Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Liên Đoàn Báo Chí Công Giáo Thế Giới (UCIP)

§ Vũ Văn An

Như hãng Zenit đã loan tin, các ký giả Công Giáo khắp thế giới đang chuẩn bị lên đường tới Ouagadougou, thuộc Burkina Faso, Phi Châu, dự hội nghị ba năm một lần, kéo dài một tuần lễ, từ ngày 12 tới ngày 19 tháng 9 tới, do Liên Đoàn Báo Chí Công Giáo Thế Giới tổ chức. Nhân dịp này, chúng ta hãy tìm hiểu một vài khía cạnh của Liên Đoàn.

Lai lịch Liên Đoàn Báo Chí Công Giáo Thế Giới

Giáo Hội Công Giáo, từ lâu, vốn ý thức được vai trò quan trọng của báo chí trong việc truyền bá sự thật, nên luôn luôn khích lệ các tín hữu dấn thân vào hình thức tông đồ này. Thực vậy, ngay từ đầu thế kỷ 19, nhiều hiệp hội báo chí Công Giáo đã được thành lập và một liên đoàn quốc tế đã được qui tụ. Năm 1905, ra đời Hiệp Hội Quốc Tế Báo Chí Và Xuất Bản Công Giáo. Năm 1917, ra đời Văn Phòng Quốc Tế Các Nhà Báo Công Giáo. Qua năm 1927, người ta thấy xuất hiện Liên Đoàn Báo Chí Công Giáo Thế Giới (UCIP), được Tòa Thánh công nhận cùng năm. Năm 1928, Liên Đoàn này gợi hứng thiết lập ra các tổ chức quốc tế chuyên ngành cho truyền hình, truyền thanh, điện ảnh và các phương tiện thính thị.

Năm 1930, đại hội thế giới UCIP lần đầu tiên được tổ chức tại Bruxelles, Bỉ, với sự tham dự của 230 đại biểu thuộc 33 quốc gia khác nhau. Từ năm 1950 tới năm 1960, thành lập ra các vùng và Ủy Ban Phát Triển. Năm 1969, Ủy Ban Phát Triển trở thành và khai sinh ra Hội Đồng Truyền Thông Công Giáo (CAMECO). Điều đáng lưu ý đối với chúng ta là năm 1979, Liên Hiệp Tin Tức Á Châu (UCANews) đã được thành lập và năm 1987, ra đời Hệ Thống Quốc Tế Các Nhà Báo Trẻ. Một năm sau, Đại Học Hè ra đời và 3 năm sau đó, là Chương Trình Bồi Dưỡng (Refresher Programme).

Mục tiêu: Liên Đoàn đặt cho mình nhiều mục tiêu, trong đó có vấn đề ưu tiên chú trọng tới văn hóa và lối sống, bảo vệ đạo đức và các giá trị, phát triển toàn diện các cá nhân như những nhân vị, phục vụ xã hội, Giáo Hội và nhân loại nói chung, tiếp tục đào luyện chuyên nghiệp trên bình diện thành phố, miền, lục địa và thế giới, công bố quan điểm về các biến cố, chính sách và các hậu quả của chúng trên thế giới, cổ vũ việc phát triển một nền truyền thông tự do và độc lập.

Liên Đoàn muốn hành động trong tinh thần những nhà báo chuyên nghiệp, độc lập, Công Giáo, cổ vũ và bênh vực tự do, đa dạng, sáng tạo, năng động, trẻ trung, chững chạc, lạc quan, nghiêm chỉnh; các dị biệt được tôn trọng và được chấp nhận trong tinh thần tự do thực sự; nói tiếng nói của thời đại, chú ý xem sét các dấu chỉ của thời đại, tôn trọng mọi người cũng như các điều kiện làm việc và sinh sống của họ; hướng về phục vụ, sẵn sàng có đó đối với mọi nhà chuyên nghiệp về truyền thông khắp thế giới; nhìn nhận các cố gắng gương mẫu của các nhà chuyên nghiệp truyền thông, làm căn bản cho việc phát triển toàn diện.

