Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Năm Linh Mục: Lời chứng của linh mục (2)

§ Lm Giuse Vũ Tiến Tặng

Trong chuyên mục Năm Linh Mục của tháng 10 năm 2009, trang mạng giáo phận Lyon đã phổ biến bài chia sẻ của cha Marcel Rwabutera, gốc Rwanda, chịu chức năm 1982, nhân dịp mừng ngân khánh linh mục vào năm 2007, và là cha xứ của Sainte Anne en Val de Grand từ năm 2002.

Vài nét về bản thân và gia đình

Cha Marcel Rwabutera sinh năm 1949 tại Rwanda trong một gia đình Công Giáo gồm 6 người con và là người con thứ 3 trong số đó. Bố của cha là một giáo lý viên từng phục vụ tại giáo xứ trong vòng ba mươi năm. Cùng với các giáo lý viên khác, ông thường xuyên chủ sự buổi cầu nguyện vào ngày chúa nhật. Ông là một trong số rất ít người trong làng biết đọc và biết viết. Chính trong môi trường đạo hạnh của gia đình mà ơn gọi của cha Marcel được nhen nhúm. Ngay bản thân cha cũng không biết chính xác là vào ngày nào và thời điểm nào. Chỉ biết rằng khát vọng trở thành linh mục bừng cháy trong tâm hồn đã từ lâu.

Rất may mắn vì bản thân cha là người duy nhất trong các anh em trong nhà được học hành. Thời ấy, chỉ có khoảng 10% trẻ em học đến cấp 2. Trước khi vào chủng viện, cha Marcel từng là giáo viên tiểu học trong vòng 3 năm. Số chủng sinh bước vào năm đầu tiên là 32 người, thế nhưng chỉ có 5 chủng sinh trong số đó kết thúc việc đào tạo và được chịu chức linh vục vào năm 1982. Nhiệm sở đầu tiên trong đời linh mục là chính giáo xứ tại quê hương. Những lần thuyên chuyển sau đó, cha đều cảm động bởi sự đón tiếp của các giáo dân.

Thế rồi vào năm 1994 tai bay vạ gió bỗng nhiên giáng xuống quê hương, đất nước và gia đình. Tất cả bố mẹ, anh em, các cháu và người thân đều bị giết trong các cuộc tàn sát sắc tộc. Bản thân cha được thoát chết nhờ vào sự can thiệp quân sự của lực lượng nước ngoài và được đưa ra khỏi Rwanda.

Ngay khi đặt chân đến Châu Âu, cha hoàn toàn bị sốc, bị mất đi niềm tin nơi con người. Tất cả các chuẩn mực, niềm xác tín và đức tin bị dao động. Không ngớt những câu hỏi luôn được đặt ra trong đầu: “ Đâu là ý nghĩa đích thực về sứ mạnh của tôi: Có phải tôi đang thực sự rao giảng Tin Mừng hay đơn giản chỉ là người được Rửa Tội ? ”. Cả những nỗi ám ảnh về cuộc tàn sát tại quê nhà mà Giáo Hội Rwanda đã trải cũng vẫn thoáng hiện và làm cha tự hỏi rằng liệu những Giáo Hội khác phải gánh chịu những hoàn cảnh tương tự, đó là lò sát sinh của thời hiện đại đối với đàn ông, phụ nữ, trẻ em và người già. “ Rất may, tôi đã gặp được những người Samaritanô nhân hậu. Chính họ đã nâng tôi đứng dậy ”, cha Marcel giãi bày.

