Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ: thế nào là Phá thai trực tiếp và thế nào là Thủ tục y tế hợp pháp

§ Trần Mạnh Trác

WASHINGTON - Ủy ban Tín Lý cuả Hội Đồng Giám Mục HK vừa ra thông cáo ngày 23 Tháng Sáu nêu lên sự khác biệt giữa hai thủ tục y tế, một là phá thai trực tiếp và hai là thủ tục y tế hợp pháp tuy vẫn có thể dẫn đến phá thai cách gián tiếp.

Thông cáo này nhằm làm sáng tỏ cuộc tranh luận đã xảy ra giữa hai phái Thần Học và phái Luân Lý học sau vụ Sơ Margaret Mary McBride dòng Thương Xót (Mercy Sister) bị cách chức và bị vạ tuyệt thông vì đã quyết định cho phép một vụ phá thai tại Phoenix vào cuối năm 2009.

Abortion_flag_baby.jpg

Các tranh luận đã xoay quanh vấn đề khi phá thai cho một phụ nữ bị bệnh nguy cấp thì được kể là phá thai trực tiếp hay là phá thai gián tiếp.

Trường hợp tại Phoenix liên quan đến một phụ nữ đã mang thai được 11 tuần và bị tăng huyết áp động mạch phổi, một điều kiện mà bệnh viện cho rằng có nguy cơ gần như chắc chắn là phải chết nếu tiếp tục mang thai.

Sơ Margaret Mary McBride, với tư cách phó giám đốc ủy ban đaọ đức của bệnh viện, đã quyết định cho phép phá thai, tin rằng những chỉ đạo hiện hành cuả giáo hội cho phép như vậy.

Khi sự việc được trình lên toà Giám Mục, đức Giám mục Thomas J. Olmsted của Phoenix cho biết vào ngày 14 tháng 5 rằng Sơ Margaret đã bị vạ tuyệt thông tiền kết (tự động).

Đức giám mục nói rằng "trực tiếp giết chết một đứa trẻ chưa sinh luôn luôn là vô đạo đức, không có luật trừ, và không thể cho phép xảy ra trong bất kỳ tổ chức nào mang danh hiệu Công giáo."

Đáp lại, ban giám đốc cao cấp cuả Catholic Healthcare West, một hệ thống y tế cuả San Francisco mà bệnh viện St Joseph trực thuộc, đã gửi một bức thư ngày 17 tháng 5 đến đức Giám mục Olmsted cho biết "Nếu đã có một cách nào để kéo dài thai kỳ và vẫn có an toàn cho người mẹ thì chúng tôi đã làm nó. Chúng tôi đã tin là không có. "

Nhắc lại việc những tổ chức Công Giáo mỗi khi phải quyết định những việc khó xử thì dựa vào những hướng dẫn trong "Chỉ đạo về luân lý và đạo đức cho Dịch vụ Chăm sóc Y tế Công giáo" ("Ethical and Religious Directives for Catholic Health Care Services,").

Để giúp phân biệt thế nào là phá thai trực tiếp và thế nào là thủ tục y tế hợp pháp có thể đưa đến việc kết thúc sự sống của một thai nhi còn gọi là phá thai gián tiếp, ủy ban Tín Lý đã dẫn giải hai chỉ đạo số 45 và số 47 khác nhau thế nào.

Về chỉ đạo 45: "Phá thai (có nghĩa là, việc chấm dứt trực tiếp và có dự định một bào thai chưa có tính khả thi (có khả năng sống được ngoài tử cung) hoặc phá hủy trực tiếp và có dự định một bào thai có tính khả thi) là không bao giờ được phép. Tất cả các thủ tục mà mục đích duy nhất là việc chấm dứt thai kỳ (dù cho là còn ở thời kỳ trước khi có tính khả thi) là một phá thai. Xét về phương diện đạo đức thì thai kỳ là gồm cả khoảng thời gian giữa lúc thụ tinh và lúc trứng bám vào tử cung. "

Vì vậy, theo thông cáo thì "trực tiếp phá thai là không bao giờ được phép về mặt đạo đức. Một người không bao giờ được trực tiếp giết chết một người vô tội, bất kỳ vì lý do gì."