Hoạt động: không ngừng phát triển việc nối kết, tổ chức các đại học hè, các chương trình bồi dưỡng, giải thưởng báo chí và truyền thông quốc tế, hệ thống quốc tế các nhà báo trẻ, các hình thức nội trú, trao đổi tin tức, liên lạc khắp thế giới với các cá nhân và định chế, đại hội thế giới 3 năm một lần, xuất bản sách với các bài diễn văn chủ yếu của đại hội thế giới, các tài liệu để suy tư về các chủ đề liên hệ, cử đại diện và hợp tác với Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế, tổ chức các liên đoàn cho các nhật báo, tạp chí định kỳ, cho các nhà báo, cho ngành báo chí Giáo Hội, các hãng thông tấn, các giáo sư, các nghiên cứu gia, các nhà xuất bản, các nhiếp ảnh gia báo chí. Hiện nay, Liên Đoàn tổ chức thành vùng: Phi Châu, Âu Châu, Mỹ Châu La Tinh, Đông Á, Đông Nam Á, Nam Á, Bắc Mỹ, Trung Đông.

Đại Hội Thế Giới

Như vừa trình bày, hoạt động của Liên Hiệp hết sức đa dạng. Tuy nhiên, nổi nhất vẫn là đại hội thế giới ba năm một lần. Đại hội này giúp các nhà báo vượt qua các biên giới, thoát khỏi các thiên kiến, mở rộng tâm trí, tai mắt và đối thoại với thật nhiều các nhà báo và bằng hữu khắp nơi trên thế giới trong một tinh thần thực sự hoàn vũ. Đại hội qui tụ các nhà báo chuyên nghiệp, các nhà xuất bản và giáo sư truyền thông khắp thế giới để thảo luận cặn kẽ việc làm thế nào để chu toàn tốt nhất nghề nghiệp cao quí của mình, giúp cho các sáng kiến hòa bình có thể được đem ra thi hành và một thế giới công bình và hoà bình hơn được xây dựng.

Hiện nay, UCIP là định chế duy nhất tổ chức đại hội thế giới cho các nhà báo, các nhà xuất bản, các giáo sư ngành truyền thông và các nhà chuyên nghiệp về truyền thông khác trong ngành truyền thông thế tục và tôn giáo. Như thế, đại hội quả là nơi đầu tiên huấn luyện, đánh giá, nối kết và thăng tiến các nhà chuyên nghiệp này dưới ánh sáng các giá trị nhân bản vững chắc.

UCIP có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các biến cố mang lại lợi ích cao. Liên Đoàn từng tổ chức đại hội thế giới lần đầu ngay từ năm 1930, chỉ 3 năm sau khi chính thức được thành lập. Trong số 22 đại hội tính đến năm 2007, phần lớn được tổ chức tại Âu Châu (16 lần), sau đó tới Bắc Mỹ (2 lần: tại Gia Nã Đại và Hoa Kỳ), Mỹ Châu La Tinh (2 lần: tại Ba Tây và Á Căn Đình), Nam Á (1 lần tại Ấn Độ), Đông Nam Á (1 lần tại Thái Lan). Đại hội vào tháng 9 tới là đại hội đầu tiên tổ chức trên đất Châu Phi. Có điều đáng nói về đại hội tổ chức tại Bangkok vào năm 2004 là số người tham dự lên đến 1,071, đại diện cho 106 quốc gia. Đây là con số khá cao trong lịch sử tổ chức đại hội, tại một quốc gia mà số giáo dân Công Giáo hết sức nhỏ nhoi. Trong khi ấy, những quốc gia có đông người Công Giáo hơn như Việt Nam và cả Phi Luật Tân nữa cũng chưa đăng cai tổ chức được một đại hội thuộc loại này, dù các nhà báo Phi Luật Tân từng đoạt giải thưởng của UCIP (Jose Rebelo và Jose Aranas).

