Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Mười sự kiện quan trọng trong đời sống Giáo Hội Hoàn Vũ năm 2006

§ J.B. Đặng Minh An

(VietCatholicNews 26/12/2006)

1. Biến cố Regensburg

Sự kiện nổi bật nhất trong năm 2006 có lẽ là bài diễn thuyết của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI tại Đại Học Regensburg, Đức Quốc hôm 12/9/2006. Đức Thánh Cha đã trình bày diễn từ này như một thách đố đối với cả Hồi Giáo lẫn chủ nghĩa thế tục Tây phương, và bênh vực cho liên kết cần thiết giữa đức tin và lý trí. Tuy nhiên, một câu trích dẫn trong bài diễn từ của ngài đã bị những thủ thuật truyền thông bóp méo làm cho người Hồi Giáo trên khắp thế giới nổi điên lên.

Trong phần dẫn nhập của bài diễn từ, Đức Thánh Cha đã trích dẫn một đoạn trong cuốn sách của một học giả Li Băng, giáo sư Theodore Khoury (Muenster) liên quan đến cuộc đối thoại diễn ra – khoảng năm 1391 trong các trại lính mùa đông gần Ankara, giữa Đại Đế uyên thâm của Byzatine là Manuel II Paleologus và một học giả Ba Tư, ông Ibn Hazn, về chủ đề Kitô Giáo và Hồi Giáo, và chân lý của cả hai tôn giáo.

Vị đại đế này nói:

“Hãy chỉ cho tôi thấy Mohammed đã mang lại điều gì mới, và ở đó bạn chỉ thấy toàn là sự dữ và phi nhân bản, chẳng hạn như lệnh truyền của Mohammed là phải dùng gươm giáo để truyền bá niềm tin mà ông ta đã rao giảng”.

Trong rất nhiều bài báo thay vì nói Đức Thánh Cha “quotes” (trích dẫn), người ta dùng từ “remarks” hay “comments” và tránh né không nhắc đến tên vị đại đế Manuel II Paleologus để cố tình gây ra ngộ nhận cho rằng đó là ý kiến của chính Đức Thánh Cha. Cuộc khủng hoảng ở tầm mức quốc tế này đã khiến cho diễn từ của Đức Thánh Cha trở thành tài liệu được nhiều người tìm đọc nhất trong các diễn văn Giáo Hoàng từ trước đến nay. Trên Web site của VietCatholic, bản dịch Việt Ngữ (có thể xem tại đây http://vietcatholic.net/news/html/37545.htm) cho đến giờ này là bản dịch diễn văn Giáo Hoàng được nhiều người đọc nhất, với số lượt người xem đã hơn 80,000.

Phân khoa Hùng Biện của Đại học Tübingen tại miền Nam Đức đã bình chọn diễn từ của Đức Thánh Cha là bài diễn văn hay nhất trong năm 2006 về nhiều phương diện. Trong bài diễn văn sáng chói này, Đức Benedictô XVI đã đưa ra 3 điểm tối quan trọng.

2. Chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Đức Thánh Cha

Trong những ngày từ 28/11 đến 1/2/2006, thế giới hướng về Thổ Nhĩ Kỳ để hồi hộp theo dõi chuyến tông du của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, một chuyến tông du được vị cựu giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Tiến Sĩ Navarro -Valls, mô tả là một chuyến tông du “liều lĩnh” sau biến cố triệu triệu người Hồi Giáo nổi điên lên trước bài thuyết trình tại Đại Học Regensburg của Đức Thánh Cha hôm 12/9.

Giới truyền thông, thường khi thờ ơ hay thậm chí có ác cảm trước sứ điệp Tin Mừng, đã tỏ ra quan tâm đặc biệt đến chuyến tông du này. Người ta chờ đợi những tiếng súng, một vị Giáo Hoàng ngã gục, hay đi xa hơn là một cuộc thế chiến như “nhà dăng” Yuvel Kaya trong cuốn tiểu thuyết giả tưởng “Âm mưu chống Giáo Hoàng”. Bớt giật gân hơn, và có vẻ thực tế hơn, họ chờ đợi những cuộc biểu tình khổng lồ của người Hồi Giáo, và/hay một sự thất bại nhục nhã của Đức Bênêđíctô XVI trước sự thờ ơ của dân Thổ.

