Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

HĐGM Hoa Kỳ và Liên HĐGM châu Âu kêu gọi cầu nguyện cho cuộc gặp giữa Hoa Kỳ và Nga về hạt nhân

§ Ngọc Yến

Hôm thứ Hai 22/6/2020 tại thủ đô Vienna của Áo, đã diễn ra một cuộc họp cấp cao giữa Hoa Kỳ và Nga để thảo luận về việc kiểm soát vũ khí hạt nhân và vận mệnh của Hiệp ước START mới. Nhìn nhận đây là một sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến hòa bình của toàn thế giới, HĐGM Hoa Kỳ và Ủy ban Đối ngoại của Liên HĐGM châu Âu (COMECE) đã đưa ra một tuyên bố chung mời gọi các Kitô hữu cầu nguyện cho một thế giới hòa bình và công bằng hơn.

Bản tuyên bố chung này được ký bởi Đức cha David J. Malloy, Chủ tịch Ủy ban công lý và hòa bình của HĐGM Hoa Kỳ và Đức cha Rimantas Norvila, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Liên HĐGM châu Âu.

Các vị lãnh đạo Giáo hội viết: “Chúng tôi mời gọi tất cả tín hữu Công giáo và tất cả những người có đức tin hiệp nhất cầu nguyện cho cuộc đối thoại đem lại hiệu quả, giúp đạt đến việc kiểm soát và giải trừ vũ khí, thúc đẩy một thế giới hòa bình và công bằng hơn”.

Các Giám mục nhắc lại những lời của các vị lãnh đạo Giáo hội trong năm 2017: “Đối với nhiều người, nỗi kinh hoàng của một cuộc chiến tranh hạt nhân đã nằm ngoài ý thức với việc kết thúc chiến tranh lạnh, nhưng những diễn biến địa chính trị gần đây nhắc nhở chúng ta rằng thế giới chúng ta vẫn đang gặp nguy hiểm”. Vì thế, các Giám mục hy vọng cuộc gặp gỡ giữa hai siêu cường có thể được “đánh dấu bằng trí tuệ” vì “kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân có một ưu tiên cao”.

Bản tuyên bố kết thúc bằng việc trích dẫn những lời của Đức Thánh Cha tại Nhật Bản: “Cầu nguyện không mệt mỏi để hỗ trợ các thỏa thuận và kiên trì đối thoại là những ‘vũ khí’ mạnh nhất giúp xây dựng một thế giới công bằng và liên đới, có thể mang lại một sự bảo đảm hòa bình đích thực”.

Nếu Hiệp ước START mới thất bại, Hoa Kỳ và Nga sẽ không có giới hạn ràng buộc về mặt pháp lý và kiểm chứng kho vũ khí hạt nhân giữa họ. Tình hình này có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh châu Âu và hòa bình toàn cầu. (CSR_4758_2020)

Ngọc Yến - Vatican News

Đọc nhiều nhất Bản in 23.06.2020 11:30