Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hội Đồng Giáo Hoàng Về Gia Đình

§ Vũ Văn An

Đức Hồng Y López Trujillo là một vị hồng y lỗi lạc của Giáo Hội. Thụ phong linh mục năm 1960, 11 năm sau, ngài được Đức Phaolô VI cử nhiệm làm giám mục phụ tá Giáo Phận Bogota, Colombia. Trước khi phục vụ tại Giáo Triều, ngài là tổng thư ký của Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh (CELAM), một chức vụ ngài giữ tới tận năm 1984, nổi tiếng chống lại khuynh hướng xã hội cấp tiến của một số linh mục và giám mục của Châu này, được coi là nhà lãnh đạo của phong trào chống lại nền thần học giải phóng, đã thành công trong việc đảo ngược lại một số cải cách do nền thần học này khởi xướng. Công việc đáng kể nhất của ngài trong giai đoạn này là tổ chức hội nghị lần thứ ba của CELAM năm 1979, trong đó, có sự tham dự của Đức Gioan Phaolô II. Cùng năm đó, ngài được cử nhiệm làm Tổng Giám Mục Medellín, nơi sinh sống của trùm ma túy Pablo Escobar. Tháng 2 năm 1983, ngài được Đức Gioan Phaolô II nâng lên hàng hồng y, trẻ nhất trong các hồng y lúc đó. Năm 1990. ngài được cử làm chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Về Gia Đình, nhưng vẫn giữ tước hiệu Tổng Giám Mục Hưu Trí của Medellín.

CardLopezTrujillo.jpg

Với tư cách chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Về Gia Đình, Đức HY Trujillo được coi là người gây nhiều ảnh hưởng trong việc cổ vũ các giá trị truyền thống, nhất là trong các vấn đề tính dục và thần học giải phóng. Ngài chủ trương lấy tiết chế làm giải pháp hữu hiệu trong việc ngăn ngừa không cho HIV lan tràn. Ngài tái khẳng định giáo huấn của Giáo Hội trong chủ trương coi việc sử dụng “áo mưa” là vô luân và đã tìm cách khuyên giải người Công Giáo không dùng nó bằng cách nhấn mạnh rằng việc ấy hoàn toàn không hữu hiệu trong việc ngăn ngừa HIV, dù bị một số khoa học gia cũng như Tổ Chức WHO của LHQ chống đối.

Ngài cũng cực lực chống đối hôn nhân đồng tính, phá thai (một cố gắng được nhiều nhóm, trong đó có Hội Bảo Vệ Trẻ Em Chưa Sinh, hết lời ca tụng), dùng tế bào gốc của phôi thai để nghiên cứu (cảnh cáo người Công Giáo nào liên can đến việc tạo ra các phôi thai với chiêu bài chữa bệnh hiếm muộn rằng họ sẽ bị vạ tuyệt thông).

Trong cơ mật viện bầu giáo hoàng năm 2005, Đức HY Trujillo là một trong các vị được coi là có thể trở thành giáo hoàng (papabile). Khi Đức Bênêđíctô XVI lên ngôi giáo hoàng, Đức HY Trujillo lại được đề cử giữ chức Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Về Gia Đình như trước. Ngày 19 tháng 4 năm 2008, sau 4 tuần nằm bệnh viện, ngài qua đời tại Rôma, do chứng nhiễm độc đường hô hấp, một biến chứng của bệnh tiểu đường, thọ 72 tuổi. Thánh lễ an táng, tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, do Đức Hồng Y Angelo Sodano cử hành, trong đó, chính Đức Bênêđíctô XVI giảng lễ và làm phép sau cùng.

Theo hãng tin Zenit, trước khi qua đời, Đức HY Trujillo có dành cho Juan Manuel Estrella một cuộc phỏng vấn mà mãi tới tháng 4 năm nay mới được công bố. Vì Đức Hồng Y đề cập tới công tác bảo vệ gia đình, bản chất quan phòng của văn kiện “Phúc Âm Sự Sống” cũng như vai trò của hai Đức GH Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI trong phạm vi này, nên hãng Zenit đã đăng tải nguyên văn cuộc phỏng vấn.

