Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Năm linh mục: các nghịch lý và tương quan

§ Vũ Văn An

Ngày 4 tháng Sáu, trên tờ “The Catholic Standard and Times” của Tổng Giáo Phận Pensylvania, Mỹ, Đức Hồng Y Justin Rigali, Tổng Giám Mục của TGP này, có viết một bài về Năm Linh Mục.

Theo Đức Hồng Y, vị giáo hoàng đầu tiên biết tới nghệ thuật chụp ảnh là Đức GH Piô X. Các bức hình chụp vị giáo hoàng này phần nhiều cho thấy ngài đang giảng Phúc Âm cho giáo dân Rôma, dạy giáo lý cho trẻ em, những việc mà người ta vốn nghĩ là “nghề” của các cha xứ vùng quê. Điều ấy không có gì lạ. Bởi Đức Piô X từng là một cha xứ vùng quê như thế. Và dù ngài có làm giám mục, tổng giám mục, hồng y và giáo hoàng đi chăng nữa, thì “cốt cán” của ngài vẫn là tâm hồn và phong thái của một cha xứ, làm mọi công việc theo cung cách ấy. Trên bàn làm việc của ngài, ngoài tượng chịu nạn, không còn gì khác ngoài một bức tượng lớn. Hình ảnh bức tượng này không phải của một Thánh Tông Đồ hay một Thánh Tiến Sĩ vĩ đại nào đó, mà là của một cha xứ miền quê. Tên vị cha xứ ấy là Gioan Maria Vianney. Chính Đức Piô X phong á thánh cho vị cha xứ này năm 1905. Tước hiệu Quan Thầy Các Cha Xứ của vị thánh này thì do một vị giáo hoàng khác, Đức Piô XI (1922-1939), công bố. Chính vị giáo hoàng này đã phong hiển thánh cho ngài vào năm 1925.

Việc ấy âu cũng là một nghịch lý vì ai cũng biết Đức Piô XI vốn là một học giả, cựu quản thủ thư viện, người luôn miệt mài nghiên cứu khoa học, từng ký kết nhiều tông hiệp (concordat) có tính quốc tế quan trọng, trong đó có Reichskonkordat nổi tiếng với Đức, và nhất là hiệp ước Latran năm 1929 với Ý thiết lập ra Thị Quốc độc lập Vatican năm 1929 với ngài là quốc trưởng đầu tiên. Ngài từng vận động hết sức để tránh việc sát hại hàng loạt Kitô hữu tại Mễ Tây Cơ, Tây Ban Nha và nhất là Nga Xô, nhưng không thành. Ngài cực lực lên án cả chủ nghĩa Cộng Sản lẫn chủ nghĩa Quốc Xã nhưng không được sự hợp tác của các nền dân chủ Phương Tây, một thái độ bị ngài gọi là Âm Mưu Im Lặng (nực cười là một số người theo chủ nghĩa Xion đã dùng chính thuật ngữ này để gán ghép cho người kế vị ngài là Đức Piô XII). Nhà học giả và hoạt động không mệt nghỉ ấy vẫn tôn kính hình ảnh khiêm nhu thánh thiện của Cha Xứ Họ Ars.

Họ Ars là một họ đạo chỉ có 230 giáo dân lúc cha Gioan Maria Vianney đến đó nhận nhiệm sở. Đầu óc vị giám mục bản quyền chắc nghĩ: khả năng cha Vianney chỉ đến thế là cùng, chăm sóc một nhúm giáo dân 230 người. Trong bầu khí vẫn còn bị nhiễm độc bởi Cách Mạng Pháp, một cuộc cách mạng hoàn toàn sổ lồng lòng thù hận đối với Giáo Hội do những con người tự hào là đem ánh sáng lại cho nhân loại, thì một người ‘dốt nát’ như Vianney, phỏng làm được gì khác ngoài cái giáo xứ ‘khỉ ho cò gáy’ này? Nhưng đúng như cha chính giáo phận của cha từng nói: Giáo Hội cần nhất các linh mục thánh thiện, nên những linh mục như Cha Vianney mới thực sự cần cho nước Pháp thời hậu cách mạng. Bởi nước Pháp ấy đã chán ngấy một Giáo Hội phách lối, kênh kiệu với hiểu biết của mình, nhưng sống không phù hợp với những điều hiểu biết ấy. Nhờ thế, Cha Vianney đã được chào đón nồng nhiệt, chiếm được lòng người và ồ ạt dẫn họ trở về với Chúa và Giáo Hội. Đến năm 1855, những người kéo nhau tìm gặp cha xứ họ Ars lên đến hơn 20 ngàn người một năm, biến giáo xứ Ars thành một trung tâm sinh hoạt đạo đức sầm uất.