UCIP đã dành nhiều năng lực và tài nguyên tổ chức các đại hội nói trên, mà các nhà báo và các nhà chuyên nghiệp truyền thông cốn coi là những dịp đào luyện và học tập có tính hoàn vũ. Các nhà tổ chức địa phương chịu phần lớn các chi phí của đại hội. Các cơ quan, chiến dịch và định chế gây quĩ hỗ trợ bao nhiêu có thể. Điểm mạnh của UCIP là các thành viên trên khắp thế giới hiểu rõ sứ mệnh của các nhà báo và do đó thực hiện biến cố này với tầm nhìn nhằm phát triển ngành truyền thông tại từng địa phương và từng miền. Chính trong tinh thần này, Liên Đoàn cố gắng thực hiện nhiều chương trình hữu ích co các nước như Việt Nam, Cuba, Lebanon, Trung Quốc, Nga, Malawi, Burundi và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Nhiều chuyên gia truyền thông danh tiếng của quốc gia đăng cai và nhiều quốc gia khác được mời đọc các diễn văn chủ yếu, nhấn mạnh tới khía cạnh kinh nhgiệm và thực hành. Nhưng đại hội chú trọng đến việc thảo luận và trao đổi, kể cả những buổi thảo luận và tranh luận bàn tròn giữa các tham dự viên và các chuyên viên đến từ nhiều miền khác nhau, thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau… Tất cả các buổi hội học, thảo luận và tranh luận đều được ghi chép cẩn thận bởi các nhà chuyên môn về truyền thông.

Các chủ đề của đại hội được chọn lựa cẩn thận, giúp các nhà báo và các nhà chuyên nghiệp về truyền thông khác khai triển được lối tiếp cận tích cực khi tường thuật các biến cố trên thế giới, dưới ánh sáng phát triển con người toàn diện. Điều này cần hơn bao giờ hết trong thế giới ngày nay, một thế giới đang bị xâu xé bởi bạo lực và đang rất cần những nhà báo biết tôn trọng các giá trị nhân bản. Với cả ngàn tham dự viên, đại hội chắc chắn đem lại nhiều tác động lớn lao trong khía cạnh này. Đại hội không quên khía cạnh chuyên nghiệp, nâng cao tiêu chuẩn nghề nghiệp cho các tham dự viên, giúp họ vừa phục vụ nhân loại một cách tích cực vừa sống còn trong một bối cảnh cạnh tranh cao độ như ngày nay.

Nên nhớ: Hệ Thống Các Nhà Báo Trẻ Công Giáo cũng tham dự đại hội này và số tham dự viên do tổ chức này cung cấp cũng xấp xỉ bằng con số các tham dự viên khác. Họ chính là thế hệ tương lai, cầm vận mệnh ngành truyền thông Công Giáo trong những ngày tới và do đó, đóng vai trò chủ chốt trong việc lên khuôn thế giới và các xã hội của chúng ta. Người ta cũng nhận thấy con số phụ nữ tham gia đại hội thường cũng chiếm một nửa (khoảng 450 người). Ngày nay vai trò của phụ nữ trong truyền thông càng ngày càng được nhìn nhận, vì người đàn bà chủ yếu là người biết yêu thương và chăm sóc, hai nét mà thế giới bây giờ đang hết sức cần đến.

UCIP quan niệm rằng đã đến lúc người ta phải suy nghĩ như một thế giới, thay vì như những quốc gia, những vùng hay những lục địa. Hàng thế kỷ qua, chúng ta đã làm việc cho quốc gia của mình, cho nhân dân mình rồi. Ngày nay, có thể nào ta nghĩ tới nhân loại như một toàn thể không? Hội nghị thế giới của UCIP cố gắng đáp ứng nỗi mong chờ của con người trong nhiều thế kỷ qua muốn có bình đẳng, lo lắng cho mẹ địa cầu, cho làng hoàn vũ và cho tình yêu đối với nhau. Mỗi một cuộc hội ngộ đều là một biến đổi, mỗi một cuộc gặp gỡ đều là một cơ hội học hỏi nếu các phe liên hệ chịu cùng nhau hiện diện. Và không gì có thể thay thế được cuộc đối thoại mặt đối mặt. Càng gặp nhau, hiểu biết của ta càng tốt hơn, mà càng hiểu biết, ta càng phát triển mau chóng hơn, càng đạt được các mục tiêu hòa bình và phát triển.

Đại hội thế giới năm 2010

Đại Hội Thế Giới năm 2010 của UCIP sẽ là đại hội thế giới đầu tiên tổ chức tại lục địa Châu Phi, trong suốt 82 năm lịch sử của tổ chức này. Nhiều nước Phi Châu ngỏ ý muốn đăng cai tổ chức, nhưng UCIP đã quyết định chọn Burkina Faso vì tại đây sẵn có một đội ngũ địa phương có tính Châu Phi trọn vẹn và chân thực; đội ngũ này vốn được sự yểm trợ của chính phủ quốc gia. Tổ chức ở Châu Phi, UCIP nhằm tìm hiểu lục địa này, các thách đố cũng như các lắng lo hằng ngày của nó một cách tường tận hơn. Không cuộc học hỏi nào hay hơn cuộc học hỏi bằng tận mắt chứng kiến, có mặt tại chỗ; không cuộc hiểu biết nhau nào tốt hơn cuộc hiểu biết nhau bằng cùng chia sẻ một bữa ăn, cùng chia sẻ thì giờ với nhau.