Việc thiết lập Hội Đồng Giáo Hoàng Về Gia Đình

Theo Đức HY Trujillo, buổi sáng ngày ngài bị mưu sát tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, Đức Gioan Phaolô II đã thiết lập Hội Đồng Giáo Hoàng Về Gia Đình. Đó chính là lý do khiến Đức HY Trujillo cho rằng Hội Đồng này đã được rửa tội bằng máu. Dù sao, việc tạo ra nó cũng là thành quả rõ ràng của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới Về Gia Đình và nhất là của Tông Huấn "Familiaris Consortio" là văn kiện ngài viết dựa trên các đề nghị của Thượng Hội Đồng. Văn kiện này vốn được coi là Đại Hiến Chương (Magna Carta) về gia đình và về chính Hội Đồng.

Cũng nên nhớ một điều: Đức Hồng Y Joseph Ratzinger chính là Tổng Thuyết Trình Viên (General Relator) của Thượng Hội Đồng này. Theo Đức HY Trujillo, có thể coi đây là “công tác nhóm” (teamwork) đầu tiên của Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI. Chính Đức HY Trujillo cũng được bầu làm thuyết trình viên của một tiểu ban, tiểu ban nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, nên có nhiều tiếp xúc gần gũi với Đức Đương Kim Giáo Hoàng.

Nói đúng ra, Hội Đồng Về Gia Đình phát sinh từ Hội Đồng Giáo Hoàng Về Giáo Dân, trong đó, có một ủy ban mà Đức HY Karol Wojtyla vốn là ủy viên. Lúc còn là TGM Krakow, Đức HY Wojtyla rất có kinh nghiệm về lãnh vực giáo dân cả theo nghĩa thần học lẫn nghĩa mục vụ. Ngay tại toà tổng giám mục, ngài có tổ chức một học viện về gia đình. Học viện này có các khóa học bắt đầu từ Tháng Tư, một tháng nằm giữa hai mùa Xuân và Hạ. Do đó, Hội Đồng Giáo Hoàng Về Gia Đình đã được thai nghén từ đó.

Vấn đề hôn nhân và gia đình cũng như tầm quan trọng của nó đối với xã hội có tính nền tảng đến độ chúng vượt quá các khả năng cũng như các giới hạn của Hội Đồng Giáo Hoàng Về Giáo Dân. Vì tiếp nối với “Familiaris Consortio”, phạm vi của nó rất rộng: đề cập tới mọi khía cạnh của gia đình và sự sống.

Nhiều chủ đề của Hội Đồng do chính Đức Thánh Cha ủy thác và ngày công khai phát động, Hội Đồng đã sẵn sàng giáp mặt với thế giới, quan tâm tới lợi ích chung của con người và xã hội nói chung, vốn được Hợp Tuyển Học Thuyết Xã Hội của Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý Và Hòa Bình nhấn mạnh. Các vấn đề gia đình như một chủ thể xã hội với chủ quyền đặc thù và các trách nhiệm chính trị của nó cho thấy một lãnh vực mênh mông mà ta phải coi là chính yếu đối với một chương trình mục vụ có tính hướng ra bên ngoài (ad extra) chứ không phải chỉ hướng vào bên trong (ad intra), nghĩa là không nên quan niệm chỉ có tính nội bộ của Giáo Hội (intra-ecclesial).