Năm nay, kỷ niệm năm thứ 150 ngày sinh của Cha Xứ Họ Ars, lại một nghịch lý khác xẩy ra: một vị giáo hoàng học giả khác cũng lưu ý tới vị thánh nhà quê, ‘dốt nát’ này. Không ai chối cãi việc Đức Bênêđíctô XVI được coi là một trong những đầu óc vĩ đại nhất của thời đại ta: Hơn 20 năm làm giáo sư đại học, 4 năm làm chuyên viên của Công Đồng Vatican II, sáng lập viên tạp chí thần học Communio từ 1972, cùng với Hans Urs von Balthasar và Henri de Lubac, hơn 20 năm làm bộ trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, người cầm cương cho nền chính thống Công Giáo và là lý thuyết gia trên thực tế của Tòa Thánh Vatican; nói thông thạo tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Anh, và tiếng Latinh; còn đọc được cả tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Hy Lạp Cổ, và tiếng Hibálai; hội viên của nhiều hàn lâm viện trong đó, có Hàn Lâm Viện Khoa Học Luân Lý Và Chính Trị (Académie des sciences morales et politiques) của Pháp. Nhưng, trong tư cách linh mục (cốt lõi của bất cứ vị giáo hoàng nào cũng là linh mục), thì mẫu người lý tưởng vẫn là Cha Xứ Họ Ars. Không những Đức Thánh Cha Bênêđíctô cho mở Năm Linh Mục nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của vị thánh này, mà còn sẽ phong cho vị thánh này làm Bổn Mạng Mọi Linh Mục, bất cứ làm cha xứ hay không, bất cứ thông thái hay không và bất kể có đạo đức hay không.

Bốn chiều kích thánh thiện của linh mục

Theo Đức Hồng Y Rigali: lý do khiến vị giáo hoàng học giả chú ý tới vị thánh toan không được chịu chức linh mục chỉ vì học quá kém này là vì Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI không phải chỉ có hiểu biết tri thức mà còn biết rõ tầm quan trọng của sự thánh thiện. Tầm quan trọng này ngài học được do kinh nghiệm các biến cố long trời lở đất của năm1968, lúc các sinh viên toàn thế giới đứng lên toan phá bỏ trật tự cũ để thiết lập ra một thế giới mới biết trung thực với chính mình, biết nói trắng là trắng, nói đen là đen, biết giữ cho mình toàn vẹn, không bị tâm thần phân liệt (schizophrenia), sống nước đôi hai mặt. Thánh thiện chính là toàn vẹn. Chỉ có mẫu người ấy mới nói truyện được với con người thời nay, nhất là giới trẻ.

Có điều, sự thánh thiện của linh mục không có tính cá thể. Khi công bố Năm Linh Mục, Đức Bênêđíctô XVI nhấn mạnh tới việc các ngài phải sống sứ mệnh mình giữa lòng Giáo Hội và để phục dịch Giáo Hội. Sứ mệnh ấy vì thế có đến bốn chiều kích: giáo hội, cộng đoàn, phẩm trật và hợp tín lý. Giáo hội, vì không linh mục nào được công bố mình ở ngôi thứ nhất; mọi linh mục phải ý thức rõ mình đang đại diện cho một Người Khác có tính thế giới, cho chính Thiên Chúa. Người phải là kho báu duy nhất người ta thèm muốn tìm thấy nơi linh mục. Sứ mệnh linh mục phải có tính cộng đoàn, vì nó được thi hành trong hiệp nhất và hiệp thông với toàn thể Giáo Hội. Đàng khác, sự hiệp nhất và hiệp thông kia chủ yếu phát sinh từ việc sống thân mật với Thiên Chúa, một sự thân mật mà linh mục được mời gọi trở nên chuyên viên chuyên nghiệp, đến có thể dẫn dắt các linh hồn đã được giao phó cho mình đến cùng một cuộc gặp gỡ ấy với Chúa một cách khiêm nhu và đầy tin tưởng. Sau cùng, sứ mệnh ấy phải có tính phẩm trật và hợp tín lý, nghĩa là phải biết tái khẳng định tầm quan trọng của kỷ luật, huấn luyện về tín lý cũng như đào luyện về thần học và liên tục tu nghiệp (Xem Bài Diễn Văn cho nhân viên Thánh Bộ Giáo Sĩ nhân ngày công bố Năm Linh Mục, 16 tháng Ba năm 2009).