Tuy nhiên, khi Đức Thánh Cha kết thúc chuyến tông du của ngài, cũng là lúc giới truyền thông quốc tế đồng loạt lên tiếng với những lời ngợi khen như “can đảm”, “thành công hiển nhiên”, “ngoạn mục”, “ít nhất 5 triệu người dân Thổ dán mắt vào truyền hình theo dõi biến cố Đức Giáo Hoàng thăm đền thờ Xanh” …

Cởi giầy ra và đứng yên lặng cầu nguyện bên cạnh một giáo sĩ Hồi Giáo bên trong Đền Thờ Hồi Giáo Xanh tại Istanbul, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã tạo ra một hình ảnh không thể xóa mờ về thiện chí của ngài muốn có một cuộc đối thoại với thế giới Hồi Giáo.

Tuy nhiên, đối thoại là con đường tìm ra sự thật. Đối thoại không thể là nịnh bợ, tâng bốc hay dại dột hơn là xin lỗi cho qua chuyện. Những điều đó chỉ giết chết sự thật. Thành ra, trong suốt chuyến tông du, Đức Giáo Hoàng đã không rút lại luận điểm của ngài, đã được đưa ra hai tháng trước tại Đại Học Regensburg là Hồi Giáo có vấn đề với bạo lực.

“Trên tất cả mọi sự, chúng tôi muốn khẳng định rằng việc giết hại những người vô tội nhân danh Thiên Chúa là một xúc phạm đến Ngài và xúc phạm đến phẩm giá nhân loại.”, Đức Giáo Hoàng đã nói như trên trong một tuyên ngôn chung với Đức Thượng Phụ Bathôlômêô I.

Ngài cũng đã dùng chuyến viếng thăm để lặp lại yêu cầu của ngài cho “sự có qua có lại”, khi thách đố các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo tại các quốc gia Hồi Giáo ban bố cho các cộng đoàn Kitô Giáo thiểu số có những quyền tự do mà chính người Hồi Giáo đòi hỏi cho họ tại Tây Phương.

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha cũng đã thắt chặt tình thân ái với Chính Thống Giáo. Ngay từ buổi đầu sứ vụ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã cam kết xem đại kết là ưu tiên đầu trong triều đại Giáo Hoàng của ngài. Như ngài đã phát biểu hôm 20/4/2005, trong bài giảng tại nhà nguyện Sistina, một ngày sau khi đắc cử Giáo Hoàng, “người Kế Vị Thánh Phêrô hiện nay cảm thấy có trách nhiệm cá nhân về vấn đề này, và sẵn sàng làm mọi điều có thể trong khả năng của mình để đẩy mạnh nền tảng căn bản của tiến trình đại kết. Theo bước chân của các vị tiền nhiệm mình, ngài quyết tâm cổ vũ mọi sáng kiến xem ra thích hợp để đẩy mạnh các liên hệ và hiểu biết với các đại diện của các Giáo Hội và các Cộng Đoàn Tôn Giáo khác”. Hành trình của Đức Thánh Cha đến Istanbul được nhìn trong bối cảnh này, và đã đạt đến giây phút quan trọng trong buổi cầu nguyện chung và trong cuộc gặp gỡ hôm 29/11 với Đức Thượng Phụ Bathôlômêô I tại Vương Cung Thánh Đường của Tòa Thượng Phụ.

Một chỉ dấu cụ thể cho thấy quan hệ giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo đã được phát triển như thế nào là việc các tín hữu Chính Thống Giáo tại Hoa Kỳ cám ơn Đức Thánh Cha. Trong một cử chỉ vô tiền khoáng hậu, các tín hữu Chính Thống Giáo tại Hoa Kỳ đã bày tỏ lòng biết ơn Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI vì sự ủng hộ của ngài đối với Đức Thượng Phụ Barthôlômêô I, Thượng Phụ Đại Kết Chính Thống Giáo. Các tín hữu Chính Thống Giáo Mỹ đã thuê tờ New york Times, tờ báo có số ấn bản cao nhất tại Hoa Kỳ, đăng trên trọn một trang báo khổ lớn trong số ra ngày 21/12/2006 vừa qua hình Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI và Đức Thượng Phụ Barthôlômêô I.