Chủ đề đại hội lần này là “Truyền Thông Phục Vụ Công Lý Và Hoà Bình Trong Một Thế Giới Bất Bình Đẳng Và Nghèo Khổ”. Đại hội sẽ phơi bày các thực tại của thế giới hiện đại như đang kinh qua các khủng hoảng khác nhau về xã hội, tài chánh, môi sinh và văn hóa. Dù hiện nay, cuộc khủng hoảng kinh tế chưa hẳn qua đi, nhưng đại hội hy vọng sẽ đón tiếp khoảng 1,000 tham dự viên khắp thế giới, lý do: đại hội này được tổ chức tại một nền văn hóa thực sự Châu Phi nhưng lại hội đủ cả kỹ thuật hiện đại cũng như tiện nghi; đây sẽ là cơ hội hiếm có để thấy và để học về Phi Châu từ chính những con người Châu Phi đích thực; đây cũng là dịp hiếm có để đối chất với những quan tâm hàng ngày và hướng về tương lai tại một lục địa nơi mặt trời không bao giờ ngừng chiếu sáng, trái với hình ảnh bất công người ta vẫn có về nó như một “lục địa đen tối”; chủ đề của đại hội có tầm quan trọng và cực kỳ liên quan tới thực tại cụ thể không phải chỉ của riêng Châu Phi mà là của đa phần nhân loại nói chung.

Từ trước đến nay, người ta ít có cơ hội có được cái hiểu về Châu Phi từ chính người Châu Phi. Các công ty truyền thông không phải là Châu Phi dường như là nguồn cung cấp hơn 90% các câu truyện hay chương trình phát tuyến về Châu Phi. Nguồn này bao gồm các phóng viên ngoại quốc, các hãng truyền thông do người ngoại quốc làm chủ, đại diện các công ty đa quốc hay các cơ quan viện trợ, các công ty đại lý du lịch v.v… Thành thử đại hội thế giới lần này sẽ đem lại cho các tham dự viên cơ hội gặp gỡ các nhà chuyên môn và các nhà báo xuất thân từ Châu Phi. Mầu sắc, tinh thần và kỹ năng địa phương vốn là các giá trị và lý tưởng được UCIP khai triển suốt 20 năm nay qua các chương trình đại học hè và các khóa bồi dưỡng. Đại hội thế giới lần này là cơ hội đem các giá trị và lý tưởng này ra thử nghiệm

Hai ngày đầu đại hội sẽ dành cho các nhà chuyên nghiệp truyền thông dưới 35 tuổi, nhằm giúp họ giáp mặt với các thực tại cụ thể của thế giới, cũng như bơm những dòng máu mới vào nghề này, hy vọng đạt được một thay đổi trong khung cảnh truyền thông hiện nay. Các nhà báo kỳ cựu chào đón các đồng nghiệp trẻ, mong họ lãnh nhiệm vụ lớn hơn, biết nói tiếng nói của thời đại với một niềm hứng khởi gương mẫu và một tinh thần tích cực lớn lao. UCIP luôn nhằm tổng hợp kinh nghiệm, tính năng động và kỹ năng của cả thành viên trẻ lẫn thành viên già nhằm giúp họ luôn liên hệ mật thiết với khung cảnh truyền thông thế giới.