Trái Tim Chúa Giêsu

Theo Đức Hồng Y Rigali, không phải là tình cờ mà Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI chọn Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu làm ngày khai mạc Năm Linh Mục. Vì Thánh Gioan Vianney từng nói: “Chức linh mục chính là tình yêu trong Thánh Tâm Chúa Giêsu”. Thành ra ba thực tại: Thánh Tâm, Chức Linh Mục và Thánh Gioan Vianney có tương quan mật thiết với nhau. Tình yêu trong Thánh Tâm Chúa Giêsu lên cực điểm trong hai biến cố Tiệc Ly và Cái Chết của Chúa Giêsu. Người tiếp cận “giờ” của Người một cách đầy âu lo. Người nói với các môn đệ rằng: “Thầy rất ước ao được ăn Lễ Vượt Qua này với các con trước khi Thầy chịu đau khổ” (Lc 22:15).

Phúc Âm Thánh Gioan nói với ta rằng Chúa Giêsu “yêu thương những kẻ thuộc về Người còn ở thế gian này và Người thương yêu họ cho đến cùng” (Ga 13:1). Tình yêu của Người đổ tràn ra khi Người ban cho các Môn Đệ, và cho tất cả chúng ta, chính con người của Người trong Phép Thánh Thể. Điều này nhắc ta nhớ rằng tình yêu của Chúa Giêsu không hề ở thế tĩnh. Nó luôn sống động và bền bỉ. Ta cũng được nhắc nhở rằng ta không phải chỉ tin vào một cuốn sách hay một bộ lề luật, mà ta cũng không chỉ tin vào một định chế. Nhưng trước nhất, ta tin vào một người, là chính Chúa Giêsu, Đấng đã yêu thương ta bằng một tình yêu đời đời và mời gọi ta yêu Người trở lại bằng một tình yêu cá thể và có tính bản thân. Ta yêu Lời của Người, các giới răn của Người và cả Giáo Hội của Người nữa vì tất cả đều là những vươn dài của chính Người.

Vì tình yêu của Chúa Giêsu sống động và bền vững, nên nó cần được tiếp diễn trên thế giới cho đến ngày tận cùng. Thánh Thể chính là món quà tiếp diễn của Tình Yêu Chúa Giêsu. Theo kế hoạch Thiên Chúa, Sự Hiện Diện Thánh Thể xuất hiện qua Chức Linh Mục. Chúa Giêsu đã chọn một phương thế tuyệt hảo để ban tình yêu của Người cho ta trong Thánh Lễ, trong Hiệp Lễ và trong Nhà Chầu. Người sử dụng các dụng cụ nhân bản, các con người bất toàn, những người được Người kêu gọi tiếp tục vai trò và sứ mệnh của các Tông Đồ, thực hiện việc Người đã làm. Suốt hai ngàn năm qua, “ơn phúc và mầu nhiệm” này, thuật ngữ được Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dùng để chỉ chức linh mục, đã được thông truyền cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi cách mầu nhiệm để Tình Yêu của Người được khắp thế gian biết tới nhờ Lời của Người và nhờ Lời đã thành Nhục Thân trong Phép Bí Tích Cực Trọng.

Một cách khác để nhìn Năm Linh Mục là lời của Đức Hồng Y Claudio Hummes, Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Sĩ, suy niệm về năm này rằng năm nay sẽ là một dịp tốt để mọi người biết đánh giá căn tính linh mục, nền thần học về chức linh mục Công Giáo, và ý nghĩa phi thường của ơn gọi và sứ mệnh linh mục trong Giáo Hội và trong xã hội, với sự tham dự nồng nhiệt của giáo dân Công Giáo, những người rất qúy yêu các linh mục của họ và muốn thấy các ngài được hạnh phúc, thánh thiện và hân hoan trong các lao nhọc tông đồ hằng ngày của các ngài.

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 16.06.2009. 13:15