Bức hình chụp hai vị trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI tại Thổ Nhĩ Kỳ đã được đính kèm với hàng chữ: “Các tín hữu Chính Thống Giáo Hoa Kỳ cám ơn Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI vì sự hỗ trợ lâu dài dành cho người bạn cùng chí hướng, và tông đồ hòa bình là Đức Thượng Phụ Barthôlômêô I.”

Ba mục tiêu của chuyến tông du của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đến Thổ Nhĩ được nêu ra từ đầu - một chuyến tông du mục vụ, một hành trình đại kết, và một cuộc đối thoại với thế giới Hồi Giáo - đã được hoàn thành rất xuất sắc.

3. Thông Điệp Deus Caritas Est (Thiên Chúa là Tình Yêu)

Sau khi đã xuất bản bao nhiêu là sách với một tốc độ kỷ lục trước khi được bầu lên ngôi Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha đã đợi nhiều tháng trước khi đưa ra thông điệp đầu tiên trong triều Giáo Hoàng của ngài. Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu là một suy tư sâu sắc của Đức Thánh Cha về bản chất của tình yêu Thiên Chúa và vai trò của các cá nhân và các cơ quan bác ái trong đời sống Giáo Hội. Khi giới thiệu tài liệu này tại Rôma hôm 24/1/2006, Đức Giám Mục Josef Cordes cho rằng đây là một tài liệu “gây chấn động”.

Quý vị có thể đọc tại đây:

Phần I: http://vietcatholic.net/News/Read.aspx?id=32476

Phần II: http://vietcatholic.net/News/Read.aspx?id=32475

4. Thay đổi trong giáo triều Rôma

Ngày 15/9/2006, trong không khí đang căng thẳng của biến cố Regensburg với những cuộc biểu tình rầm rộ khắp nơi trên thế giới, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone đã chính thức nhận nhiệm vụ mới là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh thay cho Đức Hồng Y Angelo Sodano, người đã giữ chức vụ này trong thời gian kỷ lục là 16 năm.

Cùng với sự thay đổi này, Đức Thánh Cha cũng đã bổ nhiệm các vị khác như Đức Hồng Y Ivan Dias của Ấn Độ trong chức vụ Tổng Trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho các dân tộc; và Đức Hồng Y Claudio Hummes trong chức vụ Tổng Trưởng Bộ Giáo Sĩ.

5. Đức Thánh Cha tấn phong 15 hồng y mới

Ngày 24/3/2006, Đức Thánh Cha đã tấn phong Hồng Y cho 15 vị trong đó có 12 vị dưới 80 tuổi, mà vị trẻ nhất là 60 và cao tuổi nhất là 74.

Các vị dưới 80 tuổi được tấn phong gồm:

Các vị trên 80 tuổi được tấn phong gồm:

Sau lần tấn phong này, Giáo Hội có 193 vị Hồng Y, trong đó có 120 vị dưới 80 tuổi là tuổi được tham dự việc bầu cử Giáo hoàng.

6. Quan hệ giữa Giáo Hội và Bắc Kinh

Năm 2006 bắt đầu với những tuyên bố của nhà cầm quyền Trung quốc về khả năng cải thiện quan hệ ngoại giao đã bị gián đoạn từ năm 1951 sau khi cộng sản chiếm được Hoa Lục. Tuy nhiên, năm 2006 đã kết thúc bằng những diễn biến rất xấu trong quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh.

Hôm 30/4/2006, dưới sự đạo diễn của Hội Công Giáo Yêu Nước, 9 giám mục Trung Hoa đã tham dự vào trò tấn phong giám mục trái phép cho linh mục Joseph Ma Yinglin làm giám mục Côn Minh mặc dù trước đó, Đức Hồng Y Trần Như Quân đã gởi điện thư phản đối sang giáo phận Côn Minh yêu cầu ngưng vụ tấn phong trái phép này.

