Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Lương Tâm là một Hồng Ân

§ Phaolô Phạm Xuân Khôi

Đức Cựu Tổng Giám Mục Saint Paul-Munneapolis Thúc Giục về việc Đào Luyện trong Thế Giới Tương Đối

Saint Paul, MN, ngày 23 tháng 5, năm 2008 (Zenit.org). Đức Tổng Giám Mục (ĐTGM) về hưu của Saint Paul-Minneapolis đã đề ra rằng một sự hiểu biết rõ ràng hơn về lương tâm có thể đưa đến việc quý trọng nó cách sâu xa hơn, và gây ra hứng thú trong việc đào luyện nó.

ĐTGM Harry Flynn xác quyết điều này trong thư mục vụ được công bố hôm Thứ Hai, tựa đề là “Lương Tâm Luân Lý.” ĐTGM Flynn đã về hưu vào ngày mùng 2 tháng 5 vừa qua, khi ngài được 75 tuổi.

Trong phần thứ nhất của bức thư, ĐTGM đề nghị rằng điều khác thường của sự hiểu biết thời nay về điều phải và điều trái là “hiện nay người ta nghi ngờ chính cả ý tưởng về việc biết thế nào là phải hay trái.”

Ngài giải thích, “Việc nghi ngờ chân lý về phải trái, nghi ngờ cả việc có thể biết điều gì chắc chắn hay không đưa đến cái mà chúng ta gọi là ‘thuyết tương đối’. Thuyết này đã bò ra từ từ trong nhiều thế kỷ qua, dần dân thay đổi cách chúng ta suy nghĩ về chính mình và thế giới.”

ĐTGM Flynn đã ghi nhận về cách thức thuyết tương đối hoạt động ra sao: “Loại thuyết tương đối này đưa đến một quan điểm cho rằng điều tốt hay xấu tùy thuộc vào việc chúng thích hợp hay không thích hợp với sở thích của tôi, bởi vỉ chúng phù hợp hay không phù hợp với những gì tôi nghĩ là tốt nhất cho tôi -- gần giống như là việc quyết định lái loại xe nào hay thưởng thức loại nhạc nào. Đương nhiên, sở thích đóng một vai trò chính đáng trong đời sống chúng ta, nhưng những chọn lựa thuần túy đặt mình làm trọng tâm không bao giờ có thể được dùng làm nền tảng cho việc thỏa mãn chân chính hoặc là một cách để phục vụ công ích.”

Điều Thiết Yếu

Sau đó, ĐTGM lưu ý đến vai trò của chân lý trong đời sống luân lý.

Ngài nói: “Chân lý là điều thiết yếu cho mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa và với nhau. Sự điên rồ của cái mà chúng ta gọi là thuyết tương đối hệ tại vào việc nó thử chấp nhận tất cả những gì có thể được là thật và cuối cùng không chấp nhận điều gì thật sự là thật.”

ĐTGM tiếp tục, “Thiên Chúa đã ban cho chúng ra phương tiện để tìm ra chân lý, Ngài đã ban cho chúng ta Đức Tin và lý trí, và cả hai đều là hồng ân của Ngài, cả hai đều có giá trị trong việc đi tìm chân lý, đi tìm Thiên Chúa của chúng ta. Thay vì làm giảm giá trị khả năng của lý trí, Hội Thánh luôn cương quyết bảo vệ nó. Hội Thánh không thấy có mâu thuẫn giữa lý trí và Đức Tin, nhưng đã nhận ra sự liên hệ theo trật tự của chúng.

“Việc tìm kiến chân lý của lý trí không có gì là sai cả, nhưng nếu chỉ lệ thuộc vào lý trí mà thôi thì không hoàn toàn đầy đủ. Việc tìm kiếm này được hoàn thành trong hành động của Đức Tin.”