Hồng ân không dừng lại ở Thứ Sáu Khổ Nạn

Dần dần, cha Marcel đã lấy lại được niềm tin. Những gì đã trải qua trong quá khứ giống như cuộc khổ nạn vì chỉ khi nào chấp nhận bước lên đồi Canvê thì sau đó mới có được sự phục sinh huy hoàng. Đó cũng là điều quy luật của cuộc sống nhân loại. Chính vì vậy không nên dừng lại mãi ở ngày Thứ Sáu Khổ Nạn. Ngài cũng thú nhận là trước đây trong tâm hồn còn thiếu một điều quan trọng đó là biết tha thứ. “ Ở một khoảng cách 6000 km để nói lên sự tha thứ thì quả là dễ. Tuy nhiên nếu như một ngày nào đó tôi trở lại Rwanda và nhìn diện đối diện với những người đã giết hại gia đình tôi. Liệu lúc ấy tôi có biết nhìn họ như là người anh em của tôi ? Và đối với họ, liệu họ có biết đón nhận tôi như người anh em ? ”, cha Marcel chia sẻ kinh nghiệm bản thân.

Thế rồi từ sự bình an bên ngoài, cha Marcel đã tìm thấy bình an trong tâm hồn. Ban đầu, trong hai năm theo học tại Đại Học Công Giáo Lyon, vị linh mục gốc Phi đã lấy lại được sinh khí. Sau đó, ngài xin đi phục phụ tại giáo xứ: gần 3 năm tại Renaison, 3 năm tại Neulise và bây giờ là giáo xứ Sainte Anne en Val de Grand trải rộng trên 3 ngôi làng với 6500 dân. Sau một chuỗi thời gian thích ứng, cha Marcel đã tìm thấy chỗ đứng của mình trong môi trường mới. “ Nhìn những giáo dân tham gia vào các hoạt động tông đồ, tôi thực sự khát khao được làm việc. Cũng vậy tôi rất muốn làm tròn phận sự như cha sở tiền nhiệm. Tôi đã không rơi vào một vùng đất cằn cỗi. Chỉ có một đấng Mêssia mà thôi ”, cha Marcel tâm sự.

Dành thời gian trong việc tiếp đón

Đối với vị linh mục người ngoài quốc này, xuất phát từ kinh nghiệm bản thân là từng được tiếp đón ân cần, nên tiếp đón là công việc ưu tiên hàng đầu. “Nếu không dành thời gian để lắng nghe thì không thể biết những người tìm đến mình cần cái gì, và họ là ai”, cha Marcel nhấn mạnh.

Ý thức được về thừa tác vụ linh mục và sự hiện diện của mình tại giáo xứ là để phục vụ cho tình huynh đệ, tình huynh đệ không phân biệt màu da, chủng tộc: “Sứ mạng của tôi là trở nên chứng nhân cho một Đấng đã tự trở nên anh em với hết mọi người trong vô vàn những khác biệt của chúng ta. Khi đọc kinh Lạy Cha, lúc ấy tôi thực sự nghĩ rằng ơn gọi của nhân loại là sống trong tình huynh đệ với nhau ”, vị linh mục ngoại quốc gốc Phi chia sẻ.

Bản thân hằng tâm đắc với câu Lời Chúa: “Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Mt 19, 29). Cha Marcel đã cảm nghiệm được câu nói ấy được ứng nghiệm ngay trong hiện tại và rất hạnh phúc vì được thừa hưởng những lời chúc lành ấy.

Khi mừng lễ kỷ niệm 25 năm linh mục vào năm 2007, cha Marcel nói rằng rất vui mừng vì là linh mục. Mãi mãi vẫn chỉ là niềm vui ấy. Ngài không quên tất cả những ai đã nâng đỡ mình trên con đường ơn gọi. Lời mời gọi của Đức Kitô đối với bản thân vẫn mang tính thời sự và vẫn vang vọng: “Hãy đi nói với mọi người là Thiên Chúa yêu họ, để nhờ ở trong tình yêu ấy mà họ có thể yêu thương người khác”.

(Tóm lược từ nguồn: http://lyon.catholique.fr/?Pretre-la-parole-du-mois,5197)

Lm Giuse Vũ Tiến Tặng

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 15.12.2009. 12:26