Tiếp ngay sau đó, hôm 2/5/2006, 5 giám mục Trung Hoa khác lại dính líu vào một vụ tấn phong trái phép khác cho linh mục Joseph Liu Xinhong của giáo phận Anhui. Chính bộ Giáo Sĩ đã liên lạc với linh mục Joseph Liu Xinhong yêu cầu đừng tham dự vào trò hề tấn phong này nhưng đương sự bất chấp.

Vì thế, trong thông báo đưa ra hôm 4/5/2006, trưởng phòng Báo Chí Tòa Thánh, Tiến Sĩ Joaquin Navrrro-Valls trích dẫn điều 1382 trong Bộ Giáo Luật của Giáo Hội Công Giáo theo đó "cả vị Giám Mục chủ phong, và vị Giám Mục được phong đều bị vạ tuyệt thông vì không có sự đồng ý của Đức Giáo Hoàng," và bằng việc ngang nhiên hành động như vậy, có nghĩa là chính họ đã tự động bị vạ tuyệt thông rồi.

Thông cáo của Tòa Thánh, tuy không đề cập cụ thể tên những người bị vạ tuyệt thông nhưng hàm ý ám chỉ các ông Dong Guangqing, chủ phong tại Côn Minh; Joseph Ma Yinglin, người được tấn phong tại Côn Minh; Wu Shizhen chủ phong tại Anhui; và Liu Xinhong, người được tấn phong tại Anhui.

Trước phản ứng quyết liệt của Tòa Thánh, nhà nước Trung quốc đã mời đoàn đại biểu Tòa Thánh đến Bắc Kinh và hứa không đưa ra thêm những vụ tấn phong như thế nữa.

Tuy nhiên, hôm 30/11/2006, Trung quốc lại tấn phong giám mục trái phép cho linh mục Gioan Wang Renlei, tại Xuzhou thuộc tỉnh Jiangsu. Lần này tình hình còn nghiêm trọng hơn vì hai giám mục tại tỉnh Hồ Bắc, là các Đức Cha Phêrô Feng Xinmao, Giám Mục phó giáo phận Hengshui, và Đức Cha Li Liangui của giáo phận Cangzhou tỉnh Xianxian, đã bị nhà cầm quyền giam giữ và bắt cóc để cưỡng chế phải tham dự lễ tấn phong giám mục trái phép cho linh mục Wang Renlei.

Trước lễ tấn phong, Đức Cha Li Liangui trốn thoát được. Đức Cha Phêrô Feng Xinmao bị buộc phải tham dự nhưng từ chối không đồng tế. Tuy nhiên ba giám mục khác đã tích cực tham gia vào trò tấn phong trái phép này.

Trước diễn biến này, hôm 2/12/2006, Tòa Thánh đã ra thông báo khẳng định không chấp nhận những người mới được tấn phong là giám mục và nhắc lại điều 1382 trong Bộ Giáo Luật của Giáo Hội Công Giáo để khẳng định vạ tuyệt thông của những người tham gia vào trò này.

7. Vạ tuyệt thông dành cho Emmanuel Milingo

Năm 1983, Emmanuel Milingo lúc đó đang là Tổng Giám Mục Lusaka, Zambia, đã bị buộc phải từ chức vì những hành vi không đúng đắn. Năm 2001, Emmanuel Milingo lại gia nhập giáo phái Sun Myung Moon và kết hôn với Maria Sung, một phụ nữ Đại Hàn. Cuối năm đó, Emmanuel Milingo được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cho quay về với Giáo Hội và sống tại Rôma.

Tháng 6 năm nay, Emmanuel Milingo biến mất khỏi nơi cư trú tại Rôma và gia nhập nhóm George Stallings, một linh mục thuộc tổng giáo phận Washington đã bị treo chén và đang điều hành một giáo phái gần Capitol Hill. Emmanuel Milingo đã xuất hiện cùng George Stallings trong một buổi họp báo tại Washington DC vào tháng 7 vừa qua kêu gọi Giáo Hội bãi bỏ luật độc thân linh mục.