Về chỉ đạo 47: "Những mổ xẻ, điều trị và thuốc men có mục đích trực tiếp và cân đối (không làm quá việc phải làm) để chữa một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng của một phụ nữ mang thai thì vẫn được phép khi họ không thể an toàn hoãn lại cho đến khi thai nhi có tính khả thi, ngay cả khi việc ấy sẽ gây ra cái chết của đứa trẻ chưa sinh. "

Để cho rõ ràng hơn, ủy ban cung cấp hai ví dụ liên quan đến một thai nhi chưa đủ lớn để có thể tồn tại bên ngoài tử cung.

Ví dụ thứ nhất liên quan đến một người sản phụ gặp nhiều vấn đề với một hoặc nhiều cơ phận, rõ ràng là bị gây ra vì gánh nặng thai ngén. Và bác sĩ đề nghị nên phá thai để bảo vệ sức khỏe của người phụ nữ.

Ví dụ thứ hai, một sản phụ bị ung thư tử cung. Bác sĩ đề nghị phẫu thuật để loại bỏ tử cung là cách duy nhất để ngăn ngừa lây lan. Loại bỏ tử cung cũng sẽ gây ra cái chết của thai nhi.

Ủy ban cho biết trường hợp đầu tiên là phá thai trực tiếp. Bởi vì phẫu thuật (phá thai) là phương tiện để giảm căng thẳng trên các cơ phận chứ không trực tiếp sửa chữa các cơ phận hư hỏng.

"Cuộc phẫu thuật (phá thai) tuy đưa đến việc cải thiện chức năng của các cơ phận, nhưng chỉ là một cách gián tiếp, tức là, bằng cách gỡ bỏ gánh nặng gây ra bởi cái thai mà giảm bớt nhu cầu tổng thể đặt trên các cơ phận. “

"Dùng phẫu thuật để chấm dứt cuộc đời của một người vô tội thì luôn luôn là sai lầm từ bản chất. Không có thể biện minh dưới bất kỳ tình huống nào," ủy ban Tín Lý tuyên bố.

Trường hợp thứ hai theo ủy ban là ", một thủ tục y tế khẩn cấp cần thiết và vô tình gián tiếp... gây cái chết của một đứa trẻ chưa sinh."

Cuộc phẫu thuật nhắm trực tiếp vào vấn đề sức khỏe của người phụ nữ bằng cách loại bỏ một cơ quan bị hỏng, và "không trực tiếp nhắm vào sự sống của thai nhi... cái chết của đứa trẻ là một tác dụng phụ ngoài ý muốn và không thể tránh khỏi và không phải là mục tiêu của phẫu thuật. "

"Không có gì sai trái với bản chất phẫu thuật là để loại bỏ một cơ quan hư hỏng," ủy ban Tín Lý tuyên bố.

Với thông cáo trên, ủy ban Tín Lý đã chủ yếu bác bỏ ý kiến cuả một số nhà thần học cho phép phá thai để giải quyết tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi một phụ nữ mang thai phải đối mặt với cái chết gần như là chắc chắn, trong lúc việc mang thai còn ở trong thời kỳ mà thai nhi chưa có tính khả thi.

Ủy ban Tín Lý lên án, "Những giảng dậy này (ý kiến thần học vừa nói ở trên), ủng hộ việc trực tiếp lấy đi một cuộc sống chưa sinh, đã được giới truyền thông lan truyền rộng rãi ở cấp quốc gia, gây nhầm lẫn giữa một số người Công giáo. "

Ủy ban trích dẫn lời đức Giáo hoàng John Paul II: "Không có tình huống, mục đích, hoặc luật lệ nào có thể hợp pháp hoá một hành động mà bản chất đã là bất hợp pháp."

Trần Mạnh Trác

Đọc nhiều nhất Bản in 25.06.2010. 19:01