Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Năm Mươi Năm Nhìn Lại Khả Năng Tiên Tri của Thông Điệp Sự Sống Con Người, kỳ cuối

§ Vũ Văn An

Ngừa thai hạ phẩm giá phụ nữ

Thực tại thứ ba liên quan đến tình trạng phụ nữ hiện đại. Người ta đã quả quyết và luôn quả quyết rằng việc ngừa thai sẽ làm cho họ hạnh phúc hơn và tự do hơn bao giờ hết. Có không? Bằng chứng cho thấy ngược lại: khoa học xã hội gợi ý rằng hạnh phúc của phụ nữ khắp Hoa Kỳ và châu Âu đã giảm dần theo thời gian, trước những nhận định buồn bã của phong trào duy nữ cả học thuật lẫn bình dân, về sự lo lắng ngày càng gia tăng nơi các phụ nữ thế tục rằng hôn nhân đã trở thành điều không thể có được và nay là thời phải sống một mình. Một thập niên sau khi Eberstadt lên tài liệu cho các xu hướng này, đã có khá nhiều sự kiện cho thấy thêm rằng Humanae Vitae rất đúng khi nói đến việc gia tăng chia rẽ giữa các giới tính. Ta hãy xem qua hai bức tranh rất gợi ý sau đây.

FiftyShades.jpg

Năm 2012, Amazon tại Anh thông báo rằng cuốn Fifty Shades of Grey của E.L. James đã thay thế bộ Harry Potter của J.K Rowling làm tác phẩm bán chạy nhất trong lịch sử của nó. Điều này cho thấy một mức cầu phi thường nơi phụ nữ, họ muốn đọc những câu chuyện về một người đàn ông giàu có và quyền thế sẵn sàng làm nhục, bắt nạt và có hành động bạo lực chống lại người đàn bà.

Chủ trương thống và ác dâm (Sadomasochism) là một chủ đề nổi bật ở những nơi khác trong nền văn hoá bình dân - kể cả nền văn hóa bình dân của phụ nữ. Liên quan đến kỹ nghệ thời trang, John Leo đã nhận xét: "Lần đầu tôi lưu ý đến mối liên kết giữa thời trang và khiêu dâm là vào năm 1975, khi tạp chí Vogue cho đăng đầy trang báo một hình chụp gồm bảy bức ảnh diễn tả một người đàn ông, trong một chiếc áo choàng tắm, đang đánh một người mẫu la hét trong bộ áo quần liền nhau màu hồng đáng yêu". Tạp chí Bazaar của Harper đã ủng hộ điểm này: "Trước khi cơn sốt Fifty Shades hành động, các nhà thiết kế đã lục lọi văn chương BDSM (1) để lấy hứng cho ngành may mặc rồi. Từ bả vai cho tới mọi hình thức thắt lưng, cổ tay, và mắt cá chân - chưa kể lượng da - rõ ràng Christian Gray sẽ rất tự hào. "

Bạo lực ngấm ngầm và thậm chí cả công khai nữa đối với phụ nữ đã bão hòa các trò chơi điện tử và, dĩ nhiên, văn hóa khiêu dâm. Phong cách thống và ác dâm cũng đã trở nên phổ biến trong âm nhạc bình dân; số lượng nữ ca sĩ có tiếng hoàn cầu nhưng không chịu tỏ lòng tôn kính đối với văn hóa khiêu dâm và chủ trương thống và ác dâm ngày càng trở nên ít hơn. Tại sao có rất nhiều phụ nữ chịu chấp nhận để hình ảnh mình trở thành phục tùng và bị hắt hủi vào đúng thời điểm khi tự do của họ lớn hơn bao giờ hết? Sự thành công của Fifty Shades phải chăng cho chúng ta thấy đàn ông đã trở nên khó kiếm đến nỗi bất cứ phương tiện tìm kiếm nào cũng tốt, cho dù hạ nhân phẩm đến đâu?

Niềm vui cũng không nhiều bao nhiêu trong một thực tại khác sau thời thuốc viên ngừa thai: đó là các vụ bê bối tình dục liên tục diễn ra trong các năm 2017 và 2018, và phong trào #MeToo (cả tôi nữa).