Đức Hồng Y Trujillo cho hay: khi được Đức Gioan Phaolô II triệu tới Rôma, ngài sẵn sàng chấp nhận lời yêu cầu của Đức Thánh Cha, nhưng quả không tưởng tượng nổi tầm cỡ của thách đố này cũng như các khó khăn và khả thể của nó, mặc dù vị tiền nhiệm của ngài là Đức Hồng Y Edouard Gagnon đã đặt cho Hội Đồng một cơ sở hết sức vững vàng. Tuy nhiên, Đức Hồng Y vẫn nhận rằng lời yêu cầu của Đức Gioan Phaolô II vừa là một ngạc nhiên vừa là một thách đố hào hứng đối với ngài. Vì được cộng tác với Đức Gioan Phaolô II bao giờ cũng là một đặc ân và một thay đổi hứng thú. Từ một giáo phận lớn là Medellín với một cơ quan lên đến 400 người trông coi mọi định chế của giáo hội địa phương chuyển tới một cơ quan nhỏ của Tòa Thánh quả là một tương phản lúc ban đầu. Nhưng tạ ơn Chúa, ở bên ngoài, Hội Đồng còn rất nhiều các cộng sự viên khác.

Đức Hồng Y thú thực: ngài không rõ lý do tại sao Đức Gioan Phaolô II để ý tới ngài. Ngài chưa bao giờ xin Đức Thánh Cha điều gì. Ngài biết Đức Thánh Cha lần đầu lúc làm tổng thư ký và sau này làm chủ tịch CELAM cũng như chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Colombia. Từ đó, Đức Hồng Y có nhiều dịp gặp Đức Thánh Cha, khá thường xuyên, vì ngài là thành viên của nhiều thánh bộ và hội đồng. Về gia đình, ngài có thực hiện một số công việc, như lập ra văn phòng đại diện giám mục lo về gia đình và lập ra một viện về gia đình tại Đại Học Giáo Hoàng Bolivia tại Medellín. Còn tại Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh, một văn phòng thư ký đầu tiên lo về gia đình đã được thành lập, sau biến thành một ủy ban. Ngài cám ơn Đức Gioan Phaolô II đã tín nhiệm trao cho ngài công tác quan trọng này vì biết rõ tình yêu của ngài đối với chính nghĩa gia đình và sự sống, một chính nghĩa rất nổi bật trong triều đại của vị giáo hoàng này, một vị giáo hoàng mà lòng hăng say phục vụ rất dễ “lây lan”.

Phúc Âm Sự Sống

Thông điệp "Evangelium Vitae" (Phúc Âm Sự Sống) của Đức Gioan Phaolô II được công bố năm 1995. Văn kiện này thoát thai từ một Cơ Mật Viện Đặc Biệt của Hồng Y Đoàn. Cơ Mật Viện này thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng dùng một hình thức văn kiện cao cấp để công bố ơn phúc Chúa ban là sự sống con người, coi như một thứ tin mừng đáng được công bố, bênh vực và hoàn toàn được hội nhập vào nền văn hóa sự sống.

Lời thỉnh cầu ấy được đưa ra là vì tình huống thế giới lúc đó, một tình huống thật nhiều nét tiêu cực, đáng lo ngại và đầy đe dọa, phản ảnh một nền văn hóa sự chết hết sức hung hăng hiếu chiến, trên hết nhắm vào những người yếu đuối và nghèo khổ nhất. Nguyên lại của “Phúc Âm Sự Sống” là thế.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đích thân xem sét thỉnh cầu này và tham khảo các giám mục hoàn cầu. Đáp ứng của các giám mục hoàn cầu, một đáp ứng vô tiền khoáng hậu đối với một thông điệp, đã được nghiên cứu một cách nghiêm chỉnh.

Trong cuộc nghiên cứu này, Hội Đồng Giáo Hoàng Về Gia Đình được Đức Gioan Phaolô II ủy thác việc xem sét các câu trả lời của các giám mục thế giới, vốn là chất liệu hàng đầu tạo ra “Phúc Âm Sự Sống”. Sau đó, Đức Gioan Phaolô II trực tiếp theo dõi các giai đoạn kế tiếp cũng như phân bổ những người cộng tác có nhiệm vụ soạn thảo thông điệp. Trong các giai đoạn tiếp theo này, Hội Đồng đã hợp tác gần gũi với các đại diện của Văn Phòng Quốc Vụ Khanh và nhất là với Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin trong các vấn đề được Đức Thánh Cha đích thân theo dõi. Chính Đức Hồng Y Trujillo đã có mặt trong các buổi tham khảo của khoảng 30 vị giám mục thế giới tụ tập tại Rôma để bàn về một số điểm của dự thảo thông điệp. Mỗi vấn đề đều được cân nhắc cẩn thận. Đức Hồng Y Trujillo cũng là người đã cùng Đức Hồng Y Ratzinger giới thiệu “Phúc Âm Sự Sống” cho giới truyền thông.