Tự Do

ĐTGM ghi nhận, “Tự do chân chính không phải là khả năng có thể chọn điều lành hay điều dữ như chúng ta đôi khi lầm tưởng. Khả năng chọn điều dữ đúng ra là lạm dụng tự do. Tự do chân chính là khả năng luôn luôn có thể chọn điều gì thật sự là tốt lành, và chúng ta chỉ có thể làm điều này nếu chúng ta biết chính xác điều gì là tốt và đúng và điều gì là sai. Biết chân lý và chân lý sẽ thật sự giải phóng chúng ta.”

Như thế ngài đã giải thích, “Không có mâu thuẫn giữa một Hội Thánh trao ban tình yêu của Đức Kitô và một Hội Thánh dạy về chân lý mà Đức Kitô là hiện thân.”

Với hậu cảnh ấy, ĐTGM đề cập đến vai trò của lương tâm.

Ngài nói, “Lương tâm đo lường những hành động có chủ ý dựa theo tiêu chuẩn khách quan của luật luân lý, là một bình diện của chân lý giải phóng chúng ta, và Hội Thánh làm chứng cho chân lý ấy. Lương tâm áp dụng luật này của tình yêu vào những hoàn cảnh đặc biệt của đời sống hằng ngày.”

ĐTGM tiếp tục, “Nói cách khác, lương tâm không quyết định điều gì là phải hay trái, nhưng phán quyết rằng một hành động được đề ra có phù hợp với điều phải hoặc điều trái không, cho nên nó là hành động lành hay dữ.”

Thảm Trạng Có Thể Xảy Ra

ĐTGM nói tiếp rằng từ đó chúng ta biết rõ là lương tâm, như một phán đoán của con người, có thể sai.

Ngài ghi nhận, “Đó là lý do tại sao Hội Thánh dạy rằng lương tâm cần phải được đào luyện đúng cách. Rõ ràng là một người phải theo lương tâm để có trách nhiệm về luân lý. Nhưng trên thực tế không một người nào có thể cho rằng lương tâm của mình không sai lầm, bởi vì các quyết định của lương tâm tùy thuộc vào việc theo đúng luật luân lý khách quan mà không tạo ra luật luân lý. Nhưng lương tâm có thể sai lầm, cho nên trong trường hợp ấy có thể đưa đến thảm trạng.”

Sau khi giải thích tầm quan trọng của việc đào luyện lương tâm, ĐTGM quả quyết: “Có một lương tâm được đào luyện kỹ càng không phải là làm cho tự do của chúng ta bị giới hạn. Ngược lại, nó giúp cho chúng ta có một tự do đầy đủ và hoàn toàn, bởi vì trong mọi chọn lựa được thể hiện dựa vào một lương tâm được đào luyện kỹ càng chúng ta bước thêm một bước lại gần Thiên Chúa và một bước lại gần điều mà chúng ta thật sự muốn trở thành trong trái tim của các trái tim.”

Trách Nhiệm

ĐTGM Flynn kết luận: “Để sống trong Đức Kitô là sống như một Đức Kitô khác. Là sống cho chân lý và hiến mạng sống của chúng ta cho chân lý ấy như là những chứng nhân cho ân huệ mà chúng ta đã nhận được. Sống trong Đức Kitô là thương yêu chính mình và những người lân cận như Đức Kitô yêu thương.

“Tình yêu này không phải là một cảm giác. Nó là một ý muốn kiên vững. Nó là một sự luôn luôn chọn lựa điều tốt, và điều tốt ấy phải được soi sáng bởi chân lý mà lý trí nhận biết và được hoàn thành trong Đức Tin. Đó là chức năng của một lương tâm được đào luyên kỹ càng. Nó là một trách nhiệm ở bậc cao nhất. Nó là điều mà mọi người phải theo đuổi, vì nếu không có một lương tâm được chân lý thông tri, chúng ta không bao giờ tìm được sự no thỏa trong tình yêu mến Thiên Chúa và yêu thương những người lân cận.”

Conscience Is a Gift, Affirms Prelate [2008-05-23]
Archbishop Urges Formation in Relativistic World

Tác giả: Kathleen Naab

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Đọc nhiều nhất Bản in 27.05.2008. 11:15