GreatDisruption.jpg

Dường như cuộc cách mạng tình dục đã cấp phép cho việc lùng thịt người (predation). Đây không phải là một phán đoán thần học, mà là một phán đoán thực nghiệm, một phần được dự đoán bởi nhà khoa học xã hội Francis Fukuyama. Cuốn The Great Disruption của ông năm 1999 đã đưa ra một luận điểm vang vọng lại quan điểm của Humanae Vitae, mặc dù dựa trên một sự phân tích hoàn toàn thế tục:

“Một trong những gian lận lớn nhất xảy ra trong The Great Disruption là quan niệm cho rằng cuộc cách mạng tình dục là trung lập về phái tính, mang lại lợi ích như nhau cho cả phụ nữ lẫn nam giới . . . Trên thực tế, cuộc cách mạng tình dục phục vụ quyền lợi nam giới, và cuối cùng, đặt ra những giới hạn rõ ràng cho những thắng lợi mà phụ nữ có thể mong đợi cách khác từ sự giải phóng khỏi các vai trò truyền thống của họ”.

Gần hai mươi năm sau, điểm đó trở thành không thể chối cãi được. Các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục cho thấy: cuộc cách mạng này đã dân chủ hóa việc xách nhiễu tình dục. Người đàn ông không còn cần phải là một ông vua hay chúa tể vũ trụ mới có thể lạm dụng hoặc săn mồi phụ nữ một cách không mủi lòng, hàng loạt, lâu dài và không bị trừng phạt nữa. Người ta chỉ cần một thế giới trong đó phụ nữ được giả định là sử dụng các biện pháp ngừa thai - tức thế giới chúng ta có từ thập niên 1960, thế giới mà Humanae Vitae đã dự đoán.

Ngừa thai và tệ nạn dân số học

Điều trên đem chúng ta tới một thực tại nữa: Năm mươi năm sau cuộc cách mạng tình dục, một trong những vấn đề cấp thiết nhất và đang lớn dần, đối với các nhà nghiên cứu, không phải là vấn đề thặng dư dân số, nhưng là điều ngược lại: thiếu dân số. Mười năm trước, Eberstadt đã có đủ bằng chứng cho thấy con ngáo ộp gọi là thặng dư dân số ở cuối thập niên 1960 quả chỉ là: con ngáo ộp. Nó xảy ra một cách không quá trùng hợp để trở thành hữu dụng về phương diện ý thức hệ đối với những người có đầu óc phe phái muốn Giáo hội thay đổi giáo huấn luân lý của mình. Như Eberstadt đã ghi nhận năm 2008:

FatalMisconnception.jpg

“Khoa thặng dư dân số đã trở thành mất uy tín đến nỗi năm nay, nhà sử học Matthew Connelly của Đại học Columbia đã có thể cho xuất bản cuốn: Fatal Misconception: The Struggle to Control World Population (Quan Niệm Sai Lầm Chết Người: Cuộc Đấu Tranh Để Kiểm Soát Dân Số Thế Giới ) và nhận được một bài điểm sách rất tích cực của tờ Publishers Weekly - tất cả rất có ích trong việc hạ bệ các lập luận dân số mà một số người hy vọng sẽ làm suy yếu giáo huấn của Giáo Hội. Điều này càng thú vị ở điểm Connelly vốn là người đối kháng, chống lại Giáo Hội Công Giáo. . . . Quan Niệm Sai Lầm Chết Người là bằng chứng [thế tục] có tính quyết định cho thấy viễn tượng thặng dư dân số, vốn được sử dụng để hăm dọa Vatican nhân danh khoa học, quả là một sai lầm thô bạo”.

Thập niên vừa qua đã làm cho thực tại trên rõ ràng hơn. “Thặng dư dân số” không những là một con ngáo ộp ý thức hệ đang chuyển hình, nhưng nó còn nhận được điều ngược lại. Vì rất nhiều người, đặc biệt ở Tây Phương, mỗi ngày mỗi trở nên cằn cỗi và ảm đạm hơn, mỗi ngày mỗi đau khổ hơn vì điều mà các chuyên gia trong những xã hội đó gọi là "đại dịch" cô đơn.

Phát hiện trên sẽ không làm Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngạc nhiên, người mà trong một cuộc phỏng vấn với tờ La Repubblica năm 2013 đã gọi "sự cô đơn của người già" là một trong những "tệ nạn" tồi tệ nhất trong thế giới ngày nay. Năm mươi năm sau khi dùng thuốc viên ngừa thai, sự cô đơn đang lan rộng khắp các quốc gia giàu có về vật chất trên hành tinh này.

Cuối năm ngoái, tờ New York Times công bố một câu chuyện đau lòng về cảnh chết một mình không ai hay:

“4,000 cái chết cô đơn mỗi tuần... Mỗi năm, một số người già ở Nhật chết mà không ai biết, chỉ được phát hiện sau khi hàng xóm của họ ngửi thấy mùi (xác chết).