Đại học hè và các khóa bồi dưỡng

Đóng góp quan trọng khác của UCIP là các đại học hè và các khóa bồi dưỡng. Từ 1988, nhiều đại học hè đã được UCIP liên tiếp tổ chức, qui tụ các nhà báo, các nhà xuất bản, các giáo sư và các nhà chyên nghiệp truyền thông khác. Hình thức huấn luyện này dành cho các nhà báo năng động từ 40 tuổi trở xuống. Chương trình thường kéo dài từ 2 tới 4 tuần lễ nhằm giới thiệu các lục địa vốn xa lạ đối với các nhà báo về lịch sử, dân số, văn hóa, tôn giáo và xã hội của nó. Nhờ chương trình này, các nhà báo, khi tường thuật các biến cố, biết dõi một ánh sáng mới vào chủ đề và giúp họ khỏi lệ thuộc các hãng tin quốc tế. Các đại học này cũng nhằm bồi đắp tình liên đới giữa các nhà chuyên nghiệp về truyền thông qua việc thiết lập được một mạng lưới liên lạc, đặt căn bản trên lòng tôn trọng lẫn nhau, bất chấp mọi dị biệt, hướng tới một nền báo chí có trách nhiệm.

Với một học trình cô đọng bao gồm nhiều chủ đề khác nhau, hình thức đại học này đem lại một nền giáo dục đa dạng và thực tiễn hơn là các chương trình đại học bình thường. Tại đại học hè ở Gia Nã Đại và Mỹ, bài giảng của Giáo sư William Thorn đã tinh lọc được trọn bộ chương trình ông từng giảng dạy cho các sinh viên toàn thời gian. Tại đại học hè ở Ấn Độ và Pakistan, bài giảng của Bà Joytsna Chatterji về phụ nữ đã tóm lược cả một giảng khóa mà bà thường phân bổ cho suốt một học kỳ ở Đại Học Tân Đề Li.

Các khóa đại học hè này đặc biệt nhằm các đối tượng tại các quốc gia đang phát triển để trước nhất đánh đổ lối giáo dục tại các nước giầu, một lối giáo dục hủ hóa, bất công và phi nhân hóa. Đại học hè, ngược lại, là một diễn đàn trao đổi kinh nghiệm và ý kiến trên căn bản bình đẳng, trong một bầu không khí trung lập, giúp các tham dự viên thực sự hiểu các thách đố của đồng nghiệp mình. Không cần phải ra ngoại quốc tốn kém, các nhà báo của các quốc gia đang phát triển vẫn có thể khai triển được hạ tầng cơ sở giáo dục của họ.

Như trên vừa nói, các chủ đề của đại học hè rất đa dạng. Về xã hội, tham dự viên học hỏi về văn hóa, phong tục, các cấm kị, các nhóm thiểu số và các nhóm sắc tộc. Về hệ thống chính trị, họ học hỏi về chính phủ, quốc hội và hệ thống bầu cử; chính trị trên căn bản hàng ngày; dân chủ tại các nước và vùng chủ nhà; các khai triển mới đây; tác động và hậu quả của hệ thống chính trị. Về kinh tế, có các chủ đề: tình thế các nước chủ nhà và các nước lân bang; các cố gắng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, các thành công và thất bại; các khuynh hướng và cố gắng mới đương đầu với hiện tượng hoàn cầu hóa; khát vọng của nhân dân sống tại thành thị và nông thôn; ý kiến các nhà lãnh đạo địa phương và tôn giáo. Về truyền thông, có các chủ đề: xuất bản, phát tuyến, gặp gỡ các chủ bút và nhà báo, huấn luyện truyền thông, tự do báo chí, kiểm duyệt, tương lai báo chí giữa cảnh phân rẽ giầu nghèo mỗi ngày một tệ hơn. Về trẻ em, các học viên được nghe các chủ đề như tình huống trẻ em; các dự án phát triển, giáo dục và kĩ năng. Về tôn giáo, các đề tài sau đây thường được trình bày: ảnh hưởng của tôn giáo; đức tin lên khuôn cuộc sống người ta ra sao; các tôn giáo tân phúc âm, các liên hệ liên tôn, tranh chấp và đàn áp tôn giáo. Về nhân quyền: các vi phạm trên bình diện quốc gia và địa phương; các cơ quan làm việc trong lãnh vực này; phải làm gì để cải thiện tình huống? Về người tị nạn: nguyên nhân đàng sau việc di dân số đông người rời khỏi quê hương họ; các hậu quả đối với xã hội, chính trị và chính người tị nạn. Về lịch sử: hiểu chính xác hậu cảnh của một quốc gia luôn luôn đem lại ánh sáng để ta hiểu tình hình hiện nay.