Đi xa hơn, ngày 24/9/2006, Milingo quyết định tấn phong giám mục cho 4 cựu linh mục đã huyền tục và đã có gia đình.

Tòa thánh tức khắc ra vạ tuyệt thông cho Milingo và 4 người nói trên hôm 26/9/2006.

Đức Thánh Cha đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và đã triệu tập một phiên họp kéo dài 3 tiếng đồng hồ tại Vatican với các vị lãnh đạo trong giáo triều Rôma hôm 16/11/2006.

Hôm 10/12, Milingo lại phong chức linh mục cho một người đã có gia đình tại New york sau một cuộc họp kéo dài 4 ngày với khoảng 100 cựu linh mục đã huyền tục tại Hoa Kỳ.

8. Phục hồi Thánh Lễ La Tinh từ thời Công Đồng Tridentinô

Đức Thánh Cha sẽ ban hành một tự sắc (motu proprio) cho phép sử dụng rộng rãi Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh có từ thời Công Đồng Tridentinô (diễn ra trong khoảng thời gian 13/12/1545 cho tới 4/12/1563). Vấn đề cử hành Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh đã là nguyên nhân chính dẫn đến biến cố ly giáo của Tổng Giám Mục Pháp Marcel Lefebvre.

Trong khi nhiều Giám Mục Pháp tỏ ra không hài lòng trước diễn biến này, sáng thứ Ba 12/12/2006, Ủy ban Giáo Hội Chúa (Ecclesia Dei) đã có phiên họp khoáng đại để thảo luận về một tài liệu của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI cho phép cử hành rộng rãi hơn các thánh lễ bằng tiếng La Tinh. Đức Hồng Y Jorge Medina Estevez, người Chi Lê, đã xác nhận như trên sau phiên nhóm vào buổi sáng của ủy ban. Đức Hồng Y cũng cho biết trong tương lai rất gần (được tin là sau lễ Giáng Sinh), Đức Thánh Cha sẽ ban hành một tài liệu cụ thể về vấn đề này dưới dạng một tự sắc.

9. Tái tục đối thoại đại kết Công Giáo và Chính Thống Giáo

Sau 6 năm gián đoạn, đối thoại đại kết Công Giáo và Chính Thống Giáo đã được tái tục tại Belgrade, Nam Tư từ 18/9 đến 24/9/2006.

Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Serbi Pavle đã giúp tổ chức hội nghị này tại Belgrade. Đức Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo John Zizioulas của giáo phận Pergamon và Đức Hồng Y Walter Kasper, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Hiệp Nhất Kitô Giáo đã là đồng chủ tọa.

Về phía Công Giáo còn có Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna, Áo; Đức Hồng Y William Keeler của tổng giáo phận Baltimore, Hoa Kỳ và Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran.

Chủ đề được đưa ra thảo luận là “Những hệ quả về giáo luật và giáo hội học của bản chất bí tích của Giáo Hội”.

Ủy ban đối thoại đại kết Công Giáo và Chính Thống Giáo đã được thành lập vào tháng 11/1979 theo sáng kiến của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Đức Thượng Phụ Đại Kết Dimitrios I. Tháng 7/2000 hai bên đi đến bế tắc khi Chính Thống Giáo đặt vấn đề "uniatism"- đây là thuật ngữ của Chính Thống Giáo để đề cập đến các Giáo Hội Công Giáo theo nghi lễ Đông Phương hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh.

Tháng 6/2004, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đưa ra lời kêu gọi tái tục các cuộc họp đại kết và Đức Thượng Phụ Đại Kết Bathôlômêô I đồng ý.

Cuộc họp kết thúc hôm 24/9/2006 đã rất thành công nhưng lại bất ngờ gặp chỉ trích dữ dội của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa. Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga Alexis II đã bất bình với một câu trong tuyên bố chung theo đó Công Giáo coi Đức Thượng Phụ Đại Kết thành Constantinople là nhà lãnh đạo thế giới Chính Thống Giáo.