“Lần đầu tiên xảy ra, hoặc ít nhất, lần đầu tiên thu hút được sự chú ý của cả nước, là việc xác chết của một người đàn ông 69 tuổi sống gần bà Ito đã nằm trên sàn nhà cả ba năm, mà không ai để ý đến sự vắng mặt của ông. Tiền thuê nhà hàng tháng và các tiện ích của ông đã được tự động rút ra từ trương mục ngân hàng của ông. Cuối cùng, sau khi các khoản tiết kiệm của ông cạn kiệt vào năm 2000, các nhà chức trách mới đến căn hộ và thấy bộ xương của ông gần nhà bếp, thịt của ông đã bị lấy sạch bởi giòi bọ, chỉ cách những người hàng xóm cạnh ông vài bộ Anh”.

Câu truyện tiếp tục kể thêm rằng “sự cô lập cùng cực của người già Nhật Bản thông thường đến nỗi đã xuất hiện cả một thứ kỹ nghệ về nó, chuyên lo việc tẩy rửa các căn hộ nơi tìm thấy các xác chết thối rữa”. Theo một tường trình khác gần đây của tờ The Independent, các công ty quét dọn đang mọc lên như nấm và các công ty bảo hiểm đang cung cấp các kế hoạch bảo vệ chủ nhà trong trường hợp một "cái chết cô đơn" xảy ra tại cơ sở của họ.

Nhật Bản chỉ là một trong những nước đang đương đầu với sự thay đổi nhân khẩu học sau khi có thuốc viên ngừa thai. Mấy năm trước đây, tờ Figaro đã tường trình rằng "Sự cô đơn đang trở thành một hiện tượng phổ biến ở Pháp". Trích dẫn một cuộc nghiên cứu về "những nỗi cô đơn mới" của cơ quan Fondation de France, bài báo đặt tên cho yếu tố chính tạo ra sự cô đơn này: "gia đình tan vỡ", nhất là ly dị. Cũng thế, một cuộc nghiên cứu năm 2014 về "Các Yếu Tố Xã Hội và Nhân Khẩu Học Tiên Đoán Sự Cô Đơn Suốt Cuộc Sống Trưởng Thành ở Bồ Đào Nha" đồng ý rằng việc ly dị làm gia tăng xác suất cô đơn - dù không hỏi liệu việc có con trong bối cảnh này có cải thiện vấn đề hay không. Điều kỳ lạ, là người ta đọc được nhiều "cuộc nghiên cứu về cô đơn" nhưng không thấy nhắc đến con cái, một sự bỏ sót cho thấy khá nhiều điều về thời đại ta.

Văn hoá thế tục đang lưu ý tới điều trên. Ở Thuỵ Điển, một bộ phim tài liệu năm 2015 về Lý Thuyết Thụy Điển Về Tình Yêu đã tra vấn tính nổi bật của "độc lập" ở đất nước này, coi nó như một lý tưởng. Nhưng nó có vẻ là một nguyền rủa hơn là một phước hạnh khi phân nửa dân Thụy Điển sống trong các căn hộ chỉ có một người. Như một tường trình đã mô tả:

“Một người đàn ông sống một mình trong căn hộ của ông ta. Ông nằm chết ở đó ba tuần - người ta chỉ để ý đến cái chết của ông khi một mùi khủng khiếp phát ra ở các hành lang chung. Khi các nhà chức trách Thuỵ Điển điều tra vụ việc, họ phát hiện ra rằng người đàn ông không có người thân hoặc bạn bè thân thiết. Rất có khả năng ông này sống cô đơn và sống một mình trong nhiều năm, ngồi một mình trước màn truyền hình hay máy tính. Sau một thời gian, họ phát hiện ra rằng ông có người con gái, nhưng không ai biết cô ta ở đâu . . . Điều rõ ràng là ông có khá nhiều tiền trong ngân hàng. Nhưng điều đó có ích gì khi ông không có ai để chia sẻ”.

Và sau đó là Đức. Trong một bài báo của tạp chí Der Spiegel có tựa đề "Một Mình Bên Cạnh Hàng Triệu Người: Cuộc Khủng Hoảng Bị Cô Lập Đang Đe Dọa Người Cao Niên Đức", Trung Tâm Lão Khoa Đức báo cáo:

“Hơn 20 phần trăm người Đức trên 70 tuổi chỉ tiếp xúc thường xuyên với một người - hoặc không ai cả. Một trong bốn người được bạn bè hay người quen thăm viếng non một lần mỗi tháng và gần một trong mười người không còn được ai thăm viếng nữa. Nhiều người già không còn ai để gọi họ bằng tên riêng hoặc hỏi xem họ mạnh giỏi ra sao nữa”.