Từ năm 1988 tới năm 2009, đã có gần 20 đại học hè được tổ chức khắp thế giới. Năm đầu tiên 1988, đại học hè được tổ chức tại Thụy Sĩ, Ý, Pháp và Liechtenstein. Lần thứ ba, tức năm 1991, đại học hè được tổ chức tại Ấn Độ và Pakistan (Nam Á). Năm 1994, đại học hè được tổ chức tại Kenya, Tanzania, Zimbabwe và Nam Phi; năm 1996, nó được tổ chức tại Hồng Kông và Macao (có thăm Trung Hoa và Đài Loan); năm 1999, có đại học hè tại Thái Lan và Căm Bốt (có thăm Việt Nam, Nam Dương và Phi Luật Tân)…; năm 2009, là đại học hè tại Venezuela.

Các chương trình bồi dưỡng phổ thông hơn. Các chương trình này bắt đầu vào năm 1991 và được tổ chức tại nhiều lục địa khác nhau. Càng ngày, chương trình này càng được yêu cầu nhiều hơn. Tính độc đáo và bản chất phi thường của chúng đã luôn luôn lôi kéo nhiều nhà báo hơn dự đoán. Mục tiêu hàng đầu là để đối phó với nguy cơ đe dọa tự do báo chí ngày càng trầm trọng, cả tự do tôn giáo nữa. Các vi phạm của chúng xẩy ra hàng ngày. Hai thứ tự do này gặp nguy cơ phần lớn do sự phân rẽ giầu nghèo ngày một gia tăng. Sự phân rẽ này mỗi ngày tạo ra tranh chấp và chiến tranh, phá hoại mọi cố gắng hòa bình và phát triển. Chương trình bồi dưỡng cung cấp một phân tích toàn bộ về tình huống này, giúp gìn giữ tự do nhằm ổn định và phát triển.

Dĩ nhiên, mục tiêu cụ thể của chương trình là giúp cải tiến phẩm chất việc tường trình của các nhà báo. Trong một thế giới đầy bất bình đẳng và bất khoan dung hiện nay, các nhà báo luôn ý thức nhu cầu phải khai triển đạo đức học và một hệ thống phân phối tín liệu đặt căn bản trên các giá trị liên đới, chia sẻ, bình đẳng và phẩm giá của mọi cá nhân. Các chủ đề vì thế nhấn mạnh tới tự do thông tri, đạo đức học trong báo chí, các tranh chấp trong lãnh vực truyền thông, các hệ thống chính trị.

Giữa các nhà báo, chương trình nhằm củng cố tình liên đới và bằng hữu, hướng tới các sáng kiến hợp tác và phát triển hỗ tương, trao đổi và học hỏi, khuyến khích và yểm trợ, giúp họ khám phá ra ý nghĩa thực sự của cuộc sống nghề nghiệp và bản thân.

Kéo dài một tuần lễ, các khóa này thường thảo luận các vấn đề nóng bỏng trong vùng và là cơ hội đối thoại giữa các nhà chuyên nghiệp truyền thông và các nhà lãnh đạo quốc gia cũng như tôn giáo tại đây.

Trái với các đại học hè, phần lớn các khóa bồi dưỡng này được tổ chức ngay tại các quốc gia đang mở mang. Các khóa trong ba năm đầu (1991, 1992 và 1993) đều được tổ chức tại Phi Châu. Ngoại trừ bốn khóa hoạ hiếm trong các năm 2003 (Québec, Gia Nã Đại), 2004 (Budapest, Hung Gia Lợi), 2006 (Moscow, Nga) và 2008 (Rôma, Ý), các khóa còn lại đều diễn ra tại các nước đệ tam như Croatia, Senegal, Argentina, Colombia, Peru, Cuba, Mali, Lebanon, Mexco, Brazil, Sri Lanka, Zimbabwe, Ấn Độ, Burkina Faso, Cộng Hòa Dominican, Congo, Bangladesh, Ghana, Pakistan, Paraguay, Tanzania... Ethiopia. Một lần nữa, không thấy một khóa nào được tổ chức tại Việt Nam, mặc dù nhiều nước ít người Công Giáo như Nepal cũng đã tổ chức được một khóa vào năm 2007 với chủ đề: Các Tôn Giáo, Các Công Ước Và Các Nhóm Thiểu Số, và 159 tham dự viên.

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 26.07.2010. 21:53