điều hợp viên WYD, đã ca tụng cuộc sống đầy bác ái độ lượng của vị Á thánh này, một cuộc sống làm thế hệ mới xúc động.

Xác của Á thánh, một trong mười thánh bổn mạng của WYD, đã được di chuyển từ Turin tới Sydney trong những ngày WYD. Kể từ ngày Á thánh qua đời năm 1925, xác ngài chưa rời Turin bao giờ. Lạ lùng một điều 60 năm sau, xác ngài vẫn còn nguyên vẹn. Xác này sẽ để cho công chúng tôn kính tại Nhà Thờ Chính Tòa St Mary cho đến ngày 22 tháng Bẩy.

80711piergiorgio.jpg

Á thánh Frassati

Đức cha Fisher cho hay: “Pier Giorgio là một người, chỉ trong một thời gian ngắn, đã thực hiện một bước tiến bộ vượt bực về đức tin, đức cậy và đức ái”. Đức cha nhớ lại: Năm 1990, khi phong á thánh cho Frassati, Đức Gioan Phaolô II gọi ngài là “người của thế kỷ, con người hiện đại, con người đã yêu thật nhiều, con người của mối phúc”.

Đức cha Fisher tiếp tục nói rằng: “Các hình chụp trưng bầy quanh thánh đường của chúng ta cho thấy một thanh niên đẹp trai, mạnh khỏe với đôi mắt tinh nhanh và một nụ cười dễ lây. Đầy vui tính và nghị lực, đầy Thiên Chúa và lòng say mê muốn chia sẻ Chúa với người khác: xét bề mặt, cái chết của ngài ở tuổi 24 quả là một phí phạm đầy thảm họa. Ấy thế nhưng nay, ở phía bên này của thế giới, ta đang cử hành ngài vì những điều ngài vẫn còn đang nói với ta. Ngài quả đã sống đến 107 năm và vẫn còn đang sống mãi”.

Ít nhất cũng trong lòng những người khách hành hương của WYD2008, những người đặt mục tiêu cho đời mình gồm đủ thánh thiện và vui chơi, như lời Đức cha Fisher: “người trẻ Công Giáo đủ loại thích ý niệm này là bạn có thể là một người thánh trong khi vẫn là một người trẻ trưởng thành, có thể kết hợp lòng say mê đối với Chúa và phục vụ người khác với ý muốn vui chơi của một người trẻ bình thường”.

Thật ra, muốn được như thế, Frassati đã ra khỏi vùng êm ái con nhà giầu của mình để chia sẻ mọi ‘bất tiện’của những người bất hạnh nhất trên đời.

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 11.07.2008. 10:13