Đối thoại đại kết Công Giáo và Chính Thống Giáo có hơi thở mới hôm 29/11 trong cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha với Đức Thượng Phụ Bathôlômêô I tại Vương Cung Thánh Đường của Tòa Thượng Phụ. Nhiều nguồn tin cho rằng Đức Thượng Phụ đã đề nghị Đức Thánh Cha đóng một vai trò tích cực trong lần họp tới của ủy ban và có thể cả hai vị sẽ tham dự lần họp tới tại Ravenna (Italia).

10. Tòa Thánh lên án hội nghị Teheran

Người Do Thái đã tỏ ra vui mừng trước sự bênh vực mạnh mẽ của Tòa Thánh trong vụ hội nghị về Holocaust (vụ tàn sát người Do Thái trong thế chiến thứ hai) diễn ra tại Teheran, Iran dưới sự bảo trợ của tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad. Hôm 12/12/2006, Tòa Thánh đã đưa ra thông cáo báo chí mạnh mẽ lên án hội nghị này.

Mục đích của hội nghị này là nhằm phủ nhận vụ Holocaust, coi đó là chuyện giả tưởng chưa bao giờ xảy ra, hoặc nếu có xảy ra thì xảy ra theo một cách khác hơn là người ta tưởng từ trước đến nay.

Tưởng cũng nên nhắc lại là hôm 8/12/2005, trong cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình Ả rập Al-Alam trong khuôn khổ cuộc họp của các nước Hồi Giáo tại Mecca, ông Ahmadinejad đã công khai bày tỏ thái độ nghi ngờ về vụ Holocaust.

Ông nói: “Nhiều nước Châu Âu kiên quyết cho rằng trong cuộc thế chiến lần thứ hai, Hitler đã thiêu đốt hàng triệu người Do Thái và đẩy họ vào trong các trại cải tạo…Sử gia, nhà bình luận, hay nhà khoa học nào nghi ngờ chuyện này thì bị bỏ tù hay bị lên án. Dù không tin chuyện này nhưng cứ cho thế là đúng đi thì lẽ ra nếu người Châu Âu thành thực họ phải chia một số tỉnh nào đó tại Đức, Áo hay các nước khác cho những người Do Thái để họ có thể lập quốc tại Châu Âu. Quý vị cứ tặng ra một phần của Châu Âu và chúng tôi sẽ ủng hộ điều đó”.

Sau khi Ahmadinejad đưa ra tuyên bố này, các nhà chính trị Do Thái, Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ đã mạnh mẽ lên án. Ông Kofi Annan, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tuyên bố ông “hết sức kinh ngạc” trước tuyên bố xuyên tạc lịch sử này. Cả Ả rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên tiếng chỉ trích coi tuyên bố này làm ảnh hưởng đến bộ mặt Hồi Giáo.

Phóng lao thì đành phải theo lao, Mahmoud Ahmadinejad đã quyết định triệu tập một hội nghị tại Teheran để củng cố cho luận điểm không tin có Holocaust của mình.

Trong thông cáo báo chí, Tòa Thánh nhấn mạnh rằng Holocaust là “một đại thảm kịch mà chúng ta không thể thờ ơ”.

"Chiến dịch diệt chủng chống lại dân tộc Do Thái là một thảm kịch lớn lao trong đó toàn thể dân tộc Do Thái là mục tiêu bị hủy diệt. Ký ức về biến cố kinh hoàng này cần phải là một lời cảnh cáo đối với lương tâm con người”.

Thông cáo do cha Federico Lombardi, trưởng phòng báo chí Tòa Thánh đưa ra cũng đề cập đến những tài liệu liên quan đến Holocaust đã được các nhà lãnh đạo Công Giáo đưa ra như diễn từ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại đài tưởng niệm Yad Vashem tại Giêrusalem hồi tháng 3/2000, diễn từ của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI tại Auschwitz hồi tháng 5/2006; và một hội nghị về Holocaust (hay Shoah) của Tòa Thánh hồi tháng 3/1998.

J.B. Đặng Minh An

Đọc nhiều nhất Bản in 28.12.2006. 15:27