Sự nghèo nàn về tình người như thế rất nhiều trong các xã hội chìm đắm trong sự giàu có vật chất. Cả điều này nữa cũng đã không được dự đoán bởi những người biện luận cho và chống lại Humanae Vitae vào năm 1968. Thế nhưng, không còn nghi ngờ gì nữa, điều thống nhất các bức tranh bi thảm này chính là cuộc cách mạng tình dục, một cuộc cách mạng mà vào thập niên 1970 đã xả hết tốc lực ở các nước phương Tây, khiến tỷ lệ ly dị tăng cao, tỷ lệ kết hôn giảm nhanh, và làm cho các chiếc nôi trống trơn. Không cần phải là một nhà nhân khẩu học mới nối được các dấu chấm; bằng chứng của giác quan chúng ta cũng làm được. Như một nạn nhân đã tóm tắt một cách ngắn gọn trên tờ Der Spiegel:

“Ngoài mấy con chim ra, hầu như không ai đến thăm người đàn bà lớn tuổi nữa. Erna J. có mái tóc trắng và niềng chân đen, và, giống như nhiều người ở độ tuổi của bà, đang phải chịu cảnh cực kỳ cô đơn. Bà sinh ra không lâu sau Thế chiến thứ nhất và dọn đến căn hộ này cách đây 50 năm. Mười năm sau, chồng bà qua đời. Bà sống lâu hơn tất cả các anh chị em và bạn gái của bà. Chồng bà không muốn có con. ‘Đáng lẽ tôi nên nhấn mạnh đến điểm đó’, người cựu bếp trưởng nói thế, ‘và nhờ vậy, có lẽ tôi sẽ không cô đơn như hôm nay’".

Ngừa thai và sự sống còn của một số giáo hội Kitô Giáo

Một thực tại nữa có tính lịch sử để ta suy ngẫm, và thực tại này đáng nhắc lại vào thời điểm khi một số khu vực hy vọng rất nhiều rằng Giáo Hội Công Giáo sẽ chấm dứt việc khăng khăng duy trì một số điểm bị coi là lạc hậu về tín lý. Các giáo hội nào thỏa hiệp với cuộc cách mạng tình dục đều đã tan rã từ bên trong. Như một tiêu đề trên tờ The Guardian đã nói vào năm 2016, ngay trước hội nghị gây tranh cãi tại Lambeth, nơi các đại diện Châu Phi của Hiệp Thông Anh Giáo đã một lần nữa bất đồng về việc thay đổi giáo huấn luân lý, "Sự ly khai Anh giáo về tình dục đánh dấu sự kết liễu của một giáo hội hoàn cầu".

Năm 1930, người ta có lẽ sẽ rất ngỡ ngàng khi nghe nói những điều như cuộc chiến tín lý về tình dục sẽ phá vỡ sự hiệp thông Anh giáo; nhiều phần trong Hiệp Thông sẽ bút chiến pháp lý về các giáo hội và các quyền tài phán pháp lý cũng như tín lý; sự phân rẽ giữa Bắc và Nam, giữa Phúc Âm và Anh Giáo, giữa Châu Phi và Châu Âu, sẽ phát sinh ra các vụ chia rẽ và các phân bộ chia rẽ trên quy mô hoàn cầu, đầy đau buồn và chua chát.

Change-Die.jpg

Năm 1998, Giám mục John Shelby Spong của Newark, New Jersey, một nhà lãnh đạo của Giáo Hội Giám Chức (Episcopalian), người từng thúc đẩy việc ủng hộ cuộc cách mạng tình dục, đã xuất bản một cuốn sách có tên là Why Christianity Must Change or Die (Tại Sao Kitô Giáo Phải Thay Đổi hoặc Chết), kêu gọi phải vứt bỏ truyền thống nhiều hơn nữa. Kitô giáo mà vị này nói đến đã thay đổi, đúng như ngài và nhiều người khác hy vọng. Và nay, phiên bản xào xáo lại mà họ đã chiến đấu cho đang chết dần. Theo David Goodhew, chủ biên cuốn sách năm 2016 tựa là Growth and Decline in The Anglican Communion (Tăng Trưởng và Suy Thoái trong Hiệp Thông Anh Giáo): Từ năm 1980 đến nay, cuộc nghiên cứu của Jeremy Bonner về Giáo Hội Giám Chức cho thấy:

“Khoảng 2000 vụ suy thái nghiêm trọng đã diễn ra. . . Việc tham dự trung bình ngày Chúa Nhật đã giảm gần một phần ba trong giai đoạn từ 2000 đến 2015. . . Tỷ lệ chịu rửa tội đã giảm gần một nửa trong khoảng ba mươi năm. . . . Những dữ kiện đáng kể nhất là đối với hôn nhân. . . . Năm 2015, Giáo hội Giám Chức có con số kết hôn chưa đầy một phần tư số năm 1980” .