Trong lúc chuẩn bị, đã có người nêu ý kiến cho rằng văn kiện “Thư Gửi Các Gia Đình” đã đủ rồi, không cần một căn kiện mới làm chi, Đức HY Trujillo ủng hộ Đức Giáo Hoàng trong quyết tâm ban hành một thông điệp mới vì đây là ý nguyện của Hồng Y Đoàn đã đành mà còn là ý nguyện của các giám mục thế giới nữa.

Hội Đồng Giáo Hoàng Về Gia Đình phối trí các nhận định đầu tiên ngay tại văn phòng của mình, mặc dù chúng được Hàn Lâm Viện Sự Sống, một định chế vừa được thiết lập lúc ấy, ấn hành. Dù sao, “Phúc Âm Sự Sống” rõ ràng là lãnh vực thần học của gia đình, vì nếu không như thế, thì sứ mệnh và cái hiểu về hôn nhân và gia đình của ta sẽ bị thu gọn một cách đáng kể.

Sau những chuẩn bị thích đáng và “mang nặng” khó khăn như trên, quả là hân hoan được thấy thông điệp này ra đời. Và ngày nay, ta mới có được một văn kiện qúy giá, một văn kiện được chính Đức Giáo Hoàng đích thân can dự vào. Văn kiện có tiếng vọng vang dội và là một di sản đẹp đẽ, được Đức Bênêđíctô XVI, người từng góp công lớn trong việc chuẩn bị, tiếp nhận và sử dụng để cổ vũ tính ưu tiên dành cho gia đình.

Đức Hồng Y Trujillo cho rằng “Phúc Âm Sự Sống” quả có tính nhìn xa trông rộng, nhất là trong môi trường nghị viện ngày nay: tiến bộ khoa học tuy nhiều nhưng vì chủ nghĩa tuyệt đối, một chủ nghĩa vốn bị Đức Hồng Y Ratzinger chỉ trích, người ta cho rằng khoa học là vô biên, khiến xã hội không cần tới các nguyên tắc và giá trị luân lý nữa, Thiên Chúa bị loại bỏ khỏi sinh hoạt xã hội, ý thức về luật lệ bị đảo lộn. Với việc nhà nước dành độc quyền bạo lực, tình trạng lộn xộn cao độ kia quả đã phi nhân hóa con người qua việc tội ác biến thành luật lệ, điều vốn được “Phúc Âm Sự Sống” nhấn mạnh và Đức Hồng Y Ratzinger năng nói tới. Nền dân chủ, trong môi trường ấy, quả thoái hóa, chịu để quyền của những người yếu đuối nhất bị vi phạm, chịu để sức mạnh lấn lướt luật lệ.

Đức Gioan Phaolô II

Đối với Đức Hồng Y Trujillo, nhiều “chuyên gia” về Vatican muốn đặt một mâu thuẫn giữa chính sách cởi mở của Đức Gioan Phaolô II đối với các vấn đề nhân quyền, tự do nhân bản nói chung và chính sách khép kín, quá bất khoan dung đối với những vấn đề về gia đình, về sự sống, về luân lý tính dục, không dành bất cứ một chỗ nào cho phá thai, ngừa thai, không lui bước trước bất cứ áp lực nào đối với ly dị, người ly dị tái kết hôn v.v…

Họ nghĩ như vậy vì thực ra họ chưa bao giờ đào sâu các đòi hỏi của đức tin cũng như niềm vâng phục đối với Giáo Hội. Và do đó, họ tạo ra sự mù mờ khiến người ta nghĩ rằng về các chủ đề ấy, họ được tự do tuân theo hay không tuân theo thông điệp của Đức Thánh Cha. Nhưng đây đâu phải việc tự do theo hay không theo mà là điều bắt buộc. Đức Thánh Cha không tìm cách tránh né việc người ta không hiểu mình hay không kết án mình. Trong số những người này, không thiếu các thần học gia cũng như các nhóm thời thượng vốn rất ít đồng cảm đối với Giáo Hội.

Nhưng ở đây, ta thấy một bài học hữu ích: sự ủng hộ trên khắp thế giới, đối với thông điệp, của tín hữu, của những người không phải là Kitô hữu và của cả những người không có niềm tin đã không hề suy suyển bởi lối nhìn sai lạc trên đây. Quần chúng nhìn thấy nơi Đức Thánh Cha một con người, trong tư cách đầy tớ Chúa Kitô, hết lòng yêu chân lý toàn diện. Họ cảm thấy họ được Thánh Kinh chất vấn. Cuộc đời và cái chết của người đầy tớ trung thành này lúc nào cũng là một cuộc phúc âm hóa. Trong Cuộc Hội Ngộ Thế Giới Các Gia Đình trong Năm Gia Đình, Đức Hồng Y Trujillo chào mừng ngài là “Giáo Hoàng của gia đình và sự sống”. Tước hiệu này quả là một tước hiệu xứng đáng và làm nhiều người xúc động và ghi nhớ mãi mãi.

Vị giáo hoàng xuất thân từ Ba Lan này dĩ nhiên sáng chói ở nhiều lãnh vực khác nhau, nên dù có thêm bao nhiêu tước hiệu đi chăng nữa, chúng vẫn không nói hết được nét phong phú trong thừa tác vụ của ngài. Tuy nhiên, theo Đức HY Trujillo, sự đóng góp phi thường của Đức Gioan Phaolô II vào phúc âm gia đình và sự sống chắc chắn là dấu ấn của ngài.

Chưa bao giờ trong quá khứ lại có một vị giáo hoàng công bố Phúc Âm này một cách sôi nổi và chuyên chú đến vang dội khắp thế giới như vậy. Trọn bộ giáo huấn của ngài thật vĩ đại và là con đường chắc chắn không phải chỉ dành riêng cho người Công Giáo, mà cho mọi người. Theo đức Hồng Y, người ta nên tiếp nhận giáo huấn ấy với một lòng biết ơn và không nên cắt xén hay thêm bớt gì theo những hạn chế dễ chịu của riêng mình. Hội Đồng Giáo Hoàng Về Gia Đình luôn cố gắng trung thành với giáo huấn ấy, không hề tìm cách bóp méo năng lực cũng như các khó khăn trong đó.

Đức Hồng Y cũng tâm sự: nhiều khi, Đức Gioan Phaolô II khuyên ngài nên lội ngược dòng. Và cũng chính với chiều hướng ấy, ngài đã ủy thác Hội Đồng Giáo Hoàng Về Gia Đình cho Đức Hồng Y. Đức Giáo Hoàng luôn ý thức được những cơn bão tố nổi lên chống đối các chủ đề do ngài nêu ra. Nhưng con đường của Đức Thánh Cha là luôn tìm cách tôn trọng phẩm giá con người, tình yêu đích thực, vốn nẩy sinh từ trái tim Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương ta và cứu vớt ta trong chân lý. Mà chân lý thì luôn đồng hình đồng dạng với khuôn mặt Chúa Kitô. Đó là một chân lý đã biến thành sự sống trong Ngôi Lời Nhập Thể.

Đức Hồng Y tin rằng sứ điệp của “Phúc Âm Sự Sống” mời gọi người ta thay đổi, chịu dành chỗ cho Phúc Âm trong cuộc sống họ. Điều này có thể thực hiện được, dù có sự mù mờ, lầm lẫn của nhiều chính phủ và quốc hội trên thế giới. Những mù mờ lầm lẫn này sẽ bị ánh sáng chói lọi của chân lý xóa tan.

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 24.07.2010. 21:17