Những sự kiện đáng buồn trong lịch sử tôn giáo ủng hộ lập trường có tính tiên tri của Đức Phaolô đã tự bào chữa cho chúng. Tai họa giáng xuống Hiệp thông Anh giáo vì đã làm đúng điều các người bất đồng ý kiến với Humanae Vitae vốn muốn Giáo Hội Công Giáo làm: dành ngoại lệ cho những người thấy nó quá khó. Chắc chắn bất cứ ai thúc giục Rôma bước chân theo sự dẫn đường của Lambeth ngày nay trước hết phải giải thích tại sao số phận của đạo Công Giáo sẽ ra khác. Như David Goodhew lưu ý lần nữa trong bài báo trực tuyến của mình: "Nếu ta tin đức tin Kitô Giáo là tin mừng, thì ta nên tìm cách phát triển nó, và nên lo lắng khi nó bị co cụm".

Bản thảo không cháy

dont-burn.jpg

Eberstadt cho rằng Humanae Vitae là một thứ “Bản thảo không cháy" (2). Giống tác phẩm The Master and Margarita của Mikhail Bulgakov, viết thời thống trị dã man của Đế Quốc Xô Viết. Tác phẩm này mãi gần ba mươi năm sau cái chết của nhà văn vào năm 1940, mới được xuất bản. Nó bị trù dập nhưng không hề cháy và khi được xuất bản, nó trở nên, và hiện vẫn còn là một chấn động văn chương trên khắp thế giới.

"Bản thảo không cháy" đã trở thành một cuộc biểu dương cho bản chất bất khuất của sự thật. Sự thật, bất kể trong nghệ thuật hay nơi nào khác, có thể không được ai mong muốn, bị coi là bất tiện, bị ghét bỏ, bị chế giễu ở tất cả những nơi tốt nhất - thậm chí còn bị quấy rối, đàn áp, và buộc phải hoạt động “hầm trú”. Nhưng tất cả không làm nó trở thành bất cứ điều gì khác hơn là sự thật.

Thời nay, thời có sự theo dõi sát nút cả ở bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội, rất nhiều người trên khắp địa cầu đã biết các sự thật của Humanae Vitae và các giáo huấn liên quan của nó thẩy đều là những sự thật, dù chúng không được mong muốn hoặc chúng khó nhá. Họ là những người hành hương mới nhất trong dòng người trải dài từ hai ngàn năm trước. Họ đã phải hy sinh mới đứng vững tại nơi họ đang đứng, và họ vẫn còn đang hy sinh, cả bằng cách từ bỏ ý kiến của một thế giới chỉ biết nhạo báng.

Những người Công Giáo từ lúc nằm nôi và những người tân tòng cũng như vừa trở về, những người đồng hành không phải là Công Giáo, các giáo sĩ và giáo dân này đều có được sự an ủi nhờ một thực tại cuối cùng, rất có thể là thực tại quan trọng nhất. Bất kể các lo lắng lúc này là chi, bất kể sự bực tức cao độ hay phổ biến đến đâu đi nữa, thì hồ sơ thực nghiệm mỗi ngày mỗi tăng thêm vẫn tiếp tục xác minh cho thông điệp của Đức Phaolô VI. Humanae Vitae quả “không cháy”.

Viết theo Mary Eberstadt, “The Prophetic Power Of Humanae Vitae” trên The First Things số Tháng Tư, năm 2018

(1) Viết tắt của Bondage, Discipline, Dominance and Submission [nô lệ, kỷ luật, thống trị và tùng phục], tên khác của thống và ác dâm (sadomasochism).
(2) “Bản Thảo Không Cháy” (Manuscripts Don't Burn) là cuốn phim bi kịch Iran năm 2013 do Mohammad Rasoulof đạo diễn, nói về âm mưu bất thành nhằm sát hại toàn bộ chiếc xe búyt chở các nhà văn vào năm 1996. Nó được trình chiếu tại Đại Hội Phim Ảnh Cannes cùng năm và được giải FIPRESCI.

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 04.04.2018 15:34